Số lần đọc/download: 1896 / 73
Cập nhật: 2015-10-21 07:44:18 +0700
Chuyện Đời Vặt Vãnh
N
IKÔLAI ILÍTS BÊLIAÉP, một chủ nhà cho thuê ở Pêtérburg, thường dự các buổi đua ngựa, tuổi còn trẻ, mới chừng độ ba mươi hai, người béo khỏe, hồng hào, có lần, lúc gần tối, ghé vào thăm bà Onga Ivanốpna Irơnina, người mà Bêliaép đã từng chung sống, hay theo cách nói của anh, đã cùng kéo dài một mối tình buồn tẻ. Thật ra những trang đầu của mối tình đó, đầy thú vị và sôi nổi, đã qua đi từ lâu; và bây giờ những trang cuối cứ kéo dài, kéo dài mãi, không còn có một chút mới mẻ, hứng thú nào.
Không gặp Onga Ivanốpna ở nhà, nhân vật của tôi bèn ngã lưng xuống chiếc đivăng nhỏ đặt trong phòng khách và đợi.
– Chào bác ạ, bác Nikôlai Ilíts – anh bỗng nghe thấy một giọng trẻ con. – Mẹ cháu về bây giờ đấy. Mẹ cháu với Xônia đi đến nhà bà thợ may.
Cũng trong phòng khách đó, nằm trên một đivăng khác là Aliôsa, một cậu bé chừng tám tuổi, sạch sẽ, khỏe mạnh, cân đối, mặc chiếc áo nhung, đi bít tất dài đen, trông như trong tranh vẽ. Cậu nằm trên chiếc gối láng, lúc giơ ngược chân này, lúc giơ ngược chân kia, chắc là đang bắt chước diễn viên nhào lộn vừa được thấy ít lâu trong rạp xiếc. Khi đôi chân trắng đẹp của cậu đã mỏi, cậu bèn dùng đến cả tay hay là lại giả làm ngựa phi rất hăng, rồi chống hai tay, cố chổng ngược hai chân lên. Cậu ta làm tất cả những chuyện đó với vẻ mặt rất nghiêm trang, thở phì phò một cách khổ sở, hệt như chính cậu cũng không thấy sung sướng gì khi trời đã phú cho cậu một thân thể hiếu động đến thế.
– À, chào anh bạn nhỏ của tôi! – Bêliaép nói. – Cháu đấy ư? Thế mà bác không nhìn thấy. Mẹ có khỏe không?
Aliôsa lấy tay phải nắm bàn chân trái, trong một tư thế mất tự nhiên nhất rồi quay ngoắt lại, chồm người lên, ló đầu ra trên chiếc chụp đèn to bọc nỉ mà nhìn Bêliaép.
– Biết nói với bác thế nào nhỉ? – cậu bé nói và nhún vai. – Vì thực ra thì mẹ cháu chưa bao giờ khỏe mạnh cả. Mẹ cháu là phụ nữ, mà phụ nữ thì lúc nào cũng ốm đau, bác Nikôlai Ilíts ạ.
Bêliaép không biết làm gì, quay ra nhìn Aliôsa chăm chú. Trước đây, suốt cả thời gian đi lại với Onga Ivanốpna, không một lần nào anh chú ý đến thằng bé, hoàn toàn không nhận ra rằng có nó tồn tại: thằng bé lúc nào cũng thấy kè kè bên cạnh, nhưng mà nó ở đấy để làm gì kia chứ, nó đóng vai trò gì – không hiểu sao Bêliaép cũng chẳng buồn nghĩ đến chuyện đó nữa.
Trong bóng chiều chập choạng, gương mặt Aliôsa với cái trán trắng xanh và đôi mắt đen không chớp bất ngờ gợi cho Bêliaép nhớ đến Onga Ivanốpna thuở hai người mới yêu nhau. Anh bỗng cảm thấy muốn âu yếm đứa bé.
– Cháu lại đây, cháu! – anh nói. – Cho bác nhìn cháu gần một chút nào.
Cậu bé nhảy khỏi đivăng và chạy đến bên Bêliaép.
– Thế nào? – Nikôlai Ilíts nói, tay đặt lên vai gầy gầy của cậu bé. – Ở nhà với mẹ thích chứ?
– Biết nói với bác thế nào nhỉ? Dạo trước cháu thấy thích hơn.
– Sao thế?
– Rất đơn giản thôi bác ạ! Dạo trước cháu với Xônia chỉ phải học nhạc với tập đọc thôi, còn bây giờ, cháu phải học cả thơ bằng tiếng Pháp nữa. À, bác mới cắt tóc.
– Ừ, mới cắt.
– Đấy, cháu thấy ngay mà. Râu bác ngắn đi đấy. Bác cho cháu sờ một tí nhé… Có đau không?
– Có đau đâu.
– Tại sao khi kéo một sợi râu thì đau mà khi kéo một lô sợi thì chẳng đau tí nào? Ha ha! À bác biết không, bác không để râu quai nón là dại đấy. Ở chỗ này phải cạo, còn hai bên thái dương… bác cứ để tóc lại…
Cậu bé nép vào người và sờ mớ sợi dây đồng hồ của Bêliaép.
– Khi nào cháu được vào trường học, – cậu bé nói, – mẹ cháu sẽ mua cho cháu đồng hồ. Cháu sẽ bảo mẹ cháu mua cái dây giống thế này… Ô, cái Médaillon1 của bác đẹp quá! Cha cháu cũng có cái médaillon giống như thế, chỉ khác là của bác thì gạch gạch, của cha cháu thì để chữ… Ở chính giữa có để ảnh mẹ cháu. Bây giờ, bây giờ cha cháu có cái dây khác rồi, không móc vào nhau mà là một dải liền…
– Sao cháu biết? Cháu vẫn gặp cha cháu đấy ư?
– Cháu ấy à?… Không! Cháu…
Aliôsa đỏ bừng mặt lộ rõ vẻ hết sức lúng túng, bị bắt quả tang nói dối, cậu bé càng tỏ vẻ chăm chú cào cào móng tay vào chiếc médaillon hơn. Bêliaép nhìn chằm chằm vào mặt cậu bé và hỏi:
– Cháu gặp cha cháu đấy à?
– Kh… Không ạ!
– Không đúng, cháu cứ thành thực nói đi… Trông mặt cháu, bác cũng biết cháu nói dối. Nếu cháu nói lỡ mồm thì chẳng việc gì phải lúng túng thế. Cháu nói đi, có gặp không? Nào, cháu cứ coi bác như bạn thân của cháu!
Aliôsa do dự.
– Nhưng bác không nói lại với mẹ cháu chứ? – cậu bé hỏi.
– Chứ còn sao nữa!
– Bác nói thật nhé?
– Nói thật.
– Thật thế nhé!
– Chà, thật là một cậu bé khó tính! Cháu coi bác là ai mà lạ thế!
Aliôsa quay lại nhìn quanh, mắt mở to và thì thào nói:
– Nhưng mà bác đừng nói lại với mẹ cháu nhé… Cũng không được nói với ai khác nữa vì đây là chuyện bí mật. Nhỡ mà mẹ cháu biết thì cả cháu, cả Xônia, cả bà Pêlagâya sẽ bị… Nghe cháu kể nhé. Cháu và Xônia cứ đến thứ ba và thứ sáu thì được gặp cha cháu. Trước bữa ăn trưa, bà Pêlagâya dẫn chúng cháu đi dạo chơi, rồi bà dẫn chúng cháu vào hiệu bánh kẹo Apphen, cha cháu đã chờ sẵn ở đấy rồi… Cha cháu bao giờ cũng ngồi ở một buồng riêng bé bé, bác biết không, ở đấy có cái bàn đá phẳng lì, có cái gạt tàn giống con ngỗng không có lưng…
– Cháu với cha cháu làm gì ở đấy?
– Không làm gì cả! Đầu tiên thì chào nhau, sau đó tất cả ngồi quanh cái bàn rồi cha cháu cho cháu uống cà phê, ăn bánh rán. Bác biết không, Xônia nó toàn ăn bánh rán nhân thịt! Cháu thích nhân bắp cải với nhân trứng. Chúng cháu ăn thỏa thích no nê, đến bữa trưa sợ mẹ biết, chúng cháu phải cố ăn cho thật nhiều.
– Thế ở đấy các cháu nói những chuyện gì?
– Nói với cha cháu. Đủ các thứ chuyện. Cha cháu ôm hôn chúng cháu, kể đủ các thứ chuyện buồn cười. Bác biết không, cha cháu nói rằng, khi nào chúng cháu lớn lên rồi, cha cháu sẽ đem chúng cháu về ở chung. Xônia thì không thích, còn cháu thì đồng ý. Tất nhiên là không có mẹ thì buồn thật đấy, nhưng cháu sẽ viết thư cho mẹ cháu cơ mà! Lạ thật bác nhỉ? Đến ngày lễ tết thì cháu có thể còn về thăm mẹ cháu nữa ấy chứ, có phải thế không bác? Cha cháu còn nói sẽ mua cho cháu một con ngựa. Cha cháu tốt nhất trần gian đấy! Cháu không biết tại sao mẹ cháu không bảo cha cháu về ở với mẹ cháu, rồi lại còn cấm chúng cháu gặp cha cháu nữa. Cha cháu rất yêu mẹ cháu cơ mà. Lần nào cha cháu cũng hỏi mẹ có khỏe không, mẹ đang làm gì. Khi nào mẹ cháu bị ốm thì cha cháu cứ túm lấy tóc mình thế này này… rồi cứ chạy đi, chạy lại. Lần nào cũng dặn chúng cháu phải nghe lời mẹ, phải yêu kính mẹ. Bác ạ, có phải mẹ cháu với chúng cháu đều khổ cả phải không?
– Hừm… Vì sao thế?
– Đấy là cha cháu nói. Cha cháu bảo chúng cháu là những đứa trẻ bất hạnh. Nghe cha cháu nói cứ thấy là lạ thế nào ấy bác ạ. Cha cháu bảo cháu cũng khổ, mẹ cháu cũng khổ. Cha cháu bảo cháu hãy cầu nguyện cả cho cháu, cả cho mẹ cháu.
Aliôsa lặng nhìn con chim nhồi, vẻ nghĩ ngợi.
– Thế, – Bêliaép làu bàu nói. – À ra cha con nhà ngươi là thế. Bày ra trò hội nghị trong hiệu bánh kẹo. Mẹ cháu có biết chuyện này không?
– Kh…ông… Mẹ cháu làm thế nào mà biết được? Bà Pêlagâya thì không đời nào nói rồi. À ngày hôm qua cha cháu còn cho cháu ăn lê nữa cơ. Ngọt ngọt là, như bánh bích quy ấy! Cháu ăn hai quả.
– Hừm… Này, còn… cháu nghe này, cha cháu có nói gì về bác không?
– Về bác ấy à? Biết nói thế nào nhỉ?
Aliôsa tò mò nhìn lên khuôn mặt Bêliaép và nhún vai.
– Cha cháu cũng chẳng nói gì đáng kể cả.
– Đại loại nói thế nào?
– Thế bác không giận chứ?
– Chứ còn sao nữa! Chẳng lẽ cha cháu lại chửi rủa bác à?
– Cha cháu không chửi, nhưng, bác biết không nhỉ… Cha cháu giận bác đấy. Cha cháu nói là vì bác mà mẹ cháu phải khổ, nói là… bác đã làm hại đời mẹ cháu. Cha cháu là một người là lạ thế nào ấy bác ạ! Cháu giải thích cho cha cháu rằng bác rất tốt, chẳng bao giờ quát mắng mẹ cháu, nhưng cha cháu chỉ lắc đầu thôi.
– Thế thế, cha cháu nói rằng bác đã làm hại đời mẹ cháu phải không?
– Vâng. Bác đừng giận, bác Nikôlai Ilíts ạ!
Bêliaép ngồi dậy, đứng một lúc, rồi đi đi lại lại trong phòng khách.
– Chuyện này vừa lạ lùng vừa… buồn cười! – anh lầm bầm nói, nhún nhún vai, mỉm cười giễu cợt. – Cha cháu có lỗi tất mà lại đổ cho ta là làm hại đời mẹ cháu, phải thế không? Thử xem lại cha cháu là một kẻ vô tội như thế nào! Thế đúng là ông ấy nói với cháu là bác đã làm hại đời mẹ cháu à?
– Vâng, nhưng… bác đã nói rằng bác sẽ không cáu giận cơ mà!
– Bác không giận mà… mà cũng chẳng phải chuyện của cháu! Không, chuyện này… chuyện này kể cũng buồn cười thật! Ta như con gà rơi vào nồi canh bắp cải và thế rồi chính ta là kẻ có lỗi!
Có tiếng chuông rung. Cậu bé đứng phắt dậy và chạy ra ngoài. Một lát sau, một người phụ nữ với một đứa bé gái đi vào, đó là Onga Ivanốpna, mẹ của Aliôsa. Theo sau nàng là cậu bé Aliôsa, vừa nhảy cỡn lên, tay vung cao, vừa hát toáng lên. Bêliaép khẽ gật đầu và tiếp tục đi đi lại lại.
– Tất nhiên là thế rồi, còn buộc tội ai ngoài tôi nữa? – Bêliaép làu bàu nói, giọng cáu kỉnh. – Anh ta nói đúng đấy! Anh ta là một anh chồng chạm lòng tự ái!
– Anh nói chuyện gì vậy? – Onga Ivanốpna hỏi.
– Chuyện gì à?… Đây này, thử nghe xem anh chồng chung thủy của cô đã nói những gì! Hóa ra rằng tôi là một thằng đê tiện, độc ác, tôi đã làm hại đời cô và lũ trẻ. Tất cả mẹ con cô đều bất hạnh, chỉ có mỗi mình tôi là hạnh phúc ghê gớm! Hạnh phúc ghê gớm, ghê gớm!
– Em chẳng hiểu anh nói gì cả! Làm sao thế?
– Đây, cô hãy nghe ông nhỏ này ông ấy kể cho mà nghe! – Bêliaép nói và chỉ vào mặt Aliôsa.
Gương mặt Aliôsa đỏ bừng lên, bỗng chuyển sang tái mét, rồi méo xệch vì sợ hãi.
– Bác Nikôlai Ilíts! – cậu bé nói to, giọng lào thào qua kẽ răng. – Suỵt!
Onga Ivanốpna kinh ngạc nhìn Aliôsa, nhìn Bêliaép rồi lại nhìn Aliôsa.
– Cứ thử hỏi xem! – Bêliaép nói tiếp. – Mụ Pêlagâya của cô, một mụ đàn bà ngu độn, đã dẫn chúng nó đi vào hiệu bánh kẹo và sắp đặt cho chúng nó gặp bố chúng. Nhưng chuyện không phải ở chỗ là bố chúng đang đau khổ, mà ở chỗ tôi là một con quỷ độc ác, một thằng đê tiện đã hủy hoại đời cả hai vợ chồng cô…
– Bác Nikôlai Ilíts! – Aliôsa rên lên. – Bác đã thề rồi cơ mà!
– Ê, thôi đi! – Bêliaép phẩy phẩy tay. – Chuyện này hệ trọng hơn mọi lời thề thốt. Sự lừa dối, đạo đức giả làm tôi tức tối!
– Em không hiểu gì cả! – Onga Ivanôpna nói nhanh, nàng rơm rớm nước mắt – Aliôsa, – nàng quay sang nói với cậu bé, – con gặp bố đấy à?
Aliôsa không nghe thấy mẹ hỏi và sợ hãi nhìn lên Bêliaép.
– Không thể có được! – người mẹ nói. – Để em đi hỏi mụ Pêlagâya xem sao.
Onga Ivanốpna đi ra khỏi phòng.
– Bác, bác đã thề với cháu rồi cơ mà! – Aliôsa nói, toàn thân run lên.
Bêliaép phẩy phẩy tay về phía thằng bé và tiếp tục đi đi lại lại. Nỗi giận dữ choán hết cả tâm trí anh ta và, như xưa nay vẫn vậy, anh lại không để ý gì đến cậu bé. Là một người lớn, nghiêm nghị, anh thấy chẳng hơi đâu mà ngó ngàng đến lũ trẻ con. Còn Aliôsa thì ngồi thụp xuống một góc và kinh hãi kể lại cho Xônia nghe chuyện mình vừa bị lừa như thế nào. Aliôsa run run, vừa kể vừa thút thít khóc, đó là lần đầu tiên trong đời cậu chạm trán với sự lừa dối thô bạo đến thế; trước kia cậu chưa biết rằng trên thế gian này, ngoài những trái lê ngọt ngào, những chiếc bánh rán và đồng hồ đắt tiền, còn có bao nhiêu điều khác nữa không có tên gọi trong ngôn ngữ trẻ con.
Chú thích
1. Médaillon (tiếng Pháp) – đồ trang sức đeo trước ngực, hình bầu dục hay hình cầu trong có để ảnh hoặc một hình gì khác.