Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Chương 9: Thăm Giòng Bến Hải…
Đ
ể phục vụ cho công tác COLUMBUS, tôi phải học và thực tập cũng như nghiên cứu về cách tiếp xúc với các linh mục. Trong một xã hội với bao chế ngự trong chính sách kìm kẹp của Cộng Sản đối với người dân, các linh mục đã có nhiều kinh nghiệm xương máu, cho nên dù trong lòng có muốn tiêu diệt Cộng Sản đến đâu chăng nữa, cũng không thể vội vàng lớ ngớ tham gia vào những chuyện không mấy tin cẩn để thiệt thân, chết lây. Do đó, là một cán bộ tình báo miền Nam, trước hết tôi phải tỏ ra điềm đạm, bình tỉnh, đủ khả năng, bản lĩnh xoay chuyển tình thế nếu gặp sự bất thường. Thêm nữa, các linh mục là những người có địa vị, có học, vậy ít ra tôi phải có kiến thức về nhiều mặt của xã hội, cộng với tư cách, tác phong. Có như vậy, tôi mới khả dĩ lôi cuốn được các linh mục. Thế mà tôi lại không đủ sức, cho nên tôi rất băn khoăn.
Sau đấy, tôi thực tập rất nhiều buổi tiếp xúc với một, đôi người lạ, đóng vai các linh mục ở miền Bắc. Ông An cũng như ông Phan, và cả những người tôi phải tiếp xúc thực tập, đều nói:
- Thế là Bình làm được rồi!
Tôi nghĩ, bắt buộc họ phải nói “được rồi,” chả lẽ nói “không hay chưa được,” làm sao tôi đi!
Tôi yêu cầu cho tôi được tiếp xúc với một người nào đó đã ra ngoài Bắc vửa mới trở về để học hỏi kinh nghiệm. Sự yêu cầu này đã không được đáp ứng, và cũng không được trả lời. Lúc đó, tôi ngây thơ nghĩ rằng, có thể vì sự ngăn cách an ninh về cả hai phía, cho nên lời yêu cầu của tôi đã không được giải quyết. Sau này khi ra miền Bắc, có điều kiện nhìn được thực tế, cũng như có thêm được một số kiến thức để phân tích và lý luận, tôi thấy những điều tôi nghĩ trước kia là không đúng.
Để đáp ứng lời yêu cầu của tôi, thay vào đó, Cục cho tôi gặp 4 người vượt tuyến mới nhất. Thậm chí có người chỉ mới vào nửa tháng, ở Trung Tâm Tiếp Đón đồng bào vượt tuyến bên Gia Định. Tôi và An đóng vai nhân viên Phòng Báo Chí phủ Tổng Thống cầm giấy giới thiệu sang gặp Thiếu tá (tôi quên tên) Trưởng trại.
Tôi sang hai lần, mỗi lần gặp hai người, mỗi người gặp vào một giờ khác nhau. Hôm đầu, chúng tôi tiếp xúc với một người là bộ đội và một người là giáo viên cấp III, trường Thăng Long Hà Nội. Hôm sau, một người tài xế xe đò, một người là giáo viên cấp II ở Thanh Hóa. Dĩ nhiên, tất cả những người này kể cả trưởng trại; không thể hiểu ý đồ thực của chúng tôi. Để đánh lạc hướng, thỉnh thoảng chúng tôi mới xen vào giữa những câu phỏng vấn thông thường, vô bổ là một số câu hỏi câu hỏi cần thiết mà chúng tôi muốn tìm hiểu. Bốn cuộc gặp gỡ này đã giúp chúng tôi hiểu biết nhiều vấn đề, rất hữu ích khi tôi ra Bắc.
Trên tấm bản đồ quân sự loại lớn, bằng giấy dầy, bóng. Từng miếng 40×60 phân, ghép lại kín cả nền một căn phòng rộng. Hàng ngày, Brown và Dale hướng dẫn tôi nghiên cứu về quốc lộ 1 (từ Vĩnh Linh ra tới Hà Nội,) khu phi quân sự; thành phố Hà Nội, tỉ mỉ, chi tiết; nhất là khu phi quân sự Bắc và huyện Vĩnh Linh. Để phòng hờ biết bao tình huống có thể trục trặc không đón được tôi; tôi phải về bằng đường bộ. Vì thế, tôi đã hai lần phải ra tận bờ sông Bến Hải; dùng ống nhòm quan sát thực tế các điểm chuẩn, của khu phi quân sự Bắc.
Một điều tôi không quên, một lần tôi và Hoàng công An xuống trường bay Phú Bài. Người trách nhiệm đón chúng tôi không ai xa lạ, lại chính là ông Hương. Ông Hương và tôi nhìn nhau ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Chính An cũng ngạc nhiên không ít, không hiểu sao tôi lại biết ông Hương từ trước.
Từ ngày tôi bị loại ra khỏi lớp học đặc biệt, tôi chỉ nghe Lý nói loáng thoáng là ông Hương sau này mắc khuyết điểm gì đó về tài chính, nên không còn làm Giám Đốc lớp học đó nữa. Có lẽ do ý thức nghề nghiệp cho nên khi bắt tay tôi, ông Hương chỉ nói:
- Bình vẫn như xưa, tay hay gầy, nhưng vẫn đẹp trai!
Ông không hề nhắc nhở đến những chuyện cũ ở số 2 J.J. Rousseau. Ông Hương sau đó, lái xe đưa chúng tôi về một khách sạn ở Huế. Những ngày ở đây, đêm ngủ, luôn luôn có người canh gác tôi. Cũng từ đó cho đến gần cuối cuộc đời, lúc thức cũng như lúc ngủ; lúc nào tôi cũng có người canh gác. Cứ nghĩ đến, tôi lại nhếch mép tự mỉm cười.
Ông Hương lái xe đưa chúng tôi vào khu phi quân sự. Trong rừng bên này bờ Nam, tôi thấy đó đây có những người mặc đồ nâu, gài một miếng vải đỏ bằng hai đốt ngón tay ở khuy áo, lầm lũi canh gác. Có lẽ họ đã giấu súng trong người. Qua ánh mắt và thái độ của họ, tôi hiểu ông Hương là người chịu trách nhiệm chỉ huy toàn bộ hệ thống canh gác bờ phía Nam.
Tôi ngắm giòng Bến Hải. Con sông đã đi vào lịch sử đau thương của dân tộc, vẫn lững lờ chảy xuôi về phía cầu Hiền Lương. Đây đó, một vài chiếc thuyền nan chài lưới phía bờ bên này, cũng như phía bờ bên kia. Tôi biết những người dân “chài lưới” này, dứt khoát không phải là dân bình thường. Bởi vì theo thỏa hiệp Genẻve giữa hai bên: Ranh giới hai miền là giữa giòng sông Bến Hải, và giữa cầu Hiền Lương. Vậy, vì lý do vô tình hay hữu ý, những thuyền này lấn sang khỏi ranh; phía bên kia có quyền bắt giữ. Lúc đó, những người dân chài này không còn thuộc quyền kiểm soát của bên bờ cũ nữa.
Tôi đi sát dọc bờ sông, có chỗ hai bờ cách nhau chỉ chừng ba chục mét. Nhìn thấy cô gái áo nâu, phía bên kia bờ, quần đen lăng xăng, chạy ra, chạy vô tưới mấy luống rau. Lòng tôi bỗng bâng khuâng, mắt dõi về hướng Bắc xa vời, nơi có Hà Nội cam go đợi chờ. Bất chợt, các cô ấy rối rít vẫy tôi, miệng cười duyên. Ý các cô ấy muốn tôi lội xuống nước, bơi sang. Thấy vậy, ông Hương nói với tôi:
- Tất cả những người dân tron khu phi quân sự Bắc, đều bị Cộng Sản bắt rời khỏi, ra ngoài 5 cây số, kể từ bờ Bến Hải. Rồi chúng đưa toàn công an mật vào, làm nhà cửa, cầy cấy, trồng tỉa như thường dân. Bình hãy dùng ống nhòm nhìn kỹ vào trong rừng sẽ thấy có những vật di chuyển; thậm chí còn có người bí mật ngồi trên cây canh gác nữa.
Đúng như vậy! Sau này, tôi thấy biết bao người vượt tuyến, bị bắt với bao nhiêu tình huống cười ra nước mắt ở trong nhà tù Cộng Sản.
Nhìn chéo xa xa phía bên kia, ngôi nhà thờ Hải Cụ bị rêu phong và cây cối che phủ, chỉ còn là một hình thù xám xịt, nhô lẫn trong lùm cây xanh. Cảnh hoang liêu cô tịch của nhà thờ khiến lòng tôi tím thẫm. Tôi hình dung đến cảnh sống của người dân Công giáo miền Bắc; hẳn không khỏi khắc khoải tối tăm.
Ông Hương bổng nói:
Sông Bến Hải, đi ngược quá vào phía trong; mùa nước cạn, nhiều chỗ chỉ cần xắn quần lội qua cũng được.
Giòng sông nhỏ bé và nông cạn như thế! Vậy mà nó đủ sức ngăn đôi một dân tộc, trong bao nhiêu năm trường! Đối với một dân tộc có truyền thống thương yêu, đùm bọc của người cùng một nước:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương.
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
(Ca dao)
Vậy, lỗi này do ai?
Sau khi về tới Sài Gòn, cũng đã gần tới ngày lên đường, do đó, một số công việc còn lại cần phải làm khẩn trương và dồn dập hơn. Tôi phải tập xử dụng một số loại thuốc hóa trang, hồng ngoại tuyến…..
Một điều tôi quên. Khi đi vào đất địch, tất yếu tôi sẽ gặp muôn ngàn điều chưa thể biết. Vì vậy, để phòng hờ; từ hơn hai tháng trước, Phan đã đưa cho tôi một chiếc nhẫn bạc mặt vuông có khắc chữ thọ. Chiếc nhẫn này, cũng như trăm ngàn chiếc khác; chỉ khác một điểm là, mặt trong có đóng chìm xuống con số 42. Phan bắt tôi đeo, nhìn cho quen mắt và phải nhớ nhập tâm. Phan cũng còn đưa cho tôi một tấm hình cỡ 6×9, hình chùa Một Cột ở Hà Nội. Phía sau lưng và góc trên của tấm ảnh, có ghi con số 1618 nhỏ xíu bằng bút chì. Tôi nhớ được con số 1618, vì nó liên quan đến ngày tôi trao tài liệu M.
Hơn một tuần sau, Phan lấy lại và hỏi:
- Bình đã nhớ chưa?
Tôi gật đầu, Phan nói tiếp:
- Nếu sau này, bất cứ ở đâu, thời gian nào và bất cứ ai đưa tấm hình này ra; thì người đó chính là người sẽ trao lệnh của Sài Gòn cho Bình.
Một hôm, Dale và Brown đến gặp tôi, bảo:
- Hôm nay, Bình sẽ tập xử dụng bút chì mật.
Họ giải thích:
- Đây là một loại dụng cụ mới nhất trong ngành tình báo. Bút chì mật nhỏ bằng 2/3 của lõi bút chì thường. Dài độ 6 - 7 phân, mầu đen xám, không mùi vị. Một đầu hơi vát, nhờn nhợn, giống như một mẩu sợi ni lông thường. Brown và Dale nói là: Mẩu bút chì này hiện nay nếu muốn bán cho Cộng Sản hàng triệu nó cũng mua. Nó sẽ phân chất và sẽ biết cách phát hiện những chữ ta ghi, từ đó nó sẽ tìm ra được nhiều sự việc.
Bởi vì, khi ghi chép, nét chữ không có dấu vết. Muốn đọc, phải dùng một loại hóa chất đặc biệt bôi lên mặt giấy, chữ mới hiện ra. Điệp viên ghi tài liệu mật vào những khoảng trống trên ngay sách báo của địch. Thấy trước mặt, chúng cũng không biết; kể cả mẩu bút chì cũng vậy.
Tôi phải tập viết bằng mẩu chì mật này nhiều lần, trong nhiều ngày. Sao cho khi viết, không để lại vết gợn nào trên mặt giấy. Nghĩa là tờ giấy vẫn bình thường, và cũng không được mất nét chữ; sau này, khó đọc và khó đoán ra. Khi tôi ra tới miền Bắc, thực tế cho thấy, là thời gian này Cộng Sản chưa hế biết gì về bút chì mật. Tôi đã giấu mẩu chì này tới 1975, khi miền Nam thất thủ, tôi mới tiêu hủy.
Tôi đã biết rất nhiều loại mực để viết thư mật, nhưng tôi thừa nhận, loại chì mật là đơn giản và thuận tiện nhất. Có thể ngày nay, điệp viên của nhiều nước vẫn còn dùng.