Reading is to the mind what exercise is to the body.

Richard Steele, Tatler, 1710

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 66
Cập nhật: 2016-10-05 22:29:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9/27
IÃ TỪ THÁNG MƯỜI. GIÃ TỪ BA mươi ngày gieo mạ mộng mơ xuống tâm hồn học trò vừa lớn. Mạ đã cao. Mạ còn xanh vàng. Tháng mười một nhổ mạ cấy, mạ sẽ thành lúa con gái. Giã từ tháng mười. Giã từ ba mươi ngày học trò hư hỏng. Giã từ tháng mười biết hút thuốc lá vàng tay, biết buồn nản, khổ đau vì mái tóc và biết lấy Tú Uyên làm niềm an ủi. Chào mừng tháng mười một bằng buổi sáng trốn học. Tôi ra bờ sông ngồi nhìn dòng nước trôi lững lờ. Và suy nghĩ mông lung. Hôm qua đưa cảm tưởng cho Phượng, về lo âu không thiết ăn ngủ. Không hiểu Phượng còn mến mình nữa không? Không hiểu cảm tưởng Hoàng tử của lòng em, cảm tưởng ô mai có làm Phượng giận hờn. Tôi trách tôi ngu dại. Tôi trách tôi nông nổi. Tôi trút tội vạ lên những ngọn cỏ quanh tôi. Tôi bứt gốc cả cụm cỏ, ném xuống sông. Tôi ghét những đám bèo lưu lạc. Tôi ghét tất cả. Tôi ghét ngồi. Tôi đứng dậy. Tôi đi lang thang trên bờ đê. Tôi muốn đi mãi để khỏi phải trở về không gian quen thuộc vì không gian quen thuộc của tôi đã bị cảm tưởng vụng dại của tôi bắn phá tan nát. Tôi moi trí nhớ, cố tìm một đoạn văn, một bài thơ vuốt ve sự bối rối của mình. Hỡi tôi, tôi đáng thương quá. Tôi chẳng ngạo mạn như cậu học trò Ðinh Hùng một chút nào. Tôi tầm thường không đáng yêu ai, không đáng yêu Phượng.
Chưa từng thấy một nhà văn diễn tả tâm trạng của cậu học trò sau khi gửi thư tình cho người yêu. Thạch Lam có viết một truyện ngắn thật hay. Cậu học trò của Thạch Lam xa nhà sang Thái Bình trọ học. Cậu học gạo, cậu không biết yêu. Cô con gái bà chủ nhà yêu cậu, mê cậu, tặng cả ngô luộc giữa đường. Lối tỏ tình của cô khiến cậu xấu hổ, cậu lẩn trốn tình yêu. Mãi đến ngày cuối niên học, giã từ trường tỉnh Thái Bình, ngước nhìn lại thấy cô con gái bà chủ trọ mắt ứa lệ đứng trông theo mình, cậu mới biết tâm hồn mình xao xuyến. Văn chương Việt Nam chỉ có một truyện ngắn của Thạch Lam viết về tình yêu vụng dại, nên thơ của học trò. Tại sao không nhiều hơn? Ðể tôi soi sáng tâm trạng tôi, để tôi lo âu thêm hay thở phào sung sướng. Gửi thư tình thứ nhất cho một người con gái rồi tìm nơi ẩn nấp thì có Vũ Hoàng Chương: "Nét thon mềm run rẩy gắng đưa nhanh, Lòng tự thú giữa khi tìm trốn nấp"... Nhưng sau đó? Người con gái mỉm cười quay đi hay người con gái nhìn thẳng vào mặt mình nhổ nước bọt khinh bỉ. Hay nàng đem thư mách thầy giáo. Hay nàng đưa thư cho bố bố nàng, bố nàng đem thư cho bố mình và mình ăn trận đòn no nê. Thơ văn không nhắc tới. Thơ văn quên khuấy. Thơ văn diễn tả những bức thư tình thật giản dị: "Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất, Anh cho em kèm với một tờ thư. Em không nhận nghĩa là tình anh mất, Tình mất đi ai lấy lại bao giờ"... Tình mất đi, nếu có thế thôi, ta sẽ buồn ghê lắm nhưng ta còn đi học được. Tình khinh ta, tình coi thường ta, ta sẽ mất mặt.
Hỡi tôi, tôi dại dột, tôi làm trò cười cho Phượng. Tôi đang mất mặt. Tôi đang lo lắng. Và tôi trốn học lang thang trên con đê này. Tôi không ghét những đám bèo lưu lạc nữa. Tôi thương nó. Bây giờ, tôi muốn theo nó trôi dạt ra biển để cá mập nó ăn thịt tôi. Nhưng tôi phải trở về. Tôi đứng ở góc phố thật xa cổng trường nhìn Phượng trong đám học trò tan học. "Áo em trắng quá nhìn không ra". Thấy nỗi lo âu của mình dịu bớt. Bỗng tôi cười tôi. Hỡi tôi, tôi là thằng hề, tôi là Tào Tháo. Tôi đã gửi thư tình cho Phượng đâu. Tôi chỉ gửi cảm tưởng về cuốn truyện vào gói ô mai. Ðó là thứ thư tình... gián tiếp. Tôi có tật, tôi giật mình. Cậu học trò vừa lớn tôi ơi, cậu thật tuyệt diệu. Cậu cần trốn học thêm vài buổi sáng. Cậu hãy lang thang trên bờ đê. Cậu hãy lo lắng. Cậu hãy buồn. Bởi vì bài học ái tình nhập môn nào cũng phải có những tiết mục ấy. Tôi trốn học hôm sau, hôm sau nữa. Khi không cầm được nhớ nhung, tôi cắp sách đến trường. Tôi đứng trong đám đông nhìn vào gian lớp. Phượng cô đơn. Phượng ủ rũ. Tôi tệ bạc quá. Tôi tàn nhẫn quá. Hết sức bình thản, tôi thong thả bước vào lớp, bỏ lại những ồn ào ngoài sân.
- Chào Phượng...
Phượng quay ra. Ngỡ ngàng giây lát. Rồi đôi mắt Phượng long lanh niềm vui.
- Chào anh.
Phượng tươi tỉnh. Phượng rực rỡ. Phượng ân cần hỏi tôi:
- Mấy hôm nay anh ốm?
Tôi làm bộ đau đớn:
- Bị cảm.
Phượng phá tan sự ngờ vực của tôi:
- Vắng anh Phượng buồn ghê. Chẳng biết nói chuyện với ai. Phượng mong anh để nói cảm tưởng của Phượng về những cảm tưởng của anh.
Tôi cắn chặt môi che giấu cơn xúc động. Phượng cười, nụ cười trìu mến hơn dạo tháng chín, tháng mười:
- Ô mai đã có huyền thoại của nó. Anh bọc ngoài lớp ô mai lớp áo huyền thoại. Từ nay, ngậm một trái ô mai là ngậm luôn một huyền thoại. Và các cô con gái sẽ muốn nuốt luôn cả cái hạt. Ô mai, với Phượng, có kỷ niệm tuyệt vời. Anh nên gửi đăng báo sự tích ô mai của anh đi. Rồi anh thấy, vô số các cô thích ô mai chỉ vì giấc mơ làm công chúa lạc trong rừng mơ gặp hoàng tử trốn học.
- Phượng nghĩ gì về hoàng tử trốn học ấy?
- Một người ghét học làm vua. Chắc ông ta muốn thoát nhà tù vương giả. Anh Chương thử trốn học lần nào chưa nhỉ?
- Tôi đâu phải là hoàng tử.
- Nhưng anh viết cảm tưởng Hoàng tử của lòng em hay hơn Nguyễn Minh Lang viết truyện Hoàng tử của lòng em.
- Phượng đã đọc rồi?
- Ðợi anh lâu quá, Phượng mua cuốn khác. Phượng đọc vì câu cảm tưởng của anh đó.
- Thế mà...
- Mà sao?
- Mà tôi bị cảm.
- Lần sau anh bị cảm cho Phượng hay Phượng đến thăm anh, chép bài giùm anh nhé!
Tôi sung sướng lặng người. Ðêm nay tôi có thể thức chép hết bài vở ba ngày trốn học và học thuộc lòng. Tình yêu đem tới ta những nỗi buồn nhẹ nhàng rồi tiếp đó là hy vọng, phấn khởi.
- Anh còn hút thuốc không?
- Không.
- Nên hút một điếu mỗi ngày.
- Ðể làm gì?
- Nhớ đến người anh cần nhớ.
- Tôi sẽ hút mỗi ngày một điếu.
- Ðừng hút nhiều. Và cố gắng đi học đều. Cuốc năm anh thi đỗ, chắc Phượng mừng lắm.
- Tôi sẽ đi học đều.
- Trưa tan học về, anh đi chung với Phượng.
- Ðể làm gì?
- Cho con đường ngắn lại. Chúng ta có nhiều chuyện nói, anh quên à?
Tôi quên hồi nào chẳng hay. Con đường về học sẽ ngắn lại. Tôi thì muốn nó dài ra. Ðóm mạ đã thành lúa con gái. Tôi biết Phượng không giận tôi, không coi thường tôi. Cám ơn Phượng. Cám ơn tháng mười một. Sáng mai tôi sẽ tặng Phượng một gói ô mai. Mỗi trái sẽ được gói bằng một huyền thoại viết trên giấy mầu xanh. Ô mai, tặng phẩm của tình yêu học trò. Ô mai gắn bó lấy đời sống học trò vì xuất xứ của nó là trái mơ. Nuốt một trái ô mai là nuốt một trái mơ, một giấc mơ. Giấc mơ không suôi xuống. Giấc mơ ngược lên. Và giấc mơ vướng mắc ở tâm hồn. Cám ơn trái mơ. Cám ơn ô mai. Trưa tan học về, chúng ta sẽ nói chuyện ô mai, Phượng nhé!
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ