Some books are to be tasted, others to be swallowed, and some few to be chewed and digested.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1148 / 33
Cập nhật: 2017-03-31 13:33:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Cuộc Chiến Thắng Mông Cổ Lần Thứ Hai (1283-1285)
ông Cổ mượn đường đi đánh Chiêm Thành
Sau cuộc chiến tranh tự vệ năm Đinh Tỵ (1257), ta tuy tạm đuổi được giặc Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, nhưng vẫn nơm nớp cái lo về sau, nên vấn đề phòng thủ biên cương và thao diễn quân đội đã được các nhà cầm quyền đương thời hết sức chú trọng.
Tháng ba năm Nhâm Tuất (1262), vua Trần Thái Tôn ra lệnh các quân phải làm chiến khí (nay gọi chiến cụ), đóng chiến thuyền; cho thủy, lục quân tập trận ở Cửu Phù Sa sông Bạch Hạc (Toàn thư, quyển 5, tờ 27b; Cương mục, quyển 7, tờ 4b).
Từ tháng tám, năm Nhâm Ngọ (1282), niên hiệu Thiệu Bảo thứ tư đời vua Trần Nhân Tôn, ta đã được tin do Biên thần đóng giữ Lạng Sơn là Lương Uất sai ruổi ngựa trạm về báo: Mông Cổ sai bọn Hữu thừa Toa Đô, Tả thừa Lưu Thâm, Tham chính A Lý lót miệng bằng việc đi đánh Chiêm Thành, đòi ta cho mượn đường và buộc ta góp quân lính, cung lương thảo (tháng mười, Nhâm Ngọ, 1282).
Hội nghị Bình Than159
Tháng mười, năm Nhâm Ngọ (1282), vua Trần Nhân Tôn đi bến Bình Than, họp các vương hầu và bách quan, bàn chước đánh, giữ.
Cuộc hội nghị Bình Than này có mấy việc quan trọng:
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư là tay tướng tài, trước đó, được khen thưởng trong cuộc kháng Nguyên năm Đinh Tỵ (1257), nhưng sau vì có tội, bị bóc tước phong, bấy giờ đang làm nghề bán than ở Chí Linh (Hải Dương). Nhân cuộc hội nghị này Khánh Dư được vời đến và bàn luận, rồi được phong làm Phó đô tướng quân. Về sau, Khánh Dư đóng ở Vân Đồn160, đánh đắm được các thuyền lương của tướng Nguyên là Trương Văn Hổ, khiến giặc thiếu ăn, ta mới đại thắng Mông Cổ ở Bạch Đằng161 năm Mậu Tý (1288).
Khi họp ở Bình Than, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cũng dự vào số người đi hỗ tụng theo hầu vua nhưng vì hãy còn nhỏ tuổi, không được dự bàn. Quốc Toản lấy làm hổ thẹn và tức bực, trong tay đang cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Khi lui về, Quốc Toản bèn cùng các gia nô và thân thuộc hơn nghìn người, tự sắm chiến khí và chiến thuyền, kéo cờ đánh giặc.
Về sau, mỗi khi ra trận, Quốc Toản thường đi đầu quân sĩ. Giặc Mông hễ thấy ở đâu, là phải lẩn tránh, chứ không dám chống chọi trước sức sắc bén của Quốc Toản.
Tháng mười, năm Quí Mùi (1283), vua Trần Nhân Tôn thân suất các vương hầu, điều động tất cả quân thủy, quân bộ tập trận.
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được tiến phong làm Quốc công, Tiết chế thống lĩnh hết cả các quân thủy bộ toàn quốc, lựa trong các tướng hiệu lấy những người có tướng tài cho chia thống suất các bộ ngũ.
Tháng tám, năm Giáp Thân (1284), Hưng Đạo vương điều động chư quân của các vương hầu, làm cuộc điểm duyệt vĩ đại ở Đông Bộ Đầu162, rồi chia đóng ở Bình Than và các nơi hiểm yếu163.
Muốn dùng ngoại giao để hòa hoãn tình thế và dò xem hư thực bên địch, ta cử Trần Phủ sang tận hành sảnh Kinh Hồ bên Nguyên, nói xin hoãn binh (tháng một – tháng chạp Giáp Thân, 1284).
Hội nghị Diên Hồng
Được tin bọn Thái tử Thoát Hoan164 cùng Tả thừa Lý Hằng, Bình chương A Thích và Bình chương A Lý Hải Nha đem năm mươi vạn quân (500.000), nói phao lên là đi tiếp viện để đánh Chiêm Thành, kỳ thực chia đường sang ta lấn cướp, Thượng hoàng Trần Thái Tôn bèn làm một việc “trưng cầu dân ý” là vời các phụ lão trong nước nhóm ở thềm điện Diên Hồng để hỏi mưu chước (tháng chạp, Giáp Thân, 1284).
Ngày 21 tháng chạp, năm Giáp Thân (1284), bọn Thoát Hoan kéo quân vào tới địa phận nước ta. Chúng chia làm từng đạo:
Tây đạo là cánh quân của bọn Vạn hộ Lý La Hợp Đáp Nhi165, Chiêu thảo A Thâm do huyện Khưu Ôn166 ầm ầm tiến xuống:
Đông đạo là cánh quân của bọn Khiếp tiết Tản Lược Nhi, Vạn hộ Lý Bang Hiến do núi Khưu Cấp167 rầm rộ kéo vào. Đại binh của Thoát Hoan nối theo.
Mông Cổ lại sai Bả tổng A Lý giả vờ bảo ta rằng cái cớ dấy quân chỉ vì Chiêm Thành, chứ không có ý gì khác cả.
Quân ta đánh chặn ở núi Khưu Cấp: giặc không tiến được, phải do ải Khả Lợi168 tràn xuống.
Khi cánh quân đông đạo của bọn Tản Lược Nhi vượt được ải Khả Lợi, tiến xuống ải Nữ Nhi169, chúng có bắt được và chém chết gián điệp bên ta là Đỗ Vĩ.
Bấy giờ phía bắc là mặt trận quan trọng, nên Hưng Đạo vương trước phải cầm cự ở ải Nội Bàng170, sau phải rút đóng ở Vạn Kiếp để chuẩn bị những trận phản công và truy kích vào khoảng mùa hè năm Ất Dậu (1285) sau này.
Còn mặt trận tây nam thì, về sau, ngài phái Thượng tướng Trần Quang Khải đóng quân ở Nghệ An, chẹn giữ các đường hiểm yếu để chống quân Toa Đô171.
Treo bảng cấm hàng giặc
Khắp nơi đâu đâu cũng có bảng treo yết thị:
“Phàm các quận huyện trong nước, hễ có giặc ngoài đến, thì phải liều chết cố đánh; nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, chứ không đón hàng”172.
Ngày 27 tháng chạp, năm Giáp Thân (1284), đại binh của Thoát Hoan đánh phá ải Nội Bàng173.
Kinh đô Thăng Long bỏ ngỏ: cung thất đều để nhà không cửa trống, chỉ còn lại những tờ chiếu, tờ sắc, tờ điệp ở tòa Trung thư và các giấy tờ về tin tức quân địch do các tướng ở biên thùy mặt nam mặt bắc trình báo. Còn hết thảy đều phá hủy sạch174.
Vua Trần Nhân Tôn ngự chiến thuyền nhẹ, lánh ra Hải Đông175: có hôm, suốt từ sáng sớm đến chiều tối mới được ăn chút cơm hẩm.
Hội quân ở Vạn Kiếp
Sau khi ải Nội Bàng thất thủ (ngày 27, tháng chạp, Giáp Thân, 1284), Hưng Đạo vương lui giữ Lạng Giang châu.
Rồi đó, quân ta đánh không lợi, giặc tiến được vào ải Chi Lăng176; ngài phải rút quân đóng giữ bến Vạn Kiếp.
Trong khi ấy, ngài điều bát quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, lựa lấy những người khỏe mạnh làm tiên phong. Thế lực quân ta dần dần lại mạnh.
Hưng Vũ vương Hiến, Minh Hiến vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng và Hưng Trí vương Nghiễn đều đốc suất quân các xứ Bàng Hà177, Na Sầm, Trà Hương, An Sinh và Long Nhãn178 được hai mươi vạn, đến hội ở Vạn Kiếp, chịu tiết chế dưới quyền Hưng Đạo vương.
Mồng sáu tháng giêng, năm Ất Dậu (1285), tướng giặc Ô Mã Nhi xâm phạm Vạn Kiếp và núi Phả Lại. Quân ta vỡ, chạy.
Mồng chín tháng giêng ấy, vua Trần tự làm tướng, huy động mười vạn quân, đại chiến ở Bài Than179.
Những thuyền của ta, sau khi phải bắt, đều bị bọn tướng Mông Cổ là Nguyên súy Ô Mã Nhi, Chiêu thảo Nạp Hải và Trấn phủ Tôn Lâm Đức đem phá hủy cả.
Mặt trận ngoài Bắc: chống Thoát Hoan
Giặc Mông Cổ tiến đến sông Vạn Kiếp, Hưng Đạo vương với số chiến thuyền dưới quyền ngài điều khiển, cách Vạn Kiếp mười dặm, bày thành trận thế, gọi là trận “tắm nước”180.
Thoát Hoan tung quân ra đánh. Quân ta phải lui: chiến thuyền bị giặc bắt được.
Ngày 12 tháng giêng ấy, giặc đánh đến Gia Lâm, Vũ Ninh và Đông Ngạn181 bắt được quân ta, thấy trên cánh tay ai nấy đều thích mực hai chữ “sát Thát”, chúng cả giận, giết hại rất nhiều!
Giặc kéo lá cờ đại ở Đông Bộ Đầu (ngày 12 tháng giêng, Ất Dậu, 1285).
Đỗ Khắc Chung tự xin đi sứ để dò hư thực bên địch.
Ngoài sự bắt bẻ quân ta về việc thích chữ “sát Thát”, Ô Mã Nhi còn vặn hỏi: “Đại quân (Mã Nhi tự tôn xưng quân Mông Cổ mình) từ xa đến, nước ngươi(!) sao không trở giáo, cùng nhau đến yết kiến, lại đi chống nghịch mệnh ta: Châu chấu đá xe, rồi sẽ ra sao?”
Khắc Chung đáp: “Hiền tướng (tôn xưng Mã Nhi) không theo cái chước Hàn Tín đi bình nước Yên: đóng quân ở đầu biên giới, trước hãy đưa thư; nếu không thấy thông hiếu, thì mới là lỗi chứ? Nay lại đi bức bách nhau: muông túng thì cắn, chim cùng thì mổ, huống chi con người?”.
Mã Nhi đe dọa: “Đại quân mượn đường để đánh Chiêm Thành. Quốc vương nếu đến yết kiến thì trong cõi được bình yên, một mảy tóc ta cũng không xâm phạm; nếu cứ mê man không tỉnh thì chỉ trong khoảng chốc lát, núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ ra cỏ mục đấy!”
Khắc Chung tùy cơ đối đáp, không chịu khuất. Khi về đến trại bên ta vào giờ Mão182 ngày 13 tháng giêng ấy. Giặc Mông Cổ đuổi theo, đánh nhau với quân ta (Toàn thư, quyển 5, tờ 45b-46b; Cương mục, quyển 7, tờ 33a-34b).
Ngày 13 tháng giêng ấy, vua Trần giữ sông Cái, (sử chép là sông Lô), đánh với giặc Nguyên, quân ta vỡ trận, phải rút chạy. (Theo An Nam chí lược, quyển 4).
Quân ta cứ theo dọc bờ nam sông Cái, dựng rào lũy bằng gỗ để chống cự. Quân Nguyên bắn súng, la lớn đòi đánh.
Vua Trần sai Nguyễn Hiệu Nhuệ đi xin hòa. Thoát Hoan không nghe, sai bắc cầu phao, tiến sát vào dưới vách thành Thăng Long.
Thăng Long thất thủ, Thoát Hoan vào thành, mở tiệc yến ẩm ở trong cung đình. Thoát Hoan sai binh đi đuổi vua Trần. (Cương mục, quyển 7, tờ 35a).
Trần Bình Trọng tử quốc
Ngày 21 tháng giêng năm Ất Dậu (1285), quân ta đánh nhau với giặc ở bãi Tha Mạc183. Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng bị bắt, tuyệt thực. Giặc dò hỏi việc nước; Bình Trọng không nói. Giặc muốn cám dỗ bằng tước vị lợi lộc, hỏi: “Muốn làm vương đất Bắc không?” Bình Trọng quát lên rằng: “Thà làm ma bên Nam, chứ không làm vương bên Bắc”. Bình Trọng bèn bị giặc chém (Toàn thư, quyển 5, tờ 47a).
Quân ta do vua Trần đốc suất, lui giữ ải Hải Thị (có lẽ thuộc mạn Hưng Yên), làm rào lũy bằng cây gỗ, chặn sông mà đánh.
Mông Cổ trên dưới cùng bắn; quân ta cả vỡ.
Mặt trận Thanh, Nghệ: chống Toa Đô
Bấy giờ bên Mông Cổ có Đại vương Giảo Kỳ, Hữu thừa Toa Đô, Tả thừa Đường Cổ Đới, Chính Hắc Đích từ Chiêm Thành tiến quân ra phủ Bố Chính184, đánh phía sau quân ta.
Để giữ mạn Nghệ An, ta có Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải185, đóng quân chống địch.
Còn mặt Thanh Hóa thì do Chương Hiến hầu Trần Kiện186 đem bọn Lê Tắc cùng vài vạn quân chống giữ. Nhưng đến mồng một tháng hai năm Ất Dậu (1285) bọn Trần Kiện, Lê Tắc đem cả gia quyến và quân bản bộ xuống hàng giặc.
Mồng hai tháng hai ấy, quân ta bị Giảo Kỳ phá vỡ ở bến kinh Vệ Bố187 sau khi kỵ binh Mông Cổ lội được qua kinh; tướng ta là Đinh Xa và Nguyễn Tất Dũng đều tử trận.
Mồng ba tháng hai ấy, đạo quân của vua Trần ở Đại Hoàng giang188 bị Thoát Hoan đánh phá. Bọn Văn Nghĩa hầu Trần Tú Viên189 và Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng đem cả nhà xuống hàng Thoát Hoan.
Mồng sáu tháng hai ấy, đạo quân của Thái sư Trần Quang Khải bị Giảo Kỳ thống suất bọn Trần Kiện đánh phá ở bến đò Phú Tân (có lẽ thuộc miền Thanh Hóa): bên ta, nghìn người bị giặc chém đầu190!.
Để nới cho nạn nước khỏi gấp quá, vua Trần Nhân Tôn sai Trung Hiến hầu Trần Dương đi thương thuyết xin hòa; rồi sai quan hầu cận Đào Kiên đưa quốc muội là An Tư công chúa191 cho Thoát Hoan.
Mông Cổ sai Thiên hộ họ Ngải (không rõ tên) đến nói: “Đã xin hòa thì chính nhà vua sao không tự đến thương nghị?” nhưng vua Trần không nghe: một vì biết rõ mưu gian của địch, hai là việc nói xin hòa chỉ là một kế hoãn binh.
Mồng một, tháng ba, năm Ất Dậu (1285), hai vua Trần phải bỏ thuyền, đi bộ đến Thủy Chú192, rồi đáp thuyền ra cửa Nam Triệu, vượt biển Đại Bàng193 đi vào Thanh Hóa.
Mồng chín tháng ba ấy, hai vua Trần bị bọn Giảo Kỳ và Đường Cổ Đới đem chu sư ra biển, bổ vây ở cửa Tam Trĩ194, suýt bị giặc bắt được. Hai vua bèn ngầm lén sang một chiếc thuyền nhỏ, do tướng Nguyễn Cường hộ vệ, chạy trốn về phía nguồn Tam Trĩ; đồng thời sai bơi ngự thuyền ra miền Ngọc Sơn195 để đánh lừa giặc. Giặc bắt được vàng, lụa và nam, nữ của ta.
Ngày rằm tháng ba ấy, bọn Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc196 cùng lũ Phạm Cự Địa, Lê Diễm và Trịnh Long đều dắt gia quyến đi hàng giặc.
Toa Đô lại vào Thanh Hóa, chiêu dụ mọi kẻ theo giặc. Thế là từ tháng chạp năm Giáp Thân (1284) đến tháng ba năm Ất Dậu (1285), ta bỏ kinh đô Thăng Long, bỏ các trọng trấn, thường thường rút lui để bảo toàn lấy quân chủ lực, đợi dịp phản công.
Khắc phục Thăng Long
Khoảng cuối tháng tư, năm Ất Dậu (1285), Thượng tướng Trần Quang Khải, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản cùng Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và em Lạp là Nguyễn Truyền đem dân quân các lộ đánh bại giặc ở Thăng Long và Chương Dương197... Giặc thua vỡ liểng xiểng. Bọn Thoát Hoan và A Thích phải chạy khỏi sông Cái (An Nam chí lược và Toàn thư chép là sông Lô, Cương mục chép là sông Phú Lương).
Bọn Giảo Kỳ rút sau. Bị quân ta đánh, chúng đặt phục binh ở trong cung thành Thăng Long mà bắn nỏ (mồng năm tháng năm, Ất Dậu, 1285), mới rút thoát được khỏi sông Cái hội quân với Thoát Hoan.
Kinh thành lại khắc phục được. Việc này mãi đến mồng mười tháng năm (Ất Dậu, 1285) mới do một người từ nơi giặc trốn được về ngự doanh, báo tin cho vua Trần Nhân Tôn và Thượng hoàng Thánh Tôn biết198. Mồng 6 tháng năm, năm Ất Dậu (1285), Thoát Hoan cùng bộ hạ tìm đường để trốn về.
Trận Tây Kết: chém Toa Đô
Bấy giờ quân Toa Đô đóng cách xa quân Thoát Hoan hàng hơn hai trăm dặm. Khi Thoát Hoan trốn khỏi sông Cái (sử cũ chép là sông Lô), bọn Toa Đô và Ô Mã Nhi hãy còn chưa biết.
Trước đó, Toa Đô từ Chiêm Thành kéo ra, hội với quân Mông Cổ ở châu Ô, châu Lý199: dọc đường, cướp phá suốt từ Ô, Lý đến Hoan (Nghệ), Ái (Thanh), rồi tiến đóng Tây Kết200, hẹn ba tháng sẽ san phẳng nước ta.
Vua Trần bàn với quần thần rằng: “Quân giặc hàng năm đi xa muôn dặm, lịu địu những đồ tri trọng: thế tất mỏi mệt. Bây giờ ta lấy sức thong thả mà đối địch với đằng nhọc nhằn, trước hãy làm bạt cái khí của chúng đi, thì thế nào cũng phá được giặc” (Toàn thư, quyển 5, tờ 48a)201.
Tháng tư, năm Ất Dậu (1285), Chiêu Thành vương (chưa rõ tên), Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản và tướng quân Nguyễn Khoái đã được lệnh, đem quân tinh nhuệ đón đánh giặc ở đầu bến Tây Kết.
Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và quân các đạo giao chiến với giặc Toa Đô ở Hàm Tử quan, cả phá được giặc. Trong quân Trần Nhật Duật có gia tướng là Triệu Trung, nguyên là người Tống, ai cũng đi tòng chinh và lập được nhiều chiến công.
Sau trận thua vỡ ở Hàm Tử quan, Toa Đô cạn lương, phải rút ra đóng ở cửa biển Thiên Trường để lấy lương thực.
Mồng ba tháng năm, năm Ất Dậu (1285), hai vua Trần đánh bại giặc ở phủ Trường Yên, chém giặc vô số.
Ngày mười bảy tháng năm ấy, Toa Đô và Ô Mã Nhi, không biết Thoát Hoan đã chạy, bèn từ biển lại vào đánh mạn sông Thiên Mạc202, chực hội binh ở thành Thăng Long để cứu giúp lẫn nhau.
Ngày hai mươi tháng năm ấy, hai vua Trần tiến đóng bến Đại Mang. Tổng quân Mông Cổ là Trương Hiển203 xuống hàng.
Ngày ấy (hai mươi, tháng năm) đánh bại giặc ở Tây Kết: giết được và làm chúng bị thương rất nhiều; chém đầu Nguyên súy giặc là Toa Đô204.
Nửa đêm hôm ấy, Ô Mã Nhi trốn đến cửa sông Thanh Hóa. Hai vua Trần rượt theo, không đuổi kịp bọn Ô Mã Nhi, chỉ bắt được dư đảng chúng hơn năm vạn người. Ô Mã Nhi và Vạn hộ Lưu Khuê tất tưởi chỉ kịp lén bơi một chiếc thuyền nhẹ, vượt biển trốn thoát. Thấy thủ cấp Toa Đô, vua Trần Nhân Tôn bùi ngùi than cảm. Rồi ngài cởi áo ngự, sai hữu tư (quan lại) khâm liệm đem chôn; nhưng ngầm lấy đầu Toa Đô, tẩm dầu đem bêu để răn kẻ khác. Đó vì Toa Đô phạm tội giả vờ mượn đường đi đánh Chiêm Thành để vào lấn cướp nước ta. (Toàn thư, quyển 5, tờ 49b-50a).
Trừ gian: giết Trần Kiện
Sau khi hàng giặc, bọn Trần Kiện và Lê Tắc được Thoát Hoan khen thưởng, sai Minh Lý Bích Ban làm bạn đường, định đưa bọn Kiện về Yên Kinh (nay là Bắc Bình).
Khi đến Lạng Giang, chúng bị thổ hào bên ta là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh đón đánh ở trại Ma Lục.
Bữa tới Chi Lăng, quân đánh càng gấp. Giặc và bọn Kiện đang đêm cũng phải gượng gạo chống cự. Khi hỗn chiến, gia nô đức Trần Hưng Đạo là Nguyễn Địa Lô bắt giết được tên Kiện ở trên mình ngựa. Tắc vác thây Kiện, nhảy lên ngựa, nhân ban đêm, chạy trốn. Chạy được vài mươi dặm, đến Khưu Ôn205. Tắc chôn vùi xác Kiện ở đấy. Bọn thuộc lại của Kiện bị giết đến gần một nửa206.
Dân quân tự động đánh giặc
Dụ binh của Mông Cổ đến huyện Phù Ninh207. Phụ đạo tử208 huyện ấy là Hà Đặc tự động đem dân quân đi đánh giặc.
Hà Đặc lên Trĩ Sơn cố giữ. Giặc đóng đồn ở động Cự Đà. Đặc đem cót bó thành hình người to lớn, lấy áo khoác cho. Tối đến, đưa ra đưa vào, làm như người thật. Lại dùi cây lớn, cắm tên to vào thân cây, khiến giặc ngờ là sức khỏe bắn mạnh được đến thế.
Quả nhiên, giặc sợ, không dám đánh với Hà Đặc. Quân ta bèn hăng hái tấn công, phá được quân giặc. Đặc đuổi đến A Lạp209, bắc cầu phao, vượt qua sông: say sưa đánh mãi, rồi chết tại trận.
Em Đặc là Hà Chương bị giặc bắt được, ngầm lấy được cờ xí và quần áo của giặc, trốn về, đem dâng vua Trần; xin dùng cờ và đồ mặc của địch trà trộn lọt vào trại quân Nguyên. Giặc không ngờ là quân ta, ta bèn đại phá được giặc.
Trận Vạn Kiếp: giết Lý Hằng, Lý Quán
Bấy giờ giặc luôn thua trận, lại gặp tiết hè, khi nắng dữ, lúc hay mưa, quân Mông Cổ tử thương nhiều lắm. Thoát Hoan bèn quyết kế rút về.
Biết rõ được giặc sắp rút lui, đức Trần Hưng Đạo cho đặt sẵn quân phục để đón đánh.
Quân Nguyên kéo đến sông Vạn Kiếp, chưa kịp qua đò, thì quân phục của ta nổi dậy. Chúng vỡ trận, chết đuối rất nhiều. Lý Hằng đi đoạn hậu, cố hộ vệ Thoát Hoan để chạy về châu Tư Minh (Quảng Tây). Quân ta dùng tên thuốc độc bắn Hằng trúng vào đầu gối bên tả: Hằng chết. Còn bên ta thiệt mất một tướng là Trần Thiệu210.
Tỳ tướng Lý Quán thu nhặt năm vạn tàn quân, giấu Thoát Hoan vào trong một thứ đồ đồng, trốn về Tư Minh.
Hưng Vũ vương Hiến đuổi theo, dùng tên thuốc độc bắn chết được Lý Quán. Giặc Mông Cổ đổ bể tan tành, chết đến quá nửa. Chúng cố liều chết, mới phò Thoát Hoan chạy được thoát.
Mồng sáu tháng sáu năm Ất Dậu (1285), hai vị anh hùng hoàng đế nhà Trần trở về kinh đô Thăng Long. Trần Quang Khải có thơ rằng:
Đoạt sóc Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực:
Vạn cổ cựu giang sơn211.
Dịch nghĩa:
Ở bến Chương Dương, cướp được giáo giặc,
Ở cửa Hàm Tử, bắt được tướng Mông Cổ (ví Mông Cổ như rợ Hồ).
Nay đã thái bình, ta nên gắng sức thêm,
Thì muôn đời vẫn giữ được non sông nguyên lành như cũ.
Chú Thích
158. Xem bản đồ số 2 ở cuối sách.
159. Nay thuộc làng Bàn Than, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh.
160. Nay là Vân Hải thuộc tỉnh Quảng Yên, tức là hòn đảo “De La Table” (xem bản đồ).
161. Một nhánh sông Thái Bình (xem bản đồ).
162. Bến Đông (Đông Tân) sông Cái nay gọi là Hồng Hà thuộc địa phận huyện Thượng Phúc (Hà Đông).
163. Chẳng hạn các cửa ải ở miền Lạng Sơn và mạn Thanh, Nghệ...
164. Bấy giờ được vua Mông Cổ phong làm Trấn Nam vương.
165. Đây dựa tài liệu trong An Nam chí lược, nhưng chưa rõ là tên một người hay hai người. Đợi khảo sau.
166. Thuộc Lạng Sơn (xem bản đồ).
167. Trong An Nam chí lượcchép là Cấp Lĩnh. Thế tức là Khưu Cấp Lĩnh mà sử Cương mục chua là phố Kỳ Lừa thuộc Ôn Châu, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.
168. Cũng đọc là Khả Lị, có sách chép là Khả Ly, thuộc Lạng Sơn.
169. Cũng thuộc Lạng Sơn, trong An Nam chí lược chép là “Anh Nhi”; còn Toàn thư, và Cương mục đều chép là “Nữ Nhi”.
170. Thuộc Lạng Sơn.
171. Việc cử Trần Quang Khải này vào ngày 28 tháng giêng năm Ất Dậu (1285).
172. Nguyên văn: “Phàm quốc nội quận huyện, giả hữu ngoại khấu chí, đương tử chiến, hoặc lực bất dịch, hứa ư sơn trạch đào thoán, bất đắc nghinh hàng”. (Nguyên sử, quyển 209, tờ 5b).
173. Đây theo An Nam chí lượcquyển 4, tờ 1b. Còn Toàn thư,quyển 5, tờ 44b chép: ngày 26 tháng chạp năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên xâm phạm các cửa ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng.
174. Theo Nguyên sử, quyển 209, tờ 5.
175. Thuộc miền Quảng Yên ngày nay.
176. Tục gọi là bầu Chi Lăng. Nay thuộc tổng Chi Lăng gần ga Tuần Muội ở châu Ôn, tỉnh Lạng Sơn. An Nam chí lược chép Chi Lăng tức là “Lão thử quan” (nghĩa là cửa chuột già).
177. Đền hồi Minh thuộc đổi làm huyện Chí Linh. Nay thuộc tỉnh Hải Dương.
178. Đến đời Lê đổi làm huyện Phượng Nhãn (hoặc Nhỡn). Nay thuộc tỉnh Bắc Giang.
179. Đây theo An Nam chí lược.Nay không rõ Bài Than ở vào đâu. Nhưng có lẽ là Bình Than. Vì “Bài” và “Bình” âm gần nhau.
180. Sử Toàn thư, chép là “dục thủy trận”.
181. Nay đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.
182. Khoảng 5-7 giờ sáng.
183. Tức là Thiên Mạc ở bên sông Cái thuộc Hưng Yên. Trong An Nam chí lược chép là “ải Thiên Hán” và chỉ chép tước của Trần Bình Trọng là Bảo Nghĩa hầu chứ không chép tên.
184. Nay là ba huyện Binh Chính, Minh Chính và Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình.
185. Việc cử Trần Quang Khải này vào ngày 28 tháng giêng năm Ất Dậu (1285), tức là sau khi Trần Bình Trọng đã tử quốc được bảy hôm, vậy mà cuốn Việt Nam sử lược, quyển thượng (in lần thứ hai, năm 1928, trang 121), tác giả Trần Trọng Kim chép: “... Sai Thượng tướng Trần Quang Khải đưa binh vào đóng mặt Nghệ An... và Trần Bình Trọng ở lại giữ Thiên Trường...”.
186. Con của Tinh quốc Đại vương Trần Quốc Khang.
187. Thuộc địa phận Thanh Hóa.
188. Khúc sông Cái thuộc huyện Nam Xang tỉnh Hà Nam.
189. Trong An Nam chí lượcin là Trần Tú Tuấn.
190. An Nam chí lượcchép ngày ấy (mồng sáu tháng hai) Thanh Hóa và Nghệ An đều hàng.
191. Đây theo An Nam chí lược. Còn trong Toàn thư,quyển 5, tờ 47a chép: “sai người (không nói rõ sai ai), đưa công chúa An Tư (em út của Trần Thánh Tôn) cho Thoát Hoan để thư nghị nước”.
192. Không rõ ngày nay ở đâu.
193. Thuộc địa phận xã Đại Bàng, huyện Nghi Dương, tỉnh Hải Dương.
194. Thuộc xã Tam Trĩ châu Tiên Yên, tỉnh Quảng Yên. An Nam chí lược, quyển 4, tờ 2b in lầm là “Tam Thì”.
195. Thuộc miền biển Thanh Hóa.
196. Con thứ vua Trần Thái Tôn, vẫn ngầm có ý muốn cướp ngôi nên đã từng viết thư bí mật gửi khách buôn ở Vân Đồn “rước” Mông Cổ đem quân sang xâm lược. Sau khi hàng giặc, Tắc được giặc phong An Nam quốc vương. Kịp khi Mông Cổ thua trận, Tắc xấu hổ, chết già ở bên Nguyên.
197. Thuộc xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
198. Việc khắc phục kinh đô này, An Nam chí lượcchép vào tháng tư, còn sử Toàn thư,và sử Cương mục đều đặt vào việc ở tháng năm, là vì mãi đến mồng mười tháng năm ấy hai vua Trần mới biết tin.
199. Nay là Thuận Hóa, tức Huế.
200. Xem bản đồ số 2.
201. Đây là lời vua Trần Nhân Tôn, vậy mà trong Việt Nam sử lược, quyển thượng (in lần thứ hai, 1928), tác giả Trần Trọng Kim lại chép là lời tâu của Hưng Đạo vương, và đoạn dưới dịch khác đi rằng: “... Vậy nay nên sai một tướng đem quân ra đón đường mà đánh thì chắc phá được” (trang 123).
202. Khúc sông Cái thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên.
203. An Nam chí lược, quyển 4, tờ 3a chép “Tướng Toa Đô là Lễ Cước Trương làm phản”. Có lẽ Lễ Cước Trương tức là Trương Hiển, mà “làm phản” là chỉ về việc đầu hàng bên ta.
204. Trong trận này ta bắt được cả bọn Tế thần (như Thủ tướng ngày nay) Chiêm Thành là Ba Lậu Kê, Na Liên 30 người vì theo Toa Đô. Đến tháng sáu năm Ất Dậu (1285), ta sai người đưa chúng về nước.
205. Tức là Ôn Châu, thuộc Lạng Sơn. (Xem bản đồ số 2).
206. Theo Toàn thư, quyển 5, tờ 46b-47a; An Nam chí lược,quyển 19, tờ 3a-b.
207. Xưa ở miền thượng du tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Phú Thọ.
208. Như chức Thổ tri châu.
209. Không rõ bây giờ ở vào đâu.
210. Theo Toàn thư,quyển 5 và An Nam chí lược quyển 4.
211. Đây theo đúng nguyên văn in trong sử Toàn thư là bản ra trước hơn cả. Trong Hoàng Việt văn tuyển, quyển 2, tờ 2b, đặt bài thơ này của Trần Quang Khải vào dưới đầu đề là Tòng giá hoàn kinh sư (theo ngự giá về kinh đô), có in khác một chữ “đương” trong câu ba: “Thái bình đương trí lực”. Nếu cần phải dịch cả bài thơ này ra văn vần thì dịch thế này:
Cướp giáo bến Chương Dương,
Bắt Hồ cửa Hàm Tử.
Thái bình, gắng sức lên!
Non nước này muôn thuở..
Trần Hưng Đạo Trần Hưng Đạo - Hoàng Thúc Trâm Trần Hưng Đạo