Số lần đọc/download: 3171 / 150
Cập nhật: 2015-12-17 20:35:50 +0700
Phần VII: Nước Ý
Venise và những cuộc tình gondola
Tôi đến với thành phố trên mặt nước Venise vào một ngày mùa đông lạnh tê tái, sau khi trải qua 15 tiếng đồng hồ ngồi xe đò từ Pháp sang. Như để đền bù cho chuyến đi dài mệt nhọc, Venise hiện ra lãng mạn, ngộ nghĩnh và thân thiện. Từ bến xe tôi đi bộ chừng mười phút thì đến khách sạn nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ. Mang tiếng là khách sạn hai sao nhưng phòng tôi bé tẹo, với chiếc giường con và chiếc ti-vi xinh xắn. Người đàn ông trung niên làm công việc tiếp tân vui vẻ chỉ đường cho tôi ra quảng trường Saint Marco, khu trung tâm Venise. Ông kết luận đơn giản: "Không lạc được đâu, vì khắp nơi là các mũi tên chỉ đường ghi rõ 'Saint Marco'. Từ đó trở về lại khách sạn mới là vấn đề, nhưng cô chỉ cần hỏi, dân Venise chúng tôi hiếu khách lắm".
Thủy tinh và mặt nạ Venise
Háo hức, tôi bước vội ra đường, ngay trước mặt tôi là cửa hàng bán đồ lưu niệm bằng thủy tinh Venise. Có thể thủy tinh của Áo là số một thế giới về chất lượng, nhưng thủy tinh ở Venise hút hồn tôi ở tính sáng tạo tuyệt vời của các nghệ nhân Ý. Những món nữ trang lấp lánh, những tấm tranh sắc sảo, những đồ trang trí độc đáo. Tôi quyết định mua cho mẹ một đôi bông tai thủy tinh cực đẹp có kiểu dáng khá trẻ trung với ý đồ "đen tối", nếu mẹ chê không hợp tuổi, tôi sẽ thừa hưởng nó. Sát bên tiệm thủy tinh là vô số các shop bán những món quà đặc biệt chỉ có ở Venise như mặt nạ Carnival, các bộ quần áo hóa trang dành cho lễ hội, các loại trang phục lụa tơ tằm, các mô hình thu nhỏ của ghe gondola... Mặt nạ Carnival được làm bằng thạch cao hoặc sứ, trang trí độc đáo bằng các họa tiết cầu kỳ, bên phần trán của mặt nạ thường dát vàng rực rỡ. Mỗi một mặt nạ là một kiểu trang trí khác nhau vô cùng đa dạng nhưng có cùng một đặc điểm là lộng lẫy, choáng ngợp và vương giả. Tôi mua vài mặt nạ bé bỏng, cao chỉ 10cm. Những chiếc mặt nạ này chỉ để làm quà, dùng trang trí trong những căn phòng nhỏ. Giá trung bình là 10 euros. Mặt nạ kích thước càng lớn, giá càng cao nhưng cũng đẹp hơn và mang hồn Venise hơn.
Kênh lớn
Không muốn sa đà vào chuyện shopping, tôi quyết tâm thẳng tiến ra quảng trường Saint Marco. Băng qua các con hẻm lớn nhỏ và những chiếc cầu xinh xinh, tôi đến Kênh Lớn (Grand Canal) lúc mặt trời đỏ ối đang trườn dần xuống biển. Đứng trên chiếc cầu lớn bắc ngan kênh, nhìn sang hai bên bờ, những mái nhà ngói hồng, tường bằng gạch nung đỏ dường như cũng đang chìm dần xuống sóng nước dập dìu.
Venise được xây trên hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, được chống đỡ bởi hàng triệu cây cọc đóng sâu xuống lòng đất. Đã xem phóng sự về Venise trên ti-vi, nhưng có tận mắt nhìn thành phố hoàn toàn được nước bao phủ khắp nơi, cảm thấy chân mình dường như cũng bồng bềnh, tôi mới thấm thía cho phong cách kiến trúc độc nhất vô nhị của thành phố này. Hai bên kênh đào là vô số các cung điện cổ từ thế kỷ thứ 13 với các mái vòm vương giả, lộng lẫy, huy hoàng. Con Kênh Lớn là đường huyết mạch, hình chữ S uốn cong, chảy vắt ngang Venise thơ mộng. Vào buổi hoàng hôn, mặt nước phản chiếu ánh đỏ của ráng chiều, hắt lên những dinh thự bằng đá cẩm thạch theo kiến trúc Gothic, sóng vỗ nhẹ vào bờ làm chao liệng những chiếc ghe gondola đang neo cột trên bến.
Những cuộc tình gondola
Và rồi sau một hồi đi loanh quanh theo những mũi tên chỉ đường, tôi cũng đến được quảng trường Saint Marco khi trời vừa tắt hẳn những sợi nắng cuối cùng. Mặc dù vậy, quảng trường vẫn hiện ra trong ánh đèn đêm lung linh và huyền ảo. Saint Marco được xây dựng trải dài qua nhiểu thế kỷ nên các phong cách kiến trúc không đồng bộ dù vẫn có nét hài hòa chung. Từng chi tiết nhỏ, từng họa tiết, từng viên gạch, từng phiến đá..., tất cả đều được các nghệ sĩ thực hiện chăm chút, công phu, tỉ mỉ và đầy chất sáng tạo. Mùi cà phê cappuccino, mùi phô-mai nóng chảy trên các bánh pizza, mùi kem vani... từ các nhà hàng bay ra thơm lừng. Tôi chợt nhớ mình còn chưa ăn buổi trưa nên chọn đại một nhà hàng be bé chui vào. Còn sớm nên khách chỉ có tôi và một bàn khác. Người phục vụ lịch sự hỏi tôi có muốn ngồi ở ngoài trời, sát bên mé sông cho lãng mạn không. Đang là mùa Đông nên cái giá cho sự lãng mạn không bị tính thêm tiền. Nếu mùa Hè thì khác. Khách du lịch nào cũng muốn ngồi ngoài trời ngắm những chiếc ghe gondola bồng bềnh lướt qua, giá đắt hơn là phải. Tôi quyết định chọn ngồi ngoài trời. Dù sao đến Venise vào mùa Đông đã là dại dột, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Người khách ngồi bàn bên kia cũng đơn độc nên nói với sang sẽ mời tôi một món tráng miệng. Ông ta dân địa phương, người Venise đích thị. Tôi ôm túi sang bàn ông ngồi cùng cho vui. Dù biết cũng nên cẩn thận với người mới gặp tình cơ, nhưng e dè quá sẽ làm mình mất dịp trò chuyện thú vị. Ông hỏi tôi đã thuê ghe gondola dạo quanh Venise chưa. Giá của một lần thuê ghe bao nhiêu tôi chưa rõ, chắc chắn rất xa xỉ với một người đi du lịch bụi, đến Venise bằng xe đò đêm và xài tiền theo kiểu Việt Nam như tôi. Quê ngoại toi vùng sông Mê-kông, tôi ngồi xuồng ba lá lướt qua những tán dừa nước cũng lãng mạn chán chê rồi. Gondola không cần thiết nữa, vả lại tôi chỉ đi có một mình, Venise dù lãng mạn lắm cũng "chỉ thế mà thôi!". Cười phá lên trước tường trình dài dòng của tôi, ông ta cho biết hàng năm có cả ngàn phụ nữ cô đơn trên khắp thế giới đến Venise mộng mơ với ước nguyện tìm được một mối tình. Họ thuê ghe gondola có những anh chèo ghe vạm vỡ, đẹp trai và duyên dáng. Thế là một mối tình gondola giữa những nữ du khách tỉ phú cô đơn và các chàng chèo ghe người Venise nghèo nàn ra đời. Vấn đề là mối tình bồng bềnh ấy kéo dài bao lâu? Tôi hỏi, thắc mắc thật sự. Ông bạn mới quen lại cười phá lên, bảo không thấy có tài liệu nào thống kê, thôi thì cứ mong một kết thúc có hậu. Trò chuyện vui vẻ với ông nhưng tôi vẫn cảnh giác chẳng dám nhận những món tráng miệng ông mời, sợ... có thuốc mê! Và rồi chúng tôi chia tay, chẳng ai biết tên ai. Tôi lại lang thang tìm đường quay lại khách sạn trong đêm đông giá lạnh. Đúng là quá dại dột khi đến Venise một mình, lại vào mùa Đông. Suốt dọc đường tôi toàn gặp các cặp tình nhân ôm nhau thắm thiết, trông họ ấm cúng và hạnh phúc quá đỗi. Chẳng biết trong số họ có cặp nào xuất xứ từ mối tình gondola?
Bình minh ở Saint Marco
Sáng hôm sau tôi lại đến quảng trường Saint Marco lúc trời còn tờ mờ, trên sông dày đặc sương bay bảng lảng, những chiếc ghe gondola neo đậu bập bềnh, cảnh trí thật huyền ảo, thực thực hư hư. Quảng trường có đại sảnh vương giả với hàng cột dài chạy dọc theo hành lang. Bên trong hành lang ấy là các shop thời trang, quà lưu niệm, nhà hàng, tiệm cà phê... Quảng trường còn có tháp đồng hồ cao ngạo nghễ, hai bên là tượng người Moaris luôn gõ chuông báo hiệu mỗi giờ. Saint Marco được các dãy nhà vây quanh thành hình chữ nhật với kiến trúc sinh động và đẹp mắt. Ngoài ra, đàn bồ câu mấy ngàn con đang đậu đen nghịt chờ du khách cho ăn là điểm nhấn tuyệt vời cho quảng trường của thành phố Venise. Tôi mua một ít hạt đậu, rải ra và tức thì những chú chim hòa bình sà đến ríu rít tìm mồi.
Tôi biết chỉ với hai đêm ngắn ngủi lưu lại Venise sẽ chẳng đủ cho tôi chiêm ngưỡng thành phố độc đáo này. Vì phải mất trọn 365 ngày mới mong tham quan đủ mọi ngóc ngách, mới đến được các đảo nhỏ là xưởng thổi thủy tinh xem các nghệ nhân trổ tài, mới vào được các dinh thự có vườn hoa rực rỡ... Các thiên phóng sự truyền hình về Venise năm nào cũng được làm, vậy mà năm nào cũng có những điều mới lạ. Rất nhiều khách du lịch thú nhận dù đã đến đây trên dưới mười lần nhưng lần nào cũng phát hiện ra những điều thú vị mới. Thôi thì tôi chỉ biết tận dụng tối đa thời gian ít ỏi để tận hưởng Venise theo cách riêng của mình. Này là cung điện Catola có kiến trúc Gothic tuyệt mỹ từ thế kỷ thứ 16, nay cung điện được dùng làm nhà trưng bày mỹ thuật. Cung điện dường như được dát vàng nguyên chất và nạm các loại đá quý vào các cây cột bằng cẩm thạch vững bền. Cung Catola được xem là một công trình mẫu mực thời kỳ đầu của phong trào Phục Hưng. Này là các công trình kiến trúc đa dạng nằm dọc theo con Kênh Lớn: cung điện, nhà thờ, biệt thự... Này là cầu Than Thở, này là những hẻm nhỏ rêu phong, này là những chiếc cầu hình vòng cung oằn lên điệu đàng, này là nước, này là ghe, này là những đôi tình nhân, này là những nụ hôn đắm đuối...
Có đến Venise tôi mới tin rằng cảnh trí làm nên tình yêu. Vẻ lãng mạn, huyền ảo, mơ màng của Venise làm tê liệt những tính toán thiệt hơn và đẩy người ta chỉ sống với cảm xúc, vốn luôn bất biến và chẳng bền vững. Sau chuyến đi tôi đã viết truyện ngắn Đổ thừa Venise (tập Bồ câu chung mái vòm) với triết lý này. Vậy bạn hãy đến Venise với hy vọng tìm cho mình một tình yêu lãng mạn, nhưng dù kết thúc có hậu hay không cũng đừng đổ-thừa-Venise nhé!
o O o
Milan và cuộc sống tươi đẹp?
Lần đầu đến Ý, đất nước mang hình đôi ủng hứa hẹn nhiều thú vị, tôi chọn ngay Venise thơ mộng. Rời Venise với sóng nước dập dìu, tôi rơi ngay vào một thái cực khác của nước Ý để thấy rằng nơi đây là một cuộc sống vô cùng đối lập giữa giàu sang tột độ và nghèo khổ tột cùng. Thành phố nào lại gây cho tôi cảm giác hụt hẫng nhưng cần thiết đó? Milan! Milan!
Thực dụng Milan
Nhà ga Milan rộng lớn và hoạt động rầm rộ với những chuyến tàu ngược xuôi châu Âu. Đây là thành phố lớn thứ hai của Ý và là nơi giàu có nhất đất nước này. Rời khỏi nhà ga tôi đi bộ vài bước là rơi vào một khu phố khách sạn dày đặc.Tôi ngụ tại một khách sạn ba sao trong khu này. Vì không chuẩn bị đặt chỗ trước, giá phòng đắt gấp đôi bên Pháp. Nhân viên lễ tân đòi khách đưa passport nhưng vứt hờ hững trên quầy rồi quay lưng làm chuyện khác. Khi tôi lên tiếng có ý lo ngại sẽ bị mất passport, anh chàng cả cười nói một câu đụng chạm tự ái dân tộc dễ sợ: "Passport Việt Nam ai thèm lấy!". Và để minh chứng cho điều này, những người khách Nhật vừa bước vào đã được mọi người trong khách sạn rạp mình đón tiếp! Thấy vẻ khó chịu trên mặt tôi, một cô khách Thụy Sĩ cười an ủi: "Dân Ý thực dụng lắm, ở Milan này họ còn cà chớn hơn mấy nơi khác, thành phố công nghiệp mà!". "Biết thân biết phận", tôi chỉ có thể lầm bầm vài câu rồi cầm bản đồ chuẩn bị ra phố.
Giáo đường con nhím
Giáo đường Duomo bằng cẩm thạch nổi lên sừng sững giữa trời Milan. Đây là ngôi giáo đường lớn thứ ba ở châu Âu. Vì thế, nơi đây thu hút một lượng lớn khách du lịch quốc tế. Giáo đường được mệnh danh là "con nhím" vì lối kiến trúc như những vách đá được điêu khác dày đặc các tượng thánh lớn nhỏ, những hoa văn lớm chởm và họa tiết theo kiến trúc Gothic chỉa ra rối rắm. Thế nhưng, cái vẻ vô tổ chức như những sợi lông nhím tua tủa đó lại có một cách kết hợp hài hòa kỳ lạ, không uổng công hàng chục thế hệ nghệ nhân vắt mình trên không để hoàn thiện ngôi giáo đường này trong suốt gần 500 năm (khởi công năm 1386 và hoàn thành năm 1813). Những người bán hàng rong lam lũ cầm trên tay những chiếc khăn choàng, mời gọi hãy mua để khoác vào vai, tỏ lòng tôn kính trước khi bước chân vào ngôi nhà của Chúa. Trẻ em cũng tham gia vào đội ngũ bán hàng, gương mặt các em đen nhẻm, giọng nói nặng của người miền Nam. Ở các vùng này, cuộc sống vẫn còn rất khó khăn, người dân sống chủ yếu nhờ nông nghiệp nhưng là một nền nông nghiệp lạc hậu, không đủ sức cạnh tranh với những nước phát triển phương bắc. Hằng năm những người dân Ý ở các vùng nông thôn hẻo lánh này vẫn tìm cách đổ bộ vào các nước Pháp, Đức, Thụy Sĩ... để tìm một cuộc sống khả dĩ hơn, dù họ cũng chỉ có thể được thuê mướn để làm hầu phòng, lao công, làm vườn...
Tôi bước chân vào giáo đường Duomo với một tâm trạng buồn bã, càng buồn hơn khi thấy bên trong thánh đường thật bao la, sang trọng, vương giả với những dãy cột đá khổng lồ, những tấm kính màu lộng lẫy, những viên gạch cẩm thạch trơn bóng. Sức chứa của ngôi giáo đường thật đáng kinh ngạc, lên đến 40 ngàn người. Nếu may mắn vào đây lúc nhạc thánh ca vang lên, sự cộng hưởng âm thanh được tính toán chi li sẽ làm ngôi giáo đường biến thành một nhà hát Opera chuyên nghiệp nhất. Một bà người Pháp vốn không tin Chúa lại cho toi một niềm tin rằng khi đến bất kỳ một thành phố xa lạ nào, hãy bước chân vào một nhà thờ, những ước nguyện thành tâm nhất sẽ thành hiện thực. Tôi làm thử vài lần, ước những gì thực tế nhất và khả thi nhất. Quả tôi đã toại nguyện. Lần này, đứng nhỏ nhoi trong ngôi giáo đường Duomo vĩ đại, tôi "cả gan" ước một điều cũng vĩ đại không kém: Hòa bình cho muôn nhà, công bằng cho mọi trẻ em, bình đẳng cho mọi giới tính!
Tổng hành dinh của hàng hiệu
Thế nhưng vừa bước chân ra khỏi thánh địa uy nghi Duomo, tôi lại rơi ngay vào thực tế ở một thành phố thời trang cực kỳ xa xỉ Milan. Sát bên ngôi thánh đường này là Galleria Vittorio Emanuele II, "tổng hành dinh" của mọi hàng hiệu cao cấp nhất trên đời này. Tòa nhà shopping center cao ngút mắt và rộng mỏi chân. Những mái vòm trên đầu thật ngạo nghễ, những phiến gạch dưới chân sáng chói lòa. Này là Versace, Prada, Armani, Breil, Gucci, Dolce e Gabbana, Ferragamo, Furla... của những nhà tạo mẫu người Ý, này là Louis Vuitton, Chrstian Dior, Chanel, Yves Saint Laurent.. của Pháp, và còn hằng hà sa số những nhãn hiệu khác đủ mọi quốc tịch.
Những bộ trang phục hàng hiệu này có một đặc điểm chung: đường cắt cup rất khéo, đường kim mũi chỉ rất sắc sảo, màu sắc hài hòa và kiểu dáng cực kỳ đơn giản. Những đôi giày da giá trên một ngàn euros có chất liệu mềm mại nhưng kiểu dáng vô cùng giản dị. Đến kinh thành thời trang này tôi mới thấm thía cho câu cửa miệng của người Pháp "La simplicité fait la beauté" (Sự đơn giản làm nên vẻ đẹp). Những quí bà thời trang nhất là người biết cách phục sức giản dị, ít họa tiết, chẳng thèm hoa hòe hoa sói gì. Bởi chính sự tự tin đủ khiến họ toát ra một vẻ đẹp từ bên trong.
Hàng năm vào tháng mười, hàng trăm nhà báo, dân kinh doanh về thời trang và giới nghệ sĩ đổ về Milan xem các bộ sưu tập được giới thiệu và bày bán tại Galleria này. Công bằng mà nói, khiếu thẩm mỹ và có sáng tạo của người Ý thật tuyệt vời. Hình như mỗi người Ý sinh ra đã có gien nghệ sĩ trong mình, họ có một sự nhạy cảm đặc biệt đối với màu sắc, kiểu dáng và vải vóc.
Cuộc sống tươi đẹp
Ở gian hàng Versace, một chiếc quần đùi thật bình thường giá tám trăm euros. Một cậu thiếu niên người Mỹ há hốc miệng nhìn rồi lẩm bẩm rõ to: "Mặc quần này vào chắc... cháy cu!". Tôi tự bịt miệng mình khỏi bật cười phá lên. Xung quanh tôi khách du lịch phần nhiều cũng đều window-shopping (chỉ đi để nhìn ngắm). Thế nhưng ở quầy trang sức, một thiếu phụ bán hàng nói tiếng Pháp đã trò chuyện với tôi nhiều điều. Bà người Pháp lấy chồng Ý, làm việc ở đây được hai năm. Bà cho biết phần lớn khách mua hàng là người Nhật, người Bắc Âu; người Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã bắt đầu bỏ tiền ra chi xài rất đậm tay. Đặc biệt, người Ý, vốn có thu nhập bình quân đầu người còn thua các nước láng giềng như Pháp, Đức, Bỉ... lại dám vào đây mua sắm rất "bạo liệt". Bà cho biết có đến 40% người Ý tự nhận mình tài giỏi và giàu có, họ yêu bản thân và cuộc sống hiện tại nên chẳng đắn đo mấy khi chi hơn 50% thu nhập cho những thứ không mấy bức thiết như quần áo, giày dép thời trang, du lịch nước ngoài, nhà cửa (nhà thứ hai ở ngoại ô chỉ để nghỉ hè). Phụ nữ ở Milan ăn diện hơn hẳn các bà chị láng giềng xứ phồn hoa Paris. Trong khi các Parisienne chỉ dám tiêu xài tính toán vào các khoản thời trang, quí cô Milan "chịu chơi" hết biết với khẩu hiệu muôn đời của dân Ý "La dolce vita" (cuộc sống tươi đẹp). Tại sao phải tằn tiện cho tương lai khi hiện tại cuộc sống quá đẹp cần được ta hưởng thụ một cách trọn vẹn nhất?
Thế nhưng cuộc sống không hề tươi đẹp với rất nhiều người Ý còn sống trong mức nghèo khổ. Ở những vùng miền Nam nước Ý hoặc chính tại thành phố xa hoa Milan, vẫn còn đó rất nhiều người làm việc quần quật 10-12 tiếng một ngày. Những cậu bé đánh giày ngoài phố, những người mẹ lao công kiếm tiền gởi về quê nuôi con ăn học, những người anh lái taxi phụ giúp gia đình mưu sinh vất vả. Giá trị gia đình vẫn còn rất cao trong những gia đình Ý, tính đùm bọc, tính thương yêu rất đong đầy.
Chia tay Milan phồn hoa đô hội cũng những mảnh đời trái ngược hoàn toàn, tôi vẫn tiếc cho nước Ý tài hoa mà không phát triển bằng các nước phương Bắc. Có thể vì họ quá nghệ sĩ, họ không thèm hơn thua với đời, họ quá tự kiêu, họ còn tư tưởng ăn xổi ở thì, hoặc có thể vì... Mafia thao túng? Dù sao, ấn tượng về một nước Ý thời trang với những nghệ sĩ tài hoa luôn luôn sâu đậm.Milan! Milan!
o O o
Rome với quá khứ kiêu hùng
Tôi đến Rome cùng một nhóm bạn vào một đêm xuân. Khách sạn chúng tôi đặt trước qua mạng Internet trở mặt nói chưa từng nhận email xác nhận sẽ đặt phòng. Một cách rất ma mãnh, họ đẩy bọn tôi ra đường lúc đã một giờ khuya. Đang mùa cao điểm lễ Phục Sinh, chúng tôi đành chấp nhận vào một khách sạn khác với giá rất "quá đáng". Thế mà cũng chưa yên, cửa kính bị vỡ làm gió lùa lạnh lẽo, nước không nóng nên tắm xong đứa nào cũng "đánh bò cạp". Sáng ra thì bữa ăn điểm tâm bị tính thêm tiền thay vì miễn phí như đã thỏa thuận đêm qua. Bấy nhiêu đó đủ cho tôi thấm thía vì sao dân châu Âu hay thành kiến người Ý khá lưu manh. Những chi tiết này tôi có đưa vào truyện ngắn Bất chợt ở La Mã (tuyển tập Bồ câu chung mái vòm) nhưng truyện có vẻ hài hước hơn so với thực tế chúng tôi phải tranh luận rất phiền muộn ở Rome. Với một lượng du khách khổng lồ hàng năm lên đến 50 triệu người, Ý không mấy quan tâm đến vấn đề uy tín như ở các nước đàng hoàng Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan...
Thủ đô nghệ thuật
Bỏ qua những chuyện không vui, thành La Mã xứng đáng là thủ đô của đất nước nghệ thuật. Ý là nơi có số lượng các kiệt tác tính trên cây số vuông nhiều nhất thế giới. Ở Rome, những báu vật nghệ thuật được trưng ra khắp nơi ngoài phố, ở những quảng trường, tại những bồn nước và kể cả từng viên gạch lót đường. Nhiều tác phẩm được đánh giá là rất mẫu mực của điêu khắc và kiến trúc cổ đại hòa với phong cách thời Phục Hưng nằm rải rác khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Rome. Cứ vài bước chân là bạn lại chạm trán với một bồn phun nước được điêu khắc tinh xảo, các thành quách, các bức tượng cẩm thạch đẹp vô hồn. Những kiệt tác ấy trải qua bao nhiêu thế kỷ vẫn trường tồn với thời tiết bốn mùa. Người dân đôi khi họ quên mất kho tàng đang ở bên mình. Trẻ con cứ tha hồ mà chạy nhảy trên những bồn phun nước có các cụm tượng đẹp tuyệt vời bằng cẩm thạch theo phong cách Baroque hoa mỹ. Những giáo dân địa phương đi lễ trong các nhà thờ có đầy các bức tranh vẽ trên tường và tượng những vị thánh xứng đáng được trưng bày trang trọng tại các bảo tàng danh giá nhất. Quảng trường Navona với quần thể tượng bằng cẩm thạch "Đài phun nước bốn con sông" của điêu khắc gia Bernini cũng được dân Rome vô tư chiếm dụng làm chỗ nghỉ chân thoải mái.
Đấu trường La Mã Colosseum
Ngoài các tác phẩm nghệ thuật với vô số tượng, tranh, thành quách nằm lộ thiên khắp nơi, đến Rome bạn không thể quên Đấu trường La Mã Colosseum, nơi thu hút khách du lịch đông nhất thành phố.
Đấu trường xây dựng vào khoảng năm 69 sau Công nguyên, được vua La Mã yêu cầu phải tìm các loại vật liệu kiên cố có khả năng "trơ gan cùng tuế nguyệt". Chu vi của đấu trường dài nửa cây số, cao hơn 55 mét, xây hoàn toàn bằng đá. Với sức chứa 50 ngàn khán giả, hệ thống thang lầu phải thoáng giúp khán giả đi lại dễ dàng. Trải qua gần 2000 năm lịch sử, đấu trường Colosseum đã "sứt mẻ" ít nhiều tuy vẫn đứng sừng sững giữa trung tâm Rome một cách ngạo nghễ nhất. Chúng tôi đi loanh quanh tự chụp hình, từ chối không chụp chung với những anh chàng mặc đồ võ sĩ giác đấu vì... thấy ghét! Họ tùy tiện ra giá theo quốc tịch của khách du lịch. Nhật, Mỹ, Bắc Âu... giá cao, Pháp vốn keo nên giá trung bình, nghèo nghèo như mấy nước Bắc Phi giá sát ván. Giỏi mặc cả như dân Việt Nam cũng được discount tí chút, nhưng bản mặt võ sĩ giác đấu sẽ "chằm vằm", nhìn khó coi vô cùng.
Đài phun nước Trevis và đồng xu ngây thơ
Sát bên đấu trường Colosseum là đồi Palatino với những phế tích còn sót lại của các thành quách và lâu đài. Trên đồi vào mùa xuân có rất nhiều loại cây toàn hoa màu hồng đẹp rực rỡ níu chân du khách đứng lại chụp những tấm hình lưu niệm. Chụp với hoa không bị tốn một đồng xu nào, lại đẹp vì màu hồng của hoa chiếu sang làm sáng bừng khuôn mặt. Tuy nhiên bạn sẽ không thể khoe đang ở Rome vì tấm hình này bạn có thể chụp bất cứ đâu tại châu Âu. Vì thế, hãy đến đài phun nước Trevis, nơi đặc biệt nổi tiếng ở Rome.
Đài phun nước đẹp tuyệt vời với quần thể tượng các vị thần Hy Lạp bằng cẩm thạch, bầy ngựa trắng kiêu hùng và những phiến đá chảy nước róc rách xuống một cái hồ con. Đài Trevis được xây vào năm 1735 và luôn lưu giữ một huyền thoại tuy khó tin nhưng ai cũng muốn thử. Hãy ném một đồng xu xuống đáy hồ, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội quay lại Rome lần nữa. Nhìn xung quanh du khách nào cũng hí hửng ném đồng xu. Người cả tin ném đồng 5 euros, kẻ nghi ngờ chọn đồng 1 euros, ai keo kiệt nhưng cũng muốn thử thời vận thì thẹn thùng vứt xuống đồng vài centime. Người bạn đi chung nhóm với tôi cho biết anh vừa xem truyền hình làm một phóng sự về những người chuyên đi vớt đồng xu tại các đài phun nước ở Rome. Vào mùa du lịch, có ngày họ thu được mấy ngàn euros như chơi. Mặc, tôi vẫn thích ném đồng xu và chọn đồng 1 euro. Cho đến nay đã sáu năm kể từ ngày hè "ngây thơ" đó, tôi vẫn chưa có dịp quay lại Rome. Lẽ ra tôi nên ném xuống đài phun nước Trevis đồng 5 euros chăng?
Ngôi đền "thủng một lỗ"
Ngoài đài phun nước Trevis, Rome còn sở hữu nhiều đài phun nước khác cũng rất lộng lẫy và lãng mạn, tại hầu hết các quảng trường. Đài phun nước trước đền Pathenon là một trong những nơi nên đến, nhất là khi tôi có thể tiện chân ghé vào ngôi đền độc đáo này. Nơi đây được xem là công trình cổ nhất thành phố, hoàn thành vào năm 125 sau công nguyên. Một anh chàng hướng dẫn du lịch đẹp trai "dã man" đang oang oang khoe ngôi đền có mái vòm "thủng một lỗ" này được thiết kế siêu ở chỗ mưa gió không bao giờ có thể tạt vào được dù lớn đến mức nào. Nhìn lên mái vòm có một lỗ tròn đường kính khoảng một mét, mặt trời đang rọi vào như một cái giếng con, tôi hoài thắc mắc sao mưa lại không thể lọt vào. Và dù vốn bản tính đa nghi, tôi đành tin lời chàng hướng dẫn vì bên trong đền là vô số các bức tranh cổ của họa sĩ Paolo Giovanni Pannini vẽ từ thế kỷ thứ mười tám. Chàng hướng dẫn đẹp trai đã dẫn đoàn khách đi mất, đám chúng tôi còn mãi đứng lại xuýt xoa.
Má ơi, đẹp quá!
Nhắc đến vẻ đẹp của dân Ý, phải công bằng nhìn nhận rằng tỷ lệ người đẹp của họ quá cao so với các dân tộc khác. Làn da rám nắng, mắt đen, mũi thanh, miệng rộng vừa phải, vóc dáng thanh mảnh, cao tầm thước. Tôi đặc biệt thích nhìn cảnh sát Ý mặc đồng phục, trông họ khỏe khoắn, đầy nam tính mà vẫn có gì đó thẹn thùng, lãng mạn. Nhất là khi tôi thích chọc ghẹo họ bằng câu: "Che bel pezzo d'uomo" học được từ một thằng bạn Ý. Dù mặt "hình sự" đến đâu, khi nghe khen "Chàng mới đẹp trai làm sao!", bất cứ anh cảnh sát súng ống đầy mình nào cũng bật cười thân thiện và vui lòng cho chúng tôi cùng chụp hình lưu niệm. Có người nhiệt tình đến mức cho tôi mượn nón cảnh sát đội lấy uy nữa. Còn phụ nữ Ý thì nổi tiếng đẹp "rùng rợn" rồi. Hai chàng trai Việt đi chung nhóm với tôi cứ chắt lưỡi hít hà "Má ơi, đẹp quá! Má ơi, đẹp quá!" mỗi khi thấy một nàng xinh xắn lướt ngang.
Ấn tượng ban đầu về thủ đô Roma làm du lịch "ăn xổi ở thì" từ từ nhường chỗ cho những ánh mắt thân thiện, những nụ cười rạng ngời, những vẻ đẹp như tạc. Mặc dù vậy, Rome vẫn là nơi sống nghiêng về quá khứ với những di sản để lại từ cha ông. Người La Mã, Hy Lạp và Ai Cập cách nay mấy ngàn năm được xem là những dân tộc hùng mahj và phát triển vượt bậc về khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, triết học... Thế nhưng giờ đây những quốc gia đó chẳng còn là những cường quốc nếu như không muốn nói là mức sống của họ thấp hơn các nước láng giềng. Đến Rome để thấm thía một triết lý tưởng rất bình thường nhưng không phải ai cũng quan tâm: dù đạt được những thành tựu to lớn, nếu không cố gắng tiến bộ, chính chúng ta sẽ bị thụt lùi so với chung quanh.
o O o
Sững sờ Florence
Tôi đến Ý ba lần, thăm tổng cộng bốn thành phố, Rome lịch sử, Venise thơ mộng, Milan thời trang và Florence nghệ thuật. Mỗi nơi mỗi vẻ, đều có một đặc điểm chung rất Ý nhưng cũng tạo nên tính cách riêng của mình. Và, tôi "say" Florence hơn, nơi được mệnh danh là một trong những thành phố tráng lệ nhất thế giới.
Tác phẩm nghệ thuật chất cao như núi
Florence ôm trọn trong lòng mình những kiệt tác kiến trúc mà kẻ ngoại đạo như tôi cũng phải cúi đầu ngưỡng mộ. Thành phố tuy thế, không chỉ chứa đựng những công trình hàng ngàn năm tuổi mà nơi đây còn toát lên vẻ trẻ trung rất nức lòng. Theo UNESCO, có đến 60% những công trình kiến trúc quan trọng nhất của loài người nằm ở đất nước mang hình đôi ủng, mà phân nửa số đó lại nằm ở Florence.
Trước khi đến Ý, tôi đã đi gần như hết các thành phố lớn của châu Âu. Và trước khi đến Florence, tôi đã đi qua những nơi trứ danh khác của Ý. Vậy mà, tôi còn biết dùng từ gì chính xác hơn để tả cảm giác ban đầu khi bước chân ra khỏi nhà ga ngoài hai chữ "sững sờ"? Tại Florence, cứ cách vài bước chân là một công trình vươn cao ngạo nghễ mà duyên dáng, là một bức tượng sừng sững mà mềm mại, là một bồn phun nước hoành tráng mà gần gũi. Rồi hằng hà sa số những tòa lâu đài cổ, những ngôi giáo đường, những viện bảo tàng mà bên trong chứa đựng cũng hằng hà sa số những kiệt tác nghệ thuật. Đó là điểm khác biệt lớn so với các công trình rỗng ruột ở các thành phố nghệ thuật ở châu Âu. Bên trong tất cả các công trình ở Florence, bạn sẽ choáng ngợp với nào là những bức tranh, những pho tượng, những bức tường chạm trổ công phu. Tất cả đều là những kiệt tác được làm từ bàn tay những nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng như Leonardo de Vinci, Dante, Boccaccia, Michelangelo...
Cái nôi của phong trào Phục Hưng
Florence là nơi phong trào Phục Hưng còn để lại nhiều dấu ấn nguyên vẹn nhất. Từ thế kỷ 15 - 16, phong trào này được các thương gia giàu có yêu nghệ thuật thổi bùng lên ngọn lửa đam mê. Họ trân trọng thuê các nghệ sĩ tài năng về tạc tượng, vẽ tranh, xây dinh thự cho gia đình mình. Điểm nổi bật của tư tưởng Phục Hưng là yếu tố con người làm chủ cuộc đời mình, con người chủ động chọn cho mình một số phận riêng. Với triết lý định mệnh không thể khuất phục con người, những gì ưu tú nhất, đẹp đẽ nhất, thánh thiện nhất của loài người đều được các nghệ sĩ thể hiện thật tài tình thông qua các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, kiến trúc, triết học... Đến Florence, tôi có cảm tưởng những con người thời Phục Hưng thật hoàn thiện, họ không chỉ là những nghệ sĩ sống với cảm xúc mà họ còn có tri thức về nhiều phương diện khoa học. Điều này giúp óc sáng tạo của họ tuy được bay bổng nhưng các tác phẩm được tính toán chính xác để có thể hoàn thiện một cách toàn diện trường tồn với thời gian, gây sững sờ cho các thế hệ đời sau. Leonardo de Vince là một ví dụ của lớp nghệ sĩ thời kỳ này, ông là kết hợp hoàn hảo một nhà khoa học chính xác, một kỹ sư cẩn thận, một nghệ sĩ tài hoa, vào trong tất cả các tác phẩm của mình. Nhìn những bức tượng, bức tranh của ông, tôi thấy rõ sự đề cao cái đẹp hình thể, nghệ thuật hòa hợp với hoàn cảnh sống, ý chí định hướng cuộc đời theo ý mình.
David cường tráng mà dịu dàng
Dẫu biết Florence là cái nôi của phong trào Phục Hưng, tôi vẫn hoài thắc mắc trong khâm phục, vì đầu những nghệ sĩ này có thể để lại cho đời hàng núi kiệt tác được tạo ra với bao công phu và phải tiêu tốn hàng tháng trời lao động miệt mài? Có đến Florence và tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc dày đặc, những kiệt tác nghệ thuật "chất cao như núi", tôi mới thấm thía rằng chỉ bằng con đường lao động nghiêm túc chứ không phải do cảm hứng sáng tạo nhất thời, người nghệ sĩ mới làm nên các tác phẩm để đời. Bức tượng David trứ danh 500 năm tuổi của Michelangelo cũng được trân trọng đặt ở thành phố Florence này. Ngước nhìn pho tượng bằng cẩm thạch, một loại đá siêu cứng, tôi chỉ còn biết suýt xoa khi thấy vẻ mềm mại trên từng sớ thịt, thậm chí từng đường gân nổi lên trên cơ thể chàng David cường tráng mà dịu dàng. Một người bạn gái lớn tuổi nhưng chưa chồng của tôi mua ngay một poster in tượng David có chiều cao như người thật. Cô hy vọng treo poster này trong phòng ngủ để... lấy hên.
Nhà thờ Duomo và cầu Vecchio
Một trong những công trình kiến trúc thu hút khách du lịch chụp hình mà thất bại (vì quá sừng sững) nhất là nhà thờ Duomo of Florence bằng cẩm thạch với kiến trúc Gothic và nghệ thuật nạm sứ Moorish. Chiếc cầu xinh đẹp có mái che Vecchio lại là nơi được các nữ du khách chọn đến thăm nhiều nhất. Bởi đơn giản bên trong cầu là một hành lang shopping bán hàng lưu niệm độc đáo. Với riêng tôi, nơi đây ghi dấu một kỷ niệm đẹp: tôi bất chợt gặp một người đàn ông mặc áo thụng đen, đẹp như một bức tượng của Michelangelo và trông giống y như đức cha Ralph de Bricasa của phim Những con chim ẩn mình chờ chết.
Ở Florence, ngoài những kiệt tác, những bức tượng mà phần lớn là... không mặc quần áo, bạn còn có thể được gặp những chàng trai, cô gái đẹp như tạc. Hẳn họ là những người mẫu cho các nghệ sĩ lớn làm nên tên tuổi. Nếu muốn tí phiêu lưu, hãy thuê xe vespa chạy vòng vòng ngắm các công trình kiến trúc và các bức tượng đặt ngoài trời. Nếu thấy chưa đủ, bạn có thể mua vé vào bảo tàng Uffizi, nơi trưng bày các tác phẩm vô giá của những tên tuổi lừng danh như Botticelli, Leonardo da Vinci, Michelangelo, Titian, Rubens...
Ở Florence, tất cả đều tuyệt từ các công trình kiến trúc, các kiệt tác nghệ thuật cho đến các khách sạn, nhà hàng với giá cả phải chăng hơn những thành phố du lịch khác của Ý. Trừ việc, phải, trừ việc có quá nhiều khách du lịch luôn chen chúc nhau trên đường phố, luôn che tầm ngắm của máy chụp hình, luôn bắt bạn phải xếp hàng dài khi muốn mua bất kỳ một dịch vụ nào. Thế nhưng với tôi, chút bất tiện đó chẳng sá gì so với cảm giác sững sờ suốt mấy ngày lưu lại Florence, thành phố huyền thoại.