Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 6: Bệnh Thành Tích
S
au hàng chục năm thi đua lập thành tích, cái chúng ta có được, tất nhiên, là những thành tích. Thành tích trồng rừng lớn đến mức diện tích rừng trồng được lớn hơn cả diện tích đất có để trồng. Thành tích đặt vòng tránh thai lớn đến mức số vòng đặt được nhiều hơn cả số phụ nữ. Mà như vậy thì tại sao các em học sinh thi tốt nghiệp phổ thông lại không thể đạt tỷ lệ “100% khá và giỏi”?! (Thành tích này đâu có gì là quá đáng so với thành tích trồng rừng hoặc đặt vòng!).
Bệnh thành tích là bệnh của cả xã hội. Vì vậy chỉ đặt vấn đề kiên quyết chống bệnh thành tích trong ngành giáo dục và với các em học sinh như hiện nay thì chắc gì đã công bằng? Và cũng chắc gì đã thành công?
Bệnh thành tích có nguồn gốc xã hội của nó. Trước hết, nó bắt nguồn từ sự lạm phát của các phong trào thi đua. Các phong trào thi đua này lại ra đời để bù đắp cho việc động lực của sở hữu tài sản bị triệt tiêu trong chế độ công hữu. Tuy nhiên, các phong trào thi đua lại chỉ tạo ra được động lực tinh thần. Động lực tinh thần là quan trọng, nhưng không lâu bền như động lực vật chất. Vào ngày phát động thi đua khí thế bốc lên ngút trời, nhưng ngày hôm sau rồi ngày hôm sau nữa nó lại xìu xuống như bóng hết hơi. Thế nhưng, khi phong trào thi đua đã được phát động, thì thành tích cho nó phải được bảo đảm. Và thế là những “con số đẹp” đã được nghĩ ra. Những “con số đẹp” này bao giờ cũng làm cho người đời bán tín, bán nghi. Nhưng vì lợi ích của phong trào trong đa số các trường hợp chúng đã được chấp nhận. Khi đã được chấp nhận, chúng lại có thể mang đến cơ hội thăng quan, tiến chức cho những người biết nghĩ ra chúng. Và thế là những con số giả lại hoàn toàn có thể mang lại những lợi ích tinh thần và vật chất thật. Đây chính là động lực của ham muốn lập thành tích bằng mọi giá, cũng là nguyên nhân sâu xa của bệnh thành tích.
Để khắc phục bệnh thành tích, điều quan trọng là phải quay lại với những quy luật có thật của cuộc sống. Trái đất đã quay hàng chục tỷ năm xung quanh Mặt trời và sẽ còn quay như thế hàng chục tỷ năm nữa. Đằng sau sự nhất quán này là quy luật bất biến của lực hấp dẫn. “Lực hấp dẫn” đối với con người lại chính là quyền sở hữu tài sản. Muốn thúc đẩy kinh tế phát triển chúng ta phải tận dụng được động lực này. Những phong trào thi đua chung chung không chỉ không thay thế được nó, mà còn dẫn dắt chúng ta lòng vòng, tốn kém để đến với nó mà thôi.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, chúng ta cần thiết kế một hệ thống mà trong đó phần lớn các thành tích đều phải do thị trường đánh giá, phần lớn các phần thưởng đều phải do thị trường mang lại. Các phần thưởng của Nhà nước vẫn có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, chúng phải được xác định trên cơ sở sự hài lòng của nhân dân.