One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Yury Bondarev
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Горячий Снег
Dịch giả: Nguyễn Hải Hà
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 811 / 9
Cập nhật: 2017-05-19 13:24:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
ào hồi ba giờ đêm, sư đoàn của đại tá Đê-ép sau khi hành quân trên chặng đường hai trăm ki-lô-mét đã đến địa điểm quy định-bờ phía bắc con sông Mư-scô-va-và không hề nghỉ ngơi bắt tay ngay vào công việc phòng ngự, đào đất đóng băng cứng như sắt. Lúc này mọi người đều biết mục đích việc chiếm lĩnh dải bờ sông này, trở ngại cuối cùng của địch trên đường tới Xta-lin-grát.
Tiếng ì ầm rên rỉ của trận đánh ở xa luôn luôn vọng tới phía trước mặt, rộ to lên vào lúc bốn giờ sáng. Bầu trời ở phía Nam hơi sáng lên, một dải màu hồng bị bóng đêm ép sát xuống chân trời và trong những khoảnh khắc lặng đi ngắn ngủi ở phía đó, nơi đang có một cái gì vô hình, chưa rõ rệt nhích lại gần, nghe rõ trên khắp bờ sông, tiếng xẻng bập chan chát vào nền đất cứng như đá, tiếng choòng lịch kịch, tiếng hô khẩu lệnh, tiếng ngựa hí. Hai tiểu đoàn bộ binh, ba khẩu đội thụoc trung đoàn pháo và một tiểu đoàn chống tăng độc lập được điều qua sông trên chiếc cầu duy nhất nối liền một làng sang bờ sông bên này, đào công sự ở đây và chốt lại ở phía trước lực lượng chính của sư đoàn. Bị kích động trước công việc mới mẻ, chốc chốc mọi người lại văng tục, nhìn về phía chân trời rực cháy, sau đó quay nhìn lại bờ phía Bắc, những ngôi nhà lấm chấm trên đồi, chiếc cầu gỗ trên đó người ta đang kéo những khẩu pháo đến muộn của trung đoàn pháo sang sông.
Còn con sông Mư-scô-va ngăn đôi làng này, nằm ở phía dưới, ánh lên màu xanh dưới trời sao. Từ trên những bờ cao con sông bụi tuyết cuốn mù mịt, cơn gió thốc thổi là là mặt đất, xoắn xuýt, lướt trên mặt băng, cuốn xung quanh những cọc mố cầu đóng trên băng.
Khẩu đội pháo của trung úy Đrô-dơ-đốp-xki được đặt ở vị trí bắn trực tiếp, phía sau đội cảnh giới chiến đấu. Anh em đào công sự ngay trên bờ sông và sau ba giờ lao động mệt bã người, các khẩu pháo đã được đặt sâu xuống lòng đất đến một cán xẻng rưỡi.
Trung úy Cu-dơ-nét-xốp người nóng bừng, đẫm mồ hôi, thoạt đầu cũng cảm thấy hăng say trước công việc gấp rút, như tất cả mọi người. Nghe tiếng súng ì ầm nhỏ dần vì khoảng cách ở phía khoảng trời rực sáng ai cũng hiểu rằng trận đánh đang nhích lại gần, nhất định sẽ lan tới đây và nếu như không đào công sự, không được đất che đỡ thì sẽ phơi mình trên bờ sông tuyết phủ. Nhưng xẻng không bập được xuống đất lạnh cứng, chỉ có những nhát choòng thật mạnh mới khoan được những cái lỗ, gặm từng tí đất, làm tung những mảnh vụn cứng như đá lửa.
Cơn gió thốc là là thổi khắp bờ sông, hình bóng các chiến sĩ pháo binh và anh em bộ binh ở bên cạnh động đậy trong màn sương trắng đục; những lá chắn thẫm đen của các khẩu pháo rải rác giữa họ.
Đêm càng khuya, băng giá tăng thêm đến mức khó thở, không thể trò chuyện được: mọi người vừa khụt khịt vừa thở, sương giá thoắt bám một lớp dày trên những khuôn mặt đẫm mồ hôi, băng đọng trên mi mắt nếu ai ngừng tay làm việc trong giây phút. Khát nước ghê gớm, anh em vốc những nắm tuyết cứng, bẩn vì lẫn đất vụn trên bờ công ự để nhai; chất nước nhạt nhẽo làm lạnh cuống họng, lạo xạo trong hàm răng. Người đẫm mồ hôi, trung úy Cu-dơ-nét-xốp liên tục nện choòng xuống đất, anh không thể nào dừng lại để lấy lại hơi sức được. Cái ớn lạnh bò ngoằn ngoèo trên thân mình ẩm ướt, dưới chiếc áo va rơi dính chặt vào lưng. Cũng như mọi người, Cu-dơ-nét-xốp nhai tuyết nhưng miệng anh khô khốc và anh bị ám ảnh bởi ý nghĩ không dứt về thứ nước giếng trong vắt, thơm thơm mà anh muốn vục cả cằm vào xô uống cho mát.
-Đồng chí nhai quá nhiều tuyết rồi đấy, trung úy-Tri-bi-xốp rụt rè nhắc nhở, bác vụng về dùng xẻng xúc đất do choòng của Cu-dơ-nét-xốp đào lên.-Phải làm sao để ngực đừng bị lạnh. Tuyết chỉ đánh lừa mình thôi. Được độc có cái mẽ ngoài!…
-Việc quái gì!-Cu-dơ-nét-xốp thở phào và gọi:-U-kha-nốp!
Thượng sĩ U-kha-nốp không mặc áo choàng, chỉ vận có chiếc áo bông, vừa hắng giọng vừa đào những rãnh nhỏ cùng với trắc thủ Nết-trai-ép, nghe gọi, vứt cái choòng xuống, nhảy ngay tới vị trí đặt pháo hãy còn nông,
-Công việc thế nào, đồng chí trung úy? Cánh mình có dễ dàng chui vào lòng đất không?
Anh thở hổn hển, nóng bừng vì làm việc, mồ hôi toát ra nồng nặc, khuôn mặt ẩm ướt bóng nhẫy.
-Có lẽ không tồi lắm,-Cu-dơ-nét-xốp thốt lên-cử ai ra sông đi… Tìm hố nước trên băng. Và đem hai cặp lồng nước về đây.
-Ý hay đấy,-U-kha-nốp, đồng ý, đưa tay lau mồ hôi trên má.-Chứ không có thì lũ quỷ chúng nó nốc hết tuyết xung quanh công sự. Sẽ chẳng biết lấy gì mà ngụy trang… Nào có chàng trai nông thôn nào thạo cái món tìm hố nước trên băng không nào? Tri-bi-xốp, anh đi được không? Xuống dưới sông, mang theo chiếc choòng nhỏ!
-Được, được tôi đi được… Chứ ở sát bên sông thế này mà lại không có nước uống à? Tôi đi ngay, rồi mọi người sẽ được uống thỏa thuê, đồng chí trung úy ạ,-Tri-bi-xốp cất tiếng nói dồn dập như hát và mọi người đều thấy ở bác vẻ sốt sắng đặc biệt.
-Tại sao lại là Tri-bi-xốp? Bác ta còn chưa phới sang bên kia đâu!-Có người nói, cười hềnh hệch vẻ ngờ vực.-Bác ấy biết phương hướng rõ đấy chứ?
-Ê-mi-li-a, cậu nói nhảm rồi! Nghĩ vớ vẩn!
-Không, tôi đã nói: người ta chỉ nghe rõ mệnh lệnh lúc ở hậu phương thôi!
Tuy vậy Tri-bi-xốp vẫn cầm lấy cái choòng nhỏ, leo lên bờ lũy, lặng lẽ đi tập tễnh đến chỗ khẩu pháo để lấy cặp lồng.
-Lão nông dân này láu tôm láu cá lắm,-lại có tiếng cười hềnh hệch.-Ngốn như hùm beo, làm như mèo mửa!
-Tại sao anh lại công kích bác ấy? Anh không muốn uống nước à? Hay là Tri-bi-xốp đã quyến rũ mất vợ của anh? Bác ấy là nông dân cần cù, hiền như đất. Thế mà anh cứ tru tréo lên!
-Thôi đi, anh em! U-kha-nốp quát lên.-Không được động đến Tri-bi-xốp! Còn cậu, Ru-bin, tốt hơn là cậu hãy lo trông nom ngựa, việc đó liên quan đến cậu nhiều hơn. Không được nghỉ hút thuốc! Cậu hãy đào đất đi, nếu không chúng ta sẽ bị đè bẹp gí ở đây như những con rệp! Hay tôi còn phải nhắc lại, hả?
Mọi người lại bắt tay đào đắp công sự, tiếng xẻng rít ken két, tiếng choòng đập thình thịch đơn điệu vào nền đất cứng. Cu-dơ-nét-xốp nhặt cái choòng của mình ở đất lên nhưng lại buông nó ra rồi leo lên lũy đất nhìn về phía đám cháy rực sáng ở phía bên trái những ngôi nhà thưa thớt, đen sẫm của ngôi làng hoang vắng đông cứng trong bóng đêm xanh mờ
-Lại đây U-kha-nốp,-Cu-dơ-nét-xốp nói.-Cậu có nghe thấy gì không?
-Gì thế trung úy?
-Cậu nghe xem…
Phía trời rực sáng bỗng im lìm kỳ lạ, như chết lặng đi, từ đó không thấy vẳng lại một tiếng ồn, tiếng súng nào cả. Trong cảnh im lìm khó hiểu đó càng nghe rõ và nổi bật hơn tiếng xẻng, tiếng choòng ở phía đằng trước, tiếng nói xa xa của anh em bộ binh trong đội cảnh giới chiến đấu, tiếng ô tô, pháo binh rồ máy trên những điểm cao phía sau, ở bờ sông bên kia, nơi sư đoàn phòng ngự.
-Hình như lắng dịu đi,-Cu-dơ-nét-xốp thốt lên.-Hoặc là ta đã chặn được quân địch lại hoặc là bọn Đức đã đột phá được…
-Còn về phía bên phải?…-U-kha-nốp hỏi.-Cũng có cái gì ấy.
Xa xa ở phía chân trời, mé bên phải chỗ rực sáng, ngay sát trên các mái nhà trong làng ở bờ phía Nam, một quầng sáng thứ hai xuyên lên trời và những tin sáng đo đỏ lặng lẽ bùng lên, tỏa ra như những vòng tròn sáng, trườn vào những đám mây bay là là phía dưới. Nhưng cả ở phía đó cũng im lìm nặng trĩu.
-Giống như tên lửa,-Cu-dơ-nét-xốp nói.
-Giống lắm,-U-kha-nốp đồng tình.-Như thể chúng đã đột phá được. Bên mé phải ấy. Ngay trước mắt bọn mình. Chúng ráng hết sức lao tới Xta-lin-grát, hả trung úy? Thế là rõ rồi. Chúng muốn cứu đồng bọn thoát khỏi vòng vây. Để rồi lại dang rộng cánh.
-Có lẽ thế.
Có người nói ở sau lưng, giọng ngạc nhiên vui vẻ:
-Anh em ơi, sao im lìm thế nhỉ? Hình như bọn Đức đã rút chạy. Trời sáng rực thế mà lại im lìm! Có lẽ chúng đã nghĩ lại, không định phá vây nữa chăng? Cậu có hiểu không hả?
-“Chúng đã rút chạy”, nói dễ nghe gớm…
-Láo toét! Có lẽ bọn tướng tá Hít-le đã suy nghĩ nát óc và chúng quyết định: đã đến lúc phải hủy bỏ lệnh cũ!
-Này chúng sẽ cho cậu “nát óc” đến nỗi không còn một chiếc khuy áo đâu!-Một giọng nói hằn học móc máy kết luận.-Đến cái khuy quần cũng chả còn đâu!
-Làm đi, anh em ơi, đào đất đi, dùng cả răng mà giũi đất!… Na… ào!…
Cu-dơ-nét-xốp và U-kha-nốp im lặng nghe mọi người trò chuyện ở sau lưng, tiếng thở phì phò; trong cái im lặng mênh mông bao trùm khắp bầu trời phương Nam nghe rõ tiếng choòng sắc nhọn nện choang choang vào đất rắn như sắt. U-kha-nốp trầm ngâm hỏi như có ý dò đoán:
-Chúng còn xa không nhỉ? Thế nào, trung úy? Một giờ? Hai giờ? Hả?
-Ai mà biết được!-Cu-dơ-nét-xốp đáp và bẻ cổ áo choàng xuống cái cổ ướt đẫm: chưa hết ớn lạnh, nó vẫn ấp vào lưng anh một tấm mạng nhện lạnh ngắt, mồm anh vẫn khô và nóng như trước.-Cần phải đào công sự như điên! Đằng nào chả thế! Một giờ hay hai giờ nữa thì cũng thế thôi!
Họ lại im lặng. Sự im lặng dường như cảm thấy được, lan nhanh trên thảo nguyên và từ phía hai khoảng trời rực sáng trong đêm tối đen ngòm len lách tới khẩu đội một cách gở lạ. Tiếng nói của anh em chiến sĩ ở các vị trí đặt pháo bắt đầu mất hứng thú, đứt quãng rồi lặng đi. Sự im lặng đè nặng lên mọi người…
-Có lẽ… còn một việc nữa…-U-kha-nốp nhìn Cu-dơ-nét-xốp, cài lại khuy áo bông.-Lẽ ra còn một việc nữa phải làm: xé xác anh chàng chuẩn úy với cấp dưỡng ra. Cơm nước đâu? Một anh em pháo thủ nào thử tụt lại sau một ngày đêm xem-người ta sẽ đưa ngay ra tòa án binh xét xử như một tên đào ngũ! Ấy thế mà bọn cấp dưỡng và ông chuẩn úy ấy vẫn cứ nhởn nhơ như không.-Rồi U-kha-nốp lắc lư người trên đôi chân vòng kiềng, đi tới chỗ mặt bằng để pháo, ở đó trong bóng tối các chiến sĩ vừa khụt khịt, thở dốc, vừa dùng choòng giũi đất và ném đất vụn lên bờ công sự.
-Công việc của người lính cũng như cái bánh xe ấy anh em ạ, không đầu, không cuối!-Tiếng U-kha-nốp vang lên ở bên dưới.-Quay bánh xe đi anh em, ta sẽ tới thiên đàng đấy!
-Tri-bi-xốp đâu? Tri-bi-xốp đã mang nước về chưa?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi, mệt mỏi vì miệng khô khốc, kinh sợ nghĩ rằng rồi lại phải nuốt thứ tuyết nhạt nhẽo, làm cho cổ họng lạnh toát một cách khó chịu.
-Hay là thằng cha tù binh ấy vù về hậu phương rồi?-Anh coi ngựa Ru-bin từ dưới lòng chiếc hố thốt lên một cách cay độc.-Lão ấy chuồn về đằng sau và ném cặp lồng xuống rìa đường. Chú còn gì nữa! Cậu làm sao mà thở phì phò thế Xec-gu-nen-cốp? Lại muốn khóc hả?
-Này đồ ngốc, đừng có nói điêu!-Chiến sĩ coi ngựa Xec-gu-nen-cốp bực tức gào lên, hình như chưa quên và vẫn chưa thể tha thứ cho hành động độc ác của Ru-bin lúc anh ta được gọi tới để bắn chết con ngựa bị quỵ trên đường hành quân.
-Ru-bin,-Cu-dơ-nét-xốp thốt lên nghiêm khắc,-Phải suy nghĩ trước khi nói. Anh nói toàn những chuyện chẳng đâu vào đâu.
-Ôi, tôi phát chán anh rồi đấy, Ru-bin ạ!-U-kha-nốp lên tiếng bằng một giọng không hứa hẹn điều gì tốt lành.-Tôi báo trước: tôi chán ngấy rồi!
Cu-dơ-nét-xốp rút bao tay ra, đưa tay chộp lấy một nắm tuyết sắc như thủy tinh vụn, đưa vào mồm nhai lạo xạo rồi nuốt. Trong giây lát anh tưởng như đỡ khát, cảm thấy toàn thân như tỉnh táo dễ chịu hơn,
-Nào!-anh nói.-Đào thêm một cán xẻng nữa…
Rồi anh nhảy từ trên bờ công sự xuống mặt bằng để pháo, vớ lấy cái choòng dùng hết sức thọc mũi choòng xuống đất, mạnh đến nỗi đầu anh rung lên, máu dồn lên thái dương. Cu-dơ-nét-xốp bập choòng hết lần này đến lần khác, đứng choãi chân ra để khi vung choòng lên không bị lảo đảo vì mệt mỏi. Năm phút sau cơn khát trước đây, bị nắm tuyết đánh lừa, lại bắt đầu thiêu đốt anh và anh nghĩ: “Tri-bi-xốp… Nhanh lên đi Tri-bi-xốp… Bác ấy làm gì ở đằng ấy nhỉ? Giá có nước ngay bây giờ… Mình làm sao thế nhỉ? Miễn sao đừng ốm?”.
Qua tiếng xẻng chan chát anh nghe thấy mẩu chuyện rời rạc về người chuẩn úy, về chuyện nhà bếp nhưng chỉ mới nghe đến thức ăn, tới mùi thơm của món cháo kê anh đã thấy lợm giọng.
Vào quãng bốn giờ sáng thì xe nhà bếp tới, lúc ấy toàn tiểu đoàn đã kiệt sức trên những mặt bằng để pháo nhưng cũng đã đào được những hầm đất trong bờ sông dốc đứng. Xe nhà bếp dừng lại ở gần nơi đặt pháo của trung đội hai. Chiếc xe nhô lên như một vết đen thẫm trên nền tuyết trắng, tỏa mùi thơm ngào ngạt, ống thông gió đỏ rực, nóng hổi. Không tụt khỏi ghế ngồi, chuẩn úy Xcô-rích gào lên một cách hú họa: “Có ai đấy không?”-Nhưng không thấy trả lời bèn nhảy xuống đất và người sĩ quan đầu tiên mà anh gặp tại các vị trí hỏa lực này là trung úy Đa-vla-chi-an. Liếc nhìn hai khoảng sáng lờm cờm đang lan rộng ở chân trời, chuẩn úy hỏi bằng giọng trịch thượng liến thoắng:
-Đại đội trưởng đâu, đồng chí trung úy?… Tôi cần gặp Đrô-dơ-đốp-xki. Ở đâu?
-Hãy nghe đây… chuẩn úy-Đa-vla-chi-an bắt đầu nói, thậm chí hơi líu lưỡi vì phẫn nộ.-Sao anh không biết xấu hổ hả? Các anh làm sao thế, điên rồ cả rồi à? Từ bấy đến giờ các anh ở đâu? Tại sao lại chậm trễ thế?
-Xấu hồ gì mới được chứ?-Xcô-rích hầm hầm đáp lại có ý công kích một cách ngạo mạn vì từ lâu anh ta đã hiểu rằng vị trí vững chắc của mình không phụ thuộc vào các trung đội trưởng mặc dầu họ mang quân hàm trung úy.-Vì sao mà xấu hổ nào? Kho hàng tụt lại tận đâu ấy.. Rồi lại còn phải đi lĩnh các khẩu phần, và rượu… Không phải chỉ có mình đồng chí chiến đấu đâu, trung úy! Nghe mà tức cười. Cứ làm như người ta là quân tốt đen không bằng!
Xcô-rích nguyên là một khẩu đội trưởng, người duy nhất trong tiểu đoàn đã được thưởng huy chương “Vì lòng dũng cảm” quý giá đối với người lính, hồi năm ngoái trong các trận chiến đấu ở gần Mát-xcơ-va và do phần thưởng đó cũng như do mẽ ngoài hấp dẫn, anh đã được đề bạt lên làm chuẩn úy và rất hài lòng nhận trách nhiệm này. Cố nhiên anh đã sinh ra để làm nhiệm vụ của người chuẩn úy. Trong thâm tâm anh coi mình cao hơn các trung đội trưởng, đặc biệt là anh chàng Đa-vla-chi-an xanh lướt, mũi nhọn và gầy gò này, viên trung úy nhãi nhép chưa ngửi mùi thuốc súng trong quãng đời còn ngắn ngủi của mình, chỉ cần hắt hơi một cái cũng đủ xẻ anh ta ra làm đôi. Đáp lại sự phẫn nộ của anh ta, chuẩn úy chỉ cười khẩy. Tay trung úy nhãi nhép này chả có gì đáng chú ý, hoàn toàn không xứng đáng, thế mà cũng lên mặt ta đây, làm như ngực mình đầy huân chương, có nhiều quyền hành lắm đấy… Với lại không ai trong khẩu đội có quyền trách móc Xcô-rích điều gì vì anh có thể làm như vô tình phanh áo choàng ra, phô trương tấm huy chương, rút chiếc bật lửa ra không phải từ túi quần mà từ túi ngực trên áo khoác. Chỉ có đối với Đrô-dơ-đốp-xki, đại đội trưởng, Xcô-rích mới tỏ ra kính cẩn đặc biệt và hơi e dè.
-Chả lẽ anh không xấu hổ à, chuẩn úy!-Đa-vla-chi-an nhắc lại, hơi bối rối vì cái giọng trâng tráo và nụ cười ngạo mạn của Xcô-rích.-Anh cười gì như tay hề ở rạp xiếc thế? Thế mà còn cười được! Anh thấy mình đúng à? Anh có thể dềnh dàng suốt ngày đêm ở hậu phương ư?
Lúc này ở gần trung đội của Đa-vla-chi-an không có một pháo thủ nào cả ngoài người chiến sĩ gác là trắc thủ Ca-xư-mốp. Như để kiểm tra, Ca-xư-mốp đã đi mấy vòng trong bóng tối xung quanh xe nhà bếp ấm áp, sực nức mùi thức ăn ngào ngạt, xuất hiện bất ngờ tại các vị trí đặt pháo này cùng với người cấp dưỡng ngồi nấp ở trên xe như người có lỗi. Và đột nhiên, anh điên cuồng rít lên, lên đạn lách cách, chĩa khẩu súng các-bin vào người cấp dưỡng:
-Đi đi! Cút!… Không phải là bếp của chúng tôi! Đây không thể là bếp của chúng tôi được! Mày là ma quỷ! Và chuẩn úy cũng là ma quỷ! Đi đi! Mày là quân Đức chứ không phải một người Xô-viết! Mọi người không có đến một mảnh bánh mì để cho vào bụng!… Mày ngủ ở đâu, đồ khốn kiếp! Cả tiểu đoàn đói mềm!… Tao giết mày!…
-chính phủ!-Đa-vla-chi-an hét lên giọng the thé.-Anh làm gì thế?
-Tôi sẽ bắn chết đồ khốn này!…
Nghe tiếng thét ở gần, trung úy Cu-dơ-nét-xốp chạy tới chỗ các khẩu pháo của mình tới các hỏa điểm của Đa-vla-chi-an, nơi xe nhà bếp đứng giữa sương mù trăng trắng phớt xanh. Lập tức anh trông thấy con ngựa sợ hãi khi thấy Ca-xư-mốp vung súng các-bin lên, nó lồng sang một bên, làm cái nồi kêu loảng xoảng, anh cấp dưỡng dáng người thấp bé từ trên ghế rơi bịch xuống đất, cắm mình trong tuyết. Ngồi trên mặt đất anh rền rĩ thảm hại bằng cái giọng nam cao có ý van xin:
-Gì đấy?… Vì sao? Cậu điên à?…-Và anh chồm dậy, lao tứi chỗ con ngựa túm lấy dây cương nói: “Pru, đồ khốn kiếp, mày làm sao thế…”
-Có chuyện gì thế, Đa-vla-chi-an?-Cu-dơ-nét-xốp hét to.-Vì sao ầm ĩm lên thế? Ca-xư-mốp!…
-Cậu nhìn kia kìa… bây giờ các ngài ấy mới hạ cố tới đây,-Đa-vla-chi-an đáp, nói lắp bắp vì xúc động.-Cậu biết đấy, Cu-dơ-nét-xốp suốt một ngày đêm không thấy tăm hơi nó đâu, suốt cả ngày đêm! Chúng nó ì ra ở phía sau!
Ca-xư-mốp tụt xuống bờ công sự, đặt khẩu các-bin trên đầu gối, đu đưa người và nói như hát:
-Tệ lắm, trung úy ạ, tệ lắm… Chúng nó không còn là người nữa… Lũ người này sẽ bảo vệ Tổ quốc một cách tồi tệ lắm. Chúng không biết yêu thương những người khác…
-À, rõ rồi, các ngài quý tộc ở hậu phương đã tới,-Cu-dơ-nét-xốp nói một cách chế giễu.-Thế nào, tình hình hậu phương ra sao? Địch có bắn không? Sao lại đứng đờ ra thế, chuẩn úy? Hãy kể cho anh em nghe đi: các anh đào công sự phòng ngự cho nhà bếp ở đó như thế nào? Lâu lắm không được gặp các anh! Dễ thường từ đầu cuộc hành quân cơ đấy nhỉ?
Xcô-rích nhếch mép cười, cặp mắt nheo sát xuống tận tinh mũi, vẻ nanh ác nhìn Cu-dơ-nét-xốp long xòng xọc.
-Đồng chí giáo dục chính trị cho các chiến sĩ kém đấy, trung úy ạ, như thế là không theo đúng điều lệnh, để cho các chiến sĩ chống lại chuẩn úy à? Tôi sẽ khiếu nại lên tiểu đoàn trưởng Đrô-dơ-đốp-xki. Kia kìa, Ca-xư-mốp đã dùng súng dọa nạt tôi.
-Anh muốn khiếu nại ai tùy thích, khiếu nại với quỷ cũng được!-Cu-dơ-nét-xốp thốt lên, không còn giữ được giọng bình tĩnh như trước.-Bây giờ đi ngay xuống mé dưới, tới chỗ anh em pháo thủ! Cho anh em trong tiểu đoàn ăn, nhanh lên!
-Đừng ra lệnh tôi quá quắt như thế, đồng chí trung úy. Tôi không phải là chiến sĩ trong trung đội đồng chí… Tôi trực thuộc Đrô-dơ-đốp-xki, trực thuộc tiểu đoàn trưởng chứ không phải đồng chí. Đồng chí có thể cứ việc nhận khẩu phần của mình, tôi không phản đối, còn như bêu riếu tôi và làm ầm ỹ lên thì không được đâu, tôi cũng là người biết tự trọng và thuộc điều lệnh. Xê-mê-nu-khin!-Xcô-rích oang oang gọi cấp dưỡng đúng như điều lệnh.-Phát khẩu phần cho trung úy!
-Tôi đã nói: đi xuống mé dưới, cho anh em trong tiểu đoàn ăn! Đồng chí có hiểu không? Hay là không hiểu?-Cu-dơ-nét-xốp sôi sùng sục.-Nhanh lên, đồng chí… con người am hiểu điều lệnh.
-Đồng chí không được quát tháo tôi như vậy! Trước tiên tôi có trách nhiệm đưa thức ăn cho tiểu đoàn trưởng. Đài quan sát ở đâu?
-Ở mé dưới, tôi đã nói rồi! Đến đó đồng chí sẽ biết rõ ngọn ngành! Đưa cả bếp xuống dưới đó. Đường xuống dốc ở gần cầu. Trung úy Đa-vla-chi-an! Anh hãy chỉ cho đồng chí ấy biết tiểu đoàn ở đâu. Kẻo không đồng chí ấy lại lạc mất một ngày đêm nữa!
Sau khi thấy chuẩn úy rất chững chạc đường hoàng đi theo Đa-vla-chi-an tới bờ sông, ngồi trên càng pháo đã căng ra, cố trấn tĩnh. Anh cảm thấy lo âu lạ lùng như thể còn có gì đó chưa trọn vẹn, chưa làm xong. Sau nhiều giờ đào đắp công sự, các bắp thịt và cánh tay nhức nhối, cổ như muốn gãy, chai tay rộp lên trong lòng bàn tay. Trên làn da lưng mà anh tưởng đã bong ra khỏi người mình, cơn ớn lạnh vẫn luồn vào châm như kiến đốt và anh không muốn nhúc nhích.
“Hay là mình ốm?”-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ và anh tìm thấy ở dưới càng súng cặp lồng nước do Tri-bi-xốp lấy từ ngoài sông về, khoan khoái đưa lên môi.
Trước bóng tối, những mảnh băng vô hình, mảnh như những cái kim, va vào thành cặp lồng đựng nước sông có mùi gỉ sắt, chúng lờ mờ gợi cho anh nhớ tới ngày tết xa xưa của tuổi thơ, tiếng lanh canh dịu dàng vô cùng của những đồ chơi bằng bạc, tiếng lách tách êm dịu của giấy trang kim trên cây thông, ngày tết vui nhất về mùa đông giữa hương thơm của cành thông và cây quít, giữa những ngọn nến sáng rực trong căn phòng ấm áp giờ đây đã xa xắc la lơ… Cu-dơ-nét-xốp uống mãi và khi nước lạnh ngắt thiêu đốt lồng ngực anh, anh tự nhủ sự uể oải lúc này rồi sẽ qua đi và mọi việc sẽ trở nên trong sáng và thật.
Ở chỗ anh em bộ binh-phía bên phải và bên trái các khẩu pháo-yên tĩnh.
Trên thảo nguyên phía trước mặt, những quầng sáng vẫn rực lên trên những khoảng trời rộng như trước đây. Ánh hồng trên bầu trời càng làm cho những mái nhà thấp và những cây liễu đông cứng của xóm làng lặng lẽ thẫm đen lại. Gió lộng là là thổi sát thành công sự, tuyết vung vãi làm trắng những hòn đất ngổn ngang.
-Đồng chí trung úy!… Ca-xư-mốp lên tiếng ở bên cạnh.
Anh rời khỏi quầng sáng trên trời, nhìn Ca-xư-mốp đang ngồi trên càng súng, khẩu các-bin kẹp giữa hai chân. Dưới ánh lửa đáng lo ngại ở chân trời xa, bộ mặt nhẵn nhụi không râu ria ngăm ngăm đen trông có vẻ ảm đạm.
-Tôi chả hiểu tại sao tôi lại làm như thế… Vì sao chuẩn úy xúc phạm mọi người như vậy? Đồng chí ấy không yêu tiểu đoàn. Con người hoàn toàn xa lạ, dửng dưng.
-Đồng chí đã làm đúng,-Cu-dơ-nét-xốp nói.-Thôi đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. Đồng chí hãy ra chỗ bếp, ăn uống đi. Tôi ngồi đây một lát.
-Không.-Ca-xư-mốp lắc đầu.-Tôi còn phải gác hai giờ nữa. Có thể chịu đựng được. Ở miền Nam Ca-dắc-xtan cũng có tuyết. Trên núi tuyết phủ đầy. Nhưng tôi không bị cóng.
-Chắc tuyết ở đó khác chứ?-Chẳng hiểu vì sao Cu-dơ-nét-xốp hỏi, bất chợt anh muốn hình dung cuộc sống hạnh phúc yên tĩnh, chói trang ánh mặt trời mà anh chưa hề biết ở miền đất xa xôi phía Nam Ca-dắc-xtan huyền ảo như ở đầu bên kia của địa cầu, nơi không thể có thứ băng giá tàn nhẫn, cóng lạnh, gió thổi ào ào trên thành công sự, đất lạnh cứng như xi măng và những quầng sáng mênh mông rực lên ở chân trời.-Quê đồng chí ấm áp lắm nhỉ? Nhiều nắng chứ?-Anh lại hỏi tuy biết rằng Ca-xư-mốp sẽ xác nhận, xem đó như một niềm vui xa xôi đang tồn tại ở một nơi nào đó trên thế giới.
-Ấm áp lắm. Nắng chói chang. Thảo nguyên. Núi đồi-Ca-xư-mốp nói và bẽn lẽn mỉm cười với chính mình.-Về mùa xuân cỏ mọc xanh um. Nhiều hoa lắm. Một đại dương xanh rờn. Sáng sáng không khí trong veo… Hít thở rất nhẹ nhõm. Những dòng sông bắt nguồn từ núi trong suốt… Với tay ra cũng bắt được cá…-Anh im bặt, trầm ngâm đu đưa người trên càng khẩu pháo. Có lẽ anh tưởng rượng rõ rệt và thả hồn mình về đất quê hương nằm giữa các rặng núi, nơi suốt ngày ánh nắng chói trang tỏa trên những lùm cỏ xanh mượt mà, những dòng sông trong vắt như thủy tinh, bắt nguồn từ trong núi chảy xiết, đầy tôm cá.
-Ánh nắng và những dòng sông bắt nguồn từ trong núi,-Cu-dơ-nét-xốp nhắc lại, anh cũng hình dung ra cảnh tượng đó.-Giá tôi được nhìn ngắm cảnh đó thì hay quá.
-Đồng chí mà đến thăm quê tôi thì sẽ mê miền núi, không dứt ra về được đâu,-Ca-xư-mốp nói.-Thiên nhiên phong phú lắm. Mọi người đều tốt bụng… Tôi có thể chết vì quê hương tươi đẹp của mình. Hồi đầu chiến tranh tôi cứ nghĩ: có lẽ nào bọn Đức lại mò được tới vùng mình? Tôi vội vã gia nhập quân đội. Tôi nói ở phòng tuyển quân: hãy ghi tên tôi, tôi xin đi chiến đấu… Còn đồng chí sống ở Mát-xcơ-va?
-Phải, ở khu Da-mô-scơ-vô-rét-si-ê, Cu-dơ-nét-xốp đáp và khi xướng lên tên gọi đó anh hình dung rõ rệt những ngõ hẹp yên tĩnh, những cây cổ thụ rườm rà cạnh cửa sổ trong các sân, bầu trời hoàng hôn tháng Tư màu xanh ngắt với những ngôi sao đầu tiên dịu dàng lấp lánh trên thành phố ấm áp, cuộc chơi bóng chuyền muộn màng, bóng va vào hàng rào, ánh đèn xe đạp nhấp nháy trên hè phố,-anh tưởng như trông thấy rõ tất cả những cái đó đến nỗi anh nghẹn ngào vì những hồi ức xô nhau tới và anh nói to lên:-cả lớp tôi đã tòng quân năm bốn mốt…
-Gia đình anh còn ai ở nhà không?
-Còn mẹ và em gái.
-Ông cụ mất rồi à?
-Bố tôi bị cảm chết trên công trường xây dựng nhà máy Ma-gơ-nhi-tơ-goóc-xcơ. Ông là kỹ sư.
-Ái dà, không có bố thì gay lắm! Còn tôi thì đủ cả bố, mẹ, bốn chị em gái. Một gia đình lớn. Phải đến cả một trung đội ngồi quanh bàn ăn. Hết chiến tranh, mời đồng chí đến thăm chúng tôi, trung úy. Đồng chí sẽ phải mê phong cảnh vùng tôi. Và rồi đồng chí muốn ở hẳn lại đó.
-Không, tôi sẽ không đánh đổi Da-mô-scơ-vô-rét-si-ê của tôi lấy bất cứ cái gì, Ca-xư-mốp ạ,-Cu-dơ-nét-xốp phản đối.-Cậu biết không, mỗi tối mùa đông ngồi trong căn phòng ấm ấp, chiếc lò sưởi kiểu Hà Lan cháy rực, tuyết rơi ngoài cửa sổ. Còn mình ngồi đọc sách dưới đèn trong lúc mẹ mình đang làm gì đó trong bếp… Chẳng hiểu sao mình thích như thế.
-Tuyệt quá,-Ca-xư-mốp mơ mộng lắc lắc đầu.-Thật là tuyệt khi có một gia đình êm ấm.
Họ im lặng. Phía đằng trước và phía bên phải các khẩu pháo lại vang lên tiếng cuốc xẻng đào đất bình bịch của anh em bộ binh. Ở phía đó không ai đi trên thảo nguyên nữa và không nghe thấy một tiếng động nào từ các khẩu đội bên cạnh.
chỉ có ở mé bên dưới, từ phía bờ sông nơi khẩu đội một đào hầm đất trên sườn dốc bờ sông cho anh pháo thủ, thỉnh thoảng bay tới những giọng nói đứt quãng của anh em chiến sĩ và tiếng cặp lồng khẽ loảng xoảng. Còn ở phía bên kia sông, chiếc ô tô vẫn đơn độc kéo ở sân bên trong phía Bắc khu làng, nhưng tất cả những tiếng động đó dường như bị chìm lút trong cái im lặng mênh mông đang tỏa rộng từ phía Nam thảo nguyên.
-Im lặng kỳ lạ…-Cu-dơ-nét-xốp nói.-Tôi không thích cảnh im lặng này từ năm bốn mốt.
-Tại sao chúng nó không bắn nhỉ? Quân Đức lặng lẽ tiến tới đây à?
-Đúng, chúng không bắn.
o0o
Cu-dơ-nét-xốp đứng dậy, vươn thẳng tấm lưng, ê ẩm vì lao động và anh lập tức nhớ tới cặp lồng nước. Anh không muốn uống nữa tuy miện vẫn khô như trước. Anh bị cóng lạnh nhiều vì gió thổi lồng lộng trên bờ sông cao. Giá lạnh xuyên thấu quần áo lót ẩm ướt, chiếc áo va rơi mặc trên người và anh thoáng rùng mình. “Mình mệt mỏi đến thế sao? Hay là mình đã bị cóng. Có lẽ phải làm tí Vốt ca cho ấm người!”-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ và anh bước đi trên những mô đất đông cứng tạo lạo xạo về phía bờ sông, nơi có những bậc lên xuống trổ vào bờ dốc.
Xe nhà bếp đậu ngay trên mặt băng trên sông, món đậu nghiền tỏa hương thơm ngào ngạt; dưới cái nồi mở vung, hơi bốc mù mịt, ngọn lửa vẫn khẽ bập bùng cháy đỏ. Tiếng gáo va vào cặp lồng loảng xoảng. Anh em pháo thủ túm tụm xung quanh bếp, hòa thành một đám đen thẫm, vây quanh người cấp dưỡng đang múc thức ăn. Có tiếng của những người lính không hài lòng nhưng đã ấm bụng và phấn chấn lên nhờ chút rượu Vốt ca, trò chuyện với nhau.
-Lại cái món đậu nghiền, chán ngắt! Họ không nghĩ ra được món gì khác cả!
-Nào múc đi, múc đi, hay lại tơ tưởng đến bà xã? Anh em này, vì sao mà mọi tay cấp dưỡng đều bủn xỉn thế nhỉ?
-Chết nghẹn vì đậu! Cậu có biết nếu ngốn nhiều đậu quá thì sẽ xảy ra chuyện gì không?
-Thuộc ngành sản xuất có độc hại phải được uống sữa chứ!
-Ba hoa vừa vừa chứ, đồ lưỡi không xương… Lại còn khôn ngoan tưởng tượng ra cả sữa nữa.-anh cấp dưỡng hằn học trả lời tứ phía.-Vì sao các anh trách móc nào? Đối với các anh, tôi là con bò sữa chăng?
Cu-dơ-nét-xốp hít thở không khí lạnh giá trong lành của dòng sông đóng băng cùng với mùi xúp đậu bén lửa và anh cảm thấy buồn nôn. Anh quay người tránh xa xe nhà bếp, trong bóng tối dưới chân bờ dốc, anh vấp phải cuốc xẻng để ngổn ngang. Một khe sáng hẹp thẳng đứng chợt lóe lên trước mắt anh, từ chỗ có ánh sáng vọng ra tiếng cười nói. Anh đưa tay sờ soạng, gạt tấm vải bạt ra và nước vào căn hầm đầy mùi đất sét ẩm và lại thấy cả mùi thức ăn nữa.
Trong căn hầm đào sâu ngập đầu người, ngọn đèn làm bằng vỏ đạn đại bác đặt trên đáy thùng tỏa ra ánh sáng trắng bập bùng. Những cái cặp lồng đựng xúp bốc khói đặt bên cạnh những ca rượu trên tấm vải bạt trải rộng. Trung úy Đa-vla-chi-an và hạ sĩ Nết-trai-ép nằm quay đầu về phía đèn. Đầu gối thu vào dưới tấm áo choàng ngắn, Dôi-a ngồi hơi nghiêng, gặm miếng lương khô, thận trọng xem quyển an bom nhỏ nào đó đóng bằng thứ da mềm màu đen, có chiếc khuy bấm tròn vàng chóe như kiểu an bom-ví đựng tiền.
-Cu-dơ-nét-xốp!… Thế là rốt cuộc cậu đã tới…-Đa-vla-chi-an kêu to, mặt đỏ lên sau khi ăn uống. Mặt anh như gầy hơn sau công việc mệt mỏi lúc ban đêm còn chiếc mũi nhọn và cặp mắt anh lóng lánh như mắt chuột nhìn lửa.-Cậu mất hút ở đâu thế hả? Ngồi với bọn mình đi! Cặp lồng của cậu đây. Bác Tri-bi-xốp tận tâm của cậu mang tới đấy!
-Cám ơn.-Cu-dơ-nét-xốp đáp và sau khi sửa lại cổ áo choàng, ghé nằm cạnh Đa-vla-chi-an vừa nhích ra nhường chỗ. Từ bóng tối ở ngoài trời bước vào, anh thấy nhức mắt khi nhìn vào ngọn đèn thấp bằng dầu xăng.-Có cái ca nào bỏ không không?
-Lấy ca cả ai chả được,-Nết-trai-ép nói và nhát cặp mắt nâu về phía Dôi-a.-Mọi người đều khỏe mạnh cả.
-Ca của mình đây, Cu-dơ-nét-xốp,-Đa-vla-chi-an mời và cũng nhìn về phí Dôi-a, những ngón tay nhỏ nhắn, lấm đất cầm cái ca đầy rượu chia cho bạn.-Cậu biết không, lúc này mình chẳng thích uống gì cả, chắc là rượu bị pha, có mùi quái quỷ gì ấy. Thậm chí hình như có cả mùi dầu hỏa.
-Đúng thế,-Nết-trai-ép nói, nụ cười khẩy rung rung dưới làn ria mép.-món hỗn hợp. Rượu pha với nước hoa. Chỉ giành cho con gái thôi.
Cố giữ cho tay khỏi run. Cu-dơ-nét-xốp đưa cái ca lên miệng, ngửi thấy mùi rượu nhưng anh cố gượng, nghĩ rằng tí nữa cơn ớn lạnh sẽ qua, rượu Vốt ca sẽ làm cho cơ thể nóng lên, nhẹ nhõm, anh nói một cách gượng gạo.
-Nào thì uống… Cầu cho bọn Đức xâm lược chết quách đi!
Anh cố gượng uống thứ nước cháy bỏng có pha mùi gỉ sắt và ho sặc sụa. Anh căm ghét rượu Vốt ca, không tài nào làm quen được với khẩu phần rượu hàng ngày ở ngoài mặt trận.
-Thứ nước kinh khủng thật!-Đa-vla-chi-an kêu lên.-Không thể uống nổi. Khác nào tự sát! Tôi đã bảo mà…
-Nhắm món xúp đậu đi, đồng chí trung úy.-Nết-trai-ép nhếch mép cười, đậy nắp cặp lồng lại.-Rồi khắc quen. Sẽ không thấy rát họng.
-Có lẽ thế,-Cu-dơ-nét-xốp đáp hầu như rất khẽ nhưng anh không đụng tới cặp lồng thức ăn, với lấy mẩu lương khô làm bằng bột mì đen trên tấm vải bạt và tựa lưng vào vách hầm, bắt đầu nhai.
Dôi-a không ngửng đầu lên, nói:
-Anh Nết-trai-ép này, anh lấy quyển an bom này ở đâu thế? Anh giữ nó làm gì? Một quyển an bom kỳ lạ…
“Tại sao cô ấy lại ở đây chứ không đi với Đrô-dơ-đốp-xki nhỉ?-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ, tựa hồ như anh nghe thấy tiếng Dôi-a từ xa, cảm thấy bụng ấm dần lên.-Mình chả hiểu những chuyện này”.
-Dôi-e-sca, hình như cô không tin tôi dẫu cô rất khó chịu vì không tin. Chắc cô nghĩ tôi là tay công tử bột ngoài vỉa hè. Một tay ba hoa láo toét,-Nết-trai-ép nói bằng giọng vui vẻ đáng tin cậy.-Cô hãy cho phép tôi trình bày chi tiết. Lúc đang thành lập trung đoàn tôi đã đổi một bó thuốc lá cho một anh ở mặt trận về lấy quyển an bom này. Anh ta bảo anh ta đã lấy được ở một con mẹ Đức bị giết gần Vô-rô-ne-giơ trong chiếc xe tham mưu. Kể ra cũng thú vị thật. Tôi thích nên giữ lại. Không phải là con mụ Đức mà là người đàn bà to như cái bồ sứt cạp. Cô giở tiếp mà xem.
-Kỳ lạ,-cô nói, trầm ngâm giở quyển an bom.-Rất kỳ lạ…
-Kỳ lạ cái gì, Dôi-e-sca?-Nết-trai-ép chống khuỷu tay nhích lại gần Dôi-a.-Rất thú vị.
-Người đàn bà Đức đẹp thật! Khuôn mặt, vóc dáng… Cái ảnh này, lúc mụ ta vận bộ đồ tắm. Mụ ta có cấp bậc gì không?-Dôi-a nhìn tấm ảnh và hỏi.-Anh nhìn xem, mụ ấy mặc quân phục trông kiêu căng làm sao. Căng ra như thể mặc mỗi chiếc áo con vậy.
-Lính SS đấy,-Nết-trai-ép quả quyết.-Có tư thế gớm, ngực ưỡn thẳng! Bộ ngực ghê chưa, Dôi-e-sca!
-Anh thích hở?
-Không thích lắm. Nhưng chẳng sao. Một mẫu người.
Trung úy Đa-vla-chi-an có những vết tàn nhang nổi bật trên má nghển cổ, nghếch đôi mắt màu mận chín nhìn vào an bom. Cu-dơ-nét-xốp tựa lưng vào vách hầm, từ trong bóng tối nhìn Dôi-a, khuôn mặt nghiêng xuống dưới ánh sáng ngọn đèn dầu và ký ức của anh căng thẳng một cách kỳ lạ cố sức tìm trên hàng mi dài của cô, trong đôi mắt nhìn xuống của cô, trong quyển an bom đóng bằng da mềm đó một cái gì quen thuộc đã qua, không nắm bắt được, tựa hồ như anh đã có lúc nào đó trông thấy rõ, Dôi-a, trong cảnh tĩnh mịch ấm áp vô chừng, vào lúc tuyết rơi buổi chiều ngoài cửa sổ, trong căn nhà được sưởi nóng thuận tiện để nghỉ đêm, cạnh cái bàn phủ khăn sạch sẽ trắng tinh để đón ngày lễ, quyển an bom của gia đình mở rộng trên khăn giải bàn và ngọn đèn bàn soi sáng những khuôn mặt nào đó thân thương, còn ở đằng sau, ở ngoài vòng ánh sáng là khoảng tranh tối tranh sáng mịn như nhung của căn phòng, là sàn nhà bốc lên mùi xà phòng cọ rửa, giá gương cũ với chiếc khung chữ nhật sẫm màu phản chiếu cái giường mạ kền và giá gương cổ kính đó là những vật đặt trong một căn hộ ở Mát-xcơ-va, trên phố Pi-at-nit-xcai-a, anh chỉ có thể được nhìn thấy mẹ và em gái anh một cách gần gũi như thế, thân thuộc như thế, thanh bình như thế chưa chưa bao giờ anh có thể nhìn thấy trong căn phòng này, khuôn mặt nghiêng xuống của Dôi-a ngồi bên bàn cạnh mẹ anh và em gái anh, cạnh giá gương hào nhoáng, cổ kính và khôi hài đã ố vàng vì thời gian, niềm kiêu hãnh duy nhất của mẹ là kỷ niệm về bố anh: ông đã mua giá gương này trong ngày cưới, hình như của một anh giàu nào đó phất lên trong thời kỳ chính sách kinh tế mới và ông cực kỳ hài lòng về món quà tặng cồng kềnh của mình…
-Có lẽ mụ này thuộc một gia đình giàu có. Anh nghĩ thế nào, Cu-dơ-nét-xốp? Sao anh lại im lặng thế?
-Không, tôi không im lặng đâu.-Cu-dơ-nét-xốp rũ bỏ cơn mơ màng nhẹ nhõm làm anh đờ đẫn. Dôi-a nhìn anh với nụ cười dò hỏi,-Cô muốn nói… về mục Đức này ấy à?-Anh hỏi.
-Đúng thế.
Anh đã trông thấy những tấm ảnh của mụ Đức bị giết này từ trước đấy, khi đang hành quân, quyển an bom được truyền tay, vì không có việc gì làm, Nết-trai-ép đã đưa cho cả trung đội xem. Và bây giờ khi nghe Dôi-a hỏi, Cu-dơ-nét-xốp nhích người khỏi vách hầm, nhìn vào những tấm ảnh, không có hứng thú gì đặc biệt. Người đàn bà Đức tóc vàng, vận bộ quân phục bó sát người, cười trong ống kính, sung sướng một cách trêu ngươi giữa những người trong gia đình đang mỉm cười, ngồi thành hình vòng cung trên những chiếc ghế bành bằng mây, cạnh cái bàn nhỏ thấp đặt giữa một bãi cỏ xanh tươm tất. Trên cái ảnh khác là một bãi biển vàng chóe, những cánh buồm trắng lóa giữa biển xanh, những cái lều trắng trên bờ biển và người đàn bà Đức nước da rám nắng màu sô cô la vận áo tắm đứng theo tư thế kiêu hãnh và hơi có vẻ kịch, choàng lấy vai người bạn gái có khuôn mặt nhỏ, dịu dàng như búp bê, tấm khăn tắm sặc sỡ phủ tấm thân trần, mớ tóc bồng xõa trên vai. Tiếp đó là hàng loạt những khuôn mặt đàn bà căng thẳng và nghiêm nghị, nhiều kẻ ưỡn ngực trong những bộ quân phục đứng trước trại lính. Rồi đến vài tấm ảnh nữa chụp trên biển; một cánh buồm no gió trên chiếc thuyền buồm lệch hẳn đi; người đàn bà Đức tóc vàng đó với bộ hông nở nang bị những tia nước làm cho ướt át, mụ ta táo bạo kéo chiếc dây chão trên đầu người bạn gái có mớ tóc bồng, bị con sóng xô tới tóe nước lên, sợ hãi ôm chặt lấy đôi chân rám nắng tròn trĩnh của mụ.
-Người đàn bà tóc vàng này… chắc là được đàn ông ưa thích,-Dôi-a nói, không rời mắt khỏi quyển an bom.-Dẫu sao trông cũng đẹp… Còn anh có thích không, Đa-vla-chi-an?
-Trung úy Đa-vla-chi-an đang mải ăn xúp, không dè bị hỏi, nuốt vội và bực tức thốt lên:
-Xúp của vị cấp dưỡng đáng kính của chúng ta nhạt như nước ốc! Nuốt không nổi. Đến nghẹn mất… Một bộ mặt kinh tởm!-Anh liếc nhìn tấm ảnh và phát biểu.-Có gì ở đây có thể làm cho thích thú? Trông cũng biết ngay đây là một con mẹ SS ngốc nghếch. Mụ ta cười như con mèo cái. Tôi căm thù những cái mõm phát xít ấy! Sao mụ ta có thể cười được nhỉ?
”Phải rồi, cậy ấy nói đúng,-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ.-Tại sao mình cũng vậy, hễ trông thấy một cái gì đó của bọn Đức là lập tức cổ họng thấy nghèn nghẹn?”
-Không thể tranh cãi về thị hiếu được, Dôi-e-sca ạ!-Nết-trai-ép cười khanh khách, nói.-Tôi đã xé bỏ trang cuối cùng. Giá các anh trông thấy những tấm ảnh đó của mụ ta thì có thể chết được! Đủ kiểu trụy lạc khác nhau, đặc biệt là của nữ giới. Các cậu có biết nữ thi sĩ Xa-phô không? Ở Rô-ma ấy mà…
-Thế thì sao?-Dôi-a ngạc nhiên dướn cặp lông mày lá liễu nhìn anh.-Chỉ có điều không phải ở Rô-ma mà ở Hy Lạp cơ. Rồi thế nào nữa?
-Anh lại bắt đầu giở trò à? Anh nói với Dôi-a về sự trụy lạc nào hả, Nết-trai-ép?-Đa-vla-chi-an đỏ mặt chỉnh.-Anh có cái thói kỳ quặc thật! Hay là anh đã uống quá một trăm gam rượu?
-Tôi chỉ uống suất của tôi thôi, đồng chí trung úy ạ. Và tỉnh táo như một nữ tu sĩ.
-Đa-vla-chi-an, anh bảo vệ tội đấy à?-Dôi-a nói một cách âu yếm và đặt lòng bàn tay lên vai anh, khẽ vuốt ve.-Anh là chú bé kỳ diệu thật! Anh không biết gì về tất cả những chuyện đó ư?… Còn tôi đã trông thấy cái trò bẩn thỉu đó trên một chiếc xe bọc thép của Đức ở gần Khác-cốp… khi chúng tôi thoát được ra khỏi vòng vây. Khắp thành xe đều dán kín những tranh ảnh kiểu đó.
Đa-vla-chi-an bối rối nhoài lưng ra khỏi những ngón tay vuốt ve dịu dàng và hạ cố của Dôi-a rồi anh đỏ mặt, đầu tóc bù xù, buông sõng:
-Xin hãy bỏ ngay những nhận xét không đúng chỗ của mình đi, nữ đồng chí cứu thương! Tôi không phải là một chú bé. Và xin đừng vuốt be tôi. Tôi không thích…
-Thôi được, được. Thế là tôi biết rõ rồi,-Dôi-a nói.
“Không, cậu ấy quả thực là một chàng trai tuyệt vời, cái anh chàng Đa-vla-chi-an ấy,-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ, cảm thấy hơi ấm do uống chút rượu Vốt ca lan khắp cơ thể một cách dễ chịu và anh không tham gia vào câu chuyện.-Bao giờ mình cũng ưa thích cậu ấy”.
-Dôi-e-sca!-Nết-trai-ép nói và bỏ cái mũ lông ra, mỉm cười mân mê, nghiêng mái đầu to đẹp, tóc đen của mình.-Trung úy Đa-vla-chi-an đã có vợ chưa cưới, còn tôi thì lẻ loi một mình. Chỉ có bà mẹ ở Vla-đi-vô-xtốc. Trai chưa vợ. Cô cứ vuốt ve đi, tôi sẽ chịu đựng được tôi thích chịu đựng như thế.
-Vớ vẩn, cái anh Nết-trai-ép này,-Dôi-a nhún vai đùa cợt đáp.-Vuốt ve thì có ích gì cho anh nào? Anh vẫn cứ không hiểu đúng mọi chuyện. Với lại ở Vla-đi-vô-xtốc anh được các nữ hoàng và vũ nữ ba lê vây quanh cơ mà… Không, Đa-vla-chi-an này, chả lẽ anh có vợ chưa cưới thật à?-Cô lại hỏi một cách âu yếm.-Thế mà tôi không biết.
-Dôi-e-sca thân mến, tôi sẽ hiền như cục đất,-Nết-trai-ép cầu xin một cách khá nghiêm chỉnh tuy với một giọng say mê quấy rầy, đầu cúi xuống.-Cô hãy chạm đầu ngón tay vào đi… Hay là cô ghê sợ? Nếu không ngày mai tôi có thể bị giết mà không được biết những ngón tay của cô dịu dàng như thế nào?
-Sao lại nói như vậy ở đây… Ngốc nghếch thật!-Đa-vla-chi-an phẫn nộ, nháy mắt lia lịa nhìn Nết-trai-ép.-Anh hãy chấm dứt những trò đê tiện vỉa hè không hợp thời của mình đi hạ sĩ! Đó là cái trò gì vậy? Chả lẽ anh không dùng đầu óc mình vào việc gì khác được à? Kỳ quặc thật! Ở vào địa vị Dôi-a có lẽ tôi sẽ cho anh ấy cái bạt tai! Chúng mình… là những thằng ngốc thế nào ấy, chả hiểu mô tê gì cả. Đúng thế!
-Cám ơn trung úy…
Dôi-a cười vang đồng thời cô ghìm tiếng cười, cắn môi, đôi mắt rực sáng của cô nheo lại chằm chằm nhìn Đa-vla-chi-an đang bối rối.
Nết-trai-ép đội mũ lên đầu, rõ ràng là bực bội vì người ta ngăn cản trò chơi giải trí thú vị của mình, khuôn mặt công tử bột lấm chấm mấy cái bớt mượt mà của anh ta lộ vẻ bực bội, anh nói:
-Uổng công vô ích, đồng chí trung úy ạ. Tôi muốn thử Dôi-e-sca, thế mà đồng chí lại sinh chuyện!… Cô ấy đóng đủ các vài: nào là đã có chồng, nào là đã ba mươi tuổi, nào là cái gì cũng biết còn bản thân cô ta… là một bó hoa bồ công anh!…
Nhưng bắt gặp tia mắt của cô, anh chợt im bặt.
-Những gì tôi đã trải qua anh còn chưa được nếm trải đâu, anh Nết-trai-ép ạ!-Dôi-a mạnh bạo nói.-Anh hãy đổ hộ rượu Vốt ca vào tay tôi.-Cô ra lệnh bằng cái giọng như thể cô có quyền ra lệnh cho Nết-trai-ép.-Sau khi xem quyển an bom của anh, ngón tay tôi nhớp nháp kinh khủng. Anh hãy giấu quyển an bom đi. Và khi nào muốn thử thách mình, anh hãy nhìn vào con mẹ Đức trần truồng này vào giây phút khó khăn!
Nết-trai-ép cười khanh khách có ý tự vệ, chống khuỷu tay nhổm dậy, tìm chiếc ca của cô và với vẻ độ lượng có ý báo thù, anh đổ tất cả chỗ rượu Vốt ca cho đến giọt cuối cùng lền lòng bàn tay Dôi-a khum lại làm gáo.
-Tất nhiên là tôi tiếc số rượu này nhưng vì cô, Dôi-e-sca.
-Vì tôi thì không cần phải làm gì cả. Cám ơn.-Dôi-a chụm đầu gối lại, tà áo choàng ngắn tỏa tròn quanh đầu gối, đưa tay về phía ngọn đèn dầu bập bùng rồi ngoái nhìn Cu-dơ-nét-xốp.-Hình như anh ngủ phải không, trung úy? Thật kỳ lạ khi một con người im lặng. Như người tỉnh táo giữa đám say rượu. Anh không muốn ăn à?
-Tôi có ngủ đâu,-Cu-dơ-nét-xốp lên tiếng, ngồi im trong bóng tối, tựa lưng vào vách hầm.-Chẳng qua là tôi ngồi hưởng cái ấm áp…
Quả thực sau khi uống chút rượu Vốt ca, anh cảm thấy khoan khoái vì cái ấm áp dễ chịu của căn hầm đất, hơi ẩm ngột ngạt của nó, ánh sáng lung linh của ngọn đèn tự làm lấy, tiếng trò chuyện, những bóng người xiêu vẹo trên vách hầm ươn ướt. Cơn ớn lạnh bên trong đã qua. Tuy mồ hôi nhễ nhại vì dùng choòng đào đất anh vẫn cứ bị cóng lạnh hết cả người bên bờ sông lộng gió, cái lạnh vẫn luồn vào tận xương bả vai nhưng anh không muốn thay đổi tư thế, không có sức để đụng đậy. “Cô ấy đã bị bao vây ở Khác-cốp? Cô ấy đã chiến đấu? Khuôn mặt của cô ấy kỳ lạ thật.-anh lờ mờ nghĩ đến khi nhìn Dôi-a.-Nói chung không đẹp. Chỉ được đôi mắt. Và nét mặt hay thay đổi. Nhưng cả Nết-trai-ép, cả U-kha-nốp cũng như mình đều ưa cô ấy… Giữa cô ấy với Đrô-dơ-đốp-xki có chuyện gì nhỉ? Tất cả những cái đó thật lạ lùng…”.
Đa-vla-chi-an cắt ngang dòng suy nghĩ thanh thản của anh:
-Này, Cu-dơ-nét-xốp! Tại sao cậu không ăn? Xúp nguội hết cả rồi!
-Ai bảo xúp nguội?-Một giọng trầm oai nghiêm vang lên ngoài tấm vải bạt che căn hầm.-Xúp nóng bỏng ấy chứ! Có vào được không?
-Được chứ, xin mời chui!-Giọng U-kha-nốp vang lên ở bên ngoài. Vào đi!
o0o
Có tiếng chân bước nặng nề ở gần cửa hầm, tiếng hòn đất lăn xuống mé dưới, có người lần sờ tấm vải bạt che cửa hầm, tìm thấy mép tấm bạt, khuôn mặt hẹp của anh mọng lên, rát bỏng vì sương giá, cặp mắt như mắt chim, hơi nanh ác; cái mũ lông anh đội trên đầu cách lông mày hai đốt ngón tay đúng như điều lệnh.
-Anh không lạc đấy chứ, chuẩn úy?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi, chỉ trông thấy chiếc mũ mới trên đầu Xcô-rích cũng đã nhớ ngay tới sự chậm trễ của viên chuẩn úy.-Anh cần gì?
-Đồng chí nghiêm khắc quá đấy, trung úy. Có thể nói nghiêm khắc hơn cả tiểu đoàn trưởng!-Chuẩn úy lên tiếng với giọng châm chọc xứng với địa vị vững chãi của mình và nói thêm:-Đây, các anh hãy nhận khẩu phần phụ đi, và có lệnh triệu anh và trung úy Đa-vla-chi-an tới gặp đại đội trưởng… Cả cô nữ cứu thương nữa. Tôi từ chỗ đại đội trưởng…
-Anh hãy để khẩu phần phụ lại đây rồi đi đi.
-Tôi không thể để ba lô lại được. Sau rồi đó có tìm được vết tích. Mà người khác thì không lăn lộn trên đất.
-Anh vào đây nhanh nhanh lên và tháo ba lô ra!
Chuẩn úy lách người chui vào hầm đất, mang theo cái lạnh ở bên ngoài vào, đặt ba lô thực phẩm trên tấm vải bạt và cố ra vẻ đàng hoàng rút bánh lương khô, bơ, đường, thuốc lá-cả một kho báu mà giờ đây Cu-dơ-nét-xốp dửng dưng. Sau khi uống một chút rượu Vốt ca và ăn miếng bánh lương khô, anh lầm tưởng là mình đã no.
-Của hai người đấy!-Chuẩn úy nhắc.-Của trung úy Đa-vla-chi-an và anh.
-Anh đi đi,-Cu-dơ-nét-xốp ra lệnh.-Chúng tôi sẽ liệu cho nhau. Hay anh còn muốn nói gì nữa?
-Rõ…
chuẩn úy gấp ba lô lại, ôm chặt nó vào ngực, đi giật lùi ra khỏi hầm đất, đầu cúi xuống, liếc cặp mắt như mắt chim bất mãn nhìn Dôi-a lúc đó ngồi im, giận dữ gạt tấm vải bạt ra, tỏ cho mọi người thấy rõ rằng anh ta không muốn Dôi-a có mặt ở đây. Tiếp đó lại nghe thấy giọng nói của U-kha-nốp vang lên ở gần cửa hầm:
-Ôi tôi yêu cả anh nữa, chuẩn úy ạ! Tôi không biết vì sao tôi mê anh lắm, anh như bố đẻ của chúng tôi, người trông nom việc hậu cần cho chúng tôi. Tôi kính trọng anh vì sự cần mẫn và vì thái độ dịu dàng của anh với toàn khẩu đội.
-Anh ba hoa cái gì thế, thượng sĩ?-Giọng nam trầm của chuẩn úy vang lên ngoài cửa hầm.-Sao anh lại ăn nói như thế? Anh cười cái gì? Nghiêm!
-Khẽ khẽ chứ chuẩn úy!-U-kha-nốp cười vang.-Sao lại ầm ĩ lên thế! Đứng nghiêm ở chỗ nào được?
-Các trung đội trưởng đã buông lỏng các hạ sĩ quan, không còn thể thống gì nữa! Rồi tôi sẽ cho anh biết tay, thượng sĩ!-Chuẩn úy gầm lên ở phía ngoài tấm vải bạt và rõ ràng là anh nói điều đó không chỉ với U-kha-nốp mà cả với hai vị trung úy hẳn là ngồi trong hầm cũng nghe thấy.-Rồi các anh sẽ phải phục tùng!… Tôi đã trừng trị những tay cứng đầu cứng cổ hơn thế cơ! Tôi không chấp nhận thói quân hồi vô phèng như vậy trong khẩu đội!…
-Chỉ có điều đừng gào lên như thế, chuẩn úy ạ, chừng nào tôi còn chưa ngẫu nhiên đụng đến anh!-U-kha-nốp vui vẻ khuyên nhủ.-Vì sự quan tâm như của người cha, chuẩn úy ạ… con người vàng ngọc của chúng tôi ạ, anh hãy lo giáo dục các cấp dưỡng của mình. Họ sẽ hiểu ngay. Tôi đã nói hết.
Một phút sau, U-kha-nốp vén tấm vải bạt loạt xoạt bước vào trong hầm, nét mặt hầu như hoàn toàn bình thản. Anh tháo đôi bao tay bám đầy đất, xoa tay trên ngọn đèn, nhìn khắp lượt mọi người bằng cặp mắt táo bợn, dường như lúc nào cũng chống đối. Chiếc răng cửa bịt bạc lóe sáng một cách lạnh lùng khi thượng sĩ nói hoặc mỉm cười làm cho vẻ mặt của anh đặc biệt có vẻ táo tợn.
-Công việc đã xong, trung úy ạ, còn lại hai giờ nữa,-nhân tiện anh báo cáo với Cu-dơ-nét-xốp.-Thế nào, ăn sáng, ăn trưa và ăn tối cùng một lúc à? Hay đấy nhỉ! Nếu các anh tưởng là tôi no thì nhầm to đấy. Cái cặp lồng kếch xù của mình đâu nhỉ, Nết-trai-ép?
Căn hầm đất trở nên chật chội ngay vì vóc người to lớn, lực lưỡng của U-kha-nốp, vì giọng nói oang oang của anh, vì bóng anh choán mất nửa vách hầm, vì mùi sương giá hăng hắc thấm vào từng sợi trên chiếc áo choàng của anh, từ lúc bắt đầu công việc đến giờ anh chưa hề được sưởi ấm.
-Thượng sĩ, cái chính là anh em lạnh cóng cả.-Nết-trai-ép rót rượu Vốt ca từ cặp lồng vào ca một cách hậu hĩ.-Mọi người chờ đợi mãi.
-Tôi đi đây, các bạn nhé,-Dôi-a vừa nói vừa cài khuy móc áo choàng ngắn.
-Dôi-a này…-U-kha-nốp ngồi gần Dôi-a ở chỗ thuận tiện trước những to để trên tấm vải bạt.-Dôi-a hãy bỏ tất cả mọi thứ đi và chuyển sang đây với chúng tôi. Tôi xin hứa sẽ không để ai xúc phạm đến Dôi-a. Anh em ở chỗ tôi dễ chịu lắm. Chúng tôi sẽ đào cho Dôi-a một hầm đất riêng.
-Tôi không phản đối,-Cu-dơ-nét-xốp nói và nhổm ngay dậy. Anh không biết vì sao lại nói như vậy, vì sao câu đó buột ra khỏi miệng anh và để che giấu sự lúng túng trước Dôi-a, anh chỉnh lại bao súng ngắn đeo trên dây lưng và hỏi:-Cô đi tới chỗ tiểu đoàn trưởng đấy à, Dôi-a?
Cô ngạc nhiên nhìn cả hai người.
-Anh muốn bảo vệ tôi chống lại ai? Chống bọn Đức à? Tự tôi có thể làm được. Thậm chí không cần vũ khí. Đây này, móng tay tôi sắc lắm!-Và cô mỉm cười gượng gạo, dùng móng tay gãi tay U-kha-nốp. Anh không rụt tay lại, chỉ thấy cái răng bạc của anh sáng lóe lên. Cô hỏi:-Thế nào, tự vệ tốt chứ?
-Những móng tay tốt đối với người làm nghề trang điểm móng tay,-U-kha-nốp kết luận.-Cô sẽ dùng móng tay đó để làm gì?
-Để rồi xem!
-Chà, Dôi-e-sca, cô rất dũng cảm,-Nết-trai-ép ngọt ngào nói chen vào, dường như từ lúc U-kha-nốp tới anh bị mờ đi rõ rệt.-Móng tay của cô thì ăn thua gì nếu như có kẻ nghĩ tới chuyện ám muội? Cô sẽ cào cấu à? Cắn xé à? Chắc trông sẽ buồn cười lắm!
-Lại sinh chuyện đấy hả?-Đa-vla-chi-an không chịu nổi nữa thét lên.-Anh lại nói chuyện vớ vẩn gì thế! Thật khó nghe! Dôi-a, xin mời…
Anh vén tám vải bạt ở cửa hầm, nhường cho Dôi-a ra trước.
Tuyết Bỏng Tuyết Bỏng - Yury Bondarev Tuyết Bỏng