Never get tired of doing little things for others. Sometimes those little things occupy the biggest part of their hearts.

Unknown

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8539 / 108
Cập nhật: 2016-03-04 09:38:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cái Lò Gạch Bí Mật
ô phép các ngài?
Xưa nay, chỉ có khi người ta ăn cơm, mới phải "vô phép" nhau. Nhưng tôi đây, vừa bắt đầu viết truyện này, tôi đã phải "vô phép" các ngài ngay, là vì truyện tuy ly kỳ không kém gì các truyện trinh thám đại bí mật xảy ra ở đất nước An Nam - từ khi có một vài ông văn sĩ được trông thấy hẳn hoi - nhưng khốn thay, tác giả truyện Cái lò gạch bí mật này lại chẳng là nhà viết tiểu thuyết trinh thám chính ngạch!
Vậy thì trong khi kẽ chuyện có điều gì sơ suất, xin các cụ các quan, các ông (nhất là các ông viết tiểu thuyết trinh thám chuyên môn), các bà, bỏ quá đi cho, tôi được đội ơn vạn bội.
Đã ba tháng nay, tôi mới lại gặp anh Trinh. Trinh bây giờ không như Trinh trước nữa. Anh không nhìn gái, không nói tục, đến cả viết tiểu thuyết và làm thơ mới, anh cũng không nốt!
Tôi đã tính không chơi với Trinh nữa, thì một hôm, anh đến nhà tôi. Mặt anh hầm hầm, anh dán mắt nhìn đồ đạc hết thứ nọ đến thứ kia, rồi vẫn hầm hầm, anh nói:
- Tôi thích anh lắm. Anh không lại chơi, thành ra tôi buồn quá.
Nói xong, thấy có tiếng động ở trong nhà, anh ngó cổ vào một cách tò mò, và hình như nghĩ ngợi điều gì vậy.
Tôi đáp:
- Nhưng lại nhà anh, tôi buồn lắm. Anh không hợp tính tôi nữa. Anh không làm thơ, anh không viết truyện, thậm chí đến gái cũng không nhìn, thì có phải lỡ người ta già đi lúc nào, mình không biết hay không?
Trinh nghiêm trang nhìn tôi thở dài, lắc đầu, nói bằng giọng khinh bỉ:
- Anh chỉ là quân tốt đen lẻ trong ván tam cúc. Xã hội nếu có toàn hạng người như anh, thì thôi, tha hồ cho chúng nó bóc lột nhau, tha hồ cho chúng nỏ đâm giết nhau. Mà để chúng nó hoành hành như vậy, một ngày kia, chính mình sẽ bị tay chúng nó bóc lột, đâm giết!
Tôi kinh hoảng. Hay anh đã hội kín hội hở gì đây, sao lại thở ra độc một giọng "làm rối cuộc trị an", như thế. Coi không lại vạ miệng nhé!
Thấy tôi không đáp, Trinh thốc một hồi nữa:
- Anh có mắt không biết trông, có tai không biết nghe, có óc không biết suy nghĩ. Anh là hạng tàn tật về linh hồn.
Nói đoạn, Trinh đứng dậy, hầm hầm bắt tay tôi, rồi đi ra về. Sau, nghiên cứu mãi, tôi mới vỡ ra rằng Trinh độ này thích đọc truyện trinh thám tây. Và cả ngày, lúc nào anh cũng có vẻ bí mật, hay nhận xét từng cái cử chỉ cỏn con của người khác, và hay suy xét tâm lý người ta bằng những câu vụn vặt mà anh nghe lỏm được. Anh muốn làm nhà trinh thám thứ nhất của nước Việt Nam.
Một buổi tối, gặp tôi ở phố, anh nhìn tôi mãi cho đến khi tôi trông thấy anh. Anh khoèo hai ngón tay lại để vẫy và gật đầu để gọi.
Tôi cười ha hả, chạy đến, hỏi:
- Sao anh không gọi to lên, xuýt nữa tôi đãng trí không nom thấy anh.
Trinh lắc đầu, ra hiệu cho tôi theo.
Tự nhiên, tôi thấy lo sợ. Tôi ngờ anh rủ tôi đi làm một việc quan trọng. Tôi hỏi:
- Có việc gì cần không?
Trinh lắc.
- Chỉ thanh tra các phố thôi đấy chứ?
Trinh gật.
Mà trong khi lắc và gật, nét mặt anh hầm hầm, đôi mắt anh luôn luôn để ý đến những người qua đường.
Muốn biết tài học của bạn, tôi gợi:
- Hẳn anh đương khám phá một vụ cướp hoặc giết người.
Trinh ngậm ngùi, đáp:
- Tôi tiếc nước ta chưa có trường dạy làm trinh thám, đến nỗi một người yêu nghề trinh thám như tôi, phải học lấy như thế này.
- Anh học lấy bằng cách gì?
- Bằng mắt, bằng tai, bằng miệng, bằng óc của mình, chứ bằng gì!
Dứt lời, anh bấm tôi, trỏ vào một người đàn bà đi xe qua trước mặt và nói:
- Mẹ người này mới chết vì thuốc độc được hai giờ đồng hồ.
Tôi nhìn Trinh, có ý nghi hoặc câu nói dựng đứng ấy.
Nhưng rồi khi tình cờ qua một phố, tôi thấy trong một nhà, có một người đàn bà hai tay ôm lấp mặt, đương vật mình vật mẩy, và bù lu bù loa:
- Ơi mẹ ơi! Mẹ chẳng chờ con...
Trinh mỉm cười, đưa mắt nhìn tôi, vẻ hãnh diện. Và hình như kệ cho tôi bái phục tài anh, anh không hề nói một nửa lời về sự anh đoán đúng.
- Có thật là người đàn bà ban nãy không?
Trinh không đáp, chỉ cau mặt lại.
- Tại sao anh biết?
Trinh cười nhạt:
- Tự nhiên.
Rồi một lát, một cô tân thời thướt tha qua, có ý vội vã Trinh hất hàm hỏi:
- Anh nghĩ thế nào?
Tôi tặc lưỡi, khen:
- Đẹp!
Trinh hích một cái vào mạng mỡ tôi:
- Ma bùn! Ai hỏi thế?
Rồi anh nói luôn:
- Anh ruột cô này phải bệnh ho lao đã đến thời kỳ thứ hai. Hiện cô này trốn nhà đi tình tự với trai. Anh con trai, tất là một người đẫy đà, mặc bộ quần áo xám, đi giầy trắng vá đen miệng hơi rộng, trán cao, có cái nốt ruồi ở mép.
Tôi càng kinh ngạc, không hiểu anh thờ ma xó ma xiếc thế nào, chứ cái màn bí mật ấy ở đâu mà anh vén nhanh như thế. Rồi anh nói tiếp:
- Có học nghề trinh thám, mới thấy nhiều cái lạ lùng. Nhưng cái lạ lùng ấy nào ở đâu xa, nó hớ hênh ngay trước mắt ta mà người thường không thể thấy được. Tôi đã báo cho người ta được một vụ cướp sắp xảy ra. Tôi đã làm ngăn trở một đám giết người ghê gớm.
- Anh đã biết trước những việc ấy?
Trinh gật.
- Thế sao tôi không thấy nhật trình đăng?
- Anh thật ngốc! Tôi đã báo, tôi đã ngăn trở, thì những việc ấy không xảy ra, nghe thủng chưa?
Ngẫm câu nói của Trinh, tôi đâm tiếc. Sao tôi đã không láu cá mà bịa ra vụ mưu cướp nhà cô Ngần, vụ mưu hại cha cô Tuyết, để tôi lấy cớ mà báo các cô. Những vụ ấy không thể nào xảy ra, vì nó không có. Mà nếu các cô thấy được bình yên, hẳn các cô cảm tôi đến chết mất!
Đoạn anh kể cho tôi nghe những chuyện trinh thám tây trong các sách. Trong khi nói, thỉnh thoảng anh vẫn không quên đem con mắt và bộ óc để trông tìm, suy xét về những cảnh, những việc, những người lướt qua trước mắt anh.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi tới một đường vắng, chỉ còn vài nhà nữa thì hết thành phố. Bỗng anh đứng dừng, kéo áo tôi lại, tay ra hiệu. Tôi thì thào:
- Cái gì? Cái gì?
Trinh để ngón tay trỏ đặt trước miệng. Tôi không dám hỏi nữa.
Độ năm phút, móc túi lấy cuốn sổ tay và cái bút chì, anh ghé dưới ngọn đèn, hí hoáy biên lâu lắm. Rồi giật tôi một cái thật mạnh, anh nói:
- Đi! Mau! Ta nên cứu họ.
Trống ngực tôi bắt đầu nổi. Cứu! Cứu cái gì? Ít ra cũng là đám đánh nhau, không thì giết nhau. Tôi hỏi:
- Cái gì?
- Im? Phải theo tôi như cái máy. Tôi bảo gì phải nghe. Cấm hỏi.
Tôi run:
- Nhưng tôi sợ.
- Đồ hèn?
- Tôi cần anh cho tôi biết là đi đâu?
Một vụ ám sát bí mật. Tôi đi phố này rất có ý. Anh trông thấy người quần áo nâu ở trong nhà kia ra không?
- Không.
Bực mình, Trinh giẩy tôi một cái:
- Kia kìa, cái bóng đen đen đằng xa. Nó đấy.
Tôi gật, vì tôi thấy một người đang hấp tấp lẩn vào trong ánh sương mù.
- Sao anh biết?
- Im!
- Anh đã thám ra thế?
Lại giẩy tôi cái nữa, Trinh gắt:
- Im! Đi mau!
Hai chúng tôi rón rén theo hút tên sát nhân. Nhưng rút cục, không kết quả gì. Chúng tôi đã cố trông, cố nghe, song trời tối và lặng lẽ quá. Một mầu đen vô cùng vô tận như quây khít ngay xung quanh chúng tôi, làm chúng tôi vừa mù, vừa điếc.
Bỗng Trinh bấm tôi. Chúng tôi nấp sau gốc cây, nhịn thở. Tôi nghe tiếng gót chân nặng nề thình thịch trên mặt đường. Rồi cái bóng đen lướt qua, đi về mé phố.
Quay nhìn bốn bên, chúng tôi không thấy một ai theo.
Chờ cho người ấy đi thật xa, Trinh nói nhỏ:
- Tất có liên quan đến cái lò gạch kia.
Tôi hỏi:
- Đâu?
- Kìa, cách đây độ năm thửa ruộng.
- Đâu? Tôi chẳng trông thấy gì cả.
Trinh cáu, giẩy mạnh tôi, làm tôi xuýt nhao xuống ruộng:
- Nó lù lù đây kia, mắt?
Để ý trông, tôi đã thấy cái lò gạch. Tôi nói:
- Tôi tưởng cái lò đương nung gạch, hoá ra là lò bỏ không à? Tôi cử tìm chỗ có lửa sáng.
Trinh thở dài:
- Tôi bực mình về anh. Nếu là cái lò đương nung gạch mà anh cũng còn phải tìm lâu thế, thì anh đáng quăng xuống ruộng? Anh đã thấy chưa?
- Rồi. Nó đen mù mù như cái gò.
- Phải, anh đã trông thấy cái lò gạch bỏ không bao giờ chưa?
- Đã.
- Thế thì anh có thể hiểu được vụ này quan trọng là ngần nào.
Tôi yên lặng một lát, rồi nói:
- Tôi chưa hiểu.
Trinh gắt:
- Thế cái lò gạch bỏ không nó thế nào?
- Nó chỉ có bốn bức tường xếp bằng gạch chưa nung. Nó lộ thiên.
- Mà nó có cái cửa nhỏ, để người ta cho rơm vào lò.
- Phải, có thể ra vào được.
Trinh cười:
- Điều đó rất dễ đoán. Ở trong lò kín lắm, không ai trông thấy được. Vả ai ngờ rằng trong ấy có người? Vậy mà trong ấy có thể có một cái xác chết thối không ai biết, vì lò ở giữa đồng.
Tôi kinh ngạc:
- Anh làm tôi rùng mình.
- Đi!
- Đi đâu?
- Đến nơi cái lò gạch bí mật ấy mà xem xét.
- Thôi!
- Sao?
- Tôi... sợ...
Như ông tướng độc tài, Trinh trợn mắt, trỏ tay:
- Đi!
- Tôi sợ. Anh cho tôi ở lại.
Cáu tiết Trinh "xì" một cái khinh bỉ vào mặt tôi. Rồi một mình vén áo, anh hăm hở bước rất nhẹ nhõm. Bỗng một tiếng khàn khàn hỏi:
- Này, cậu kia, đi đâu đấy; đừng có bậy bạ ra ruộng su hào, bắp cải của người ta nhé!
Thấy Trinh không trả lời, tôi phải đáp hộ:
- Không.
- Phải, chẳng có người ta chửi cho lại trách!
Độ mười lăm phút sau, Trinh làm tôi giật nẩy mình.
Tự nhiên, anh hiện ra trước mặt tôi lúc nào, tôi không biết. Anh nói:
- Xong rồi.
- Anh thấy cái gì thêm?
- Đích là cái lò gạch. Nhưng hiện nay chúng nó tản đi hết cả rồi.
Bỗng anh lại hỏi:
- Vừa rồi có tiếng người nói?
- Phải.
- Nói gì?
- Nói rằng nếu anh ỉa bậy ra ruộng su hào, bắp cải thì người ta chửi.
- Còn tiếng khác nữa kia.
Tôi nghĩ, rồi đáp:
- Có
- Ai? Ở đâu?
- Tôi không biết.
- Đồ tồi!
Trinh cắn môi, rồi lên tiếng:
- Ai vừa bảo chúng tôi gì đấy?
Có tiếng đáp:
- Tôi, tôi bảo cậu đừng bậy bạ ra ruộng.
- Ruộng này của ai?
- Của cụ tôi.
- Cụ giầu lắm, và quyền thế lắm phải không, bác?
- Còn phải nói!
- Cụ có con gái?
- Phải!
- Cụ yêu quý cô ấy lắm?
- Sao cậu biết?
- Cô ấy đang học ban tú tài?
- Không, cô tôi đang học nói.
Trinh nói:
- Nói tiếng Anh, và học thêm cả tiếng Đức?
- Không, nói tiếng ta.
- Học nói tiếng ta? Cô ấy là người đầm à?
- Không, cô tôi mới lên hai.
Trinh lại cắn môi, nghĩ ngợi, rồi gật gù:
- Phải rồi. Không hề gì. Ta về.
Rồi vừa đi, anh vừa thỉnh thoảng tại cho tôi biết một điều anh mới khám phá thấy:
- Thằng vừa nói là đầy tớ... Nó mới ở coi ruộng được hơn hai mươi hôm... Cụ đây là cụ Hồng-lô, nếu không thì là một cụ Tuần về hưu trí đã ba năm rồi... Hẳn cụ này có con gái lớn mà thằng đầy tớ chưa biết.
- Thế thằng đầy tớ này có đồng đảng không với thằng ban nãy không?
- Không. Nếu phải người vụng đoán, thì thằng đầy tớ này bị bắt oan. Thằng kia định giết cụ... Đã ba lần, nó khởi sự, nhưng không thành... Cứ đến giờ này là y như nó đi một cách bí mật ra đây. Tất nó vào trong lò gạch ấy... Tất đồng đảng nó có từ năm người trở lên. Ừ, người ta có súng... Tất nó cũng có súng...
Đến trước cửa nhà người ban nãy, Trinh dừng lại, nhìn nhận hồi lâu, rồi quả quyết:
- Không phải nhà nó. Đây chẳng qua nó ra vào để che mắt các nhà trinh thám... Đảng nó to... Tổ chức theo khoa học... Phải có súng lục... Phải có mặt nạ... Phải có... Được!
- Thế nào?
Không được hỏi nữa. Tôi xem bộ anh chỉ làm hỏng công cuộc của tôi mà thôi... Tôi phải theo dõi.
- Mai anh lại đi?
- Phải.
- Anh cho tôi đi theo.
Trinh gật.
- Tôi cần đến anh, vì tôi cần một thằng ngốc. Nhưng anh phải yên lặng, nghe lệnh tôi như tên quân nghe ông tướng. Nghĩa là anh phải như cái máy.
- Nhưng cốt nhất anh đảm bảo cho đời tôi.
Trinh giẫy tôi một cái, kiêu căng nói:
- Giá anh có chết, xã hội cũng không thiệt nào kia mà. Vì anh chỉ là quân tốt đen lẻ trong ván tam cúc.
o O o
Luôn hai hôm sau, chúng tôi cùng đi thám. Nhưng không có kết quả gì hơn. Vẫn người ấy, đi đến chỗ ấy thì mất hút. Mà cái lò gạch vẫn sừng sững đứng bí mật ở giữa những thửa ruộng đen ngòm.
Đến ngày thứ ba, mới chập tối, Trinh đến rủ tôi, quả quyết nói:
- Tôi cần bắt quả tang nó, lúc nó giương súng bắn ông ta.
Tôi trố mắt:
- Anh đã khám phá ra cả rồi?
- Phải. Vậy thì đi, giữ lấy lời hứa.
- Đi chân tay không?
- Cần gì khí giới? Tôi sẽ trói gô cả năm đứa một cách bất ngờ.
- Anh làm thế nào? Anh nói trước cho tôi đỡ lo!
- Cứ đi, rồi sẽ hiểu.
Trinh dắt tôi đến đường mọi khi. Rồi tới một gốc gạo, anh rẽ xuống bờ ruộng. Trời vẫn tối đen như mực.
Nhưng anh bước rất thạo, như đã quen đường lắm. Một lát chúng tôi tới làng gần đó. Trinh mừng rỡ:
- Đến nơi rồi!
- Đến đâu?
- Im!
Bỗng nghe tiếng chuông rung và tiếng chó cắn rinh, tôi mới biết tôi đứng cạnh cái cổng. Và chính Trinh đang thò tay giật cái dây. Quả là anh ta có ma xó. Nếu không, sao thông thạo như người biết trước vậy?
Bỗng có tiếng người đứng ở phía trong hỏi ra:
- Ai?
- Tôi. Cụ Nghị có nhà không? Nói với cụ rằng có chúng tôi vào nhé.
- Cụ tôi không tiếp ai buổi tối. Cụ tôi ngủ rồi.
- Không được, đánh thức cụ đậy. Việc cần.
- Không việc gì cần cả, cụ tôi đi vắng.
- Việc rất cần.
- Không biết. Mai hãy hay.
- Bảo với cụ rằng chúng tôi đến báo với cụ, tám giờ tối nay, có năm đứa định vào hại cụ.
- Thật à?
Sau câu ấy, chúng tôi phải chờ một lúc lâu, nghe chó cắn làm khuây. Rồi có tiếng ở trong hỏi:
- Ai đó?
- Tôi, có phải cụ Nghị đấy không?
- Phải.
- Cụ mở cửa cho tôi vào, có việc cần.
- Cần thế nào? Cứ đứng ngoài ấy nói cũng được.
- Việc rất hệ trọng. Chúng tôi cần nói lâu, và bầy cách để bắt bọn giết người. Chúng tôi cần vào, nói riêng với cụ kẻo chuyện vỡ lở.
- Không vào được, muốn nói gì cứ đứng đấy mà nói.
Chó vẫn cắn dồn dập. Trinh thở dài, lau mồ hôi trán. Tôi bực mình, bảo khẽ Trinh:
- Kệ xác nó, đi về!
Trinh trừng mắt:
- Đồ vô nhân đạo. Biết người ta chết mà vì lẽ nhỏ mọn, mình kệ người ta à?
Rồi anh nói to:
- Có một đảng vì thù cụ, định hại cụ hồi tám giờ sắp tới này.
- Chẳng có ai thù gì tôi cả.
- Đảng ấy có năm thằng, đầu đảng là Ba Móm, bốn đứa đồng đảng là Thế, Quỹ, An, Nhận.
- Gì nữa?
- Hết. Chúng nó có súng lục, có mặt nạ, có hơi ngạt.
- Như ở nước Mỹ ấy à?
- Phải, mà chúng nó đã chặn đường ô-tô cậu Cả nhà cụ được nửa giờ đồng hồ rồi, vì biết cậu Cả xuống Nam Định hồi gần sáu giờ sáng.
- Thế à?
Nhưng hiện nay, cậu Cả chưa bị hại. Mai cụ sẽ được một lá thư của chúng nó, bắt cụ chuộc năm nghìn, chúng nó hẹn trong ba giờ nếu không có tiền sẽ hạ thủ con cụ.
Tôi sợ run. Quái ác! Sao trong khoảnh khắc, Trinh đã đoán rành mạch được cả những việc ngày mai.
Trinh lại nói:
- Tám giờ kém năm chốc nữa, chúng nó sẽ thả hơi ngạt cho bọn chó nhà cụ chết, rồi đứa nào đứa nấy đeo mặt nạ vào nhà tìm cụ.
- Đích thế
- Đích lắm. Vậy cụ nên cho ngay người nhà theo tôi để bắt chúng nó, trước khi chúng hại cụ.
- Được chờ đấy.
Thấy cả từ bọn chó cho đến chủ nhân đều dấm dẳn, khinh khỉnh, như ngờ, như muốn đuổi chúng tôi, tôi rất bực mình. Không hiểu sao họ lãnh đạm với cái tin sét đánh ấy thế được. Song; Trinh thì vẫn kiên tâm, đứng đó. Thỉnh thoảng anh bấm đèn nhìn chiếc đồng hồ tay, nhìn ánh sáng hắt lên mặt, tôi thấy anh ra ý hớn hở, đắc chí lắm.
Độ mười phút sau, có ba người cầm gậy đến gần chúng tôi, nói:
- Nào, các ông đưa tôi đi.
Trinh mừng rỡ hỏi:
- Đây là người nhà cụ Nghị?
- Vâng, cậu Cả tôi đấy, hai chúng tôi là người nhà.
Trinh ngạc nhiên:
- Tôi tưởng ông đi Nam Định hồi chiều?
- Hôm qua, tôi tính đi, có ra Hà Nội thuê xe, nhưng tôi đã định không đi từ buổi sáng.
Trinh nghĩ ngợi một lát:
- Không hề gì. Nhưng ông nên giữ mình.
Rồi anh nói tiếp:
- Bốn người phải nghe lệnh tôi như quân nghe lời chỉ huy của ông tướng. Phải tuân theo như cái máy. Nhất là không được nói, không được hỏi. Vì công việc ra sao, chốc nữa sẽ rõ rệt cả. Đi!
Năm chúng tôi rón rén trong sương mù đen kịt.
Trinh tiến lên trước, ngoặt xuống ruộng, quành bờ nọ, sang bờ kia. Tôi vừa đi vừa lo ngại. Nhất là mỗi lúc một gần chỗ nguy hiểm, tôi nghĩ khôn chẳng nghĩ, lại cứ nghĩ dại, tôi hỏi Trinh:
- Tiếng súng lục to bằng tiếng pháo tép hay pháo đùng.
Cau mặt, Trinh gắt:
- Im!
Chúng tôi đến gần lò gạch.
Trinh đứng lại, chia việc:
- Bốn người trèo lên bốn góc. Hễ tôi hô một tiếng "Đấy" thì cùng phải reo ầm lên cho chúng nó tưởng bọn mình đông người.
Chúng tôi tuân lệnh. Trinh bắt tôi trèo lên góc gần cửa lò. Tôi ngồi thu hình, im lặng, chở. Trinh ở mé tường sau, đi đi lại lại. Bỗng anh giật chân tôi, làm tôi giật mình xuýt ngã. Anh dặn:
- Khi thấy tôi bật đèn bấm lên, anh phải tụt ngay xuống, ôm ghì lấy nó.
- Thế anh?
- Không được hỏi.
Tôi không dám chối từ. Nhưng lo quá. Sao cái việc anh cắt tôi lại nguy hiểm quá đến thế. Tôi bảo:
- Tôi sợ tôi yếu hơn nó.
- Im! Khoẻ lên?
Chúng tôi ngồi câm như thóc. Trông bốn thằng chồm chỗm, đen ngòm, ngồi trên bốn góc thành tường cũng đen ngòm, tôi nghĩ ngay đến cái xe đám ma. Mà cũng may, nghĩ vậy, tôi tự nhiên thấy phấn chấn trong lòng.
Vì nếu cảnh này giống cái xe đám ma, thì sao chả có một cái xác chết. Cái xác chết ấy bao giờ cũng ở giữa xe. Thế vị chi là thằng giết người chốc nữa nó chui vào giữa lò. Thế thì nó chết. Chúng tôi sống.
Một tiếng "suỵt". Tôi nhìn. Quả nhiên có cái bóng đen đen ở đằng xa tiến đến, rất mau chóng. Trống ngực tôi nổi mạnh. Cái bóng ấy nhẹ nhàng chui vào lò gạch. Tôi nhịn thở, nhìn vào. Nhưng tiếc quá, tối um, chẳng nom rõ nó hành động những gì cả. Song, lắng tai, tôi đoán nó làm một việc khó nhọc, nặng nề, vì nó phải thở ì ạch.
Tôi rắp hết sức lực để tuân lệnh của Trinh. Tôi liếc mắt tìm Trinh, thấy anh lò dò đi từng bước. Rồi đến gần tôi, anh lại kéo chân tôi, làm tôi suýt ngã bổ chửng.
Đến gần cửa lò, Trinh ngồi thu hình. Chắc anh nghe ngóng. Quanh tôi, chẳng có một tiếng động. Chó trong làng thỉnh thoảng lại rú lên một hồi kinh hồn. Bỗng:
- Đấy!
Tức thì những tiếng reo nổi lên, làm dậy cả góc đồng. Đèn bấm loé ra một tia sáng. Tôi cuống quít, tự nhiên co dúm cả vó lại, không sao tụt xuống được. Lại vì tối quá tôi sợ liều mạng, lỡ què. Vụt. một cái, thằng đại bợm chui được ra ngoài, vùng té chạy nhanh như biến. Ba người kia, vì không được Trinh sai đuổi trước, nên cứ ngồi lỳ. Thành ra chỉ có một mình Trinh đuổi, nên không kịp.
Tôi toan trốn. Hẳn phen này Trinh đến đánh tôi nhừ tử cho hả giận.
Một lát, anh trở lại, thở hồng hộc, trỏ vào mặt tôi, nghiến răng:
- Chỉ tại thằng này mà hỏng cả việc? Đồ khốn nạn! Phải biết bao công phu người ta mới khám phá ra vụ bí mật này, nay nó làm hỏng.
Tôi sợ xanh mắt, đứng tránh xa, không dám nói ruột tiếng.
Rồi căm hờn, anh hô:
- Xuống cả! Đi theo đây!
Thật như cái máy, tôi theo sau Trinh. Trinh lò dò chui qua cửa lò và nhầy xuống một chỗ phẳng. Chúng tôi cùng xuống theo. Trinh nói:
- Tôi biết đích rằng thằng này cũng khôn, nhưng chẳng ngoan. Trong khi bối rối, nó chưa kịp đem theo cái gì ta cả. Tìm kỹ, tất bắt được tang vật.
Tôi nói:
- Nó treo trên tường hay để dưới đất?
Trinh mắng:
- Ngốc, lấy gì treo mà anh bảo nó treo? Nó phải để ở dưới đất.
Tôi nhanh trí, nói:
- Coi không nổ. Đi khéo? Tìm kỹ?
Đèn bấm bật lên, lia hết chỗ nọ đến chỗ kia, ba bốn lượt. Trinh thỉnh thoảng hô để khuyến khích:
- Tìm kỹ, muốn trừ diệt hung đồ, ta hãy bắt tang vật đã!
Chúng tôi yên lặng, mỗi người một chỗ, còng lưng cúi sát mặt xuống đất mà mãi chẳng thấy một vật gì khả nghi, nên đã lấy làm chán nản.
Bỗng người con ông Nghị reo lên:
- Đây rồi!
Trinh mừng rỡ:
- Có thế chứ! Đâu?
Chúng tôi xúm lại xem, ai nấy sợ hãi.
- Đâu? Đâu?
Theo ngón tay trỏ, ngọn đèn bấm của Trinh to ra một tia lửa sáng như ban ngày. Tang vật đó to bằng vành khăn đàn bà, cuộn khoanh lù lù trên mặt đất thành một bãi, đầu hình búp măng, màu vàng, mà ở đuôi là có hơi ngạt, thôi thối...
2-10-1936
Tuyển Tập Nguyễn Công Hoan Tuyển Tập Nguyễn Công Hoan - Nguyễn Công Hoan Tuyển Tập Nguyễn Công Hoan