Nguyên tác: The Gun Seller
Số lần đọc/download: 1495 / 11
Cập nhật: 2017-05-20 08:59:59 +0700
Tám
T
ôi đăng lính, để trưởng thành trong vinh quang, Và bị bắn để lấy sáu xu một ngày.
CHARLES DIBDIN
Một khoảng thời gian nào đó đã trôi qua. Có thể một khoảng thời gian dài đã trôi qua, có lẽ thế, nhưng sau vụ tai nạn xe, tôi bắt đầu hoài nghi một chút về thời gian và cách hành xử của nó. Vỗ vỗ vào túi tôi sau mỗi lần gặp gỡ, kiểu như thế.
Không có cách nào để đo lường bất cứ điều gì trong căn phòng này. Ánh sáng nhân tạo, bật thường trực. Mức âm thanh thì chẳng gợi lên điều gì. Nghe thấy tiếng bình sữa cọ vào nhau trong một cái thùng, hoặc có ai đó rao “Evening Standard, ấn bản năm giờ mới phát hành” cũng có thể giúp ích một chút. Nhưng ta không thể có mọi thứ.
Thiết bị đo thời gian duy nhất trên người tôi là bọng đái, nó nói với tôi rằng khoảng bốn tiếng đã trôi qua kể từ lúc ở nhà hàng. Điều đó không khớp hoàn toàn với mùi nước hoa cạo râu được cho là từ Chải Chuốt. Nhưng mà, những thứ bọng đái rẻ tiền nhiều khi chẳng đáng tin tưởng một tí nào, mẹ kiếp.
Richie chỉ rời phòng duy nhất một lần, để đi kiếm một cái ghế. Trong khi hắn đi tôi cố thoát ra khỏi dây trói, buộc tấm chăn lại với nhau, rồi tụt xuống đất, nhưng tôi mới chỉ giải phóng được đến đùi non thì hắn đã quay trở lại. Khi đã ngồi thoải mái rồi, hắn không gây ra một tiếng động nào, điều đó làm tôi nghĩ có lẽ hắn cũng đã mua về vài thứ để đọc. Nhưng không có tiếng lật giở các trang giấy, cho nên hoặc là hắn đọc rất chậm hoặc là hắn chỉ vui vẻ ngồi đó ngắm bức tường. Hoặc ngắm tôi.
“Tôi cần đi vệ sinh,” tôi rền rĩ.
Không trả lời.
“Tôi nói tôi cần...”
“Câm cái miệng lại.”
Thế là tốt. Điều đó làm cho tôi cảm thấy đỡ áy náy hơn về cái việc tôi sắp làm với Richie.
“Này, anh phải...”
“Có nghe thấy tao nói gì không? Câm cái mồm lại. Cần đái, đái tại chỗ ấy.”
“Richie...”
“Thằng chó nào bảo mày gọi tao là Richie thế hả?”
“Thế tôi phải gọi anh thế nào?” Tôi nhắm mắt lại.
“Đừng có gọi gì cả. Đừng gọi. Ở nguyên đó mà đái đi. Hiểu chưa?”
“Tôi không muốn đái.”
Tôi gần như có thể thấy tiếng óc hắn nhăn lại.
“Gì?”
“Tôi muốn ỉa, Richie. Truyền thống của người Anh cổ. Giờ anh có muốn ngồi trong phòng trong khi tôi ỉa không thì tùy. Tôi chỉ nghĩ rằng nên nói trước với anh cho công bằng.”
Richie nghĩ một lúc, và chắc chắn tôi đã nghe tiếng mũi hắn nhăn lại. Cái ghế cọt kẹt, và đôi giày cao su đi về phía tôi.
“Đừng đi toilet, và đừng ỉa.” Cái mặt đã vào trong tầm nhìn, căng hết sức. “Nghe thấy không? Mày nằm nguyên ở đó, và câm mồm lại...”
“Anh không có con cái, phải không Richie?”
Hắn cau mặt, điều đó có vẻ như một nỗ lực vĩ đại trên khuôn mặt hắn. Lông mày, cơ, gân, tất cả được huy động cho một biểu hiện duy nhất, hơi có vẻ ngu ngốc này.
“Gì cơ?”
“Thực ra thì tôi chưa con cái, nhưng tôi có con đỡ đầu. Và anh không thể nói với chúng là đừng có ỉa. Không được đâu.”
Vết nhăn hằn sâu hơn.
“Mày đang nói cái khỉ gì thế?”
“Ý tôi là tôi đã thử rồi. Anh có trẻ con nằm trong xe nôi, và một đứa muốn đi ỉa, mà anh lại bảo bọn chúng nhịn đi lại, đút nút vào đó, đợi tới khi nào chúng ta đến chỗ nào đấy cái đã, nhưng như thế không ổn. Khi nào cơ thể muốn ỉa thì nó phải ỉa chứ.”
Vết nhăn đã bớt đi một chút, cũng tốt thôi, bởi vì tôi đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì phải nhìn vào nó. Hắn cúi xuống mặt tôi, đưa cái mũi thẳng hàng với mũi tôi.
“Nghe tao nói đây này, đồ cục c...”
Hắn chỉ đi xa được chừng đó bởi khi hắn nói đến “cục c...” thì tôi đã thúc gối phải mạnh hết sức trúng vào má hắn. Hắn hóa đá trong một giây, phần vì ngạc nhiên, phần vì choáng, rồi tôi nhấc chân trái vòng quặp gáy hắn. Trong khi tôi lôi hắn xuống giường, hắn cố gắng đưa tay trái ra trước để chống người lên. Nhưng đấy là hắn không biết về sức mạnh của chân. Thực sự là chân rất mạnh.
Mạnh hơn nhiều so với họng.
Hắn vùng vẫy khá tốt, tôi phải thừa nhận điều đó. Hắn thử những món thông thường, chộp lấy háng tôi, quai chân về phía mặt tôi, nhưng để làm những thứ kiểu như thế một cách hiệu quả thì cần không khí, mà tôi thì đang không có hứng để cho hắn có được chút khí nào. Sự chống cự của hắn diễn tiến theo một vòng cung từ giận dữ tới điên cuồng tới khiếp đảm, đạt đỉnh ở đó và rồi trôi tuột xuống bất tỉnh. Tôi giữ hắn trong năm phút sau cái đạp cuối cùng của hắn, bởi nếu tôi là hắn thì tôi đã giả chết ngay khi nhận thấy trò chơi bắt đầu.
Nhưng chắc chắn Richie đã không giả chết.
Tay tôi bị buộc bằng mấy sợi dây lưng, cho nên tháo chúng ra cũng tốn thời gian ra phết. Công cụ sẵn có duy nhất của tôi là răng, và khi kết thúc việc này tôi có cảm giác như thể mình vừa mới ăn hết vài tòa nhà. Tôi cũng biết chắc mình bị thương ở cằm, bởi vì khi lần đầu tiên nó quệt vào một cái khóa thắt lưng, tôi có cảm tưởng mình sẽ vọt lên xuyên qua trần nhà. Thay vì vậy tôi nhìn xuống thì thấy máu loang lổ trên sợi dây da, một số vết đã thâm và cũ, một số đỏ tươi và rất mới.
Khi mọi việc xong xuôi, tôi ngã ra sau, thở hổn hển vì mất sức, và cố gắng xoa bóp để cho sự sống trở lại nơi hai cổ tay. Sau đó tôi lại ngồi dậy và nhẹ nhàng nhấc chân qua thành giường rồi đặt xuống đất.
Cái đau đớn tột cùng ngăn không cho tôi gào lên. Nó tới từ rất nhiều nơi, nói rất nhiều thứ tiếng, mặc rất nhiều loại trang phục dân tộc lấp lánh, khiến cho trong vòng mười lăm giây tôi chỉ biết treo hàm ở đó mà ngạc nhiên. Tôi bấu lấy thành giường, nhắm nghiền mắt lại cho tới khi cơn đau đã dịu xuống thành âm ỉ, rồi tôi thử một cách kiểm tra khác. Với bất cứ thứ nào tôi cũng đều đụng bằng bên phải. Đầu gối, đùi non và hông đang gào lên với tôi, tiếng gào của chúng trở nên dữ dội hơn vì sự tiếp xúc vừa rồi với đầu của Richie. Xương sườn của tôi nghe như đã bị bẻ ra và cấy lại sai vị trí, còn cổ tôi, mặc dù chắc chắn không bị gãy, hầu như không cử động được. Và rồi còn những hòn dái nữa.
Chúng đã thay đổi. Chỉ là tôi không thể tin được rằng chúng là những hòn dái tôi đã mang suốt cả cuộc đời và đối xử với chúng như những người bạn. Chúng đã thành ra to hơn, to hơn rất nhiều và hình dáng đã sai lệch hoàn toàn.
Chỉ có một cách.
Có một kỹ thuật, của những người tập võ thuật, để giải phóng sự khó chịu ở bìu dái. Người ta thường dùng nó trong các võ đường của người Nhật, mỗi khi bạn đồng môn hơi quá hăng một chút mà giáng một cú vào khu vực quanh hạ bộ ta.
Điều anh cần làm là thế này: nhảy mười lăm phân lên không, và tiếp đất bằng gót chân trong khi hai chân căng cứng hết sức, để làm tăng một cách tức thời trọng lực dồn lên hòn dái. Tôi không biết tại sao nó lại hữu ích, nhưng chính thế đấy. Hay là không nhỉ? Bởi vậy tôi phải thử một vài lần, nhảy lên nhảy xuống xung quanh phòng ở mức mạnh nhất mà cái chân phải của tôi cho phép, cho tới khi, một cách từ từ, từng tí từng tí một, nỗi đau đớn tột cùng bắt đầu lắng xuống.
Sau đó tôi cúi xuống để xem xác Richie.
Mác áo vest của hắn cho thấy đó là một sản phẩm của Falkus, Dệt may Cao cấp, nhưng không có gì khác; hắn có sáu bảng và hai mươi xu trong túi quần phải, một con dao nhíp có vỏ ngụy trang ở trong túi trái. Áo sơ mi của hắn làm bằng sợi ni lông trắng, còn giày là loại Baxter bốn lỗ kiểu nửa giày vò da nâu đỏ. Ít nhiều như thế. Chẳng có gì khác làm Richie tách biệt ra khỏi đám đông và khiến mạch máu của một thám tử có đôi mắt tinh tường phải đập nhanh lên cả. Không có vé xe buýt. Không thẻ thư viện. Không có mẩu quảng cáo cá nhân nào cắt ra từ báo địa phương với một đường khoanh bằng bút bi đỏ.
Thứ duy nhất tôi tìm thấy mà thậm chí vượt xa những thứ thông thường là một cái bao da Bianchi kẻ chéo, trong có chứa một khẩu Glock 17 mới tinh, chín ly, loại tự lên đạn.
Anh có thể đã đọc, lúc nào đó, một vài điều vớ vẩn viết về Glock. Do thân súng được tạo từ polyme, một loại vật liệu hay ho nên một số tay nhà báo quá khích đã ủng hộ cái lập luận cho rằng có khả năng loại súng này sẽ không bị phát hiện khi đi qua máy quét X-quang ở các sân bay, nhưng thật ra nói thế là hết sức tầm bậy. Vỏ khóa nòng, nòng súng và phần lớn các bộ phận bên trong là bằng kim loại, và, nếu như thế còn chưa đủ, mười bảy viên đạn Parabellum khó mà lọt qua được máy quét giống như các thỏi son. Ưu thế thực sự của Glock17 là băng đạn chứa được nhiều mà trọng lượng vẫn nhẹ, độ chính xác cao, và độ tin cậyhầu như không thể so sánh. Tất cả những điều đó làm cho Glock17 trở thành lựa chọn của các bà nội trợ ở khắp mọi nơi.
Tôi kéo vỏ khóa nòng, nhét một viên đạn vào trong. Không có chốt an toàn trên khẩu Glock. Anh chĩa súng, bắn rồi chạy trối chết. Kiểu súng của tôi đấy.
Tôi nhẹ nhàng mở cửa ra hành lang, hóa ra là không có tàu không gian nào cả. Nó là một cái hành lang màu trắng, mộc mạc, có bảy cánh cửa. Tất cả đều đóng im ỉm. Cuối hành lang có một cửa sổ nhìn ra một tòa nhà cao tầng có thể gặp ở bất cứ thành phố nào trong số năm mươi thành phố. Đang là ban ngày.
Cho dù tòa nhà được xây dựng lên vì mục đích gì đi nữa, nó đã không được sử dụng vào việc đó trong một thời gian dài. Hành lang bẩn thỉu, chất đống đủ thứ rác rưởi - những hộp các tông, những đống giấy, những thùng đựng rác, và ở đoạn đằng kia, một cái xe đạp leo núi không còn bánh.
Rà soát dinh cơ của địch thủ thực ra là một trò chơi dành cho ba người trở lên. Sáu là một con số tốt. Người chơi ở bên trái nhà cái sẽ kiểm tra các phòng, hai người khác yểm trợ, trong khi ba người còn lại quan sát hành lang. Cách chơi là như thế. Nếu như anh thực sự cần phải chơi trò đó một mình thì luật chơi khác hẳn. Anh từ từ mở từng cánh cửa, đồng thời kiểm tra phía sau lưng trong khi làm việc đó, nheo mắt nhìn qua khe bản lề và mất cả giờ để rà soát hết mười thước hành lang. Điều đó được viết trong mọi sổ tay hướng dẫn về vấn đề này.
Cảm giác của tôi về các quyển sách hướng dẫn là: mấy anh bạn kia có lẽ cũng đã đọc chúng rồi.
Tôi đi ngoằn ngoèo trên hành lang nhanh hết sức mình, súng chìa ra trước, mở tung cả bảy cánh cửa cho tới khi đến cánh cửa cuối cùng thì tôi nhào xuống núp dưới cửa sổ, định bắn hết băng đạn vào bất kỳ kẻ nào thò đầu ra. Nhưng không có kẻ nào thò đầu ra.
Song giờ tất cả cửa đều đã mở, và cánh cửa đầu tiên bên trái dẫn tới một cầu thang. Tôi có thể thấy một vài chục phân cầu thang, và phía trên nó là một cái gương. Tôi cúi lom khom chạy qua cánh cửa, chĩa khẩu súng lên trên, xuống dưới cầu thang theo kiểu dọa nạt hung hăng nhất trong khả năng mình. Chẳng có gì.
Tôi thu tay phải lại và đập báng khẩu Glock vào giữa cái gương làm kính vỡ tơi tả. Tôi chọn một mảnh to và cắt tay trái vào đó. Tai nạn, nếu như anh đang phân vân không hiểu làm thế là có ý gì.
Cầm mảnh gương vỡ lên, tôi nheo mắt nhìn cằm mình trong gương. Trông vết thương không đẹp lắm.
Quay lại hành lang, tôi trở về với phương pháp rà soát chậm, từ từ nhích tới mép khung cửa, thò mảnh gương vỡ ra, quay nó chầm chậm để nhìn khắp phòng. Đó là một phương pháp vụng về, và bởi vì các bức tường không dày hơn ba phân thạch cao Gyproc, có khi còn không ngăn nổi một hột anh đào phọt ra từ ngón tay một đứa trẻ ba tuổi đang mệt nên khá là vô dụng. Nhưng phải chăng làm vậy lại có cảm giác dễ chịu hơn so với đứng ở cửa mà hò “ố hô”?
Hai căn phòng đầu tiên cũng trong tình trạng giống hành lang. Bẩn thỉu, toàn những đồ bỏ đi chất đống. Máy đánh chữ hỏng, điện thoại hỏng, những cái ghế ba chân. Đang ngẫm ngợi rằng chẳng có thứ gì trong bất kỳ một bảo tàng lớn nào trên thế giới lại nhìn cũ kỹ hơn một chiếc máy photocopy mười tuổi thì tôi nghe thấy một âm thanh. Một âm thanh của con người. Một tiếng rên.
Tôi chờ đợi. Âm thanh không lặp lại, bởi thế tôi tua lại trong đầu. Nó phát ra từ căn phòng kế tiếp trong hành lang. Đó là giọng đàn ông. Đó là một người đang làm tình, hoặc đang trong tình trạng tồi tệ. Hoặc đó là một cái bẫy.
Tôi khẽ khàng lùi trở lại hành lang và đi men sang cánh cửa kế bên, nằm xuống dọc tường. Tôi đưa cái gương ra trước mặt,chỉnh vị trí của nó. Ngồi trên một chiếc ghế giữa phòng, đầu gục xuống ngực là một người đàn ông. Lùn, béo, trung niên, bị buộc vào ghế. Bằng mấy sợi dây da.
Có máu ở ngực áo. Rất nhiều.
Nếu như đó là một cái bẫy thì chắc đây là khoảnh khắc đối thủ đợi tôi nhảy ra mà nói, “Ôi trời ơi, tôi có thể giúp gì được không?” Cho nên tôi cứ ở nguyên đó quan sát. Người đàn ông và hành lang.
Ông ta không tạo ra âm thanh nào nữa, và hành lang không có động tĩnh gì khác lạ so với hành lang bình thường. Sau khoảng một phút quan sát, tôi ném mảnh gương sang một bên rồi bò qua bậu cửa vào trong phòng.
Có lẽ tôi đã biết đó là Woolf ngay từ lúc nghe thấy tiếng rên. Hoặc là do tôi nhận ra giọng, hoặc là tôi đã nghĩ rằng nếu như Chải Chuốt có thể bắt được tôi thì hắn túm được Woolf cũng chẳng khó gì.
Hoặc cả Sarah.
Tôi đóng cửa lại và chống một cái ghế hai chân vào dưới tay nắm cửa. Nó sẽ không cản được ai, nhưng ít ra nhờ vậy tôi cũng có cơ hội để lộn ba hay bốn vòng trước khi cửa được mở ra. Tôi quỳ phía trước Woolf, và ngay lập tức nguyền rủa chỗ đau ở đầu gối. Tôi lùi lại, nhìn xuống sàn. Bảy hay tám bu lông ốc vít ướt dầu nằm dưới chân Woolf, tôi bèn nghiêng người xuống để gạt chúng ra xa.
Nhưng đó không phải là bu lông ốc vít, và kia cũng chẳng phải dầu diếc gì. Tôi đang quỳ lên những chiếc răng của ông ta.
Tôi cởi dây trói, cố nâng đầu ông ta lên. Cả hai mắt ông ta vẫn nhắm, nhưng tôi không thể biết đó là vì ông ta đang bất tỉnh hay là bởi thịt xương xung quanh má cùng hốc mắt đã bị sưng vù khủng khiếp. Bong bóng máu và nước dãi dính đầy quanh miệng và hơi thở của ông ta nghe thật tồi tệ.
“Ông sẽ ổn thôi,” tôi nói. Nhưng tôi còn không tin chính mình thì liệu ông ta có tin hay không. “Sarah ở đâu?”
Ông ta không trả lời, nhưng tôi thấy là ông ta đang gắng mở mắt trái. Ông ta nghiêng đầu ra sau và một tiếng lẩm bẩm làm bắn ra một chút bọt quanh môi. Tôi vươn người lên, cầm lấy hai tay ông ta.
“Sarah đâu?” Tôi nhắc lại, cảm thấy một bàn tay to, đầy lông lá của nỗi lo âu đang kẹp lấy thanh quản mình. Ông ta bất động một lúc, và tôi bắt đầu nghĩ ông ta đã chết rồi, nhưng bỗng nhiên ngực ông ta lại phập phồng và miệng mở ra như thể đang ngáp.
“Anh nói gì, Thomas?” Giọng nói khò khè, và hơi thở của ông ta tệ đi từng giây. “Anh có...” Ông ta dừng lại để hít thêm không khí.
Tôi biết rằng ông ta không nên nói tiếp. Dẫu biết nên bảo ông ta rằng hãy lặng yên và giữ sức nhưng tôi không thể làm điều đó. Tôi muốn ông ta nói. Nói điều gì đó. Về việc ông ta cảm thấy tệ ra sao, kẻ nào đã gây ra điều này, về Sarah, về cuộc đua ngựa ở Doncaster. Bất cứ thứ gì trên đời.
“Tôi gì cơ?” Tôi hỏi.
“Anh có phải người tử tế không?”
Tôi nghĩ ông ta đã cười.
Tôi ở nguyên thế một lúc, nhìn ông ta, cố nghĩ ra điều gì để làm. Nếu tôi dịch chuyển ông ta, có thể ông ta sẽ chết. Nhưng nếu không làm thế, ông ta sẽ chết. Tôi thậm chí còn nghĩ phần nào tôi thực sự muốn ông ta chết, như thế tôi có thể rảnh tay mà làm điều gì đó. Trả thù. Chạy thoát thân. Tức giận.
Và rồi đột nhiên, gần như trước khi ý thức được mình làm gì, tôi bỏ tay ông ta ra để nhặt khẩu Glock lên, di chuyển ngang qua phòng trong tư thế cúi gập người thấp nhất có thể.
Bởi vì có ai đó đang cố xoay nắm đấm cửa.
Cái ghế giữ chắc được cho cánh cửa trong một hai lần đẩy đầutiên nhưng rồi trượt ra khỏi tay nắm vì một cú đạp chân. Cánh cửa bật tung và một người đàn ông đứng đó, cao lớn hơn so với tôi nhớ, đó là lý do tại sao tôi mất vài tích tắc mới nhận ra rằng đó chính là Chải Chuốt và hắn đang chĩa súng vào giữa phòng. Woolf dợm đứng dậy khỏi ghế, hoặc có lẽ chỉ là ông ta ngã về phía trước, rồi một tiếng nổ dài, chói tai được nối đuôi bởi những tiếng pằng pằng đanh gọn khi tôi nã sáu phát vào đầu và thân Chải Chuốt. Hắn ngã ngửa xuống hành lang còn tôi nhào theo, bắn tiếp ba phát nữa vào ngực hắn khi hắn ngã xuống. Tôi đá khẩu súng ra xa khỏi tay hắn và chĩa khẩu Glock vào giữa đầu hắn. Vỏ đạn nằm lăn lóc trên nền hành lang.
Tôi quay vào phòng. Woolf đang ở cách chỗ tôi nhìn thấy ông ta lần cuối gần hai mét, nằm ngửa trên một vũng máu đang đen đặc lại. Tôi không hiểu tại sao thân thể ông ta có thể đi được xa thế, cho tới khi tôi nhìn xuống và thấy vũ khí của Chải Chuốt.
Đó là một khẩu MAC 10. Một loại tiểu liên cỡ nhỏ ác hiểm, không quan trọng bắn vào ai, nó có khả năng xả hết cơ số ba mươi viên đạn trong thời gian chưa tới hai giây. Chải Chuốt đã ra sức nã được gần hết ba mươi viên vào người Woolf, và chúng xé ông ta ra thành từng mảnh.
Tôi cúi xuống bắn một viên nữa vào mồm Chải Chuốt.
Phải mất một giờ tôi mới đi hết từ đỉnh tới chân tòa nhà. Và khi đi hết, tôi biết rằng nó nằm ở High Holborn, trước kia từng là trụ sở của một hãng bảo hiểm lớn còn giờ đây trở thành một tòa nhà trống rỗng. Từ đó tôi có một suy đoán. Rằng nếu súng nổ mà không kéo theo tiếng hú còi của cảnh sát thì tựu trung có nghĩa là không có ai ở đây.
Không còn cách nào khác, tôi đành bỏ khẩu Glock ở lại. Tôi kéo xác Richie đặt vào phòng cùng với Woolf, để hắn nằm ngang phòng, sau đó chùi cán và cò khẩu Glock vào áo tôi rồi ấn nó vào tay Richie. Tôi nhặt khẩu MAC lên bắn ba viên cuối cùng vào xác Richie, trước khi đặt nó lại cạnh Chải Chuốt.
Hoạt cảnh đó, như tôi đã sắp xếp, không thuyết phục lắm. Nhưng mà cuộc sống thực cũng thế thôi, một hiện trường rắc rối thường dễ tin hơn là hiện trường thẳng đuột. Dù sao thì tôi cũng hy vọng thế.
Rồi tôi về Sovereign, một quán trọ có bữa sáng tồi tàn ở King’s Cross, tôi ở đó hai ngày ba đêm cho cái cằm có thì giờ khô lại và những vết thâm tím trên người trở nên có màu đẹp đẽ. Bên ngoài cửa sổ phòng tôi, nước Anh mua bán ma túy công khai, ngủ với bản thân nó để kiếm tiền, và chiến những trận say chếnh choáng để rồi sáng hôm sau chẳng còn nhớ gì.
Trong khi ở đó, tôi nghĩ về những chiếc trực thăng, về những khẩu súng, về Alexander Woolf, về Sarah Woolf, và rất nhiều những thứ hay ho.
Tôi có phải là người tử tế hay không?