Within you, I lose myself. Without you,

I find myself wanting to be lost again.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Khaled Hosseini
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 109
Cập nhật: 2021-02-23 22:41:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ám
MÙA THU 2010
Tối nay, tôi từ bệnh viện về nhà thì thấy có tin nhắn của Thalia trên điện thoại bàn trong phòng ngủ. Tôi bật nó lên trong lúc cởi giày rồi ngồi vào bàn. Cô bảo tôi cô bị cảm lạnh, mà cô chắc chắn là bị lây từ Mamá*, rồi cô hỏi thăm tôi, hỏi xem công việc của tôi ở Kabul thế nào. Cuối cùng, trước khi cúp máy, cô nói, Cô Odie suốt ngày hỏi sao cậu không gọi điện. Tất nhiên là bà không bảo cậu rồi. Thế thì tôi đành nhắc thay vậy. Markos. Vì tình yêu của Chúa. Gọi cho mẹ cậu đi. Cậu là đồ con lừa.
Mẹ (tiếng Hy Lạp).
Tôi mỉm cười.
Thalia.
Tôi giữ một bức ảnh của cô trên bàn, bức ảnh tôi đã chụp nhiều năm về trước trên bãi biển ở đảo Tinos - Thalia ngồi trên một tảng đá, lưng quay về phía ống kính. Tôi đã đóng khung bức ảnh, dù nếu nhìn kỹ, ta vẫn có thể thấy một đốm nhỏ màu nâu sẫm ở góc trái bên dưới do một cô gái Italia khùng điên từng tìm cách đốt nó nhiều năm trước.
Tôi bật laptop lên và bắt đầu gõ biên bản phẫu thuật ngày hôm trước. Phòng tôi ở tầng trên - một trong ba phòng ngủ trên tầng hai ngôi nhà nơi tôi sống từ khi đến Kabul hồi năm 2002 - còn bàn làm việc của tôi ở bên cửa sổ nhìn xuống khu vườn phía dưới. Từ đây tôi có thể nhìn ra những cây sơn trà mà người chủ nhà cũ của tôi, Nabi, và tôi đã trồng mấy năm trước. Tôi cũng có thể thấy nơi một thời là chỗ ở của Nabi dọc theo bức tường sau, giờ đã được sơn sửa lại. Sau khi cụ qua đời, tôi dành chỗ này cho một anh bạn trẻ người Hà Lan đang giúp học sinh trong vùng học công nghệ thông tin. Còn bên phải là chiếc Chevrolet đời 1940 của Suleiman Wahdati, nằm đó hàng chục năm trời, phủ một lớp gỉ sét như rêu phủ đá, giờ bị lấp dưới lớp tuyết mỏng bất ngờ rơi sớm vào hôm qua, đợt tuyết đầu tiên trong năm tính đến thời điểm này. Sau khi Nabi mất, tôi đã thoáng nghĩ là sẽ tống nó đến một bãi phế liệu ở Kabul, nhưng không nỡ. Với tôi, nó dường như là một phần quan trọng không thể vứt bỏ trong quá khứ của ngôi nhà này, là một phần lịch sử của nó.
Tôi viết xong biên bản và xem đồng hồ. Đã chín rưỡi tối. Bảy giờ tối ở Hy Lạp.
Gọi cho mẹ cậu đi. Cậu là đồ con lừa.
Nếu tối nay tôi phải gọi cho Mamá, thì tôi không thể trì hoãn thêm nữa. Tôi nhớ có lần Thalia đã viết trong e-mail rằng Mamá càng ngày càng đi ngủ sớm hơn. Tôi hít một hơi và cố trấn tĩnh bản thân. Tôi cầm ống nghe lên và quay số.
Tôi gặp Thalia vào mùa hè năm 1967, khi tôi mười hai tuổi. Cô và mẹ cô, Madaline, đến Tinos thăm Mamá và tôi. Mamá, Odelia, nói rằng bà và người bạn Madaline đã không gặp nhau hàng năm trời, chính xác là mười lăm năm. Madaline rời đảo năm mười bảy tuổi và đến Athens để trở thành, ít nhất trong một thời gian ngắn, một diễn viên nổi tiếng trung bình.
“Ta không ngạc nhiên đâu,” Mamá nói, “khi nghe nhắc đến diễn xuất của cô ấy. Nhờ có ngoại hình đấy. Ai ai cũng bị cô ấy hớp hồn. Tự con sẽ thấy khi gặp cô ấy.”
Tôi hỏi Mamá tại sao không bao giờ nhắc đến bạn mình.
“Thật ư? Con có chắc không đấy?”
“Con chắc mà.”
“Rõ ràng là có.” Rồi bà nói, “Cô con gái. Thalia ấy. Con phải ý tứ với cô bé vì nó từng gặp tai nạn. Bị chó cắn. Cô bé có một vết sẹo.”
Mamá không nói gì thêm, và tôi biết tốt hơn là chẳng nên hỏi bà nữa. Nhưng sự hé lộ này khiến tôi chú ý còn hơn cả tới quá khứ của Madaline trong những bộ phim hay vở kịch trên sân khấu, sự tò mò của tôi được thổi bùng lên bởi nỗi nghi ngờ, rằng vết sẹo hẳn phải to và dễ thấy lắm thì cô bé mới cần được đối xử tế nhị đặc biệt như vậy. Với sự háo hức bệnh hoạn, tôi mong chờ được chính mắt nhìn thấy vết sẹo đó.
“Madaline và ta gặp nhau ở Thánh lễ hồi nhỏ,” Mamá nói. Ngay tức thì, bà tiếp, họ trở thành những người bạn thân thiết. Họ nắm tay nhau dưới bàn trong lớp học, hay giờ nghỉ giải lao, ở nhà thờ, hay tản bộ trên những cánh đồng lúa mạch. Họ thề sẽ là chị em cả đời. Họ hứa sẽ sống gần nhau, kể cả sau khi lập gia đình. Họ sẽ sống như những người hàng xóm, và nếu một trong hai ông chồng kiên quyết chuyển đi, thì họ sẽ đòi ly hôn. Tôi nhớ Mamá đã ngoác miệng cười một chút khi kể tôi nghe tất cả những chuyện này với vẻ tự giễu, như thể để tách mình khỏi sự khờ dại và háo hức tuổi trẻ, tất cả những hứa hẹn hấp tấp và dồn dập. Nhưng tôi thấy trên mặt bà còn có cả vẻ tổn thương không thốt thành lời, một bóng đen thất vọng mà Mamá quá kiêu hãnh để thừa nhận.
Giờ Madaline đã kết hôn với một người đàn ông giàu có và già hơn bà nhiều tuổi, một ông Andreas Gianakos, người mà mấy năm trước đã sản xuất bộ phim thứ hai, mà té ra cũng là bộ phim cuối cùng của bà. Hiện ông làm trong ngành xây dựng và sở hữu một công ty lớn ở Athens. Gần đây họ có chút hục hặc, cãi cọ gì đấy, Madaline và ông Gianakos ấy. Mamá không hề kể cho tôi nghe chuyện này; tôi biết được là nhờ vội vàng đọc trộm một phần lá thư mà Madaline gửi Mamá để báo là sắp đến thăm.
Quanh quẩn bên Andreas và đám bạn thủ cựu của ông ta cùng thứ âm nhạc võ hiệp của họ ngày càng khiến mình mệt mỏi, nói cho cậu biết nhé. Lúc nào mình cũng phải nín nhịn. Mình không nói gì khi bọn họ tán tụng đám phiến loạn giễu nhại nền dân chủ của chúng mình. Nếu chỉ hở ra một lời bất đồng thôi, mình tin chắc sẽ bị dán nhãn là một kẻ theo chủ nghĩa cộng sản vô chính phủ, và thế là bất chấp ảnh hưởng của Andreas, mình cũng sẽ bị tống vào ngục tù. Mà có lẽ ông ta cũng chẳng buồn sử dụng nó, sức ảnh hưởng của ông ta ấy. Đôi khi mình tin rằng hẳn là ông ta cố tình khích động mình công kích chính bản thân. À mà, mình nhớ cậu lắm, Odie thân mến của mình. Mình nhớ sự bầu bạn của cậu biết mấy…
Ngày các vị khách của tôi dự định đến, Mamá dậy sớm dọn dẹp. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà nhỏ trên sườn đồi. Như nhiều ngôi nhà khác ở Tinos, nó được làm từ đá sơn trắng, mái bằng, với những viên ngói đỏ hình thoi. Phòng ngủ nhỏ tầng trên mà Mamá và tôi dùng chung không có cửa - cầu thang hẹp dẫn thẳng vào đó - nhưng nó có hẳn một khung cửa sổ hình bán nguyệt và khoảng hiên be bé với lan can bằng thép rèn cao ngang hông, mà từ đó ta có thể nhìn ra mái những ngôi nhà khác, vườn cây ô liu và bầy dê cùng những con ngõ lát đá ngoằn ngoèo và cửa tò vò bên dưới, và tất nhiên, biển Aegea, xanh hiền hòa trong buổi sáng mùa hè, rồi chiều buông lại hóa thành những ngọn sóng trắng vỗ bờ, khi những cơn gió meltemi* thổi đến từ phương Bắc.
Gió thổi từ phương Bắc.
Dọn dẹp xong, Mamá khoác lên mình bộ trang phục được bà cho là đẹp, bộ mà bà vẫn mặc vào ngày mười lăm tháng Tám mỗi năm, nhân Lễ Đức Mẹ Lên Trời tại nhà thờ Panagia Evangelistria, khi những người hành hương tứ xứ kéo đến Tinos từ khắp Địa Trung Hải để cầu nguyện trước biểu tượng nổi tiếng của nhà thờ. Có một bức ảnh mẹ tôi trong bộ trang phục đó - chiếc váy vàng dài cổ tròn, giản dị bạc màu, áo len trắng rúm ró, tất và đôi giày đen thô kệch. Mamá trông đúng kiểu một bà góa cau có với khuôn mặt ghê gớm, chân mày rậm, mũi hếch, đứng thẳng đơ, nom sùng đạo một cách u sầu như thể chính bà là một người hành hương vậy. Tôi cũng có mặt trong bức ảnh đó, đứng cứng đờ bên hông mẹ. Tôi vận áo sơ mi trắng, quần soóc trắng, và tất trắng dài đến đầu gối, mép gập lại. Nhìn tôi nhăn nhó là biết tôi bị bắt đứng thẳng, không được cười, rằng tôi không hề thích và còn tức điên lên khi bị lau mặt và chải tóc bằng nước. Người ta có thể cảm nhận thấy sự bất mãn lồ lộ giữa chúng tôi. Người ta nhận thấy qua dáng đứng cứng đơ, qua cách chúng tôi hầu như không chạm vào nhau.
Hoặc cũng có thể là không. Nhưng lần nào xem bức ảnh đó, tôi cũng nhìn ra, lần cuối cùng là cách đây hai năm. Tôi không thể không nhìn ra vẻ đề phòng, sự gồng mình, nỗi sốt ruột. Tôi không thể không nhìn ra hai con người bên nhau chỉ vì nghĩa vụ về gien, bị đày đọa để làm nhau bối rối và thất vọng, mỗi người đều vì danh dự mà thách thức lẫn nhau.
Từ cửa sổ phòng ngủ trên gác, tôi nhìn theo Mamá rời cảng trên một con phà ở thị trấn Tinos. Khăn buộc dưới cằm, Mamá chúi đầu lao vào ngày nắng xanh ngắt. Bà là một phụ nữ mảnh mai, xương nhỏ với cơ thể như trẻ con, nhưng khi bạn thấy bà đi về phía mình, tốt hơn là bạn nên để bà qua. Tôi nhớ bà từng đưa tôi đi học mỗi sáng - mẹ tôi giờ đã về hưu, nhưng bà từng là giáo viên. Khi đi, Mamá chẳng bao giờ nắm tay tôi. Những bà mẹ khác vẫn làm vậy với con mình, nhưng Mamá thì không. Bà nói bà phải đối xử với tôi như với mọi học sinh khác. Bà bước đều phía trước, nắm tay co lại trước cổ áo len, còn tôi cố đuổi theo, hộp cơm trưa trong tay, lon ton sau bước chân bà. Tôi luôn ngồi cuối lớp. Tôi nhớ mẹ tôi nơi bảng đen, nhớ cách bà trị một học sinh hư với một cái nhìn sắc như dao cạo, như một hòn đá từ chiếc ná, chuẩn xác như trong một ca phẫu thuật. Và bà có thể chẻ đôi ta chỉ bằng ánh mắt u ám hay một nốt lặng đột ngột.
Mamá tin vào lòng trung thành hơn hết thảy, kể cả khi phải hy sinh lợi ích của mình. Nhất là khi phải hy sinh lợi ích của mình. Bà cũng tin rằng nói thẳng, nói thật, không vòng vo, luôn là cách tốt nhất, và sự thật càng khó nghe thì ta lại càng phải nói. Bà không có kiên nhẫn để rào trước đón sau. Bà đã là - lúc nào cũng là - một phụ nữ có ý chí mạnh mẽ, một phụ nữ không bao giờ nói lời xin lỗi, và cũng là một phụ nữ mà với bà ta không muốn bất hòa - dẫu cho tôi không bao giờ thực sự hiểu, kể cả bây giờ, rằng tính khí của bà là do trời sinh hay vì hoàn cảnh mà thành ra như vậy, với một ông chồng hấp hối chưa đầy một năm sau khi cưới và bỏ lại bà một thân một mình nuôi con khôn lớn.
Tôi thiếp ngủ một lát trên gác sau khi Mamá đi. Rồi giật nảy mình tỉnh giấc khi nghe thấy một giọng nữ cao chói lói. Tôi ngồi dậy thì thấy bà, tất cả những son môi, phấn, nước hoa, đường cong mảnh mai, như thể một nữ tiếp viên trong những quảng cáo hàng không đang mỉm cười nhìn xuống tôi qua lớp mạng mỏng của chiếc mũ. Bà đứng giữa phòng trong chiếc váy ngắn màu xanh nê ông, chiếc va li da đặt dưới chân, tóc nâu vàng, chân tay dài, tươi cười với tôi, vẻ mặt rạng rỡ, và thao thao bất tuyệt, giọng nói tràn ngập sự tự tin và vui vẻ.
“Ra cháu là Markos bé bỏng của Odie. Cô ấy không nói cho cô biết là cháu lại đẹp trai thế! Ồ, cô thấy hình bóng cô ấy ở cháu, qua đôi mắt ấy - phải rồi, hai người có đôi mắt giống nhau, cô nghĩ thế, cô chắc là cháu nghe người khác nói thế rồi. Cô rất vui được gặp cháu. Mẹ cháu và cô - bọn cô - ồ chắc chắn Odie nói với cháu rồi, để cháu có thể mường tượng, có thể hình dung ra, rằng gặp hai người bọn cháu, gặp cháu, Markos ạ, làm cô phấn khích quá. Markos Varvaris! Ừm, cô là Madaline Gianakos, và cô xin phép được nói là, cô mừng lắm.”
Bà cởi đôi găng tay xa tanh màu kem dài đến khuỷu tay ra, loại mà tôi chỉ thấy trong những cuốn tạp chí, trên tay những quý cô thanh lịch đi dự dạ hội, hút thuốc trên những bậc thang rộng của nhà hát hay được đỡ xuống khỏi chiếc xe hơi đen bóng lộn, khuôn mặt sáng bừng bởi những bóng đèn flash lách tách. Bà phải giật từng đầu ngón tay cả chục lần mới tháo được găng ra, và rồi bà hơi cúi người chìa tay về phía tôi.
“Hân hạnh,” bà nói. Tay bà mềm mát dù vừa đeo găng. “Còn đây là con gái cô, Thalia. Con yêu, chào cậu Markos Varvaris đi.”
Cô đứng bên mẹ nơi ngưỡng cửa, nhìn tôi với ánh mắt vô hồn, một cô gái cao gầy, da xanh xao với những lọn tóc xoăn mềm rũ. Ngoài thế ra, tôi chẳng thể miêu tả gì hơn. Tôi chẳng thể tả lại màu chiếc váy cô mặc hôm đó là gì - đúng vậy, nếu hôm ấy cô mặc váy - hay kiểu giày của cô, hoặc giả cô có đi tất không, có đeo đồng hồ, vòng cổ, nhẫn hay khuyên tai không. Tôi chẳng thể miêu tả gì, bởi nếu ta đang ở nhà hàng và có ai đó bỗng nhiên lột đồ ra, nhảy phóc lên bàn, rồi bắt đầu tung hứng mấy chiếc thìa cho món tráng miệng, thì ta sẽ không chỉ nhìn thôi đâu, mà đó sẽ là thứ duy nhất ta có thể nhìn. Tấm mạng che nửa dưới khuôn mặt cô gái cũng giống như vậy. Nó che khuất bất cứ sự quan sát nào.
“Thalia, chào hỏi đi con yêu. Đừng bất lịch sự thế.”
Tôi nghĩ là mình nhìn thấy một cái gật đầu khe khẽ.
“Chào cậu,” tôi đáp mà lưỡi cảm giác như giấy nhám. Có gì đó lăn tăn trong không khí. Một dòng điện. Tôi cảm thấy mình bị hút vào một thứ nửa hồi hộp, nửa hãi sợ, một thứ trỗi dậy trong tôi rồi co cuộn lại. Tôi cứ nhìn chằm chằm, tôi biết mà không thể dừng lại, không thể rời mắt khỏi tấm mạng xanh màu trời, khỏi hai sợi dây buộc sau đầu cô, khỏi đường xẻ ngang phía trên khuôn miệng. Tôi biết ngay rằng nhìn thứ bên dưới đó là một việc quá sức chịu đựng với tôi, cho dù tấm mạng đó che giấu điều gì. Vậy mà tôi vẫn nóng lòng được biết. Không gì trong cuộc đời tôi có thể quay lại chiều hướng, nhịp điệu và trật tự cũ được nữa cho tới khi tôi tận mắt thấy cái thứ kinh khủng, đáng sợ đến nỗi tôi và những người khác phải được che chắn khỏi nó.
Một khả năng khác, là tấm mạng có lẽ được thiết kế để bảo vệ Thalia khỏi chúng tôi, để né tránh tôi. Ít nhất nó đã có tác dụng trong những giây phút khó xử của cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy.
Madaline và Thalia ở trên gác dỡ đồ trong khi Mamá hì hục mổ cá bơn cho bữa nhẹ trong bếp. Bà bảo tôi pha cho Madaline một tách ellinikós kafés*, tôi vâng lời, rồi bà bảo tôi mang lên tận nơi, trên một cái khay kèm theo một đĩa pastelli* nhỏ, tôi cũng vâng lời nốt.
Cà phê truyền thống của Hy Lạp, được pha trong bình có tay cầm dài.
Bánh mè mật ong.
Hàng chục năm sau, nỗi hổ thẹn vẫn trào dâng trong tôi như một thứ chất lỏng ấm và dính khi nhớ về những gì xảy ra sau đó. Tới ngày hôm nay tôi vẫn có thể hình dung ra cảnh tượng ấy, như trong một tấm ảnh, bất động. Madaline đứng bên cửa sổ phòng ngủ hút thuốc, nhìn xuống biển qua cặp kính râm mắt vàng, một tay đặt lên hông, mắt cá chân bắt tréo. Chiếc mũ mạng nằm trên mặt bàn phấn. Phía trên bàn phấn là một chiếc gương, và trong gương là Thalia, ngồi trên mép giường, lưng quay về phía tôi. Cô đang cúi xuống làm gì đó, có lẽ đang cởi dây giày, và tôi có thể thấy cô đã bỏ mạng ra. Nó nằm kế bên cô trên giường. Cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi và tôi cố kìm lại, nhưng tay tôi cứ run rẩy, khiến chiếc tách sứ kêu lanh canh trên đĩa lót, khiến Madaline từ cửa sổ quay lại nhìn tôi, khiến Thalia ngước lên. Tôi thấy hình phản chiếu của cô trong gương.
Chiếc khay tuột khỏi tay tôi. Sứ vỡ tung tóe. Thứ chất lỏng nóng túa ra và chiếc khay rơi loảng xoảng xuống bậc thang. Cảnh tượng đột ngột trở nên hỗn loạn, tôi bò trên tứ chi, nôn khan lên những mảnh sứ vỡ, Madaline thì luôn miệng, “Ôi trời. Ôi trời,” còn Mamá chạy lên cầu thang hét lớn, “Chuyện gì thế? Con làm gì thế, Markos?”
Con bé bị chó cắn, Mamá đã cảnh báo tôi như vậy. Nó có một vết sẹo. Chó không cắn vào mặt Thalia; mà là đã ăn nó. Và có lẽ trên đời có rất nhiều từ ngữ để diễn tả những gì tôi thấy trong gương ngày hôm ấy, nhưng sẹo không phải một trong số đó.
Tôi nhớ Mamá đã túm vai tôi, kéo tôi đứng dậy, xoay lại mà hỏi, “Con làm sao vậy? Có chuyện gì không ổn với con vậy?” Và tôi nhớ bà ngước qua đầu tôi. Cái nhìn của bà đóng băng tại chỗ. Lời lẽ chết cứng trong miệng. Khuôn mặt thất thần. Tay buông thõng khỏi vai tôi. Và rồi tôi chứng kiến cảnh tượng lạ thường nhất đời, sánh ngang với việc tôi nhìn thấy đích thân vua Constantine xuất hiện nơi ngưỡng cửa nhà chúng tôi trong bộ đồ chú hề: một giọt nước mắt rưng rưng nơi khóe mắt phải của mẹ.
“Vậy cô ta thế nào?” Mamá hỏi.
“Ai ạ?”
“Ai? Cái cô người Pháp chứ ai. Cháu gái của ông chủ nhà, giáo sư từ Paris ấy.”
Tôi đổi ống nghe sang tai kia. Thật ngạc nhiên là mẹ nhớ. Cả đời này, tôi có cảm giác mọi lời tôi nói với Mamá đều chẳng lọt vào tai bà, như thể đường dây kết nối kém, giữa chúng tôi chẳng có gì khác ngoài tiếng nhiễu sóng. Đôi khi tôi gọi cho bà từ Kabul, như lúc này, tôi cảm giác như thể bà khẽ khàng đặt ống nghe xuống rồi đi mất, rằng tôi đang nói chuyện vào hư không qua các lục địa - dù tôi vẫn cảm nhận được sự hiện diện của bà trên đường dây và nghe thấy tiếng thở của bà trong tai tôi. Những lần khác, tôi đang kể cho bà nghe chuyện tôi chứng kiến ở bệnh viện - một cậu bé đầy máu me được cha bế vào viện, ví dụ thế, những mảnh đạn găm sâu vào má nó, một tai đứt rời, một nạn nhân khác của việc chơi trên nhầm phố vào nhầm thời điểm lúc nhầm ngày - và rồi, đột ngột, một tiếng động lớn vang lên, giọng Mamá bỗng xa dần rồi nghèn nghẹt, lên bổng xuống trầm, tiếng vang của bước chân, của một vật bị kéo lê trên sàn, và tôi im lặng, đợi đến khi bà quay lại, việc mà cuối cùng bà cũng làm, luôn là với giọng gần hết hơi, lên tiếng giải thích, Ta đã bảo nó là ta đứng không sao đâu. Ta nói rõ ràng thế. Ta bảo, “Thalia này, ta muốn đứng bên cửa sổ nhìn xuống nước lúc nói chuyện với Markos.” Nhưng nó cự lại là, “Cô sẽ mệt đấy, Odie, cô phải ngồi xuống.” Chớp mắt một cái nó đã kéo cái ghế bành ra - cái ghế da to oành mà nó mua cho ta năm ngoái ấy - nó kéo ra tận cửa sổ. Trời ơi, nó khỏe khiếp. Con chưa nhìn thấy cái ghế bành đó đâu, tất nhiên rồi. Ừm, tất nhiên rồi. Rồi bà thở dài với vẻ cáu tiết giả vờ và bảo tôi kể tiếp đi, nhưng đến lúc đó thì tôi chẳng còn tâm trạng nào mà kể nữa. Tác động bao trùm chính là bà khiến tôi mơ hồ cảm thấy bị trách cứ, thêm nữa, còn đáng bị thế, áy náy về những điều sai trái không được nói ra, về những điều gây mất lòng mà tôi chưa bao giờ chính thức bị kết tội. Dù cho tôi có kể tiếp đi chăng nữa, thì chính tôi cũng thấy câu chuyện chẳng còn gì đáng kể. Nó không thể sánh nổi với vở kịch chiếc ghế bành của Mamá với Thalia.
“Mà tên cô ta là gì ấy nhỉ?” Mamá hỏi. “Pari thì phải, đúng không nhỉ?”
Tôi đã kể cho Mamá nghe về Nabi, người bạn tốt của tôi. Bà cũng chỉ biết sơ qua về cuộc đời ông. Bà biết rằng trong di chúc, ông đã để lại ngôi nhà ở Kabul cho cháu gái mình, Pari, người lớn lên ở Pháp. Nhưng tôi chưa kể với Mamá về Nila Wahdati, cuộc chạy trốn của bà tới Paris sau cơn đột quỵ của chồng, hàng thập kỷ mà Nabi đã dành để chăm sóc Suleiman. Câu chuyện đó. Có quá nhiều sự kiện song song như những chiếc boomerang. Như đọc to bản cáo trạng của chính mình vậy.
“Pari. Vâng. Chị ấy cũng dễ mến,” tôi nói. “Và ấm áp nữa. Quá mức dễ mến và ấm áp so với một người làm nghiên cứu.”
“Cô ta làm gì ấy nhỉ, nhà hóa học à?”
“Nhà toán học ạ,” tôi đáp, đoạn đóng nắp laptop lại. Trời lại đổ tuyết, nhẹ nhàng, những bông tuyết nhỏ xoay tròn trong bóng tối, liệng mình vào cửa sổ.
Tôi kể cho Mamá nghe về chuyến viếng thăm của Pari Wahdati vào cuối mùa hè vừa qua. Chị thật sự rất đáng mến. Tao nhã, mảnh mai, mái tóc bạc, chiếc cổ dài với đường gân xanh hằn rõ mỗi bên, nụ cười khuyết răng ấm áp. Nom chị hơi yếu và già hơn tuổi. Bệnh thấp khớp nặng, nhất là ở đôi bàn tay nổi cục, dù vẫn hoạt động được, nhưng ngày đó sắp đến và chị biết điều ấy. Nó khiến tôi nghĩ tới Mamá và ngày sắp đến của bà.
Pari Wahdati lưu lại một tuần với tôi trong ngôi nhà ở Kabul. Tôi đã dẫn chị đi tham quan một vòng khi chị mới từ Paris đến. Chị nhìn thấy ngôi nhà lần cuối là vào năm 1955 và tỏ ra ngỡ ngàng trước trí nhớ sinh động của chính mình về nơi này, thiết kế chung của nó, hai bậc thang nối giữa phòng khách và phòng ăn, ví dụ thế, nơi chị bảo từng ngồi đọc sách trong những buổi sáng ngập nắng. Chị ngạc nhiên khi ngôi nhà lại nhỏ hơn nhiều so với phiên bản trong trí nhớ của mình. Khi tôi dẫn chị lên lầu, chị biết nơi nào từng là phòng ngủ của chị, dù hiện tại đây là nơi ở của hai đồng nghiệp người Đức làm việc cho Chương trình Lương thực Thế giới. Tôi nhớ chị đã thở dốc khi nhìn thấy chiếc tủ quần áo thấp bé trong góc phòng - một trong những dấu tích còn lại của thời thơ ấu. Tôi nhớ đã đọc được điều đó trong lời nhắn Nabi gửi cho tôi trước khi qua đời. Chị ngồi xổm bên chiếc tủ và lướt đầu ngón tay trên lớp sơn vàng nứt nẻ, những con hươu cao cổ và những chú khỉ đuôi dài đã mờ phai trên cánh cửa. Khi chị ngước lên nhìn tôi, tôi thấy mắt chị ngấn lệ, và chị hỏi, vẻ hết sức ngại ngùng và có lỗi, rằng liệu chị có thể chuyển nó về Paris được không. Chị đề nghị trả tiền để tôi mua cái khác. Đó là thứ duy nhất trong nhà mà chị muốn. Tôi bảo chị không phải ngại gì cả.
Cuối cùng, ngoài chiếc tủ quần áo mà tôi chuyển cho chị vài ngày sau khi chị rời đi, Pari Wahdati trở về Pháp mà không đem theo gì nhiều nhặn ngoài tập giấy vẽ của Suleiman Wahdati, lá thư của Nabi, và mấy bài thơ của bà Nila mẹ chị mà Nabi đã lưu giữ lại. Một việc duy nhất khác nữa mà chị nhờ tôi làm trong thời gian ở đây là sắp xếp một chuyến đi tới Shadbagh để tận mắt thấy ngôi làng nơi chị sinh ra và hy vọng tìm thấy người em trai cùng cha, Iqbal.
“Ta đoán là cô ta sẽ bán ngôi nhà,” Mamá nói, “giờ nó là của cô ta rồi còn gì.”
“Thực ra chị ấy nói con có thể ở lại bao lâu tùy ý,” tôi đáp. “Miễn phí thuê.”
Tôi gần như có thể thấy Mamá mím chặt môi vẻ nghi ngờ. Bà là người sống trên đảo. Bà hồ nghi động cơ của tất cả những người sống trên đất liền, nhìn vào những hành vi rõ ràng là thiện chí của họ với ánh mắt ngờ vực. Đây là một trong những lý do tôi biết, khi tôi còn nhỏ, thôi thúc tôi rời khỏi Tinos một ngày nào đó khi có cơ hội. Một nỗi niềm như tuyệt vọng từng đeo bám tôi bất cứ khi nào nghe thấy mọi người nói chuyện theo cách đó.
“Chuồng chim câu thế nào rồi mẹ?” tôi hỏi để chuyển chủ đề.
“Ta phải tạm để đấy đã. Nó làm ta chết mệt.”
Sáu tháng trước tại Athens, Mamá được một bác sĩ thần kinh mà tôi kiên quyết bắt bà phải đi khám bắt bệnh, sau khi Thalia kể với tôi là Mamá cứ bị run tay và đánh rơi đồ suốt. Chính Thalia đã đưa bà đi. Từ hồi đi khám về, Mamá bắt đầu luôn chân luôn tay. Tôi biết chuyện đó qua những e-mail Thalia gửi. Sơn lại nhà, sửa những chỗ rò trên đường ống nước, dỗ ngọt Thalia giúp bà dựng một buồng quần áo hoàn toàn mới trên lầu, thậm chí thay từng viên ngói nứt trên mái nhà, dù may mắn thay, cuối cùng Thalia là người ra tay. Giờ đến cái chuồng chim câu. Tôi hình dung Mamá tay áo xắn cao, chiếc búa trong tay, mồ hôi lấm tấm sau lưng, đóng đinh và đánh bóng những tấm ván gỗ. Chạy đua với những nơ ron suy yếu của chính mình, vắt kiệt từng giọt hữu ích từ chúng khi vẫn còn thời gian.
“Bao giờ con về nhà?” Mamá hỏi.
“Sớm thôi ạ,” tôi đáp. Sớm là từ tôi nói từ năm trước, khi mẹ hỏi tôi cùng câu hỏi ấy. Đã hai năm rồi tôi chưa về thăm Tinos.
Một khoảng lặng ngắn. “Đừng để lâu quá. Ta muốn gặp con trước khi người ta trói ta vào lá phổi sắt* đó.” Bà cười. Đó là một thói quen cũ, nói đùa và cười cợt trước sự trêu ngươi của số phận, sự khinh thường dành cho dấu hiệu nhỏ nhất của lòng thương hại chính mình. Việc đó mang lại tác động ngược đời - mà tôi biết là cố tình - khi vừa giảm bớt vừa tăng thêm nỗi bất hạnh.
Tức máy thở.
“Nếu được thì Giáng sinh này về nhé,” bà nói. “Mà phải trước ngày mùng bốn tháng Một đấy. Thalia nói là hôm đó sẽ có nhật thực ở Hy Lạp. Nó đọc được trên Internet. Chúng ta có thể xem cùng nhau.”
“Con sẽ cố, Mamá à,” tôi đáp.
Cảm giác giống như một buổi sáng thức dậy thì đã thấy một con thú hoang lang thang vào nhà mình vậy. Không có chỗ nào an toàn cho tôi. Đâu đâu cũng thấy cô, đi lại loanh quanh, nhòm ngó, liên tục lấy khăn tay chấm má để lau khô dòng nước dãi cứ không ngừng chảy ra khỏi miệng. Nhà tôi nhỏ nên việc chạy trốn khỏi cô là không thể. Tôi đặc biệt sợ giờ ăn khi phải chịu đựng cảnh Thalia vén mạng lên để xúc thức ăn vào miệng. Dạ dày tôi nhộn nhạo khi thấy cảnh ấy và nghe âm thanh ấy. Cô ăn ầm ĩ, những mẩu thức ăn nhai dở luôn rơi với một tiếng toẹt ẩm ướt xuống đĩa của cô, hoặc ra bàn, thậm chí sàn nhà. Cô buộc phải uống mọi loại chất lỏng, kể cả xúp, bằng ống hút, thứ mà mẹ cô luôn giấu trong ví. Cô phát ra tiếng xì xụp và roàn roạt khi hút nước canh hầm bằng ống hút, nó luôn lem nhem ra tấm mạng, và chảy dọc xương hàm xuống cổ cô. Lần đầu tiên, tôi xin phép rời khỏi bàn thì bị Mamá quắc mắt nhìn. Thế là tôi đành rèn bản thân nhìn đi chỗ khác cũng như cố không nghe âm thanh ấy, nhưng chẳng dễ chút nào. Tôi đi vào bếp thì thấy cô đã ở đó, ngồi bất động trong khi Madaline thoa thuốc mỡ lên má cô để chống trầy xước. Tôi bắt đầu giữ một cuốn lịch, một cách thầm đếm ngược bốn tuần mà Mamá nói Madaline và Thalia sẽ ở lại.
Tôi ước gì Madaline chỉ đến một mình. Tôi rất quý bà. Chúng tôi ngồi, bốn chúng tôi, trên khoảnh sân vuông nhỏ ngoài cửa chính, bà nhấm nháp cà phê và hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác, góc mặt bị phủ bóng bởi cây ô liu và chiếc mũ cói vàng vành nhỏ mà lẽ ra phải trông lố bịch lắm, với người khác thì chắc chắn thế - như Mamá chẳng hạn. Nhưng Madaline là người có sự duyên dáng tự nhiên như thể đó là một kỹ năng sẵn có, như khả năng uốn lưỡi thành hình ống vậy. Với Madaline, không bao giờ có lúc nào hết chuyện; những câu chuyện cứ trào ra khỏi bà. Một sáng bà kể cho chúng tôi nghe về những chuyến đi - tới Ankara chẳng hạn, nơi bà thả bước trên bờ sông Enguri Su, nhấm nháp trà xanh pha raki*, hay dịp bà và ông Gianakos tới Kenya cưỡi voi giữa những cây keo đầy gai và thậm chí còn ngồi ăn cháo ngô và cơm dừa với người dân địa phương.
Rượu hoa hồi truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những câu chuyện của Madaline đã khuấy động nỗi bất an xưa cũ trong tôi, một sự thôi thúc lao vào đời, sự thôi thúc được dũng cảm mà tôi luôn có. So sánh mà nói, thì cuộc sống của tôi ở Tinos có vẻ tầm thường cùng cực. Tôi đã thấy trước cảnh cuộc đời mình trải ra với chuỗi vô vị bất tận và thế là tôi đã dành phần lớn những năm tháng tuổi thơ ở Tinos trong sự hoang mang, cảm giác như một kẻ thế thân của chính mình, một kẻ đại diện, tựa hồ bản thân thực sự đang cư trú ở đâu đó, đợi chờ một ngày được đoàn tụ với phần bản thân nông cạn, mờ nhạt này. Tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Một kẻ tha phương trong chính nhà mình.
Madaline nói rằng ở Ankara bà đã tới một nơi tên là công viên Kuğulu và ngắm thiên nga lướt trên nước. Mặt nước lấp lóa, bà kể.
“Mình làm quá rồi,” bà cười nói.
“Không đâu,” Mamá nói.
“Thói cũ ấy mà. Mình nói quá nhiều. Lúc nào cũng thế. Cậu có nhớ mình đã đem lại bao nhiêu tai họa cho chúng ta không, nói chuyện riêng trong lớp ấy? Cậu thì không bao giờ phạm lỗi gì cả, Odie à. Cậu quá trách nhiệm và chăm chỉ.”
“Thú vị mà, chuyện của cậu ấy. Cậu có một cuộc sống thật thú vị.”
Madaline đảo mắt. “Chà, cậu biết lời nguyền của người Tàu* đấy.”
Tức câu thành ngữ May you live in interesting times, được cho là câu thành ngữ Trung Quốc, mặc dù chúc sống vui nhưng lại hàm nghĩa nguyền rủa, mong cầu bất hạnh xảy ra với người khác.
“Cháu có thích châu Phi không?” Mamá hỏi Thalia.
Thalia ấn chiếc khăn tay vào má mà không đáp. Tôi thấy mừng. Cách nói của cô kỳ cục nhất trần đời. Nghe đẫm nước sao đó, một sự kết hợp kỳ lạ giữa tiếng ngọng nghịu và nhóp nhép.
“Ồ, Thalia không thích đi du lịch đâu,” Madaline đáp thay, đoạn dụi điếu thuốc. Bà nói điều này như thể đó là sự thật hiển nhiên. Chẳng buồn nhìn Thalia xem cô đồng tình hay phản đối. “Con bé không ham mấy thứ đó.”
“Ừm, cô cũng thế,” Mamá nói, lại quay sang Thalia. “Cô thích ở nhà. Có lẽ cô chẳng bao giờ tìm được lý do thuyết phục để rời Tinos cả.”
“Mình cũng là típ ở nhà,” Madaline nói. “Tất nhiên là ngoài cậu ra.” Bà chạm vào cổ tay Mamá. “Cậu biết nỗi sợ kinh khủng nhất của mình khi rời đi là gì không? Nỗi lo lớn nhất ấy? Làm thế nào mình có thể xoay xở mà không có Odie đây? Mình thề, mình đã chết điếng trước suy nghĩ ấy.”
“Cậu xoay xở tốt mà, có vẻ thế,” Mamá chậm rãi nói, từ từ rời mắt khỏi Thalia.
“Cháu không hiểu đâu,” Madaline nói, và tôi nhận ra mình chính là người không hiểu vì bà đang nhìn thẳng vào tôi. “Cô đã không thể đứng vững nếu thiếu mẹ cháu. Mẹ cháu đã cứu cô.”
“Giờ thì cậu đang làm quá lên đấy,” Mamá nói.
Thalia ngước mặt lên. Cô nhíu mày. Một chiếc máy bay, tít trên bầu trời xanh, lặng lẽ đánh dấu đường bay của nó bằng một vệt khói dài đơn độc.
“Odie đã cứu ta khỏi chính cha ta,” Madaline nói. Tôi không chắc có phải bà vẫn đang nói với mình không. “Ông ấy là người tàn nhẫn bẩm sinh. Mắt lồi, cổ to ngắn với nốt ruồi đen ở sau gáy. Còn nắm đấm. Nắm đấm chắc như gạch. Ông ấy về nhà và thậm chí chẳng cần làm gì, chỉ cần nghe tiếng giày dọc hành lang, tiếng chìa khóa lách cách, tiếng huýt sáo, là quá đủ với ta rồi. Khi nổi điên, ông ấy thường thở phì phì qua đường mũi và nhắm mắt lại, như thể đang suy nghĩ lung lắm, và rồi ông ấy xoa mặt nói, Được rồi, con gái, được rồi, và ta thừa biết điều gì sẽ đến - cơn bão - nó đang trên đường đến - và rằng không gì có thể ngăn nó lại. Không ai có thể giúp ta. Đôi khi, ông ấy chỉ xoa mặt, hay thở sượt qua ria mép thôi, là ta đã thấy mây xám kéo đến rồi.”
“Kể từ đó ta đã chạm mặt biết bao người đàn ông như ông ấy. Ước gì ta có thể nói khác đi. Nhưng không thể. Và những gì ta học được là chỉ cần tìm hiểu một chút thôi thì sẽ thấy tất cả bọn họ đại loại đều cùng một giuộc. Có những người tao nhã hơn, cứ cho là vậy đi. Họ có thể có đôi nét quyến rũ - hoặc rất nhiều - và điều đó có thể đánh lừa ta. Thế nhưng thực sự thì họ đều là đám nhóc cau có bì bõm trong cơn thịnh nộ của chính mình. Họ cảm thấy bị đối xử bất công. Không ai yêu họ đủ. Tất nhiên là họ mong ta yêu họ. Họ muốn được ôm ấp, được nựng nịu, vỗ về. Nhưng thật sai lầm nếu ta cho họ những thứ đó. Họ không thể chấp nhận. Họ không thể chấp nhận đúng thứ họ cần. Cuối cùng họ đâm ra ghét ta. Và chuyện đó chẳng bao giờ kết thúc vì họ không biết ghét ta thế nào cho đủ. Chuyện đó chẳng bao giờ kết thúc đâu - tất thảy những đau khổ, những lời xin lỗi, những hứa hẹn, sự thất hứa, nỗi bất hạnh. Người chồng đầu tiên của ta là như thế.”
Tôi sững sờ. Chưa ai từng nói thẳng thừng đến vậy trước mặt tôi, chắc chắn không phải Mamá. Chưa một ai tôi biết lại dốc hết bất hạnh của mình ra nói như vậy. Tôi vừa cảm thấy ái ngại cho Madaline lại vừa ngưỡng mộ sự bộc trực của bà.
Khi Madaline nhắc đến người chồng đầu tiên, tôi nhận thấy, lần đầu kể từ khi tôi gặp bà, một bóng đen phủ xuống khuôn mặt bà, một dấu hiệu thoáng qua của sự tăm tối, ê chề, đau đớn nào đó, tương phản với tiếng cười giòn tan, những lời chòng ghẹo, và chiếc váy hoa màu vàng bí ngô suông rộng mà bà đang mặc. Tôi nhớ lúc đó mình đã nghĩ hẳn bà phải là một diễn viên cừ lắm mới có thể giấu nỗi thất vọng và đau đớn dưới bề ngoài vui vẻ. Như một chiếc mặt nạ, tôi nghĩ, và thầm hài lòng với chính mình vì sự liên hệ thông minh đó.
Sau này lớn lên, tôi cũng chẳng thấy sáng tỏ hơn là bao. Nghĩ lại lúc ấy, có gì đó đã tác động đến cách bà ngừng lại khi nhắc tới người chồng đầu tiên, ánh mắt cụp xuống, cổ họng nghẹn lại, bờ môi run nhẹ, cùng lúc đó lại có một nguồn sinh khí dồi dào, vẻ quyến rũ nặng nề, sống động, bỡn cợt, cung cách mà kể cả sự coi thường của bà cũng hạ cánh nhẹ nhàng, được bung dù đỡ bởi cái nháy mắt và tiếng cười vỗ về. Có lẽ cả hai đều chỉ là vẻ màu mè giả tạo, hoặc cũng có thể là không. Tôi mơ hồ không biết đâu là thật, đâu là diễn - điều mà ít nhất khiến tôi càng nghĩ về bà như một diễn viên thú vị hơn biết bao.
“Đã bao nhiêu lần mình chạy đến nhà này rồi, Odie nhỉ?” Madaline nói. Giờ lại là nụ cười, tiếng cười mỗi lúc một to hơn. “Ông bà già tội nghiệp của cậu. Nhưng ngôi nhà này là chốn nương thân của mình. Nơi bình yên của mình. Đã từng như vậy. Một hòn đảo nhỏ bên trong một hòn đảo lớn hơn.”
Mamá nói, “Cậu lúc nào cũng được chào đón ở đây mà.”
“Chính mẹ cháu là người chấm dứt cảnh đánh đập đấy, Markos. Mẹ cháu đã bao giờ kể cho cháu nghe chưa?”
Tôi đáp rằng chưa.
“Cô chẳng ngạc nhiên mấy đâu. Thế mới đúng là Odelia Varvaris của cháu.”
Mamá đang vân vê mép chiếc tạp dề trong lòng rồi vuốt phẳng nó ra với khuôn mặt nhuốm vẻ mơ màng.
“Một đêm cô đến đây, lưỡi chảy máu, một mảng tóc thì bị dứt ra khỏi thái dương, tai vẫn còn ù ù vì bị đánh. Thời điểm đó ông ấy kiểm soát cô rất chặt. Hoàn cảnh của cô mới hay làm sao! Hoàn cảnh mới hay làm sao!” Cách Madaline thuật lại khiến ta nghĩ bà đang miêu tả một bữa ăn thịnh soạn hay một cuốn tiểu thuyết thú vị. “Mẹ cháu không hỏi gì vì đã biết cả rồi. Tất nhiên mẹ cháu biết. Mẹ cháu chỉ nhìn cô một lúc lâu - nhìn cô đứng đó run rẩy, rồi cất tiếng nói, mình vẫn còn nhớ, Odie à, mẹ cháu nói, Ừm, chuyện này thế là đủ rồi. Mẹ cháu tiếp, Chúng ta sẽ đến thăm cha cậu một chuyến, Maddie à. Và rồi cô bắt đầu nài nỉ. Cô lo rằng ông ấy sẽ giết cả hai bọn cô. Nhưng cháu biết cô ấy thế nào rồi mà, mẹ cháu ấy.”
Tôi đáp là biết, và Mamá bèn liếc xéo tôi một cái.
“Mẹ cháu không nghe. Cô ấy nhìn thế này này. Cô chắc là cháu biết cái nhìn đó. Mẹ cháu đi ra ngoài, nhưng không quên cầm theo khẩu súng săn của cha mình. Trong suốt lúc về nhà cô, cô đều tìm cách ngăn mẹ cháu lại, bảo là cha cô không đánh cô đau đến thế. Nhưng cô ấy có nghe đâu. Bọn cô đi thẳng tới cửa và rồi cha cô đứng đó, trên ngưỡng cửa, Odie giơ nòng súng lên chĩa vào cằm ông ấy mà nói, Còn làm thế nữa là tôi sẽ quay lại bắn thẳng vào mặt ông bằng khẩu súng săn này.
“Cha cô chớp mắt, và trong giây khắc cứng lưỡi lại. Ông ấy không thốt nổi một lời. Mà cháu có muốn biết phần hay nhất không, Markos? Cô nhìn xuống thì thấy một vũng tròn nhỏ, một vũng - ừm, chắc là cháu đoán được - một vũng tròn nhỏ loang ra trên sàn nhà giữa đôi bàn chân trần của ông ấy.”
Madaline vuốt ngược tóc ra sau và nói, đoạn đánh bật lửa đánh tách. “Và chuyện đó, cưng ạ, là thật đấy.”
Bà không cần phải nói vậy, tôi biết chuyện đó là thật. Tôi nhận ra điều đó trong sự trung thành sục sôi, giản đơn của Mamá, lòng quyết tâm sắt đá của bà. Động lực, nhu cầu muốn làm người sửa chữa những bất công, kẻ bảo vệ cho những con người bị chà đạp. Và tôi biết chuyện đó là thật từ tiếng rên rỉ nghiến chặt trong miệng Mamá trước chi tiết cuối cùng của câu chuyện. Bà không đồng tình. Có lẽ bà thấy nó thật ghê tởm, và không chỉ vì lý do hiển nhiên ấy. Trong mắt bà, con người, dù có cư xử tệ hại thế nào trong đời, cũng xứng đáng có được chút tôn nghiêm khi chết. Nhất là người trong gia đình.
Mamá cựa mình trên ghế, nói, “Thế nếu không thích đi du lịch, Thalia à, thì cháu thích làm gì?”
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía Thalia. Madaline đã nói suốt từ nãy, và tôi nhớ là đã nghĩ, khi chúng tôi ngồi trong khoảnh sân với những tia nắng lốm đốm xung quanh, rằng đó là một phương cách trong khả năng thu hút chú ý, khả năng cuốn mọi thứ vào cơn lốc của bà, mạnh đến nỗi Thalia hoàn toàn bị lãng quên. Tôi cũng để ngỏ khả năng rằng họ đã quen với sự sôi nổi này vì thấy cần phải thế, đứa con gái trầm lặng bị lu mờ bởi sự độc chiếm chú ý của bà mẹ, rằng lòng tự yêu bản thân của Madaline có lẽ là hành động nhân ái, là sự bảo vệ đẫm tình mẫu tử.
Thalia mấp máy gì đó.
“To lên chút đi con,” Madaline gợi ý.
Thalia hắng giọng, một âm thanh khàn đục, đầy đờm dãi. “Khoa học.”
Lần đầu tiên tôi chú ý đến màu mắt cô, xanh như đồng cỏ không chăn thả súc vật, màu đen thẫm của mái tóc cô, và rằng cô cũng có làn da không tì vết giống mẹ. Tôi tự hỏi có phải một thời cô cũng từng xinh đẹp, thậm chí đẹp như Madaline chưa biết chừng.
“Kể cho mọi người nghe về đồng hồ mặt trời đi con,” Madaline nói.
Thalia nhún vai.
“Con bé đã dựng một cái đồng hồ mặt trời,” Madaline kể. “Ngay trong sân sau nhà. Hồi mùa hè năm ngoái ấy. Tự nó làm hết. Andreas không giúp đỡ gì đâu. Cô thì chắc chắn là không rồi.” Bà khúc khích.
“Nằm ngang hay nghiêng?” Mamá hỏi.
Có một tia ngạc nhiên lóe lên trong mắt Thalia. Một vẻ ngỡ ngàng. Như một người bước đi trên con phố đông đúc ở một thành phố xa lạ bỗng nghe thấy giọng quê nhà ngay sát bên tai. “Ngang ạ,” cô đáp bằng đúng cái giọng đẫm nước kỳ lạ đó.
“Cháu lấy gì làm cột?”
Mắt Thalia dừng lại nơi Mamá. “Cháu cắt bưu thiếp ra.”
Đó là lần đầu tiên tôi thấy hai người bọn họ có thể thân thiết đến mức nào.
“Hồi bé nó toàn tháo đồ chơi ra đấy,” Madaline nói. “Nó thích đồ chơi cơ học, những thứ có máy móc bên trong ấy. Con bé không chơi mấy thứ đó đâu, phải không con yêu. Không, nó tháo hết ra, tất cả những món đồ chơi đắt tiền ấy, mở toang hết ra ngay khi được mua cho. Chuyện đó từng làm mình buồn lòng lắm. Nhưng Andreas - điểm này thì cần phải khen ông ta - Andreas bảo rằng cứ kệ nó đi, đó là dấu hiệu của một trí óc ham học hỏi tìm tòi.”
“Nếu cháu thích, chúng ta có thể cùng nhau dựng một cái,” Mamá nói. “Ý cô là một cái đồng hồ mặt trời.”
“Cháu biết làm rồi.”
“Xem lại thái độ của con đi kìa, con yêu,” Madaline nhắc, đoạn duỗi dài rồi gập lại một chân, như thể đang sải chân trong một điệu nhảy. “Cô Odie chỉ cố giúp đỡ thôi mà.”
“Thế thì làm thứ khác vậy,” Mamá nói. “Chúng ta có thể cùng nhau dựng thứ khác.”
“Ôi! Ôi!” Madaline nói, vội vã nhả khói, thở khò khè. “Không thể tin được là mình chưa kể cho cậu nghe, Odie. Mình có tin này. Đoán thử xem.”
Mamá nhún vai.
“Mình sẽ diễn xuất trở lại! Trong phim! Mình đã được mời một vai, vai chính cơ đấy, trong một tác phẩm hoành tráng. Cậu tin được không?”
“Chúc mừng nhé,” Mamá khẽ nói.
“Mình có mang theo kịch bản đấy. Mình sẽ cho cậu đọc Odie à, nhưng mình lo là cậu không thích. Như thế có tệ quá không? Mình sẽ buồn chết mất, nói thẳng cho cậu biết. Mình sẽ không vượt qua được. Mùa thu này bọn mình sẽ bắt đầu quay.”
Sáng hôm sau, sau bữa sáng, Mamá kéo tôi ra một bên, “Được rồi, thế có chuyện gì? Con làm sao thế?”
Tôi bảo không biết bà đang nói chuyện gì.
“Tốt nhất là con thôi đi. Cái trò ngu ngốc ấy. Nó không hợp với con đâu,” bà nói. Bà có cách nhíu mắt và nghiêng đầu rất nhẹ. Tới ngày hôm nay nó vẫn ám ảnh tôi.
“Con không làm được đâu, Mamá. Đừng bắt con.”
“Chính xác thì sao lại không?”
Lời nói vọt ra trước khi tôi kịp trở tay. “Nó là quái vật.”
Miệng Mamá mím lại. Bà nhìn tôi không phải với ánh mắt giận dữ mà bần thần, như thể tôi đã rút cạn nhựa sống khỏi bà. Có một dấu chấm hết trong cái nhìn ấy. Như một nhà điêu khắc cuối cùng đã buông bỏ dùi đục, bó tay trước khối đá cứng đầu sẽ chẳng bao giờ thành hình như tưởng tượng.
“Con bé là người từng trải qua chuyện kinh khủng. Thử gọi nó bằng cái tên đó lần nữa xem, mẹ muốn coi lắm đấy. Gọi đi rồi xem điều gì sẽ xảy ra.”
Một lát sau chúng tôi, Thalia và tôi, men theo con đường rải sỏi mà hai bên là những bức tường đá. Tôi đảm bảo là mình đi trước vài bước để người qua đường - hay, phỉ phui, một thằng nhóc nào đó ở trường - không nghĩ chúng tôi đi cùng nhau, mà tất nhiên chúng nó sẽ nghĩ như thế. Ai cũng thấy. Ít nhất, tôi hy vọng khoảng cách giữa chúng tôi cũng cho thấy sự khó chịu và ngần ngại của tôi. Tôi nhẹ nhõm khi cô chẳng buồn đuổi theo cho kịp. Chúng tôi đi qua những bác nông dân với làn da cháy nắng và dáng vẻ mỏi mệt từ chợ về nhà. Đám lừa oằn lưng dưới những chiếc giỏ mây đựng hàng không bán được, móng guốc gõ lọc cọc trên đường. Tôi biết hầu hết những bác nông dân này, nhưng tôi cứ cúi đầu và đánh mắt đi chỗ khác.
Tôi dẫn Thalia ra biển. Tôi chọn chỗ nhiều đá mà thỉnh thoảng tôi vẫn đến, biết rằng nó không đông như mấy bãi biển khác, Agios Romanos chẳng hạn. Tôi xắn quần nhảy từ mỏm đá lởm chởm này sang mỏm đá khác, chọn chỗ gần nơi những con sóng vỡ tan rồi rút xuống. Tôi cởi giày rồi thò chân xuống một vũng nước nông nhỏ được tạo thành giữa một cụm đá. Một con cua ẩn sĩ hối hả bò thoát khỏi ngón chân tôi. Tôi thấy Thalia bên tay phải mình, ngồi xuống một tảng đá gần đó.
Chúng tôi ngồi im lặng hồi lâu, ngắm sóng biển vỗ dào dạt vào đá. Một luồng gió lạnh buốt vút qua tai tôi, hắt những tia nước mặn mùi vị muối vào mặt tôi. Một con bồ nông lượn lờ trên mặt nước màu lục lam, đôi cánh dang rộng. Hai người phụ nữ đứng bên nhau, đầu gối ngập trong nước, váy xắn cao. Ở phía Tây, tôi nhìn thấy hòn đảo, màu trắng nổi bật của những ngôi nhà và cối xay gió, màu xanh của cánh đồng lúa mạch, màu nâu trầm của rặng núi lởm chởm vốn là nơi khơi nguồn của những mạch suối năm này qua năm khác. Cha tôi đã mất trên một trong những ngọn núi đó. Ông làm việc cho một mỏ đá cẩm thạch xanh và một ngày, khi Mamá có mang tôi sáu tháng, ông đã sẩy chân xuống vách đá và rơi xuống từ độ cao ba mươi mét. Mamá nói ông quên đeo dây bảo hộ.
“Cậu thôi đi,” Thalia lên tiếng.
Tôi đang ném sỏi vào một cái xô thiếc mạ kẽm cũ sì gần đó thì cô làm tôi giật nảy mình. Tôi trượt. “Can gì đến cậu?”
“Ý tôi là cái kiểu tự mãn ấy. Tôi chán ngấy chuyện đó chả kém gì cậu đâu.”
Gió thổi tóc cô bay phấp phới, và cô đang phải giữ chiếc mạng sát mặt. Tôi tự hỏi có phải ngày nào cô cũng sống với nỗi sợ hãi đó, rằng một cơn gió mạnh sẽ giật nó khỏi mặt cô, khiến cô phải đuổi theo, khuôn mặt bị phơi bày. Tôi không nói gì. Tôi quẳng một viên sỏi và lại trượt lần nữa.
“Cậu là đồ con lừa,” cô nói.
Một lúc sau khi cô đứng dậy, tôi vẫn vờ ở lại. Rồi tôi ngoái qua vai, thấy cô ra biển, rồi trở lại đường cái, tôi bèn xỏ giày vào rồi theo cô về nhà.
Khi chúng tôi về, Mamá đang thái đậu bắp trong bếp còn Madaline ngồi gần đó, vừa sơn móng tay vừa hút thuốc, gõ tàn thuốc vào chiếc đĩa lót tách. Tôi co rúm sợ hãi khi thấy chiếc đĩa lót này nằm trong bộ đồ sứ mà Mamá thừa hưởng từ cụ tôi. Đó là đồ vật có giá trị duy nhất mà Mamá sở hữu, bộ đồ sứ, và bà hầu như không bao giờ lấy nó xuống khỏi nơi cất giữ trên cái giá cao gần chạm trần nhà.
Madaline thổi thổi móng tay giữa mỗi lần rít thuốc và thao thao nói về Pattakos, Papadopoulos và Makarezos, ba thượng tướng, những người đã tiến hành cuộc đảo chính quân sự - Cuộc Đảo chính của các vị Tướng, như tên gọi sau này - xảy ra đầu năm ấy tại Athens. Bà nói bà biết một nhà biên kịch - một “người đàn ông rất, rất đáng mến”, như bà miêu tả - người đã bị tống vào tù với tội danh lật đổ chế độ cộng sản.
“Thật vô lý, quả vậy! Rõ là vô lý. Cậu có biết họ làm gì với người ta không, đám cảnh sát quân sự ấy, để họ mở miệng?” Bà hạ thấp giọng như thể có cảnh sát quân sự đang nấp đâu đó trong nhà. “Họ cắm một cái ống vào mông người ta rồi vặn nước to hết cỡ. Thật đấy, Odie. Mình thề với cậu. Họ nhúng giẻ vào những thứ bẩn thỉu nhất - chất thải con người - cậu hiểu chứ - rồi nhét vào mồm người ta.”
“Thật kinh khủng,” Mamá thờ ơ đáp.
Tôi tự hỏi có phải bà đã mệt mỏi vì Madaline. Dòng quan điểm chính trị cường điệu, chuyện về những bữa tiệc mà Madaline tham dự cùng chồng, các nhà thơ, học giả và nhạc sĩ mà bà từng cụng những ly sâm banh chân dài, danh sách những chuyến đi vô ích, vô nghĩa tới các thành phố nước ngoài. Phô trương quan điểm về thảm họa hạt nhân, tình trạng bùng nổ dân số và ô nhiễm. Mamá chiều lòng Madaline, mỉm cười xuyên suốt các câu chuyện với vẻ quan tâm gượng gạo, nhưng tôi biết bà không nghĩ tốt về bạn mình. Có lẽ bà nghĩ Madaline đang khoe khoang. Có lẽ bà cảm thấy ái ngại vì bạn mình.
Đó là những gì giày vò, những gì làm vẩn đục lòng tốt của Mamá, sự cứu giúp, và hành động dũng cảm của bà. Cả nỗi hàm ơn phủ bóng xuống họ. Những yêu cầu, trách nhiệm mà bà dồn lên vai người khác. Cái cách bà sử dụng những hành vi đó giống như một loại tiền tệ, mà bà dùng để đổi lấy lòng trung thành và kiên trinh. Giờ tôi đã hiểu tại sao Madaline lại từ bỏ tất cả nhiều năm về trước. Sợi thừng kéo ta khỏi cơn lũ có thể trở thành thòng lọng thắt quanh cổ ta. Rốt cuộc mọi người luôn làm Mamá thất vọng, kể cả tôi. Họ không thể trả món nợ của mình, không phải theo cách Mamá trông đợi. Giải thưởng an ủi của Mamá là niềm thỏa mãn ác ý trong việc thắng thế, được tự do đưa ra phán quyết từ vị trí chiến lược thuận lợi, vì bà luôn là người thiệt thòi.
Tôi buồn trước những hé lộ về sự thiếu thốn tình cảm của Mamá, niềm lo âu của bà, nỗi sợ cô đơn, sự khiếp hãi bị bỏ rơi, chẳng ai đoái hoài. Và nó nói lên điều gì trong việc tôi biết tâm tư của mẹ, việc tôi biết chính xác bà cần gì nhưng đã cố ý và nhất quyết phủ nhận bà thế nào, chăm chăm giữ một đại dương, một lục địa - hay tốt hơn là, cả hai - giữa chúng tôi trong gần ba thập kỷ?
“Họ chẳng có khiếu châm biếm nhỉ, đám sĩ quan quân đội ấy,” Madaline nói, “cứ thế đàn áp mọi người. Tại Hy Lạp! Cái nôi của nền dân chủ… A, các con đây rồi. Ừm, mọi chuyện thế nào? Các con đã làm gì thế?”
“Bọn con chơi ngoài biển,” Thalia đáp.
“Vui không? Các con chơi có vui không?”
“Vui lắm ạ,” Thalia đáp tiếp.
Mamá vụt liếc ánh mắt nghi ngờ từ tôi sang Thalia rồi ngược lại, nhưng Madaline đã cười tươi và khẽ vỗ tay. “Tốt! Giờ thì mẹ không phải lo về việc hai đứa có chơi được với nhau không, Odie và mẹ có thể dành thời gian cho nhau rồi. Cậu nói gì đây, Odie? Chúng ta còn khối việc phải làm đấy!”
Mamá cười hào hứng đoạn vươn tay lấy một cái bắp cải.
Kể từ đó, Thalia và tôi được phép làm gì tùy thích. Chúng tôi sẽ khám phá hòn đảo, chơi trò chơi trên bãi biển, trêu chọc nhau theo cách lũ trẻ con thường làm. Mamá sẽ gói cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc sandwich, và chúng tôi cùng nhau khởi hành sau bữa sáng.
Một khi đã khuất tầm mắt, chúng tôi thường tách nhau ra. Ra đến biển, tôi bơi một vòng hay cởi áo nằm trên đá trong khi Thalia đi nhặt vỏ sò hay lia đá trên mặt nước, một việc vô ích vì sóng quá to. Chúng tôi men theo những con đường mòn ngoằn ngoèo qua vườn nho và cánh đồng lúa mạch, nhìn xuống bóng của chính mình, mỗi đứa miên man với suy nghĩ riêng. Chúng tôi đi lang thang là chính. Hồi đó, ngành du lịch ở Tinos chẳng có gì nhiều. Đó là một hòn đảo nông nghiệp, thật vậy, người ta sống dựa vào đám bò dê, cây ô liu và lúa mì. Cuối cùng chúng tôi cũng đâm chán, ăn trưa đâu đó, lặng lẽ, dưới bóng râm của một cái cây hay cối xay gió, vừa ăn vừa nhìn những khe suối, những cánh đồng đầy rẫy bụi cây gai góc, những ngọn núi, biển cả.
Một ngày, tôi lang thang ra thị trấn. Chúng tôi sống ở bờ Tây Nam của hòn đảo, còn thị trấn Tinos chỉ cách có vài cây số đi bộ về phía Nam. Ở đó có một cửa hàng nhỏ bán đồ trang trí lặt vặt do một ông góa mặt nặng như chì tên là Roussos quản lý. Vào một ngày bất kỳ, ta có thể tìm thấy trong quầy kính cửa hàng ông bất cứ thứ gì từ một cái máy chữ hồi thập niên bốn mươi đến một đôi ủng lao động bằng da, hay một chiếc chong chóng thời tiết, một giá đỡ chậu hoa cũ, những cây nến sáp khổng lồ, một cây thập giá, hay, tất nhiên, những ấn bản của nhà thờ Panagia Evangelistria, biểu tượng của hòn đảo. Hay thậm chí là cả một con khỉ đột bằng đồng thau. Ông còn là một nhiếp ảnh gia không chuyên và có một phòng tối tạm bợ ở sau cửa hàng. Khi những người hành hương tới Tinos vào mỗi tháng Tám để viếng thăm nhà thờ, ông Roussos lại bán phim cho họ và rửa ảnh thuê trong phòng tối.
Khoảng một tháng trước, tôi phát hiện thấy một cái máy ảnh trong quầy kính cửa hàng ông, nằm trên bao đựng bằng da cũ mèm màu gỉ sét. Cứ vài ngày một lần, tôi lại tha thẩn ra cửa hàng, nhìn chằm chằm vào cái máy ảnh, tưởng tượng mình ở Ấn Độ, chiếc bao da lủng lẳng trên sợi dây vắt qua vai, chụp ảnh những đồng ruộng, đồi chè mà tôi từng thấy trong tạp chí Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ. Tôi sẽ chụp Đường mòn Inca*. Trên lưng lạc đà, trong một chiếc xe tải già cỗi phả đầy khói bụi, hay trên đôi chân mình, tôi sẽ kiên cường chịu đựng cái nóng cho đến khi được đứng ngước nhìn tượng Nhân sư và Kim Tự Tháp, và tôi cũng sẽ chụp lại cảnh tượng ấy và xem ảnh của mình được đăng trên những cuốn tạp chí bìa bóng lộn. Đó là điều thu hút tôi đến bên cửa sổ cửa hàng ông Roussos sáng hôm đó - dù bữa ấy cửa hàng đóng cửa - để đứng bên ngoài, trán áp vào kính, và mơ mộng.
Đoạn đường nổi tiếng nhất trong hệ thống đường Inca, nơi dẫn đến kỳ quan Machu Picchu của Peru.
“Loại gì thế?”
Tôi hơi lùi lại, bắt gặp hình phản chiếu của Thalia trên cửa kính. Cô chấm chấm khăn tay vào má trái.
“Cái máy ảnh ấy.”
Tôi nhún vai.
“Trông như C3 Argus,” cô nói.
“Sao cậu biết?”
“Đây chính là chiếc máy ảnh ống 35 milimet bán chạy nhất thế giới trong ba mươi năm qua,” cô nói vẻ hơi quở trách. “Nhưng kiểu dáng thì không bắt mắt lắm. Xấu. Trông như cục gạch. Vậy là cậu muốn làm nhiếp ảnh gia hả? Khi cậu lớn hẳn lên ấy? Mẹ cậu nói thế.”
Tôi quay lại. “Mamá nói với cậu à?”
“Thì?”
Tôi nhún vai. Tôi xấu hổ khi Mamá lại kể chuyện đó với Thalia. Tôi tự hỏi bà kể ra sao. Bà có thể lấy từ kho đạn của mình ra một thứ vũ khí là cách nói trầm trầm mỉa mai về thứ mà bà cho là phô trương hoặc phù phiếm. Bà có thể thổi xẹp ước mơ của người khác ngay trước mắt họ. Markos muốn đi khắp nơi trên thế giới và ghi lại những hình ảnh đó bằng ống kính của mình.
Thalia ngồi xuống vỉa hè, kéo váy che đầu gối. Đó là một ngày nóng nực, nắng râm ran trên da như thể có răng vậy. Hầu như không ai ra đường trừ một cặp đôi lớn tuổi chậm chạp lê bước trên phố. Ông chồng - tên Demis thì phải - đội chiếc mũ bê rê màu xám và vận áo khoác bằng vải tuýt màu nâu nom quá dày so với mùa này. Ông có ánh mắt trợn trừng, đờ đẫn, tôi nhớ thế, kiểu của mấy người già, như thể họ thường xuyên bị giật mình bởi một nỗi ngạc nhiên khủng khiếp mang tên tuổi già - mãi vài năm sau, ở trường y, tôi mới ngờ ngợ rằng ông bị Parkinson. Họ vẫy tôi lúc đi qua và tôi vẫy lại. Tôi thấy họ để mắt đến Thalia, một khoảng ngừng ngắn ngủi trên chặng đường của họ, và rồi lại bước tiếp.
“Cậu có máy ảnh không?” Thalia hỏi.
“Không.”
“Thế mà cậu muốn làm nhiếp ảnh gia à?”
“Cậu thấy lạ à?”
“Hơi hơi.”
“Thế nếu tôi nói tôi muốn làm cảnh sát, cậu cũng thấy lạ chắc? Vì tôi đã bao giờ bập còng vào tay ai đâu.”
Tôi có thể thấy trong ánh mắt dịu lại của cô, rằng nếu có thể, cô sẽ mỉm cười. “Ra cậu là một con lừa thông minh,” cô nói. “Nghe lời khuyên này: Đừng nhắc đến máy ảnh trước mặt mẹ tôi, nếu không bà ấy sẽ mua cho cậu đấy. Bà ấy rất thích chiều lòng người khác.” Chiếc khăn tay di lên má rồi trở lại. “Nhưng tôi không chắc là cô Odelia ủng hộ đâu. Chắc cậu biết rồi.”
Tôi vừa ngỡ ngàng vừa thoáng bối rối trước việc cô có vẻ nắm bắt tình hình khá rõ trong khoảng thời gian ít ỏi như vậy. Có lẽ đó là nhờ tấm mạng, tôi nghĩ, lợi thế của việc che chắn, sự tự do được theo dõi, quan sát và suy xét.
“Có lẽ cô ấy sẽ bắt cậu trả lại.”
Tôi thở dài. Đúng thế. Mamá sẽ không cho phép những thay đổi dễ dàng như vậy, gần như chắc chắn là không nếu chuyện đó dính líu đến tiền bạc.
Thalia đứng lên và phủi bụi khỏi mông. “Xem nào, ở nhà cậu có cái hộp nào không?”
Madaline đang nhấm nháp rượu cùng Mamá trong bếp, còn Thalia và tôi lên gác, dùng bút dạ đen tô lên một hộp giày. Hộp giày này là của Madaline, bên trong đựng một đôi giày da cao gót mới màu xanh lá mạ, vẫn còn bọc trong giấy.
“Cô ấy định đi đôi này ở đâu vậy?” tôi hỏi.
Tôi có thể nghe thấy tiếng Madaline dưới nhà, thao thao về một lớp học diễn xuất bà từng tham gia mà ở đó người hướng dẫn đã bảo bà, như một dạng bài tập, giả vờ làm một con thằn lằn nằm bất động trên một tảng đá. Một tràng cười - của bà nốt - nối theo sau.
Chúng tôi tô xong lớp thứ hai, và Thalia bảo nên tô thêm lớp thứ ba, để chắc chắn không bỏ lỡ một chỗ nào. Màu đen phải đồng bộ và không tì vết.
“Thế là hoàn chỉnh cho một chiếc máy ảnh,” cô nói, “một hộp đen có lỗ để ánh sáng lọt vào và một thứ để hấp thu ánh sáng đó. Đưa tôi cây kim.”
Tôi đưa cô cây kim khâu của Mamá. Nói không quá là tôi hoài nghi về khả năng thành công của cái máy ảnh tự chế, liệu nó có nên cơm cháo gì không - một hộp giày và một cây kim ư? Nhưng Thalia đã bắt tay vào dự án này với niềm tin và sự quả quyết lớn đến nỗi tôi phải để ngỏ một khả năng không tưởng rằng nó có thể thành công. Cô khiến tôi nghĩ rằng cô biết những điều mà tôi không biết.
“Tôi đã tính toán rồi,” cô nói, cẩn thận xỏ kim vào hộp. “Không có ống kính, chúng ta không thể tạo lỗ kim trên một bề mặt nhỏ, chiếc hộp quá dài. Nhưng chiều rộng thì vừa khớp. Giải pháp là tạo ra lỗ kim có kích cỡ chuẩn. Tôi ước tính là khoảng 0,6 milimet. Đây. Giờ chúng ta cần một cái màn trập.”
Dưới nhà, giọng Madaline hạ thấp thành tiếng thì thầm nhỏ xíu, gấp gáp. Tôi không nghe thấy bà nói gì nhưng tôi biết bà đang nói chậm hơn lúc trước, phát âm rõ ràng, và tôi hình dung bà ngả về phía trước, khuỷu tay chống lên đầu gối, nhìn vào mắt người đối diện, không chớp mắt. Suốt bao năm, tôi đã hiểu tường tận tông giọng này. Khi người ta nói theo cách này, tức là họ có thể đang phơi bày, tiết lộ, thú nhận một tai họa nào đó, khẩn nài người nghe. Là người lính chủ lực trong đội thông báo thương vong của quân đội gõ cửa, là những luật sư chào mời thỏa thuận bào chữa với khách hàng, cảnh sát dừng xe lúc ba giờ sáng, mấy ông chồng ngoại tình. Đã bao nhiêu lần chính tôi đã dùng giọng điệu ấy trong các bệnh viện ở Kabul này? Đã bao nhiêu lần tôi dẫn cả một gia đình vào một căn phòng yên tĩnh, mời họ ngồi, tự kéo ghế cho mình, thu hết can đảm để báo tin cho họ, sợ hãi cuộc nói chuyện sắp tới?
“Bà ấy đang nói về Andreas,” Thalia thờ ơ nói. “Tôi cá đấy. Họ cãi nhau to lắm. Đưa tôi cuộn băng dính với cái kéo nào.”
“Ông ấy thế nào? Ý tôi là ngoài giàu có ra ấy?”
“Ai cơ? Andreas á? Ông ấy cũng được. Ông ấy đi suốt thôi. Khi ông ấy ở nhà, lúc nào cũng có người ghé qua. Những người quan trọng - các bộ trưởng, mấy vị tướng, kiểu vậy. Họ uống rượu bên lò sưởi và nói chuyện xuyên đêm, chủ yếu là chuyện kinh doanh và chính trị. Từ phòng mình tôi có thể nghe thấy họ nói chuyện. Tôi phải ở trên gác khi Andreas có khách. Tôi không được xuống dưới nhà. Nhưng ông ấy mua cho tôi đủ thứ. Ông ấy thuê gia sư cho tôi. Ông ấy nói chuyện với tôi cũng không đến nỗi nào.”
Cô dán một mẩu bìa các tông hình chữ nhật mà chúng tôi đã tô màu đen, lên lỗ kim.
Dưới nhà đã lặng tiếng. Tôi hình dung ra một cảnh tượng trong đầu. Madaline nức nở không thành tiếng, lơ đãng vần vò chiếc khăn tay như thể nó là một cục đất sét, Mamá chẳng giúp được gì nhiều, chỉ đứng đó gượng gạo nhìn với nụ cười méo mó như thể có gì đó chua loét đang tan ra dưới lưỡi bà. Mamá không thể chịu được khi người ta khóc trước mặt mình. Bà gần như không thể nhìn vào những đôi mắt sưng húp, và những khuôn mặt nài nỉ bộc lộ hết cảm xúc. Bà coi khóc là biểu hiện của sự yếu đuối, một cách màu mè để lôi kéo chú ý, và bà sẽ không dung dưỡng cho việc đó. Bà không thể nào an ủi ai được. Lớn lên, tôi biết rằng đó không phải một điểm mạnh của bà. Nỗi đau phải được giữ cho riêng mình, bà nghĩ, chứ không phải để trưng ra. Hồi nhỏ, có lần tôi hỏi bà có khóc khi cha tôi ngã chết không.
Ở đám tang? Ý con là khi chôn cất ấy?
Không, ta không khóc.
Vì mẹ không buồn à?
Vì nếu ta có buồn thì cũng không phải việc của ai.
Mẹ có khóc nếu con chết không, Mamá?
Cứ hy vọng chúng ta không bao giờ phải tìm ra câu trả lời đi, bà nói.
Thalia cầm hộp phim lên, đoạn nói. “Lấy đèn pin đi.”
Chúng tôi chui vào tủ quần áo của Mamá, cẩn thận đóng cửa lại và chặn ánh sáng bên ngoài bằng đống khăn nhét dưới khe cửa. Khi chúng tôi đã ở trong không gian tối như hũ nút, Thalia bảo tôi bật đèn pin, vốn được chúng tôi phủ dưới vài lớp giấy bóng kính đỏ. Tất cả những gì tôi thấy ở Thalia trong ánh sáng lờ mờ là những ngón tay mảnh dẻ của cô khi cô cắt một mẩu phim và dán nó vào bên trong hộp giày, phía đối diện với lỗ kim. Chúng tôi đã mua phim ở chỗ cửa hàng ông Roussos hôm trước. Lúc chúng tôi bước tới quầy, ông Roussos nheo mắt nhìn Thalia qua cặp kính và nói, “Đây là một vụ cướp à?” Thalia chỉ ngón trỏ vào ông và giơ ngón cái lên như thể kéo cò súng.
Thalia đóng nắp hộp giày, che lỗ kim lại bằng màn trập. Trong bóng tối cô nói, “Mai cậu sẽ chụp bức ảnh đầu tiên trong sự nghiệp của mình.” Tôi không biết cô có nói đùa hay không nữa.
Chúng tôi chọn bãi biển. Chúng tôi đặt hộp giày lên một tảng đá phẳng và cột chặt nó lại bằng dây thừng cho chắc chắn - Thalia bảo chúng tôi không được cử động chút nào khi mở màn trập. Cô nhích lại gần tôi và nheo mắt nhìn qua cái hộp như thể soi qua ống ngắm vậy.
“Sẽ là một bức ảnh hoàn hảo,” cô nói.
“Gần như thôi. Chúng ta cần mẫu.”
Cô nhìn tôi, hiểu ý bèn nói. “Không. Tôi không làm đâu.”
Chúng tôi tranh cãi tới lui một hồi thì cuối cùng cô cũng đồng ý, nhưng với điều kiện không được chụp mặt cô. Cô cởi giày ra, bước lên trên một dãy đá trước máy ảnh vài mét. Cô dang hai tay ra như người đi trên dây vậy. Rồi cô ngồi xuống một tảng đá quay mặt về phía Tây hướng đảo Syros và Kythnos. Cô hất tóc để nó che hết sợi dây sau đầu vốn dùng để cố định tấm mạng. Cô ngoái nhìn tôi qua vai.
“Nhớ đấy,” cô hét lên, “đếm từ một đến một trăm hai mươi.”
Đoạn cô quay mặt ra biển.
Tôi lom khom, nheo mắt qua cái hộp, nhìn vào lưng Thalia, cụm đá xung quanh cô, đám rong biển quấn quanh như rắn chết, một chiếc tàu kéo dập dềnh xa xa, sóng trào lên lên, nhấn chìm bờ biển lởm chởm đá rồi lại rút xuống. Tôi nâng màn trập lên khỏi lỗ kim và bắt đầu đếm.
Một… hai… ba… bốn… năm…
Chúng tôi nằm trên giường. Trên màn hình ti vi, một cặp nghệ sĩ phong cầm đang song diễn, nhưng Gianna đã tắt tiếng. Nắng trưa xiên qua mành thành những đường sọc trên phần còn thừa của chiếc pizza Margherita mà chúng tôi đặt ăn trưa qua dịch vụ phòng. Mang bánh đến là một người đàn ông cao gầy với mái tóc vuốt ngược bóng mượt hoàn hảo, vận áo khoác trắng cà vạt đen. Trên chiếc xe anh ta đẩy vào phòng là một cái lọ thuôn dài, cắm một bông hồng nhung. Anh ta nhấc cái nắp khay đậy bánh pizza lên với vẻ điệu đà hết sức, khoát tay như một ảo thuật gia làm trước khán giả sau khi chú thỏ xuất hiện từ chiếc mũ chóp cao.
Vương vãi quanh chúng tôi, giữa đống chăn ga nhàu nhĩ, là những bức ảnh tôi đã cho Gianna xem, những bức ảnh chụp các chuyến đi của tôi trong suốt một năm rưỡi qua. Belfast, Montevideo, Tangier, Marseille, Lima, Tehran. Tôi cho cô xem ảnh nhóm người mà tôi đã từng có thời gian ngắn ngủi gia nhập ở Copenhagen, sống giữa những người Đan Mạch lập dị mặc áo phông rách đội mũ len, những người xây dựng một cộng đồng tự trị tại nơi trước kia là căn cứ quân sự.
Anh ở đâu? Gianna hỏi. Anh không có mặt trong ảnh.
Anh thích ở sau ống kính hơn, tôi đáp. Đó là sự thật. Tôi đã chụp hàng trăm bức ảnh, nhưng không bức nào có mặt tôi. Tôi luôn đặt in hai bộ ảnh khi mang phim đi rửa. Tôi giữ một bộ, và gửi bộ còn lại cho Thalia ở nhà.
Gianna hỏi tôi làm thế nào tôi có đủ tiền chi trả cho các chuyến đi và tôi giải thích là nhờ tiền thừa kế. Điều này đúng một phần, vì khoản thừa kế là của Thalia chứ không phải của tôi. Khác với Madaline, người vì những lý do rõ ràng không được nhắc đến lấy một câu trong di chúc của Andreas, Thalia thì có. Cô cho tôi một nửa số tiền. Lẽ ra tôi phải dùng số tiền này để sống sót qua những năm tháng đại học.
Tám… chín… mười…
Gianna chống khuỷu tay ngồi dậy và vươn sang bên kia giường, qua người tôi, bầu ngực nhỏ lướt qua da tôi. Cô lấy bao thuốc, châm một điếu. Tôi gặp cô hôm trước ở quảng trường Piazza di Spagna. Lúc đó tôi đang ngồi trên những bậc thang đá nối quảng trường bên dưới với nhà thờ trên đồi. Cô bước về phía tôi và nói gì đó bằng tiếng Italia. Nom cô giống như nhiều cô gái xinh đẹp, nom vẻ vô định mà tôi vẫn thấy lượn lờ quanh các nhà thờ và quảng trường ở Rome. Họ hút thuốc, nói to, và cười rất nhiều. Tôi lắc đầu hỏi, Xin lỗi? Cô mỉm cười, thốt lên À, và rồi, bằng ngữ điệu tiếng Anh nặng trình trịch, bảo Bật lửa? Thuốc lá. Tôi lắc đầu đáp lại cô cũng bằng ngữ điệu tiếng Anh nặng trình trịch của mình rằng tôi không hút thuốc. Cô nhoẻn cười. Đôi mắt rạng rỡ lấp lánh. Ánh nắng buổi xế trưa tạo thành một quầng sáng quanh khuôn mặt hình kim cương của cô.
Tôi mơ màng ngủ một chút rồi chợt tỉnh khi cô chọc vào mạng sườn.
La tua ragazza? cô hỏi. Cô tìm thấy bức ảnh Thalia trên bãi biển, bức mà tôi đã chụp nhiều năm trước với chiếc máy ảnh lỗ kim tự chế. Bạn gái của anh à?
Không, tôi đáp.
Em gái à?
Không.
La tua cugina? Em họ à, si*?
Đúng không (tiếng Ý).
Tôi lắc đầu.
Cô săm soi bức ảnh thêm chút nữa, rít một hơi thuốc dài. Không, cô cao giọng, trước sự ngạc nhiên của tôi, thậm chí còn nhuốm vẻ giận dữ. Questa è la tua ragazza! Bạn gái của anh. Em nghĩ là đúng đấy, anh là kẻ nói dối! Và rồi, không thể tin nổi, cô đánh bật lửa lên và để lửa liếm qua bức ảnh.
Mười bốn… mười lăm… mười sáu… mười bảy…
Đi được khoảng nửa đường về bến xe buýt, tôi nhận ra mình đã mất bức ảnh. Tôi bảo họ tôi cần quay lại. Không còn lựa chọn nào khác, tôi phải quay lại. Alfonso, một chàng huaso* rắn rỏi, môi mím chặt đi cùng chúng tôi trong vai trò một hướng dẫn viên địa phương không chính thức người Chile, nhìn Gary vẻ dò hỏi. Gary là người Mỹ. Gã là kẻ dẫn đầu trong bộ ba chúng tôi. Gã có mái tóc vàng xỉn và những ổ mụn trên má. Đó là khuôn mặt hé lộ một lối sống khắc khổ. Gary đang trong tâm trạng cáu bẳn, tình hình càng tệ hơn bởi cơn đói, cơn khát rượu, và vết mẩn đỏ khó chịu trên bắp chân trái mà gã bị nổi lên sau khi quệt phải một bụi litre* hôm trước. Tôi gặp cả hai trong một quán bar đông đúc ở Santiago, nơi mà sau khoảng sáu chầu piscola*, Alfonso đã gợi ý đi bộ đường trường đến thác nước Apoquindo, chốn mà ông cụ thân sinh thường đưa gã tới hồi nhỏ. Hôm sau chúng tôi lên đường và cắm trại bên thác nước cả đêm. Chúng tôi hút cần sa, nước gầm gào bên tai, bầu trời rộng mở dát đầy sao phía trên. Giờ chúng tôi đang cuốc bộ trở lại đường San Carlos de Apoquindo để bắt xe buýt.
Cao bồi Chile.
Một loài thực vật ở Chile, thuộc giống đào lộn hột.
Một loại cocktail hỗn hợp, pha từ rượu pisco của Chile và cola.
Gary hất chiếc mũ Cordoban rộng vành ra sau, và lau lông mày bằng khăn tay. Quay trở lại mất ba tiếng đấy, Markos, gã nói.
Tres horas, hágale comprende? Ba tiếng, anh hiểu không? Alfonso hưởng ứng.
Tôi biết.
Anh vẫn định đi à?
Phải.
Para una foto? Vì một tấm ảnh?Alfonso hỏi.
Tôi gật đầu. Tôi giữ im lặng vì họ sẽ không hiểu đâu. Tôi không chắc bản thân mình hiểu nữa là.
Anh biết là anh sẽ lạc đường mà, Gary bồi thêm.
Có thể.
Thế thì chúc may mắn, amigo*, Gary nói, chìa tay ra.
Anh bạn (tiếng Tây Ban Nha).
Es un griego loco. Một tay Hy Lạp điên khùng, Alfonso nói.
Tôi bật cười. Đây không phải lần đầu tiên tôi bị gọi là tay Hy Lạp điên khùng. Chúng tôi bắt tay. Gary chỉnh lại dây ba lô, và hai người bọn họ men theo con đường dọc theo những nếp gấp núi, Gary vẫy tay một lần mà không ngoái lại khi bọn họ rẽ ở một khúc ngoặt chữ U. Tôi đi ngược hướng về nơi chúng tôi đã đến. Thực ra tôi mất tới bốn tiếng, vì tôi bị lạc đúng như Gary đoán. Tôi mệt bở hơi tai khi đến nơi cắm trại. Tôi lật tung mọi chỗ, đá những bụi cây, nhìn giữa những khe đá, nỗi sợ hãi lớn dần lên khi tôi nháo nhào tìm kiếm trong vô vọng. Thế rồi, ngay khi đành cam chịu cho điều tồi tệ nhất, tôi phát hiện thấy một ánh trắng lóe lên từ những bụi cây mọc trên sườn đồi thoai thoải. Tôi tìm thấy bức ảnh mắc giữa một bụi mâm xôi chằng chịt. Tôi rút nó ra, phủi bụi khỏi bức ảnh, mắt rưng rưng lệ vì nhẹ nhõm.
Hai ba… hai tư… hai lăm…
Ở Caracas tôi ngủ dưới chân cầu. Một nhà nghỉ dành cho thanh niên ở Brussels. Đôi khi tôi phóng tay thuê phòng trong một khách sạn đẹp đẽ, tắm nước nóng, cạo râu, dùng bữa trong chiếc áo choàng tắm. Tôi xem ti vi màu. Những thành phố, con đường, miền nông thôn, những con người tôi gặp - tất cả bắt đầu mờ nhòa. Tôi tự nhủ mình đang tìm kiếm gì đó. Nhưng càng tìm kiếm, tôi càng cảm thấy mình đang lang thang, đợi chờ điều gì đó xảy ra với mình, một điều sẽ thay đổi mọi thứ, một điều mà cả đời tôi hướng đến.
Ba tư… ba lăm… ba sáu…
Ngày thứ tư của tôi ở Ấn Độ. Tôi lảo đảo men theo con đường đất giữa đám gia súc lạc, thế giới chao nghiêng dưới chân tôi. Tôi đã nôn cả ngày. Da tôi vàng như màu chiếc sari, và có cảm giác như những bàn tay vô hình đang lột sống nó ra. Khi không thể lết được nữa, tôi nằm xuống vệ đường. Một ông già bên kia đường đang ngoáy gì đó trong chiếc nồi thép to đùng. Bên cạnh ông là một cái lồng, trong lồng là một con vẹt lông xanh đỏ. Một người bán hàng rong da đen sạm đẩy một xe hàng đầy những chai rỗng màu xanh qua tôi. Đó là điều cuối cùng tôi nhớ được.
Bốn mốt… bốn hai…
Tôi tỉnh lại trong một căn phòng lớn. Bầu không khí đặc quánh hơi nóng và một mùi gì đó như dưa vàng ủng. Tôi đang nằm trên một chiếc giường đơn khung thép, được lót bởi một tấm nệm cứng, không đàn hồi, chẳng dày hơn một cuốn sách bìa mềm là mấy. Cả phòng đầy những chiếc giường như vậy. Tôi thấy những cánh tay xanh xao lủng lẳng bên mình, những đôi chân gầy rộc sạm đen thò ra từ tấm chăn lấm bẩn, những chiếc miệng thiếu răng há hốc. Quạt trần lờ đờ. Tường loang lổ vết mốc. Cửa sổ bên cạnh tôi phả vào hơi nóng dấp dính và ánh nắng xuyên thẳng vào cầu mắt tôi. Y tá - một người đàn ông Hồi giáo vạm vỡ nom dữ tợn tên Gul - bảo rằng tôi có thể chết vì viêm gan.
Năm lăm… năm sáu… năm bảy…
Tôi hỏi xin ba lô. Ba lô nào? Gul thờ ơ hỏi lại. Đồ đạc của tôi đã mất hết - quần áo, tiền, sách, máy ảnh. Đây là tất cả những gì trộm để lại cho anh, Gul nói trôi chảy bằng tiếng Anh, chỉ vào bậu cửa sổ bên cạnh tôi. Đó là bức ảnh. Tôi cầm nó lên. Thalia, tóc bay trong gió, nước sủi bọt quanh cô, đôi chân trần trên đá, biển Aegea nhấp nhô tung sóng trước mặt cô. Cổ họng tôi nghẹn lại. Tôi không muốn chết ở đây, giữa những người xa lạ này, quá xa cô. Tôi nhét bức ảnh vào khe hở giữa lớp kính và khung cửa sổ.
Sáu sáu… sáu bảy… sáu tám…
Thằng bé nằm trên chiếc giường kế bên tôi có khuôn mặt của một ông già, hốc hác, trũng sâu, nhăn nheo. Bụng dưới của nó sưng phồng với khối u to bằng quả bóng bowling. Cứ khi nào y tá chạm vào cục u, mắt nó lại nhắm nghiền, miệng bật ra tiếng kêu khẽ đau đớn. Sáng nay, một trong các y tá, không phải Gul, cố cho nó uống thuốc, nhưng thằng bé cứ quay đầu đi, cổ họng phát ra âm thanh như tiếng cào vào gỗ. Cuối cùng, y tá phải banh miệng nó ra, nhét thuốc vào. Khi anh ta rời đi, thằng bé chầm chậm quay đầu sang tôi. Chúng tôi nhìn nhau qua khoảng cách giữa hai chiếc giường. Một giọt nước mắt nhỏ ứa ra lăn dài xuống má nó.
Bảy lăm… bảy sáu… bảy bảy…
Sự đau đớn, nỗi thất vọng ở chốn này giống như một làn sóng. Nó trào ra từ mỗi chiếc giường, va đập vào những bức tường mốc meo, và nhào trở về phía ta. Ta có thể chết chìm trong đó. Tôi ngủ rất nhiều. Khi thức thì tôi ngứa. Tôi uống thuốc họ đưa cho tôi và những viên thuốc giúp tôi ngủ trở lại. Những lúc khác, tôi nhìn xuống con phố nhộn nhịp bên ngoài bệnh xá, nhìn ánh nắng lướt qua đám lều chợ và quán trà cuối ngõ. Tôi nhìn lũ trẻ chơi bắn bi trên vỉa hè chảy nhựa xuống những rãnh nước bùn lầy, mấy bà già ngồi trên ngưỡng cửa, những người bán hàng rong mặc dhoti* ngồi xổm trên chiếu, nạo dừa, bán những vòng hoa cúc vạn thọ. Ai đó bên kia phòng bật ra tiếng thét chói tai. Tôi lơ mơ thiếp đi.
Trang phục truyền thống của đàn ông Ấn Độ, gốm áo dài và một mảnh vải quấn quanh hông và chân.
Tám ba… tám tư… tám lăm…
Tôi biết được tên thằng bé là Manaar. Có nghĩa là “ánh sáng dẫn đường”, mẹ nó là gái điếm, cha nó là kẻ trộm. Nó sống cùng cậu mợ, chính là những người đánh nó. Không ai biết chính xác cái gì đang giết dần giết mòn nó, chỉ biết là vậy thôi. Không ai đến thăm nó, và khi nó chết, một tuần nữa thôi - hay một tháng, nhiều lắm là hai - sẽ không ai đến nhận nó. Sẽ không ai đau lòng. Sẽ không ai nhớ đến. Nó sẽ chết ở nơi nó đã sống, trong sự rạn vỡ. Khi nó ngủ, tôi thấy mình nhìn nó, nhìn thái dương lõm sâu của nó, cái đầu quá to so với vai, vết sẹo thâm trên môi dưới mà Gul từng bảo tôi rằng, đó là chỗ tay bảo kê của mẹ nó thường dập thuốc. Tôi cố nói chuyện với nó bằng tiếng Anh, rồi bằng vốn tiếng Urdu ít ỏi mà tôi có, nhưng nó chỉ chớp mắt mỏi mệt. Đôi khi tôi dùng tay tạo bóng thành hình những con thú trên tường để có được nụ cười của nó.
Tám bảy… tám tám… tám chín…
Một hôm Manaar chỉ vào cái gì đó bên ngoài cửa sổ chỗ tôi nằm. Tôi nhìn theo ngón tay nó, ngóc đầu dậy, nhưng chẳng thấy gì ngoài một dải trời xanh qua những đám mây, lũ trẻ bên dưới nghịch nước từ một trụ cứu hỏa trên phố, một chiếc xe buýt nhả khói. Rồi tôi nhận ra nó chỉ vào bức ảnh chụp Thalia. Tôi rút ảnh ra khỏi cửa sổ đưa cho nó. Nó cầm lấy gí sát mặt, chỗ bị cháy sém, và nhìn chằm chằm hồi lâu. Tôi tự hỏi có phải đại dương thu hút nó. Tôi tự hỏi nó đã bao giờ nếm nước biển hay bị chóng mặt khi nhìn thủy triều rút xuống từ chân mình. Hoặc có thể, dù không thể nhìn thấy mặt cô, nhưng nó cảm nhận được sự thân thuộc ở Thalia, một người biết sự đau đớn là như thế nào. Nó trả lại bức ảnh cho tôi. Tôi lắc đầu. Giữ lấy đi, tôi nói. Một thoáng nghi ngại lướt qua mặt nó. Tôi mỉm cười. Và, tôi không chắc lắm, nhưng tôi nghĩ nó đã mỉm cười đáp lại.
Chín hai… chín ba… chín tư…
Tôi đã đánh bại bệnh viêm gan. Thật lạ là tôi không thể đoán Gul vui mừng hay thất vọng khi tôi chứng minh là anh đã sai. Nhưng tôi biết mình đã khiến anh ngạc nhiên khi ngỏ ý ở lại làm tình nguyện viên. Anh nghênh đầu, nhíu mày. Cuối cùng tôi phải nói chuyện với một trong các y tá trưởng khác.
Chín bảy… chín tám… chín chín…
Buồng tắm có mùi như nước tiểu và trứng thối. Mỗi sáng tôi bế Manaar vào đó, giữ cơ thể trần truồng của nó trong tay mình, cẩn thận không để nó bị xóc - trước đây tôi đã thấy có tình nguyện viên vác nó lên vai như thể nó là một bao gạo vậy. Tôi nhẹ nhàng đặt nó ngồi xuống ghế băng và đợi nó lấy lại hơi. Tôi giội nước ấm lên cơ thể nhỏ bé, gầy guộc của nó. Manaar luôn ngồi yên, kiên nhẫn, lòng bàn tay úp lên đầu gối, đầu cúi thấp. Nom nó như một ông già xương xẩu đầy sợ hãi. Tôi chà miếng bọt biển nhúng xà phòng lên lồng ngực nó, lên những đốt xương sống tròn, lên đôi xương quai xanh không khác gì vây cá mập. Tôi đưa nó trở lại giường, cho nó uống thuốc. Nó cảm thấy dễ chịu hơn khi được xoa bóp bàn chân và bắp chân, vì thế tôi xoa cho nó, thật chậm rãi. Khi ngủ, nó luôn để bức ảnh chụp Thalia nhét hờ dưới gối.
Một trăm linh một… một trăm linh hai…
Tôi đi vô định quanh thành phố không biết bao lâu, chỉ để cách xa bệnh viện và xa tập hợp những hơi thở ốm đau hấp hối. Tôi đi trong hoàng hôn bụi bặm qua những con phố hai bên là dãy tường nhem nhuốc graffiti, qua các quầy hàng lợp thiếc san sát bên nhau, những con đường với mấy bé gái đầu đội giỏ phân tươi đầy ứ, những người phụ nữ lấm lem bồ hóng luộc quần áo trong mấy chiếc nồi nhôm cỡ đại. Tôi nghĩ rất nhiều về Manaar khi lang thang qua các ngõ hẹp chằng chịt, Manaar đang chờ chết trong căn phòng đầy những dáng hình đau ốm như nó. Tôi nghĩ rất nhiều về Thalia, ngồi trên tảng đá, hướng mắt ra biển. Tôi cảm thấy có gì đó sâu thẳm trong lòng đang lôi tôi đi, cuốn tôi theo như một cơn sóng dội. Tôi muốn đầu hàng, muốn bị cuốn phăng. Tôi muốn mất phương hướng, trượt khỏi bản ngã, lột bỏ tất cả, như cách một con rắn lột đi lớp da cũ.
Tôi không định nói rằng Manaar đã thay đổi mọi thứ. Không phải vậy. Tôi vật vờ thêm một năm nữa trước khi cuối cùng thấy mình bên chiếc bàn trong góc tại một thư viện ở Athens, nhìn xuống tờ đơn xin học trường y. Giữa Manaar và tờ đơn này là hai tuần tôi trải qua ở Damascus, nơi tôi hầu như không có chút ký ức nào ngoài khuôn mặt cười toe toét của hai người phụ nữ mắt kẻ đậm và miệng trồng răng vàng. Hay ba tháng ở Cairo trong tầng hầm một chung cư xập xệ do một người chủ nghiện hasit* quản lý. Tôi dùng tiền của Thalia để đi xe buýt ở Iceland, theo chân một ban nhạc punk ở Munich. Năm 1977, tôi bị gãy khuỷu tay trong một cuộc biểu tình chống hạt nhân tại Bilbao.
Thuốc lá chế từ lá thuốc non và đọt gai dầu.
Nhưng trong những khoảng lặng, trong những chuyến đi dài nơi cuối xe buýt hay trên sàn xe tải, tâm trí tôi luôn quay trở về với Manaar. Nghĩ về nó, về cơn đau những ngày cuối đời của nó, và sự bất lực của chính tôi khi đối mặt với chuyện này, khiến mọi việc tôi đã làm, mọi việc tôi muốn làm, dường như thật hão huyền như những lời nguyện cầu nhỏ nhoi ta nói trước khi đi ngủ, những lời nguyện mà ta thoắt quên khi tỉnh dậy.
Một trăm mười chín… một trăm hai mươi.
Tôi đóng màn trập.
Một đêm cuối mùa hè năm ấy, tôi biết được rằng Madaline sắp rời Athens và để Thalia ở lại với chúng tôi, ít nhất trong một thời gian ngắn.
“Chỉ vài tuần thôi,” bà nói.
Khi đó chúng tôi đang ăn tối, bốn chúng tôi, với món xúp đậu trắng mà Mamá và Madaline đã cùng nhau chuẩn bị. Tôi liếc Thalia bên kia bàn xem có phải tôi là người duy nhất Madaline báo tin hay không. Có vẻ như vậy. Thalia thản nhiên cho những thìa đầy thức ăn vào miệng, kéo tấm mạng lên một chút mỗi lần đưa thìa. Dạo ấy, cung cách nói năng và ăn uống của cô không còn làm tôi khó chịu nữa, hay ít nhất cũng không khó chịu hơn việc nhìn người già trệu trạo ăn bằng hàm răng giả không vừa vặn, như Mamá nhiều năm sau đó.
Madaline nói sẽ đón Thalia sau khi quay phim xong, mà hẳn là sẽ đâu vào đấy trước Giáng sinh.
“Thực ra, tôi sẽ đưa tất cả tới Athens,” bà nói, mặt sáng bừng vẻ rạng rỡ quen thuộc. “Rồi chúng ta sẽ cùng tới buổi công chiếu! Chẳng phải rất tuyệt sao, Markos? Bốn chúng ta, mặc diện, lướt vào nhà hát thật phong cách?”
Tôi đáp hưởng ứng, dù thấy thật khó hình dung Mamá trong một bộ váy diêm dúa hay lướt vào bất cứ đâu.
Madaline giải thích rằng mọi chuyện sẽ ổn cả, rằng Thalia có thể học hành trở lại khi trường khai giảng trong vài tuần nữa - ở nhà, tất nhiên - với Mamá. Bà nói sẽ gửi bưu ảnh và thư cho chúng tôi, cả những bức ảnh trên phim trường nữa. Bà còn nói thêm nữa, nhưng tôi không nghe nhiều. Cảm giác của tôi lúc ấy là nhẹ nhõm vô bờ xen lẫn choáng váng rõ rành. Nỗi sợ mùa hè kết thúc như một nút thắt trong bụng tôi, cứ xoắn chặt lại mỗi ngày trôi qua khi tôi gồng mình chống đỡ bữa tiệc chia tay đang đến gần. Mỗi sáng thức dậy tôi háo hức được thấy Thalia bên bàn ăn sáng, nghe giọng nói kỳ dị của cô. Chúng tôi chỉ ăn sau khi trèo cây chán chê, đuổi nhau qua cánh đồng lúa mạch, giẫm nát thân lúa và cất tiếng thét xung trận, thằn lằn tán loạn chạy khỏi chân chúng tôi. Chúng tôi giấu những kho báu giả trong động, tìm những nơi trên đảo có tiếng vọng to và rõ nhất.
Chúng tôi chụp ảnh cối xay gió và chuồng chim câu bằng chiếc máy ảnh lỗ kim rồi mang đến chỗ ông Roussos nhờ rửa ảnh. Ông thậm chí còn cho chúng tôi vào phòng tối và dạy chúng tôi về những loại thuốc hiện hình, hãm hình và dừng hình khác nhau.
Cái đêm Madaline báo tin rời đi, bà và Mamá chia nhau một chai rượu trong bếp, Madaline uống phần lớn, trong khi Thalia và tôi ở trên gác, chơi tavli*. Thalia đang ở thế mana* và đã đi phân nửa số quân về phía sân nhà.
Cờ tào cáo: trò chơi bàn cờ phổ biến ở Hy Lạp, bằng cách tung súc sắc.
Ý nói đang thắng thế.
“Bà ấy có người tình,” Thalia nói, đoạn tung súc sắc.
Tôi giật nảy mình. “Ai cơ?”
“Cậu ta hỏi ‘ai’ cơ đấy. Thế cậu nghĩ là ai?”
Tôi đã học được, trong suốt mùa hè qua, cách đọc cảm xúc của Thalia qua ánh mắt, và cô đang nhìn tôi như thể tôi đang đứng trên bờ biển hỏi rằng nước ở đâu ra. Tôi cố bình tĩnh lại nhanh chóng. “Tôi biết là ai,” tôi nói, má nóng bừng. “Ý tôi là, ai là… cậu biết đấy…” Tôi chỉ là một thằng nhóc mười hai tuổi. Vốn từ của tôi không bao gồm những từ như người tình.
“Cậu không đoán ra à? Ông đạo diễn ấy.”
“Tôi đã định nói thế.”
“Elias. Cũng có tiếng. Ông ta vuốt xẹp tóc xuống như hồi thập niên 1920. Ông ta còn để hàng ria mép mỏng dính nữa. Chắc tưởng làm vậy trông ra dáng lắm. Ông ta thật lố bịch. Ông ta nghĩ mình là một nghệ sĩ vĩ đại, tất nhiên rồi. Mẹ cũng nghĩ thế. Cậu phải nhìn bà ấy ở bên ông ta kia, khép nép vâng dạ đủ điều, cứ như bà ấy cần phải khom lưng cung phụng vì cái tài của ông ta vậy. Tôi không hiểu sao bà ấy lại không nhìn ra điều đó.”
“Cô Madaline sẽ cưới ông ta à?”
Thalia nhún vai. “Gu đàn ông của bà ấy tệ lắm. Tệ nhất luôn.” Cô lắc quân súc sắc trong tay, vẻ xem xét lại. “Trừ Andreas ra, tôi nghĩ vậy. Ông ấy tốt. Đủ tốt. Nhưng tất nhiên rồi, bà ấy sẽ bỏ chồng. Bà ấy luôn si mê những tên khốn.”
“Ý cậu là, như cha cậu á?”
Cô hơi nhíu mày.
“Cha tôi là một người xa lạ mà bà ấy gặp trên đường tới Amsterdam. Ở một ga tàu trong bão. Họ ở với nhau một đêm. Tôi không biết ông ấy là ai. Cả bà ấy cũng thế.”
“Ồ. Tôi nhớ bà ấy từng nói gì đó về người chồng đầu tiên. Rằng ông ta say xỉn. Tôi chỉ đoán.”
“À, đó là Dorian,” Thalia nói. “Ông ta cũng là kẻ ất ơ.” Cô đi thêm một quân nữa về phía sân nhà. “Ông ta từng đánh mẹ. Ông ta có thể đang tử tế dễ chịu chuyển sang cáu giận chỉ trong một cái chớp mắt. Như thời tiết, sao có thể thay đổi bất thình lình như thế chứ? Ông ta là như vậy đấy. Ông ta nốc rượu hầu như cả ngày, chẳng làm gì mấy ngoài nằm quanh nhà. Khi say là ông ta chẳng nhớ gì nữa. Ông ta để nước chảy không, ví dụ thế, khiến nhà ngập cả. Tôi nhớ có lần ông ta quên tắt bếp và suýt nữa đã thiêu cháy mọi thứ.”
Cô xây một tòa tháp nho nhỏ bằng một chồng xèng. Lặng lẽ một lúc để xếp thẳng nó.
“Thứ duy nhất Dorian thực sự yêu thích là Apollo. Lũ trẻ con hàng xóm đứa nào cũng sợ nó - ý tôi là Apollo. Hầu như không ai từng nhìn thấy nó cả; chúng chỉ nghe thấy tiếng sủa thôi. Chừng đó là đủ rồi. Dorian xích nó ở cuối sân. Cho nó ăn những miếng thịt cừu to đùng.”
Thalia không kể thêm nữa. Dù vậy, tôi vẫn hình dung ra chuyện đó đủ dễ dàng. Dorian say lịm, quên xích con chó, nó xổng ra lang thang trong vườn. Tấm cửa lưới hé mở.
“Hồi đó cậu mấy tuổi?” tôi hạ thấp giọng hỏi.
“Năm.”
Rồi tôi hỏi một câu đã trăn trở trong đầu tôi từ đầu mùa hè. “Không có gì họ… ý tôi là họ không thể làm gì…”
Thalia quay mặt đi. “Xin cậu đừng hỏi,” cô trầm giọng, như tôi cảm nhận được, với một nỗi đau sâu sắc. “Chuyện đó làm tôi mệt mỏi lắm.”
“Tôi xin lỗi,” tôi nói.
“Ngày nào đó tôi sẽ kể cho cậu.”
Và cô kể cho tôi nghe thật, sau này. Ca phẫu thuật hỏng, vết thương hậu phẫu nhiễm khuẩn nặng chuyển sang hoại tử, khiến thận của cô ngừng hoạt động, gan suy, ăn hết vạt vết mổ và buộc các bác sĩ phải cắt đi không chỉ chỗ vạt đó mà cả những gì còn lại bên má trái cùng một phần xương hàm của cô. Những biến chứng đó đã khiến cô nằm viện gần ba tháng. Cô suýt nữa đã chết, lẽ ra đã chết. Sau chuyện đó, cô không để họ chạm vào mình nữa.
“Thalia,” tôi nói, “tôi xin lỗi về những gì xảy ra khi chúng ta gặp mặt.”
Cô ngước mắt lên nhìn tôi. Vẻ láu lỉnh quen thuộc đã trở lại.
“Cậu nên xin lỗi. Nhưng tôi đã biết cả trước khi cậu lăn đùng ra đất cơ.”
“Biết gì?”
“Rằng cậu là đồ con lừa.”
Madaline rời đi hai ngày trước khi khai giảng. Bà mặc một chiếc váy không tay màu vàng bơ bó sát thân hình mảnh mai, đeo chiếc kính râm gọng sừng, và quàng dải khăn lụa trắng được thắt chặt lên tóc. Bà ăn mặc như thể lo lắng rằng cơ thể bà sẽ lỏng ra mà rơi mất - như tâm trí bà vậy, theo đúng nghĩa đen, bà đang cố trấn tĩnh bản thân. Ở bến phà trong thị trấn Tinos, bà ôm tất cả chúng tôi. Bà ôm Thalia chặt nhất và lâu nhất, môi áp lên đỉnh đầu Thalia trong một cái hôn dài trọn vẹn. Bà không bỏ kính râm ra.
“Ôm lại mẹ đi,” tôi nghe bà thì thầm.
Thalia nghe theo, vẻ miễn cưỡng.
Khi con phà rên lên và tròng trành rời đi, bỏ lại đằng sau một vệt nước tung bọt, tôi tưởng Madaline sẽ đứng trên đuôi phà, vẫy tay và gửi chúng tôi những nụ hôn gió. Nhưng bà đã nhanh chóng chui vào khoang và ngồi xuống. Bà không nhìn về phía chúng tôi.
Về đến nhà, Mamá bảo chúng tôi ngồi xuống. Bà đứng trước chúng tôi nói, “Thalia, cô muốn cháu biết cháu không cần phải đeo cái đó trong nhà này nữa. Không phải vì cô. Chẳng phải vì nó. Chỉ làm thế nếu cháu thấy thoải mái mà thôi. Cô không có gì phải nói thêm về chuyện này nữa.”
Chính lúc đó, với sự sáng rõ đột ngột, tôi hiểu những gì Mamá vốn đã thấy. Rằng tấm mạng là để phục vụ cho thể diện của Madaline. Để giúp bà khỏi xấu hổ và tủi thẹn.
Suốt một lúc lâu, Thalia chẳng buồn cựa quậy hay nói một lời. Rồi, chậm rãi, cô giơ tay lên, tháo sợi dây sau đầu. Cô hạ tấm mạng xuống. Tôi nhìn thẳng vào mặt cô. Tôi cảm thấy một sự thôi thúc không chủ tâm được là co mình lại, như cách ta phản ứng khi nghe thấy tiếng động lớn đột ngột. Nhưng tôi không làm vậy. Tôi giữ nguyên ánh nhìn. Và tôi quyết tâm không chớp mắt.
Mamá nói sẽ dạy tôi ở nhà cho đến khi Madaline quay lại để Thalia không phải ở nhà một mình. Bà dạy chúng tôi vào buổi tối, sau khi ăn uống xong, và giao bài tập cho chúng tôi làm vào buổi sáng khi bà đến trường. Nghe có vẻ hiệu quả, ít nhất là trên lý thuyết.
Nhưng việc làm bài tập, nhất là khi Mamá vắng nhà, hóa ra lại gần như không thể. Tin tức về ngoại hình của Thalia đã lan khắp đảo, và người ta cứ liên tục gõ cửa nhà chúng tôi, hực lên vì tò mò. Cứ như thể hòn đảo này bỗng dưng hết sạch bột mì, tỏi, kể cả muối, và nhà chúng tôi là nơi duy nhất họ tìm thấy mấy thứ đó. Họ hầu như chẳng buồn che đậy mục đích của mình.
Trên ngưỡng cửa, ánh mắt họ luôn phóng qua vai tôi. Họ nghển cổ, kiễng chân. Hầu hết bọn họ còn chẳng phải hàng xóm. Họ đi hàng cây số xa chỉ để xin một chén đường. Tất nhiên tôi chẳng bao giờ cho họ vào nhà. Tôi thấy thỏa mãn phần nào khi đóng cửa trước mặt họ. Nhưng tôi cũng cảm thấy u ám, ủ dột, biết rằng nếu ở lại, cuộc đời mình sẽ bị những người này can thiệp sâu đến chừng nào. Tôi, cuối cùng, sẽ trở thành một trong số họ.
Lũ trẻ còn tệ và bạo hơn nhiều. Ngày nào tôi cũng bắt gặp một đứa lảng vảng bên ngoài, trèo lên tường. Khi chúng tôi đang học, Thalia sẽ lấy bút chì gõ vai tôi, nghiêng cằm, tôi quay ra thì thấy một khuôn mặt, đôi khi là hơn một, áp vào cửa kính. Tình hình tệ đến nỗi, chúng tôi phải lên gác và kéo hết rèm lại. Một hôm tôi mở cửa cho một thằng tôi quen ở trường, Petros, và ba đứa bạn của nó. Nó đề nghị đổi một nắm tiền xu để được ghé mắt nhìn một cái. Tôi bảo không, nó nghĩ nó đang ở đâu chứ, rạp xiếc chắc?
Cuối cùng, tôi phải kể với Mamá. Mặt bà đỏ lựng lên khi nghe chuyện. Bà nghiến răng lại.
Sáng hôm sau, bà để sẵn sách của chúng tôi và hai cái sandwich trên bàn. Thalia hiểu ra trước tôi và co lại như một chiếc lá. Cơn phản kháng của cô bắt đầu khi đến giờ rời đi.
“Cô Odie, không.”
“Đưa tay cho cô.”
“Không. Đừng mà.”
“Nào. Đưa tay cho cô.”
“Cháu không muốn đi.”
“Chúng ta sẽ muộn mất.”
“Đừng bắt cháu, cô Odie.”
Mamá kéo Thalia đứng lên khỏi ghế, ngả cúi người về phía cô, và dán chặt vào cô cái nhìn mà tôi biết rất rõ. Không gì trên đời có thể cản bà lúc này. “Thalia,” bà nói, cố tỏ ra vừa dịu dàng vừa cương quyết, “cô không xấu hổ vì cháu.”
Chúng tôi lên đường, ba chúng tôi - Mamá, với đôi môi mím chặt, phăm phăm tiến về phía trước như đương đầu với gió dữ, chân rảo bước, thoăn thoắt những bước đi ngắn. Tôi tưởng tượng Mamá cũng đi với dáng vẻ quyết tâm như vậy đến nhà cha Madaline nhiều năm về trước, cây súng trường trong tay.
Mọi người trợn tròn mắt và há hốc miệng khi chúng tôi đi qua trên con đường ngoằn ngoèo. Họ dừng lại để nhìn chằm chằm. Vài người chỉ trỏ. Tôi cố không nhìn. Họ là những khuôn mặt tai tái và những cái miệng há hốc nhòe mờ qua khóe mắt tôi.
Trong sân trường, bọn trẻ con tách ra để chúng tôi qua. Tôi nghe thấy có tiếng con gái hét. Mamá rảo chân như một quả bóng bowling lăn qua các con ky, gần như kéo Thalia theo. Bà xô đẩy qua đám đông tới góc sân, nơi kê một chiếc ghế băng. Bà trèo lên ghế, đỡ Thalia lên, rồi thổi còi ba lần. Bầu im lặng bao trùm xuống sân.
“Đây là Thalia Gianakos,” Mamá hét to. “Kể từ hôm nay…” Bà ngừng lại. “Bất cứ ai đang la hét, hãy ngậm miệng lại trước khi tôi phải yêu cầu các em im lặng. Giờ thì, kể từ hôm nay, Thalia là học sinh trường này. Tôi mong tất cả các em hãy đối xử với bạn ấy lịch sự và đúng phép tắc. Nếu tôi nghe thấy những lời đồn châm chọc, tôi sẽ tìm cho ra các em và bắt các em phải xin lỗi. Các em biết là tôi sẽ làm được. Tôi không có gì nói thêm về chuyện này nữa.”
Bà xuống khỏi ghế, và nắm tay Thalia, hướng về phía lớp học.
Kể từ hôm đó, Thalia không bao giờ đeo tấm mạng nữa, kể cả ngoài đường hay trong nhà.
Mấy tuần trước lễ Giáng sinh năm đó, chúng tôi nhận được thư của Madaline. Việc quay phim bị chậm tiến độ ngoài dự kiến. Đầu tiên là đạo diễn hình ảnh - Madaline viết là DOP - và Thalia phải giải thích cho tôi và Mamá hiểu - rơi khỏi giàn giáo trên phim trường và bị gãy tay ba chỗ. Rồi thời tiết cũng ảnh hưởng đến toàn bộ cảnh quay ngoài trời.
Thế nên bọn mẹ đang có phần “giậm chân tại chỗ”, như họ nói. Đó không hẳn là chuyện xấu, vì nhờ thế bọn mẹ có thời gian xử lý mấy chỗ khó trong kịch bản, chỉ có điều chúng ta không thể đoàn tụ như hy vọng. Buồn quá, các tình yêu ạ. Mẹ nhớ mọi người lắm, nhất là con, Thalia à. Mẹ chỉ biết đếm từng ngày cho đến cuối mùa xuân này khi bộ phim quay xong và chúng ta lại có thể ở bên nhau. Mẹ mang theo hình bóng cả ba người trong tim từng phút mỗi ngày.
“Bà ấy không về đâu,” Thalia thờ ơ nói, đưa lá thư cho Mamá.
“Tất nhiên là có chứ!” tôi sửng sốt. Tôi quay sang Mamá, đợi bà nói gì đó, ít nhất là một lời động viên. Thế nhưng Mamá gấp lá thư lại, đặt lên bàn, rồi lẳng lặng đi đun nước pha cà phê. Và tôi nhớ mình đã nghĩ bà vô tâm biết bao khi không an ủi Thalia kể cả khi bà đồng ý rằng Madaline sẽ không quay về. Nhưng tôi không biết - chưa biết rằng họ đã hiểu nhau đến thế, có lẽ còn hơn cả những gì tôi hiểu về mỗi người họ. Mamá tôn trọng Thalia nhiều đến mức không quá bảo bọc cô. Bà không xúc phạm Thalia bằng những lời vỗ về giả tạo.
Mùa xuân đến, với sắc xanh mơn mởn ngập tràn, rồi đi. Chúng tôi nhận được một bưu thiếp từ Madaline và một lá thư cảm giác như viết vội, trong đó báo rằng việc quay phim lại gặp thêm rắc rối, lần này là với các nhà đầu tư dọa rút vốn vì vụ trì hoãn. Trong lá thư này, không giống như thư trước, bà không nhắc đến việc khi nào sẽ quay về.
Một buổi chiều mùa hè ấm áp - có lẽ là năm 1968 - Thalia và tôi ra biển với một cô gái tên Dori. Đến lúc đó, Thalia đã sống với chúng tôi trên đảo Tinos được một năm và ngoại hình của cô không còn thu hút những lời thì thầm hay những cái nhìn chòng chọc. Cô vẫn, và luôn là đối tượng bị quả cầu trí tò mò quay quanh, nhưng kể cả thế thì mức độ cũng nhạt đi nhiều. Giờ cô đã có bạn - Dori là một trong số đó - những người không còn sợ hãi vẻ ngoài của cô, cùng cô ăn trưa, chuyện phiếm, chơi đùa sau giờ học, hay học bài. Cô đã trở thành, thật ngạc nhiên, gần như bình thường, và tôi phải ngả mũ thán phục cách mà những người dân đảo chấp nhận cô như một người trong số họ.
Chiều hôm đó, ba đứa chúng tôi định bơi, nhưng nước quá lạnh nên cuối cùng chúng tôi nằm lăn ra trên đá, thiêm thiếp ngủ. Khi Thalia và tôi về nhà, chúng tôi thấy Mamá trong bếp nạo cà rốt. Một lá thư chưa mở nằm trên bàn.
“Cha dượng cháu gửi đấy,” Mamá nói.
Thalia cầm lá thư rồi đi lên gác. Một lúc lâu sau cô mới xuống. Cô quẳng tờ giấy lên bàn, ngồi xuống, cầm con dao và một củ cà rốt lên.
“Ông ấy muốn cháu về nhà.”
“Cô hiểu,” Mamá nói. Tôi nghĩ mình nghe thấy cơn rung nhè nhẹ trong giọng bà.
“Chính xác thì không phải nhà. Ông ấy nói đã liên lạc với một trường tư ở Anh. Cháu có thể ghi danh vào mùa thu này. Ông ấy bảo sẽ trả tiền.”
“Thế còn cô Madaline?” tôi hỏi.
“Bà ấy đi rồi. Với Elias. Họ trốn đi rồi.”
“Còn bộ phim?”
Mamá và Thalia nhìn nhau rồi đồng thời ngước mắt lên nhìn tôi, và tôi đọc thấy trong đó những gì họ đã biết ngay từ đầu.
Một buổi sáng năm 2002, hơn ba mươi năm sau, trong khoảng thời gian tôi chuẩn bị rời Athens đến Kabul, tôi vô tình đọc thấy cáo phó của Madaline trên báo. Họ của bà là Kouris, nhưng tôi nhận ra nơi khuôn mặt già nua ấy nụ cười với ánh mắt lấp lánh quen thuộc, và những gì còn sót lại của vẻ đẹp thanh xuân. Bức ảnh nhỏ bên dưới nói rằng hồi trẻ bà từng có thời gian ngắn làm diễn viên trước khi thành lập một nhà hát của riêng mình đầu thập niên tám mươi. Công ty của bà đã nhận được những lời khen của giới phê bình cho một số tác phẩm, tiêu biểu trong số đó là các hồi mở rộng của vở Hành trình dài vào đêm* của Eugene O’Neil hồi giữa thập niên chín mươi, Hải âu* của Chekhov và Lời hứa hôn* của Dimitrios Mpogris. Cáo phó cho biết bà khá nổi tiếng trong giới nghệ sĩ Athens vì công tác thiện nguyện, sự dí dỏm, ý thức về phong cách, các bữa tiệc xa hoa, và sự sẵn lòng mạo hiểm đưa lên sân khấu những vở kịch chưa tạo được tiếng vang. Bà qua đời sau một cuộc chiến dài chống lại bệnh khí phế thũng nhưng trong cáo phó không hề nhắc tới chồng hay con cái bà. Tôi còn sững sờ hơn khi biết rằng bà đã sống ở Athens trong hơn hai thập kỷ, trong một căn nhà chỉ cách chỗ tôi ở sáu dãy tại Kolonaki.
Long day’s Journey into Night.
The Seagull.
Engagements.
Tôi đặt tờ báo xuống. Thật ngạc nhiên, tôi lại nhoi nhói cảm giác không thể tha thứ cho người phụ nữ quá cố mà tôi đã không gặp trong hơn ba mươi năm này. Nỗi kháng cự câu chuyện về những chuyển biến trong số phận bà cứ trào lên. Tôi đã luôn hình dung bà sống một cuộc đời ồn ào, hỗn độn, những năm tháng khó khăn bị vận đen đeo đuổi - vấp váp, suy sụp, hối tiếc - và những cuộc tình khờ dại, đáng thất vọng. Tôi đã luôn tưởng tượng bà tự hủy hoại mình, có thể là nhấn chìm bản thân trong rượu đến mức chết trẻ, trường hợp mà người ta vẫn thường gọi là bi kịch. Một phần trong tôi thậm chí cho rằng bà đã biết điều này, rằng bà đưa Thalia tới Tinos để tách cô ra, cứu cô khỏi những thảm họa mà Madaline biết mình bất lực không thể ngăn nó giáng xuống đầu con gái. Nhưng giờ tôi đã hình dung ra Madaline theo cách mà Mamá hẳn đã luôn hình dung: Madaline, nhà vẽ bản đồ, ngồi xuống, bình thản vẽ tấm bản đồ tương lai và ngay ngắn gạt bỏ cô con gái phiền nhiễu ra ngoài đường biên giới. Và bà đã thành công một cách ngoạn mục, ít nhất là theo cáo phó này và bản tóm tắt về một cuộc sống đàng hoàng, một cuộc sống ngập tràn thành tựu, đặc ân và sự tôn trọng.
Tôi thấy mình không thể chấp nhận điều này. Sự thành công, cuộc tẩu thoát cùng nó. Thật phi lý. Thiệt hại chỗ nào, sự trừng phạt đích đáng ở đâu?
Ấy vậy mà, khi tôi gấp tờ báo lại, một nỗi hoài nghi râm ran trườn tới. Một dấu hiệu le lói cho thấy tôi đã đánh giá Madaline quá khắc nghiệt, rằng chúng tôi không khác nhau đến thế, bà ấy và tôi. Chẳng phải bọn tôi đều khát khao chạy trốn, làm lại cuộc đời, mang danh tính mới? Chẳng phải mỗi người bọn tôi, cuối cùng, đều đã tự tách ra bằng cách tháo bỏ đám mỏ neo níu giữ mình? Tôi giễu nhại điều đó, tự nhủ bọn tôi chẳng hề giống nhau, dẫu rằng tôi cảm thấy cơn giận mà tôi dành cho bà thực ra chỉ là mặt nạ cho sự ghen tị trước thành công hơn mình.
Tôi quẳng tờ báo đi. Nếu Thalia có phát hiện ra, thì chẳng phải từ tôi.
Mamá dùng dao gạt đống vỏ cà rốt đã nạo trên bàn vào một chiếc bát. Bà ghét người ta lãng phí thức ăn. Bà sẽ làm một lọ mứt từ đống vỏ này.
“Ừm, cháu phải đưa ra một quyết định lớn đấy, Thalia,” bà nói.
Thalia khiến tôi ngạc nhiên khi quay sang hỏi, “Nếu là cậu thì cậu sẽ làm gì hả Markos?”
“Ồ, cô biết là nó sẽ làm gì,” Mamá nói nhanh.
“Tôi sẽ đi,” tôi trả lời Thalia, đoạn nhìn Mamá, thỏa mãn chơi trò kẻ nổi dậy như cách Mamá vẫn nghĩ về tôi. Còn thì tất nhiên tôi cũng nghĩ thế. Tôi không thể tin Thalia lại ngập ngừng. Nếu là tôi thì tôi sẽ không bỏ qua cơ hội này. Trường tư. Ở London.
“Cháu nên nghĩ về chuyện đó đi,” Mamá nói.
“Cháu nghĩ rồi,” Thalia ngập ngừng. Rồi, thậm chí còn ngập ngừng hơn, khi cô nhướng mắt nhìn Mamá, “Nhưng cháu không muốn đoán mò.”
Mamá đặt con dao xuống. Tôi nghe thấy tiếng thở hắt ra nhè nhẹ. Có phải bà đã cố kiềm chế không? Nếu vậy, khuôn mặt khắc kỷ của bà chẳng để lộ ra vẻ nhẹ nhõm nào. “Câu trả lời là có. Tất nhiên là có.”
Thalia vươn người qua bàn và chạm vào cổ tay Mamá. “Cảm ơn cô Odie.”
“Con chỉ nói lần này thôi,” tôi lên tiếng. “Con nghĩ đây là một sai lầm. Cả hai người đang phạm sai lầm đấy.”
Họ quay sang nhìn tôi.
“Cậu có muốn tôi đi không, Markos?” Thalia hỏi.
“Có,” tôi đáp. “Tôi sẽ nhớ cậu, nhiều lắm, cậu biết mà. Nhưng cậu không thể bỏ qua cơ hội đi học trường tư này được. Rồi sau đó cậu sẽ vào đại học. Cậu có thể trở thành chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học, giáo sư, nhà phát minh. Đó không phải những gì cậu muốn sao? Cậu là người thông minh nhất mà tôi biết. Cậu có thể trở thành bất cứ gì cậu muốn.”
Tôi ngưng lại.
“Không đâu, Markos,” Thalia nặng nề nói. “Không, tôi không thể.”
Cô nói điều này với vẻ dứt khoát mạnh mẽ, đặt dấu chấm hết cho mọi lời phản bác.
Nhiều năm sau, khi tôi bắt đầu tham gia khóa đào tạo bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, tôi ngộ ra điều mà tôi đã không hiểu vào cái ngày trong căn bếp đó, tranh cãi về việc Thalia rời Tinos đến trường nội trú. Tôi ngộ ra rằng thế giới không nhìn thấu bên trong ta, rằng nó chẳng hề quan tâm đến hy vọng, ước mơ, và nỗi đau vốn được ẩn giấu dưới lớp da thịt. Nó đơn giản, ngu xuẩn và tàn nhẫn như thế đấy. Các bệnh nhân của tôi biết điều đó. Họ thấy rõ điều đó trong con người họ, con người họ sẽ trở thành, hoặc thấy rõ những điều xoay quanh sự đối xứng của cấu trúc xương, khoảng cách giữa hai mắt, độ dài cằm, độ nhô của chóp mũi, liệu chúng có góc trán mũi lý tưởng hay không.
Nhan sắc là một món quà khổng lồ, bất xứng, được trao đi một cách ngẫu nhiên, nông cạn.
Vậy nên tôi chọn chuyên ngành này để chia đều cơ hội cho những người như Thalia, để sửa chữa sự bất công với mỗi lưỡi dao mổ, để phần nào chống lại trật tự thế giới mà tôi thấy đáng hổ thẹn, cái trật tự mà trong đó một con chó có thể cướp đi tương lai của một cô gái nhỏ, biến cô thành kẻ bị ruồng bỏ, thành đối tượng bị khinh thường.
Ít nhất đó là những gì tôi tự nhủ. Tôi cho rằng mình chọn ngành phẫu thuật thẩm mỹ còn vì những lý do khác. Tiền, chẳng hạn thế, rồi uy tín, vị thế xã hội. Nói rằng tôi chọn ngành này chỉ vì Thalia là quá đơn giản rồi - đáng yêu như chính cái lý tưởng đó vậy - quá chỉn chu và hài hòa. Nếu tôi học được điều gì ở Kabul, thì đó chính là việc hành vi của con người là một mớ hỗn độn, không thể đoán biết, và thờ ơ đối xứng nhau. Nhưng tôi cũng tìm thấy sự thoải mái trong đó, trong cái ý tưởng về một khuôn mẫu, một câu chuyện mà trong đó cuộc đời tôi thành hình, như một bức ảnh trong phòng tối, một câu chuyện dần xuất hiện và khẳng định những điều tốt đẹp mà tôi luôn muốn thấy ở bản thân. Nó giúp tôi trụ vững, câu chuyện đó.
Tôi dành phân nửa thời gian hành nghề ở Athens, xóa nếp nhăn, nâng lông mày, kéo dài xương hàm, phục hồi hình dáng những chiếc mũi lệch. Nửa thời gian còn lại tôi dành để làm những gì mình thực sự muốn, đó là bay vòng quanh thế giới - tới Trung Mỹ, Tiểu vùng Sahara châu Phi, Nam Á và Viễn Đông - và chữa trị cho bọn trẻ, phẫu thuật sứt môi và hở hàm ếch, cắt bỏ những khối u mặt, trị những vết thương trên mặt. Công việc ở Athens chẳng hề khiến tôi vui thích, nhưng lương cao, và nó mang lại cho tôi sự xa xỉ là được nghỉ một mạch hàng tuần và hàng tháng liền để làm tình nguyện.
Rồi, đầu năm 2002, tôi nhận được cuộc gọi từ một người phụ nữ quen biết. Tên cô là Amra Ademovic. Cô là một y tá người Bosnia. Cô và tôi từng gặp nhau trong một hội nghị ở London vài năm trước và đã có một cuối tuần vui vẻ mà cả hai đều xem như chuyện qua đường, dù vậy chúng tôi vẫn giữ liên lạc và thi thoảng gặp nhau trong mấy dịp xã giao. Cô nói đang làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Kabul và họ đang tìm kiếm một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho trẻ em - sứt môi, những vết thương trên mặt do đạn pháo, đại loại vậy. Tôi đồng ý ngay lập tức. Ban đầu tôi định ở lại trong ba tháng. Tôi tới vào cuối mùa xuân năm 2002. Và không bao giờ quay về nữa.
Thalia đón tôi ở bến phà. Cô quàng khăn len màu xanh lá và vận áo choàng màu hồng tro bên ngoài áo khoác len và quần bò. Hồi này cô để tóc dài, buông xuống vai và rẽ ngôi giữa. Tóc cô bạc trắng, và đặc điểm này - chứ không phải nửa dưới khuôn mặt bị hủy hoại - mới khiến tôi ngỡ ngàng choáng váng khi gặp cô. Không phải điều đó khiến tôi ngạc nhiên; tóc Thalia đã bắt đầu ngả muối tiêu quãng ba lăm tuổi và bạc trắng như bông mười năm sau đó. Tôi biết mình cũng thay đổi, bụng ngày càng ngoan cố phệ ra, đường chân tóc hói dần một cách đầy kiên quyết, nhưng sự xuống cấp trong cơ thể con người diễn ra dần dần, gần như không thể nhận ra tựa một sự ngấm ngầm. Thấy Thalia tóc bạc trắng như vậy là tôi thấy bằng chứng đáng giật mình về bước tiến vững chãi, không thể tránh khỏi của cô về phía tuổi già - cùng cả với bước tiến của tôi nữa.
“Cậu sẽ lạnh đấy,” cô nói, thắt chặt khăn quanh cổ. Giờ là tháng Một, buổi ban trưa, bầu trời u ám xám xịt. Một cơn gió lạnh thổi qua khiến đám lá cây quăn queo rung lên xào xạc.
“Cậu muốn biết thế nào là lạnh thì tới Kabul ấy,” tôi nói. Tôi xách va li lên.
“Cứ tự nhiên nhé, bác sĩ. Xe buýt hay đi bộ? Tùy cậu.”
“Đi bộ đi,” tôi đáp.
Chúng tôi hướng về phía Bắc. Băng qua thị trấn Tinos. Những chiếc thuyền buồm và du thuyền neo trong nội cảng. Các ki ốt bán bưu thiếp và áo phông. Mọi người nhấm nháp cà phê bên những chiếc bàn tròn nhỏ ngoài quán, đọc báo, chơi cờ. Những người bồi bàn dọn đồ bạc cho bữa trưa. Một, hai tiếng nữa thôi, mùi cá sẽ thoảng ra từ các căn bếp.
Thalia say sưa kể chuyện về một khu bungalow quét vôi trắng mới mà những nhà phát triển đang xây ở phía Nam thị trấn Tinos, với tầm nhìn trông ra đảo Mykonos và biển Aegea. Về cơ bản, nơi đây sẽ chật cứng du khách hoặc những người giàu có đi nghỉ hè dài ngày vốn đã đổ tới Tinos từ thập niên chín mươi. Cô nói những căn bungalow này sẽ có bể bơi ngoài trời và trung tâm thể dục thẩm mỹ.
Cô đã e-mail cho tôi suốt bao năm nay, không ngớt kể về những thay đổi đang mang lại diện mạo mới cho Tinos. Những khách sạn ven biển với ăng ten chảo và mạng Internet quay số, các hộp đêm, quán bar và quán rượu, nhà hàng và cửa tiệm phục vụ du khách, taxi, xe buýt, đám đông, những phụ nữ nước ngoài nằm phơi ngực trần trên bãi biển. Các bác nông dân lái xe bán tải thay vì cưỡi lừa - ít nhất là những nông dân ở lại. Phần lớn bọn họ đã rời đi nhiều năm trước, dù một số đang quay về sống đời hưu nhàn trên đảo.
“Odie khó chịu lắm đấy,” Thalia nói, ám chỉ những đổi thay này. Cô cũng đã kể chuyện này cho tôi trong thư - nỗi nghi ngờ của những người dân đảo cũ với người người mới đến và sự thay đổi mà họ mang lại.
“Cậu có vẻ không thấy phiền lắm với chuyện thay đổi,” tôi nói.
“Cái gì không tránh được thì níu kéo cũng vô ích thôi,” cô đáp. Rồi thêm vào, “Odie bảo là, ‘Ừm, cháu nói vậy thì cũng dễ hiểu thôi, Thalia. Cháu đâu có sinh ra ở đây.’” Cô cười to vẻ thân mật. “Người ta cứ tưởng rằng sau bốn mươi năm ở Tinos là đã được nhìn nhận. Nhưng lại thành ra như vậy đấy.”
Thalia cũng thay đổi. Kể cả với chiếc áo khoác mùa đông bên ngoài, tôi vẫn nhận ra hông cô đã phình ra, trở nên đẫy đà hơn - không phải kiểu đẫy đà mềm mại, mà khá cứng cáp. Ở cô giờ đây có một sự thách thức nhẹ nhàng, vẻ trêu đùa ranh mãnh trong cách cô bình luận về những việc tôi làm mà tôi ngờ rằng cô thấy hơi ngớ ngẩn. Ánh lấp lánh trong mắt, tiếng cười thân mật mới mẻ, sắc hồng ửng mãi trên má - ấn tượng tổng thể là, vợ một người nông dân. Một kiểu phụ nữ tử tế với sự thân thiện tràn ngập ám chỉ cái uy và sự cứng rắn mạnh mẽ mà nếu ta nghi ngờ thì thật thiếu khôn ngoan.
“Công việc thế nào?” tôi hỏi. “Cậu vẫn làm việc à?”
“Thì đây đó thôi,” Thalia đáp. “Cậu biết thời này rồi đấy.” Cả hai chúng tôi đều lắc đầu. Ở Kabul, tôi có theo dõi tin tức về loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng. Tôi đã xem trên CNN cảnh những thanh niên Hy Lạp ném đá vào cảnh sát bên ngoài tòa quốc hội, cảnh sát trang bị đồ chống bạo động thì phun hơi cay, vung vẩy dùi cui.
Thalia không làm kinh doanh theo đúng nghĩa. Trước thời kỹ thuật số, về cơ bản cô làm mấy việc sửa chữa. Cô đến hàn bóng bán dẫn điện trong ti vi nhà người ta, thay tụ liên lạc trong các radio cổ chạy bóng đèn. Cô được gọi đến để sửa tủ lạnh bị lỗi điều nhiệt, ống nước bị rò rỉ. Người ta trả cô theo khả năng của họ. Còn nếu họ không thể, thì cô cũng vẫn làm. Tôi không thực sự cần số tiền đó, cô bảo tôi. Tôi làm cho vui thôi. Tôi vẫn cảm thấy hồi hộp khi mở mọi thứ ra và thấy bên trong vận hành thế nào. Hồi này, cô giống như phòng-IT-một-người làm việc tự do vậy. Mọi thứ cô biết đều là nhờ tự học. Cô lấy một khoản phí tượng trưng để sửa máy tính, thay đổi cài đặt IP, sửa những trường hợp file ứng dụng bị đóng băng, máy chạy chậm, không nâng cấp hay khởi động được. Đã hơn một lần tôi phải gọi cô từ Kabul, tuyệt vọng nhờ giúp đỡ với cái máy tính IBM bị treo của mình.
Khi về đến nhà mẹ tôi, chúng tôi đứng bên ngoài một lát trong khoảnh sân cạnh cây ô liu già. Đập vào mắt tôi là bằng chứng về cảm hứng công việc dạt dào gần đây của Mamá - những bức tường được sơn lại, chuồng chim câu đang hoàn thành dở, một cây búa và hộp đinh mở toang nằm trên phiến gỗ.
“Bà ấy thế nào?” tôi hỏi.
“Ồ, vẫn khó tính như thế. Thế nên tôi phải lắp đặt cái này đấy.” Cô chỉ chiếc ăng ten chảo vắt vẻo trên mái nhà. “Chúng tôi xem phim truyền hình nước ngoài. Phim Ả Rập là hay nhất, hoặc tệ nhất, cũng thế cả. Chúng tôi cố gắng hiểu cốt truyện. Điều đó khiến bà thu móng vuốt khỏi tôi.” Cô xăm xắn đi qua cửa trước. “Mừng cậu về nhà. Tôi sẽ chuẩn bị chút đồ ăn cho cậu nhé.”
Thật lạ khi trở về ngôi nhà này. Tôi thấy vài thứ lạ lẫm, như chiếc ghế bành da màu xám trong phòng khách và cái bàn mây màu trắng bên cạnh ti vi. Nhưng những thứ khác thì gần như vẫn ở chỗ cũ. Chiếc bàn bếp, giờ được phủ vải vinyl với họa tiết quả cà và lê xen kẽ; đám ghế trúc lưng thẳng; cây đèn dầu với giá đỡ bằng liễu gai, bóng đèn cong cong lem nhem khói; bức ảnh chụp tôi và Mamá - tôi vận áo trắng, Mamá diện chiếc váy tươm tất - vẫn treo trên mặt lò sưởi trong phòng khách. Bộ đồ sứ của Mamá vẫn nằm trên giá cao.
Thế nhưng, khi đặt va li xuống, tôi cảm thấy như có một cái hố lớn giữa tất thảy. Hàng thập kỷ cuộc đời của mẹ ở đây với Thalia, với tôi chúng là những khoảng trống mênh mông, tăm tối. Tôi đã vắng mặt. Vắng mặt khỏi tất cả những bữa ăn mà Thalia và Mamá đã chia sẻ bên chiếc bàn này, những tiếng cười, lời cãi vã, những thời khắc buồn chán, những trận ốm, chuỗi dài các nghi thức giản đơn tạo nên một đời người. Bước vào ngôi nhà ấu thơ khiến tôi hơi mất phương hướng, tựa hồ đọc phần cuối một cuốn tiểu thuyết mà mình đã bắt đầu, rồi bỏ bẵng bao lâu.
“Trứng thế nào?” Thalia hỏi, đã kịp đeo tạp dề, đổ dầu vào chảo. Cô đi lại trong bếp với tác phong tự nhiên, chủ động.
“Ừ. Mamá đâu?”
“Đang ngủ. Đêm qua bà không ngon giấc.”
“Tôi đi xem qua thế nào.”
Thalia lấy phới đánh trứng ra khỏi ngăn kéo. “Cậu mà đánh thức bà dậy là phải giải thích với tôi đấy, bác sĩ.”
Tôi rón rén vào phòng ngủ. Phòng tối om. Một tia sáng dài mảnh lọt qua rèm cửa kéo kín, xiên ngang giường của Mamá. Bầu không khí nặng mùi bệnh tật. Không hẳn là mùi; đúng hơn, nó như một sự hiện diện hữu hình. Bác sĩ nào cũng biết điều này. Bệnh tật ngấm vào căn phòng như hơi nước. Tôi đứng ngoài cửa một lát và để mắt quen dần. Bóng tối bị phá vỡ bởi một khoảng vuông ánh sáng nhấp nháy màu sắc trên chiếc tủ mà tôi đoán là ở bên phía giường của Thalia, trước kia là của tôi. Đó là một khung ảnh kỹ thuật số. Một cánh đồng lúa và những ngôi nhà gỗ lợp ngói xám chuyển sang một khu chợ đông đúc với những con dê bị lột da treo lủng lẳng trên móc, rồi chuyển đến một người đàn ông da sẫm màu ngồi xổm bên dòng sông bùn lầy, đánh răng bằng ngón tay.
Tôi kéo ghế ngồi bên giường Mamá. Nhìn bà khi mắt đã quen dần, tôi cảm thấy có gì đó trong lòng chùng xuống. Tôi giật mình khi thấy mẹ mình gầy đến vậy. Đã thế rồi. Bộ đồ ngủ in hoa nom rộng thùng thình quanh đôi vai nhỏ, trên bộ ngực phẳng lì. Tôi không ưa cách bà ngủ, miệng há ra và trễ xuống, như thể bà đang có một giấc mơ chua loét. Tôi không thích nhìn răng giả của bà trượt ra khỏi chỗ trong giấc ngủ. Mí mắt bà giật nhẹ. Tôi ngồi đó một lúc. Tôi tự hỏi, Mày đã mong đợi gì chứ? và lắng nghe tiếng đồng hồ tích tắc trên tường, tiếng cái xẻng lật của Thalia va lanh canh vào chảo rán dưới nhà. Tôi điểm qua những chi tiết buồn tẻ trong đời Mamá nơi căn phòng này. Chiếc ti vi màn hình phẳng gắn vào tường; cái máy tính trong góc; trò Sudoku chơi dở trên bàn đầu giường, được đánh dấu trang bằng cặp kính đọc sách; điều khiển ti vi; lọ nước mắt nhân tạo; tuýp kem steroid; tuýp keo dán răng giả; một hộp thuốc nhỏ; và dưới sàn nhà, một đôi dép lông màu vỏ sò. Trước kia bà chưa bao giờ xỏ chân vào những thứ như vậy. Bên cạnh đôi dép là một túi bỉm quần mở toang. Tôi không thể tìm ra điểm gắn kết giữa những thứ này với mẹ mình. Tôi chống lại chúng. Với tôi chúng như đồ vật thuộc về một người xa lạ vậy. Ai đó lười biếng, vô hại. Ai đó mà ta không bao giờ có thể giận dữ với họ.
Bên kia giường, hình ảnh trên khung ảnh kỹ thuật số lại thay đổi. Tôi nhìn theo vài tấm. Rồi tôi chợt nhận ra. Tôi biết những tấm ảnh này. Tôi đã chụp chúng. Khi tôi… Gì cơ? Đi lại khắp chốn, có lẽ vậy. Tôi luôn đảm bảo in ra hai bộ và gửi một bộ cho Thalia. Cô đã giữ chúng. Ngần ấy năm. Thalia. Sự cảm mến thấm vào lòng tôi ngọt ngào như mật. Cô đã là người em gái đích thực của tôi, Manaar đích thực của tôi, ngay từ đầu.
Cô gọi tên tôi từ dưới nhà.
Tôi khẽ đứng dậy. Khi rời khỏi phòng, có gì đó đập vào mắt tôi. Một thứ được đóng khung, treo trên tường bên dưới chiếc đồng hồ. Tôi không thể nhìn ra trong bóng tối. Tôi bèn mở điện thoại ra nhìn dưới ánh sáng bàng bạc. Đó là một bài báo của hãng AP về một tổ chức phi lợi nhuận mà tôi cộng tác cùng ở Kabul. Tôi nhớ bài phỏng vấn đó. Nhà báo là một anh chàng người Mỹ gốc Hàn Quốc đáng mến hơi nói lắp. Chúng tôi cùng ăn qabuli - món cơm thập cẩm của Afghanistan, nấu bằng gạo lứt, nho khô và thịt cừu. Giữa bài báo là một tấm ảnh nhóm. Tôi, mấy đứa trẻ, Nabi đằng sau, đứng thẳng đơ, tay để sau lưng, nom như vừa có dự cảm xấu, lại vừa dè dặt, trang nghiêm, như người Afghanistan thường thể hiện trong ảnh. Amra cũng ở đó với cô con gái nuôi, Roshi. Tất cả lũ trẻ đều mỉm cười.
“Markos.”
Tôi gập điện thoại rồi xuống nhà.
Thalia đặt trước mặt tôi một cốc sữa và món trứng xếp trên cà chua vẫn còn nghi ngút khói. “Đừng lo, tôi cho đường vào sữa rồi.”
“Cậu vẫn nhớ nhỉ.”
Cô ngồi xuống, không buồn cởi tạp dề. Cô chống khuỷu tay lên bàn nhìn tôi ăn, thi thoảng dùng khăn tay chấm chấm bên má trái.
Tôi nhớ tất cả những lần tôi cố thuyết phục cô để tôi phẫu thuật khuôn mặt cô. Tôi bảo cô rằng kỹ thuật phẫu thuật đã tiến một bước dài kể từ thập niên 1960, và rằng tôi chắc chắn mình có thể, nếu không chữa lành, thì ít nhất cũng cải thiện đáng kể khuôn mặt biến dạng của cô. Cô từ chối, trước sự bối rối vô cùng của tôi. Đây là con người tôi, cô nói. Một câu trả lời vô vị, chẳng thể làm ai hài lòng, hồi đó tôi đã nghĩ vậy. Điều đó có ý nghĩa gì chứ. Tôi không hiểu nổi. Tôi đã có liên tưởng ác ý đến những tù nhân, những kẻ lĩnh án chung thân, sợ ra ngoài, sợ được ân xá, sợ thay đổi, sợ đối mặt với một cuộc sống mới bên ngoài hàng dây thép gai và những ngọn tháp canh.
Lời đề nghị của tôi với Thalia vẫn đứng vững đến ngày hôm nay. Tôi biết cô sẽ không đồng ý. Nhưng giờ tôi đã hiểu. Vì cô đã đúng - đó là con người cô. Tôi không thể vờ hiểu cảm giác khi nhìn vào khuôn mặt đó trong gương mỗi ngày, khi đánh giá sự hủy hoại ghê gớm, và hạ ý chí để chấp nhận điều đó. Nỗi căng thẳng tột cùng, sự nỗ lực, lòng kiên nhẫn. Sự chấp nhận của cô dần hình thành, qua năm tháng, như những hòn đá nơi vách núi bờ biển bị tạc khắc dưới sức mạnh thủy triều. Con chó chỉ mất vài phút để biến khuôn mặt Thalia thành ra thế này, nhưng cô phải mất cả đời để nhào nặn nó thành nhân dạng của bản thân. Cô sẽ không để tôi phá bỏ tất cả bằng con dao mổ. Việc đó chẳng khác gì rạch một vết thương mới lên trên vết thương cũ.
Tôi xọc dĩa vào trứng, biết rằng làm thế sẽ khiến cô vui, dù tôi chẳng đói mấy. “Ngon đấy, Thalia.”
“Ừm, cậu có háo hức không?”
“Ý cậu là gì?”
Cô ngoái ra sau mở ngăn kéo quầy bếp. Cô lấy ra một chiếc kính râm với mắt kính hình chữ nhật. Tôi phải nghĩ một lúc. Rồi tôi nhớ ra. Nhật thực.
“À, tất nhiên là có chứ.”
“Ban đầu,” cô nói, “tôi định chỉ xem qua lỗ kim thôi. Nhưng rồi Odie nói cậu sắp về. Thế là tôi bảo, ‘Vậy thì hãy làm cho đúng kiểu đi.’”
Chúng tôi nói chuyện một chút về nhật thực dự báo sẽ diễn ra vào ngày mai. Thalia nói nhật thực sẽ bắt đầu vào buổi sáng và kết thúc vào khoảng giữa trưa. Cô kiểm tra cập nhật thời tiết suốt và nhẹ nhõm khi biết rằng hòn đảo này sẽ có một ngày quang mây. Cô hỏi tôi có muốn ăn thêm trứng không và tôi đáp có, rồi cô kể tôi nghe về quán cà phê Internet mới mở ở nơi từng là cửa hiệu tạp nham của ông Roussos hồi trước.
“Tôi thấy ảnh rồi,” tôi nói. “Trên gác. Cả bài báo nữa.”
Cô phủi vụn bánh mì khỏi bàn bằng lòng bàn tay, rồi vẩy chúng qua vai vào bồn rửa bát mà không thèm nhìn. “À, dễ thôi mà. Thì quét rồi tải ảnh lên thôi. Khó ở chỗ là sắp xếp chúng theo nước. Tôi phải ngồi đoán đấy vì cậu có bao giờ gửi lời nhắn đâu, chỉ ảnh thôi. Bà rất chi tiết về chuyện đó, đòi phải sắp xếp theo nước. Bà bắt phải làm vậy. Cứ đòi bằng được ấy.”
“Ai cơ?”
Cô thở dài. “Anh ta hỏi là ‘Ai cơ?’ Odie. Còn ai vào đây nữa?”
“Đó là ý của Mamá à?”
“Cả bài báo nữa. Bà ấy chính là người tìm thấy trên web đấy.”
“Mamá tìm thông tin về tôi trên mạng á?” tôi thốt lên.
“Lẽ ra tôi đừng bao giờ dạy cho bà. Giờ thì bà không chịu thôi.” Cô cười khúc khích. “Ngày nào bà cũng tìm thông tin về cậu. Cậu có hẳn một kẻ theo dõi qua mạng đấy, Markos Varvaris.”
Mamá xuống nhà vào đầu giờ chiều. Bà mặc áo choàng tắm màu xanh lam thẫm và xỏ đôi dép lông mà tôi đã kịp ghét. Có vẻ bà đã chải đầu. Tôi nhẹ nhõm khi thấy bà đi lại nom bình thường khi xuống cầu thang, dang tay về phía tôi, mỉm cười ngái ngủ.
Chúng tôi ngồi xuống bàn uống cà phê.
“Thalia đâu rồi?” bà hỏi, thổi thổi vào tách của mình.
“Ra ngoài mua ít đồ rồi ạ. Cho ngày mai. Của mẹ ạ, Mamá?” tôi chỉ vào cây ba toong dựa vào tường đằng sau chiếc ghế bành mới. Tôi đã không để ý đến nó lúc ban đầu vào nhà.
“Ồ, ta có dùng mấy đâu. Chỉ những ngày không khỏe thôi. Cả khi đi bộ dài nữa. Kể cả thế, thì chủ yếu cũng để cho yên tâm thôi mà,” bà nói quá thờ ơ, dấu hiệu cho tôi biết rằng bà phụ thuộc vào nó nhiều hơn những gì để lộ ra. “Con mới là người khiến ta phải lo đấy. Tin tức từ cái nước đáng sợ ấy. Thalia không muốn ta nghe. Nó nói ta sẽ bị kích động.”
“Bọn con quả có vài sự cố,” tôi nói, “nhưng chủ yếu chỉ là người dân lo cuộc sống của mình thôi. Và con luôn cẩn thận, Mamá à.” Tất nhiên là tôi lờ đi việc không kể cho bà nghe vụ xả súng ở nhà khách bên kia đường hay các vụ tấn công nhân viên cứu trợ nước ngoài rộ lên gần đây, hay việc cẩn thận có nghĩa là tôi phải mang theo một khẩu 9 li khi lái xe quanh thành phố, chuyện mà lẽ ra tôi không nên làm ngay từ đầu.
Mamá nhấp một hớp cà phê, hơi nhăn mặt. Bà không ép tôi kể. Tôi không chắc đây có phải điều tốt hay không. Không chắc bà có lơ mơ, thiếp ngủ như người già thường làm, hay có phải đó là cái mẹo để không dồn tôi vào thế phải nói dối hay tiết lộ những việc chỉ làm bà lo lắng.
“Hồi Giáng sinh bọn ta nhớ con lắm đấy,” bà nói.
“Đợt ấy con không đi được, Mamá à.”
Bà gật đầu. “Giờ con ở đây rồi. Thế là được rồi.”
Tôi nhấp một hớp cà phê. Tôi nhớ hồi nhỏ, Mamá và tôi vẫn ăn sáng bên chiếc bàn này mỗi sáng, lặng lẽ, gần như trang nghiêm, trước khi cùng tới trường. Chúng tôi rất kiệm lời với nhau.
“Mẹ biết không, Mamá à, con cũng lo cho mẹ nữa.”
“Không cần đâu. Ta tự chăm sóc tốt cho mình mà.” Ánh tự hào thách thức xưa cũ lóe lên, như tia sáng mờ trong sương mù.
“Nhưng trong bao lâu chứ?”
“Chừng nào còn có thể.”
“Thế khi mẹ không thể thì sao?” Tôi không hỏi khó bà. Mà vì tôi không biết. Tôi không biết vai trò của mình sẽ là gì hay liệu tôi có vai trò gì hay không nữa.
Bà bình thản nhìn tôi. Rồi bà xúc thêm một thìa đường vào tách của mình, chậm rãi khuấy đều. “Buồn cười thật, Markos à, nhưng con người ta đa phần toàn làm ngược. Họ nghĩ mình sống nhờ những gì mình muốn. Nhưng thực sự cái dẫn dắt họ lại chính là cái họ sợ. Cái họ không muốn.”
“Con không hiểu, Mamá à.”
“Ừm, lấy con làm ví dụ đi. Rời khỏi đây. Cuộc sống mà con tự tạo cho chính mình. Con sợ bị giam cầm ở đây. Với ta. Con sợ ta sẽ ghìm giữ con. Hay Thalia chẳng hạn. Nó ở lại vì không muốn bị soi mói nữa.”
Tôi nhìn bà nếm cà phê, trút thêm một thìa đường nữa. Tôi nhớ hồi nhỏ mình đã luôn cảm thấy bất lực thế nào khi tranh luận với bà. Bà nói theo cái cách không còn chỗ cho sự phản bác, nghiến nát tôi bằng sự thật, nói đúng ngay từ đầu, rõ ràng, thẳng thắn. Tôi luôn thua mà không kịp nói một lời. Lúc nào cũng có vẻ bất công.
“Thế còn mẹ thì sao, Mamá?” tôi hỏi. “Mẹ sợ điều gì? Mẹ không muốn điều gì?”
“Làm gánh nặng.”
“Mẹ sẽ không làm gánh nặng đâu.”
“Ồ, chuyện đó thì con nói đúng, Markos.”
Nỗi bất an xâm chiếm tôi khi nghe câu nói khó hiểu ấy. Tâm trí tôi vụt quay trở về với lá thư Nabi gửi cho tôi ở Kabul, lời tự thú được đưa ra sau khi ông qua đời. Thỏa thuận mà Suleiman Wahdati đã thương lượng với ông. Tôi không thể không băn khoăn liệu Mamá có lặp lại một thỏa thuận tương tự với Thalia, liệu bà có chọn Thalia để giải cứu bà khi thời khắc tới. Tôi biết Thalia có thể làm được. Giờ cô rất mạnh mẽ. Cô sẽ cứu Mamá.
Mamá dò xét khuôn mặt tôi. “Con có cuộc sống và công việc của mình, Markos à,” bà nói, giọng nhẹ nhàng hơn, chuyển hướng cuộc trò chuyện, như thể bà đã hé nhìn vào tâm trí tôi, thấy được nỗi lo lắng của tôi. Bộ răng giả, những chiếc bỉm, đôi dép lông - chúng đã khiến tôi đánh giá thấp bà. Bà vẫn là người thắng thế. Bà sẽ luôn như vậy. “Ta không muốn làm gánh nặng cho con.”
Rốt cuộc cũng thốt ra, lời nói dối - câu cuối cùng bà nói đó - nhưng đó là lời nói dối tử tế. Tôi không phải người mang vác gánh nặng. Bà biết điều đó rõ như tôi vậy. Tôi ở xa nhà hàng nghìn cây số. Sự khó chịu, công việc, nỗi vất vả, tất cả đều dồn lên vai Thalia. Nhưng Mamá vẫn nhắc đến tôi, cho tôi thứ mà tôi không giành được, hay cố giành được.
“Sẽ không như vậy đâu ạ,” tôi nói yếu ớt.
Mamá mỉm cười. “Nói về công việc của con, chắc con cũng biết ta không thực sự ủng hộ khi con quyết định tới đất nước đó.”
“Con cũng có nghi ngờ, vâng.”
“Ta không hiểu sao con lại tới đó. Sao con lại từ bỏ mọi thứ - phòng khám, tiền bạc, ngôi nhà ở Athens - tất cả những gì con làm việc vất vả để có được - để chui vào cái chốn bạo lực đó chứ?”
“Con có lý do mà.”
“Ta biết.” Bà nâng tách lên môi, rồi lại hạ xuống mà không nhấp một ngụm. “Chuyện này ta dở tệ,” bà chậm rãi nói, gần như bẽn lẽn, “nhưng những gì mà ta mãi mới nói với con, là con đã thành người tốt. Con làm ta tự hào, Markos ạ.”
Tôi nhìn xuống tay mình. Tôi cảm thấy lời bà thấm sâu vào trong tôi. Bà đã làm tôi giật mình. Khiến tôi ngỡ ngàng. Vì những gì bà nói. Hay vì ánh sáng mờ dịu dàng trong mắt khi bà nói câu đó. Tôi không biết phải đáp lại thế nào.
“Con cảm ơn Mamá,” tôi cố lí nhí.
Tôi không thể nói thêm gì, và chúng tôi ngồi lặng lẽ một lúc, không khí giữa chúng tôi đặc quánh nỗi bối rối và cả những nhận thức về tất cả thời gian đã mất, những cơ hội bị lãng phí.
“Ta định hỏi con điều này,” Mamá lên tiếng.
“Gì vậy ạ?”
“James Parkinson. George Huntington. Robert Graves. John Down. Giờ thì là anh bạn Lou Gehrig của ta. Làm thế nào mà đàn ông cũng độc quyền những cái tên đặt cho các loại bệnh vậy?”
Tôi chớp mắt và mẹ tôi chớp mắt lại, rồi bà bật cười và tôi cười theo. Dẫu cho lòng tôi vụn vỡ.
Sáng hôm sau, chúng tôi nằm trên những chiếc ghế dài ngoài trời. Mamá quàng khăn dày và mặc áo parka màu xám, chân bà được ủ ấm bằng chăn lông cừu để chống lại cái lạnh cắt da cắt thịt. Chúng tôi nhấm nháp cà phê và nhâm nhi những mẩu mộc qua nướng vị quế mà Thalia mua cho dịp này. Chúng tôi đeo kính nhật thực, ngước lên bầu trời. Mặt trời đã bị ăn mất một mẩu ở rìa phía Bắc, nom như logo trên chiếc laptop Apple mà Thalia chốc chốc lại mở ra để đăng nhận xét lên một diễn đàn trực tuyến. Ngược xuôi trên phố, mọi người đứng trên vỉa hè hay sân thượng để ngắm hiện tượng kỳ thú này. Có người còn đưa gia đình tới bên kia hòn đảo, nơi Hiệp hội Thiên văn Hy Lạp đặt kính viễn vọng.
“Mấy giờ thì toàn phần?” tôi hỏi.
“Gần mười rưỡi,” Thalia đáp. Cô nhấc kính lên, xem đồng hồ. “Khoảng một tiếng nữa.” Cô xoa hai bàn tay vẻ háo hức, gõ gì đó lên bàn phím.
Tôi nhìn hai người bọn họ, Mamá với cặp kính đen, bàn tay nổi gân xanh đan trên ngực, Thalia phấn khích gõ phím, mớ tóc bạc rơi ra khỏi chiếc mũ len.
Con đã thành người tốt.
Đêm qua tôi đã nằm trên ghế bành, nghĩ về những gì Mamá nói, và rồi vẩn vơ nghĩ đến Madaline. Tôi nhớ hồi nhỏ mình đã lo lắng thế nào về tất cả những việc Mamá không làm, trong khi những bà mẹ khác làm. Nắm tay khi đi bộ. Cho tôi ngồi trong lòng, đọc truyện trước khi đi ngủ, hôn lên má chúc ngủ ngon. Những việc đó đã đủ chứng minh. Nhưng bao năm qua, tôi đã không nhận ra một sự thật lớn hơn thế, nằm yên không được biết đến, không được đánh giá đúng mức, chôn sâu bên dưới những lời trách cứ của tôi. Nó đây: rằng mẹ không bao giờ bỏ rơi tôi. Đó là món quà bà dành cho tôi, rằng tôi biết chắc như đinh đóng cột là bà sẽ không bao giờ đối xử với tôi như những gì Madaline đã làm với Thalia. Bà là mẹ tôi và bà sẽ không bỏ rơi tôi. Điều này tôi chỉ biết nhận lấy và cho là nghiễm nhiên. Tôi biết ơn bà không hơn gì biết ơn mặt trời vì đã chiếu sáng cho tôi.
“Nhìn kìa!” Thalia reo lên.
Đột nhiên, tất cả xung quanh chúng tôi - dưới đất, trên tường, trên quần áo - những đốm sáng lưỡi liềm lấp lánh xuất hiện, mặt trời hình lưỡi liềm chiếu sáng qua những tán ô liu. Tôi thấy một mảnh lưỡi liềm lấp loáng trong cốc cà phê, một mảnh nữa nhảy nhót trên dây giày.
“Chìa tay ra, cô Odie,” Thalia nói. “Nhanh lên!”
Mamá xòe lòng bàn tay ra. Thalia lấy từ trong túi ra một mẩu kính cắt hình vuông. Cô giữ nó lơ lửng phía trên tay Mamá. Bỗng nhiên, những cầu vồng nhỏ hình lưỡi liềm rung rinh trên làn da tay nhăn nheo của mẹ. Bà thở gấp.
“Nhìn này, Markos!” Mamá thốt lên, tươi cười hồn nhiên với vẻ háo hức như một nữ sinh trung học. Tôi chưa bao giờ thấy bà cười vô tư đến thế, chân thật đến thế.
Chúng tôi ngồi đó, ba người chúng tôi, ngắm những cầu vồng nhỏ rung rinh trên tay mẹ, và tôi cảm thấy một nỗi buồn cùng niềm đau xưa cũ, từng thứ một như móng vuốt cứa vào cổ họng tôi.
Con đã thành người tốt.
Con làm ta tự hào, Markos ạ.
Tôi đã năm mươi lăm tuổi. Tôi đã đợi cả đời để nghe những lời đó. Có phải đã quá muộn không? Cho chúng tôi? Có phải chúng tôi đã lãng phí quá nhiều thứ trong một thời gian quá dài không. Mamá và tôi? Một phần trong tôi nghĩ rằng tốt hơn là cứ để chuyện tiếp diễn thế này, ra vẻ không biết chúng tôi đã đối xử với nhau cứng nhắc đến thế nào. Như vậy sẽ đỡ đau lòng hơn. Có lẽ tốt hơn món quà muộn màng này. Cái ý niệm mong manh, run rẩy thoáng qua về những gì đáng lẽ đã có thể xảy ra giữa chúng tôi. Tất thảy chỉ mang lại hối tiếc mà thôi, tôi tự nhủ, mà hối tiếc thì có gì tốt đâu? Nó chẳng mang lại gì cả. Những gì chúng tôi đã mất là không thể cứu vãn nổi.
Thế nhưng khi mẹ tôi nói, “Đẹp không, Markos?” tôi đã đáp, “Có, Mamá ạ. Đẹp lắm,” và rồi có gì đó bắt đầu vỡ ra trong lòng, tôi bèn vươn ra nắm tay mẹ.
Và Rồi Núi Vọng Và Rồi Núi Vọng - Khaled Hosseini Và Rồi Núi Vọng