Nguyên tác: 1973年のピンボール – 1973–Nen No Pinbouru
Số lần đọc/download: 0 / 95
Cập nhật: 2025-02-16 13:53:15 +0700
Chương 7
B
ị cơn sốt đánh gục suốt ba ngày, thứ đang chờ sẵn sự quay trở về của tôi là một núi công việc tồn đọng. Miệng tôi khản đặc và khô hết cả; có cảm giác như ai đó đã chà qua cả người tôi bằng giấy nhám. Những tờ bướm, giấy in, sách khổ nhỏ và tạp chí chất chồng quanh bàn tôi như tổ kiến. Người bạn của tôi đi vào, mấp máy vài câu hỏi thăm sức khỏe, rồi quay trở lại phòng của cậu ta. Cô thư ký mang vào một cốc cà phê nóng và hai ổ bánh như thường lệ, đặt chúng lên bàn, rồi biến mất. Tôi nhận ra mình đã quên mua thuốc lá, thế là đành đi xin một bao Seven Stars của người bạn, cấu đi mẩu đầu lọc trên một điếu và châm lửa lên đầu còn lại. Bầu trời âm u vừa đến độ bạn không thể phân biệt không khí kết thúc nơi nào và mây mù bắt đầu từ đâu nữa. Mọi thứ có mùi như ai đó đang cố tình đốt đám lá ẩm. Hoặc chúng có mùi như vậy cũng chỉ vì cơn sốt của tôi.
Tôi hít một hơi sâu, đoạn tháo dỡ cái tổ kiến gần tay mình nhất. Tất cả các văn bản đều được đóng dấu KHẨN ngang trên đầu và ghi ở dưới một hạn chót bằng bút dạ đỏ. May thay, đó là cái tổ kiến duy nhất có chữ KHẨN. Và may hơn, vẫn còn đôi ngày để hoàn thành chúng. Chỗ còn lại có hạn rơi vào một hoặc hai tuần nữa, không có vấn đề gì nếu như tôi lấy một nửa chúng ra để đưa đi dịch thô. Thế nên tôi bắt tay vào từng cái tờ bướm và sách khổ nhỏ một, rồi lại xếp chúng lại theo thứ tự hoàn thành. Một quá trình khiến cho cái tổ kiến có cấu trúc liêu xiêu hơn rất nhiều so với trước. Trông nó như một biểu đồ trên báo về sự ủng hộ của cử tri dành cho quốc hội chia theo giới tính và độ tuổi. Và tôi phải nói thêm, không phải chỉ có hình dạng mới kỳ lạ; nội dụng của nó cũng ly kỳ như một lát cắt ngang qua những chủ đề hoàn toàn ngẫu nhiên.
1. Charles Rankin, Hộp đố vui khoa học: Các loài động vật.
Từ trang 68, “Tại sao Mèo lại rửa mặt” đến trang 89, “Gấu bắt cá bằng cách nào.”
Hạn đến 12/10.
2. Hiệp hội điều dưỡng Hoa Kỳ phát hành, Giao tiếp với bệnh nhân nan y.
Toàn bộ 16 trang.
Hạn đến 19/10.
3. Frank de Seto, Jr., Lần theo căn bệnh của các tác gia.
Chương 3, “Các tác gia và bệnh cúm vặt.” Toàn bộ 23 trang.
Hạn đến 23/10.
4. Rend Claire, Le Chapeau de Paille d’Italie,
Kịch bản tiếng Anh.
Toàn bộ 39 trang.
Hạn đến 26/10.
Điều thực sự đáng tiếc là tên của khách hàng chẳng bao giờ được viết ra cả. Tôi khó lòng hình dung được ai lại, vì lý do nào đi nữa, muốn dịch những thứ này (mà còn là loại KHẨN nữa chứ). Có hay một con gấu nào đó đã khựng lại trước một dòng suối chờ mong bản dịch của tôi. Hoặc biết đâu một người y tá đang lặng lẽ chờ đợi trong ca trực đêm bên cạnh một bệnh nhân mang trong mình trọng bệnh.
Những bức ảnh của một con mèo đang lau mặt bằng chân nằm trên bàn phía trước mặt trong lúc tôi uống cà phê và nhai một khoanh bánh ra bã. Nó có vị như giấy bồi. Đầu óc tôi bắt đầu tỉnh ra được đôi chút, nhưng tứ chi của tôi vẫn còn sốt râm ran. Tôi lấy con dao cắm trại ra khỏi ngăn bàn, mất một khoảng thời gian vô tận để cẩn thận gọt sáu cây bút chì nét F, rồi từ tốn bắt tay vào công việc.
Tôi bật vài đĩa nhạc cũ của Stan Getz, làm việc đến tận trưa. Ban nhạc vô cùng cừ – Stan Getz, Al Haig, Jimmy Rainey, Teddy Kotick, và Tiny Kahn. Tôi huýt sáo theo băng đĩa suốt cả đoạn đơn ca của Getz ở bài “Jumping with Symphony Sid” và cảm thấy khá lên bộn phần.
Vào giờ nghỉ trưa tôi đi tới một quán ăn nhỏ bé đông người cách năm phút từ công ty xuống dưới chân đồi để ăn một vài khúc cá rán, rồi đứng bên ngoài một tiệm hamburger uống hai cốc nước cam. Tiếp đến tôi ghé qua một cửa hàng thú cưng, chơi đùa với mấy cô cậu mèo Abyssinian độ khoảng mười phút, thò ngón tay vào qua một cái khe trên ô kính. Một giờ nghỉ trưa thông thường.
Quay trở lại văn phòng, tôi lười biếng liếc qua đống báo buổi sáng cho đến khi đồng hồ điểm số một. Rồi tôi lại gọt sắc sáu cây bút chì của mình để chuẩn bị cho buổi chiều, cấu mẩu đầu lọc ra khỏi mấy điếu Seven Star còn lại, và rải chúng ra trên bàn. Đến lúc này, cô thư ký mang vào một tách trà xanh nóng.
“Anh thấy sao rồi?”
“Không tệ.”
“Còn công việc?”
“Cũng sắp xong.”
Bầu trời vẫn nhất quyết phủ mây mù. Thậm chí, màu xám đã đậm thêm một gam so với buổi sáng. Khi thò đầu ra cửa sổ, tôi có cái ấn tượng đặc biệt là trời sắp đổ mưa. Những đàn chim mùa thu đang sải cánh ngang bầu trời, và mọi vật đều oằn mình dưới cái tiếng vo ve đều đều của vùng đô thị (một sự pha trộn những tiếng ầm ì của tàu điện ngầm, tiếng xèo xèo của hamburger, tiếng gầm gừ của những phương tiện chạy cao tốc trên cao, tiếng cửa xe đóng sập hoặc bật mở, vô vàn những hỗn hợp tiếng ồn như thế.)
Tôi đóng cửa sổ lại, bật một cuộn cát-xét của Charlie Parker hát bài “Just Friends,” rồi quay trở lại dịch từ phần “Khi nào thì chim di trú đi ngủ?”
Khi đồng hồ điểm qua bốn giờ tôi thu xếp mọi thứ lại, giao khối lượng dịch trong cả một ngày cho cô thư ký, rồi rời chỗ làm. Tôi quyết định mặc cái áo mưa hạng nhẹ mà mình vẫn có thói quen cất ở văn phòng để không phải mang theo ô. Ở ga tàu tôi mua một tờ báo ra buổi tối, chen chúc đến nửa già tiếng đồng hồ trên một chuyến tàu chật chội. Ngay cả trong toa tàu cũng có mùi như mưa, nhưng cho đến giờ vẫn chẳng có hạt nào rơi xuống.
Cho đến khi tôi đã mua xong đồ ăn buổi tối ở siêu thị gần ga tàu thì trời cuối cùng mới mưa. Từng chút từng chút, những giọt mỏng như sương khó lòng quan sát thấy chuyển màu vỉa hè dưới chân tôi thành màu mưa xám. Sau khi nhìn qua lịch trình xe buýt, tôi lẩn vào một hàng cà phê gần đó và gọi một cốc cà phê. Quán đông nghịt, và mọi thứ cuối cùng cũng mang cái mùi mưa chính hiệu. Trong ống tay áo cô bồi bàn đang mặc, trong cà phê, trong tất thảy mọi vật.
Khi những bóng đèn đường quanh trạm xe buýt bắt đầu nhấp nháy trong buổi chạng vạng, những chuyến xe bắt đầu trườn ra trườn vào giữa những ngọn đèn như những con cá hồi khổng lồ đang rẽ nước. Mỗi chuyến xe đều đầy nhóc đủ thể loại nhân viên, sinh viên và nội trợ. Một người phụ nữ đứng tuổi lôi theo cái bóng đen của một con chó béc giê lướt qua ô cửa sổ. Mấy nhóc học sinh đi qua, vừa đi vừa nảy một quả bóng cao su. Tôi dập đi điếu thuốc thứ năm, hớp ngụm cà phê lạnh ngắt cuối cùng.
Sau đó tôi nhìn một cách thật lâu, thật kỹ bóng mình đang phản chiếu trên kính cửa. Có thể là do cơn sốt, nhưng mắt tôi trông đỏ lừ. Thôi được rồi, bỏ qua đi. Một cái bóng đổ hướng năm rưỡi làm khuôn mặt tôi tối sầm. Bỏ qua cả cái đó nhé. Chuyện là, thứ kia trông chẳng có gì giống như là mặt tôi. Đó là khuôn mặt của bất kỳ một thằng cha hai-mươi-tư-tuổi nào ngồi đối diện trên chuyến tàu. Mặt tôi, con người tôi, có ý nghĩa gì với bất kỳ ai? Rồi cũng chỉ là một cái xác khác. Giả mà cái con người này của tôi đi ngang qua người khác trên phố – chúng tôi sẽ có gì để nói với nhau? Hế lô! Chào đằng ấy! Thế là xong. Không ai giơ tay vẫy. Không ai quay đầu nhìn thêm một cái.
Biết đâu nếu tôi đeo thêm hai bông hoa dành dành lên tai, hoặc xỏ dép lê vào tay, có người sẽ ngó lại lần nữa. Nhưng chỉ thế thôi. Hết ba bước chân họ sẽ để tất cả lại sau lưng. Mắt họ không nhìn vào vật gì. Mắt tôi cũng vậy. Tôi cảm thấy trống trơn, một khoảng trắng trên giấy. Liệu rồi một ngày tôi sẽ lại có điều gì để cho đi hay chăng?
* * *
Cặp song sinh đang chờ tôi về.
Tôi đưa cái túi giấy nâu đựng đồ của siêu thị cho một trong hai, rồi ngâm mình dưới vòi sen, với mẩu thuốc đã châm lửa còn nguyên trên miệng. Tôi thậm chí còn không xoa xà phòng, cứ thế để dòng nước dội lên người trong lúc tôi nhìn lơ đãng vào mấy viên gạch. Một ánh chập chờn gì đó di chuyển ngang qua bức tường trước mắt, rồi biến mất. Bóng ma của một thứ mà tôi không thể chạm vào cũng không thể lấy lại.
Tôi bước thẳng từ phòng tắm sang phòng ngủ và lau khô người trước khi lăn kềnh lên giường. Ga giường vừa được giặt mới, màu xanh san hô, không một nếp nhàu. Trong lúc nằm đó nhìn lên trần, những sự kiện trong ngày tua lại trong đầu tôi. Suốt thời gian ấy cặp song sinh đang bận bịu thái rau, làm thịt áp chảo và nấu cơm.
“Bia không anh?” một trong hai hỏi.
“Ờm.”
Rồi cô mặc cái áo 208 mang đến một chai bia và một cái ly.
“Anh nghe nhạc nhé?”
“Được đấy.”
208 lấy đĩa Sonata ghi âm của Handel ra khỏi giá, cho lên máy và hạ kim xuống. Một món quà Valentine của một cô bạn gái nhiều năm về trước. Tiếng thịt áp chảo lẫn qua tiếng sáo dọc, tiếng violin và tiếng cello như một thứ âm chìm vô tận. Bạn gái và tôi vẫn thường làm tình trên nền nhạc này. Ngay cả khi nhạc đã ngừng, chả lẽ chúng tôi lại quan tâm tới việc cái kim đang miết mãi trên đĩa, hết vòng này đến vòng khác? Chúng tôi cứ thế mà tiếp tục hành sự.
Bên ngoài cửa sổ, mưa đang rơi không thành tiếng trên sân gôn tối om. Tôi nốc xong chai bia, và đến lúc Hans-Martin Linde chơi vừa xong nốt cuối cùng của bài Sonata giọng Fa trưởng, bữa tối đã sẵn sàng. Trong bữa ăn tối hôm đó ba chúng tôi im ắng một cách bất thường. Thời điểm đó máy chơi nhạc đã ngừng, nên ngoài tiếng mưa lộp độp trên mái hiên, tiếng ba bộ hàm nhai thịt, căn phòng không còn tiếng động nào khác. Hết bữa, cặp song sinh dọn bàn, rồi lăng xăng trong bếp pha cà phê. Sau đó ba chúng tôi cùng uống cà phê nóng. Thứ cà phê phả ra hương vị cuộc sống. Một trong hai cô đứng dậy để cho đĩa nhạc vào máy. Đó là đĩa “Rubber Soul” của the Beatles.
“Ủa, anh có nhớ là đã mua cái này đâu,” tôi thốt lên ngạc nhiên.
“Bọn em mua đấy.”
“Bọn em đã dành dụm từng chút một số tiền mà anh đưa cho bọn em.”
Tôi chỉ lắc đầu.
“Anh không thích the Beatles à?”
Im lặng.
“Tiếc thật. Bọn em lại cứ nghĩ là anh sẽ thích.”
“Anh xin lỗi.”
Một người đứng dậy, bỏ đĩa ra, rồi âu yếm chùi đi vết bụi nhỏ nhặt nhất trước khi cho nó trở lại vào trong bao. Suốt lúc đó, không ai trong chúng tôi nói năng gì. Rồi tôi thở dài một tiếng.
“Ý anh không phải là như vậy,” tôi giải thích. “Anh chỉ hơi mệt mỏi và khó chịu. Thử nghe lại đi.”
Hai bọn họ nhìn nhau và bật cười khúc khích.
“Không phải làm bộ đâu. Đây là nhà anh mà.”
“Thật đấy, anh không phải cố gắng để chiều lòng bọn em.”
“Nghe lại lần nữa đi.”
Rốt cuộc chúng tôi nghe hết cả hai mặt đĩa “Rubber Soul” bên cạnh tách cà phê. Tôi thì đã thư thái hơn chút đỉnh. Còn cặp song sinh đang có tâm trạng đặc biệt tốt.
Sau khi thưởng xong cà phê, cặp song sinh đo nhiệt độ của tôi. Hai người họ nhăn mặt khi chuyền nhau cái nhiệt kế. Một trăm linh một độ. Tăng một độ so với buổi sáng. Tôi thấy đờ cả óc.
“Đã vậy anh lại còn đi tắm như thế.”
“Anh nên đi ngủ đi.”
Dĩ nhiên, họ không hề sai tí nào. Tôi cởi đồ và trèo lên giường cùng cuốn Phê phán Lý trí Thuần túy và một bao thuốc. Cái chăn bằng cách nào đó lại có mùi của một ngày nắng. Kant vẫn cứ mãi xuất sắc, nhưng mấy điếu thuốc có vị như báo ẩm được đốt trên lò ga. Tôi gập sách lại, nằm lơ mơ lắng nghe giọng nói của cặp song sinh, hai mắt nhắm, đó cũng là lúc bóng tối kéo tôi vào cơn mê.