The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Vũ Hải
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 13190 / 450
Cập nhật: 2015-03-02 12:48:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương I - Nhà Hán
hông kể nhà Chu thì nhà Hán là triều đại dài nhất của Trung Hoa; trên bốn thế kỉ, từ -206 đến +220, chỉ gián đoạn trong 14 năm, thời Vương Mãng thoán vị (+9 đến +23). Triều đại đó cũng là một trong những triều đại rực rỡ nhất Trung Quốc và có công mở rộng đế quốc, lại lập chế độ quân chủ sĩ trị cho đời sau, phát triển những nét chính của văn minh Trung Hoa.
Nó gồm hai thời đại:
- Tiền Hán, cũng gọi là Tây Hán, từ -206 đến +25, kinh đô ở Tràng An (Tây An ngày nay).
- Hậu Hán, cũng gọi là Đông Hán, từ +25 đến +220, kinh đô ở Lạc Dương.
Chúng ta nhận thấy, cũng như nhà Chu, khi nước mạnh thì kinh đô ở phía Tây, khi nước yếu thì kinh đô dời qua Đông để xa các rợ Hung Nô.
A. TIỀN HÁN
1. Trong 65 năm đầu, từ Cao Tổ đến Cảnh đế, các vua Hán còn dò dẫm một đường lối phát triển.
Cao Tổ[1] (Lưu Bang) vốn là một nông dân vô học, làm đình trưởng (như cai trạm) thời nhà Tần, nhờ bọn sĩ Tiêu Hà, Trương Lương, Hàn Tín, Trần Bình, Anh Bố, Bành Việt... mà thắng được Sở Bá Vương (Hạng Võ), cho đó toàn là công của mình, có thể không dùng tới họ nữa, có lần mắng Lục Giả rằng: “Ta ngồi trên mình ngựa mà được thiên hạ, đâu cần đọc Thi, Thư”, thậm chí lột mũ của bọn nho sinh, liệng xuống đất rồi đái vào.
Nhưng rồi ông ta cũng phải nhận rằng có thể ngồi trên lưng ngựa mà chiếm thiên hạ, chứ không thể ngồi trên lưng ngựa mà trị thiên hạ, nên phải nghe lời Thúc Tôn Thông, Lục Giả, Lịch Tự Cơ theo phép tắc thời trước mà đặt ra triều nghi, từ đó triều đình mới có trật tự, có vẻ tôn nghiêm.
Tuy nhiên ông vẫn cấm đạo Nho, vẫn không bỏ hiệp thư (lệnh đốt sách Nho); mà cũng như Tần Thủy Hoàng, rất mê Đạo giáo (tức một biến thái của Lão giáo, không còn là một triết học cao siêu nữa mà thiên về dị đoan, tìm phép trưởng sinh bất tử, (sẽ nói sau).
Ông vô tài mà lại độc tài, mới đầu thưởng công họ, như phong Hàn Tín làm Sở Vương, Bành Việt làm Lương Vương, Anh Bố làm Hoài Nam Vương..., sau nghi kị họ, chỉ sợ họ lật đổ mình, nên Tín, Việt, kế nhau đều bị tru di tam tộc; Bố sợ họa đến mình, cử binh làm phản, thua rồi chết, chỉ có Trương Lương lả sáng suốt như Phạm Lãi thời Xuân Thu, biết tránh trước cái họa, công thành rồi thì bỏ hết danh lợi mà về ở ẩn[2].
Ông cầm quyền chỉ được bảy tám năm rồi chết, nên chỉ tạm tổ chức được hành chánh, mà đại khái vẫn giữ chế độ của Tần, không thay đổi gì nhiều. Ông thấy nhà Tần vì bỏ chế độ phong kiến mà thành cô lập, đến nỗi mất nước, còn nhà Chu thì phong vương cho chư hầu nhiều quá, sau triều đình nhà Chu không thống trị họ nổi, để họ uy hiếp, rồi khuynh đảo, nên ông dung hòa hai chế độ, một mặt phong vương cho họ hàng và các công thần cai trị các yếu địa (các đất đó gọi là quốc), còn lại thì chia làm quận (dưới quận là huyện), trực thuộc trung ương. Chế độ kiêm dụng quốc và quận đó gọi là chế độ “quận quốc”.
Cũng như Tần Thủy Hoàng, ông ghét thương mà khuyến khích nông; giảm nhẹ thuế má, ai khẩn hoang được đất mới thì mấy năm đầu miễn thuế, cho quân lính được giải ngũ, về nhà làm ruộng.
Việc bổ dụng các quan, tự ông quyết định, và ông tin dùng bọn điền chủ phú nông; họ hơi có học, có tài sản, được dân trong miền kính nể, họ lại thu thuế giỏi, mà nhiệm vụ quan trọng nhất của các quan quận, huyện thời đó là thu thuế. Lần lần bọn đó thành một giai cấp vừa giàu vừa có chức, sau này khi nho học được trọng dụng, mới thêm bọn nho sĩ.
Về việc đối ngoại, đặc biệt với Hung Nô, chúng tôi sẽ xét sau.
2. Huệ đế và Lữ hậu.
Huệ đế kế vị, bị Lữ thái hậu (vợ Cao Tổ) tranh quyền, ở ngôi chỉ được 7 năm (-194-188), chỉ mới hủy bỏ luật hiệp thư (năm -191), rồi thì chết vì hoang dâm. Kế đó là một thời loạn trong gia đình họ Lưu, Lữ thái hậu phế Thiếu đế tên là Cung rồi ngầm giết Cung, lập Hoằng Sơn Vương tên là Nghĩa, làm đế, nhưng không cải hiệu, nắm hết chính quyền. Bà đàn áp công thần, lần lần sát hại kẻ sĩ có uy tín mà không tòng phục bà rồi phong vương cho họ hàng mình. Như vậy là cái họa ngoại thích đã bắt đầu phát rồi.Để củng cố quyền hành, bà muốn trở lại chế độ phong kiến, nhưng bị họ Lưu và triều đình hầu hết là giai cấp mới cầm quyền (địa chủ và kẻ sĩ) chống đối dữ dội. Bà nắm quyền cũng chi được bảy năm rồi chết (-187-180). Tức thì bọn sĩ (Chu Bột, Trần Bình) phản động lại, chém hết cả họ hàng của Lữ. Lần đó là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc mà bọn sĩ lợi dụng mâu thuẫn giữa các bọn quí tộc (họ Lưu và họ Lữ) và nắm được hết quyền hành trong triều đình, bắt bọn quí tộc phải kiêng nể mình.
3. Văn đế và Cảnh đế
Tiếp theo là một thời tương đối thịnh trị dài 40 năm dưới triều Văn đế (-179-155), con Cao Tổ, và Cảnh đế (-156-139) con Văn đế.
Hai ông vua đó đều theo cả đạo Khổng lẫn đạo Lão, nhân và kiệm, sống giản dị[3], để dân tự do làm ăn, ít can thiệp vào đời sống của họ, bỏ nhục hình, bỏ lệ cống, miễn thuế ruộng đất trong nhiều năm, lấy đức hóa dân, từ quan tới dân đều chất phác, trọng hậu, hình phạt không dùng đến.
Dân số tăng lên, đất đai được khai phá thêm, sản xuất được nhiều. Một điểm đặc biệt là triều đình cho dân được đúc tiền đồng, do đó mà sự trao đổi dễ dàng, thương mãi tiến bộ. Tại các châu thành, giới điền chủ và sĩ đông lên và giàu thêm, sống như giới quí tộc thời phong kiến, nhưng giản dị hơn, có thì giờ nghiên cứu đạo Khổng và đạo Lão trong cổ văn (coi một đoạn sau). Người ta mở trường dạy học và đạo Khổng được trọng dụng: ai muốn làm quan cũng học đạo Khổng. Theo Eberhard, trong Histoire de la Chine thì cuối thế kỉ II trước Tây lịch (thời Văn đế) đã có những cuộc thi để tuyển quan lại, nhưng theo tôi đó chỉ là nhưng cuộc khảo sát xem thí sinh có biết đọc biết viết không, chứ chưa dùng thơ phú để tuyển như thời sau. Trường mở để dạy con các công chức, mà viên quan ở quận nào cũng có quyền đề cử thí sinh, như vậy thì con quan lại làm quan là lẽ dĩ nhiên. Những người được đề cử đó được coi là Hiếu liêm, theo nguyên tắc phải là có đức, cứ mỗi năm mỗi quận lựa một người. Điều đó tiến bộ hơn đời Tần. Kết quả chưa tốt đẹp lắm: bọn phú hào vẫn mua quan cho con được, cho nên trong dân gian thời đó đã có lời mỉa mai: “Hiếu liêm mà không liêm”, “Hễ phú quý thì là hiền”, nhưng vẫn còn hơn chế độ tập tước.
Trong thời hai ông vua đó, nước giàu mà dân sung sướng, mặc dầu gặp vài thiên tai: hạn hán và lụt, nhưng không ai chết đói.
Theo sử chép thì kho của triều đình chứa đầy tiền, để lâu không dùng tới, dây cột tiền mục ra; còn lẫm thì đầy lúa, có khi hư, phải đổ đi. Những người dân nghèo cũng có được một con ngựa hay con bò, được ăn thịt. Tuy nhiên, Văn đế hiền quá, thiếu cương quyết, bọn chư hầu dần dần kiêu căng, Hung Nô càng không kiêng nể, do đó, Cảnh đế trong 16 năm cầm quyền phải lo dẹp một cuộc nổi loạn của bảy chư hầu ở Ngô, Sở, Triệu... và đối phó với Hung Nô.
4. Võ đế[4]
Ông là con Cảnh đế mà tính tình khác hẳn cha, ở ngôi rất lâu, 53 năm (-140-87). Độc tài, nóng nảy, cương quyết, nhiều tham vọng, nhưng cũng rất nhiều mưu lược tài năng, rất sùng Nho học, không theo chính sách ít can thiệp vào việc dân (vô vi) của Lão, như ông cha, mà ưa đạo thần tiên (Đạo giáo) như Cao Tổ, Tần Thủy Hoàng. Cơ hồ bọn vua độc tài thời đó đều muốn trường sinh bất tử cả.
Thấy đời vua cha, bọn thất vương làm phản, ông quyết tâm bỏ hẳn chế độ phong kiến. Một mặt ông dùng thuật của Pháp gia để trị bọn chư hầu quí tộc (sai kẻ thân tín giúp việc họ để do thám họ, chặn mưu phản của họ và lần lần tước hết quyền hành, đất đai của họ); một mặt ông đề cao Khổng học, đặt ra chức ngũ kinh, bác sĩ, tuyển dụng những kẻ tài năng như Công Tôn Hoằng, rồi lại thay đổi triều chính, sửa lại lịch, định lễ phong (tế trời) và thiền (tế đất), xây cất cung điện.
Như vậy là ông dùng cả Pháp lẫn Nho mà hoàn thành được cuộc cách mạng về chính trị, củng cố được chính thể quân chủ chuyên chế: quyền hành tập trung vào cả triều đình và giao phó cho kẻ sĩ có tài năng do dân tiến cử và do nhà vua tuyển dụng. Bọn quí tộc, bọn “phụ huynh” (cha anh nhà vua) vẫn còn được hưởng nhiều đặc quyền, nhưng phải tuân lệnh vua và tể tướng. Chính sách tuyển nhân tài để trị dân đó, tiến bộ hơn châu Âu nhiều (châu Âu mãi tới thế kỉ XVIII mới theo kịp) hơn cả Ấn Độ. Chỉ ở Trung Hoa và Ấn Độ, giai cấp lãnh đạo là giai cấp trí thức; nhưng ở Ấn Độ, giai cấp đó gồm các tu sĩ (Bà-la-môn) chứ không phải là công chức (quan lại) như Trung Hoa, mà quan lại Trung Hoa do học hành, thi cử, chứ không do thế tập, hay do giai cấp mà nắm quyền hành. Thực ra quan lại Trung Hoa không phải là một giai cấp như ở Ấn, cha làm quan mà con dốt thì cũng chỉ là thường dân, thường dân mà học giỏi thì cũng được làm quan, còn các Bà-la-môn ở Ấn Độ thì sinh ra đã là Bà-la-môn, ở trong giai cấp cao rồi, mặc dầu có kẻ dốt nát, không chịu học vẫn là Bà-la- môn.
o O o
Muốn diệt cái họa Hung Nô và mở mang thêm bờ cõi (coi ở sau) thì quân đội phải mạnh, quân luật phải nghiêm, và ông dùng chính sách của Pháp gia. Võ đế không tha thứ những tướng lỡ thua địch, không xét hoàn cảnh, tình thế của họ, cứ thẳng tay trừng trị, thành thử có nhiều tướng thua trận không dám về triều mà đành phải hàng địch. Thấy vậy, ông càng tàn nhẫn, tru di tam tộc (họ cha, họ mẹ, họ vợ) những tướng hàng địch, như trường hợp Lí Lăng. Không ai dám trái ý ông, chỉ tỏ vẻ bất mãn, bất phục cũng đủ cho ông trị tội rồi. Vì vậy không ai dám can gián. Tư Mã Thiên chỉ vì bênh vực Lí Lăng mà ông bắt chịu một tội nhục nhã nhất thời đó: tội bị thiến.
Nhưng ông thưởng những tướng thắng trận cũng rất hậu: phải có quân công mới được phong tước hầu. Văn quan không ai được tước đó.
Một điểm nữa ông chịu ảnh hưởng của Pháp gia là ông rất chuyên chế. Nho gia chỉ trung với ông vua có đủ tư cách, đáng cho mình thờ; nếu không thì có thể bỏ mà thờ ông vua khác, như Khổng Tử đã bỏ vua Lỗ. Chính pháp gia mới đưa ra quan niệm “trung thần bất sự nhị quân”. Hơn nữa họ trọng cái “thế” (quyền thế) của vua tới mức khiến vua hóa ra độc tài, bắt bề tôi chết thì không kể phải trái, bề tôi cũng phải chết, không chết thì không trung (quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung). Từ Hán Võ đế trở đi, quan niệm đó được các vua chấp nhận, và hình như không có nhà Nho nào phản đối, mà nền quân chủ của Trung Hoa hóa ra chuyên chế, mặc dầu cũng có một số ông vua nhân từ, theo đúng đạo Khổng.
o O o
Năm nào cũng chinh phạt, mà Võ đế lại xa xỉ, xây cất thêm nhiều cung thất, cho nên triều đình luôn luôn thiếu tiền. Muốn có tiền, ông dùng ba cách dưới đây:
- phát hành một thứ tiền làm bằng hợp kim bạc và thiếc, như vậy trữ kim tăng lên; ông lại đặt ra một thứ tiền bằng da nữa,
- bán tước và cho chuộc tội bằng tiền; Tư Mã Thiên vì nghèo, bạn bè không ai giúp, nên không chuộc tội được mà chịu nhục suốt đời,
- tuyên bố bao nhiêu tài nguyên trong nước thuộc về quốc gia hết, như vậy “tư nhân không thể chiếm các nguồn lợi của núi, biến làm của riêng mà thao túng các giai cấp thấp hơn”.
Triều đình giữ độc quyền cất và bán rượu, độc quyền làm muối, khai thác các mỏ sắt, năm -119 đặt ra chức quan coi về sắt, muối, gọi là diêm thiết quan.
Vấn đề độc quyền sắt, muối không phải chỉ là một vấn đề kinh tế, mà còn là một vấn đề chính trị, gây một sự tranh luận sôi nổi giữa phái theo Nho và phái theo Pháp (Pháp trị), tôi sẽ xét thêm ở sau.
Nhưng ông có sáng kiến diệt bọn trung gian đầu cơ, bọn cho vay nặng lãi hoặc chứa cất hàng hóa khi giá rẻ rồi bán cho dân khi giá đắt.
Ông tổ chức một cơ quan chuyên chở và trao đổi thuộc quyền quốc gia, kiểm soát chặt chẽ thương mãi để giá cả khỏi thình lình lên xuống. Trong khắp đế quốc đâu đâu cũng có những nhân viên của triều đình lo việc chuyên chở và giao hàng. Lúc nào dư sản phẩm thì triều đình giữ lại, đợi lúc giá tăng thì đem bán rẻ cho dân, hễ giá xuống thì lại mua vào để trữ; như vậy “bọn phú thương không đầu cơ mà vơ được những món lợi lớn... và giá được bình lại.” Người ta ghi sổ tất cả những lợi tức của họ để thâu thuế hàng năm là 5%.
Ông lại cho khởi công nhiều công tác lớn để cho hàng triệu thợ bị các xí nghiệp tư sa thải có công ăn việc làm, khỏi thất nghiệp: bắt cầu qua sông, đào nhiều kinh để nối các con sông với nhau và để dẫn nước vô ruộng.
Marcel Granet, trong cuốn La civilisation Chinoise (Albin Michel, 1948) bảo: “Chính sách đó thật cách mạng. Nếu Võ đế có tinh thần kiên trì thì ông... đã tạo nên quốc gia Trung Hoa trong một xã hội mới rồi...Nhưng ông chỉ biết nhìn cái lợi trước mất, làm cái gì gấp nhất, dùng những phương tiện để giải quyết từng lúc một, xong rồi thì bỏ đi, chỉ dùng những người mới một thời gian, hễ họ thành công, uy tín tăng lên có thể lấn át ông được là ông hi sinh họ liền. Tính đa nghi của một ông vua chuyên chế, óc thiển cận của bọn quan lập pháp tại triều khiến cho Trung Hoa bỏ lỡ cơ hội hiếm nhất đó.”
Sau mấy trận lụt xen với mấy cơn đại hạn kéo dài, vật giá tăng vọt lên, dân chúng la ó, đòi trở lại chế độ cũ, bọn kinh doanh bất bình vì triều đình can thiệp vào công việc của họ, thuế má nặng quá, không còn làm ăn gì được; lại thêm bọn cung phi được sủng ái lấn át các đại thần, nên khi Võ đế băng rồi, nạn tham nhũng lan tràn khắp nước, sự bóc lột kẻ nghèo yếu bắt đầu trở lại, và trong non một thế kỉ, những cải cách của ông bị chê bai.
Nhưng ai cũng nhận rằng triều đại Võ đế là triều đại rực rỡ nhất của nhà Hán: uy quyền được củng cố, trong nước được bình trị, bờ cõi được mở mang (sẽ nói rõ ở sau), thương mãi thịnh vượng nhờ khuếch trương, sự giao thông (đào kinh), nhờ liên lạc với các nước láng giềng, nhất là Tây Vực, miền ông mới chiếm được, mà văn học cũng phát triển (sẽ xét ở sau) nhờ ông trọng những nhà Nho như Đổng Trọng Thư, và thích bọn văn nhân có tài làm phú ca tụng ông như Tư Mã Tương Như.
5. Vương Mãng biến pháp
Sau Võ đế đến Chiêu đế (lên ngôi hồi 8 tuổi, mất năm 21 tuổi, không làm được gì) và Tuyên đế ở ngôi 25 năm, chăm lo việc chính trị mà lập được võ công: dẹp Hung Nô, đặt đô hộ ở Tây Vực chia rẽ hai Thiền vu (vua) Hung Nô làm cho từ đó Hung Nô suy đi.
Nhưng rồi vì hoạn quan và ngoại thích, Hán bị Vương Mãng (một ngoại thích) thoán quyền, mới đầu tự xưng là Giả Hoàng đế (nghĩa là thay quyền Hoàng đế), sau tiếm hẳn ngôi vua, đổi quốc hiệu là Tân, năm 8 sau Tây lịch.
Ý kiến các sử gia Trung Hoa và Âu châu về Vương Mãng rất phân vân. Người thì không hề nhắc tới, như M. Granet, coi là một nhân vật không quan trọng. Người thì như Eberhard chê rằng khi biến pháp, Vương sửa cả cổ thư, cả sử, giải thích theo ý ông ta để tỏ rằng mình theo đúng đạo tiên thánh thời xưa, dùng những mánh khóe tuyên truyền ở thời đại chúng ta, mà những cải cách của ông chỉ nhắm mỗi một mục đích là chiếm hết độc quyền khai thác tài nguyên, độc quyền thương mãi, độc quyền cho vay, độc quyền có nô lệ là làm giàu cho quốc gia, còn dân chúng phải chịu mọi thứ thuế: thuế câu cá ở sông rạch, thuế lượm củi khô trên rừng; triều đình mua thì rẻ mà bán cho dân thì đắt, nhất là đòi nợ của dân thì tàn nhẫn, không nương tay chút nào cả. Tôi nghĩ những lại chê trách đó có thể đúng một phần nào, mà lỗi do kẻ thừa hành của Vương (ngay thời nay cũng vậy) chứ không phải là chủ tâm của Vương.
Người thì hết lời khen ngợi Vương, như Will Durant trong tập Văn minh Trung Quốc, cho Vương đúng là bậc quân tử Trung Hoa, sống đạm bạc (y như Vương An Thạch đời Tống), có tiền thì phân phát cho người nghèo, mặc dầu rất bận việc, phải tổ chức lại kinh tế, chính trị mà vẫn có thì giờ che chở văn nhân, trau dồi thêm kiến thức thành một nhà bác học, và khi cầm quyền ông lựa văn sĩ và triết gia chứ không dùng các chính trị gia nhà nghề.
Xúc động vì chế độ nô lệ phát triển mạnh trong các trang trại, ông quốc hữu hóa tất cả ruộng (gọi là vương điền), như vậy đồng thời vừa diệt chế độ nông nô, vừa diệt các tài sản lớn. Ông trở lại chính sách tỉnh điền thời xưa, chia đều đất cho dân cày. Chủ trương của ông là diệt kẻ mạnh thôn tính đất đai của kẻ yếu, khiến không có kẻ giàu người nghèo. Các điền chủ lớn dĩ nhiên là bất bình.
Ông thu hết các doanh nghiệp lớn như khai mỏ, làm muối, nấu rượu (việc này Võ đế đã làm rồi); hơn nữa nhà nước còn độc quyền khai thác rừng, đầm, điều này làm cho dân nghèo bất bình, vì từ xưa họ vẫn không phải nộp thuế đánh cá, đốn cây làm củi.
Các nghề nghiệp công thương phải nạp một thứ thuế bằng một phần mười lợi tức thu được.
Ông thu về hết các thứ tiền đương lưu thông, đem đúc lại tiền mới.
Đặt ra chức quan “tư thị” để mỗi năm bốn lần qui định giá hàng hóa bắt người mua bán phải tuân theo.
Lại đặt chức quan “ngũ quân” để bình giá hàng hóa: người buôn bán có hàng hóa bán không được thì nhà nước theo giá đã định mua lấy, để khi giá hàng lên cao thì theo giá cũ mà bán ra cho dân.
Thêm chức quan “tuyền phủ” để cho nhân dân vay: nếu vay để làm ma chay thì không lấy lời, nếu vay để làm ăn thì thu lời.
Biến pháp của ông thời đó rất mới mẻ, có tính cách nửa tư bản nhà nước (capitalist d état) nửa xã hội (socialisme).
Ông mong rằng chính sách đó sẽ giúp triều đình có tiền để diệt Hung Nô, mà lại công bằng, tài sản của kẻ giàu người nghèo không quá chênh lệch, nhưng ông không ngờ rằng quốc gia đã chẳng lợi gì vì bọn tham quan ô lại có cơ hội vơ vét của dân, nộp cho chính phủ rất ít, quốc khố vẫn rỗng; mà phản động lực của bọn đại điền chủ, đại thương gia hợp với lòng oán than của dân nghèo bị bọn thừa hành nhũng nhiễu, khiến cho chính sách của ông hoàn toàn thất bại.
Giặc cướp nổi lên như ong sau một vài thiên tai. Đảng Xích Mi (một hội kín của nông dân theo Đạo giáo, bôi lông mày đỏ), đông tới triệu người, tiến quân lên kinh đô, gặp các quan lại, các đại điền chủ, phú thương là chém giết. Vương Mãng phái quân đi dẹp thì một số quân qua phía nông dân.
Đảng đó vừa mới nổi thì tôn thất nhà Hán là Lưu Tú (cháu sáu đời Cảnh đế) cũng khởi binh. Vương Mãng đem quân tới đánh, nhưng hào kiệt bốn phương nổi dậy hưởng ứng với quân Hán. Vương thua và Lưu Tú đem quân vào được Tràng An.
Vương Mãng tin rằng mạng trời của mình chưa hết, không chết được, nên không trốn, cứ bận long bào ngồi trên ngai đọc kinh của đạo Nho, rốt cuộc bị một tên lính chặt đầu (năm +23). Như vậy là triều đại Tân chỉ được 15 năm.
Lưu Tú thắng được Vương Mãng rồi, quay lại dẹp đảng Xích Mi, thành công, lên ngôi, mở đầu thời Hậu Hán.
Trong mấy năm nội loạn đó, mấy triệu dân chết vì họa binh đao
B. HẬU HÁN
6. Quang Võ
Lưu Tú lên ngôi, hiệu là Quang Võ. Ông thiên đô qua Lạc Dương, nên nhà Hậu Hán cũng có tên là Đông Hán. Cũng như Thương, Chu, thời nào yếu thì dời đô qua Đông.
Trong khoảng trên nửa thế kỉ, ba ông vua đầu có tư cách, cương quyết nên nhà Hán trung hưng được.
Quang Võ ở ngôi trên ba chục năm, lập lại được trật tự trong nước sau hai chục năm nhiễu loạn, chăm lo chính trị, giảm quan, bớt việc, nhẹ thuế khóa, trong nước được thanh bình. Ông lại gây được uy thế ở nước ngoài: sai Mã Viện sang Giao Chỉ (Việt Nam sau này) dẹp cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng vì chính sách tàn bạo của Tô Định; các phiên bang lần lần qui phục.
Thấy thời Vương Mãng nhiều sĩ phu theo Vương, ông cho rằng đạo Nho đã suy, ông lại đề cao đạo đó, mở mang việc học, lập đại học đầu tiên của Trung Quốc (theo Tsui Chi), biểu dương khí tiết, cổ lệ thanh nghị, làm cho sĩ phong rực rỡ: kẻ sĩ biết trọng danh tiết, lễ giáo không sợ quyền quí, không tránh nguy hiểm, thành một giai cấp có uy tín, được triều đình và dân gian kính nể.
Ông phong nhiều công thần làm chư hầu, mà công thần thường ở trong giai cấp đại điền chủ. Thời loạn bọn phú thương càng dễ làm giàu, chiếm địa vị cao. Nhiều nông dân thấy vậy bỏ đất ruộng, ra thành thị làm ăn, đường phố chật những xe, bò, và ngựa của bọn con buôn. Vài ông vua đời sau thấy tình trạng đó bất lợi cho xã hội, lại phải ức thương và khuyến nông.
Triều đình ban lệnh cấm thương nhân bận đồ tơ lụa, có xe và ngựa, người ta đánh thuế họ rất nặng. Khi trật tự xã hội lập lại lần lần được rồi, những lệnh đó bớt ngặt đi, nhưng con cái thương nhân vẫn không được làm quan, không được mua đất. Mặc dầu vậy, họ vẫn phát đạt, và khi người ta có nhiều tiền thì luật pháp nào cũng qua được hết. Thời nào cũng vậys.
Đời Minh đế, Chương đế tương đối còn thịnh trị, rồi từ đó trở đi nhà Hán suy luôn.
7. Họa ngoại thích và hoạn quan. Giặc Hoàng Cân. Hậu Hán chấm dứt
Các ông vua sau, có ông lên ngôi còn nhỏ quá, có ông ham tửu sắc, bạc nhược, chết non, quyền hành vào tay thái hậu và bọn ngoại thích. Các kẻ sĩ ở triều đình, trung với họ Lưu, muốn trừ bọn ngoại thích thì phải dùng bọn hoạn quan làm tay trong, vì chỉ bọn chúng mới biết rõ những mưu mô hành động của các bà hậu cùng anh em, họ hàng của các bà. Nhưng khi diệt được bọn ngoại thích rồi thì bọn hoạn quan lại hống hách, diệt lại kẻ sĩ để đưa lên ngôi một ông vua chúng có thể lung lạc được. Chúng giết thêm một trăm kẻ sĩ tiết nghĩa cả gan dám chỉ trích chúng; hơn bảy trăm sĩ phu khác hoặc bị giam hoặc bị đuổi về vườn, cấm cố chung thân. Vụ đó, sử gọi là “đảng cố”, ở vào cuối đời Hoàn đế (167 sau Tây lịch).
Non một thế kỉ, triều đình hóa loạn vì luôn luôn các phe, các đảng chống đối nhau, tàn sát nhau. Các họ lớn, một số đại thần sống cực kì xa hoa. Đầy tớ của họ cũng bận áo lụa áo gấm.
Một thân nhân của một hoàng hậu treo ở đòn tay nhà rất nhiều châu ngọc để đêm tối thấy lấp lánh như ngôi sao và tỏa sáng như ánh trăng. Trong vườn, người ta dựng những non bộ bằng vàng, bạc chạm rất khéo.
Một đám cưới mà xe nối đuôi nhau mấy cây số trên đường phố, màn thêu, trướng gấm phất phới, kẻ hầu người hạ lăng xăng chật hai bên lề đường.
Đám tang còn tốn kém hơn nữa. Quan tài phải dùng một thứ gỗ quí từ phía nam sông Dương Tử chở lên kinh đô. Chung quanh mộ trồng cả chục mẫu tùng, bách và dựng những ngôi đền rất đẹp.
Sau vụ đảng cố, từ triều Linh đế, nhà Hán còn suy hơn nữa. “Trong triều, hoạn quan và ngoại thích tranh nhau thay giữ chính quyền, thuế khóa rất nặng, trăm họ khốn đốn. Ngoài xã hội thì bọn vương hầu, quí tộc, phú hào, người nào nhà cửa cũng hằng trăm, ruộng tốt đầy nơi, tôi tớ từng bầy, kẻ tới xu phụ có tới vạn mà đều ăn không ngồi rồi.” Nông dân bị bóc lột quá đỗi, số người đói rét nhan nhản khắp nơi, do đó mà sinh cuộc nổi loạn Hoàng Cân (chít khăn vâng), ở Cự Lộc (Trực Lệ), đông tới 30 vạn người.
Người cầm đầu đảng đó, Trương Giác, theo Đạo giáo. Đã từ trên hai thế kỉ trước, Đạo giáo tin ở thuật trường sinh bất tử, lập được nhiều hội kín trong những điện nho nhỏ, được dân chúng vốn mê tín dị đoan, nhất là trong các thời loạn, gia nhập khá đông. Các quan lại, sĩ phu theo đạo Khổng không ưa họ, mà họ cũng chống lại triều đình. Khi triều đình suy nhược, nổi lên đánh phá các nơi, chiếm các quận, huyện, hi vọng hễ lật được chính quyền thì lập một trật tự mới, một xã hội mới, và đạo của họ sẽ thành quốc giáo.
Thanh thế của Hoàng Cân rất mạnh. Vua Linh đế sai Tào Tháo dẹp được. Theo Eberhard thì hình như trong quân đội của Tháo có nhiều người Hung Nô, mà chính sử tất nhiên không chép.
Hoàng Cân tuy bị dẹp, nhưng dư đảng vẫn còn, trở thành trộm cướp, triều đình phải phái các đại thần làm quan châu, quan mục bốn phương để trừ giặc, do đó sinh ra cái họa “quần hùng cát cứ” (các tướng lĩnh cắt chiếm các miền), làm cho nhà Hán mất sau này.
Trong khi ấy bọn hoạn quan hoành hành, Đổng Trác giết được 2.000 hoạn quan, tự phong làm tướng quốc, nắm chính quyền; các tướng ở ngoài: Viên Thiệu, Tôn Kiên, Lữ Bố, Tào Tháo... nổi lên đánh lẫn nhau, ai cũng tuyên bố là phò vua mà sự thực là tranh nhau vua, tranh được vua rồi mà không giữ nổi kinh đô thì bắt vua đi theo mình, vì vua giữ ấn, có gì xảy ra thì ấn về tay mình, và mới có thể chính thức làm thiên tử được.
Tình hình rối beng, chép lại những cuộc tranh giành của họ chẳng ích lợi gì. Chúng ta chỉ cần biết trong số quần hùng đó, Tào Tháo là tay kiệt hiệt nhất, nắm được vua Hán lâu nhất, tự tôn là Ngụy vương; khi mất, con là Tào Phì kế vị, ép vua Hán Hiến đế nhường ngôi cho mình. Phi lên ngôi hoàng đế tức vua Văn đế nhà Ngụy (220). Nhà Hậu Hán chấm dứt, dài được 196 năm.
Tào Tháo sở dĩ thắng được địch thủ là nhờ rợ Hung Nô giúp sức, và để thưởng công, ông ta cho 19 bộ lạc Hung Nô vào Sơn Tây định cư, dưới sự canh chừng của quan nhà Hán, mong rằng chỉ ít lâu sau họ sẽ Hán hóa hết, không ngờ họ đông quá mà chính quyền trong miền bạc nhược, lần lần họ lập được một tiểu quốc có vua (Thiền vu), gây ra nhiều khó khăn cho người Hán trong bốn thế kỉ sau.
C. CHỐNG NGOẠI XÂM - MỞ MANG ĐỂ QUỐC
1. Dẹp Hung Nô và các bộ lạc ở Tây Vực
Trở lên chúng ta đã xét chính sách đối nội của nhà Hán, tiết này xét về chính sách đối ngoại với:
- Hung Nô ở phương bắc, các bộ lạc Tây Vực ở phía tây,
- Triều Tiên ở đông bắc,
- Các chủng tộc ở đông nam và tây nam.
Chúng ta chưa biết rõ nguồn gốc người Hung Nô; đại khái họ gồm nhiêu bộ lạc Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kì.. do Mông Cổ cầm đầu. Họ là những dân du mục ở Trung Á, nuôi ngựa, bò, cừu, lạc đà..., không xây dựng thị trấn, mới đầu không cày cấy, trồng trọt gì cả, cứ dời chỗ ở hoài tìm nơi nào có cỏ, có nước cho súc vật; mùa lạnh, cánh đồng cỏ bị tuyết phủ thì họ dời xuống phương nam; mùa nóng, tuyết tan họ lại dời lên phương bắc. Họ sống trong những lều bằng da, thức ăn chủ yếu là thịt và sữa ngựa, bò, lạc đà...; quần áo toàn bằng da. Họ suốt ngày sống trên lưng ngựa, thành những kị sĩ và xạ thủ rất tài. Ngay từ tuổi thơ, trẻ con của họ đã cưỡi một con cừu, đeo một cây cung nhỏ đi bắn chim hay chuột, lớn lên một chút chúng bắn thỏ và chồn. Vì vậy mà kị binh của họ vô địch. Nhưng chúng ta đừng tưởng họ là dã man. Họ có một văn minh riêng của họ, khác với văn minh nông nghiệp, thế thôi. Từ cuối thế kỉ III trước Tây lịch, họ đã trồng trọt được một chút, có một tổ chúc xã hội, gần như xã hội phong kiến. Một quí tộc nào đó mạnh hơn hết, cầm đầu, cai trị nhiều bộ lạc, những bộ lạc này lan ra, xâm chiếm các bộ lạc lân cận, và thành ra có ba hạng bộ lạc: bộ lạc làm chúa, bộ lạc thường và bộ lạc nô lệ.
Chúa của họ gọi là Thiền vu. Thiền vu thứ nhì là Mạo Đốn ở đầu đời Hán, muốn bỏ chế độ phong kiến mà bắt chước chế độ trung ương tập quyền của Trung Hoa. Hung Nô hóa mạnh lên, thường đột nhập biên cảnh Trung Hoa cướp phá mùa màng. Vạn lí trường thành không hoàn toàn ngăn cản họ được, hễ Trung Hoa loạn, yếu thì họ vẫn vượt qua được. Vả lại hình như thời đó đã có một số người Trung Hoa di cư qua Hung Nô làm ruộng hoặc thợ thủ công, có kẻ làm cố vấn giúp họ tổ chức hành chánh, chỉ cho họ chiến thuật phải dùng khi tranh đấu với một đạo quân không phải là du mục. Họ không muốn tùy thuộc Trung Hoả về kinh tế: bình thường thì họ đổi ngựa, da... lấy lúa của Trung Hoa, nhưng Trung Hoa có thể không dùng ngựa của họ,.. mà họ cần có lúa của Trung Hoa, vì vậy họ luôn luôn quấy rối các miền Cam Túc, Thiểm Tây, miền tây nam nội Mông Cổ, Sơn Tây, có thời đến gần Tràng An nữa.
Họ muốn tranh hùng với Trung Hoa, cũng muốn làm thiên tử, có một triều đình, bắt chước lễ nghi Trung Hoa. Đầu năm, họ tế tiên vương, tháng năm họ tế trời đất; mỗi lần tế, các vua chư hầu tụ họp cả ở triều đình Thiền vu. Mùa thu, họ hội họp để kiểm kê số dân và số súc vật.
Thường thường, lúc trăng tròn, họ đột nhập Trung Hoa cướp phá, khi trăng khuyết nhiều thì rút lui, đem chiến lợi phẩm về chia nhau. Khi Lưu Bang diệt được Tần, Hung Nô nhân thời loạn ở cuối Tần, Hung Nô đã chiếm được phía bắc Trung Hoa, tới sông Hoàng Hà.
o O o
Suốt đời Hán, hầu hết các triều đại đều phải đối phó với Hung Nô: khi yếu thì nhường nhịn họ, tặng họ vàng bạc, châu báu, lụa gấm, có khi phải gả cả công chúa, dâng mĩ nhân cho Thiền vu của họ; khi mạnh thì tấn công; chiến phí rất nặng: phải huấn luyện những đạo kị binh mạnh mẽ, phải mua nhiêu ngựa của nước ngoài, phải đưa quân tiến sâu vào đất của địch, có khi xa biên giới cả mấy ngàn cây số, mà vấn đề chuyển vận quân nhu, lương thực rất khó khăn. Lại thêm chiếm được một nơi nào rồi phải lập đồn lũy, đóng quân để giữ, tài chính sẽ hao hụt nhiều, cho nên các vua Hán phải vừa cương vừa nhu, vừa đánh vừa ngoại giao, dùng mưu mô chia rẽ các bộ lạc, liên kết với nước này để chống các nước khác, đề phòng họ tráo trở, ráng thu phục các nước nhỏ ở sát biên giới để họ làm một hàng rào che đỡ Trung Hoa. Dĩ nhiên trước khi đem quân xâm nhập một miền nào, phải có những nhà thám hiểm đò đường, tìm hiểu địa thế, phong tục, nguồn lợi, chính trị miền đó đã. Sau mấy trăm năm kiên nhẫn, hi sinh, dân tộc Trung Hoa đã thắng được mọi khó khăn, tạo được một đế quốc lớn nhất thời đó, mở được đường qua phương Tây, truyền bá được văn minh ra nước ngoài mà cũng tiếp thu được văn minh Ấn Độ, Ba Tư... Đó là công của nhà Hán chẳng những đối với dân tộc họ mà cả với thế giới nữa.
Khi Cao Tổ mới lên ngôi, dân số giảm nhiều, kinh tế suy mà Hung Nô đương thời thịnh, Thiền vu Mạo Đốn đem quân vào đánh cướp, Cao Tổ thân chinh đi dẹp, thua, suýt nguy, may mà thoát được. Biết chưa đủ sức, Cao Tổ phải gả con gái tôn thất cho Thiền vu để cầu hôn. Chính sách dùng hôn nhân để kết thân trong lịch sử Trung Hoa bắt đầu từ đó. Hán hứa cung cấp lương thực, tơ lụa cho Hung Nô và Hung Nô hứa không quấy phá nữa.
Đời Văn đế, Hung Nô chinh phục Tây Vực, một dải đất ở phía tây nước Trung Hoa (tức Tân Cương ngày nay), gồm nhiều nước nhỏ như Lâu Lan (Lobner), Xa Sư (Tourfan), Đại Uyển (Fergana), Sa Xa (Yarkand)... chế ngự các dân tộc du mục ở phía bắc Trường thành, nghiễm nhiên thành một nước đối lập với Trung Hoa, vua Hán phải tặng họ ngọc, lụa để cầu hòa, nhưng càng cho họ càng đòi thêm, cũng nên nhận rằng Trung Quốc hay dùng mưu mô để gạt họ, thành thử vẫn còn những vụ cướp bóc ở biên giới. Hung Nô nhiều khi bắt cóc người Trung Hoa đem về nước, bắt phục vụ cho họ.
Võ đế có hùng tâm hơn, không chịu nhịn nữa, nhất định đánh, để đẩy Hung Nô ra xa biên giới, có vậy mới chấm dút được những quấy phá của họ; bẻ gãy uy quyền của họ ở Cam Túc, như vậy họ khỏi liên kết với Tây Tạng mà nguy cho Trung Quốc; sau cùng - điểm này cũng quan trọng - để bảo vệ đường thông thương qua phương Tây. Ngay từ thời Văn đế, Tràng An đã phát đạt về thương mãi nhờ những đoàn thương nhân chở sản phẩm từ Trung đông qua. Hung Nô mà kiểm soát được đường thông thương đó thì thiệt cho Trung Hoa nhiều. Ngoài ba lí do kể trên, còn lí do thể diện nữa: không lẽ chịu nhục nhã, tặng Hung Nô hoài cả cống phẩm lẫn công chúa.
Trong mươi năm đầu cầm quyền, ông còn lo thu xếp việc trong nước và chuẩn bị, nên chỉ có những đụng độ nhỏ nhưng rất thường với Hung Nô. Từ năm -127 trước Tây lịch, ông mới bắt đầu đại tấn công.
Thời đó, Hung Nô đã vượt Trường thành, xâm nhập miền bắc Trung Hoa, ông đưa quân lên phía nam Hoàng Hà, đánh bại họ, lấy lại được Hà Nam, “giết được hàng ngàn Hung Nô và bắt được cả triệu ngựa, bò, cừu.” Đó là trận đầu.
Sáu năm sau, năm 121, tướng Hán, Hoắc Khứ Bệnh, tiến lên phía tây bắc, tới ranh giới tỉnh Cam Túc ngày nay, lại đại phá được Hung Nô, chia đất chiếm được làm bốn khu vực, mỗi khu vực giao cho một tướng Hán cai trị, và ông đưa dân Trung Hoa qua khai phá, truyền bá văn minh Trung Hoa. Như vậy là: “cánh tay phải của đ:ch bị chặt rồi”, mà con đường thông với Tây Vực đã được mở, quân Hán đi tới đâu thì thương nhân theo tới đó. Năm -119, Hoắc Khứ Bệnh tấn công lần nữa, dùng những đoàn kị mã rất mạnh, Hung Nô bị thiệt hại nhiều, Thiền vu của họ phải chạy trốn, rút lui lên phương bắc, và phía tây, tất cả miền Cam Túc thành thuộc địa của Trung Hoa. Nhưng trong trận đó, quân Hán cũng chết nhiều.
Người Trung Hoa từ đây làm chủ miền Tây Vực, đại khái là miền Tân Cương ngày nay. Dân miền đó bán khai: một số còn là du mục, một số đã trồng trọt, và các bộ lạc thường bị Hung Nô quấy phá, cướp bóc. Võ đế giao hảo với họ, hai bên liên kết vế quân sự để cùng nhau chống Hung Nô.
Trước cuộc tấn công đầu tiên (-127), từ -138, Võ đế đã nhìn xa, sai Trương Khiêm thông sứ Tây Vực, tới tận nước Đại Nhục Chi ở Trung Á, phía bắc Ấn Độ, phía trên sông Indus. Xứ đó của giống người Indo-scythe, cũng bị Hung Nô ức hiếp. Khiêm mạo hiểm qua các nước Ô Tôn, Đại Uyển, Khương Cư (Sogolisne, nay là Boukhara, thuộc Turkestan russe). Hình như Khiêm tới cả Afganistan ngày nay, hồi đó gọi là Đại Hạ nữa. Đến nước nào, Khiêm cũng tuyên dương uy đức nhà Hán.
Về phương diện chính trị, cuộc thông sứ của ông không có kết quả, nhưng trong 13 năm đi khắp miền Trung Á, ông đem về được rất nhiều tin tức chính xác về miền Đại Tây (Grand Ouest) mà trước ông, người Trung Hoa chỉ biết lờ mờ nhờ những lời thuật lại của các đoàn thương nhân. Từ đó Võ đế mới nghĩ tới việc buôn bán với phương Tây mà thương mại của Trung Hoa có dịp phát triển. Lần thông sứ đó thất bại, nhưng Võ đế vẫn chờ cơ hội khác. Vào khoảng đầu thế kỉ thứ II trước Tây lịch, một ông vua Đại Nhục Chi bị Hung Nô chém đầu rồi dùng cái sọ làm bình rượu, triều đình Đại Nhục Chi uất hận. Năm 100, Võ đế nắm lấy cơ hội đó, sai Tô Vũ đi sứ Đại Nhục Chi nữa để hai nước liên kết đánh Hung Nô. Dọc đường Tô Vũ bị Hung Nô bắt, không giết mà cũng không cho về, đành phải tạm ở lại Hung Nô, chăn cừu sống với một phụ nữ Hung Nô trong núi, được một đứa con, sau trốn thoát, chịu không biết bao nhiêu gian nan, tới được Đại Nhục Chi, nhưng lúc này họ hết muốn trả thù Hung Nô rồi, chỉ muốn sống yên ổn, làm ruộng, trồng trọt; Tô Vũ đành trở về tay không, trên đường lại bị Hung Nô bắt một lần nữa.
Tô Vũ đi sứ năm 100 thì năm sau (99), tướng Hán là Lí Quảng Lợi và Lí Lăng thua Hung Nô, Lí Lăng phải tạm đầu hàng đợi cơ hội trả thù, bị Võ đế giết cả ba họ. Chín năm sau (90), Lí Quảng Lợi cũng thua Hung Nô và phải đầu hàng nữa.
Tóm lại, mỗi bên đều có thắng, có bại và nạn Hung Nô vẫn chưa dẹp yên.
Trên đường qua Đại Nhục Chi, Tô Vũ nhận thấy ở nước Đại Uyển (Fergana, phía nam Sogoliané) có một giống ngựa rất hung hăng, gọi là “hãn huyết mã” (ngựa mà mồ hôi đỏ như máu). Võ đế rất thích loại ngựa quí đó, phái người đem một ngàn đồng tiền vàng với một con ngựa bằng vàng để mua hãn huyết mã. Vua Đại Uyển không chịu bán, người đi sứ nổi giận, xúc phạm vua Đại Uyển, rồi trở về nước, giữa đường bị quân Đại Uyển phục kích giết. Võ đế bị nhục, phái ngay 30 vạn quân tấn công Đại Uyển, ba năm chiến đấu mới tới được kinh đô của Đại Uyển. Dân chúng sợ quá, giết vua để xin đầu hàng và xin tặng ba ngàn con ngựa quí. Trên đường về, đoàn quân chiến thắng với ba ngàn con ngựa đó làm cho các nước nhỏ phải kính nể rồi qui phục nhà Hán. Thật là một kết quả bất ngờ. Thế của nhà Hán ở Tây Vực đã khá vững rồi.
Tuy nhiên người Trung Hoa vẫn phải đề phòng Hung Nô; gây sự bất hòa, chia rẽ các bộ lạc Hung Nô, dùng đủ mưu mô do thám, phá hoại, nhờ vậy yên ổn được trong nhiều năm.
Qua đời Tuyên đế, một bộ lạc ở Tây Vực, bộ lạc Ô Tôn, “mắt xanh, râu đỏ, tướng như loài khỉ”, muốn kết thân với Hán, xin cưới công chúa Trung Hoa. Thiền Vu Hung Nô hay tin, đưa tối hậu thư: “Đuổi công chúa Hán về đi, nếu không thì chiến tranh.” Ô Tôn đành phải nhờ Hán che chở. Năm 73 trước Tây lịch, liên quân Hán - Ô Tôn đại thắng quân Hung Nô: 4.000 người chết, 70 vạn ngựa, bò, cừu, lạc đà bị cướp.
Năm sau, Hung Nô tấn công trả thù, thắng được ít trận nhỏ nhưng trong khi rút quân với chiến lợi phẩm về thì chẳng may bị một cơn bão tuyết, 95% quân lính chết rét. Lợi dụng tình thế đó, Hán, Ô Tôn và vài kẻ thù khác của Hung Nô cùng nhau tấn công một lúc: vậy là mùa đông đó, một phần vì chiến tranh, một phần vì đói rét, một phần ba dân và một nửa súc vật của Hung Nô bị giết.
Lại thêm những khó khăn nội bộ nữa: các thủ lĩnh bộ lạc tranh quyền nhau, gây cảnh cốt nhục tương tàn. Trung Hoa do đó được yên trong khoảng 20 năm, rồi năm 54, Hung Nô hết nội loạn, mạnh lên, lại gây hấn, tấn công để trừng phạt Ô Tôn. Hán tức thì đem quân vây kinh đô Hung Nô, giết được Thiền vu của họ. Thiền vu nối ngôi cầu hòa, chỉ xin vua Hán gả cho mình một công chúa. Vua Hán phải chiều lòng, bắt một cung phi tuyệt đẹp, nàng Chiêu Quân, gả cho Hung Nô. Đây là vụ Chiêu Quân cống Hồ, làm đề tài cho các văn nhân thi sĩ đời sau chép lại nỗi lòng đau xót của nàng, cuộc hành trình thê thảm của nàng qua những miền hoang vu, và ngôi mộ của nàng mà “cỏ lúc nào cũng xanh”, như tấm lòng của nàng lúc nào cũng hướng về Hán.
Sau vụ đó, Hán được yên trong nửa thế kỉ: sự tan rã của Hung Nô gần như hoàn toàn, Trung Hoa làm chủ cả Trung Á, cương vực bao quát từ Mông Cổ, Tân Cương đến tận biên giới lãnh thổ Nga, uy danh lừng lẫy. Cả miền Đông Á và Trung Á được hưởng một cuộc thái bình mà sử gia phương Tây gọi là Thái bình Trung Hoa (Pax Sinica), tương đương với Thái bình La Mã (Pax Romana) ở phương Tây. Vì thời đại vẻ vang ấy mà người Trung Hoa tự xưng là người Hán, và người nước ngoài gọi Trung Quốc là người Hán, chữ Trung Quốc là chữ Hán.
Nhưng khi Vương Mãng thoán vị, Trung Hoa loạn lạc, Hung Nô bất bình vì Vương Mãng giáng tước vương của các vua Hung Nô, Tây Vực, Cao Li xuống tước hầu, một số nước ở Tây Vực nghe lời Hung Nô, tuyệt giao với Hán, quay lại làm phản.
o O o
Đời Hậu Hán, trong mấy triều đại đầu, việc đối ngoại khá tốt đẹp.
Vua Quang Võ lập lại trật tự rồi, nhiều nước ở Tây Vực nghĩ rằng thà chịu lệ thuộc Hán ở xa còn hơn là lệ thuộc Hung Nô ở gần, nên xin Quang Võ bảo hộ. Quang Võ không nhận vì không đủ quân đưa đi Tây Vực Khoảng 45 năm sau T.L Hung Nô bị nhiều nạn hạn hán và một nạn châu chấu, súc vật chết nhiều, dân đói. Nước chia làm hai: bắc sống độc lập, nam lệ thuộc Hán; Quang Võ mưu mô gây sự bất hòa giữa hai bên.
Qua đời sau Minh đế làm tuyệt đường giao thông giữa Bắc và Nam Hung Nô, rồi sai Đậu Cố đánh Bắc Hung Nô, chiếm đất làm đồn điền. Ông lại phái Ban Siêu đi thông sứ các nước Tây Vực. Siêu cũng có óc mạo hiểm như Trương Khiêm, đến nước Thiện Thiện (Chan Chan) thuyết phục vua nước đó bỏ Hung Nô mà liên kết với Hán.
Mới đầu vua Thiện Thiện tiếp ông rất lễ độ, trong khi đó, một phái đoàn của Hung Nô cũng tới, vua Thiện Thiện thay đổi thái độ, lơ là với phái đoàn Hán. Ban Siêu cả gan dùng thuật vào hang cọp để bắt cọp con, nửa đêm sai mười người núp sau nhà của phái đoàn Hung Nô, người nào cũng cầm trống; còn hai mươi sáu người nữa, núp ở phía trước nhà, rồi một mình ông tiến vào đốt nhà. Đêm đó có cơn dông, lửa bốc cao, bọn mười người phía sau đập trống vang trời, phái đoàn Hung Nô hoảng hốt, chạy ra phía trước, bị người Hán bắn chết một phần, phần còn lại chết cháy. Vua Thiện Thiện thấy vậy, vội thề kết thân với Hán. Chưa thấy phái đoàn ngoại giao nào dùng thuật kì dị như vậy.
Sau đó, Ban Siêu tới nước Vu Điền (Khetan) giết một mụ phù thủy quân sư của nhà vua vì mụ dám nhục mạ sứ giả của nhà Hán, đòi sứ giả phải giết một con ngựa vàng mõm đen rồi hai bên mới thương thuyết. Vua Vu Điền thấy vậy cũng hoảng như vua Thiện Thiện và vội xin qui phục nhà Hán, giết hết các sứ giả Hung Nô ở trong nước. Bọn đế quốc Trung Hoa thời đó đâu có thua bọn đế quốc phương Tây thế kỉ XVIII và XIX.
Nhờ phương pháp đó mà Ban Siêu thành công mĩ mãn: Nam Hung Nô và trên 50 nước nhỏ ở Tây Vực đều thông hiếu với nhà Hán. Còn Bắc Hung Nô thì bị Đậu Hiến đánh đuổi qua phía Tây. Năm 69 tuổi, sau 30 năm hoạt động ở Tây Vực, Siêu về nước, nghỉ được một năm rồi chết năm 102 (đời Hòa đế).
Nhà Hán còn giữ được uy quyền ở Tây Vực trong một thời gian nữa, rồi khi suy nhược vì nạn ngoại thích và hoạn quan thì không kiểm soát được miền đó nữa. Nhưng công của Võ đế, của những tướng như Hoắc Khứ Bệnh, Đậu Cố, của những nhà thám hiểm như Trương Khiêm, Ban Siêu không phải là vô ích. Nhờ ngững người đó mà Trung Hoa trong 300 năm đã làm chủ và khai hóa được một miền rộng ở châu Á.
Một hậu quả bất ngờ của công trình dẹp Hung Nô đó của nhà Hán là đẩy nạn Hung Nô từ đông qua tây. Bị Đậu Hiến đời vua Hòa đế đánh đuổi, Bắc Hung Nô chạy qua phương Tây, xâm chiếm lần lần châu Âu và tới thế kỉ thứ V, một Thiền vu kiệt hiệt là Attila (A Đề Lạp) phá tan tành đế quốc La Mã, làm cho châu Âu chìm đắm trong cảnh hắc ám thời Trung cổ. Còn Nam Hung Nô sau sẽ là một trong Ngũ Hồ đời Tấn.
2. Chiếm Triều Tiên
Triều Tiên mới đầu lệ thuộc nhà Thương rồi sau thần phục nhà Chu, đầu đời Hán, phản li Trung Quốc.
Đầu thế kỉ thứ II trước T.L. Triều Tiên đã đóng một vai trò quan trọng trong việc trao đổi hàng hóa, thổ sản với Nhật Bản. Lại thêm vị trí của Triều Tiên ở bên sườn Hung Nô, cho nên năm 108 Hán Võ đế đem thủy và lục quân tấn công Triều Tiên, một là để uy hiếp Hung Nô, hai là để chiếm cái lợi thương mãi với Nhật Bản. Triều Tiên mặc dầu anh dũng, hai lần thắng quân Hán nhưng rồi nước nhỏ, sức yếu, rốt cuộc phải chịu thua.
3. Tiến xuống phía Nam
Đời Tần Thủy Hoàng, đế quốc Trung Hoa đã lan tới Quảng Đông và một phần Bắc bộ nước ta đặt ra ba quận Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận. Trong thời loạn cuối Tần đầu Hán, viên quận úy Nam Hải là Triệu Đà (có sách chép là Triệu Tha) làm chủ cả ba quận đó, gọi là Nam Việt, tự xưng là Nam Việt vương.
Hán Cao Tổ dùng chính sách ôn hòa, chỉ bắt Đà chịu thần phục mình thôi, cho Đà giữ tước vương đó.
Qua đời Võ đế, Hán chủ trương xâm lược để mở rộng bờ cõi, không bán sắt cho Nam Việt, dân Nam Việt không đúc được khí giới, rèn được nông cụ, nổi lên phản kháng, người cầm đầu là thừa tướng Lữ Gia, giết những người thân Hán (như Cù Thái hậu, vợ góa của Đà) Võ đế sai Lộ Bạc Đức, Dương Bộc đem quân xuống diệt, bình định Nam Việt, thu vào bản đồ, đặt làm chín quận, chiếm luôn đảo Hải Nam, như vậy là khai thông được đường thương mãi với vài nước ở Nam Dương (Indonésia).
Nhân đà đó, Võ đế tiến quân về phía Tây Nam, bắt các đất Điền (Vân Nam ngày nay), Dạ Lang (Quí Châu ngày nay) phải qui thuận.
Đời Quang Võ, hai bà Trưng nổi lên giết Thái thú Giao Chỉ là Tô Định vì Định ức hiếp dân ta quá, đòi cung cấp cho hắn hổ phách, đồi mồi, san hô, ngọc trai, ngà voi... Hai bà xưng vương được mấy năm, Quang Võ sai Mã Viện sang dẹp.
Việc xâm chiếm miền Nam dễ dàng vì các dân tộc miền đó không đông, sống về nông nghiệp, không hung hăng như các dân du mục phương bắc và phương tây.
Vậy là đời Hán, đế quốc Trung Hoa mở rộng rất nhiều phía bắc tới Mãn Châu, Triều Tiên, phía nam tới Đông Dương, bắc Miến Điện, phía tây tới Tây Tạng, phía tây bắc tới Trung Á, rộng hơn cả châu Âu ngày nay.
D. KINH TẾ
1. Nông nghiệp
Về nông nghiệp nhà Hán tiếp tục chính sách của nhà Tần mà phát triển thêm. Như trên đã nói, sau mấy năm loạn lạc cuối đời Tần, nhiều đất bỏ hoang, dân nghèo, Cao Tổ khuyến khích nông nghiệp, cho quân đội giải ngũ về làm ruộng, giảm thuế ruộng, có nơi chỉ còn 3% huê lợi, có nơi lại miễn thuế luôn nữa.
Nhờ kĩ thuật nấu sắt, nông cụ sắt bén hơn, cày sâu hơn, phá rừng, đào kinh dễ hơn, nhiều miền trước chỉ làm rẫy (đốt rừng rồi gieo) bây giờ thành điền.
Kĩ thuật cũng tiến bộ: người ta biết cách luân canh, chế tạo một kiểu xe để gieo giống, một kiểu cối xay chạy bằng sức nước.
Võ đế rất quan tâm tới việc đắp đê ngăn lụt (nhất là sông Hoàng Hà), đào kinh tháo nước và tưới ruộng. Ông cho đào một con kinh song song với sông Vị nối Tràng An với sông Hoàng Hà.
Bọn quí tộc, quan liêu, được nâng đỡ trong việc khẩn hoang, miễn phụ đảm. Do đó có nhiều địa chủ giàu lớn, có tới 800 nông nô, có hồ câu cá, có rừng để săn. Cùng như châu Âu thời Trung cổ, giới quí tộc Trung Hoa thời thượng cổ rất thích săn bắn: di tích của lối sống thời chưa có lối sống nông nghiệp. Ngay thời Võ đế, khi Tư Mã Tương Như sống chung với nàng Trác Văn Quân, được bố vợ cho một trăm nông nô và một triệu đồng tiền (Khoảng 72 kí lô vàng[5], theo Y. Herveuet. Un Poète de cour sous les Han, Sseu-ma Siang-jou - PUF 1964 - Denys Lombard dẫn trong La Chine impériale, PUF 1967, tr: 24).
Đó là một lí do khiến Vương Mãng đời sau tịch thu đất đai của bọn đại điền chủ, chia lại cho dân nghèo theo phép tỉnh điền thời Xuân Thu. Trong lịch sử Trung Hoa, lâu lâu khi có sự chênh lệch quá giữa kẻ giàu và người nghèo, thì lại có một cuộc cải cách điền địa như vậy; nếu chính quyền không làm thì nông dân nổi dậy, tự cải cách lấy.
2. Công nghiệp
Thủ công nghiệp đời Hán, về vài ngành, phát triển hơn đời trước nhiều. Người ta họp nhau thành phường, gồm con cháu trong nhà và một số thợ học nghề, như phường ép dầu, phường làm nước tương, phường may áo, đóng quan tài... Nông dân ở thôn quê tự túc được, làm lấy được mọi đồ thường dùng, sản xuất được mọi thức ăn, chỉ phải ra chợ, thị xã mua muối, rượu, sắt, đồng.
Xét những di vật khai quật được thì các đồ tiểu công nghệ thời đó như đồ vàng, đồ ngọc, đồ đồng, đồ gốm, đồ lụa, đồ nhuộm, đồ sơn... đã khá tinh xảo.
Ở Sơn Đông, ở kinh đô Tràng An, nghề dệt lụa rất phát triển: có xưởng dùng mấy ngàn thợ. Trong một ngôi mộ khai quật, người ta thấy những đồ liệm bằng lụa còn giữ được màu cũ.
Nghề gốm bắt đầu sản xuất được những đồ sứ đẹp đẽ.
Tiến bộ nhất là đồ sơn: sự phân công rất tỉ mỉ. Làm một bộ chén dĩa phải dúng một trăm người thợ, làm một bức bình phong, phải một ngàn người thợ, mỗi người chuyên một việc nhỏ.
Vào khoảng 100 năm sau T.L, Trung Hoa đã phát minh được thuật làm giấy bằng giẻ rách, giá rất đắt. Trên một thế kỉ sau, đến Tây Tấn, Tả Tư làm bài Tam đô phú dài khoảng 1.000 chữ, rất nổi tiếng, dân chúng hoan nghênh đặc biệt, sao chép lại, làm cho giấy ở kinh đô khan, giá tăng vọt lên, đủ biết giấy còn hiếm tới mức nào.
Thuật nấu sắt cũng tiến bộ. Năm 1958 người ta khai quật được ở Hà Nam 17 lò nấu sắt có từ thế kỉ II trước T.L., và thời đó lò đã dùng than đề đốt.
Kĩ nghệ sắt và muối do chính phủ giữ độc quyền, năm 119 đặt chức diêm thiết quan coi về hai ngành đó như trên đã nói.
Vấn đề độc quyền muối, sắt không phải chỉ là một vấn đề kinh tế, mà còn là một vấn đề chính trị, gây sự tranh biện sôi nổi giữa phái theo Nho và phái theo Pháp. Theo Tư Mã Thiên thì cuộc tranh luận bắt đầu trễ lắm là từ đời Cảnh đế, kéo dài tới đời Tuyên đế, trong khoảng 100 năm. Theo Hán thư, cuộc tranh biện hăng hái nhất vào thời Tuyên đế, nhân cuốn Diêm thiết luật của Hàn Khoan. Hàn Khoan là một nhà Nho ở thời Chiêu đế, xin bãi bỏ thuế sắt muối cho dân đỡ khổ. Các nhà Nho khác lên tiếng ủng hộ, nhưng đa số các đại phu theo Pháp gia đều đả kích Hàn Khoan. Hai phe gồm trên 60 người cãi nhau về bốn vấn đề này: 1- dùng văn giáo hay võ lực; 2. lấy nông hay lấy công, thương làm gốc; 3. dùng nhân nghĩa hay chỉ nghĩ đến lợi; 4. dùng đạo đức hay dùng hình pháp. Bọn Pháp gia bảo nhà Chu dùng nhân nghĩa, trọng văn nên mới suy vong; bọn Nho gia bảo Tần độc tài chỉ dùng uy vũ, không ai phục, nên mới mau đổ. Không bên nào thắng nổi bên nào, rốt cuộc các vua Hán vẫn giữ thuế sắt, muối đời Võ đế vì triều đình rất cần tiền.
Về kiến trúc, Võ đế rất thích kiến thiết lâu đài cung điện tráng lệ; có Thần minh đài cao tới 50 trượng, nếu mỗi thước thời đó là một gang tay thì 50 trượng bằng 100 mét ngày nay, tiếc rằng đài đó nay không còn.
3. Thương mãi
Nhà Hán khuyến nông mà ức thương, không cho con cháu thương nhân làm quan, nhưng thương nhân giàu có đều mua đất, thành đại địa chủ, thành thử chính sách đó không có mấy hiệu quả. Vả lại chính nhà nước cũng phát triển việc buôn bán, trao đổi hàng hóa với nước ngoài, nên thương mại phát triển hơn các thời trước.
Trong những cuộc thám hiểm và chiếm đóng Tây Vực, người Trung Hoa biết được các hàng hóa phương Tây vô Trung Quốc do đường nào, và ngoại nhân mua hàng Trung Quốc rồi chở đi đâu. Nguồn lợi đó khá lớn, triều đình muốn nắm lấy, bắt các nước lệ thuộc phải nộp cống những sản phẩm triều đình cần dùng và triều đình cấp lại cho một số sản phẩm nông nghiệp giá trị tương đương. Chính sách đó không có lợi, vì bọn sứ thần thường thừa cơ buôn bán riêng với các thổ dân, phần lớn nguồn lợi vào tay họ hết. Vả lại vua Hán chỉ đòi hỏi những sản phẩm lạ, đẹp để trang hoàng cung điện, mà các nước ngoài chỉ thích hàng tơ lụa của Trung Hoa, thành thử triều đình mất một số hàng có lợi cho kinh tế mà thu vào những thứ vô ích cho kinh tế, thương mãi kiểu đó càng thịnh vượng thì nước càng nghèo đi.
Ở phương Nam, nhiều thị trấn tại bờ biển, như Quảng Châu, thời đó đâu có những thương nhân ngoại quốc lập những trung tâm buôn bán thinh vượng, đổi hàng của Ấn Độ, Trung Đông lấy hàng Trung Hoa.
Ở trong nước, thương mãi phát đạt nhờ Võ đế cho đúc nhiều tiền, mở nhiều đường giao thông. Trên những con đường đó, cứ năm dặm (khoảng ba cây số) đặt một đoản đình (trạm nhỏ), mười dặm đặt một trường đình (trạm lớn). Tại mỗi trạm có phu trạm chạy ngựa đem thư tới trạm sau, lại có quán cho dân đi đường ghé ngủ ban đêm và ăn uống. Toàn quốc có tới trên ba vạn quán như vậy.
4. Dân số
Về dân số, chúng ta chỉ biết đại khái thôi, vì mỗi sách nói một khác. Từ đời Tần đã có lệnh nhà nào cũng phải khai số người, nhưng lệnh đó không thể thi hành ở những nơi xa xôi, không có quân triều đình đóng.
Theo Lombard (sách đã dẫn) thì đầu đời Chiến Quốc, Trung Hoa có độ 20 triệu dân, đời Tần được 40 triệu, đầu kỉ nguyên Tây lịch được 57 triệu.
Nhưng theo Lữ Chấn Vũ, tác giả Giản minh Trung Quốc thông sử (Nhân dân xuất bản xã, Bắc Kinh, 1955), thì thời Quang Võ (25-57 sau T.L.) thì chỉ có 21 triệu, mà gần cuối đời Tiền Hán, khoảng đầu kỉ nguyên, có tới 59 triệu (số này hợp với Lombard), như vậy là giảm mất 38 triệu, gần hai phần ba, chỉ vì nạn Xích Mi nổi loạn ư?
E. VĂN HÓA
1. Triết học và tôn giáo
Thời Tiên Tần là thời xuất hiện của tất cả các triết gia lớn nhất của Trung Quốc, của các bậc “tử”, bậc thầy: Khổng Tử, Mặc Tử, Lão Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử... Cho nên đời sau gọi thời đó là thời “tử học”; những tác phẩm lớn của họ được đời sau gọi là kinh; từ đời Hán trở đi, trên hai ngàn năm, tới cuối đời Thanh, thời nào cũng có ít nhiều triết gia, nhưng không nhà nào đưa ra một học thuyết nào thật mới mẻ, quan trọng mà chỉ nghiên cứu, tìm hiểu, chú giải, phát huy thêm những triết thuyết trong các kinh thời Tiên Tần, chỉ “trị kinh”, cho nên gọi là thời “kinh học”.
Mặc học như tôi đã nói, từ gần cuối thời Chiến Quốc đã biến thái, thành Biệt Mặc, thiên về biện luận, khoa học, không bàn đến nhân sinh, chính trị nữa, rồi không ai tiếp tục đạo của Mặc tử nữa. Từ đời Hán chỉ còn lại hai đạo Khổng và Lão.
a. Khổng giáo
Đầu đời Hán, đạo Khổng không được trọng. Cao Tổ nghe lời Thúc Tôn Thông, lập triều nghi như đạo Nho, để triều đình có tôn ti, ngôi vua được trọng, nhưng ông không bỏ lệnh hiệp thư của nhà Tần.
Tới thời Văn đế, lệnh hiệp thư bãi bỏ rồi, Nho và Lão được trọng ngang nhau. Các kinh thư của đạo Nho thời đó đều chép bằng kim văn, tức thứ chữ mà Lý Tư đời Tần đã qui định cho toàn cõi, gọi là tiểu triện, giản dị hơn lối đại triện dùng trong nhiều nước thời trước.
Qua thời Võ đế, xuất hiện một danh nho: Đổng Trọng Thư. Ông miệt mài nghiên cứu kinh sách, nhưng không phát huy được gì. Ông đưa kiến nghị dùng Nho giáo làm quốc giáo, Võ đế nhận là phải, vì thuyết tam cương ngũ thường có lợi cho nhà vua, nhưng chỉ giao cho ồng một chức phụ tướng giúp Dịch Vương (anh vua) cai trị đất Giang Tô, chứ không được ở triều đình.
Làm quan bị biếm, ông về ẩn ở quê nhà, soạn bộ “Xuân Thu phồn lộ” để làm rõ thuyết “Thiên nhân tương ứng”: trời đất và người cùng loại và tương ứng với nhau, ví dụ người có 360 đốt xương, hợp với con số của trời (số ngày trong một năm), có bắp thịt, thân thể dày dặn như đất, có mắt như mặt trời mặt trăng, có tứ chi như năm có bốn mùa, có ngũ tạng như vũ trụ có ngũ hành. Tư cách ông cao nhưng lí luận ông thô thiển, kém Vương Sung.
Vương Sung sống ở đầu kỉ nguyên Tây lịch, làm một chức quan nhỏ rồi về dạy học, viết cuốn Luận hành chỉ phương pháp nghị luận. Ông có tinh thần khoa học, có thể chịu ảnh hưởng của Tuân Tử, chỉ trích nhiều ý kiến đương thời, những lối giải thích sai lầm về đạo Khổng, nhất là những điều mê tín rất thịnh hành đời Hán. Như Lão Tử, ông cho vũ trụ là Vô ý chí, vô vi, cứ tự nhiên sinh hóa. Ông không nhận rằng linh hồn bất tử, chính ông nói câu “con người trong vũ trụ cũng như con rận trong quần” mà sau này Nguyễn Tịch đời Ngụy lập lại. Ông phản đối thuyết tai dị, thuyết “thiên nhân tương ứng” của Đổng Trọng Thư.
Ông không trọng cổ khinh kim, mà đề cao sự thực nghiệm. Trong bộ Luận hành (cán cân - tức như tiêu chuẩn - để nghị luận), mỗi khi lập luận, ông đều lấy sự thực tế để chứng minh. Ông rất chê thiên “Minh quỉ” của Mặc Tử, cho rằng những dẫn chứng của Mặc Tử vô giá trị; quỉ thần vốn không có. Ông là nhà tư tưởng sâu sắc nhất đời Hán.
Triết lí của ông có thể đưa tới tư tưởng và phong trào duy lí (rationaliste) ở châu Âu cuối thời Trung cổ, nhưng giới cầm quyền Trung Hoa thấy nó có hại cho quyền uy của họ, cho sự trị dân, nên triều đình không dùng ông.
Xét chung thì đời Tiền Hán, các học giả có công phát minh những vi ngôn đại nghĩa trong kinh thư của Khổng giáo; qua đời Hậu Hán, người ta chú trọng vào cái học “huấn hỗ”, tức giải thích những chỗ khác nhau trong cổ văn và kim văn.
Sở dĩ có phong trào đó là do đời Cảnh đế, người ta tìm thấy trong vách nhà Khổng Tử một số kinh, thư của đạo Nho viết bằng thứ chữ đời Hán gọi là cổ văn, mà Lí Tư đã bỏ, thay bằng thứ chữ mới đời Tần, giản dị hơn, gọi là kim văn. Những sách đó chắc là chép trên lụa (thời Cảnh đế chưa có giấy), và có lẽ giấu vào trong tường từ khi có lệnh hiệp thư. Có điều đáng kể là so sánh những sách đó với những sách gọi là kim văn do một số người học thuộc lòng rồi chép lại sau khi hủy lệnh hiệp thư, thì thấy có nhiều cái khác nhau rất xa. Có thể là do người học thuộc lòng (bản kim văn) đã nhớ sai, nhưng cũng có thể là do người viết bản cổ văn đã tự ý sửa đổi, mà sửa đổi với mục đích gì?
Thế là các học giả đua nhau nghiên cứu các từ cổ tìm hiểu ý nghĩa rồi rán hiệu đính. Hình như Vương Mãng cũng làm công việc nghiên cứu đó và dụng tâm chú giải theo ý ông cho hợp với đường lối biến pháp của ông. Phong trào “huấn hỗ học” đó kéo dài suốt đời Hậu Hán và cả trong các đời sau nữa: cứ thời nào người ta muốn phục cổ (trở về chính sách thời cổ) thì nó lại bùng lên, thời nào người ta muốn canh tân thì nó lại xẹp xuống. Đó là một điểm đặc biệt trong học thuật Trung Hoa. Cũng vì Hậu Hán chú trọng vào cái học huấn hỗ, nên không có một tư tưởng gia nào đáng kể.
b. Lão giáo - Đạo giáo
Lão giáo được đời Tần và các vua đầu đời Hán rất tin: Cao Tổ, Võ đế tin mà không dùng chính sách vô vi trong chính trị. Văn đế và Cảnh đế thì vừa tin vừa noi theo chính sách vô vi ít can thiệp vâo đời sống dân, cho dân được tự do kinh doanh.
Nhưng suốt đời Hán, không có một học giả nào nghiên cứu Lão - Trang, cho nên Lão giáo được trọng mà thực sự là suy.
Nguyên nhân là sau một hai thế kỉ loạn lạc, lầm than, con người dễ tin dị đoan, âm dương học và pha lẫn Nho học (Đổng Trọng Thư như trên chúng ta đã thấy) cả với Lão học nữa.
Trong Đạo đức kinh có những câu: “Chết mà không mất là thọ”, “Cái đạo gốc sâu rễ bền, sống lâu mà trông xa mãi mãi” dễ làm cho dân chúng hiểu lầm, tin rằng có phép trường sinh; lại thêm có truyền thuyết Lão Tử sống trăm rưỡi năm, nên người ta càng tin có một bí quyết trường sinh mà Lão Tử không truyền lại.
Một số người rán tìm bí quyết đó, nghĩ ra những cách điều hòa âm dương, lấy trộm cái huyền vi của trời đất như cách luyện đan bằng chu sa, thần sa (cinabre: sulfure de mercure) để uống; cách luyện “tinh, khí, thần” bằng trầm tư, bằng phép điều khiển hơi thở, nín thở (ít nhất phải nín thở được 12 phút, nếu nín thở được một giờ thì gần thành bất tử); cách tịch cốc (không ăn ngũ cốc mà ăn rau, mè, trái táo...), nuốt tia sáng mặt trời, nuốt nước miếng; cách “đạo dẫn” (một phép dưỡng hô hấp, cúi ngửa, co duỗi để cho khí huyết sung túc); cả bằng thuật “phòng trung” nữa...
Võ đế cũng tin như Tần Thủy Hoàng rằng có thuốc trường sinh, sai luyện thần sa để được bất tử.
Phái luyện đan đó (gọi là phái đan đỉnh) hợp với bọn có học và có tiền. Còn một phái nữa thấp hơn, dùng bùa phép, gọi là phái phù lục, mê tín hơn, hợp với bình dân hơn. Cả hai đều tự gọi là Đạo giáo (đừng lầm với Lão giáo), phái trên có từ đời Tần hay trước nữa, phái dưới tới đời Quang Võ (Đông Hán) mới xuất hiện, thủy tổ là Trương Lăng, cháu 9 đời của Trương Lương, một công thần của Hán Cao Tổ.
Trang trước, tôi đã nói sự cúng tế trời, thần xã tắc, thần núi sông, thờ tổ tiên... không có tính cách một tôn giáo, hoặc chỉ có thể coi là một tôn giáo có tính xã hội, mưu hạnh phúc cho quốc gia, toàn thể nhân dân, chứ không có tính cách cá nhân, giải thoát, tế độ cá nhân; mà bình dân thời nào cũng mong được tế độ, cần có một tin tưởng ở kiếp sau, ở một thế giới khác, thiên đường chẳng hạn, mà có thiên đường thì tất có địa ngục để sửa những bất công trong xã hội hiện tại.
Đạo Khổng không tặng cho họ một tin tưởng như vậy; đạo Mặc cao quá (yêu người như yêu bản thân mình: kiêm ái), lại có tính cách chính trị hơn tôn giáo (chính sách thượng đồng), nên cũng không làm thỏa mãn dân, cho nên khi Đạo giáo - đúng hơn là phái phù lục của Đạo giáo - xuất hiện thì dân chúng theo rất đông, miền nào cũng có, nhất là miền bờ biển.
Trương Lăng đi chơi khắp các danh sơn, tự xưng là đắc đạo ở núi Long Hổ (tỉnh Tây Giang), viết cuốn Đạo Thư gồm 24 thiên, diễn một số tư tưởng của Lão Tử phụ thêm các cách bói toán, phù chú để chữa bệnh, khoe có thể trị bệnh, trừ ma quỉ được, dân chúng rất tin. Ông ta thờ cả Hoàng Đế lẫn Lão Đan (Lão Tử) mà ông gọi là Thái thượng Lão quân, vì vậy đạo của ông có tên là Hoàng Lão. Ai muốn thụ đạo thì phải nộp cho ông năm đấu gạo, do đó đạo còn có tên là đạo năm đấu gạo. Khi chết, Lăng truyền kinh lại cho con là Trương Lỗ; tới đời Lỗ, phái phù lục đã lan khắp trong nước, có nhiều điện thờ Hoàng Đế, Thái thượng Lão quân, và không biết bao nhiêu là thần; riêng về thần trong cơ thể đã có tới 24 vị, mỗi vị quản trị một bộ phận như tim, phổi, bao tử, thận... Họ thành lập được một hàng giáo phẩm mà người cầm đầu giáo chủ phải là hậu duệ của Trương Lăng; tổ chức những buổi lễ tập thể đông hàng ngàn tín đồ, nghi thức rất phiền phức. Đại khái họ như bọn phù thủy, thầy pháp, triều đình không ưa họ, cho là vô học, mê tín dị đoan, mà họ cũng ghét quan lại của triều đình, hi vọng hễ lật được chính quyền thì đưa đạo của họ lên làm quốc giáo, thay đạo Khổng.
Đầu thế kỉ thứ II, thời Đông Hán, Trương Giác dùng phù thủy mê hoặc quần chúng, lập hội kín, nhân lúc loạn lạc, đói kém, cầm đầu nông dân nổi loạn ở khắp nơi, tức giặc Hoàng Cân khăn vàng. Đồng thời, Trương Lỗ hùng cứ Hán Trung (phía nam Thiểm Tây), uy thế của họ Trương rất lớn. Sau khi Hoàng Cân bị dẹp, Trương Lỗ đầu hàng Tào Tháo, được Tháo phong tước kết làm thông gia, sống yên ổn ở Tứ Xuyên, đời gọi là Trương Thiên Sư.
Phái phù lục lúc đó có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Dân cũng tin rằng theo cách tu của họ thì bất tử. Thời nào họ cũng lập hội kín để chống nhà cầm quyền. Mười vụ nông dân nổi loạn thì 7-8 vụ do họ điều khiển, thanh thế mới đầu rất lớn, sau cùng rồi cùng thất bại.
Đến cuối đời Thanh, bọn Quyền phỉ, bọn Thiên địa hội đều do họ chỉ huy, và tín đồ mê muội tới nỗi nghe lời họ, cứ lăn xả vào gươm, đao, cả súng ống của đối phương. Thiên địa hội truyền qua nước ta, đầu Thế chiến thứ nhất còn hoạt động ở Saigon, sau thế chiến, ở miền Tây Nam Việt.
Các sách sử ít nhắc tới họ, coi họ như một bọn giặc cỏ, nhưng chính họ đã tạo nên một tôn giáo cho bình dân Trung Hoa, mà tôn giáo đó chống chính quyền, tức là cũng làm chính trị nữa. Rốt cuộc Trung Hoa vẫn không có một tôn giáo nào thuần túy như đạo Phật của Ấn Độ. Có lẽ vì vậy mà khi đạo Phật vào Trung Hoa thì dễ được dân chấp nhận, sau thành tôn giáo chính thức, và thịnh ở Trung Hoa còn hơn ở Ấn Độ nữa.
c. Phật giáo vào Trung Quốc
Khó biết được chắc chắn Phật giáo bắt đầu vào Trung Quốc từ bao giờ.
Trong cuốn Lịch sử Phật giáo Trung Quốc (Vạn Hạnh, 1963), Thích Thanh Kiểm chép lại bảy thuyết nhưng chỉ nhận có hai thuyết là đáng tin.
- Thời Hán Ai đế (-6 +1 T.L), một sứ giả nước Đại Nhục Chi tới Trung Quốc, đem Phù đồ giáo, tức Phật giáo, truyền miệng cho Trần Cảnh Hiến;
- Rồi tới đời Minh đế, năm 67 T.L, nhà vua phái 18 người qua Tây Vực thỉnh tượng Phật; nửa đường họ gặp hai vị tăng Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan tải kinh, tượng bằng ngựa trắng đi về phía Đông, bên mời chùa Bạch Mã (Ngựa trắng) để thờ Phật và dịch kinh điển.
Thuyết sau phổ thông nhất, được coi là thuyết công truyền.
Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan phiên dịch được bộ kinh đầu tiên, kinh “Tứ thập nhị chương”. Riêng Trúc Pháp Lan dịch thêm được năm bộ kinh nữa.
Sau đó một vị thái tử xứ An Tức (Parthia) là An Thế Cao tới Lạc Dương, hợp tác với Nghiêm Phật Điêu dịch nhiều bộ kinh ra chữ Hán, nhưng công việc vẫn chưa có hệ thống gì cả.
Tới cuối đời Hậu Hán, Phật giáo đã lan tràn trong dân gian và đời Hiến Đế đã có một tự viện lớn để thờ Phật, số người đến lễ bái đã trên một vạn.
Có điều đáng để ý là đạo Phật khi mới vào Trung Quốc thì các tín đổ Đạo giáo (cả phái đan đỉnh lẫn phái phù lục) đều thấy ngay nó hợp với họ; mà các nhà sư cũng thấy các tín đồ Đạo giáo như là anh em của mình, còn các kẻ sĩ đạo Khổng xa với họ quá. Thực ra, Phật và Đạo khác hẳn nhau: Phật giáo không nhận cái Ngã (ta) là thực, Đạo trái lại; Phật tìm sự giải thoát ở Niết Bàn, Đạo tìm sự trường sinh; nhưng cả hai tôn giáo đó có những điểm giống nhau: thờ phượng, trầm tư, luyện hơi thở, kiêng một số thức ăn...; nhất là có truyền thuyết Lão Tử về già qua phương Tây, mà đạo Phật cũng ở phương Tây, cho nên tín đồ Đạo giáo cho rằng Phật với Lão là một.
Do đó những người Hán đầu tiên theo đạo Phật phần nhiều là đã theo Đạo giáo, và những nhà sư phương Tây qua muốn dịch kinh Phật, dùng ngay một số từ ngữ trong Đạo đức kinh, qua các đời sau họ mới thấy sai mà sửa lại.
2. Văn học
Triết học đời Hán kém xa đời Tiên Tần nhưng văn học thì phong phú hơn.
a. Văn xuôi
Văn xuôi đời Tiền Hán làm mẫu mực cho đời sau, cũng như thơ thời Thịnh Đường[6]: văn và chất (hình thức và nội dung) đều đẹp đẽ, xứng nhau, lời thì gọn, cô, bình dị, tự nhiên mà hùng, nội dung thì tình cảm dào dạt, tư tưởng sâu sắc.
Văn nghị luận (200-168) tác giả bài Trần chính sự xét về chính trị và hình thế Trung Quốc, bài Quá Tần luận vạch những tội lỗi của nhà Tần, bài Trị an sách, nghị luận minh bạch mà lòng nhiệt thành.
Vương Sung có óc phê bình sâu sắc, ghét lối văn hoa mĩ và cả lối mô phỏng cổ nhân. Chủ trương của ông là viết để người ta hiểu (vì vậy không nên dùng cổ văn) và diễn hết ý thì thôi.
Văn tự sự thì bộ Sử kí vĩ đại của Tư Mã Thiên (145- 87?) là một tác phẩm bất hủ chẳng riêng của Trung Quốc mà của cả nhân loại nữa.
Đứng về phương diện sử học nó có bốn đặc điểm:
- Nó là bộ sử đầu tiên chép về nhiều đời, không như các bộ sử trước chỉ chép riêng một đời (như đời Xuân Thu), có khi một nước nhỏ (như nước Lỗ chẳng hạn).
- Sử gia trước ông chép về nước nào thì theo niên đại nước đó, mà niên đại mỗi nước một khác, nhìn vào không sao tìm được manh mối, không biết được năm thứ ba đời Chu Hiến Vương là năm nào đời vua nào ở Tề, Sở, Tống, Ngụy... Tư Mã Thiên gỡ mối bòng bong đó cho ta, trong phần Biểu, đối chiếu các niên đại với nhau.
- Ông không chỉ chép hành vi của vua chúa mà còn ghi cả văn hóa, lễ nhạc, triết học, văn học... Sử gia châu Âu tới thế kỉ XVIII mới có nhãn quan rộng như vậy. Ông đã hơn hẳn những sử gia Hi Lạp, La Mã rất xa.
- Thái độ của ông thành thực: điều nào chưa nghiên cứu rõ thì tồn nghi, nếu có nhiều thuyết khác nhau thì kể hết.
Văn ông tuy bình dị mà hùng mạnh, siêu dật, có khi bóng bảy, nhiều khi thắm thiết, nên cảm người rất sâu, ảnh hưởng lớn đến đời sau.
Qua đời Hậu Hán, xuất hiện một sử giả nữa: Ban Cố (32-92), anh của Ban Siêu mà trên tôi đã nhắc tới. Cũng như Tư Mã Thiên, ông nối chí cha (Ban Bưu) soạn bộ Hán Thư, và cũng như Thiên, vì có kẻ ghen ghét, ông bị hạ ngục, chết trong đó. Bộ Hán Thư chép nối bộ Sử kí, vì chỉ chuyên chép về đời Hán, nên tường tế hơn Sử kí. Văn ông nghiêm cẩn, trang nhã, nhưng không kém vẻ hùng kính.
b. Phú
Phú rất thịnh ở đời Hán cũng như thơ ở đời Đường, từ ở đời Tống. Nó là thể văn có điệu, có vần, ở giữa thơ và tản văn. Nó phát sinh từ Sở từ; cuối thời Chiến Quốc đã có Tống Ngọc với các bài Chiêu hồn, Cửu biện; qua đời Hán thì được phổ cập. Đa số tác giả dùng thể đó để ca tụng cảnh thanh bình và tài đức của nhà vua, lời bóng bảy du dương mà nội dung rất tầm thưởng (Vương Sung rất chê).
Nổi danh nhất là Tư Mã Tương Như, tài hoa lãng mạn, quyến rũ được một quả phụ trẻ, giàu, nàng Trác Văn Quân, viết khá nhiều bài phú mà bài Tử hư phú được Võ đế thích, rồi phong chàng chức sứ thần, vào Ba Thục (quê của ông) dụ bọn phụ lão phục tùng nhà Hán.
Các văn nhân khác, như Dương Hùng, cũng truyền được vài bài phú, nhưng bài có giá trị nhất là bài phú điếu Khuất Nguyên của Giả Nghị, lời rất lâm li vì tâm sự của ông giống Khuất Nguyên, cũng nhiệt tâm ái quốc cũng bị gièm pha, phải đày ra Trường Sa.
c. Thơ
Vốn là những bài ca được Nhạc phủ - đời Đường gọi là giáo phường - cơ quan coi về nhạc, thu thập để phổ vào nhạc.
Có hai loại:
- Loại ảnh hưởng của Sở từ, mỗi câu thường là bảy chữ, gốc của thơ thất ngôn.
- Loại ảnh hưởng của Kinh Thi, mỗi câu thưởng năm chữ, gốc của thơ ngũ ngôn.
Tới đời Hậu Hán văn nhân mới dùng hai thể đó, nhưng tác phẩm của họ không chân thành, cảm động bằng những bài ca trong dân gian như bài Cô nhi hành, Khổng tước đông nam phi...
Chúng ta nên nhớ thơ Trung Hoa xuất phát từ ca. Và thi ca gắn liền với nhau, hễ nói tới thi thì nói tới ca, nên thơ rất chú trọng tới nhạc.
d. Biên khảo
Đời Tần có bộ Lữ Thị Xuân Thư chứa nhiều tài liệu về lễ nghi, phong tục, tư tưởng, tín ngưỡng, luân lí... đúng là bộ Bách khoa tự điển đầu tiên của Trung Hoa.
Đời Hán thêm bộ Sơn hải kinh thu thập những kiến thức thời đó về địa lí vạn vật và thần thoại,
Bộ tự điển đầu tiên của Trung Hoa gồm 9.000 từ, cũng xuất hiện đời Hán.
e. Thư viện - Trường đại học
Theo Lombard trong La Chine antique, Lạc Dương, kinh đô đời Đông Hán là một trung tâm văn hóa quan trọng, năm 29 sau kỉ nguyên, thành lập một trường đại học gồm 240 ngôi nhà với 1850 phòng, chứa được ba vạn sinh viên; và một thư viện lớn. Khi vua Hán cuối cùng trốn khỏi kinh đô, phải dùng 7.000 xe chở mới hết. Will Durant trong bộ Histoire de la Civilisation kể rõ hơn: 3.123 cuốn kinh điển, 2.705 cuốn triết, 1.318 cuốn thơ, 2.568 cuốn toán, 868 cuốn y học, 790 cuốn binh pháp. Nên kể thêm một bộ luật vĩ đại gồm 960 cuốn, 26.272 mục, trên 17 triệu chữ. Bộ luật đó sau được sửa đổi, có chỗ thêm, có chỗ bớt, đến cuối đời Thanh vẫn được dùng.
Bảy ngàn cỗ xe để chở khoảng 12.300 cuốn sách, trung bình mỗi cỗ chở được 2 cuốn, sao mà ít vậy?
Nên kể thêm tủ sách của những tư gia giàu sang, học giả, như Lưu An ở triều đình Hoài Nam Vương.
3. Mĩ thuật
Kiến trúc Trung Hoa so với Hi Lạp, La Mã thì thua xa, vả lại họ xây cất bằng những vật liệu không bền (gỗ, gạch, ngói) nên đến nay không còn gì.
Chỉ trong các lăng tẩm là khai quật được những nghệ phẩm nhỏ: tượng, tranh, đồ sơn, đồ gốm, cho ta biết được đời sống các vua chúa thời đồ, và sự khéo tay của thợ Trung Hoa.
So sánh những lăng tẩm đó với những ngôi mộ khai quật được ở Triều Tiên và Bấc Việt, người ta thấy hai miền này đã chịu ảnh hưởng đậm của Trung Hoa (đồ sơn, gấm vóc...), nhưng cũng giữ được những nét đặc biệt, chẳng hạn những trống đồng ở Bắc Việt, và tục dùng quan tài hình chiếc thuyền của người Mán ở Tứ Xuyên.
Hội họa không có gì đặc biệt. Người ta vẽ trên lụa, rồi từ thế kỉ II T.L người ta phát minh được giấy mực thì vẽ trên giấy bằng bút lông. Thường là vẽ người: vua chúa, công thần, các vị thánh, thần, và đời sống của giai cấp quí tộc; tuy nét vẽ còn chất phác, nhưng đã sinh động.
4. Khoa học.
Đạo giáo tuy là mê tín di đoan nhưng chính vì tin ở thuật trường sinh mà giúp cho khoa học luyện kim (alchimie) xuất hiện sớm nhất ở Trung Hoa. Lưu An theo Đạo giáo, trong cuốn Hoài Nam tử chép thuật luyện đan bằng chu sa, thần sa và thuật tạo ra vàng. Thuật tạo ra vàng chỉ là một ảo tưởng, nhưng nó đã truyền qua Ả Rập, rồi châu Âu ở thời Trung cổ, và khai sinh ra môn hóa học của phương Tây.
Đời Hán, y học, giải phẫu học rất tiến bộ, cống hiến cho đời sau các bộ Bản thảo, Châm kinh, Thương hàn luận của Trương Trọng Cảnh, Kim quĩ yếu hược.
Hai y sư nổi tiếng nhất là Thuần Vu Ý giỏi nghề mạch lí, cách chẩn đoán, và Hoa Đà giỏi về châm cứu, ngoại khoa.
Thiên văn học, Trương Hành cải tạo những khí cụ để quan sát tinh tú, phát minh được một khí cụ để quan sát địa chấn, biết trước địa chấn xảy ra ở một miền nào đó trước khi tin tức tới Lạc Dương; ông còn vẽ được bản đồ vòm trời có các sao vào tháng nào, giờ nào đó. Đời Võ đế chế tạo được những chiếc thuyền cao lớn gọi là lâu thuyên để đi biển.
Nhưng quan trọng nhất là việc phát minh ra giấy năm +105 đời Hoà đế, của một viên hoạn quan tên là Thái Luân, làm bằng vỏ cây, giẻ rách và lưới cũ. Ông được phong tước hầu, sau bị tố cáo là âm mưu với hoàng hậu, phải tự tử.
Chú thích
[1] Những tên hiệu như tên này, Văn đế, Võ đế được đặt ra sau khi vua chết, để thờ trong Thái miếu, vì vậy gọi là miếu hiệu. Tục đó có từ đời Chu.
[2] Bi kịch đó vẫn thường xảy ra trong lịch sử. Khi còn gian nan thì người ta là chiến hữu, khi đã thành công rồi thì kẻ là chúa, kẻ là tôi; chúa thường kém tài, kém học, mà tôi thì tự phụ ở tài và học của mình, không chịu phục tòng. Vì vậy mà bị thảm họa.
[3] Tương truyền suốt 23 năm cầm quyền, Văn đế không xây cất một cung điện nào cả, có lần ông muốn xây thêm một lan can trong điện cũ của ông, hỏi phí tổn mất bao nhiêu. Bề tôi đáp: “trăm đồng tiền vàng”. Ông thôi, cho rằng số tiền đó lớn quá, bằng gia sản của mười gia đình trung bình. Lăng của ông xây khi ông còn sống, không có một đồ vàng, bạc hay đồng nào cả, chỉ toàn là đồ gốm. Trong cung điện ông không dùng màn thêu, và ông cũng như các cung phi chỉ bận đồ tơ tầm thường nhất. Ông đã chịu ảnh hưởng đậm của đạo Lão.
[4] Võ đế là người đầu tiên dùng niên hiệu, như Kiến Nguyên (-140) là niên hiệu đầu tiên của ông. Trong 58 năm giữ ngôi, ông dùng 10 niên hiệu: Sau Kiến Nguyên tài Nguyên Quang (-134), Nguyên Sóc (-128)..., niên hiệu cuối cùng là Hậu Nguyên (-88). Các vua đời sau đều theo tục đó và cũng thường thay đổi niên hiệu. Đến hai triều đại cuối: Minh và Thanh, các vua mới dùng một niên hiệu thôi, và sử gia ít khi dùng miếu hiệu để gọi họ mà dùng niên hiệu nhiều hơn, vì miếu hiệu dễ trùng nhau lắm: triều đại nảo cũng có Cao Tổ, Văn đế, Võ đế...
[5] Vậy mỗi đồng tiền vàng chỉ có 72 mg, chưa được 3/4 một gam ư? Hay là một triệu đồng tiền đồng, giá trị bằng 72 kí lô vàng?
[6] chúng ta nhớ câu của Tự Đức: Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán, Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.
Sử Trung Quốc Sử Trung Quốc - Nguyễn Hiến Lê Sử Trung Quốc