Số lần đọc/download: 2045 / 25
Cập nhật: 2016-06-04 21:09:38 +0700
Chương 6: Indonesia: Kinh Nghiệm Liên Hiệp Quốc Cộng
Nasakom
Indonesia, quốc gia đông dân cư vào hàng thứ năm trên thế giới và lớn nhất Đông Nam Á, đã là nơi mà cuộc đấu tranh để thống nhất diễn ra liên tục không lúc nào ngừng. Sau thế chiến II, Hòa Lan đã núp bóng quân Anh trở lại vùng này và mưu toan chia nát các hải đảo để dễ bề tái lập quyền thống trị. Indonesia đã đấu tranh để giữ vẹn toàn lãnh thổ, một lãnh thổ nằm dài trên 1/8 đường xích đạo với 3.000 hải đảo lớn nhỏ. Cuối cùng nhân dân Indonesia đã thắng. Nhưng ngay từ trong cái thắng để thống nhất ấy lại nẩy mầm chia rẽ, chia rẽ giữa Java (đảo trung tâm) và ngoại đảo, giữa chính trị và quân sự, giữa giá trị cũ và giá trị mới, giữa khuynh hướng tự do và khuynh hướng độc tài; sau hết và trầm trọng hơn hết: giữa cộng sản và không cộng sản.
Sukarno đã đặt chỗ đứng của mình ngay trên những vết rạn nứt ấy – nghĩa là ông ta tự biến thành mối dây liên hiệp các lực lượng chống đối. Ba lực lượng nòng cốt là Quốc Gia, Tôn Giáo và Cộng Sản đã được Sukarno coi là thành trì của chế độ và được mệnh danh là NASAKOM[1].
Lòng sùng đạo (Hồi) và tinh thần quốc gia của nhân dân Indonesia đã được khích động mạnh mẽ trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân. Niềm tin ở Thượng đế và Tổ quốc là hai tín niệm đầu tiên trong ngũ niệm Pantja Sila mà Sukarno đã dùng làm nền tảng ý thức chính trị. Còn về Cộng sản, trong suốt thời gian cầm quyền, Sukarno cũng đã cố gắng duy trì. Hai lần Cộng sản nổi dậy, hai lần bị quân đội dẹp tan và cũng hai lần Sukarno lại cho phép tái lập để hoạt động công khai.
Khi thực dân cũ không còn là mối đe dọa nữa Sukarno bèn tính chuyện bành trướng thế lực. Từ khi hội nghị Á-Phi được tổ chức ở Bandung (1955) con người Sukarno bắt đầu nổi bật trong số nhỏ các lãnh tụ mới mẻ của nước nhược tiểu. Hình ảnh những biển người vĩ đại hành động đồng loạt theo lệnh của lãnh tụ tại Hoa lục (thăm viếng năm 1956) đã làm cho Sukarno bị mê hoặc. Ông noi theo con đường của Trung cộng và chủ trương lập trục Djakarta-Bắc Kinh mưu đồ lãnh đạo Á-Phi trong khối quốc tế mà ông gọi là lực lượng Đang Lên (NEFO) để chống lại bọn Tân Thực dân Đế quốc (NECOLIM).
Tân Thực dân Đế quốc dưới mắt Sukarno chính là những cường quốc tư bản, do đó ông dùng cộng sản làm lợi khí đấu tranh. Trong khi dưới mắt phe không cộng sản., Trung cộng được coi là loại đế quốc hàng đầu. Họ cho rằng Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, đang là mục tiêu trong mưu đồ bành trướng của Trung cộng, vậy Djakarta phải coi chừng Trung cộng và chặn tay của tân đế quốc này (tức đảng cộng sản địa phương) trước tiên.
Sự chia rẽ trầm trọng nhất của Indonesia khởi nguyên từ đó. Vết nứt từ quan niệm trên đã lần sang nền tảng NASAKOM để rồi lôi cuốn theo sự sụp đổ của chế độ và cái chết tập thể của gần nửa triệu con người trong một cuộc thanh trừng khủng khiếp. Thất bại của Sukarno cũng là thất bại điển hình của mưu toan liên hiệp NASA với KOM tại các quốc gia chưa có kinh nghiệm thực thi chế độ dân chủ đại nghị và chưa thoát khỏi bàn tay lũng đoạn của các đế quốc bên ngoài.
Chế Độ Sukarno
Từ 1950 đến 1965, chế độ Sukarno tại Cộng hòa Indonesia được chia đều làm hai thời kỳ: Thời kỳ dân chủ đại nghị và thời kỳ dân chủ hướng dẫn (démocratie dirigée).
Thời kỳ áp dụng chế độ dân chủ đại nghị (hiến pháp ngày 15 tháng 8 năm 1950) thực ra chỉ là giai đoạn tập sự bước vào sinh hoạt dân chủ kiểu Tây phương. Mấy năm đầu tiên, đảng Hồi giáo Masjumi (Hồi giáo Cấp tiến) và đảng Quốc gia đã chia nhau cầm quyền và luôn luôn nắm đa số phiếu ở Quốc hội. Ít năm sau, đảng Cộng sản lớn mạnh lên cùng một số đảng nhỏ khác chia sẻ ghế làm cho quốc hội trở nên quá ôm đồm, nhiều khuynh hướng. Tình trạng chính trường mất thăng bằng. Các thủ tướng kế nhiệm nhau không còn tìm nổi sự ủng hộ đủ lớn để vượt qua những khó khăn. Phân hóa địa phương đã trở thành một mối đe dọa nền thống nhất, nhất là vụ khởi loạn ở Sumatra năm 1956.
Trước tình thế ấy, đảng Hồi giáo Masjumi và đảng Xã hội đòi phải tạo thông cảm giữa Java và Ngoại đảo bằng cách mời cựu thủ tướng Hatta (người gốc Sumatra) đứng ra lập nội các. Nhưng Sukarno không chấp nhận giải pháp vá víu ấy. Ông yêu cầu phải trở về với hiến pháp 1945 với chế độ mà ông mệnh danh là Dân Chủ Hướng Dẫn.
Đảng Hồi giáo Masjumi đã vận động các đảng không cộng sản khác bác bỏ đề nghị của tổng thống vì cho rằng trở lại hiến pháp 1945 là thoái bộ, sinh hoạt dân chủ tự do sẽ mất, quyền hành sẽ nằm gọn trong tay tổng thống. Cuộc vận động chống đối thành công: quốc hội bỏ phiếu không tán thành việc tái áp dụng hiến pháp 1945. Tổng thống Sukarno phản ứng lại quyết liệt bằng cách giải tán quốc hội. Hai đảng Masjumi và Xã hội bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Báo chí đối lập bị đóng cửa. Nhiều lãnh tụ quốc gia bị bắt giữ, trong đó có ba cựu thủ tướng là Sjahrir (đảng Xã hội), Muhammad Natsir và Burhanuddin Harahap và cựu chủ tịch Cơ quan Hành pháp Kháng chiến Sjafruddin Prawiranegara người đã thế Sukarno trong khi ông này bị Hòa bắt giam năm 1948.
Để thay quốc hội, Sukarno đã đặt ra một Hội đồng Đại biểu Nhân dân, cụ thể là đại biểu đảng phái và nghề nghiệp, gồm 280 hội viên chỉ định. Đồng thời, một hội nghị tư vấn nhân dân cũng được triệu tập định kỳ năm năm một lần với chừng 600 đại biểu gồm tất cả hội viên Hội đồng Đại biểu Nhân dân cộng thêm đại biểu các địa phương.
Trong các thời kỳ áp dụng chế độ dân chủ hướng dẫn, đường lối đối ngoại của Sukarno càng ngày càng thiên sang khối Cộng, xa rời chủ trương đứng giữa cũ. Ngay trong nội bộ, Sukarno đã cố tình nâng đỡ cộng sản, làm cho phe không cộng sản bất mãn. Sự bất mãn bị dồn nén đã đẩy đảng cực hữu Darul Islam (Quốc tế Hồi giáo) tới hành động điên rồ: ám sát tổng thống. Vụ ám sát thất bại, các nhà lãnh đạo Darul Islam bị bắt. Hậu quả của hành động này là Sukarno càng thiên cộng hơn và càng cố mưu tính triệt hạ các đảng hữu phái. Cho đến khi đảng cộng sản đủ mạnh để lấn lướt các đảng khác thì Sukarno coi là đã tạm ổn về mặt chính trị. Trở ngại quan trọng nhất trong công cuộc đẩy mạnh cách mạng tiến tới dưới mắt Sukarno chính là và chỉ còn là quân đội.
Quân đội Indonesia là một tổ chức có truyền thống. Các tướng lãnh đều đã cầm quân từ thời kháng chiến chống Hòa Lan, vì vậy đối với quần chúng họ là những anh hùng cứu quốc. Trong sinh hoạt quốc gia, quân đội luôn luôn đứng ngoài chính trị. Nhưng xét lập trường các sĩ quan cao cấp qua những lời phát biểu và đôi khi cả hành động cụ thể, người ta có thể nhận thấy họ có tinh thần quốc gia cực đoan, có ảnh hưởng truyền thống Hồi giáo, chống cộng, chống sự hiện diện của Hoa kiều và do đó chống luôn cả chủ trương bắc cầu Djakarta-Bắc Kinh của tổng thống.
Sau cùng Sukarno đành hoãn thi hành kế hoạch này lại, dù Bắc kinh đã lên tiếng ủng hộ và sẵn sang viện trợ vũ khí nhẹ. Trong những năm qua, các tướng lãnh đã có nhiều bất đồng ý kiến với tổng thống, nhưng Sukarno thường phải tự điều giải hơn là dám có hành động quyết liệt. Với sự cố vấn của lãnh tụ Cộng đảng, Sukarno đã dự liệu bứng nốt cái trở ngại khó chịu nhất này đi khi hoàn tất giai đoạn một của cuộc cách mạng [2]. Và ngày 25 tháng 9 năm 1965, Sukarno đã long trọng tuyên bố “Chúng ta bắt đầu bước sang giai đoạn hai của cuộc cách mạng Indonesia, giai đoạn tiến tới xã hội chủ nghĩa”.
Năm ngày sau (30 tháng 9) thì xảy ra cuộc chính biến, khởi đầu bằng hành động bắt giết các tướng lãnh. Cuộc chính biến đã đưa tới sự sụp đổ của chế độ Sukarno và sự tan rã của đảng Cộng sản.
Đảng Cộng Sản
Nhưng trước khi xét lại chính biến và hậu quả của nó, tưởng cũng nên nhìn qua quá trình hoạt động của đảng Cộng sản. Chính đảng này đã đóng vai trò then chốt tạo nên chính biến và đã phải hứng chịu thảm họa khốc liệt do một thế lực mù quáng khác gây nên – thế lực tôn giáo!
Đảng Cộng sản Indonesia được thành lập từ 1920, ba năm sau cuộc Cách mạng tháng 10 ở Nga. Lãnh tụ đầu tiên của đảng là Tan Malaka, nguyên là phần tử thuộc đảng Dân chủ Xã hội cũ (do Sneevliet, người Hòa Lan, lập nên).
Sau vụ nổi dậy thất bại 1926, Tan Malaka đã trốn sang Bangkok và tự ý rút ra khỏi hệ thống Cộng sản quốc tế; trong khi ấy một lãnh tụ quá khích là Musso đã lánh sang Nga.
Năm 1935, Musso được lệnh Stalin trở về Indonesia tái lập Cộng đảng. Trong nhiều năm, Musso đã không làm nên trò trống gì. Mãi tới sau ngày Indonesia công bố độc lập (1945), chính phủ Sukarno kêu gọi các công dân hoạt động qui tụ lại thành chính đảng để tham gia sinh hoạt chính trị, thì Cộng đảng mới thực sự được tập hợp và tổ chức lại. Khi đảng đã đủ mạnh, ngày 18 tháng 9 năm 1948, Musso lại ra lệnh võ trang nổi dậy ở Madiun, Đông Java, dù khi ấy Cộng Hòa Indonesia còn đang tranh chấp với Hòa Lan. Cuộc nổi dậy đã bị quân đội phá vỡ làm cho đảng viên Cộng sản phải lẩn trốn vào vùng rừng núi Trung Java. Musso và nhiều lãnh tụ khác đã bị bắt và bị giết.
Trong khi cộng đảng đang tan rã thi Tan Malaka về nước. Ông ta qui tụ các du kích quân lại, thành lập đảng Murba Mác xít, một thứ Cộng sản quốc gia, và mở chiến dịch đấu tranh chống chính quyền Indonesia, chống quân xâm lược Hòa và chống cả những phần tử cộng sản thân nga, Murba hoạt động vỏn vẹn được vài tháng thì Tan Malaka bị quân đội bắt và xử tử [3].
Năm 1950, giữa lúc cộng sản đang tan tác thì một nhân vật trẻ tuổi rất lỗi lạc là Dipa Nusantara Aidit đã từ ngoại quốc trở về tập hợp và chỉnh đốn lại đảng. Aidit là một cán bộ cao cấp đã trốn thoát sau vụ Madiun. Với tài lãnh đạo và tháo vát đặc biệt của Aidit, chỉ trong một thời gian ngắn cộng đảng đã lại trở ra hoạt động công khai. Năm 1952 số đảng viên qui tụ chừng 8.000. Nhưng sau đó, nhờ sự ủng hộ tài chánh dồi dào của Hoa kiều và cả của Bắc Kinh, và với sự hỗ trợ tinh thần của chính tổng thống Sukarno, đảng CS đã phát triển tới một mức độ kỳ diệu: hai triệu đảng viên vào năm 1955. Cũng năm này, trong cuộc bầu cử ở Java, cộng sản đã chiếm 20,6% phiếu; sang năm 1957, số phiếu CS hốt được vọt lên 27,4%.
Mười năm sau, cộng đảng đã phát triển tới số đảng viên ba triệu, cộng thêm 16 triệu đoàn viên trong các tổ chức phụ thuộc. Những tổ chức phụ thuộc có số đoàn viên như sau: Đoàn Nông Dân (BTI) 8,5 triệu, Tổ Chức Nghiệp đoàn Thợ thuyền (SOBSI) 3,5 triệu, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản (Pemuda Rakjat) hai triệu và Đoàn Phụ Nữ Cộng Sản (Gerwani) 2 triệu.
Lý do mà Sukarno đã nâng đỡ Cộng đảng là vì ông ta muốn CS có ưu thế hơn trong liên hiệp NASAKOM để duy trì thân hữu với Trung cộng về mặt đối ngoại hầu thành lập trục Bắc Kinh-Djakarta mà khuynh đảo thế giới “thứ ba” [4].
Về phía CS, Aidit đã trắng trợn ve vuốt Sukarno bằng cách nhiều lần lên tiếng ca tụng Ngũ niệm Pantja Sila, dù ngay tín nhiệm đầu tiên về Thượng đế đã hoàn toàn phản lại ý thức Mác xít. Aidit cũng triệt để ủng hộ Sukarno trong cuộc chiến tranh chống Mã Lai Á sau khi liên bang này được thành lập[5]. Và sau cùng, Aidit đã không quên săn sóc đến sức khỏe của tổng thống bằng cách yêu cầu Bắc Kinh gửi riêng một y sĩ chuyên môn tới để lo bệnh đau thận cho Tổng thống.
Sang năm 1965, Sukarno bi đau luôn, và ai cũng nhìn thấy rõ là khi ông ta nằm xuống thì thế ba chân NASAKOM cũng sụp đổ theo. Thực tế cho tới 1965, đảng CS đã quá mạnh để có thể nói là chỉ còn thế hai chân: Cộng sản và không CS. Chủ chốt bên phe không cộng sản là tổ chức Hồi giáo [6] và quân đội (trừ Không Quân thiên cộng). Tình trạng thù nghịch giữa hai phe đã căng thẳng đến độ không còn có thể chấp nhận chung sống chuyện kẻ còn người mất chỉ là vấn đề thời gian.
Do đó, vai trò vị y sĩ của Sukarno đã trở nên vô cùng quan trọng. Và không biết ông ta đã báo cáo như thế nào về sức khỏe của tổng thống mà đảng Cộng sản vội vã đi tới quyết định đảo chánh để giữ tay trên.
Chính Biến Và Hậu Quả
Đêm 30 tháng 9 năm 1965, năm ngày trước ngày kỷ niệm 20 năm thành lập quân đội, chính biến đã mở màn bằng hành động đột kích vào tư thất các tướng lãnh cao cấp nhất của quân đội. Kết quả ba tướng, trong đó có Tổng tham mưu trưởng Ahmad Yani, bị giết tại nhà, ba tướng khác bị bắt đem về căn cứ không quân Halim hành quyết, riêng tướng Nasution, tổng trưởng Quốc phòng, đã thoát chết trong gang tấc, tuy bản thân bị thương và con gái năm tuổi bị bắn chết.
Người chỉ huy trực tiếp chính biến là trung tá Untung, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cận vệ Phủ Tổng thống. Untung giải thích hành động của mình là cốt nhằm đập tan cuộc đảo chánh đang được hội đồng tướng lãnh dự trù. Tiếp tay với Untung ngay từ phút đầu là một số đơn vị có CS xâm nhập, Tư lệnh Không quân Dhani và căn cứ không quân Halim, các đoàn viên Thanh niên và Phụ nữ Cộng sản trong vùng (được huấn luyện sử dụng vũ khí tại Halim).
Ngày ra quân đầu tiên kể như hoàn toàn thành công. Tờ Harian Rakjat, nhật báo chính thức của đảng CS đã in lên trang nhất bức vẽ một nắm tay to lớn trên đề chữ GESTAPU đang đấm vào mặt một viên tướng Indonesia. GESTAPU là chữ viết tắt “Gerakam September Tiga Puluh” có nghĩa là “ Cuộc Vận Động 30 Tháng 9”. Tờ báo cũng hô hào dân chúng hãy hưởng ứng cuộc vận động và sẵn sàng đối phó với mọi biến chuyển của thời cuộc.
Biến cố đã xảy ra hoàn toàn bất lợi cho phe cộng. Vì ngay ngày hôm sau, tướng Suharto, tư lệnh Lực Lượng Trừ Bị Chiến Lược (KOSTRAD) đã tung quân tiến chiếm các vị trí trọng yếu, kể cả căn cứ không quân Halim. Sự chống trả ở thủ đô của phe tạo chính biến rất yếu ớt. Tại các quân khu khác quân đội cũng dần dần làm chủ tình thế. Nasution đã cùng Suharto lập kế hoạch bình định trên toàn quốc. Sự phẫn nộ trong quân đội cũng như trong quần chúng đã lên cao đến cực độ từ khi người ta phổ biến các tấm hình các tướng lãnh bị giết và loan truyền những câu chuyện có thể đã được phóng đại về những cái chết thê thảm của họ. Trong tang lễ các tướng lãnh bị hạ sát (mà Sukarno và hầu hết nhân viên Hội đồng Tổng trưởng của ông không dự), Tư lệnh Hải quân đã thốt lên một tiếng duy nhất sikat, có nghĩa là quét sạch, trước đám sinh viên Hồi giáo. “Sikat” đã trở nên một khẩu hiệu khủng khiếp. Thanh niên Hồi giáo đã biết họ phải làm gì với sự tiếp tay của quân đội họ cũng biết là phải quét sạch những gì. Thế là cuộc thanh trừng trên toàn quốc bắt đầu bùng nổ.
Tại thủ đô, trụ sở đảng CS và nhà riêng lãnh tụ Aidit bị triệt hạ. Thanh niên CS và Hồi giáo đánh giết nhau ngay trên đường phố. Trong khi tại các địa phương khác, đâu đâu cũng thấy máu đổ người chết, nhất là ở Java và hòn đảo nhỏ Bali. Quân đội đóng vai phối trí hành quân, nhưng chính thành phần chủ động là thanh niên Hồi giáo. Họ tổ chức thành từng đoàn, võ trang bằng súng ống của quân đội hoặc bằng dao nhọn, sục sạo vào các làng xóm kiểm soát từng gia đình với sự chỉ điểm của phần tử chống cộng địa phương. Họ đã bắt đi hàng xâu đảng viên CS và thủ tiêu ở một ven sông hốc núi nào đó. Nhiều nơi các chi bộ CS có võ trang đã chống cự mãnh liệt. Nhưng nơi nào CS càng cựa quậy thì lại càng bị tàn sát dã man. Ở Trung Java, có làng được kiểm kê là 100% Cộng sản, tất cả dân làng đã bị bắt và bị giết hết chỉ trừ trẻ con. Aidit, lãnh tụ Cộng đảng đã trốn thoát khỏi thủ đô, nhưng vài tuần sau cũng bị bắt tại Trung Java và bị hành quyết.
Cuối cùng 1965, tổng thống Sukarno đã công bố con số người bị giết là 87.000, nhưng một nhân viên trong phái đoàn điều tra của chính phủ cho rằng tổng thống đã chỉ nói ra 1/10 con số thực [7]. Chính phủ đã che dấu sự thực để cho tấm thảm kịch Indonesia được dịu bớt trước mắt thế giới. Ai cũng biết là số người chết còn cao hơn nhiều. Con số có thể chấp nhận được ít ra cũng xấp xỉ nửa triệu [8].
Song song với chiến dịch “triệt hạ Cộng sản” địa phương (mà người Indonesia gọi là Ganjang Kommunis), sinh viên ở Djakarta cũng đốt phá luôn tòa đại sứ Trung cộng trong khu Hoa kiều Glodok. Hoa kiều khắp nơi bị khủng bố đến nỗi Trung cộng phải đem tàu đến chở dần về Hoa lục. Hàng ngày luôn luôn có hàng ngàn gia đình Trung hoa ăn chực nằm nhờ ở bến tàu để đợi có chỗ ra đi.
Sang năm 1966, tuy những ngày khủng khiếp đã qua, nhưng Indonesia vẫn còn tiếp tục sống trên sự xáo động mạnh về chính trị. Sukarno đã cố gắng lấy lại uy quyền một cách tuyệt vọng. Thanh niên, sinh viên liên tục xuống đường đòi lật đổ tổng thống. Hoạt động hăng hái nhất là Mặt trận Sinh viên Hành động (KAMI) và Mặt Trận Học sinh Hành động (KAPPI). Sau cùng, tới ngày 12 tháng 3 năm 1967, hội đồng Tư vấn Nhân dân do tướng Nasution giữ ghế chủ tịch đã bỏ phiếu truất phế Sukarno và bầu tướng Suharto lên thay.
Sukarno rời bỏ chức vị tổng thống năm 1967, nhưng thực sự chế độ Sukarno đã chấm dứt từ năm 1965. Lâu đài NASAKOM do Sukarno xây dựng đã tan rã từ đó, nếu có còn lại gì thì chỉ là một bài học đáng giá chẳng những cho các quốc gia Đông Nam Á mà còn cho tất cả các nước nhược tiểu trên thế giới.
Ghi Chú:
[1] Chữ tắt của ba chữ Nasionalism, Agama, và Komunism.
[2] Năm 1964, Aidit đã nói “khi hoàn tất giai đoạn một của cuộc cách mạng mà chúng ta đang tiến hành, chúng ta sẽ cùng phối hợp với các thành phần tiến bộ khác trong xã hội để đem tổ quốc tới cách mạng xã hội mà không cần võ trang đấu tranh”.
[3] Sau này, khi ngả về phía cộng sản, Sukarno đã cố cứu vãn những đổ vỡ Quốc Cộng trong quá khứ bằng cách đề cao Tan Malaka là anh hùng dân tộc. Năm 1962 bản tiểu sử Tan Malaka đã được chính thức công bố trong đó có đề cập đến cái chết của ông mà nhà cầm quyền đã che đậy bằng cách cho là bị bắn lầm.
[4] Ngày 17 tháng 8 năm 65 trong lễ kỷ niệm Độc lập, Sukarno còn đề cập đến một cái trục lòng thòng hơn từ Djakarta qua Phnom Penh tới Hà Nội, Bắc Kinh, và Bình Nhưỡng (Bắc Hàn).
[5] Trong dịp này Sukarno đã rút Indonesia ra khỏi tổ chức Liên hiệp quốc.
[6] Đảng Hồi giáo Cấp tiến Masjumi đã bị giải tán năm 1960, sau này chỉ còn đảng Hồi giáo Bảo Thủ Nahdatul Ulama với 6 triệu đảng viên hoạt động và 20 triệu đoàn viên hỗ trợ.
[7] John Hughes, Indonesia Upheaval, David McKay, 1967.
[8] Báo chí ngoại quốc qua sự điều tra riêng đã đưa ra những con số khác biệt nhau: Tờ Life ước tính 400.000, tờ Washington Post nửa triệu, tờ New York Times cho là trên nửa triệu, còn tờ Economist ở Luân đôn gói tròn một triệu (trong đó Java 800.000, Bali 100.000, còn 100.000 tại Sumatra và các đảo khác).