A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3000 / 75
Cập nhật: 2017-07-11 14:13:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
rử và My Lan vừa đi tới đầu phố Hàng Gai ra Bờ Hồ, gặp Tứ xịch đến. Cái xe máy “ếch bà” xanh nhợt, tay khuỳnh khuỳnh quen thuộc.
Tứ mừng rỡ như Tứ đương đi tìm họ, mà gặp:
Tứ reo lên:
– A My Lan!
Rồi Tứ thân mật bắt tay Trử.
– Anh Trử, tôi biết anh rồi. Rất tốt, rất tốt được quen anh.
Cũng không rõ tốt cái gì. Có lẽ thói quen của anh ta nói thế - Trử nghĩ.
– Vào đây uống cái gì nhỉ?
Tứ mời khéo.
Rồi cả ba người tạt sang phố Cầu Gỗ.
Phố Tạ Hiền, một vùng quanh các ngõ, các phố hẻm từ sau lưng Hàng Buồm đến Hàng Bạc, lan một chút sang Gia Ngư, - khu ăn chơi lâu đời của thành phố.
Bây giờ đã đổi khác, nhưng vẫn còn vẻ rộn rịch, đông đúc khác thường. Rạp Chuông Vàng Thủ Đô, rạp Kim Phụng, rạp Lạc Việt chen chúc người mua vé. Chập tối, người đã tuốn đến. Có khi chỉ đi chơi tạt qua. Phải vững tay lái mới lách nổi được cái xe đạp. Người đi nhởn, đi ăn hiệu, đi thênh thang cho thỏa cái khi xe nhà binh Pháp, cả trong những ngõ phố hẹp nhung nhúc người, cũng lao phóng xít vỉa hè. Tiếng phanh rợn gáy xiết kin kít.
Ba người vào phòng trà Phúc Châu. Tứ chọn một góc xa phía trước mặt cho đỡ ồn ào, trông ngang sang chỗ có cô gái đứng trong quầy tiền. Cô gái Tàu, không biết thật hay giả, váy đen xòe múi, thắt lưng da đen bóng chít eo lưng ong. Váy và thắt lưng kiểu Đài Loan còn thịnh hành.
Tứ hỏi My Lan:
– Ăn bánh gai nhé.
My Lan lắc đầu. My Lan đi mỏi chân, chỉ muốn ngồi nghỉ mà thôi. Và My Lan còn đương bâng khuâng từ lúc ở trụ sở đoàn thanh niên khu ra đây.
Chưa bao giờ My Lan gặp những tiếp xúc nhiệt tình thế. Những bắt tay chặt chẽ. Những cái nhìn hứa hẹn.
Một đồng chí mời My Lan ngồi và nói:
– Chúng tôi đã nghe đồng chí Trử giới thiệu đồng chí. Chúng tôi rất hoan nghênh. Hiện nay các công trường đương mở khắp nơi, Đoàn đương kêu gọi thanh niên đến các công trường ở Hà Giang, Lào Cai, miền Tây Nghệ An, ở Mộc Châu, ở Ba Vì, ở Thanh Hóa... Đồng chí muốn đi đâu?
My Lan lặng lẽ, thành thật:
– Đi đâu cũng được ạ.
– Trên giao cho đợt này lấy năm trăm thanh niên khu ta. Khi được đủ bốn trăm tám mươi thì hai mươi cán bộ khung chúng tôi cũng lắp vào đấy và đi luôn. Mời đồng chí ký vào giấy tình nguyện, số ba trăm năm mươi lăm...
My Lan cầm, đọc qua. My Lan đã biết chữ, đọc được. Nhưng lúc ấy bàng hoàng, không hiểu ý nghĩa của mỗi câu.
Đến lúc Trử đưa bút cho My Lan, tay My Lan run lên. Lần đầu tiên trong đời, My Lan viết một chữ ký. Nét chữ My Lan nguệch ngoạc, chỗ đậm, chỗ nhạt. Cảm như chữ mình cũng đương suy nghĩ.
My Lan ngước lên, nhìn Trử. My Lan nhớ lại cái buổi tối mở lớp, mãi tới khuya mới dám bước vào. My Lan đã khóc. Bây giờ My Lan biết chữ rồi. Chữ viết đầu tiên trong đời mình là lời hứa.
Uống cạn một ấm chè, Tứ nói:
– Đi chơi một tý nhé.
My Lan hỏi:
– Đi đâu?
– Kim Kim.
Rồi nói với Trử:
– Kim Kim cũng là bạn chúng mình.
Trử thì tò mò. My Lan băn khoăn và ngại. My Lan không muốn gặp lại người nào như bọn này.
My Lan chưa trả lời, trong khi Tứ hỏi Trử:
– Vừa rồi các đằng ấy đi đâu?
Trử vui vẻ nói:
– Lên khu đoàn thanh niên.
Tứ cười, ngạc nhiên:
– Thế à?
Rồi hỏi tiếp:
– Cả hai người.
Trử đáp:
– My Lan có việc thôi.
Tứ cười:
– Công tác à? Xung phong đi phu nông trường à?
My Lan sầm mặt:
– Không được nói lạc hậu thế.
Tứ nhìn My Lan cau có, tất tưởi, Tứ nói:
– Xin lỗi. Đùa thôi.
Trử ôn tồn, giảng giải, Tứ cười:
– Mình thấm rồi, ông ạ. Xin lỗi vì dùng nhầm chữ phu.
Nhưng Trử vẫn nói ý của mình:
– Tôi quan niệm chúng ta có thể đi bất cứ đâu vẫn là vì Hà Nội.
– Rất đồng ý.
Rồi Tứ nói một câu chịu chuyện, hiền lành:
– Tôi cũng đã hiểu.
Lại cười, thân mật:
– Nên đi chơi một tý. Trước khi xa Hà Nội.
My Lan ngần ngại, đưa mắt nhìn Trử. Nhưng Trử đã trả lời Tứ:
– Ừ, đi chứ!
Trử đương muốn cùng đi và thuyết phục Tứ.
Ba người đứng lên, đi xuôi về phố Hàng Dầu. My Lan bước uể oải. Trử đương mải chuyện với Tứ, chẳng để ý con mắt nhấm nháy ma mãnh nghịch ngợm của Tứ mà My Lan không tiện nói ngay với Trử là nó quỉ lắm, đùa đấy thôi, không có gì đứng đắn đâu. My Lan lững thững đi bên cái xe “ếch bà” Tứ dắt.
Trời tối từ lúc nào và trăng rằm đã lên tròn trên nóc nhà.
Dãy phố nhỏ, so le, lúp xúp. Những mái nhà nhấp nhô hai bên đầu hồi chuôi vồ. Ánh trăng sải vun vút theo một bức tường dài. Chỉ trong những phố cũ ấy mới còn lại những dãy nhà cổ. Cái mái hiên thò ra một cửa sổ còn vết mành mành xếp. Những bậc cửa, vừa bước qua, đã hụt xuống, rồi thăm thẳm vào cách mấy lần sân đằng sau.
Sáng trăng in từng vết vàng im lặng cạnh ánh điện nhấp nháy, lơ lửng. Ở vùng cửa tối sau cái giại mắt cáo đan thành ô vuông, những miếng sáng xuệch xoạc. Trong sáng trăng cũng có mùi ẩm ướt của làn rêu ngói mốc và hốc tường cũ.
Tứ đứng lại trước một ngôi nhà hai tầng, tường vàng nhợt, tầng trên hàng hiên lan can con triện đắp. Nhà dưới, cửa còn mở. Giữa nhà, gian thờ, ánh điện bóng mờ hắt qua bức màn điều, âm u. Bên cánh cửa có cái đinh, gói lá chuối bọc hoa cúng mua tháng của bà hàng hoa đưa lúc nãy còn móc đấy. Ngay dưới bàn thờ, một dãy chum, chum nước mắm hay chum tương, không biết.
Một bà đẫy người, áo dài the hoa, từ bàn thờ quay ra. Trử cẩn thận cúi chào. Tứ dắt cả cái xe “ếch bà” kềnh càng vào để trong xó, rồi cứ thế lẳng lặng đi. Bà kia cũng dửng dưng như không biết có ai chào mình. Bà rửa mặt ở cái thau đồng con chỉ bằng nắm tay, rồi hắt chậu nước ra cửa, như đuổi bọn người vừa vào.
Trử cũng không ngạc nhiên. Những cảnh người ở sát nách mà không quen nhau như thế. Người ta vẫn còn sợ dớp như hồi trước, biết lắm chỉ tổ lôi thôi. Nhỡ bị mật thám bắt, nó khai vấy cả cho người chào hỏi hàng ngày thì sao. Chi bằng im miệng.
Lên cái thang ở góc nhà rồi đi suốt qua ngóc ngách, như vào hang.
Hết hàng hiên dài như tàu hỏa, đến một góc tối mù. Thoạt tiên, Trử tưởng bức tường trơn.
Tứ vặn quả đấm rồi đẩy tay, cánh cửa hé, Trử sửng sốt đứng lại. Một kẽ sáng, chấm lòe, như khe rạn vỏ quả lựu chín - ánh điện và cả tiếng nhạc cũng đỏ chóe. Bên trong, người đông như chen lên xe điện, đến đỗi, mỗi khi từng cặp ôm nhau lượn qua, cứ đập phầm phậm vào cánh cửa. Nhiều người đương nhảy.
Tiếng kèn bập bềnh, phòm phọp. Người nhảy quanh cái tủ. Một đám ba anh chàng sơ mi đen, kính đen, ngồi vắt vẻo trên bục. Mỗi người quay mặt một phía. Đánh trống. Thổi kèn. Gãi ghi ta. Những cái chân thả xuống, bắt nhịp, mái nhà, cánh cửa, mặt tường cũng phập phềnh bật lên xẹp xuống. Mà tài tình thế, ngoài bờ tường tối mò lúc nãy, hình như không nghe tiếng gì hay là Trử mới đến, không biết để ý.
Tứ chen thẳng vào giữa đám, ba người đến bên một cửa sổ đóng. Từ nãy qua từng gian, mỗi nhà một góc, có nhà chỉ vẻn vẹn có cái giường, một đống chăn và mảnh làm bàn thờ đóng trên đầu xích đông, đến đây, lại sang một khu đời lạ hẳn.
Tứ nói:
– Chúng ta lại bàn chuyện đi xa nhé. Bàn ở đây mới hay. Bảo đảm bí mật, không bép xép công tác ở hàng quán. Tôi xin tiếp lời. Tôi nghĩ có khi người như tôi ở lại Hà Nội bây giờ làm việc có ích nhiều hơn.
– Nghĩa là thế nào?
– Hồi còn Tây, tôi đã mở một lớp, gọi là lớp Hùng Biện, dạy cách diễn thuyết. Ăn khách lắm... Bây giờ...
Trử cười to:
– Thôi, lạc hậu rồi. Vấn đề không phải là trợn mắt, giơ tay, nhăn mặt, nhún vai, nói thao thao. Mà vấn đề là nói cái gì.
Tứ lại im, nhìn Trử. Không biết đương nghĩ gì hay vẫn nghĩ cười anh cán bộ thật thà.
Tứ bỗng nói to:
– Không sao, không sao. Ngồi chơi đây, muốn nhảy, muốn về, muốn thế nào cũng được. Nhưng đừng chê. Thời buổi khó khăn này có được cuộc chơi còm không phải dễ.
Một cô xúng xính bước tới. Mặt tròn hệt bà chủ nước mắm dưới nhà. Tay xách chai rượu vuông. Tứ đỡ chai, nói với Trử:
– Giới thiệu anh: Kim Kim, vừa là chủ nhà, vừa là chủ cuộc chơi.
Rồi Tứ trở lại chuyện lúc nãy:
– Ừ, cứ kể cái lớp hùng biện thì lạc hậu rồi thật. Ta bàn việc khác. Anh xem chúng tôi có thể làm trường dạy khiêu vũ được không. Phong trào nhảy đầm ở Hà Nội dạo này khá lắm. Nhưng cũng còn lỉnh kỉnh, quê ơi là quê. Mở lớp dạy nhảy chắc phát tài.
Tứ đứng dậy, ra nhảy với Kim Kim.
Câu chuyện qua lại trên vai hai người.
– Chúng nó nhặt được nhau ở đâu?
– Biết được.
– Ả kia có vẻ muốn về quê.
– Tốt đấy.
– Làm sao xui nó bám được. Có lúc cần.
– Mình thử rồi.
My Lan ngồi im, chán đến lợm giọng. Thấy mình bây giờ lạ lờ với cảnh lia chân qua hàng đèn tím riềm sàn.
My Lan tưởng tượng tới một đoàn người hăm hở đương đi về phía chân trời xa xa...
Lát sau, My Lan và Trử đã đi dưới đường.
– Em không muốn vào những nơi nhố nhăng này nữa.
– Mà thôi, cũng là tôi tò mò.
– Em nhẵn mặt bọn chúng nó. Cái con Kim Kim, bà béo dưới nhà là mẹ nó.
– Ồ...
– Như người dưng, có phải không anh?
– Lạ thật.
– Thế đấy.
Trử vẫn băn khoăn:
– Tại sao chúng nó cứ nhởn nhơ như thế mà chịu được?
Nét mặt My Lan xịu hẳn. Câu Trử hỏi đụng lại bao nhiêu điều chua chát đã chôn vùi.
Về tới cuối phố Huế, Trử nói:
– Thôi, đừng buồn. Ngày hôm nay chỉ nhớ một việc phấn khởi. My Lan đã tình nguyện xung phong đi, thanh niên đi bất cứ đâu.
Trăng giãi ra nhạt nhạt trên ngõ phố vắng. Không có ánh nhấp nhô, nghiêng ngả như ở những mái nhà, những gác thượng trên phố. Rõ mồn một những cành vông khẳng khiu và những gò rác đen thẫm. Mùi hoa sữa từ những hàng cây ven hồ đưa vào trong đêm.
Trử tưởng My Lan đương không vui. Nhưng không phải. Bọn Tứ và cái sàn nhảy làm My Lan khó chịu.
Nhưng những bực mình cũng không đọng lâu. My Lan phải ngủ sớm.
Hôm sau đi làm. My Lan vẫn đi gánh cát. Những buổi sáng công trường cát An Dương. Trên sông Hồng, gió còn se se lạnh, cát cuốn bụi đỏ rực. Mặt nước tận đằng cuối bãi dâu phía Yên Phụ, Nghi Tàm cũng như có khói lên. Những chiếc xe vận tải ba cầu lên xuống lấy cát. Những nghĩ ngợi vẩn vơ không thể chen được vào công việc mê mải và nặng nhọc.
My Lan đương hy vọng, chờ đợi. Phấp phỏng, nhún chân, như con chim sắp cất cánh.
Một sớm tinh mơ. Chuyến xe lửa rời ga Hàng Cỏ, tiếng còi và đoàn tàu chuyển động qua vòm sương trắng mờ. Thế mà đã nghe tiếng ông Ba Gác từ ngoài đường đi vào. Ông Ba Gác lên họp trên khu từ lúc còn tối đất. Có công tác đột xuất. Bây giờ ông Ba Gác về. Tiếng choang choác như mọi khi gọi a lo... a lo...
– Đổi tiền! Đổi tiền!
Người xôn xao chạy ra.
– Cái gì thế?
– Đổi tiền.
Cả ngõ đã ra nghiêng ngó, thì thào.
Đến lúc tụ hội lại mới biết bây giờ cũng không còn mấy ai ở ngõ này. Vợ chồng anh Bốn xế lô về quê từ tháng trước. Bố con bác cả Chù xuôi Phát Diệm rồi. Vợ chồng anh “bán máu” đi đâu - có người nói họ đã xin được làm ở xưởng dép lốp trên Bưởi và đã lên đấy ở để gần chỗ đi làm.
Chẳng mấy chốc, trong ngõ còn người nào đều ra đường hết. Chưa ai biết đổi tiền đổi nong ra thế nào. Nhưng không mấy lo. Chẳng ai có tiền mà lo với lắng. Đây cũng như các vùng ngoại ô, đời sống kiếm ăn từng bữa phụ thuộc vào thành phố. Người quét đường, bới rác, cắt tóc ở Vĩnh Tuy. Người trước kia làm bồi bếp, giặt là, thợ may ở Thủ Lệ, ở Cổ Nhuế. Hàng quà vặt, làm nhà da, sở xe điện, nhà máy bia ở Thụy... Người ta đến các bàn đổi tiền, tay cầm vài tờ giấy bạc, như đi chợ Đuổi, chợ Mơ. Có người không có đồng nào chỉ đi xem thiên hạ đổi.
Người xúm xụm đọc các sắc lệnh. Những tờ giấy, mờ sáng hôm nay mới dán lên, mà đã nhanh chóng khắp các phố. Tối qua còn im như không, chẳng ai biết có việc gì sớm nay.
Hội đồng Chính Phủ... nhận định... xét thấy cần phải củng cố và nâng cao hơn nữa sức mua của đồng bạc để thuận tiện giao dịch... tỏ rõ tính ưu việt của chế độ ta, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà...
Hội Đồng Chính Phủ...: 1– Cho phép Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành các loại tiền Ngân hàng mới. 2– Thay đổi đơn vị tiền tệ là 1 đồng tiền mới ăn 1.000 đồng tiền cũ...
Hội Đồng Chính Phủ kêu gọi toàn dân tích cực tham gia...
Nhiều người trên phố bỗng ào đi chợ, tung đi mua bán nhiều quá. Cứ như có mấy ngả cuốn người vào. Mua bán nhanh, như cướp giật. Từ chợ Bắc Qua xuống đầu ô Cầu Rền, chợ giời mọc chớp nhoáng. Sợ “sắp hết các thức”. Rồi cả muối cũng lên giá theo tiền mới. Tiếng đồn nháo nhác, nháo nhác. Lại tiếng đồn: cái nhà phố trên có 6 triệu đi đổi, chỉ được lấy về 2 triệu, còn 4 triệu nhận một tờ giấy séc, tiền ấy Nhà nước mượn. Tiếng đồn... Tiếng đồn...
Giá chợ, cái gì cũng bỗng lên vọt. Bát, mâm nồi nhôm, vải... Xe đạp đương 50 vạn lên một triệu, triệu rưởi. Cố mua, mua nhanh trong sáng nay để khỏi phải bỏ tiền ra đổi. Lại đồn: có nhà đốt cả hòm giấy bạc. Có nhà ném giấy bạc từ gác xuống đường, như lá bàng rụng, có nhà... không muốn cho ai biết thật khả năng mình. Cả những người chỉ có vài đồng dính túi cũng không muốn người khác tỏ tường mình có tiền hay không.
My Lan ra đầu phố nghe ngóng một lát thấy cũng chẳng bận gì đến mình lại xuống An Dương gánh cát. Đi cho được buổi, như thường ngày.
Đến bờ hồ, gặp Tứ đỗ cái xe “ếch bà” xịch trước mặt.
– My Lan, My Lan về ngay.
– Làm gì?
– Có việc.
Mặt Tứ lặng ngắt. Không nhởn nhơ như mọi khi. Khác mọi khi, hôm nay Tứ mặc áo đại cán đóng khuy lên tận cổ, màu xám nhạt. Kiểu may và thứ ka ki mềm đắt tiền, cho thấy đấy là áo may đẹp của những hiệu ở Hà Nội, không phải áo may ở Thái Nguyên, ở Sơn Tây trước khi cán bộ vào tiếp quản. Ra vẻ “anh cán bộ”, cũng đại cán, nhưng cán bộ ăn diện, trông bảnh bao hẳn.
Vào đến nhà, Tứ ngồi xuống, đặt một gói to vừa tháo ở lòng xe ra.
Tứ hỏi My Lan:
– My Lan biết trên phố đương đổi tiền chưa?
– Biết rồi.
– My Lan đi đổi chưa?
My Lan cười:
– Có tờ nào mà đổi đâu!
Tứ nhìn ra cửa rồi nói nhỏ:
– Bó tiền này, đem đổi cho tôi. Rồi giữ lại bao nhiêu tiêu cũng được. Đổi ngay sớm nay.
My Lan nhìn Tứ cởi gói bạc. Những chồng giấy đỏ hây, mới cứng, bó từng xếp, cao đến mấy gang tay dựa vào nhau. “Làm gì mà lắm tiền thế kia? Tiền mới như tiền giả.” - My Lan băn khoăn. Nhưng My Lan cũng dửng dưng không để ý cả câu Tứ vừa nói. Từ mấy lâu nay My Lan đã có thái độ. Lần này nữa, My Lan không muốn rây vào. Không khó, bởi My Lan đã có ý dứt khoát từ lâu. My Lan không muốn tò mò. Mặc chúng nó.
Tứ lại nói:
– Rồi My Lan đi hỏi cho tôi, hỏi khéo nhé. Nhưng chắc chắn hỏi người nào tin được. Ai muốn đổi tiền thuê. Gán hẳn một nửa. Bao nhiêu đổi cũng có. My Lan cầm lấy đi đổi chỗ này. Tôi còn đem đến nữa. Tôi đợi đây, My Lan đi hỏi xem.
My Lan ngồi im.
– My Lan đi hỏi đi.
My Lan thờ ơ nhìn ra ngoài rào. Sương đã tan, chưa nắng. Nhưng hôm nay chắc nắng to. Kìa nắng đến phía kia rồi. Bóng những gò rác che rợp cái ngõ, còn tưởng như tối đất. My Lan lưỡng lự. Không phải lưỡng lự có đi đổi cho Tứ hay không, nhất định không rồi. Nhưng My Lan nghĩ: mặc xác mày. Mà My Lan chưa biết nói ra thế nào.
Tứ tinh ý, đã đọc được những băn khoăn trong mắt, ở cái kiểu ngồi thờ ơ của My Lan.
Tứ nhẹ nhàng, vừa van vỉ lại dọa khéo:
– Không bao giờ bọn KC nó coi mình ra gì đâu. Ấy là nó chưa biết chúng ta đã gặp nhau ở Tiên Yên. Chúng ta có thể bị ngồi tù.
Tiếng Tứ nhẹ nhàng, những dọa dấm cứ như xỉa vào, buộc vào.
My Lan hốt hoảng.
– Anh làm cho Pháp, tôi làm gái nhảy. Không dọa nhau được đâu.
Đấy là sự thật. Nhưng đấy cũng là nói phòng xa thôi. Lúc nào chúng ta cũng phải giữ mình như thế, khi đối xử công việc hàng ngày. Bây giờ My Lan đi hỏi xem có ai đổi tiền, hỏi người cẩn thận, rồi...
My Lan xẵng giọng:
– Không đi!
Tứ đứng lên, ngồi xuống. Tứ sục tay vào túi. Như nắm tay định đấm, định tìm cái gì. Rồi lại ngồi, trừng trừng nhìn My Lan. Cáu quá mà không làm thế nào được.
Tứ nói như rít hàm răng:
– Thật chứ?
My Lan không trả lời. My Lan gườm mặt nhìn lại Tứ. Tứ biết ngay có nói nữa cũng không ăn thua. Vả, thì giờ đương gấp, không chờ được. Tứ xách gói, đứng dậy đi nhanh ra.
Ông Ba Gác ở đâu tới. Như biết có người vào đây, ông Ba Gác hỏi to:
– Anh đi sớm có việc gì thế?
Tứ cười cười:
– Đi chơi thôi ạ.
Ông Ba Gác nói:
– Anh phải biết hôm nay ngày đổi tiền. Cả ngày hôm nay, ai ở tỉnh nào ở yên tỉnh ấy, không được nhốn nháo đi lại, không được phao tin nhảm.
My Lan bảo Tứ:
– Ông tổ trưởng dân phố đấy.
Tứ cười, bắt tay ông Ba Gác:
– À tốt, tốt. Tôi cũng chưa đi đổi tiền. Thế thì phải về đổi mới được.
Tiếng cái “ếch bà” nổ máy rộ lên, vụt đi.
Ông Ba Gác hỏi My Lan:
– Cái cậu mọi khi hay láng cháng phải không? Hôm nay ra vẻ cán bộ nhỉ? Đến làm gì sớm thế?
– Gạ đổi tiền hộ!
– Úi giời! Thế mà cô không bảo ngay tôi!
– Kệ nó!
– Ơ hay, để gô cổ nó lại chứ!
Ông Ba Gác cứ... à à... khỉ quá, rồi chạy đùng đùng ra. Nhưng cái “ếch bà” đã mất tăm rồi.
Tối hôm ấy, Trử cầm giấy của khu đoàn thanh niên đến cho My Lan.
Ông Ba Gác lại đến.
– Anh Trử à, cái cô My Lan ngớ ngẩn quá.
Trử hỏi:
– Có giấy khu đoàn thanh niên gọi cô ấy đi công tác.
– À à... Mừng quá hóa ngớ ngẩn chắc!
Rồi ông Ba Gác cười to.
Gió đập qua những cánh cửa sổ nhà cao rồi ù ù xuống những cành vông khẳng khiu vừa nảy lộc. Nghe tiếng gió, ngẩng lên nhìn trên đầu, mây đen cuồn cuộn như bóng những gò rác ngả sập xuống. Rồi ập mưa. Trong thành phố vướng nhà vướng tường, cứ mưa đến nơi mới biết. Trận mưa rào đầu mùa hạ. Tiếng mưa lộp độp, gấp gấp, âm ấm trên mái, trên ống máng tôn...
Mưa như xối nước xuống. Nhưng dứt hạt nhanh. Mưa tạnh rồi mà lòng cống còn réo ồ ồ.
My Lan cẩn thận, gấp cái giấy mời của khu đoàn thanh niên vào trong gối.
Những Ngõ Phố Những Ngõ Phố - Tô Hoài Những Ngõ Phố