When you're young, you want to do everything together, when you're older you want to go everywhere together, and when you've been everywhere and done everything all that matters is that you're together.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Bảo Ninh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 75
Cập nhật: 2023-03-26 23:04:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thời Tiết Của Ký Ức
ưa từ chiều, suốt buổi tối, qua đêm đến bây giờ gần sáng rồi mà vẫn còn miên man mưa mãi. Phố dài, vắng lặng, tù mù những vũng đèn đường. Những mảng bờ tường. Những khúc vỉa hè. Các vòm cổng. Mái hiên. Những vuông cửa sổ. Và mấy cây bàng. Mấy cây cột điện. Ướt át, nhòa mờ, lạnh lẽo.
Trong phòng, tiếng mưa thấm vào qua khe cửa. Những hạt mưa rời rã, đậu xuống, trượt đi, vẽ mãi vẽ mãi những bức vẽ trong suốt lên mặt kính. Ngay dưới cửa sổ, một chậu quỳnh, hoa nở một bông từ đêm, đã rũ xuống. Trên bàn, một ấm trà đã pha mà chẳng uống, nguội ngắt. Ông Phúc ngồi ở đi văng, khuất khỏi quầng sáng của ngọn đèn bàn nấp dưới cái chao màu xanh. Mắt nhắm, nhưng mà không tài nào ông chợp mắt. Những nỗi niềm đã yên nghỉ từ lâu âu sầu thức dậy, lần lượt hiện hình, lần lượt trôi qua, dằng dặc và chậm rãi, theo nhịp đếm của chiếc đồng hồ để bàn.
Hà Nội, tiết tàn thu, buổi đầu đông, gió thổi, mưa rơi, lá rụng. Ấy là hơi thở của thời xa xưa, là thời tiết của ký ức.
Ngẫm lại, vậy mà, đã non bốn chục năm rồi còn gì, từ bấy tới nay. Dĩ nhiên với dòng đời vô cùng vô tận thì bốn mươi năm có là bao, chỉ là một khúc đò ngang ngắn ngủi, nhưng với đời người, đó là cả một cõi thời gian mênh mang như biển mà từ bờ này qua bờ kia ngang với từ kiếp này sang kiếp khác.
Ngày ấy, sau những tháng bị giữ trong Hỏa Lò, can phạm Trần Văn Phúc vừa chính thức thụ án, sắp phải chuyển về trại giam ở tỉnh xa, đã lần đầu tiên được nhận quà. Một cái áo len, ba cặp bánh chưng, hai tút thuốc lá, một ít tiền và một phong thư mỏng. Quà tết của Quỳnh. Muốn khóc nhưng không sao khóc nổi, chỉ một nỗi đau câm lặng thọc trong tim làm cho nghẹt thở, làm cho mờ mịt hai con mắt và làm cho run bắn hai bàn tay.
“… Sự thể đã như thế này xin anh đừng hối tiếc và oán hận làm gì cho khổ thêm anh ạ, mà hãy cùng em thuận lòng cam theo số phận, - Quỳnh viết - Phần em thì dù rằng từ nay đời có thế nào em vẫn một lòng cám ơn số phận đã run rủi cho em lạc khỏi gia đình để về lại với anh. Nhờ vậy mà giờ đây dù có phải xa lìa, dù có phải mất anh mãi mãi em vẫn sẽ mãi mãi còn anh…”
Lá thư vội vã, những dòng ngắn ngủi. Và Phúc đã không hiểu, đã không hiểu ngay ra. Lá thư rồi cũng bị thất lạc trong một lần chuyển trại và dần dần Phúc cũng đã quên, hầu như chẳng còn nhớ, chẳng còn mảy may vương vấn gì nữa với lời nhắn nhủ ẩn trong những dòng cuối cùng ấy của mối tình đầu.
* * *
Hối tiếc, oán hận là những tình cảm về sau mới cộm lên, chứ thoạt đầu Phúc chứa chan hy vọng. Dĩ nhiên khi vừa bị công an điệu khỏi nhà đẩy lên xe đưa về sở thì không khỏi kinh hoàng nhưng mà đã mau chóng trấn tĩnh được. Phòng xét hỏi thoáng mát, không có những dụng cụ tra tấn, tường quét vôi màu ve, cửa sổ mở rộng trông ra vườn hoa. Và hơn nữa người trực tiếp thẩm cung không ngờ lại là Định, bạn cùng một lớp đệ tứ ở trường Bưởi năm nào. Chín năm Kháng Chiến khiến Định như già xọm đi, sắc diện khắc khổ, gầy yếu, đôi môi nhợt nhạt mím chặt, cặp mắt âm thầm, song Phúc vẫn lập tức nhận ra, và lập tức lóe lên trong lòng niềm hy vọng thoát nạn. Chỉ kín đáo giấu đi những gì cần giấu còn thì Phúc khai tất cả. Những tưởng Định sẽ chiếu cố, những tưởng một khi mình đã thành thực vậy rồi thì mình sẽ được khoan thứ, những tưởng khi buổi thấm vấn kết thức, rời phòng hỏi cung là sẽ được tha về với Quỳnh. Nào ngờ lại phải tra tay vào còng vào nằm trại tạm giam.
Lần hỏi cung sau, không đợi Định phải hỏi, Phúc đã hớt hải khai ra gần trọn những gì lần trước chưa khai. Van vỉ, thề thốt, Phúc gần như cuống quýt trình bày tấm lòng thành của mình. Phúc một mực cam đoan rằng mình chưa phải là Đại Việt như ai đó đã mật báo với Định, mà mới chỉ là cảm tình viên thôi. Và đúng là Phúc có thời làm việc ở Tòa Thủ hiến nhưng là nhân viên hành chính cấp thấp. Về sau do không muốn nhận lương của Tây nữa nên Phúc mới xin chuyển sang Phòng thông tin Hoa Kỳ. Được người Mỹ đồng ý nhận vào làm là bởi một lẽ đơn giản, Phúc thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh.
- Nhưng tôi cũng thạo và nhiều người khác nữa còn thạo hơn, đúng không? Nhưng không phải ai cũng dính dấp với bọn tối phản động Đại Việt, và càng không phải ai cũng sẵn sàng lăn lóc hết từ giường Tây qua nệm Mỹ như anh - Định bình thản bác những biện bạch của Phúc - Chỉ chừng ấy thôi đã đủ để khó tin rằng anh ở lại ngoài này không vì một âm mưu nào. Đừng tự huyễn hoặc mình, đừng cho rằng có thể qua mắt được chúng tôi, tôi khuyên anh đấy. Bởi vì tôi thấy rõ thái độ thành thật nửa vời hết sức không biết điều của anh đang từng giờ từng phút một làm hại anh như thế nào, tôi khuyên anh nên…
Hoàn toàn đuối lý và hoàn toàn không có cơ hội nào để gợi lại tình bằng hữu ngày trước, Phúc đành nhắm mắt nghe theo lời khuyên của Định, khai hết và nhận hết. Biết rằng sẽ phải tù, nhưng khi ký vào bản cung Phúc vẫn ôm hy vọng là Định sẽ gỡ bớt tội cho mình và sẽ xin cho mình một án nhẹ. Nào ngờ, tội làm gián điệp cho Mỹ, án mười năm.
Phúc rời Hỏa Lò, ngồi xe bịt bùng, lên đường thụ án. Ngoài xe, Hà Nội xuân sang. Thì ra sự khoan hồng mà Định nhử mình là như thế này đây, Phúc thầm nghĩ, cay đắng trong lòng. Mình đúng là một thứ nạn nhân của tình bạn. Tình bạn, rốt cuộc chính là sợi thòng lọng mà mình đã tự đút cổ vào.
* * *
Trại giam đầu tiên Phúc được đưa tới nằm trên vùng đồi nổi lên trơ vơ giữa một đồng nước trũng mênh mông, tít nơi xa cùng khuất nẻo nhất của miền châu thổ. Ở trại này phạm nhân phải làm ruộng để tự túc một phần lương thực. Nhưng những ngày mưa, nước ngập đồng thì không đi đâu được, không làm lụng gì được, cả tù nhân cả quản giáo chỉ nằm, chỉ ngồi, nhìn và nghe mưa xối.
Buổi sáng, mới tờ mờ đất, chân trời đã đặc mây. Những đám mây rách rưới, im phăng phắc. Hàng giờ đồng hồ trôi qua nhưng các đám mây vẫn neo nguyên một chỗ, chẳng mảy may biến màu đổi dạng. Suốt ngày chỉ những mây là mây. Những lối đi đen xì bùn lầy.
Canh khuya, sau hiệu kẻng tắt đèn, mọi người ngủ cả, Phúc ngồi thừ trên sạp nứa, nặng nề nhìn chằm chằm vào một điểm bất định như muốn moi ra cho bằng được từ đấy những hình bóng vô hình của bóng tối. Lâu dần, thậm chí bóng tối cũng biến mất nhường chỗ cho cõi trống rỗng, một cõi mà trong đó không còn cái gì khác ngoài cái không gì cả của cuộc đời và số phận. Mười năm, điều ấy vượt ra khỏi ý niệm thời gian, Phúc không sao mường tượng nổi. Cái chết ngay tức khắc dễ mường tượng hơn nhiều. Chết chẳng khó khăn gì và chết là điều rất tốt. Chỉ có điều vẫn còn một ước nguyện âm thầm đau nhói trong tim khiến Phúc chưa thể nào mạnh dạn tự ra tay với mình. Chính cái điều khoản “Ba trăm ngày” của Hiệp định Giơneo là móc xích cuối cùng đang níu giữ cuộc đời Phúc.
Khi chỉ còn hai tuần nữa là điều khoản định mệnh ấy hết hạn, một buổi trưa, Phúc được đưa lên nhà khách của trại giam. Định đang chờ ở đấy. Tử tế bắt tay, mời ngồi, tử tế mời trà, mời thuốc, và không nề hà thái độ khuôn phép cố tình, một bẩm cán bộ hai bẩm cán bộ của Phúc, Định thong thả trò chuyện, hỏi han. Thời gian trôi qua, chậm rãi. Định từ tốn nói, còn Phúc một mực cúi đầu, hờ hững nghe và khẽ khàng thưa bẩm. Không mảy may tin vào lòng tốt của người bạn cũ, và vì thế trong suốt cuộc gặp gỡ cứ băn khoăn tự hỏi ngọn gió nào, gió lành hay gió dữ đã đưa anh ta tới đây, nhưng dù sao thì Phúc vẫn có được một chút hài lòng bởi vì Định đã không hề lên giọng khuyên răn dạy bảo cũng không bày đặt vẻ ngoài chí thiết, động viên với lại an ủi này nọ. Mãi đến lúc chia tay, trong lời từ biệt, Định mới hàm một ý hứa hẹn:
- Chẳng biết tới bao giờ chúng ta mới gặp lại nhau. Có thể là còn lâu lắm. Nhưng có lẽ sẽ không phải mất tới mười năm. Và tôi chắc rằng khi chúng ta gặp lại nhau, anh đã ở trong hoàn cảnh khác với bây giờ.
Đã chực nín lặng bởi đã nhất quyết là sẽ không một lần nữa nhẹ dạ cả tin vào con người này, vậy mà cuối cùng Phúc lại đã thổ lộ. Đã chẳng nói gì lúc chia tay, im lặng về tới lán rồi, nghĩ ngợi thế nào Phúc lại hớt hải xin được đưa trở lại nhà khách để gặp Định. Ô tô đã chuyển bánh nhưng Định vẫn bảo tài xế đỗ lại và mở cửa xe bước xuống. Hai người đứng với nhau một lát ở hàng hiên nhà khách. Trong trời mưa như thác đổ. Run rẩy, lập cập Phúc kể ra hết với Định điều khổ tâm duy nhất còn lại đang day dứt trong lòng, và rồi nghẹn ngào Phúc nài xin, van vỉ:
- Phận tôi tôi không mong gì cả. Tôi đáng bị như thế. Tôi chỉ dám mạo muội cầu xin ông một điều ấy thôi cho Quỳnh. Bởi tôi mà cô ấy đã lưu lại ngoài này. Bây giờ cũng bởi tôi nên cô ấy mất hết tất cả, bơ vơ, không người thân thích, không nơi nương tựa… Không. Không. Xin ông đừng vội chối từ. Ngoài ông, chúng tôi còn biết cậy nhờ ai khác nữa trên đời. Dù gì thì ngày xưa, tôi với ông cũng đã cùng nhau một chút tình bằng hữu. Tôi xin ông. Nay hạn ba trăm ngày sắp mãn rồi, nhưng vẫn chưa phải là đã quá muộn nếu ông ra tay cứu giúp…
Định rời khỏi trại trong mưa. Dưới chân đồi, bốn bề đông không mông quạnh. Chiếc xe con của Định chỉ còn là một chấm đen nhưng rất lâu sau vẫn chưa mất hút hẳn ở đường chân trời xám ngắt. Khi đó Phúc chẳng thể ngờ rằng nhiều chục năm về sau sẽ có lúc mình mong mỏi biết là chừng nào gặp lại được con người ấy.
* * *
Từ đấy Phúc thôi hẳn ý định tự vẫn mặc dù tuyệt nhiên chẳng còn một chút vướng bận nào ngăn trở làm như vậy. Có thể vì không còn vướng bận gì với ngoài đời nên dễ dàng thích nghi hơn với đời sống trong tù. Phải di chuyển qua nhiều trại, có trại không đến nỗi nào nhưng có trại rất cực, Phúc đều thản nhiên an phận. Gọi là ngồi bóc lịch, nhưng Phúc chẳng đếm ngày tính tháng. Mười năm hay mười lăm năm hay chung thân cũng vậy cả thôi, ngày lại ngày trôi qua, ý niệm thời gian rơi rụng.
Hay tin Mỹ - Diệm đã chối bỏ Hiệp thương và vì thế sẽ không có Tổng tuyển cử, đất nước sẽ vĩnh viễn bị chia cắt, Phúc chẳng bận lòng. Bởi vì cuộc thế thì có can hệ gì tới cuộc sống tù. Một khi đã trong tù thì vĩnh viễn là người ngoài cuộc. Trại giam không song sắt không rào kẽm gai nhưng đã có một bức tường thật dày tự thân dựng lên trong tâm trí vĩnh viễn hãm Phúc vào với hiện tại bất động. Đôi khi trí nhớ mòn mỏi cũng cố len lỏi lần về với những vùng sâu lặng của dĩ vãng, nhưng dĩ vãng đã mất hết sinh lực, đã vĩnh viễn tắt ngóm, không thể nào mà hồi tỉnh lại. Dĩ vãng chỉ sống trong những ai còn có một tương lai. Khi đã không còn biết trông chờ gì ở ngày mai thì ngày hôm qua cũng không còn lại gì nữa để trông về.
Chính cái trạng thái tinh thần vô vọng ấy đã khiến Phúc hầu như vô cảm trước tự do. Bị án mười năm, chỉ hơn hai năm đã được ân xá, vậy mà chẳng chút vui mừng. Chẳng hề tự hỏi vì đâu, vì ai. Chẳng sung sướng, chẳng đau buồn, chẳng ơn ai, chẳng oán ai. Thờ thẫn ra khỏi cổng trại giam, như thể miễn cưỡng. Và cả khi đã về tới Hà Nội, đã bước đi dọc phố xá, giữa cảnh vật, giữa đám đông và tiếng ồn ào quen thuộc mà Phúc vẫn như thể chưa tìm ra được cho mình một lý do thật sự để trở về.
Phố Hàng Đẫy đã là phố Nguyễn Thái Học. Ngôi biệt thự của gia đình họ Đặng đã thành một nhà mẫu giáo. Sau một hồi lâu đứng im ngoài hàng rào sắt, lặng nhìn lũ trẻ nô đùa trên sân, Phúc ủ rũ, chẳng nói rằng bỏ sang bên kia đường khi người gác cổng bước tới cất lời hạch hỏi.
Bên kia đường, đối diện nhà họ Đặng là nhà họ Trần, cũng ngôi biệt thự hai tầng, ngày xưa luôn kín cổng cao tường nhưng nay cửa vào sân mở toang. Hoàn toàn ngoài chủ định, Phúc lẳng lặng rẽ vào đấy. Khắp sân lá rụng. Lối sỏi rêu xanh, bồn hoa um tùm cỏ dại. Bể non bộ khô khốc, một bên thành bị vỡ và hòn núi giả thì đổ sụp. Tầng trên, tầng dưới ngôi nhà tất cả các cửa sổ đều đóng chặt. Phúc thầm lấy làm lạ. Chẳng lẽ qua suốt từng ấy thời gian kể từ ngày họ Trần ra đi mà người ta vẫn bỏ không đấy chưa sung công ngôi nhà này?
Phúc quay ra, vừa đến cổng thì chạm mặt một người đàn ông dắt xe đạp từ ngoài đường đi vào nhà. Nhìn sững Phúc, người nọ để truội ghi đông khỏi tay. Chiếc xe đạp ngã đổ vào thành cổng.
- Ông là… Ông là… - Anh ta lắp bắp, mặt nhợt ra.
- Vâng, - Phúc thở dài - Tôi đấy, anh Bách ạ.
- Thế họ thả cho anh ra ư… Tôi những tưởng là họ sẽ chẳng đời nào…
- Vâng. Thì tôi cũng tưởng thế. Cho nên tôi…
Bách ngắt lời Phúc, hỏi vội, giọng khàn đi:
- Thế họ cho phép người như anh cư ngụ ở Hà Nội ư?
- Tôi chẳng biết. Chẳng thấy có lệnh cấm. Nhưng mà tôi chỉ ghé ngang nhìn lại ngày xưa một chút. Rồi sẽ đi xa khỏi đây. Chứ còn gì nữa đâu, còn ai nữa đâu mà ngụ lại.
- Thì tôi cũng vậy thôi, - Bách nói, mắt cụp xuống - Nhà này hiến cho chính phủ làm công sở rồi. Tôi chỉ ở tạm ngày nay ngày mai.
- Nhưng mà, trời ơi! Làm sao anh lại đang ở ngoài này? - Chợt thấy sửng sốt, đớ người ra, rụng rời Phúc hỏi, giọng thảng thốt - Tôi nhớ rõ ràng là gia đình bên anh đã vào trong đó cùng một lần với gia đình bên tôi cơ mà. Thế sao mà bây giờ lại…
- Anh lại còn phải hỏi nữa ư? - Bách đáp, rất khẽ, môi mím lại.
- Thế nghĩa là… Chao ôi! - Thương cảm, Phúc than lên - Anh trở ra đây tìm cô ấy? Trời, sao lại có thể như vậy chứ! Anh ra lúc nào vậy? Ra lúc nào mà để đến nỗi không hay biết rằng cô ấy đã vào trong đấy, anh Bách?
Bách im lặng cúi xuống nhấc chiếc xe lên.
- Tôi quá bận, - Anh ta nói, không nhìn Phúc - Chỉ qua nhà một lát rồi phải đi ngay có việc. Không mời anh vào nhà được, mong anh thứ lỗi.
Lẳng lặng Bách đẩy xe đạp vào sân, lẳng lặng Phúc đi ra đường, nhằm hướng nhà ga, lê bước. Không nơi nương náu, không bóng người thân, đối với Phúc thành phố quê hương đã cạn tình.
Trên toa, chỗ của Phúc kề cửa sổ. Hà Nội lần cuối cùng lướt qua trong đêm, nhưng Phúc nhắm mắt lại, không nhìn ra.
* * *
Nhà họ Đặng được bốn cậu con trai, nhận nuôi thêm Phúc nữa là năm. Mỗi người mỗi phòng ở tầng dưới. Tầng trên là của ông bố bà mẹ và của Quỳnh, cô con gái rượu, cô em út trong nhà.
Được coi là bậc anh, nhưng Phúc ngang tuổi Quỳnh. Ngày được gia đình Quỳnh đón về sau hai cái tang lớn, mất mẹ rồi mất cha trong cùng một năm, Phúc còn bé, đang học đồng ấu, Quỳnh cũng vậy. Họ lớn lên bên nhau, êm ấm và hạnh phúc những năm dài, trong tình anh em và trong sự hết lòng yêu thương đùm bọc của cả nhà, một gia đình trí thức cao sang, trầm lặng.
Các anh của Quỳnh đều học hành giỏi giang, đỗ đạt cao và nếu thời cuộc không thình lình biến động có lẽ đều sẽ thành đạt không kém gì cha. Một gia đình giàu có nhưng đầm ấm, luôn luôn yêu thương nhau. Ai ngờ một gia đình như vậy về sau lại bất hạnh và tan tác thảm thương đến thế.
Tai họa khởi đầu từ anh Bình, con cả. Mặc dù sau ngày Việt Minh lên, gia đình họ Đặng sống kín cổng cao tường né tránh mọi tiếp xúc với bên ngoài, vậy mà anh ta bằng cách nào đó vẫn trở thành đảng viên Quốc dân đảng. Anh ta biệt tích trong đêm xảy ra vụ Ôn Như Hầu. Tiếp đến là anh Tùng, con thứ. Tùng vốn là một nhà thơ vô cùng đa cảm, không hiểu sao lại cũng dự vào chính trị, ngầm tham gia một tổ chức thân Pháp để đến nỗi phải bỏ trốn và mãi mãi không trở về. Công an Việt Minh vây nhà, soát thấy cả truyền đơn cả vũ khí chất dưới tầng hầm và trong gầm cầu thang.
Tiếp nữa là thời kỳ tản cư. Mặc dù chỉ non một năm chịu vất vả ở nhà quê, vừa ngưng tiếng súng là đã lập tức hồi cư, dắt díu nhau trở về thành nhưng ông bố vẫn không gượng nổi. Về tới nhà là ông lâm bệnh, nằm nhà thương được hơn một năm rồi qua đời. Huy và Hoàng, hai người anh trai còn lại của Quỳnh đứng ra cáng đáng gia đình. Họ được người Pháp trọng dụng và đã sớm trở thành những nhân vật có vai vế ở Hà Nội. Riêng Phúc, mặc dù còn trẻ tuổi, tính tình thì nhu nhược và mặc dù chưa có một ý nguyện chính trị rõ rệt, nhưng do được hai anh Huy Hoàng hướng dẫn nên vẫn gia nhập đảng Đại Việt, và còn được hai anh thu xếp cho vào làm việc ở Tòa Thủ hiến, nhờ vậy mà cũng bắt đầu có được một tiền đồ nhiều triển vọng.
Thế nhưng giữa thời loạn lạc, phúc họa khôn lường, bình yên như treo đầu sợi tóc. Mùa thu năm 1953 lại một đại nạn nữa giáng xuống mái ấm nhà họ Đặng. Huy cùng một số sĩ quan Pháp bị quân cảm tử của Việt Minh quăng lựu đạn giết chết trong một cao lâu ngay giữa lòng Hà Nội. Hoàng cũng có mặt tại đó nhưng may mắn thoát hiểm chỉ phải gửi lại bữa tiệc ấy một bàn chân. Sụp mất trụ cột, đời sống gia đình như bên bờ vực. Của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Người ăn kẻ ở đã phải cho nghỉ việc gần hết và ngay cả ngôi nhà, mẹ Quỳnh cũng đã tính tới chuyện phải bán. Tuy nhiên vào những ngày cuối năm 53 đầy hiểm họa, bất động sản ở Hà Nội bán chẳng ai mua, giá rẻ như bèo. Lúc bấy giờ mặc dù đã sang làm việc ở Phòng thông tin Mỹ, lương tiền khá hậu song cũng đã phải dần dần mang công mắc nợ Phúc mới có thể tàm tạm trì níu được cho những người thân còn lại một mức sống bề ngoài có vẻ chưa đến nỗi quá sa sút so với ngày xưa. Nhưng mà thời cuộc ngày càng gấp bước khiến cho đất đai rung chuyển, lo cho ngày mai của gia đình, mẹ Quỳnh tất nhiên không thể trông mong vào cái mức sống hàng ngày do Phúc chèo chống. Bà hiểu rằng phép màu duy nhất có thể trả lại cho gia đình cuộc sống và vị thế tốt đẹp thuở xưa ấy chính là cuộc hôn nhân của Quỳnh với Bách.
* * *
Sau này ngẫm lại những ngày tháng cuối cùng của thời thanh xuân có thể là tươi đẹp nhưng đầy tai ương ấy, tự hỏi rằng hạnh phúc nhiều hơn hay đau khổ nhiều hơn, Phúc cũng chẳng biết nữa. Cũng thế, Phúc chẳng còn nhớ nổi tình yêu đã tới tự bao giờ và như thế nào. Dường như là từ trong tình anh em, thuở còn thơ dại, đã lâu lắm rồi, không thể nào nhận thấy. Có thể là khi đã lớn hơn, ở tuổi dậy thì, đang học trung học, hoặc có thể mãi về sau, trong thời tản cư, rồi lúc về thành. Mối tình dường như nhuốm màu tội lỗi, chẳng khác gì một vết thương khía thêm vào những thương tích của gia đình. Cho nên yêu nhau mà tuyệt đối âm thầm không dám một lời thổ lộ, thậm chí không dám thú thực với ngay chính lòng mình. Cả đến khi gia đình họ Trần dạm hỏi Quỳnh cho Bách, Phúc cũng không mạnh dạn có được một lời nào. Chỉ một mình Quỳnh yếu ớt cưỡng lại ý mẹ. Nhưng cô chẳng thể thắng nổi sự kiên quyết gả bán của mẹ và lòng si mê kiên trì của Bách. Giữa hoàn cảnh trăm bề rối ren, phải khổ công lo tính để gấp gáp chuyển hết vào Nam toàn bộ tài sản đồ sộ của dòng họ, vậy mà Bách vẫn thu xếp được một lễ ăn hỏi đàng hoàng, sang trọng. Lễ cưới được dự định vào mùa xuân, sau Tết ta, tại Sài Gòn.
Bách muốn sau lễ ăn hỏi Quỳnh và gia đình phải đi Nam ngay, nhưng Quỳnh cứ trùng trình mãi không chịu lên đường. Mặc cho tình thế ngày một gấp gáp, viện cớ ốm đau, cô lẳng lặng sống thu mình trong buồng, âm thầm như chiếc bóng. Tuy nhiên kết cục tất phải đến đã đến. Đến từ thời cuộc. Ngày Việt Minh về tiếp quản Hà Nội đã gần kề. Quỳnh không thể nấn ná được nữa. Gia đình cô không thể ở lại, anh trai cô không thể chung một gầm trời cùng chế độ mới, mẹ cô không thể nào sống một cuộc sống thiếu sự giàu sang.
Riêng Phúc quyết định ở lại. Người Mỹ đã tạo thuận lợi cho quyết định ấy. Họ trả trước cho Phúc hai năm lương và chỉ giao một nhiệm vụ hết sức nhẹ nhàng là ở lại, sống bình thường, hợp pháp, và thong thả, kiên tâm chờ đợi một sự móc nối, nếu có. Chỉ thế thôi và chỉ trong hai năm trời. Đợi đến buổi tối trước hôm cả nhà rời Hà Nội xuống Hải Phòng, Phúc mới nói cho anh trai của Quỳnh hay là mình sẽ không đi bởi vì không thể đành lòng lìa xa thành phố quê hương; hơn nữa cần có người ở lại để gìn giữ cửa nhà và chăm nom phần mộ những người thân đã khuất. Phúc trao gần trọn khối tiền lương được ứng trước cho Hoàng và gửi anh ta một lá thư từ giã dặn rằng khi nào xuống tàu thủy rồi thì trao cho Quỳnh. Hôm sau mọi người khởi hành trên bốn chiếc xe hòm của gia đình Bách nên ngoài Hoàng không ai biết là Phúc đã ở lại.
Bấy giờ đã đầu tháng Mười, mưa thu mờ mịt. Buổi giao thời, đêm thành phố hỗn mang. Một mình Phúc trong tòa nhà trống vắng. Gần sáng, mưa tạnh, gió nổi lên xua quang mây, trăng hạ tuần lướt trên các mái nhà. Tiếng lá cây xào xạc. Phúc mở cửa sổ. Trên sân, ánh trăng mờ mờ trong không khí ẩm ướt. Gió lay động hàng cây dọc lối đi rải sỏi làm Phúc tưởng như có bóng người. Nhưng. Không phải là bóng cây, không phải là gió lay. Một người vừa đi qua sân, bước lên thềm. Không phải trong mơ.
Phúc lao khỏi phòng, chạy đâm xuống cầu thang. Quỳnh để rơi chiếc va ly trên tay xuống ngưỡng cửa. Phúc lặng lẽ ôm lấy Quỳnh, lặng lẽ ghì chặt, cảm thấy một trái tim khác đập cạnh trái tim mình.
Trong giây phút ấy, đối với Phúc, cách mạng không còn là bóng tối, không còn là tai ương. Không có cách mạng, không có thời đại mới đang tới gần kia, làm sao có nổi một phút giây chói lợi như thế này trong cuộc sống tầm thường, ảo não, dài lê thê của những kiếp người.
So với bao người khác, có thể là Phúc đã hướng về với Cách mạng một cách quá đỗi muộn màng và dường như là đầy vị kỷ, nhưng chắc chắn là Phúc đã rất thực lòng và rất thiết tha chờ đón với cái nghĩa cách mạng là tình yêu, là sự giải phóng, cách mạng là viễn cảnh hạnh phúc, là vận hội không ngờ, là số mệnh mới mẻ, đột ngột và tuyệt vời từ trời cao rót xuống.
Nhưng bởi vì chẳng phải mất gì cả chỉ phải nhẹ nhàng đưa tay đón lấy, nên hạnh phúc quá ngắn ngủi. Phúc và Quỳnh tự do bên nhau một tuần thì bộ đội tiến về tiếp quản Hà Nội. Đã được Quỳnh khuyên là nên ra trình diện và khai báo tất cả, nhưng Phúc lại trùng trình do dự. Và lệnh bắt giữ rốt cuộc đã sập đến trước khi Phúc kịp tỏ ra can đảm được như Quỳnh, mạnh dạn đoạn tuyệt quá khứ để sống cuộc đời mới.
* * *
Một người bạn tù cùng được trả tự do một ngày rủ Phúc về sống ở quê hương của anh ta, miền đồi rừng Bố Hạ. Phúc về qua Hà Nội, sau đó đi tàu lên đấy. Xuống một ga xép. Rồi đi bộ, đi bộ nhiều chục cây số, tít tắp vào vùng heo hút.
Đã trải cảnh tù nên gian lao những năm về sau chẳng bõ bèn gì. Làm lụng cật lực cho quên đời, dần rồi cũng dựng được một ngôi nhà, có được đôi chút tiền nong của nả, và cũng đã vài ba lần toan chuyện vợ con mà chẳng thành. Chẳng mấy chốc mà thành người lớn tuổi, thành ông già. Nhưng vẫn tứ cố vô thân.
Chiến tranh kết thúc, sóng gió thời đại lặng dần. Đất trời ngày một tĩnh mịch. Một buổi sáng mùa thu, trong gió heo may, ông Phúc vĩnh biệt cuộc đời hai mươi năm trong góc rừng, một mình lặn lội vào Nam. Bấy giờ chưa có đường sắt Thống Nhất, gần một tháng đi từng đoạn xe đò chen những chặng dài cuốc bộ, ông mới vào tới Sài Gòn. Vất vả đường trường như vậy để làm gì, tự ông dường như cũng không biết rõ. Thành phố xa lạ đắm mình trong mưa mùa như thác đổ. Ông Phúc lầm lũi đi dưới những mái hiên ướt át, đầu óc mung lung, vô định, tìm đến đâu, tìm tới ai. Dăm ba cái địa chỉ cầu may mà ông lưu được trong trí nhớ đều vô dụng. Tất cả những người bạn làm cùng sở ngày xưa, năm 54 di cư vào Nam, nay hoặc đã bỏ sang Pháp, sang Mỹ hoặc đang đi tập trung cải tạo. Ngay đến địa chỉ cuối cùng, của nhà họ Trần, bất đắc dĩ ông phải tìm tới cũng là địa chỉ không người. Dưới thời Mỹ-ngụy, gia đình mại bản này không ngừng phát đạt, nổi tiếng giàu có và thế lực, dĩ nhiên chẳng một thành viên nào trong gia đình họ ở lại Sài Gòn để chờ Quân Giải phóng.
Nghe người ta khuyên, ông Phúc lần đến tòa soạn một tờ báo nhờ đăng mẩu tin tìm người thân. “Trần Văn Phúc, trước tháng 10 năm 1954 ngụ ở nhà số 47 phố Hàng Đẫy Hà Nội mong được gặp lại người thân là…” Nhưng người thân là ai? Ông do dự, đã ghi tên Quỳnh, song lại ngập ngừng ngần ngại tự thấy mình vô lý bèn đổi ý, ghi Đặng Hoàng.
Cái mẩu tin phập phù ấy không ngờ lại công hiệu. Báo ra hôm trước thì ngay hôm sau Đặng Hoàng tìm tới nơi trọ của ông Phúc. Ông Hoàng nom già xọm, cằn cỗi và buồn thảm, dáng dấp xưa chẳng còn gì ngoài sự tàn phế.
- Hồi đó cứ liều ở lại ngoài ấy như cô chú lại hóa may, - Sau phút ban đầu anh em gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi, ông Hoàng ảo não kể lể - Chứ như tôi, tay trắng vào đây, lại què cụt thế này, không còn địa vị, mất hết vai vế nên cứ nghèo hèn lụn bại mãi, chẳng sao mà ngóc đầu lên nổi ở cái xã hội nhẫn tâm bạc ác chỉ biết có tiền trong miền Nam này. Mẹ tôi thì như chú biết đấy, bà cụ không chịu được sự nghèo, lại thêm chuyện cô Quỳnh, thành ra ốm liệt giường ngay từ khi mới vào đến. Đầu năm 57 thì cụ mất. Cứ thế vận nhà sa sút mãi.
- Vậy chứ bên nhà ông Bách không giúp đỡ nhà mình một chút gì ư?
- Bách nào? - Ông Hoàng ngạc nhiên hỏi, trán nhăn lại ngẫm nghĩ một lúc - À, Bách. Chú hỏi lạ. Chuyện như thế rồi, còn tình nghĩa gì nữa mà họ phải giúp.
- Vâng, - Ông Phúc thở dài - Tôi cũng nào ngờ là lại xảy ra thế. Một lần tôi có gặp Bách.
- Phải. Nào ai ngờ. Mẹ tôi khổ tâm lắm, sức cứ suy đi từng ngày. Ốm đau mòn mỏi, nhưng cụ bảo là phải sống rốn để chờ cho hết hạn hai năm hiệp định mẹ con gặp được nhau đã. Nên vừa hết hạn hai năm, quá tuyệt vọng, mẹ tôi lặng lẽ đi ngay. Chẳng biết khi bà cụ mất, ngoài đấy cô ấy có linh cảm thấy không? Bởi vì chú cũng biết đấy, trong mấy anh em nhà này, có cô ấy là mẹ tôi thương nhất.
- Nhưng… anh nói vậy là có nghĩa thế nào hả anh? - ông Phúc hỏi, giọng lạc đi, tim thắt lại - Anh vừa nói cô ấy ngoài đấy là anh nói Quỳnh ư? Nhưng, đã năm 57 thì sao lại còn ngoài đấy được nữa… Quỳnh đã vào từ năm 55 khi còn hạn ba trăm ngày cơ mà. Thế bây giờ Quỳnh ở đâu, anh Hoàng?
Ông Hoàng như giật nảy mình, miệng há ra, không nói được, trừng trừng nhìn ông Phúc.
- Chú vừa hỏi tôi Quỳnh ở đâu à? - Mãi rồi ông mới thốt được ra lời - Nhưng tôi đang muốn hỏi chú thế cơ mà… Chú bảo là năm 55 à. Nhưng, vậy là sao hở trời? Năm 58, từ Hà Nội cô ấy gửi bưu thiếp vào. Năm 59 thì trong này nhận được. Sao bây giờ lại…
Ông Phúc rụng rời, tê điếng, đụng tay vào ấm trà. Nước đổ lênh láng mặt bàn. Ông đã vụt hiểu tất cả và tất cả vụt tối sầm.
* * *
Tờ bưu thiếp ấy, ông Hoàng đã để mất, nhưng địa chỉ thì còn nhớ rõ, bởi vì vẫn là địa chỉ xưa, số 47 phố Nguyễn Thái Học.
Trở ra Hà Nội, ông Phúc lại tìm đến đấy. Bây giờ ở đó không còn là nhà mẫu giáo mà là một chung cư xập xệ đông đúc, chen chúc nhiều hộ gia đình. Người ta không hiểu ông Phúc muốn gì. Họ Đặng nào, Quỳnh nào? Chỉ có ông Quỳnh, cán bộ đường sắt, người Nghệ An thôi, họ Lê. Bên nhà Bách cũng vậy. Người ta nhún vai. Ai mà biết nổi chủ nhân xưa hồi Tây của ngôi nhà là ai. Chỉ biết trước đây nhiều năm là trụ sở của Đoàn Thanh niên, về sau là cơ quan Phụ nữ và bây giờ là nhà tập thể của nhiều cơ quan.
Mịt mờ, vô vọng và với tâm tính đầy thụ động, chẳng còn hơi sức và nghị lực để bỏ đi đâu nữa, ông Phúc cạy cục thuê được một căn buồng nhỏ ở góc đường Sinh Từ không xa Hàng Đẫy. Sinh kế lần hồi, ông nhận dịch và đánh máy thuê. Một chiếc Rờ-manh-tông già nua, những con chữ đã quá đát của nó lọc xọc làm lụng, lên tiếng mổ róc róc đêm ngày. Thoảng hoặc ông cũng ló khỏi hang lần ra đường đi dạo, đôi khi khá xa, dọc Hàng Đẫy, lòng vòng quanh Cửa Nam, quanh Hỏa Lò. Nhưng nói chung là ông chẳng đi đâu cả, ủ rũ, suy nhược, tuyệt đối âm thầm, tuyệt đối chẳng trò chuyện, chẳng giao du, dường như chẳng hề quen biết bất kỳ một ai trên đời.
Nhiều năm như vậy lẳng lặng trôi qua. Mười năm hay hai mươi năm, không biết nữa. Thời gian không cánh mà bay. Một buổi tối nọ, ông vừa đi dạo về thì có tiếng gõ cửa. Chắc là ai đấy cần ông đánh máy một cái gì.
- Chào anh, anh Phúc! - Cửa mở, một người đàn ông lạ mặt, tóc bạc, vận quân phục, chậm rãi bước vào, giọng rất trầm - Tôi là Định.
Thoạt tiên, tự ông Phúc cũng thầm thấy ngạc nhiên trước sự điềm tĩnh của mình. Có vẻ như ông không xúc động, tim không dồn đập, thái độ vẫn như thường, nói năng thong thả, không run giọng, bình thản hoàn toàn với cuộc gặp gỡ không ngờ này. Nhưng giữa chừng cuộc hàn huyên, lẳng lặng nước mắt chắt ra, dần dần giàn giụa, không cầm được, lòng nhói đau.
- Cuối năm 55, tôi nhận nhiệm vụ vào Nam hoạt động. Xa hẳn Hà Nội từ đấy. Sau giải phóng, mỗi năm tôi cũng chỉ rời thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội họp ngắn ngày một đôi lần, - Ông Định nói - Năm 75, tôi đã đọc thấy lời nhắn tin của anh trên báo, toan tới thăm anh ngay nhưng vì bận nên khi tới thì anh đã trở ra. Tôi nhớ người anh cần tìm tên là Đặng Hoàng, nhưng cũng chỉ là nhớ vậy thôi, không cố công tìm, rồi cũng bẵng đi. Mãi đầu năm nay, con trai ông này xin xuất cảnh theo diện HO, tôi đọc hồ sơ, tình cờ thấy tên ông bố, Đặng Hoàng. Tìm gặp ông ta, nghe ông ta kể mà thất kinh trong lòng. Làm sao cơ sự lại ra nông nỗi như thế? Làm sao anh lại không biết là chị ấy vẫn ở lại ngoài này? Vì sao khi được ra tù, anh không hỏi, không tìm? Và sao đến tận giờ vẫn không tìm?
Ông Phúc nín lặng, nét mặt bơ phờ, đầu rũ xuống.
- Ngày ấy hạn ba trăm ngày đang còn, nên dù rất khó, tôi vẫn có thể thu xếp để chị ấy đi. Có điều là chị ấy đâu có muốn thế. Chị ấy bảo sẽ sinh cháu ở ngoài này và hai mẹ con dù có thế nào cũng sẽ mãi mãi đợi anh, chứ bỏ vào trong kia cháu nó sinh ra sẽ vĩnh viễn không còn cha. Hoàn cảnh chị ấy khi đó thật tội, song tình cảm chị ấy như thế, tôi còn biết nói gì, tôi chỉ thấy mừng thay cho anh. Tôi nghĩ khi ra tù còn gia đình, còn nhà cửa anh sẽ dễ dàng làm lại cuộc đời. Khi đó mặc dù thuộc diện bị thu nhà nhưng chị ấy vẫn được sử hữu một phòng ở tầng trên. Anh ra tù đầu năm 58 đúng không? Vậy mà theo tôi biết thì cho đến khi mất, là cuối năm 59, chị ấy vẫn ở tại căn phòng đó chứ có rời đi đâu đâu.
Ông Phúc không thể thốt nổi nên lời. Không phải sự kinh ngạc, không phải tâm trạng buồn đau hay thất vọng mà là một nỗi khiếp sợ đến tê dại khiến ông tái nhợt đi.
- Sau khi gặp ông Hoàng, tôi bay vội ra Bắc và lật đật tới ngay ngôi nhà năm xưa tôi đã đến gặp chị ấy. Phòng đã đổi chủ từ lâu. Chẳng ai biết chị ấy. Nhưng nếu thế thì phải chịu khó tìm mà hỏi chứ, anh Phúc. Nhờ công an quận họ rà lại sổ thôi, có khó khăn gì đâu. Cố nhiên là tôi đã nhanh chóng tìm ra và gặp lại. Có điều không phải là chị ấy nữa mà là cô con gái. Ngày xưa khi tôi gặp chị Quỳnh, cô bé còn trong bụng mẹ, mà nay đã là thiếu phụ rồi. Bởi biết chị Quỳnh đã mất, tôi mới không nhầm. Hai mẹ con hoàn hoàn một gương mặt, chỉ hơi khác một chút vì người tôi gặp bây giờ tuổi nhiều hơn người tôi gặp hồi xưa.
Lặng đi một hồi, rồi khẽ thở dài ông Định nói tiếp:
- Hạnh, nó là giáo viên cấp một, đã lấy chồng, có hai con. Nhà ở Bạch Mai, chật chội, sống cũng vất vả. Căn cứ vào chính sách hiện nay, tôi đã thu xếp để vợ chồng cô ấy được sở hữu lại một phần tài sản của dòng họ. Nghĩa là toàn bộ tầng trên của ngôi nhà đường Nguyễn Thái Học. Thủ tục vừa xong hôm nay và tuần sau gia đình Hạnh sẽ chuyển về ở. Âu cũng là tình đời run rủi, cũng đúng hôm nay, người tôi nhờ tìm đã tìm ra địa chỉ của anh và đã điện ngay cho tôi. Từ đấy sang đây, ba phút đi bộ. Tôi nghĩ anh cần chuyển sang đấy ở cùng cháu Hạnh.
- Con tôi… Ôi không, tôi chưa thể thế được… - Ông Phúc thều thào, mếu máo, nước mắt lã chã - Tôi cám ơn anh vô cùng… nhưng tôi…
- Tùy anh, anh Phúc ạ. Thư thư cũng được, nhưng rồi thế nào anh cũng phải sang với cháu. Thú thực là còn một chuyện nữa đấy mà không biết anh sẽ tính sao. Nghĩa là… bởi vì mồ côi mẹ khi mới bốn tuổi nên Hạnh, cháu nó biết rất ít về mẹ. Nó chỉ biết có ông bố. Có điều, ông bố mà Hạnh nó nói lại không phải anh. Nó chẳng hay biết gì về anh cả. Có thể chị Quỳnh có nói nhưng còn quá nhỏ nên Hạnh nó không hiểu, không nhớ chăng. Thậm chí nó hề không biết ông bố của nó không phải bố đẻ. Có lẽ bởi vì ông này đã là người rất gần gũi với cháu từ lâu trước khi mẹ cháu qua đời.
- Đấy là Bách, có phải không? - Ông Phúc thì thầm, cặp môi run rẩy - Trần Văn Bách?
- Khi Hạnh nó bảo bố cháu nằm kia, trong một giây, vì bất chợt, tôi đã nghĩ nó nói anh, anh đang nằm ở đó. Ông ta bị chứng nhũn não, vô tri và bất động tại giường như thế đã hơn hai năm. Khuôn mặt người ốm khiến tôi ngờ ngợ, dĩ nhiên tôi thấy rõ không phải là anh. Tôi hỏi bố cháu tên gì. Tên Bách. Thì ra là thế. Tôi sực nhớ. Người này nhiều năm về trước tôi đã gặp. Gặp chính trong thời kỳ tôi thụ lý vụ án có tên anh. Cháu đẻ năm nào, tôi hỏi. Năm 55. Tôi chẳng hỏi thêm nữa. Và cho đến nay tôi vẫn giữ kín, chưa hề bất cẩn nói lộ ra với Hạnh một điều gì. Mà thực ra tôi có thể nói gì. Chuyện đã thế rồi, lại sau chừng ấy thời gian. Chẳng nói từ 55, chỉ từ 75 tới giờ nào ai biết đã bao nhiêu nước chảy qua cầu. Thế nhưng ấy là nói vậy, chứ dù thế nào thì cháu nó vẫn phải được chính anh kể cho biết sự thật. Một sự thật của cả đời người. Một sự thật như thế mà cháu nó không hay biết thì coi như không hề được biết ý nghĩa của cuộc đời.
* * *
Ngay hôm sau ông Định bay vào và từ đấy không trở ra Bắc một lần nào nữa. Và cũng không thư từ gì với ông Phúc.
Ông Phúc thì vẫn thế, một mình một bóng, qua ngày. Nếu để ý, người ta sẽ thấy ông năng đi dạo hơn trước và chỉ dạo loanh quanh một khúc ngắn trên đường Nguyễn Thái Học. Ông thường ngồi hàng giờ tại một quán nước ở vỉa hè bên số chẵn, nhìn dòng đời qua lại và nhìn sang ngôi nhà bên kia đường. Mắt kém nên ông không sao thấy nổi nét mặt của những người đi ra từ ngôi nhà ấy, nhưng ông lại không thể dạn lên để lần sang.
Thực ra đã bao lần ông đi từ nhà tới đây với ý định quả quyết là sẽ bước vào cổng nhà 47, sẽ lên cầu thang và sẽ gõ cửa phòng cô giáo Hạnh. Ông nhẩm thuộc lòng những điều ông sẽ nói với con gái mình. Nhưng rồi lần nào đến phút cuối cùng ông cũng tự lùi bước. Thái độ ngập ngừng do dự đã trở thành cố hữu. Con người ông ngày một nguội đi. Đầu óc buồn ngủ, trái tim uể oải. Và rời rã, buông xuôi trong buồn nản.
Mùa thu năm nay mưa tầm tã. Và mới tàn thu đã gió mùa đông bắc. Trên trang nhất một tờ báo của Sài Gòn ra từ tuần trước, người ta đăng ảnh và tiểu sử của ông Định giữa một khung đen, đường viền in đậm nét. Tờ báo từ Thành phố gửi ra cho ông Phúc theo đường bưu điện phát chuyển nhanh, kèm một phong thư. Đeo kính lên, chầm chậm ông Phúc lần đọc những dòng tiểu sử, tóm tắt cuộc đời chiến đấu đầy sóng gió của người bạn học thuở xưa. Rất lâu, ông ngắm bức ảnh người đã khuất. Trái tim già nua nhức nhối và nước mắt nóng rực đau nhói tròng mắt như kim châm. Ông chỉ đọc được một dòng đầu của lá thư rồi không đọc tiếp được nữa. Mắt nhòa đi. Thư của Hạnh. Cô xưng con. “Con nhận điện, vào đến nơi, vừa kịp buổi chiều cuối cùng của bác Định…”
Suốt đêm, ông Phúc ngồi ở đi văng, mắt nhắm mà không tài nào chợp mắt. Ngoài cửa sổ, Hà Nội tiết tàn thu, gió thổi, mưa rơi, lá rụng.
Ông nhìn những dòng chữ nắn nót, nét chữ mềm mại của lá thư con gái ông. Nhưng dường như không phải ông đọc thấy những dòng chữ của lá thư mà là từ trong tâm trí ông những dòng chữ tự thân hiện lên. Những dòng của quá khứ xa vời vợi, đêm nay mới trở về từ đáy sâu quên lãng. “Nhờ vậy mà giờ đây dù có phải xa lìa, dù có phải mất anh mãi mãi em vẫn sẽ mãi mãi còn anh…”
Tôi muốn nói, lẽ đời là vậy đấy. Bởi vì là một nỗi đau nên quá khứ còn sống mãi. Và bởi nỗi đau quá khứ còn sống mãi nên về sau ta mới có được một quãng đời êm lặng, một nếp sống bình yên, một tư duy thư thả, một tấm lòng khoan thứ và một cảm giác có hậu với cuộc đời cùng số phận.
Những Truyện Ngắn Những Truyện Ngắn - Bảo Ninh Những Truyện Ngắn