Nguyên tác: The Cold Moon
Số lần đọc/download: 3331 / 106
Cập nhật: 2021-02-07 13:19:09 +0700
Chương 8
Amelia Sachs đứng bên cạnh chậu cây bốc mùi nước giải với một cái thân cây úa vàng vươn lên, nhìn qua ô cửa sổ bẩn thỉu.
Biết địa chỉ rồi, cô cũng nghĩ trước, nó sẽ là một chốn tồi tệ, nhưng cô không nghĩ nó lại tồi tệ như thế này. Sachs đang đứng trên mép vỉa hè khấp khểnh bên ngoài Tửu quán Thánh James. Quán bar đó ở phố Chín Đông trong cái Thành phố Vần ABC, biệt hiệu dành cho những đại lộ chạy theo hướng Bắc – Nam suốt chiều dài khu vực: A, B, C và D. Nơi này cách đây vài năm từng là một mối kinh hoàng, một dấu tích của những xóm liều khu Lower East Side. Quang cảnh đã đỡ hơn phần nào (những ngôi nhà xập xệ đang được đám người trẻ tuổi nhiều tiền làm việc trong thành phố xây dựng lại) nhưng vẫn là một nơi láo nháo, một kim tiêm vứt đi nằm trên tuyết ngay cạnh chân Sachs và trên bậu cửa sổ cách mặt cô chưa tới gang tay là một vỏ đạn chín ly.
Viên kế toán, nhà tư bản liều lĩnh, chủ sở hữu hai tư dinh và một chiếc BMW, Benjamin Creeley, đã làm cái quái quỷ gì ở một chốn như thế này vào hôm trước khi chết?
Lúc này, quán rượu lớn, tồi tàn ấy chưa quá đông đúc. Qua ô cửa sổ bám đầy dầu mỡ, Sachs nhìn thấy những người địa phương đã luống tuổi tại quầy bar và các bàn: những người đàn bà phốp pháp và những người đàn ông gầy nhẳng, những người lấy toàn bộ hoặc hầu hết, năng lượng cho hoạt động hàng ngày của họ từ rượu. Trong một căn phòng nhỏ phía sau có mấy gã da trắng mặc quần áo bò, quần áo bằng vải bông thô, sơ mi lao động. Có bốn gã, tất cả đều ồn ã – thậm chí qua cửa sổ cô cũng nghe thấy được những tiếng cười và giọng nói thô lỗ. Cô ngay lập tức nghĩ tới đám du côn suốt ngày tiêu thời gian tại các câu lạc bộ mafia, một số chậm chạp, một số lười biếng – nhưng tất cả đều nguy hiểm. Liếc mắt một cái là cô biết những gã này thuộc loại sẵn sàng làm hại người.
Bước vào quán, Sachs tìm được chiếc ghế đẩu ở cạnh ngắn của quầy bar hình chữ L, ở vị trí đó cô đỡ bị chú ý hơn. Phục vụ quầy bar là một phụ nữ khoảng năm mươi, khuôn mặt hẹp, những ngón tay màu đỏ, mái tóc chải ngược bồng lên giống như một ca sĩ đồng quê miền Tây. Bà ta có vẻ mệt mỏi. Sachs nghĩ, đó không phải là vì bà ta đã chứng kiến mọi điều, mà đó là vì mọi điều bà ta đã chứng kiến chỉ như thế này.
Nữ thám tử gọi một lon Coke dành cho người ăn kiêng.
"Này, Sonja." Giọng nói vọng lại từ phòng đằng sau. Qua tấm gương bẩn thỉu đằng sau quầy bar, Sachs có thể nhận ra người gọi là một gã tóc vàng mặc chiếc quần bò quá chật và chiếc áo khoác ngắn bằng da. Gã mang khuôn mặt nhọn và xem chừng đã uống khá lâu rồi. "Dickey đây muốn bà. Nó là một thằng bé cả thẹn. Lại đằng này nào. Lại thăm thằng bé cả thẹn tí."
"Đ. mẹ mày!" Một gã khác hét lên. Hẳn là gã có tên Dickey.
"Lại đằng này, Sonja, cưng ơi! Cưỡi lên đùi thằng bé cả thẹn. Sẽ dễ chịu đấy. Rất chi là êm ái. Không u cục gì sất."
Những tiếng cười hô hố cất lên.
Sonja biết mình cũng là cái đích của trò đùa đồi bại nhưng vẫn dũng cảm nói lại: "Dickey ấy à? Nó chưa bằng con trai tao."
"Thế tốt thôi, mọi người đều biết nó là đứa đ. mẹ nó mà!"
Lại cười ông ổng.
Ánh mắt Sonja bắt gặp ánh mắt Sachs rồi đưa đi chỗ khác ngay, y như thể bà ta bị bắt quả tang đang giúp đỡ kẻ địch. Nhưng một trong những ưu điểm của trạng thái say rượu là người ta không duy trì được bất cứ cái gì lâu – sự độc ác hay cảm giác phớn phở – nên chẳng mấy chốc bọn họ đã chuyển sang thể thao và các câu chuyện tiếu lâm tục tĩu. Sachs nhấp một ngụm soda, hỏi Sonja: "Sao? Cuộc sống thế nào?"
Người phụ nữ nở nụ cười kiên cường. "Cũng ổn." Bà ta không thích thú gì sự thông cảm, đặc biệt lại từ một phụ nữ trẻ hơn, đẹp hơn và không phải đứng phục vụ quầy bar tại cái chốn như thế này.
Thế được rồi. Sachs bắt đầu công việc. Cô chìa thẻ cảnh sát, một cách kín đáo, tiếp theo, cô cho bà ta xem tấm ảnh chụp Benjamin Creeley. "Bà có nhớ đã gặp ông ta ở đây không?"
"Ông ta á? Có vài lần. Thì sao?"
"Bà có biết ông ta không?"
"Không hẳn. Chỉ là bán cho ông ta mấy thứ đồ uống. Rượu, tôi nhớ như thế. Ông ta thích vang đỏ. Chúng tôi đã lấy loại vang gớm ghiếc nhưng ông ta vẫn uống. Ông ta khá đứng đắn. Khác một số người." Chẳng cần phải liếc mắt vào căn phòng phía sau để chỉ những kẻ bà ta muốn nói tới. "Nhưng dạo này tôi không thấy ông ta. Chắc đã một tháng. Lần cuối cùng đến đây, ông ta vướng vào một vụ cãi nhau to. Nên tôi đồ rằng ông ta sẽ không đến nữa."
"Chuyện gì đã xảy ra vậy?"
"Tôi không biết. Chỉ nghe thấy quát tháo và rồi ông ta lao ra ngoài."
"Ông ta cãi nhau với ai?"
"Tôi không trông thấy. Tôi chỉ nghe thấy tiếng thôi."
"Bà có từng trông thấy ông ta sử dụng ma túy?"
"Không."
"Bà có biết ông ta đã tự tử?"
Sonja chớp mắt. "Ối, không."
"Chúng tôi đang điều tra về cái chết của ông ta… Tôi sẽ rất biết ơn nếu bà giữ kín việc tôi hỏi bà."
"Vâng, chắc chắn thế."
"Bà có thể nói với tôi điều gì về ông ta không?"
"Lạy Chúa, tôi thậm chí không biết tên ông ta. Tôi nghĩ ông ta đến đây chắc độ ba lần. Ông ta có gia đình chứ?"
"Có."
"Ôi, thế thì thật không may. Ác nghiệt quá."
"Vợ và một con trai mười mấy tuổi."
Sonja lắc đầu. Rồi bà ta nói: "Gerte có thể biết nhiều hơn về ông ta. Cô ấy cũng phục vụ quầy bar. Cô ấy làm việc nhiều thời gian hơn tôi."
"Bây giờ cô ấy có ở đây không?"
"Một lúc nữa. Cô muốn tôi bảo cô ấy gọi cho cô à?"
"Cho tôi số máy của cô ta."
Người phụ nữ ghi số máy. Sachs ngả người về phía trước và hất đầu chỉ tấm ảnh chụp Creeley, nói: "Ông ta có thường xuyên gặp ai ở đây mà bà còn nhớ không?"
"Tất cả những gì tôi biết là nó diễn ra trong kia. Nơi họ thường xuyên tụ tập." Người phụ nữ hất đầu chỉ căn phòng đằng sau.
Một doanh nhân triệu phú và đám người đó? Liệu có phải hai trong số họ đã đột nhập ngôi nhà của gia đình Creeley ở Westchester và hơ ma túy trên lửa lò sưởi?
Sachs nhìn vào gương, xem xét chiếc bàn của mấy gã, bừa bãi vỏ chai bia, các gạt tàn đầy, xương cánh gà. Mấy gã này phải cùng một hội. Có thể là đám thanh niên cầm đầu một nhóm tội phạm có tổ chức. Có rất nhiều nhóm kiểu Sopranos (1) hoạt động khắp thành phố. Chúng thường là những tội phạm hạ đẳng, tuy nhiên các nhóm tội phạm nhỏ này nhiều khi lại nguy hiểm hơn dạng mafia truyền thống vốn tránh làm hại dân thường và không dính vào ma túy, chất gây nghiện, cũng như những mặt đê tiện hơn của thế giới ngầm. Cô cố gắng suy nghĩ về mối liên quan giữa Benjamin Creeley và một băng nhóm tội phạm. Thật khó khăn.
"Bà có nhìn thấy bọn họ sử dụng cần sa, cocaine… nói chung là bất cứ thứ ma túy nào không?"
Sonja lắc đầu. "Không."
Sachs ngả người về phía trước và thì thầm với Sonja: "Bà biết bọn họ liên hệ với hội nào chứ?".
"Hội?"
"Một băng nhóm. Ai là trùm của bọn họ? Bọn họ phải báo cáo ai? Bất cứ điều gì?"
Sonja im lặng một lát. Bà ta liếc nhìn Sachs xem liệu cô có đang nghiêm túc không, rồi cười thành tiếng. "Họ không phải băng nhóm gì đâu. Tôi nghĩ cô đã biết. Họ là cảnh sát!"
Cuối cùng thì những chiếc đồng hồ – tấm danh thiếp của Thợ Đồng Hồ – cũng từ chỗ đội tháo bom tới với một giấy chứng nhận sức khỏe tốt.
"Ồ, có nghĩa họ không tìm thấy bất cứ thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt bé tí tẹo nào cài bên trong hả?", Rhyme hỏi giọng châm chọc. Anh phát cáu về việc đội tháo bom giữ những chiếc đồng hồ – khiến các dấu vết có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng – rồi lại mãi mới nhận được chúng.
Pulaski ký thẻ quản lý vật chứng và người cảnh sát tuần tra mang đồng hồ đến ra về.
"Hãy xem cái chúng ta đã có." Rhyme di chuyển xe lăn tới chỗ chiếc bàn khám nghiệm, trong lúc Creeley mở các túi nhựa đựng đồng hồ.
Chúng giống y như nhau, điểm khác biệt duy nhất là vết máu khô bám ở đế chiếc đồng hồ được để lại trên cầu tàu. Chúng có vẻ cũ kỹ – không phải loại điện tử, mà là loại lên dây cót bằng tay. Tuy nhiên các bộ phận thì hiện đại. Những chi tiết máy nằm bên trong một cái hộp gắn xi, đội tháo bom đã cạy cái hộp ra, nhưng cả hai vẫn đang chạy chính xác. Hộp đồng hồ làm bằng gỗ sơn đen, còn mặt trang trí theo kiểu cổ bằng kim loại màu trắng. Các số chỉ giờ là chữ số La Mã, đầu kim giờ và kim phút, cũng màu đen, hình mũi tên nhọn. Không có kim giây nhưng mỗi giây đồng hồ đều kêu tích tắc rất rõ.
Đặc điểm khác thường nhất là một cửa sổ lớn ở nửa phía trên của mặt đồng hồ, để hiện ra những chiếc đĩa vẽ các kỳ trăng. Tại trung tâm cửa sổ lúc này đang hiện ra kỳ trăng tròn, biểu hiện bằng một khuôn mặt người bí hiểm, nhìn chằm chằm ra ngoài với cặp mắt báo điềm gở và đôi môi mỏng mím chặt.
Vầng Trăng Lạnh tròn vành vạnh trên bầu trời…
Cooper xem xét những chiếc đồng hồ với sự chính xác thường lệ của anh ta và báo cáo rằng không có dấu vân tay, chỉ có rất ít dấu vết, tất cả đều phù hợp với các mẫu Sachs thu được xung quanh hai hiện trường, nghĩa là chẳng chiếc nào trước đó đã từng ở trong xe hay trong nhà Thợ Đồng Hồ.
"Nơi chế tạo chúng?"
"Hãng Arnold. Framingham, Massachusetts." Cooper tìm kiếm thông tin trên Google và đọc. "Họ bán đồng hồ, đồ da, các vật trang trí văn phòng, quà tặng. Dành cho giới thượng lưu. Những thứ không thuộc loại rẻ. Hàng chục kiểu đồng hồ khác nhau. Đây là kiểu thời Victoria. Chế tạo bằng đồng thau chính hiệu và gỗ sồi, thiết kế theo mẫu đồng hồ của Anh bán hồi thế kỷ XIX. Giá bán sỉ là năm mươi tư đô la. Họ không bán tự do trên thị trường. Phải mua qua những người chuyên cung cấp."
"Số sê-ri?"
"Chỉ có số máy. Bản thân từng chiếc đồng hồ không được đánh số."
"Được rồi," Rhyme ra mệnh lệnh "hãy gọi điện đi."
"Tôi ấy à?", Pulaski chớp mắt hỏi.
"Phải. Cậu."
"Sếp bảo tôi gọi…"
"Cho hãng sản xuất và nói với họ số máy của hai chiếc đồng hồ."
Pulaski gật đầu.
"Rồi xem họ có thể nói với chúng ta là chúng đã được giao đến cửa hiệu nào không."
"Chính xác một trăm phần trăm." Rhyme nói.
Chàng cảnh sát trẻ rút điện thoại của mình ra, lấy số điện thoại từ Cooper và bấm máy.
Tất nhiên, kẻ sát nhân có thể chẳng phải là người mua đồng hồ. Hắn có thể đã đánh cắp từ một cửa hiệu. Hắn có thể đã đánh cắp ở một nhà dân. Hắn có thể đã mua ở một chợ trời bán đồ dùng rồi.
Nhưng "có thể đã" là những chữ gắn liền với lãnh địa điều tra hiện trường, Rhyme tự nhủ.
Anh phải bắt đầu từ chỗ nào đó.
THỢ ĐỒNG HỒ
HIỆN TRƯỜNG MỘT
Địa điểm:
- Cầu tàu công ty sửa chữa tàu kéo trên sông Hudson, phố Hai mươi hai.
Nạn nhân:
- Chưa xác định được danh tính.
- Nam giới.
- Trung niên hoặc già hơn, có thể đang có vấn đề về mạch vành (có dấu hiệu của chất chống đông trong máu).
- Không sử dụng các thứ thuốc khác, không bị nhiễm trùng hay bệnh trong máu.
- Lực lượng Tuần tra Bờ biển phối hợp với thợ lặn đang tìm kiếm xác và chứng cứ tại cảng New York.
- Đang kiểm tra các báo cáo về người mất tích.
Đối tượng:
- Xem phần sau
Phương thức hành động:
- Đối tượng buộc nạn nhân bám vào cầu tàu, treo người lơ lửng bên trên mặt nước. Cứa ngón tay và cổ tay nạn nhân cho tới lúc nạn nhân rơi.
- Thời gian tấn công: trong khoảng từ 6:00 tối thứ Hai đến 6:00 sáng thứ Ba.
Chứng cứ:
- Nhóm máu AB dương tính.
- Một móng tay bị tước ra, không sơn, to bè.
- Một mảnh hàng rào mắt cáo bị cắt bằng dụng cụ cắt dây kẽm thông thường, không thể truy nguyên.
- Đồng hồ. Xem phần sau.
- Bài thơ. Xem phần sau.
- Vết móng tay trên cầu tàu.
- Không có dấu vết nào rõ ràng, không có dấu vân tay, không dấu chân, không vết ta lông bánh xe.
HIỆN TRƯỜNG HAI
Địa điểm:
- Con hẻm ở phố Cedar, gần Broadway, phía sau ba tòa nhà thương mại (các cửa hậu đóng trong khoảng từ 8:30 đến 10:00 tối) và một tòa nhà của chính quyền bang (cửa hậu đóng lúc 6:00 tối).
- Là con hẻm cụt. Rộng 4,6m, dài 32,7m, rải sỏi, cái xác cách mặt phố Cedar 4,6m.
Nạn nhân:
- Theodore Adams.
- Sống ở đường Công viên Battery.
- Làm nghề viết lời quảng cáo tự do.
- Không được biết là có kẻ thù.
- Chưa từng nhận lệnh bắt giữ, cả cấp bang lẫn cấp liên bang.
- Đang kiểm tra xem có mối liên hệ nào trong các tòa nhà xung quanh con hẻm không. Không phát hiện được gì.
Đối tượng:
- Thợ Đồng Hồ.
- Nam giới.
- Không có cơ sở dữ liệu nào về Thợ Đồng Hồ.
Phương thức hành động:
- Nạn nhân bị kéo lê từ xe ra con hẻm, nơi thanh sắt treo lơ lửng bên trên anh ta. Cuối cùng đã bị vỡ họng.
- Đang chờ đợi báo cáo khẳng định của nhân viên khám nghiệm y tế.
- Thời gian chết: khoảng từ 10:15 đến 11:00 đêm thứ Hai. Nhân viên y tế xác nhận.
Chứng cứ:
- Đồng hồ.
+ Không chứa chất nổ, tác nhân sinh học hay hóa học.
+ Giống hệt chiếc đồng hồ trên cầu tàu.
+ Sản phẩm của hãng Arnold, Fremingham, Massachusetts. Đang gọi điện tìm hiểu về nhà phân phối và cửa hiệu bán lẻ.
- Bài thơ do đối tượng để lại ở cả hai hiện trường.
+ In ra từ máy tính, trên loại giấy thông thường, mực HP Laserjet.
+ Lời bài thơ:
Vầng Trăng Lạnh tròn vành vạnh trên bầu trời,
chiếu ánh sáng lên thi thể này dưới mặt đất,
cho biết thời điểm cái chết đến
và kết thúc cuộc hành trình bắt đầu từ khi chào đời.
Thợ Đồng Hồ
+ Không xuất hiện trong bất cứ cơ sở dữ liệu nào, có lẽ do chính hắn sáng tác.
+ Trăng Lạnh là tháng âm lịch, tháng của sự chết chóc.
- 60 đô la trong túi áo khoác, số sê-ri không đem lại manh mối gì. Dấu vân tay không nhận diện được.
- Cát mịn được sử dụng như một "tác nhân xóa dấu vết". Loại cát thông thường. Vì hắn sẽ quay lại hiện trường?
- Thanh kim loại, nặng 37 kg, có lỗ giống như lỗ kim. Không được sử dụng tại công trường xây dựng bên kia phố. Không tìm thấy ở chỗ nào khác.
- Băng dính nhựa, loại thông thường, nhưng được cắt một cách chính xác, đáng chú ý. Từng đoạn dài đúng bằng nhau.
- Thallium sulfate (thuốc diệt chuột) tìm thấy trong cát.
- Đất chứa protein cá tìm thấy trong túi áo khoác nạn nhân.
- Quá ít dấu vết được tìm thấy.
- Sợi vải màu nâu, có thể là từ thảm trải ô tô.
Các chi tiết khác:
- Phương tiện di chuyển
+ Có thể là xe Ford Explorer, đã chạy khoảng ba năm. Thảm màu nâu.
+ Tìm hiểu qua số đuôi biển đăng ký các xe đỗ trong khu vực vào sáng thứ Ba không phát hiện chiếc xe nào từng nhận lệnh khám xét. Không vé phạt nào được phát ra đêm thứ Hai.
- Đang đề nghị Vice kiểm tra số gái mại dâm, mục đích: tìm kiếm nhân chứng.
Luôn luôn tồn tại một mạng lưới cánh-chiến-hữu trong các chính quyền thành phố, một ma trận tiền bạc, quyền lực, và sự bảo trợ giăng khắp nơi giống như một mạng nhện thép vậy, ở cấp cao và cấp thấp, liên kết các chính trị gia với các công chức, với những người cộng tác kinh doanh, và với các ông chủ lao động, với công nhân… Một mạng lưới bất tận.
Tất nhiên, thành phố New York không phải ngoại lệ, nhưng mạng lưới cánh-chiến-hữu mà Amelia Sachs thấy bản thân mình đang mắc vào lúc này có một điểm đặc biệt: người chơi chính lại là một bà.
Người phụ nữ trạc năm mươi lăm tuổi, mặc bộ đồng phục màu xanh lơ với bao nhiêu thứ trước ngực – huy hiệu, huy chương, đai huân chương. Lẽ dĩ nhiên cả một cái cài áo hình lá cờ Mỹ. (Giống như các chính trị gia, những nhân vật quan trọng trong Sở Cảnh sát New York, những người khi xuất hiện trước công chúng trang phục phải thể hiện ba màu đỏ, trắng và xanh da trời.) Bà ta có mái tóc cắt ngắn kiểu con trai xỉn màu muối tiêu, ôm lấy một khuôn mặt dài, u sầu.
Marilyn Flaherty là thanh tra, một trong số rất ít phụ nữ ở cấp bậc này trong Sở (cấp thanh tra còn hơn cấp đại úy). Bà ta là sĩ quan cao cấp Phòng Tác chiến. Đây là đơn vị được báo cáo trực tiếp lên giám đốc Sở. Phòng Tác chiến đảm nhiệm nhiều chức năng, bao gồm chức năng liên lạc với các cơ quan và tổ chức khác về những sự kiện lớn trong thành phố – những sự kiện được lập kế hoạch trước, ví dụ như những cuộc viếng thăm của các quan chức và những sự kiện bất ngờ, ví dụ như tấn công khủng bố. Vai trò quan trọng nhất của Flaherty hiện tại là liên lạc giữa Sở Cảnh sát và Tòa Thị chính.
Flaherty đã đi lên từ lính thường, giống như Sachs (tình cờ, cả hai người phụ nữ cũng từng lớn lên ở hai khu vực giáp nhau của Brooklyn). Bà thanh tra trước làm việc tại bộ phận Tuần tra – đi tuần bộ – rồi chuyển sang bộ phận Thám tử, rồi phụ trách cảnh sát khu vực. Lạnh lùng và cứng rắn, dáng đậm đà to ngang, bà ta là một phụ nữ đáng gờm trên mọi khía cạnh, đủ tiền bạc để khéo léo vượt qua những khó khăn mà một phụ nữ ở cấp bậc cao trong các cơ quan thực thi pháp luật phải đối mặt.
Muốn biết bà ta đã thành công chừng nào, chỉ cần liếc nhìn lên tường đến các bức ảnh đóng khung chụp bà ta và bạn bè: các quan chức thành phố, các ông chủ nghiệp đoàn, các nhà đầu tư bất động sản giàu có và các doanh nhân. Một bức chụp bà ta cùng một ông bệ vệ đầu hói ngồi dưới hàng hiên một ngôi nhà lớn bên bãi biển. Một bức khác chụp bà ta tại Nhà hát Metropolitan, trong cánh tay một người đàn ông Sachs nhận ra được – một doanh nhân giàu có cỡ Donal Trump (2). Một biểu hiện nữa cho sự thành công của bà ta là kích thước cái văn phòng Sở Cảnh sát New York họ hiện đang ngồi đây, Flaherty bằng cách nào đó đã giành được một góc mênh mông nhìn ra cảng, trong khi tất cả các thanh tra Sachs biết đều không có văn phòng thiết kế đẹp như vậy.
Sachs đang ngồi đối diện Flaherty, ở giữa là chiếc bàn làm việc rộng và bóng loáng. Người thứ ba có mặt tại căn phòng là Robert Wallace, một phó thị trưởng. Ông ta chưng một khuôn mặt xệ, tự tin và một bộ tóc màu bạc được vuốt keo thành một cái mũ ni hoàn hảo cho một chính trị gia.
"Cô là con gái của Herman Sachs." Flaherty nói. Không đợi câu trả lời, bà ta nhìn Wallace. "Một cảnh sát tuần tra. Một người tử tế. Tôi có dự buổi lễ tuyên dương ông ấy."
Cha Sachs từng nhiều lần nhận tuyên dương trong suốt những năm làm việc. Cô phân vân không biết Flaherty nhắc đến lần nào. Lần ông thuyết phục được gã chồng say rượu buông con dao đang kề cổ vợ gã? Hay lần ông lao qua một tấm kính cửa sổ dày, tước vũ khí một tên cướp tại một cửa hàng bán thức ăn sẵn trong khi không làm nhiệm vụ? Hay lần ông đỡ cho một đứa trẻ ra đời ở nhà hát Rialto, nơi nam tài tử Mc Queen đang chiến đấu với những kẻ xấu xa trên màn bạc, còn bà mẹ người Mỹ Latin nằm trên sàn vương vãi bỏng ngô, rên rỉ trải qua cơn vượt cạn đầy gian nan?
Wallace hỏi: "Thế này là thế nào? Chúng ta phải hiểu rằng có thể một số cảnh sát hình sự đã dính líu vào?".
Flaherty quay ánh mắt màu xám thép sang Sachs và gật đầu.
Xuất phát.
"Có thể… Chúng ta có những chi tiết liên quan đến ma túy. Và một cái chết đáng ngờ."
"Được rồi." Wallace nói, kéo dài các âm tiết với một hơi thở dài và nhăn mặt. Vị cựu doanh nhân khu Long Island, bây giờ ở ghế nhân viên cao cấp của thị trưởng, đảm nhiệm vai trò ủy viên đặc biệt hội đồng diệt trừ tham nhũng tận gốc trong chính quyền thành phố. Ông ta đã làm việc có hiệu quả liên tục, chỉ riêng năm ngoái thôi ông ta đã ngăn chặn được những kế hoạch lừa đảo lớn trong hoạt động thanh tra xây dựng và quan chức nghiệp đoàn giáo viên. Ông ta rõ ràng bực bội với ý nghĩ về các sĩ quan cảnh sát biến chất.
Flaherty cũng nhăn mặt, tuy nhiên, không như nét nhăn mặt của Wallace, nó không bộc lộ điều gì.
Dưới cái nhìn chằm chằm của bà thanh tra, Sachs trình bày trường hợp tự tử của Benjamin Creeley, nó đáng ngờ vì ngón tay cái bị gãy, cũng như chứng cứ có ma túy bị đốt tại ngôi nhà, dấu vết của cocaine và khả năng liên hệ với một số cảnh sát thường xuyên tới quán Thánh James.
"Các cảnh sát thuộc 118."
Tức đồn cảnh sát khu vực số 118, đóng trụ sở ở East Village. Sachs đã tìm hiểu được rằng quán Thánh James là cái vũng nước cho đồn cảnh sát này.
"Lúc tôi tới đó, có bốn cảnh sát đang trong quán, những cảnh sát khác cũng thỉnh thoảng qua lại. Tôi không biết Creeley đã gặp gỡ ai. Liệu là một, hai người hay cả nửa tá."
Wallace hỏi: "Cô biết tên bọn họ không?".
"Không. Tôi không muốn đặt quá nhiều câu hỏi tại thời điểm này. Và tôi thậm chí cũng chưa có sự khẳng định về việc Creeley thực tế đã gặp gỡ ai trong đồn. Tuy nhiên, nhiều khả năng là thế."
Flaherty sờ chiếc nhẫn kim cương đeo trên ngón giữa bàn tay phải. Nó to tướng. Ngoài vật này, và một cái lắc vàng dày, bà ta không đeo đồ trang sức nào khác. Bà thanh tra vẫn chẳng biểu lộ cảm xúc gì nhưng Sachs biết tin tức đặc biệt vừa rồi khiến bà ta lo lắng ghê gớm. Thậm chí một dấu hiệu lờ mờ về những cảnh sát biến chất cũng giội một gáo nước lạnh cho toàn chính quyền thành phố, chứ một vấn đề ở 118 thì quả thật đặc biệt không biết phải làm sao. Đó là một đồn cảnh sát mẫu, bắt giữ được nhiều tội phạm hơn, cũng như tỉ lệ bị thương vong cao hơn các đồn cảnh sát khu vực khác. Nhiều sĩ quan cao cấp trong Tòa nhà Lớn từng đi lên từ 118, nhiều hơn từ bất cứ đơn vị nào.
Sachs nói: "Sau khi biết rằng có khả năng có mối liên hệ giữa họ và Creeley, tôi đã sử dụng thẻ ATM rút ra mấy trăm đô la. Tôi đổi chỗ tiền ấy lấy tất cả chỗ tiền mặt trong quầy thu ngân của quán Thánh James. Một số tờ tiền chắc chắn do cảnh sát 118 trả".
"Tốt. Và cô đã kiểm tra số sê-ri." Flaherty lơ đãng lăn chiếc bút Mont Blanc trên tập giấy thấm.
"Đúng ạ. Không bị Kho bạc và Bộ Tư pháp đánh dấu. Nhưng gần như tất cả các tờ tiền đều cho kết quả xét nghiệm dương tính với cocaine. Một tờ với heroin."
"Ôi, lạy Chúa!" Wallace nói.
"Đừng vội vã kết luận."
Flaherty nhắc nhở. Sachs gật đầu và trình bày với ông phó thị trưởng điều bà thanh tra đang muốn đề cập. Nhiều tờ tiền hai mươi đô la trong quá trình lưu hành bình thường cũng có chứa chất ma túy. Nhưng cái thực tế là gần như tất cả các tờ tiền mà những cảnh sát ở quán Thánh James trả đều thể hiện dấu hiệu này lại rất đáng quan ngại.
"Cùng thành phần như thứ cocaine tìm thấy trong lò sưởi nhà Creeley à?" Flaherty hỏi.
"Không. Và người phục vụ quầy bar nói bà ta chưa bao giờ trông thấy họ sử dụng ma túy."
Wallace hỏi: "Cô có bất cứ chứng cứ gì về việc các cảnh sát trực tiếp dính líu vào cái chết không?".
"Ồ, không. Tôi thậm chí không đưa ra giả thuyết đó. Theo bối cảnh mà tôi đang suy nghĩ tới thì... nếu có cảnh sát nào dính líu chăng nữa, cũng chỉ là kết nối Creeley với một số băng nhóm tội phạm, lờ đi và hưởng phần trăm lợi nhuận nếu ông ta rửa tiền hay buôn bán ma túy. Rồi gạt các đơn kiện hoặc giẫm lên các cuộc điều tra do các đồn cảnh sát khác tiến hành."
"Từng bị bắt giữ bao giờ chưa?"
"Creeley ấy à? Chưa ạ. Và tôi đã gọi cho vợ ông ta. Bà ta nói rằng chưa bao giờ trông thấy ông ta sử dụng bất cứ thứ ma túy nào. Nhưng nhiều người sử dụng ma túy có thể giữ bí mật rất giỏi. Những kẻ buôn bán ma túy thì dứt khoát là có thể giữ bí mật nếu bản thân họ không sử dụng."
Bà thanh tra nhún vai. "Tất nhiên, ông ta có thể hoàn toàn vô tội. Creeley có thể chỉ đến quán Thánh James gặp một người cùng làm ăn. Cô bảo ông ta cãi nhau với ai ở đấy ngay trước hôm chết à?"
"Có vẻ thế."
"Và vậy là một trong những chuyện làm ăn của ông ta gặp trục trặc. Bất động sản hoặc gì đó. Có thể chẳng có liên quan với 118."
Sachs gật đầu một cách chắc chắn. "Tất nhiên rồi. Việc cảnh sát hay lui tới quán Thánh James có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Creeley có thể bị giết vì trót vay tiền của những đối tượng bất hảo hoặc đã chứng kiến chuyện gì."
Sở Nội vụ điều tra các vụ án hình sự liên quan đến cảnh sát là hợp lý. Tuy nhiên, Sachs không muốn thế, ít nhất tại thời điểm này. Cô sẽ chuyển vụ án cho họ, nhưng phải sau khi cô đã tự tóm được đối tượng.
Flaherty lại chạm vào chiếc bút gắn cẩm thạch, rồi xem chừng suy nghĩ lung hơn. Đàn ông có thể nhận trừng phạt vì mọi kiểu bất cẩn, đàn bà thì không chịu đựng được, ở cái cấp này. Với những ngón tay móng tỉa tót hoàn hảo, phủ lớp sơn bóng trong suốt, Flaherty đặt chiếc bút vào ngăn kéo bàn trên cùng. "Không, không giao Sở Nội vụ."
"Tại sao không?", Wallace hỏi.
Bà thanh tra lắc đầu. "Chỗ đó quá gần gũi 118. Lệnh có thể bị rút lại."
Wallace chậm rãi gật đầu. "Nếu bà nghĩ thế là tốt nhất."
"Tôi nghĩ thế."
Nhưng niềm sung sướng trong lòng Sachs vì Sở Nội vụ không lấy mất vụ của cô chẳng kéo dài được. Flaherty nói thêm: "Tôi sẽ giao cho người nào đó ở đây. Người nào đó có thâm niên".
Sachs chỉ ngập ngừng một lát.
"Tôi muốn điều tra vụ này, thưa bà thanh tra."
Flaherty nói: "Cô mới vào ngành. Cô chưa bao giờ giải quyết một chuyện nội bộ." Như thế là bà thanh tra cũng đã chuẩn bị tinh thần. "Những vụ loại này không giống những vụ khác."
"Tôi hiểu điều ấy. Nhưng tôi có thể giải quyết được." Sachs đang nghĩ: Tôi đã khui ra vụ này. Tôi đã tiến hành được đến đây. Và nó là vụ án mạng đầu tiên của tôi. Mấy người chết tiệt, đừng lấy mất vụ của tôi đấy.
"Đây không phải chỉ khám nghiệm hiện trường."
Sachs nói một cách điềm tĩnh: "Tôi là điều tra viên chính trong vụ án mạng Creeley. Tôi không làm công việc kỹ thuật".
"Dù sao, tôi nghĩ tốt nhất… Vậy, nếu có thể, hãy chuyển cho tôi tất cả các hồ sơ vụ án, tất cả những gì cô đang giữ."
Sachs ngồi cúi về phía trước, bấm móng ngón trỏ vào ngón cái. Cô có thể làm gì để giữ lại vụ án?
Đúng lúc đó, ông phó thị trưởng cau mày. "Hẵng hượm. Cô có phải người làm việc với viên cựu sĩ quan cảnh sát ngồi xe lăn không?"
"Lincoln Rhyme. Đúng thế."
Ông phó thị trưởng cân nhắc một lát rồi nhìn Flaherty. "Tôi tuyên bố để cô ấy giải quyết vụ này, Marilyn."
"Tại sao?"
"Cô ấy có một danh tiếng vàng ròng."
"Chúng ta đâu cần danh tiếng. Chúng ta cần người có kinh nghiệm. Tôi không có ý làm mất lòng cô."
"Tôi cũng vậy." Sachs bình thản đáp.
"Đây là những vấn đề rất nhạy cảm. Chứa tính kích động."
Nhưng Wallace thích cái ý tưởng của ông ta. "Ông thị trưởng sẽ rất khoái. Cô ấy cộng tác với Rhyme và anh ta vốn vẫn được báo chí ca ngợi. Anh ta lại là dân sự. Người ta sẽ xem như cô ấy tiến hành độc lập thôi."
Người ta… tức cánh phóng viên, Sachs hiểu điều ấy.
"Tôi không muốn một cuộc điều tra lớn, lộn xộn." Flaherty nói.
Sachs đáp ngay: "Sẽ không như thế đâu. Tôi chỉ có một sĩ quan làm việc cùng tôi."
"Ai?"
"Từ bộ phận Tuần tra. Ronald Pulaski. Anh ta là một sĩ quan giỏi. Trẻ nhưng giỏi."
Sau một lát im lặng, Flaherty hỏi: "Cô sẽ tiến hành như thế nào?".
"Tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa Creeley với 118 và quán Thánh James. Về cuộc sống của ông ta nữa, xem liệu có một lý do khác để sát hại ông ta không. Tôi muốn trao đổi với người cùng kinh doanh với ông ta. Biết đâu có vấn đề gì với khách hàng hoặc với công việc ông ta đang làm. Và chúng ta phải tìm hiểu thêm về mối liên quan giữa Creeley với ma túy."
Flaherty chưa bị thuyết phục hoàn toàn nhưng bà ta nói: "Thôi được, chúng ta sẽ thử theo cách của cô. Tuy nhiên, cô phải thông tin liên tục cho tôi. Tôi và không ai khác."
Một cảm giác nhẹ nhõm lớn lao tràn ngập trong Sachs. "Tất nhiên rồi."
"Thông tin qua điện thoại hoặc đến gặp trực tiếp. Không email hay văn bản…" Flaherty cau mày. "Một điều nữa, hiện giờ cô không phải giải quyết thêm vụ nào khác chứ?"
Các vị thanh tra không lên đến cấp bậc này nếu không có giác quan thứ sáu. Người phụ nữ đã đặt ra câu hỏi mà Sachs hy vọng bà ta đừng đặt ra.
"Tôi đang hỗ trợ vụ Thợ Đồng Hồ."
Flaherty cau mày. "Ồ, cô theo vụ ấy à? Tôi không biết đấy… So với một trường hợp giết người hàng loạt, trường hợp quán Thánh James này đâu quan trọng bằng."
Những lời của Rhyme vang lên: Vụ của em không quan trọng bằng vụ Thợ Đồng Hồ…
Wallace trầm ngâm suy nghĩ một lát. Rồi ông ta liếc nhìn Flaherty. "Tôi nghĩ chúng ta phải có tầm tư duy lớn ở đây. Điều gì sẽ tồi tệ hơn cho thành phố? Một kẻ làm thịt vài người hay một vụ bê bối tại sở cảnh sát mà báo chí khui ra trước khi chúng ta kiểm soát được? Cánh phóng viên tấn công đám cảnh sát biến chất khác nào cá mập săn máu. Không, tôi muốn tiến hành giải quyết việc này. To tát đấy."
Sachs bực tức hất mặt trước câu bình luận của Wallace – làm thịt vài người– nhưng cô không thể phủ nhận rằng họ có chung mục đích. Cô muốn theo vụ Creeley đến cùng.
Lần thứ hai trong một ngày, cô thấy mình nói: "Tôi có thể giải quyết cả hai vụ. Tôi xin hứa không để xảy ra vấn đề gì."
Sachs thầm nghe thấy một giọng hoài nghi: Chúng ta hãy hy vọng, Sachs ạ.
--------------------------------
1 Gia đình Sopranos là một sê-ri kịch truyền hình Mỹ xoay quanh trùm mafia ở New Jersey Toney Soprano.
2 Donald John Trump (sinh năm 1946): Nhà kinh doanh bất động sản, nhà văn người Mỹ. Ông là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trump Organization, một công ty phát triển bất động sản đặt trụ sở tại Mỹ. Đương kim Tổng thống Mỹ (2018).