Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 9
T
ôi hổ thẹn khi phải vác mặt mo đến dự cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn. Có hôm xớ rớ trong hành lang Nhà Hát Lớn, thấy Lệ Thu đi đến, tôi không dám để nàng nhìn thấy mặt. Lẽ ra tôi phải hỏi thăm Lệ Thu về Hồng Dương, bạn tôi đang ở trong tù: "Ở đâu có biết không? Sức khỏe ra sao? Gửi đồ tiếp tế thế nào? Có tin gì gửi ra không? Có được gặp mặt không? v.v…" Nhưng thay vì hỏi Lệ Thu những câu ấy, tôi xấu hổ nên quay mặt đi hướng khác.
Ngày bế mạc khóa học được tổ chức ở Nhà Hát Lớn, tôi là người được anh chị em Tổ Thi Văn bầu làm đại diện Tổ, sẽ lên nói cảm tưởng sau khóa học. Nhưng đến phút cuối cùng những người tổ chức không cho tôi lên nói, tôi bị bất ngờ và tôi cũng sợ nên tôi ngồi im. Nếu tôi không ngán sợ lúc ấy lẽ ra tôi phải đứng lên phản đối: "Tôi là đại diện Tổ. Sao không cho tôi lên nói mà lại để người khác nói..?" Lẽ ra tôi phải làm như thế rồi bỏ ra về.
Tan hàng lúc 5 giờ chiều. Tôi u uất đến độ không muốn đạp xe về căn nhà tối của vợ chồng tôi ở Cư xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, tôi đến nhà ông anh kết ngãi với tôi ở đường Ký Con để nói với ông vài câu, uống chạc của ông mấy ly rượu cho bớt sầu đời. Thấy tôi vào, ông hỏi tôi:
- Làm cái gì mà mặt mũi cậu trông ghê như mặt tù cải tạo vậy?
Tôi rầu rĩ trả lời:
- Hôm nay tôi đi xem một số người tự bốc phân vứt lên mặt họ. Tôi không làm việc ấy nhưng vì tôi ngồi cạnh họ nên phân văng cả sang mặt tôi.
Hai anh An Khê Nguyễn Bính Thinh, tác giả tiểu thuyết Hai Chuyến Xe Bông, Nguyễn Ngọc Tú Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già The Godfather, Quần đảo ngục tù The Gulag Archipelago, cùng dự Khóa Bồi Dưỡng với tôi đã qua đời. Anh An Khê mất ở Pháp, Ngọc Thứ Lang chết ở trong trại cải tạo Phú Khánh, Nguyễn Đình Toàn Áo Mơ Phai, Cao Nguyên Lang hiện lúc này - năm 1995 - đang sống trong Làng Báo chí An Phú. Rất nhiều bạn đồng khóa với tôi hiện sống ở Hoa Kỳ: Lệ Thu, Ngọc Minh, Băng Châu, Ngọc Chánh v.v…
Nhân vật Đảng Ủy quan trọng nhất phát biểu kết thúc Ngày bế mạc Khóa Bồi Dưỡng là "Đồng chí Thành Quỷ" Tư Tân - người Sàigòn gọi "Thành Ủy" là Thành Quỷ - "Đồng chí Thành Quỷ" Tư Tân tức Trần Trọng Tân, người năm 1994 giữ chức vụ chính trị lãnh đạo cao nhất, nhì, ba ở Thành Hồ. Trần Trọng Đăng Đàn là em Tư Tân, viết quyển "Kết án văn nghệ đồi trụy, phản động Sàigòn". Quyển này kê khai đầy đủ tên cúng cơm, tên tác phẩm của những người viết Sàigòn bị cấm đoán. Năm 1976 rất nhiều người đến Nhà hát Thành Phố dự lễ Bế mạc Khóa học Bồi dưỡng Chính trị còn khá trẻ. "Đồng chí" Tư Tân năm ấy cũng chưa già. Năm 1994, đọc trong quyển Hoa Xuyên Tuyết của Bùi Tín tôi thấy mấy dòng:
- "… Người dân Quảng Bình, ai còn lạ gì những việc làm của anh em ông Trần Trọng Tân trong thời quân Nhật làm chủ Quảng Bình…"
Không rõ ràng lắm nhưng người đọc dù có kém thông minh cũng có thể hiểu: "Đại tá" Bùi Tín tố cáo "Đồng chí Thành ủy Trần Trọng Tân và người em trai làm mật thám, làm tay sai, làm chó săn cho Nhật.
Kể từ khi đọc những dòng ấy về anh em "Đồng chí thành quỷ" Trần Trọng Tân mỗi lần nhìn thấy bộ mặt nghiêm trọng của "đồng chí Thành Quỷ" trên Tivi tôi lại cứ tủm tỉm, lỉm rỉm cười một mình.
° ° °
Trích" Những tên biệt kích cầm bút". Trang 10 đến trang 20
Khi chủ nhà xin lỗi vào bên trong, còn lại một mình ở sa- lông, Hoàng Hải nhồi thuốc vào ống vố, đánh diêm rít một hơi dài. Lâu lắm anh ta mới mua được loại thuốc "Half and Half" quen thuộc ấy. Anh ta đưa bịch thuốc bọc giấy thiếc lên mũi ngửi. Mùi thơm phảng phất dịu ngọt. Ngày xưa những người bạn Mỹ trong cơ quan USIS biết anh ta nghiền loại thuốc này, nên vẫn mua ở PX để biếu hàng lố.
Bà chủ nhà bưng ly trà ra vồn vã:
- Mời ông xơi nước. Tôi nghe tên ông đã lâu, nay mới biết mặt. Thật là "văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình".
Bà ta cố tình làm ra có vẻ suy nghĩ để tìm câu chữ cho phù hợp trước khi nói ra câu chữ Hán ấy.
- Vâng xin cảm ơn bà - Hoàng Hải lấy vẻ lịch thiệp nói - Trước đây chúng tôi và cô Kiều Trang vốn là chỗ quen biết. Vả lại một minh tinh màn bạc như Kiều Trang thì cả nước đều biết tiếng. Thưa bà, lâu nay Kiều Trang có gửi thư, quà về không nhỉ? À, xin lỗi… Bà là thế nào với Kiều Trang.
- Tôi là chị. Cô ấy vẫn gửi thư, nhưng quà thì thỉnh thoảng thôi.
- Thảo nào, trông bà giống Kiều Trang quá!
Biết là khách khen nịnh nhưng bà vẫn cố tình vuốt mấy sợi tóc vương trên trán làm như không chú ý đến những lời khách vừa nói. Hoàng Hải cũng tự thấy mình khen quá đáng. Người đàn bà ngồi trước mặt anh tuổi đã ngoài bốn mươi, đôi má bắt đầu chẩy sệ xuống. Không có một chút gì giống tấm ảnh Kiều Trang treo trên tường với cái cổ tròn lẳn hấp dẫn, cái liếc mắt rất tình.
Thấy khách ngồi im, bà chủ nhà gợi chuyện:
- Mời ông xơi nước. Lâu nay ông có sáng tác gì không ạ?
Hoàng Hải nhấp ngụm trà nóng, lắc đầu:
- Thú thật với bà, tôi đã treo bút. Viết cái gì bây giờ? Hơn nữa, viết để làm gì? Chẳng lẽ mình lại là độc giả duy nhất của chính mình.
- Tiếc thật, không riêng gì ông, nhiều người khác cũng thế. Thật phí những tài năng….
Hoàng Hải khẽ nhún vai:
- Tôi có đến sớm quá không, thưa bà? Hôm qua tôi được anh Khuất Duy nhắn đến đây để gặp anh em. Lâu quá chưa có dịp gặp anh em làng văn, làng báo cũ, kể cũng nhớ. Chẳng hay vị nào có sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt này, thưa bà?
Bà chủ nhà chưa kịp trả lời thì có thêm mấy người khách nữa đến, Hoàng Hải nhận ra các nhà văn Đoàn Quốc, Dương Hùng. Thật ra, thỉnh thoảng họ vẫn uống cà phê với nhau, nhưng lâu nay chưa có cuộc họp mặt nào nhiều người. Hơn thế, họ chắc nội dung cuộc gặp gỡ này khác hẳn với những lần bàn chuyện phiếm ở các quán cà phê. Do vậy, họ siết chặt tay nhau, ôm choàng lấy nhau như nhiều năm chưa gặp.
Khi Dương Hùng lấy ra chai rượu để lên bàn. Hoàng Hải đón lấy, mở nút chai đưa lên mũi ngửi, làm bộ nhăn mặt:
- Johnny Walker hay Beehive đây ông bạn? Ông vẫn nghiện Johnny Walker đấy chứ?
- Thôi mà chế nhau làm gì ông bạn già - Dương Hùng vỗ vai Hoàng Hải - "Cây Lý" đấy "gặp thời thế, thế thời phải thế"! Thời buổi này phải trở về nguồn thôi! Xem ra, ông chưa chịu "cải tạo" chút nào cả - Dương Hùng cười ha hả.
Hoàng Hải cười theo và rút túi đặt gói thuốc "Half and Half" lên bàn, gõ gõ ống vố để trút tàn thuốc vào cái gạt tàn bằng sành, chậm rãi nhồi một cối thuốc khác.
Dương Hùng liếc thấy hiệu thuốc kêu lên:
- Tôi nói có sai đâu. Cậu vẫn ghiền "đế quốc" mà. Còn phải đưa đi cải tạo mút mùa.
Hoàng Hải cắn đầu ống vố nơi mép, nhếch môi cười khì. Đoàn Quốc nãy giờ vẫn ngồi im, lúc này mới lên tiếng:
- Xin hai ông. Tôi nghĩ họ không đưa chúng ta đi cải tạo vì cái món thuốc hay rượu đâu.
Mọi người hướng về phía ông ta. Kể ra trong làng văn trước đây, ông ta được xem là người thuộc "chiếu trên" vì ngoài nghề viết lách, ông ta còn dậy ở Đại học. Ông ta lại là người còn giữ "nho phong" luôn luôn đạo mạo, không ăn hút vung vít như những người khác trong "làng"
Nét mặt Đoàn Quốc có vẻ nghiêm nghị hơn:
- Một khi kiếm sĩ mà bị tước kiếm thì có khác gì người cầm bút bị người ta tước mất bút. Hắn đâu còn là hắn nữa thì cần gì phải cải tạo. Các ông thử nghĩ xem có đúng không?
Cả bọn như bị điểm huyệt, ngồi chết lặng cho đến khi bà chủ nhà lên tiếng:
- Chắc còn một số vị nữa chưa tới kịp. Nhà chúng tôi kể cũng khó tìm, nhất là đêm hôm tăm tối. Xin quý vị cảm phiền và cứ tự nhiên như nhà của mình. Bà ta nói xong lui ra nhà sau.
Nghe chủ nhà nói, Hoàng Hải bấm đùi Dương Hùng nói nhỏ:
- Này, ông biết ai mời bọn mình tới đây không?
- Chịu, tôi nghe Khuất Duy nhắn, còn ông?
- Tôi cũng thế. Hôm qua uống cà phê ở đường Phủ Kiệt cũng nghe là Khuất Duy cho địa chỉ, bảo đến đây.
Người này hỏi người kia, cuối cùng dường như không ai biết người xướng ra cuộc họp này. Thôi thì ráng chờ chút nữa hẵng hay.
Bỗng có tiếng xe đậu ở trước nhà. Mọi người đều dồn mắt nhìn ra. Không ai khác mà chính là Khuất Duy. Bước vào nhà, anh ta rối rít bắt tay từng người.
Chủ nhà dọn món nhậu lên. Khuất Duy rút từ túi xách của mình ra một chai Camus còn nguyên trong hộp rót vào những cốc nhỏ rồi cho vào những ly sô đa đầy đá.
Anh ta mời mọi người nâng cốc và tuyên bố:
- Hẳn là quý vị muốn biết là tại sao có cuộc họp mặt hôm nay. Tôi xin được phép trình bày ngay. Thật ra, cá nhân chúng tôi không dám nghĩ đến cuộc gặp gỡ này, câu chuyện còn dài, xin mời quý vị hãy cạn chén, chúng tôi sẽ thưa sau.