Thất bại lớn nhất là thất bại trong việc cố gắng.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 121 / 28
Cập nhật: 2020-06-17 09:38:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phụ Kết
ác giả dùng danh từ "phụ kết" thay cho "đoạn kết" như thường lệ vì nghĩ rằng đây chỉ là phần phụ. Bạn đọc có thể ngừng đọc mà vẫn hiểu trọn cốt truyện. Vì thật ra cốt truyện chỉ cần gói ghém vào một câu: "Nguyệt Hằng điệp viên sô viết, được lệnh giết Văn Bình nhưng không giết, vì lẽ Văn Bình là bạn ngày xưa". Tuy nhiên, tác giả viết thêm phụ kết để giải thích nốt hai nghi vấn: Sau khi Nguyệt Hằng ra đi, Văn Bình ra sao? Ông Hoàng bị Smerch lừa hay không?
Người Thứ Tám
Mãi đến trưa hôm sau, Văn Bình mới tỉnh dậy.
Ngày thứ hai, thiên hạ nô nức đi làm sau những cuộc vui chủ nhật, ngủ trưa là sự bê bối đặc biệt của kẻ vô công rồi nghề. Văn Bình thường có thói quen biến thứ hai trong tuần lễ thành ngày ngủ bù. Tuy nhiên, trưa thứ hai ấy, sau khi tỉnh dậy, Văn Bình có cảm tưởng như vừa ngủ luôn một giấc nhiều tuần lễ dài giằng dặc. Mặt chàng đỏ gay vì xấu hổ như chàng trai tẽn tò tán gái ngoài đường bị gái tát tai, năm đầu ngón tay in hằn trên má, giữa đám đông người.
Ngẩng đầu lên, chàng nhận ra Lê Diệp, anh chàng sếu vườn chuyên môn đùa dai của sở Mật vụ. Câu đầu tiên của Văn Bình là:
- Đây là đâu?
Lê Diệp cười nụ:
- Dưỡng đường.
- Tôi bị thương ư?
- Không. Anh chỉ bị ngất đi. Y sĩ cho biết anh bị đánh vào mê huyệt. Kể ra, sau khi tiêm thuốc khỏe, anh có thể hồi tỉnh, nhưng vì trong máu anh còn quá nhiều thuốc mê.
- Thuốc mê?
- Phải, thuốc mê pha lẫn với rượu
- Lạ nhỉ? Tự tay tôi pha cốc tay kia mà.
- Phải, tự tay anh pha cốc tay Kiss my lips và Lit Nuptial cho giai nhân. Ngược lại, tự tay giai nhân đã bỏ thuốc mê vào ly riêng của anh.
- Nàng đâu rồi? Đừng bắt nàng, giết nàng tội nghiệp. Trăm sự đều do tôi mà ra cả. Làm sao anh biết tôi bị nạn mà đến cứu?
- Nàng.
- Nàng là ai?
- Là Nguyệt Hằng.
- Nguyệt Hằng là ai mới được chứ?
- Là Li-Ming của anh.
- Trời ơi, anh chở giùm tôi vào nhà thương điên ngay bây giờ, nếu không tôi chết mất. Tôi điên hẳn rồi, anh ạ. Bây giờ tôi mới biết là ngu xuẩn. Ông Hoàng, Nguyên Hương, Quỳnh Loan căn dặn mà tôi không chịu nghe. Tôi đinh ninh giỏi giang hơn họ. Ngờ đâu họ cừ khôi hơn tôi nhiều. Tức chết mất, Lê Diệp ơi... lần này nữa, tôi lại thấp mưu thua trí đàn bà.
Lê Diệp lặng thinh tay mân mê cái quẹt máy của Văn Bình để trên bàn đêm. Văn Bình ngồi nhỏm dậy, giọng cầu khẩn:
- Van anh, xin anh nói rõ cho tôi biết. Như vậy Li-Ming tức Nguyệt Hằng không phải là nhân viên của địch, vì nàng đã cứu tôi. À, nhưng còn... còn ly rượu pha thuốc mê, còn phát atémi vào mê huyệt... Không lẽ nàng lập mưu hại tôi rồi lại cứu tôi. Thôi, tôi hiểu rồi, nàng là nhân viên ban Biệt vụ, anh toa rập với Nguyên Hương để xỏ tôi một vố cho cạch đến già. Anh coi chừng, lần này tôi không chịu nhịn nữa, tôi quyết làm ra chuyện.
Lê Diệp nghiêm sắc mặt:
- Ở vào địa vị anh, tôi sẽ chẳng làm gì hết. Anh chị em trong Sở sẽ cười cho, anh biết không? Nguyệt Hằng không phải là nhân viên ban Biệt vụ. Nàng là nhân viên đặc biệt của Smerch, được mệnh danh là Nữ thần Ám sát.
- Tại sao nàng không giết tôi?
- Rồi anh sẽ biết. Gần sáng, nhân viên thường trực tại Công ty Điện tử đường Nguyễn Huệ hốt hoảng báo tin cho tôi bằng vô tuyến điện, nói là anh đang ngất ngư trong một bin-đinh gần chợ Bến Thành. Tôi vội lấy xe Hồng thập tự đến tìm. Quả anh đang ngất ngư thật... Trong phòng, còn có hai xác người. Nguyệt Hằng đã biến mất. Biến mất sau khi gọi điện thoại cho tổng đài.
Văn Bình thở dài, nhìn qua cửa sổ ra sân tràn ngập nắng vàng rực rỡ:
- Thế là hết. Tôi không còn hy vọng gặp lại nàng nữa.
Lê Diệp tắt máy điều hòa khí hậu, rồi mở toang cửa sổ:
- Anh yêu Nguyệt Hằng lắm ư?
Văn Bình vẫn thở dài:
- Dùng tiếng yêu lắm, e không đúng. Nhưng tôi có cảm tưởng là rất thân thiết với nàng. Dường như chúng tôi đã quen nhau từ lâu rồi.
Văn Bình vụt quay lại. Bình hoa lê-đơn vàng lộng lẫy được đặt chĩnh chện giữa phòng. Trời ơi, sự thật đã quá rõ ràng như 2 với 2 là 4 mà đến phút này, đến khi con chim xanh đã bay bổng ngàn phương chàng mới khám phá ra. Chàng muốn tát mạnh vào má để tự trừng phạt. Cuộc sống êm ả ở thủ đô tưng bừng lạc thú đã làm gân cốt và tâm trí chàng rỉ sét. Nếu chàng khôn ngoan chút nữa.
- Không cần khôn ngoan nhiều, mà chỉ cần khôn ngoan chút nữa thôi – chàng đã biết là bình đựng hoa lê-đơn hiện bầy trong phòng dưỡng đường cũng là bình đựng hoa lê-đơn trong tổ chim xanh của chàng ở gần chợ Bến Thành.
Và đó cũng là cái bình đựng hoa quen thuộc trong văn phòng Nguyên Hương. Nghĩa là Nguyên Hương và ông Hoàng ghê góm đã dính vào nội vụ từ đầu đến cuối. Một lần nữa – phải, thêm một lần tai hại nữa – điệp viên hữu danh Z.28 đã khờ khạo lao đầu vào cạm bẫy do người nhà trương ra.
Bây giờ Văn Bình đã hiểu tại sao ông Hoàng sai người đặt bình hoa lê-đơn mầu vàng trong phòng chàng ở dưỡng đường. Ông muốn ngầm bảo với chàng là từ nay trở đi đừng hồng qua mặt ông nữa.
Dĩ vãng như tia lửa loang trên đường thuốc súng bùng vậy náo nhiệt trong lòng Văn Bình. Lê-đơn vàng, lê-đơn vàng... Chàng nhớ ra rồi... Thảo nào, đêm qua, khi thấy hoa lê-đơn vàng, nàng vụt đổi sắc mặt. Trong khoảng khắc, nàng trở nên ưu tư. Nhiều lần, nàng hé miệng định nói, song lại nín lặng.
Mười mấy năm trước, khi nàng còn là cô bé tóc chẻ làm hai nhánh, mặc áo bain-soleil mầu vàng, thắt nơ vàng, dậu giầy ban vàng – tất cả trên người đều vàng – nàng đã rủ chàng ra vườn hoa lê-đơn. Toàn là hoa lê-đơn vàng. Chàng bế cô bé lên lòng, thủ thỉ:
- Tại sao ba em lại thích lê-đơn vàng?
Cô bé đáp:
- Em không biết.Thả em xuống đất đi.
- Tại sao?
- Em cũng không biết.
Chàng không chịu thả cô bé xuống đất, và cứ ôm cứng trong vòng tay. Cô bé làm mặt giận, lủi thủi đi ngược giòng suối lên gốc si lớn nhất vùng, ngồi một mình nhặt sỏi trắng ném là là trên làn nước trắng. Không hiểu sao chàng thấy gần gũi, thân thiết với cô bé lạ thường, mặc dầu mới gặp. Chàng có cảm tưởng cô bé là em út ruột thịt của chàng. Chàng không dám nghĩ rộng ra nữa, vì cô bé mới lên 5.
Bỗng nàng thét lên như bị rắn cắn.
Mà quả thật là cô bé bị rắn cắn. Một con rắn hổ xanh lè đang uốn khúc bò lại, lưỡi đỏ hoét reo vu vu. Loại rắn này rất nguy hiểm, bị cắn là mất mạng như chơi. Văn Bình phi thân tới. Trong tay chàng không có khí giới nào hết. Trong cơn hốt hoảng, chàng bỏ quên cây ná và túi tên trên phiến đá.
Chỉ nghĩ đến tính mạng cô bé, chàng nhảy chồm lên thân rắn. Bàn tay chàng xiết quanh cổ nó. Nó cong đuôi, quất vào mặt chàng. Song sức mạnh phi thường của cậu thiếu niên, 15, 16 đã bẻ nát xương sống con vật giết người.
Khi chàng buông xác rắn ra ngồi thở thì cô bé vùng chạy lại ôm lấy chàng khóc nức nở. Cô bé nhí nhảnh ngày xưa là Nguyệt Hằng. Cậu thiếu niên giết rắn là Văn Bình.
Ông Hoàng sai đặt hoa lê-đơn vàng trong phòng chàng là để Nguyệt Hằng nhìn thấy, gợi lại chuyện cũ. Nghĩa là ông Hoàng đã nắm gọn quá khứ của hai người trong lòng bàn tay. Trời ơi, ông Hoàng đã biết, cái gì cũng biết.
Nhưng người điên, Văn Bình xấn lại, nắm cổ áo Lê Diệp, giọng đe dọa:
- Ông Hoàng đâu rồi?
Lê Diệp vẫn cười nụ:
- Đáp phi cơ qua Phi luật tân từ sáng sóm, trong khi anh còn ngủ say. Ông cụ không thể hoãn cuộc hành trình vì nội ngày nay phải mổ ở căn cứ Clark. Trước khi ra trường bay, ông cụ đã viết thư để lại cho anh.
Lê Diệp rút trong túi ra một cái ống tròn bằng nhom, bề ngoài như ống thuốc át-pi-rin, đầu được gắn xi kín. Chàng lấy lưỡi dao nậy vỡ lằn xi đỏ, rồi dốc ngược ống xuống, một cuộn giấy tròn tuột ra.
Văn Bình cầm trên đọc. Đó là một phong thư dán kín, bên trên như sau:
"Thư tối mật gửi cho Z.28.
Mở ra phải đọc ngay, vì trong vòng 120 giây đồng hồ, chữ viết sẽ biến mất."
Bóc phong bì, Văn Bình thấy ở trong một tờ giấy xanh nhạt, không có chữ. Nhưng chỉ trong chớp mắt, những giòng chữ đánh máy mầu nâu sẫm hiện lên rõ ràng.
Nọi dung lá thư của ông tổng giám đốc như sau:
"Thân gửi Văn Bình.
Lẽ ra, tôi không thể giải thích nội vụ, để anh tự ý tìm hiểu tiện hơn, vì muốn giải thích tôi phải mở tập hồ sơ tối mật mà trên nguyên tắc chỉ riêng giám đốc được biết, sống để dạ chết đem đi. Vả lại, tôi không muốn làm mất lòng anh lần nữa, vì trong thời gian qua, do sự cần thiết của công vụ, cũng như do sự đối xử vụng về của tôi, tôi đã làm anh mất lòng nhiều lần.
Để bảo vệ bí mất, tôi nhờ Lê Diệp trao thư này tận tay cho anh, và sau khi anh đọc, Lê Diệp sẽ đích thân tiêu hủy.
Những việc xảy ra trong vòng mấy tháng nay là hoàn toàn giả tạo, hoàn toàn do tôi sắp xếp để đánh lừa đối phương. Hẳn anh đã biết rằng Smerch vừa thiết lập được ở Sài gòn một màng lưới thu thập tin tức vô cùng đắc lực. Chúng ta đã đánh bại được GRU và KGB, song Smerch chưa hề bị sứt mẻ.
Nhân vật chỉ huy Smerch hiện thời ở Hà nội là trung tướng H. với sự phụ tá của Trần Quốc Hoàn, nguyên bộ trưởng Công an. Hoàn đưa một thủ túc tin cậy và tài giỏi vào miền Nam giữ chức giám đốc trú sứ Smerch, mang tên giả là Minh Ngọc. Minh Ngọc cũng như anh, mê gái một cách lạ lùng, nhưng hoạt động cũng hữu hiệu một cách lạ lùng.
Sau một thời gian theo dõi và điều tra công phu, chúng ta đã phăng ra Minh Ngọc. Song tôi không thể bắt hắn và giết hắn, vì lẽ Trần Quốc Hoàn sẽ cử nhân viên khác vào thay thế. Tổ chức do Minh Ngọc gây dựng được ở đây lại gồm toàn cán bộ cừ khôi. Muốn nhổ cỏ tận gốc, chúng ta phải làm cách nào mượn tay đối phương để loại trừ Minh Ngọc.
Cơ hội này đã tới khi Smerch thi hành kế hoạch Đại tây dương nhằm ám sát yếu nhân điệp báo Miền Nam. Tôi bèn bố trí cho Minh Ngọc thất bại nặng nề.
Theo truyền thống nghề nghiệp, giám đốc trú sứ bất lực thường bị hạ dằng công tác. Nhờ tay trong, tôi đã tạo ra điều kiện để Trung ương Smerch triệu hồi Minh Ngọc. Đồng thời, triệu hồi toàn thể nhân viên trong trú sứ.
Sự triệu hồi này rất quan trọng đối với chúng ta: vì chúng ta chỉ khám phá ra Minh Ngọc chứ chưa khám phá ra được toàn thể nhân viên dưới quyền, và đặc biệt là hoàn toàn mù tịt về một cơ sở được mệnh danh là Tiểu tổ Kiểm gián của Smerch, hoạt động song song với trú sứ Minh Ngọc tại Sài gòn, và cả Minh Ngọc cũng không biết nữa.
Minh Ngọc và nhân viên của hắn bị triệu hồi, bắt buộc trong thời gian chưa đào tạo kịp trú sứ thay thế, Smerch phải huy động Tiểu tổ Kiểm gián.
Như anh đã biết, Tiểu tổ Kiểm gián là cơ sở bí mật nhất, hệ trọng nhất, và hữu hiệu nhất của đối phương ở Sài gòn. Nó có nhiệm vụ kiểm soát hành động của mọi nhân viên do thám đối phương hoạt động tại phía nam vĩ tuyến 17. Chúng ta càng có thêm lý do để quan tâm đến Tiểu tổ Kiểm gián vì nó là cha đẻ của một cơ sở khác liên hệ mật thiết đến chúng ta, gọi là Cơ sở K92.
Cơ sở K92 gồm toàn nhị trùng và nội tuyến, nằm gọn trong hàng ngũ của chúng ta. Từ hơn một năm nay, cơ sở K92 đã tác hại ghê gớm, chúng ta đã mất một số tin tức, tài liệu bí mật, cũng như một số nhân viên phục vụ trong lòng địch và tại hải ngoại.
Trần Quốc Hoàn, phụ tá tướng H. có 2 nữ phụ tá tài ba, xuất thân từ Smerch Mạc tư khoa, là Thanh Vân và Thanh Giang. Về sắc đẹp, mưu lược và võ thuật, họ không thua kém nữ nhân viên ban Biệt vụ của ta. Theo tôi, họ chỉ thua kém cô Thu Thu mà thôi, còn toàn thể nữ nhân viên của ta đều chưa thể tranh đua với họ.
Ở trên, tôi vừa nhắc đến một tay trong bên cạnh tướng H. Tay trong này là Thanh Vân. Trần Quốc Hoàn giới thiệu Thanh Vân và Thanh Giang với tướng H. để cứu xét việc thực hiện kế hoạch mới Thái bình dương. Thanh Vân khôn khéo vận dụng ảnh hưởng để tướng H. triệu hồi Minh Ngọc, và biệt phái Thanh Giang vào Nam, đích thân điều khiển kế hoạch Thái bình dương. Và đáng kể hơn hết là giới thiệu Nguyệt Hằng với tướng H. với nhiệm vụ dùng chiến thuật ân ái hạ sát anh.
Thanh Vân đã thành công.
Vào Sài gòn, Thanh Giang phải móc nối với Tiểu tổ Kiểm gián và nhân viên trú sứ đều bị gọi về, hoặc bị coi là khả nghi. Do đó, chúng ta đã nắm được đầu mối mà không cần bắn một phát súng, hoặc tiêu tốn một đồng bạc.
Đã đến lúc anh cần biết rằng Nguyệt Hằng, tức Li-Ming, tức Thanh Tú không phải là nhân viên của ta, cũng không phải là thủ túc của Thanh Vân. Chẳng qua chúng ta đã tóm được một hồ sơ đầy đủ về Nguyệt Hằng, và phăng ra nàng là bạn ngày xưa của anh. Nàng được Smerch tin cậy tuyệt đối, lại hội đủ tài năng, và tinh thần cương quyết đối với đàn ông nên tướng H. tin tưởng là anh không thể nào lung lạc được nàng. Về điểm này, tướng H. đã đoán đúng. Nàng sẵn sàng giết anh không mảy may thương tiếc, và nếu vào phút chót, anh không phải là bạn xưa thì đã thành người thiên cổ rồi.
Nhất cử nhất động của anh đều bị nhân viên của Sở theo dõi từng giờ, từng phút. Toàn thể được đặt dưới sự điều động của Lê Diệp, tuy nhiên, tôi chia làm 2 bộ phận: bộ phận chìm do Lê Diệp đích thân điều khiển, bộ phận nổi được giao cho bà Huyền Hoa. Nhân viên theo dõi mà anh nhận diện được là ở bộ phận nổi. Tôi biết là trong bộ phận này có nội tuyến của đối phương nên phải ru ngủ họ bằng cách bố trí cho anh phăng ra bị theo dõi và anh đến gặp bà Huyền Hoa.
Lê Diệp đã bám sát anh trong suốt buổi chiều mà anh không biết. Anh định mang Nguyệt Hằng về phòng riêng, nhưng sợ tôi biết nên đã nghĩ tới địa chỉ kín đáo gần chợ Bến Thành. Anh đến gặp bồi phòng, dặn mua hoa thì Lê Diệp mang lê-đơn vàng đến. Tôi dặn Lê Diệp cắm lê-đơn vào cái bình pha lê đặc biệt thường để trong phòng giấy của Nguyên Hương cốt thử lại trí nhận xét của anh. Phải thành thật nhìn nhận rằng trong cơn hưởng lạc, anh mất hẳn trí nhận xét thường ngày rất tinh tế, âu đó cũng là một khuyết điểm căn bản mà anh cần khắc phục trong tương lai.
Kể ra, để sự việc khỏi rắc rối, tôi có thể cho Lê Diệp chờ sẵn và bắt Nguyệt Hằng, đồng thời loại trừ luôn Thanh Giang và các nhân viên Smerch nhưng tôi không làm. Vì làm như vậy, tôi sẽ không thu dụng được Nguyệt Hằng. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, tiền nong mỗi ngày một hiếm, thiên tài thì đốt đuốc cả năm cũng không tìm thấy. Sở không thể bỏ phí một tinh hoa lỗi lạc về điệp báo như Nguyệt Hằng.
Cho nên tôi phải bố trí cách nào cho Nguyệt Hằng tự tay hạ sát Thanh Giang và các đồng nghiệp Smerch.Mọi hoạt động xảy ra trong phòng anh đều được chụp hình đầy đủ, để sau này nếu cần tôi có thể dùng để gây áp lực với nàng.
Đến đây chắc anh muốn biết tại sao Nguyệt Hằng lại nhìn thấy mũi tên vẽ bằng nhựa cây trên người anh, vì đã được hóa chất xóa từ lâu rồi. Phải, cách đây 7 năm, ban Chuyên môn đã xóa vết mực này. Nhưng, như anh đã biết, khoa học điệp báo ngày này đã tiến tới trình độ có thể làm được nhiều chuyện lạ lùng, giấy được đốt thành than mà chúng ta còn đọc được chữ, thì nét mực bị xóa trên da anh vẫn có thể hiện lại nhờ một hóa chất nào đó.
Hóa chất này đã được pha trong nước hoa và trong sà-bông để trong phòng tắm. Anh tắm xong lau khô nước và mũi tên ngày trước hiện ra.
Nguyệt Hằng lái xe lên Tây ninh, với ý định vượt biên giới qua Cao miên, song đã bị chặn lại. Nàng định tự tử bằng độc dược may thay nhân viên của ta đã ngăn chặn kịp thời. Hiện nay, Nguyệt Hằng đang ở với bà Huyền Hoa. Anh đã đoán được nguyên nhân bà Hoa trở về Sài gòn: bà Hoa là bạn của mẹ Nguyệt Hằng. Ông thân của anh là bạn săn bắn của ông Chu Văn Chương, ông thân của nàng. Còn bà Hoa là bạn của bà Hương, mẹ Nguyệt Hằng, trong thời gian lưu lạc ở Vân nam. Tôi tin là Nguyệt Hằng sẽ nghe lời bà Huyền Hoa.
Vả lại, đang còn anh nữa.
Trong quá khứ, hơn một lần anh đã mang về cho Sở hàng chục triệu đô-la, song chưa lần nào Sở được lời bằng lần này. Sự đóng góp của một nhân viên tài ba như Nguyệt Hằng sẽ làm cán cân điệp báo nghiêng hẳn về chúng ta.
Anh không đặt ra kế hoạch, nhưng đã đóng vai chính. Nhân danh Sở, tôi thành thật cám ơn anh.
Hoàng."
Văn Bình lặng lẽ trả tờ giấy cho Lê Diệp. Một phút sau, bức thư tan thành bọt trong ly nước để trên bàn. Lê Diệp nặng nề đứng vậy. Văn Bình không mỉm cười hoặc nhún vai chào người bạn cố tri như thường lệ. Tâm trí chàng như bay bổng tận đâu đâu.
Đột nhiên, chàng quay mặt ra góc phòng. Bình lê-đơn vẫn còn nguyên chỗ cũ, màu vàng rực rỡ. Một vườn lê-đơn vàng rực rỡ cũng đang nở rộn trong lòng chàng.
Nữ Thần Ám Sát Nữ Thần Ám Sát - Người Thứ Tám Nữ Thần Ám Sát