Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
hiếc xe hạng nặng dùng để kéo gỗ đang đổ dốc để vượt suối. Nước sơn màu vàng cam đã bị tróc nhiều chỗ, thân xe chỉ là một mặt bằng không có thành chân nên đồ đạc người di tản phải dồn lại một chỗ gần sát ca bin để ràng buộc thật chắc bằng dây ni lông. Từ cần cẩu nhỏ treo ròng rọc mắc xích kéo gỗ, người ta cột chóp của một cái dù nhà binh, làm mái che nắng che sương cho những người theo xe. Trước khi chiếc xe be xuống dốc, theo lệnh của anh Quân cảnh Tài, không ai còn được ngồi nán trên xe nữa.
Đại úy Vinh thấy chiếc xe be sắp tăng ga leo dốc, nói với Ngữ:
- Ông qua bên kia với tôi. Phải buộc chiếc xe be này dừng lại thay thế cho chiếc cần cẩu Công binh, phải cho chiếc cần cẩu đi thôi.
Hai người qua suối. Nước suối trong vắt ở phía bên trên đường xe chạy, chảy róc rách giữa những tảng đá lớn bị mài tròn nhẵn.
Vài con cá suối màu đen bạo dạn bơi gần đường xe chạy, thấy bóng ông Vinh và Ngữ đổ xuống lòng suối vội bơi núp vào các khe đá. Ngữ cúi xuống vốc nước suối rửa mặt, bị ông Vinh giục:
- Nhanh lên ông ơi! Phải lên giữ, không chiếc xe be chạy mất.
Họ lên kịp vào lúc Thượng sĩ Hạp cũng đang gắng thuyết phục cho chiếc xe be dừng lại. Người tài xế gân cổ cãi:
- Ông lấy quyền gì bắt tui đậu lại đây. Ở đây không ai có quyền ra lệnh cho ai cả.
Thượng sĩ Hạp nói:
- Tôi có quyền. Quân cảnh có trách nhiệm giữ lưu thông cho đoàn xe này. Cả chiếc xe cần cẩu Công binh kia mà cũng phải làm phận sự.
Người tài xế không chịu thua, lý sự trở lại:
- Quân cảnh ra lệnh cho quân sự được, nhưng không ép xe be được.
Đại úy Vinh chen vào nói:
- Anh nói cái gì? Quân cảnh không có quyền bắt anh đậu xe lại hả? Tôi là sĩ quan Quân cảnh cao nhất ở đây đây. Tôi ra lệnh cho anh đậu lại, chờ có xe khác tới thay mới được đi. Anh có chịu nghe không, cho tôi biết.
Nói xong, ông Vinh sờ lên khẩu súng lục đeo ở hông. Người tài xế đăm đăm nhìn ông Vinh, cố đo lường mức độ cương quyết của viên đại úy Quân cảnh. Cuối cùng, anh ta quay đi, bước chậm về phía chiếc xe be đang nổ máy, miệng nói lớn để gỡ thể diện:
- Đù mẹ không được bắt ở lại lâu đó nghe. Đã đến nước này mà còn làm tàng. Bữa nay xui tận mạng!
Đại úy Vinh đến gặp người tài xế chiếc cần cẩu cho phép tiếp tục hành trình. Tin vui lan nhanh. Đám người quá giang lục tục kéo lên, nét mặt hớn hở. Ba người mặc đồ trận rằn ri không đủ bộ vác khẩu M-16 lên vai như vác củi cũng vừa lên khỏi dốc. Thấy thượng Sĩ Hạp đứng đó, một người lớn tiếng hỏi:
- Đù mẹ cho đi rồi hả ông trời con?
Thượng Sĩ Hạp làm ngơ như không nghe thấy, tránh nhìn về phía đám lính. Một người lính khác nói:
- Về tới dưới đó “tính sổ” nghe con!
Ngữ thấy Thượng Sĩ Hạp bậm môi lại, vội ngăn:
- Thôi, anh nhịn họ đi. Gây gổ chỉ thêm phiền!
Thượng Sĩ Hạp tức giận nói:
- Bộ mình bắt tụi nó ở lại để mình giành đi trước sao chớ! Cái gì cũng phải có lý mới được.
Đại úy Vinh cũng cáu:
- Thôi bỏ đi tám!
Anh Hạp nguôi giận, nhưng nét mặt vẫn còn buồn. Những người đi theo chiếc xe cần cẩu đã leo lên xe đầy đủ. Đám lính ngồi ở phía sau cười nói ồn ào, hết người này tới người kia thay phiên nhau tung hứng chọc giận Thượng Sĩ Hạp. Đại úy Vinh thấy tình trạng này có thể làm cho anh thượng sĩ nổi xung rồi gây xung đột, nên bảo:
- Hạp về bên kia nghỉ đi. Tôi thay cho… Nói với mọi người chuẩn bị sẵn sàng, hễ có toán Quân cảnh nào tới là mình bàn giao đi liền.
Chiếc xe cần cẩu đã chuyển bánh. Mấy người lính vẫy tay chào viên thượng sĩ. Ai đó nói lớn:
- Thôi ở lại nghe “con”. Nhớ bớt làm tàng để giữ mạng nghe “con”!
Thượng sĩ Hạp đang bước về phía dốc, quay ngoắc lại giận dữ, nhìn theo những người vừa nói hỗn với anh. Anh nắm cú tay lại, đưa nắm tay lên nhứ nhứ trước mặt hàm ý bảo mình chẳng ngán gì cả, có chịu chơi thì ở lại đây chơi với anh. Một loạt súng M-16 nổ. Anh thượng sĩ kinh ngạc chẳng hiểu ai bắn, rồi bắt đầu thấy mọi sự quay cuồng. Anh gục xuống trên mặt đất đỏ ngai ngái mùi xăng bị nắng đốt.
° ° °
Đối với những người lần lượt vượt con suối cạn chậm chạp theo đoàn xe trước mặt đi về hướng Củng sơn, cái chết của một người nào đó chỉ làm họ lao xao vài phút rồi thôi. Họ đã chứng kiến nhiều cảnh thương tâm trên đường đi, gặp những rủi ro bất ngờ, nên thêm một cái rủi ro khác (lại không phải cái rủi ro của mình) thì việc gì phải bận tâm nhiều. Những cuộc phục kích thế nào cũng xảy ra trên đoạn đường dài trước mặt, cái máy xe chạy chậm nhiều hôm bắt đầu trở chứng, con nít bắt đầu cảm bệnh, lương thực bắt đầu cạn… biết bao nhiêu điều thiết thân cần phải lo hơn.
Nhưng đối với bốn gia đình quân cảnh đi trên hai chiếc Jeep lùn và Dodge-4, cái chết của Thượng sĩ Hạp đảo lộn tất cả mọi thứ.
Ngay sau khi biết tin bên kia suối viên thượng sĩ bị bắn chết, bên này suối ba người lính Quân cảnh đang điều khiển lưu thông vội vã bỏ phận sự, vội vã trở về xe giấu biệt bộ quần áo có phù hiệu Quân cảnh. Như chim sổ lồng, những chiếc xe nhà binh ỷ máy mạnh liền lấn đường phóng tới, lao xuống suối, rồ máy trườn lên dốc mà không cần dừng lại để cho người quá giang xuống xe, đề phòng trường hợp nguy hiểm. Nhịp xe chạy nhanh hơn trước đối với những xe lớn và xe nhà binh. Các chiếc xe dân sự thiếu tự tin và liều lĩnh dừng lại bên này suối, vì cẩn thận quá mà bị qua mặt, cuối cùng đâm liều, tới đâu hay đó.
Hai chiếc xe Quân cảnh cũng đã qua bên kia, lách đoàn đậu lại một khoảng đất trống cách khúc ngoặc đầu dốc độ vài mươi thước để lo chôn cất anh Hạp.
Chị vợ anh Hạp và bà mẹ anh Hạp gần như mê muội đi trước tai họa bất ngờ. Ban đầu người ta khiêng xác anh Hạp sang bên mé đường. Vũng máu của anh bị bánh xe cán lên, mang đi xa một đoạn thành một vết dài mầu thẫm hình răng cưa. Rồi ngay cả cái vết răng cưa mầu thẫm ấy cũng nhạt dần, lớp đất đỏ thẫm máu bị mang đi xa hơn, rải đều xuống phía đông. Những ngọn gió rừng thổi thốc lại cuốn lớp bụi thẫm máu anh lên không trung, cát bụi trở về với cát bụi.
Khi hai chiếc xe Quân cảnh tìm được chỗ đậu xa đường, xác anh Hạp được di chuyển sâu vào bên trong. Từ đó, anh biến mất khỏi dòng chung. Anh chỉ còn là nỗi bận tâm, thương tiếc, nghẹn ngào, hối hận… của những người thân thuộc, bạn bè cùng đi với anh.
Chị Hạp ôm lấy xác chồng, áp mặt lên chỗ ngực bị loạt đạn M-16 làm vỡ toang thành một lỗ sâu hun hút phía trước, và một khoảng bầy nhầy đỏ loét phía sau lưng. Máu anh Hạp dính be bét lên khuôn mặt tái xanh thất thần của chị vợ, mấy sợi tóc rũ trước trán và tóc mai bên phải bị máu se thành ra dính cứng lại như lông nhím. Chị Hạp vùi mặt lên xác chồng nhưng vẫn chưa tin hẳn là anh đã chết, không còn cứu vãn gì được nữa.
Đến khi qua khỏi con hoang mang mê muội, biết rõ sự mất mát vô phương cứu chữa, chị mới nổi giận. Chị phát điên. Thấy ông Vinh, chị nhào đến cấu xé áo ông. Chị la lớn, giọng khàn đặc:
- Tại mày mà chồng tao chết. Tại mày. Trời ơi! Sao anh chết oan ức tức tưởi vậy anh ơi! Anh nỡ nào bỏ em với mấy con mà đi đành đi đoạn vậy anh ơi!
Ngữ gỡ tay chị Hạp ra khỏi áo ông Vinh. Viên đại úy lặng lẽ tìm một chỗ ngồi xuống, quay lưng về phía đám người đang lo an ủi gia đình người xấu số. Đầu ông cúi xuống giữa hai đầu gối. Ông bẻ một ngọn cây dại gần đó vẽ những hình thù không ra hình lên mặt đất, lòng buồn vô hạn. Và tuyệt vọng vô hạn. Có cái gì đã chết trong lòng ông, viên thượng sĩ cần mẫn và có tinh thần trách nhiệm cao đã mang đi một cái gì vô cùng quan trọng trong tâm hồn ông. Ông ray rứt tự hỏi: “Mình có tội không? Cái sáng kiến ông đưa ra, cái sáng kiến đánh đổi bằng mạng sống của một thuộc cấp ông thương phục, thật ra có ích gì? Đâu có chiếc xe nào bị lật trong thời gian ông bắt thuộc cấp dừng lại điều khiển lưu thông? Và sau khi anh Hạp chết, lính của ông bỏ việc, đã có vụ trục trặc lưu thông nào đâu? Ông thật đáng bị chị Hạp chửi rủa mày tao”. Ông lặng người, chỉ còn ước được nằm xuống yên ổn tại đây.
Bà mẹ thượng sĩ Hạp giữ được bình tĩnh hơn nàng dâu. Bà cụ lo an ủi các cháu, và góp lời bàn tính chuyện chôn cất anh ở đâu để sau này tìm lên cải táng cho dễ. Lũ con anh Hạp thút thít khóc nhưng không đứa nào dám mon men đến gần xác cha. Chúng cảm thấy sợ hãi, thấy cha mình đã trở thành một cái gì khác hẳn, nếu chúng không khéo léo hay dè dặt, con người đang nằm im kia có thể nổi giận, và trừng phạt chúng.
Các đồng đội cuốn xác anh Hạp vào một chiếc poncho, một nhóm khác đào một cái huyệt ở sườn đồi không xa đường cái bao nhiêu. Chị Hạp đã thôi vật vã oán trách, nhưng chị như người mê, ngồi bên các con, mắt nhìn mông ra phía trước, thất thần, miệng lảm nhảm những câu rời rạc vô nghĩa. Đêm đã xuống, đoàn xe đã dừng lại nên việc chôn cất bớt được cái thấp thỏm lo âu là vì tai nạn mà bị bỏ rơi lại đàng sau. Thấy bà cụ mẹ anh Hạp cứ thắc mắc không biết sau này làm sao tìm được mộ con để cải táng, Ngữ đã gỡ miếng ván ở thùng gỗ trên xe ra tạm làm tấm bia. Lục tìm mãi, Ngữ mới vớ được cây viết nỉ mầu đen để viết tên anh Hạp lên tấm ván gỗ thông. Cả gia đình người xấu số không ai nhớ được ngày sinh của anh. Cũng không ai nghĩ tới chuyện lục cho ra thẻ căn cước quân nhân của anh để biết cho rõ ngày anh ra đời. Ngữ phải viết tạm dòng chữ: “? – 21-3-1975″ ở bên dưới tên “Nguyễn Đức Hạp”, rồi đề phòng mưa làm hoen vết mực, Ngữ tìm cái túi ni lông trong phủ lấy tấm ván bia.
Bà cụ mẹ anh Hạp muốn thay quần áo cho con, nhưng các đồng đội của anh khuyên bà cụ không cần phải làm vậy. Họ sợ khi cởi áo anh ra, vết thương sẽ làm cho chị Hạp hoặc bà cụ đau đớn hơn. Tấm poncho cũ gói lấy xác người xấu số, hai quân cảnh Tài và Lưu lấy dây dù cột cái xác lại. Mẹ anh Hạp nhắc nhỏ, giọng yếu ớt gần như van nài:
- Hai chú nhẹ tay cho một chút. Đừng siết sợi dây chặt quá. Thôi, con đi. Mẹ sẽ lo cho con Hai với mấy đứa nhỏ. Mẹ tưởng con vào Quân cảnh thì con chôn mẹ, ai ngờ bây giờ mẹ chôn con. Con chịu khó ở đây ít lâu, hễ yên là mẹ với con Hai lên đem con về dưới. Con có thương thì rán theo phù hộ cho vợ con được bình yên về tới quê. Ba mươi năm trời con đi đâu mẹ cũng theo để săn sóc con. Bây giờ thì…
Bà cụ nghẹn lại, sụt sùi khóc. Tài và Lưu buộc xong cái xác, chạy lại xin lệnh Đại úy Vinh. Ông buồn rầu nói:
- Các anh đến xin bà cụ cho phép mai táng. Tôi ra ngay bây giờ.
Bà mẹ anh Hạp đồng ý cho chôn cất. Bốn người lính Quân cảnh chia nhau nâng cái poncho gói xác lên, chậm rãi khiêng anh Hạp lại phía khuôn huyệt đào sẵn. Ngọn đuốc cuốn bằng vải cũ thấm xăng chiếu ánh sáng lập lòe đưa đường. Mẹ anh Hạp dìu con dâu và mấy đứa cháu đi sau bốn người khiêng xác, tiếp theo là đại úy Vinh. Ngữ, những người đồng ngũ và vài chục người lạ hiếu kỳ. Đoạn đường đưa xác ngắn và gập ghềnh, không ai nói với ai lời nào nên nghe rõ cả tiếng những cành cây nhỏ bị các gót chân dày lên, tiếng sỏi đá lăn xuống sườn đồi, tiếng gió rừng thổi vào ngọn lửa đuốc.
Gói xác được đặt nằm song song với khuôn huyệt cạn. Chị Hạp bắt đầu khóc, mỗi lúc tiếng khóc càng ai oán. Bà mẹ cũng thút thít cùng với đám cháu. Không cần ai nhắc, tám người lính quân cảnh xếp hàng trước gói xác của đồng đội. Tang lễ đơn giản nhưng trang nghiêm giữa cảnh núi rừng mênh mông, dưới ánh sáng ngọn đuốc lập lòe tự nhiên có một vẻ thiêng liêng kỳ diệu. Chị Hạp nín khóc đưa mắt nhìn hàng lính đồng ngũ với chồng với ánh mắt cảm động và biết ơn. Chị chỉ bật khóc trở lại khi người ta bắt đầu nâng gói xác lên và hạ huyệt.
° ° °
Đêm ấy, quá một giờ khuya, cả đoàn di tản giật mình xôn xao, nhốn nháo tìm chỗ nấp khi tiếng đạn lớn nhỏ nổ ì ầm ngay trên hai ngọn đồi cách đường chừng một cây số. Lúc trời còn sáng, người ta nhìn được trên đỉnh ngọn đồi trọc phía tay phải hình dáng của những công sự, tháp canh in lên nền trời, và sau khi dò hỏi, được biết đó là một căn cứ hỏa lực của địa phương quân. Đã lâu lắm, gần như suốt hai ngày đường vừa qua, không ai nhìn thấy dấu vết một đơn vị quân sự nào trấn giữ an ninh cho lộ trình; cho nên khi nhìn thấy căn cứ nói trên, ai cũng cảm thấy yên tâm, lạc quan, nghĩ rằng từ đây dù xe chạy có chậm đường có xấu nhưng hai bên đường đã có bạn hữu hờm súng ngăn chận địch phục kích đoàn xe. Thế mà tối nay, lại có súng nổ qua lại giữa căn cứ ấy với một đơn vị khác, đóng ở một ngọn đồi xế về bên trái. Địch ở trên ngọn đồi đó chăng? Những tia lửa đạn trao qua lại giữa hai căn cứ xác định rõ ràng địch đã có mặt ở đây. Chừng nửa giờ sau khi phát súng nổ, hai chiếc trực thăng võ trang bay tới, ánh đèn xanh đỏ chớp nháy giữa bầu trời đen báo hiệu đường đi, rồi những tia lửa đạn đại liên phun xuống căn cứ lạ xác định một lần nữa quân địch đã tới. Tia đạn chụp xuống mặt đất theo hình chóp nón, và từng lúc từng lúc hai cái chớp lửa xê dịch dần đến chỗ địch đóng chốt.
Hai chiếc trực thăng bay trở về hướng đông, tiếng súng thưa dần, rồi tắt hẳn.
Ngữ ngồi bên Đại úy Vinh lặng lẽ quan sát cuộc giao tranh. Từ sau đám tang, Đại úy Vinh không nói năng gì. Ngữ muốn để cho bạn nguôi bớt nổi ân hận đang canh cánh, nên cũng không muốn tìm lời quấy rầy bạn. Ngữ thấy hai hình chóp nón sáng lòe trên màn đêm có một vẻ đẹp vừa bi tráng vừa ma quái, muốn nói lên nhận xét ấy với ông Vinh, nhưng thấy nét mặt bạn lầm lì, Ngữ cụt hứng, làm thinh. Chỉ tới khi tiếng súng đã im, Ngữ mới nói:
- Họ đã có mặt ở đây. Ngay bên nách chúng ta, không biết lúc nào họ mới ra tay. Máu sẽ đổ thành suối nếu họ ra tay. Cả đoàn người hỗn độn thế này, nội chuyện chen nhau tìm chỗ nấp cũng đủ dày lên nhau mà chết.
Đại úy Vinh trầm ngâm một lúc lâu, mới đáp:
- Nếu tôi là họ, tôi sẽ không ra tay. Ra tay làm gì mới được chứ! Dòng nước lũ này kéo tới đâu chắc chắn sẽ cuốn sập nhà cửa chôn vùi mọi thứ tới đó. Việc gì phải mất công chận dòng nước lũ ấy lại? Giả dụ chúng ta an toàn về được tới Tuy hòa. Giã dụ bấy giờ Tuy hòa vẫn còn đứng. Ông thử tưởng tượng dân Tuy hòa sẽ làm gì khi đoàn xe đoàn người hỗn loạn vô trật tự này dồn về đấy. Họ bị mất tinh thần, phải lo chạy. Nước lũ lại cuốn về phía Nha trang. Liệu Nha trang có đứng nổi không? Quân đoàn đã về đó. Đứng được chứ gì? Tôi nghi lắm! Không phải vì cái chết của Hạp mà tôi bi quan đâu. Hạp chết, tôi thấy rõ thêm một điều mấy đêm trước tôi chỉ thấy lảng vảng, mơ hồ. Chúng ta đang sống vào một thời kỳ lạ lùng, khó hiểu, bất ngờ. Chỉ vài tuần lễ trước đây, cả ông lẫn tôi không bao giờ nghĩ tình hình có thể xảy ra như thế này. Cả một trật tự tự nhiên rệu rã, những kẻ tưởng là sắt thép làm nòng cốt cho xã hội, đột nhiên trở thành sét rỉ, mọi giá trị cứ mũn ra. Mỗi người như bị hụt hẫng vì mất điểm tựa, quờ quạng theo bản năng, cuống quít lăng xăng chạy loạn cào cào để tìm một điểm tựa mới, một chỗ trú ẩn mới mà không hề biết sẽ tìm ở đâu. Cái đau là chính tôi với ông phải chứng kiến tận mắt cảnh tan rã chậm chạp đó, cảnh suy sụp bi đát mà không làm gì được. Ông biết không, lúc Thượng sĩ Hạp bị bắn, phản ứng đầu tiên của tôi là chụp lấy súng dợm rượt theo chiếc xe cần cẩu để thanh toán những người lính đó. Nhưng tôi kịp dừng lại, rồi chán nản kinh khủng. Tôi kịp nhận ra rằng có làm cái gì cũng vô ích thôi.
Ngữ thấy bạn quá tuyệt vọng, tìm cách an ủi:
- Ông còn bị mặc cảm tội lỗi vì Hạp chết. Ông chưa được bình thường. Rồi mọi sự sẽ qua đi. Ngày mai, ngày mốt, ông sẽ thấy khác. Sự sống có khả năng tự hồi sinh kỳ lạ lắm. Rồi ông sẽ thấy. Tôi nghĩ cuộc tan rã này không lan rộng đâu. Người ta sẽ tìm cách khoanh vùng nó lại, như khi có đám cháy thì một đám cứu hỏa hạng bét cũng biết phải phá sập những thứ có thể dẫn lửa ra khắp chung quanh.
Giọng ông Vinh rã rời:
- Liệu bọn ngồi cao làm được việc ấy không? Trước khi ông ra đây với tôi, tôi có mở radio nghe tin tức. Ông biết chưa? Sài gòn đã ra lệnh rút Thủy quân lục chiến và Dù ra khỏi Huế – Quảng trị. Đài BBC phỏng đoán là ông Thiệu sợ đảo chính nên đưa quân trừ bị về bảo vệ Sài gòn. Hai binh chủng ấy mà rút đi thì từ đèo Hải Vân trở ra như nhà mất nóc. Thiên hạ lại bồng bế nhau chạy. Thế nào rồi cũng đi đứt cả Vùng 1.
Ngữ lặng người bàng hoàng. Chàng nghĩ tới Lãng, rồi nghĩ tới Huế thân yêu. Tim Ngữ đau nhói. Gió từ xa đưa lại tiếng khóc nỉ non của chị Hạp, lẫn với tiếng lao xao của hàng vạn người không chợp mất được dưới đêm sương.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương