Trong lúc vươn tới các vì sao, có thể bạn sẽ không thể chạm tay tới ngôi sao nào cả, nhưng chắc chắn một điều chân tay bạn cũng không phải lấm lem vì bùn.

Leo Burnett

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1043 / 29
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
iên tiếp mấy ngày nay, cửa hiệu radio Thanh Tuyến vừa có không khí một đám tang vừa có không khí một ngày hội!
Mới thoạt nhìn, hình như gia đình Quỳnh Như có chuyện buồn thật. Cửa hàng được dọn dẹp lại, mấy cái tủ kính đựng linh kiện điện tử của radio, máy hát, máy thâu băng trước kia dàn ngang sát mặt đường, nay được khiêng vào sâu bên trong, xếp gọn vào cái góc nấp dưới cầu thang. Tám cái loa Nhật bản tối tân hiệu Akai từng thu hút rất nhiều khách hàng hiếu kỳ bị gác lên đỉnh tủ gương kề sát vách. Hai cái máy quay dĩa Telefunken to xấp xỉ cái tủ đựng chén bát đặt dềnh dàng ngay giữa nhà, bây giờ biến đâu mất. Cái quầy thu tiền nơi bà Thanh Tuyến thường ngồi, thì úp mặt vào vách, đưa cái lưng gỗ tạp ra ngoài. Khoảng rộng thu xếp được nhờ dẹp hết các hàng hóa đắt tiền được dùng để kê hai cái bàn lớn trên có đặt đầy đủ bình tích, ấm trà, tách Nhật, ly cao uống bia và bốn chai nước lọc. Sát bên hai dãy tủ gương có quá nhiều ghế đẩu tầm cỡ hình dáng khác nhau, có lẽ phải đi mượn các cửa hiệu bên cạnh về mới đủ dùng.
Nhìn vẻ bận bịu âm thầm của ông bà Thanh Tuyến, rồi quan sát nét mặt buồn rầu của Quỳnh Như, nhất định mọi người phải đoán gia đình này đang có tang. Nhưng quan sát qua phía khách đến, thì phải ngờ ngợ điều gì. Nếu khách ra vô nườm nượp ở cửa hiệu này là kẻ đến phúng điếu, thì họ phải mang theo vàng hương, vòng hoa có dải vải tím phân ưu chứ! Đằng này họ chỉ mang theo cam, quít, sữa, nghĩa là những thứ thăm bệnh!
Ðúng như vậy. Sau vụ Thanh bồ, Tường được chở từ bệnh viện Đà nẵng về Huế như một anh hùng. Tuy bị đòn hội chợ đến ngất đi, nhưng may mắn cho Tường, chàng không bị nội thương. Chàng chỉ bị xây xát nhiều ở đầu và lưng; vết thương ở đỉnh đầu khá sâu, máu chảy ướt đẫm cả cái áo sơ-mi nhưng sau khi rọi điện, bác sĩ xác nhận xương sọ không hề hấn gì. Mí mát trái bị đập nhưng tròng mát vẫn chưa sao. Môi bị vều ra, nói năng rất khó khăn. Hai gót chân phải băng kín vì khi các Phật tử nắm hai vai lôi chàng ra khỏi vùng lửa khói, họ quýnh quá không xốc chàng lên khỏi mặt đất, cứ để vậy lôi xệch trên mặt đường. Kết quả là lúc được dìu từ xe hồng thập tự vào nhà, Tường gần giống với một cái xác ướp Ai cập. Đầu quấn băng trùm kín, và hai chân cũng quấn băng. Bộ quần áo nhà thương cũng màu trắng còn dấu máu mủ giặt chưa hết càng làm cho hình dáng chàng thảm thương. Bà Thanh Tuyến ngất đi, Quỳnh Như mếu máo đến ôm lấy anh, miệng không ngớt kêu rêu “Tại sao thế này? Anh chết mất anh ơi! Tại sao vậy hở Trời”
Tin Tường bị “bọn Cần lao” Ðà nẵng hành hung suýt chết chẳng mấy chốc lan truyền khắp Huế.
Khách khứa ùn ùn kéo tới. Ban đầu là những bạn thân ở trường, ở Viện Ðại học, ở Mặt trận. Họ đến tay không, và không cần chờ ai đón tiếp, họ quẳng xe đạp chạy lên cầu thang để biết đích xác tình trạng sinh mệnh của Tường. Hôm sau đến lượt những “người khách trân trọng”: họ đại diện cho ban chấp hành trường này, phân hội Mặt trận trường kia, thay mặt cho anh em ở đoàn thể nọ. Họ dừng xe từ xa hoặc gửi xe ở bãi chợ, chậm chạp chờ đủ mặt mới sửa lại cổ áo, kéo lại nịt, vuốt lại tóc, rồi bước chậm chạp nghiêm chỉnh đến nhà Quỳnh Như. Đàn ông, người lớn đi trước, phụ nữ, người nhỏ đi sau, ôm theo một bọc hoặc cam quít, hoặc nho táo, hoặc sữa hộp. Họ được bà Thanh Tuyến thay mặt “nhà tôi” và “em nó” mời ngồi, được nghe kể sơ lược nhưng đầy đủ vụ hành hung, được tóm tắt hiện trạng sức khỏe “em nó” như thế nào, để cuối cùng được bà lễ phép cảm ơn để tiếp một nhóm khác. Quỳnh Như điều khiển chị Gái và thằng Bá bưng ghế rót nước, đem quà chất đống lên cái bàn sau tấm màn trúc, và đổ nước trà thừa vào cái thau lớn giấu dưới tủ kính bên phải.
Nếu quí vị đại diện thuộc lớp trẻ, bà Thanh Tuyến tế nhị nhường cho Quỳnh Như vai tiếp khách. Nếu thuộc phái già, bà lại lên phòng bệnh thay chồng để ông xuống đóng vai chính. Họ bận bịu suốt ngày, rồi suốt tuần. Cam quít nho táo không làm gì cho hết, phải đem mời khách hoặc Quỳnh Như dúi vào đầy cặp các bạn Ðồng khánh. Chưa bao giờ gia đình Quỳnh Như đón nhận một niềm vinh dự ngược đời và chua chát như vậy. Nhiều người khách tuy không thân thuộc với gia đình Thanh Tuyến, nhưng do nhiệt tín chính trị, cứ nằng nặc đòi
lên lầu để chiêm ngưỡng “vị anh hùng”. Trong số đó có nhiều người chân thật như các chị tiểu thương chợ Đông ba. Số giả dối nhiều không kém, gồm những nạn nhân của chế độ cũ, những người chuẩn bị đón gió, những tay cơ hội chuyên nghiệp và những nhà kinh doanh cỡ trang lứa ông Toàn.
° ° °
Ngô và Diễm đến thăm Tường ngay buổi tối hôm chàng được chở từ Đà nẵng về. Diễm thấy bông băng quấn Tường kín mít, trên đầu nhiều vết máu khô và thuốc đỏ loang lổ, sợ quá, tưởng như đang xem một phim kinh dị của nhà đạo diễn Hitchcock. Cô bé nín thở đứng nép bên chân giường người bệnh, tay phải bấu chặt lấy vai Quỳnh Như. Tự nhiên nước mắt Diễm ứa ra. Cô có thể tưởng tượng Tường đứng trên xe hơi có tài xế mặc lễ phục trắng đội mũ kết lái chạy giữa rừng cờ, có thể tưởng tượng Tường mặc quần áo thợ săn như Davy Crockett len lỏi làm cách mạng trên rừng rậm, thậm chí có thể tưởng tượng Tường nằm yên trong quan tài phủ đầy hoa lai-dơn mầu nhung đỏ trước giờ đóng nắp áo quan, nhưng không bao giờ dám nghĩ đến hình ảnh Tường bị đòn hội chợ đến thân tàn ma dại thế này. Diễm lạnh xương sống, tưởng tượng đến lúc có thể chính mình thay Tường nằm trên cái giường nệm trắng kia. Sao lại không? Nếu hôm ấy hai tên “Cần lao” không thương hại hai con bé ngu ngơ, nếu Diễm và Quỳnh Như không cao chạy xa bay kịp thời, nếu… nếu… thì chuyện đó có thể xảy ra lắm. Ghê gớm quá! Té ra làm cách mạng không phải luôn luôn êm ái, vui vẻ. Lần đầu tiên Diễm thấy cách mạng cứu quốc quả thật sẽ gặp nhiều chông gai, như các bài chính luận đăng trên Lập Trường từng nói.
Diễm không dám nhìn thẳng vào mặt Tường, vì mỗi lần thấy đôi mắt bầm tím và cái môi vều của nạn nhân, cô bé cảm thấy nhột nhạt. Hình như Tường nhìn rõ sự yêu đuối, sự hốt hoảng sợ hãi, sự chùn bước tiêu cực của Diễm, nên lừ mắt trách mắng nàng, trề môi chê bai nàng.
Diễm thì thào bảo Quỳnh Như:
- Tụi mình ra ngoài nói chuyện cho anh Tường nghỉ. Hai cô bạn học và bạn công tác ra phòng khách. Bấy giờ Diễm mới thở phào nhẹ nhõm, bảo bạn:
- Ghê quá. Thật may cho hai đứa mình.
Quỳnh Như hiểu Diễm nói gì, nên cũng thì thào:
- Ừ, may thật. Sao chúng nó tàn ác thế nhỉ?
- Hai cái tên mình gặp hôm ấy chắc là đồng bọn.
- Có lẽ thế!
-Hình như khi tụi mình lên xe rồi, có hai người đèo xe gắn máy chạy theo một đoạn đấy.
- Thế à? Lúc nào?
- Lúc vừa ra khỏi bến xe chợ Cồn.
- Hay chúng nó đổi ý, định hành hung hai đứa mình.
- Có lẽ thế.
- Mình may thật. Lần sau…
- Còn lần nào nữa?
- Không. Tao bảo lần sau không nên đi đâu xa. Nhất là nên tránh chỗ đông người.
- Ừ, phải đấy. Sao đàn ông họ tàn ác thế nhỉ!
° ° °
Ngô ngồi lên giường Tường cảm động cầm tay bạn, không nói được gì. Có lẽ Tường cũng cảm động muốn cảm ơn anh bạn họa sĩ, nhưng do cái lưỡi đau rát và đôi môi vều, không nói được, nên Ngô chỉ nghe bạn phều phào cái gì đó thật mơ hồ.
Ngô chờ một lúc lâu cho bớt nghẹn ngào, rồi mới say sưa nói:
- Mày làm cho tao tự thấy xấu hổ. Nếu lúc khác, có thể tao không đủ can đảm thú nhận như vậy. Nhưng nhìn mày thế này, tao thấy tất cả tự ái, tất cả dè dặt, tất cả ước vọng hão huyền lâu nay tao đặt cả vào màu sắc đều trở nên phù phiếm tủn mủn quá. Tao đỏ mặt lên vì thẹn. Tại sao tao lại có thể ngu ngơ như thế được. Trong lúc mọi người bất kể nguy hiểm, bất kể chuyện thi cử học hành, hy sinh hết để phụng sự cho lý tưởng chung thì tao vác giá vẽ đi cóp nhặt từng mảnh da dương liễu, từng đám mây bay. Mày có nhớ một lần tao khoe đã tìm được màu ngọc bích lơ lửng thật đã mắt hay không? Ấy, lúc khác mày kê tao, có thể tao giận, tao gân cổ cãi. Nhưng bây giờ tao chịu trần truồng trước mặt mày. Tao xấu hổ vì cái màu chết tiệt ấy. Tao yếu đuối. Mày đừng tưởng khi chịu khó đạp xe lên nhà in mi trang vẽ báo cho tụi mày, tao đã giác ngộ đâu. Không! Tao làm mà lòng không vui. Tao sợ quê với lũ em, quê với Quỳnh Như. Bọn con gái còn làm được, mình tay chân mạnh khỏe thế này lại đi di di cây bút vẽ lên vải bố, gật gù bằng lòng với một màu nhã. Lạc lõng quá rồi. Tao phải cảm ơn mày. Đáng lý không phải mày bị hành hung. Mày xứng đáng được mạnh khỏe để làm việc lớn. Tao mới là thằng đáng đánh vào đầu vào mặt cho bầm dập ra, để đầu óc tao tỉnh táo hơn.
Tường đưa hai tay lên khua khua, rồi hai bàn tay uốn cong như phác họa cái dáng của một chiếc lọ hoa cổ cao, hay thứ gì tương tự như vậy. Ngô không hiểu gì cả, hỏi lại:
- Mày nói thứ gì?
Tường phều phào gì đó, rồi lặp lại cử động cũ. Ngô ngơ ngẩn một chút, rồi bật cười khi chợt
hiểu:
- Ừ, những cô gái cổ cao! Tao hiểu. Tao hiểu. Một lần thằng Ngữ chê tao bắt chước Modigliani. Lúc đó tao giận. Nhưng bây giờ tao cũng thấy nó nói đúng. Tao không nói được “cái tao”, chỉ lo cóp nhặt mô phỏng của thiên hạ; rồi chính “cái tao” cũng mờ nhạt, vì tao hèn nhát. Tao không được cái ý chí của mày. Đáng lý ở vào gia cảnh tao, tao phải thấy trước những bất công của xã hội và thao thúc hơn ai hết trước hiện tình bất công của cuộc sống…
Ngô dừng lại, nhìn quanh phòng để ghi nhận đời sống giàu có sang trọng của Tường, rồi gật gù nói tiếp:
- Nếu tao được như mày rồi chạy đi tìm màu ngọc bích và mê mải tô chuốt cho các cô gái cổ thiên nga thì còn có lý. Đằng này gia đình tao sống ra sao, mày biết rồi. Thế mà tao lại làm cái chuyện ngược đời. Mày mở mắt cho tao, mày chịu đau đớn để cứu chuộc tao.
- …?
- Mày nói sao? Tao sẽ làm gì à? Còn làm gì nữa! Mày dám vứt cả cuộc sông nhung lụa thì tao không dám vứt cái bút vẽ hay sao? Dĩ nhiên cũng hơi tiếc đấy, nhưng nghĩ cho cùng, đó là nỗi đau đớn trưởng thành, như đứa trẻ mọc răng hay con rắn lột xác vậy.
- …?
- Ừ, tao nói tao đã lột xác, nhờ mày. Mấy tên côn đồ nào đó đánh mày thân tàn ma dại thế này, chúng nó có tội trước pháp luật, trước lương tâm, nhưng là ân nhân của tao. Tao nói thật đấy, mày đừng giận. Nó đánh mày, nhưng chính tao đau. Vết thương của mày, nhưng chính tao cần chữa thuốc. Mày bầm mặt thì tao sáng, mày dập lưỡi vều môi để tao nói được những lời chân thật.
- …
- Mày tưởng tao bốc lên nói quá hay sao? Không! Mày vẫn còn nghĩ tao là một thằng bông lông phất phơ chứ gì?
Tường lắc đầu.
- Vậy mày có tin tao lột xác chưa?
Tường do dự, rồi thều thào gì đó.
- Mày chưa tin tao là phải. Nhưng rồi mày sẽ thấy. Hãy chờ xem tờ Lập Trường số mới. Qua rồi, cái thời các cô gái tranh đấu với bạo lực mà vẫn có cái cổ cao và áo dài tha thướt. Tao đã thay đổi cách nhìn. Mày sẽ thấy tao nói thật hay là bốc đồng.
Lúc đó Diễm và Quỳnh Như bước vào phòng. Hình như hai cô gái vừa kháo nhau chuyện gì hứng thú lắm, vì khuôn mặt họ đỏ hồng, ánh mắt còn giữ màu vui. Quỳnh Như là người nhà nên tự nhiên cười cợt, nhưng Diễm tự thấy thăm bệnh mà vui quá như thế này thật không hợp. Tuy vậy lúc liếc về phía cái ga- mên sứ có đậy nắp đặt ở bàn cẩm lai thấp bên đầu giường, ánh nhìn của Diễm vẫn không thôi tinh nghịch láu lỉnh. Ngô hỏi em:
- Hai cô đã vét cạn tâm sự chưa?
Diễm không trả lời anh, ngập ngừng một lúc, rồi lấy hơi đánh bạo hỏi Tường:
- Anh ăn uống có bị rát lưỡi không?
Tường lắc đầu. Diễm cười nhỏ rồi hỏi:
- Cháo gà ngon ghê, anh Tường hỉ?
Quỳnh Như bật cười lớn. Ngô ngơ ngác không hiểu, hết nhìn hai cô gái lại nhìn bạn. Bông băng che kín mặt Tường, nên Ngô chẳng hiểu họ đang nói chuyện gì, và phản ứng của Tường ra sao. Chỉ thấy Tường đưa tay phải lên xua nhẹ qua lại trước ngực.
Quỳnh Như bảo Diễm:
- Thôi, đừng chọc người ta nữa. Tội nghiệp!
Diễm thôi cười tuy da mặt vẫn đỏ hồng. Hình như sợ Tường giận, Diễm hỏi anh:
- Mình về chưa anh Ngô? Để anh Tường nghỉ, khuya rồi!
Ngô nhìn đông hồ thấy đã mười giờ rưỡi tối. Ngô nắm tay Tường nói:
- Mai tao rảnh sẽ ghé lại. Chúc khỏe nhé!
Tường cố thều thào được mấy tiếng:
- Cảm ơn. Mày về.
Diễm cũng nói:
- Anh Tường chóng bình phục nhé. Rán ăn cháo gà cho đều, tốt lắm.
° ° °
Ngữ bị cấm trại 100% ớ tiểu khu nên mãi bốn hôm sau mới đến thăm Tường!
Sau biên cố đẫm máu ở thủ đô, nhiều phản ứng dây chuyền ở cả ba phía: Phật giáo, Công giáo và chính phủ đã khiến ở nhiều tỉnh miền Trung, chính quyền phải ra lệnh giới nghiêm và đặt quân đội dưới tình trạng báo động khẩn cấp. Xe bọc thép được điều động đến án ngữ ở các đầu phố chính, gần các trường học, chợ búa, nhà thờ, nhà chùa, tòa hành chánh, đài phát thanh.
Nhiều vụ lưu huyết đẫm máu hơn đã xảy ra ở Sài gòn, lấy cớ từ các xích mích ngẫu nhiên vụn vặt hay các tin đồn nhảm. Chỉ cần có tin đồn một giáo dân ở đâu đó (phần lớn tin đồn xác định nơi ấy là khu các giáo xứ) dám xé cờ Phật giáo hoặc hành hung một thanh niên Phật tử, là ngay sau đó, có ngay nhóm thanh niên cầm gậy gộc dao búa đổ xô về phía ấy để ăn thua đủ.
Hoặc ngược lại, một đứa bé rắn mắt chỉ cần vừa chạy vừa la: “Tụi nó đến! Tụi nó đến!” là các khu Công giáo chuẩn bị chống cự một cách rộn rịp khẩn trương. Cha xứ xăn tay áo chùng đen lên. Bố già nhổ nước bọt vào hai bàn tay để chuẩn bị kéo dây chuông. Súng lớn súng nhỏ được mở khóa an toàn. Ngựa gỗ được khiêng ra chắn đường…
Cũng có những toan tính khiêu khích không ngẫu nhiên chút nào. Ngay buổi tối hôm Ngô, Diễm đến thăm Tường, đã có một cuộc họp bàn cãi sôi nổi xem có nên dùng băng-ca khiêng Tường đi khắp phố Huế để tác động thêm nữa “chiều tất yếu của lịch sử” hay không. May mắn là số người chủ trương ôn hòa trung dung thắng hơn một phiếu, nên Tường mới được nằm yên trên giường nệm tiếp bạn bè!
Nhờ môi và lưỡi của Tường đã bớt sưng nên hai người bạn nói chuyện dài với nhau khá lâu. Ngữ cũng ngồi ngay trên giường bạn. Bộ quần áo bốn ngày đêm chưa thay dính đầy dầu mỡ bụi bặm làm bẩn cả tấm drap trắng tinh mới thay. Nhưng chuyện đó có quan hệ gì! Họ bận nói đến những điều tổng quát, trừu tượng, theo thói quen của những đầu óc lãng mạn ở vào thời điểm nóng bỏng của thời thế. Các vết thương của Tường cũng khiến cho cả hai chân thực, thành khẩn với nhau hơn. Họ dám nói “huỵch toẹt” những gì trước đây họ chưa dám nói, vì lòng tự cao, vì khách sáo, hoặc vì sợ làm buồn lòng nhau. Ngữ bùi ngùi lấy tay ấn nhẹ lên chỗ băng dỉ máu trên đỉnh đầu bạn, ân cần hỏi:
- Mày có thấy đau lắm không?
- Sơ sơ thôi!
- Chắc chắn xương sọ không việc gì chứ?
- Không. Về đây có chụp hình lại… Chính Bác sĩ Chủ tịch xem phim. Vả lại…
- Vả lại thế nào?
Tường cười nh̉ỏ:
- Vả lại nếu bị xuất huyết não hoặc nứt sọ, đến nay tao đâu còn nói chuyện với mày được!
- Ừ nhỉ! Kiến thức y khoa của tao kém quá. Ðó là một cái may hay cái rủi?
- Cái may đấy! Biết nhiều quá cứ lo cho thân thể, phí mất thì giờ đi.
Ngữ cau mày hỏi thẳng:
- Mày có ngụ ý gì không?
Tường vội nói:
- Không. Những gì tao vừa trải qua đã giúp tao thoát xác. Tao tự thấy khá hơn.
- Về điểm gì?
- Về cách nhìn đời! Về lòng chân thực.
Dường như phải cố gắng lắm Tường mới nói được câu đó, vì sau khi nói xong, chàng lấy kính xuống lau. Ngữ kiên nhẫn chờ, vì biết thế nào bạn cũng giải thích thêm về hai câu nói ngắn ngủi. Một lúc sau, Tường đeo kính trở lại, lấy hơi nói tiếp:
- Tao lấy một ví dụ cụ thể. Cách đây ba hôm, nghĩa là ngay bữa tao được chở về đây, Ngô có đến thăm tao.
- Thế à? Hôm ấy tao bị cấm trại.’
- Không. Mày đừng áy náy đã đến trễ. Ta có thể nói chuyện sòng phẳng với nhau. Cách đây
ba hôm, Ngô đến thăm tao. Lúc ấy môi tao còn vều lên như môi dân da đen, lưỡi líu lại vì đau rát nên chỉ biết nghe nó nói. Tội nghiệp, nó xem tao như một anh hùng, hơn thế nữa, một loại thánh tử đạo. Nó bảo tao giác ngộ được nó, tao cho nó thấy lòng đam mê nghệ thuật, nỗi thao thức không phải trước thực tế nhưng trước màu xanh ngọc bích, trước chiếc cổ thiên nga của tố nữ là phù phiếm viển vông, thiếu điều nó hôn lên các vết thương bắt đầu ung mủ của tao. Thú thực trước và sau nó đã có nhiều người nhìn tao như vậy rồi. Nhưng với thằng bạn thân, tao thấy thú vị. Tao hãnh diện nhìn nó như một chân-đạo-sư nhìn tín đồ. Đêm đó, nó về rồi, tao ôn lại những việc đã làm, liền thấy thẹn. Hôm sau nó đến nữa để khoe bức tranh vẽ trong một đêm vừa ráo nước sơn.
- Nó vẽ gì thế?
Tường cười nhẹ, rồi đáp:
- Mày yên tâm. Các cô gái cổ cò bỏ nó rồi. Nó vẽ một thiếu nữ (vẫn thiếu nữ vì chưa bỏ được cái tật mê gái) cổ ngắn, vai mập tròn, mắt long lên, nắm tay phải giơ cao đang hét gì đó. Phía sau là lá cờ Phật giáo đang lộng gió.
Ngữ cười lớn kêu:
- Cái thằng!
- Ừ! Nó chuyển hướng như vậy đấy. Tao muốn nói: “Mày lầm rồi! Tao không phải như mày tưởng, tao chẳng đáng gì”. Nhưng tao nổi ích kỷ, sợ mất cái phần vinh quang đổi bằng máu của mình. Có thể tao còn ê ẩm nói chưa thành tiếng. Nhưng bây giờ, tao thấy rõ hơn hết là tao có thể nói được nếu muốn nói.
- Giả sử lúc ấy mày nói, thì nói cái gì?
Tường ngước lên nhìn bạn, do dự, rồi chậm rải đáp:
- Có thể tao thú nhận chỉ mới là một thằng tập tò học nghề. Tao xin trả vinh quang cho…cho kẻ khác.
- Cho ai?
Tường suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Cho tất cả đám đông vô danh còn tin ở cái gì cao đẹp, chân thực. Những gì họ nói với nhau “trọng đại trừu tượng” quá nên cả hai đều thấy khó thở. Súc nặng của từ ngữ và cố gắng đè lên vai họ. Ngữ xúc động trước lòng chân thành của bạn, nên nói:
- Dù sao tao vẫn khâm phục mày!
Tường không dằn được lòng hãnh diện, chồm dậy náo nức hỏi:
- Mày nói thực?
- Phải. Mày hơn tao ở chỗ dám sống các điều đang suy nghĩ hoặc đang tin tưởng.
- Còn mày?
- Tao chưa tin được cái gì lâu bền. Những cái vững tin thì bao quát
trừu tượng quá, như sự hòa điệu của vũ trụ, bản chất cao đẹp của con người, cái rẫy chết tất yếu của giả trá và tàn ác…
- Tao cũng nhận thấy thế!
Họ nhìn nhau, lòng bùi ngùi bâng quơ.
° ° °
Ngữ vừa xuống khỏi cầu thang thì gặp Nam xách cái giỏ đan bằng dây ni-lông mầu đen đi ngược lên. Gặp anh, Nam đỏ mặt lí nhí nói:
- Anh vừa lại à?
Ngữ không ngờ trước nên nhìn Nam lạ lẫm. Chàng hỏi ngớ ngẩn:
- Nam đấy à? Đi đâu đấy?
- Em… em…
- Ba má có ở nhà không?
Nam mừng rỡ nói:
- Anh về trông nhà hộ em.
- Không có ai ở nhà hết à?
Nam càng lúng túng hơn, ê a một lúc mới đáp:
- Ơ… ơ… đáng lẽ em phải lên Văn khoa, nhưng trường cho nghỉ để dự hội thảo. Vừa về nhà, con Quế đã phải đi trả báo.
Ngữ lo lắng hỏi:
- Vậy ai coi nhà?
- Em khóa lại.
Rồi chợt nhớ, nàng lục giỏ tìm chìa khóa. Lúc Ngữ đưa tay nhận chùm chìa khóa, nàng thấy anh soi mói nhìn mình, nên tìm cách hỏi gì đó:
- Anh trực đến nay mới về à?
- Không. Vẫn còn cấm trại. Anh “dù” về một chút, tắm rửa thay đô xong lại vô.
- Hèn chi sáng nay ngả đường nào cũng có lính gác cả. Có chuyện gì thế hở anh?
- Họ chi đề phòng thế thôi. Chưa có chuyện gì đâu.
Ngữ nhìn cái giỏ phồng khá nặng của Nam, ngây thơ hỏi:
- Em vừa đi chợ Ðông ba về à?
Nam giấu cái giỏ sau lưng mình vội đáp:
- Không, em… em…
Ngữ chợt hiểu. Chàng nhìn Nam chăm chú hơn, thấy em có đánh tí phấn, môi ươn ướt vaseline. Chàng bâng khuâng thương em, nhưng vờ nói:
- Thôi để anh về trông nhà cho. Em lên thăm nó một chút, rồi về làm đồ ăn kẻo cá ươn hết!
Nam mừng như được thoát nạn, hấp tấp bước lên thang lầu.
Vì bị cấm trại gần suốt tuần lễ nên Ngữ không biết sáng nào Nam cũng đến thăm Tường. Mỗi lần đến, nàng mang theo một ga-mên cháo nấu với thịt gà hoặc tim cật và vài quả cam. Trong cơn phấn kích cùng tột, Nam quên cả sự e thẹn giữ gìn! Nàng xót xa nhìn Tường bị băng bông quấn kín, lòng đau nhức còn hơn cả nỗi đau nhức của Tường. Mỗi buổi sáng đến thăm, nàng vui buồn theo tình trạng sức khỏe của chàng. Lúc mới gặp Tường lần đầu sau vụ Thanh bồ, nàng nức nở khóc. Nếu không có Quỳnh Như và bà Thanh Tuyến đang bu quanh chàng, rỏ nước mắt thương xót lên thân thể chàng, có lẽ nàng đã bạo dạn đến quì bên giường Tường, ôm lấy bàn tay chàng mà khóc cho thỏa thuê. Nhưng sự đau khổ lặng lẽ e ấp của Nam còn khiến cho Tường cảm động hơn cả những lời than khóc của mẹ và em gái. Sự dè dặt trong vòng chưa được phép làm cho lòng yêu mến của người con gái ấy mang một nét quyến rũ riêng: cách nàng nao nức thèm thuồng đứng từ xa mà chiêm ngưỡng chàng, cách lặng lẽ đến chỗ bàn nước rót cho Tường một tách nước rồi run run kề mạn tách vào đôi môi vều cho chàng nhắp từng giọt, cách dè dặt kéo tấm drap lại cho ngay ngắn mỗi lần có khách thân đến ngồi lên giường thăm hỏi Tường rồi ra về, cách thỏ thẻ lưu ý chàng nên uống thuốc cho đủ liều lượng theo toa bác sĩ, Tường thấy có gì dễ thương quá. Sự săn sóc tế nhị và kín đáo ấy, chàng đã quen thuộc. Gia đình Quỳnh Như cũng quen dần với Nam, sau một thời gian ngơ ngác, cũng xem việc Nam đến và đi, rót nước cho Tường uống, đút cháo cho Tường ăn là điều rất bình thường.
° ° °
Những diễn tiến phức tạp của thời tìm hiểu nhau, do dự ngần ngại hoặc e lệ trước khi dám mon men đến bên nhau để nói được vài tiếng lấp lửng vô nghĩa, rồi từ chỗ đó đến lúc dám cầm tay nhau thốt được hai tiếng “anh em” qua hơi thở gấp, những diễn tiến nhì nhằng ấy Nam vượt qua mau chóng bằng chính lòng yêu thương chân thành. Không ai thấy có gì bất thường. Không ai khinh bỉ hay đàm tiếu gì cả. Quỳnh Như hoặc Diễm có tinh nghịch kháo chuyện với nhau về ga-mên cháo gà đầu tiên, nhưng sau đó, gần như họ quen thuộc với cái ga-mên tráng men mầu nâu mỗi sáng có mặt trên cái bàn thấp gỗ cẩm lai. Có lẽ họ chỉ ngạc nhiên nếu không thấy cái ga-mên đó ở chỗ quen thuộc!
Nam bước vào phòng Tường lúc chàng đang thay áo. Nàng bối rối định quay ra phòng khách nhưng Tường đã gọi:
- Anh thay xong rồi. Nam cứ vào đi.
Nam quay mặt lại, bật cười. Tường ngớ ra hỏi:
- Cái gì thế?
- Anh cài lộn hàng nút.
Tường cúi xuống. Chàng vội quá, cài lộn hạt nút dưới lên cái khuy trên. Nam cảm động khi thấy lúc Tường cúi mặt, cái gọng kính màu đen hiệu Nylor trễ xuống chóp mũi. Nàng nghĩ nhanh trong xót xa: “Anh ấy ốm quá. Có lẽ tại mất nhiều máu”. Lòng thương xót khiến nàng bạo dạn hơn. Nam bậm môi, đỏ mặt đề nghị:
- Ðể em cài lại cho.
Tường lúng túng nghênh mặt lên cho Nam cởi hạt nút cổ, khuôn mặt xương xương xanh xao chợt trở nên bẽn lẽn như đứa trẻ.
- Anh ngửng lên tí nữa. Tí nữa. Gớm, râu anh mọc dài như rễ tre. Anh cần cạo đi không?
Tường xua tay. Nam vội bảo:
- Ấy, để yên cho em cài. Thế thế. Được rồi. Vết bầm trên ngực anh đã tan chưa?
- Khá rồi.
- Anh còn thấy tưng tức như hôm qua không?
- Đã bớt.
- Còn vết thương trên đầu.
- Hình như đã khô lại. Chỉ lâu lâu thấy ngứa. Hình như nó bắt đầu bắt da non thì phải.
- Hay ung mủ trở lại?
- Không đến nỗi đâu. Nếu thế, anh đã bị sốt.
- Anh ăn cháo nhé?
Tường không dám nói mình vốn ghét ăn cháo. Chàng chỉ bảo:
- Nam để đó. Chờ bớt no đã. Buổi sớm Như nó vừa pha cho anh ly sữa lớn chừng này này.
Nam bật cười vui vẻ, vì khi Tường nói ba tiếng “chừng này này”, gương mặt chàng hết sức trẻ con. Tường không muốn được săn sóc âu yếm quá, hỏi sang chuyện khác:
- Mấy bữa nay trên Văn khoa có gì lạ không?
Nam liếng thoắng đáp:
- Hội thảo liên miên. Tên anh được nhắc đi nhắc lại mãi, anh nổi tiếng như cồn. Báo chí Sài gòn cũng nhắc tới nữa.
Tường e ngại hỏi:
- Họ nói gì thế?
- Mỗi phe nói một cách. Báo Công giáo tả anh như một thứ Anti – Christ. Báo Phật giáo đưa anh lên thành anh hùng. Báo thân nhà nước lên giọng khuyến nhủ, bảo coi chừng Cộng sản lợi dụng.
- Họ có thái độ gì rõ chưa?
- Anh hỏi ai?
- Mấy ông tướng cầm quyền?
- Chưa. Hình như họ còn chờ xem. À, có viện trưởng mới rồi đấy!
Tường đã biết tin này, nhưng cứ vờ kinh ngạc cho Nam vui lòng:
- Thế à! Việc gì phải đến đã đến. Văn khoa có thay đổi gì không?
- Em chưa thấy. Chỉ nghỉ liên miên vào giờ của các cha. Kể cũng tiện, vì có giờ rảnh tổ chức hội thảo bỏ túi. Em chẳng hiểu năm nay thi cử ra sao!
Tường nới:
- Chắc không thi được đâu.
- Em lo lắm!
- Sao thế?
Nam ngậm ngùi đáp:
- Anh tính, trễ một năm, em trễ mất thời gian có thể kiếm tiền giúp ba.
Tường vội hỏi:
- Thầy vẫn đi dạy đều chứ?
- Vẫn thế. Nhưng có lãnh lương trường tư được đâu. Học hành thế này, học trò đâu chịu nộp học phí.
Lần đầu tiên Tường nhớ đến hệ lụy của tình thế đối với gia đình vừa đủ ăn như gia đình thầy Văn. Chàng lúng túng muốn tìm một lời phân bua nhưng tìm mãi chưa ra. Cuối cùng chàng nói:
- Chắc xáo trộn không lâu đâu. Thế nào rồi đâu cũng vào đó.
Nam hoài nghi hỏi:
- Anh tưởng thế?
° ° °
Họ cũng nhìn thấy vẻ gượng gạo của nhau. Nam liếc nhìn cái đồng hồ Odo treo trên tường, kêu lên:
- Chết mất. Đã mười giờ rồi. Em xin phép về coi nhà cho anh Ngữ trở về trại.
Nhớ đến Ngữ, Tường càng hoang mang hơn. Nam đi rồi, chàng nằm suy nghĩ lan man không dứt.
Chàng ái ngại thấy mình đang dấn mình vào một cuộc chơi thiếu sòng phẳng với bạn. Chàng yêu Nam thành thực chăng? Tường chưa dám xác quyết. Không phải chàng dửng dưng trước sự săn sóc ân cần của Nam. Niềm vui náo nức làm cho mỗi ngày mới đến với chàng có ý nghĩa là chờ đợi tiếng guốc thong thả quen thuộc của Nam gõ đều dưới cầu thang. Chàng nhận ra tiếng guốc ấy dễ dàng vì nó khác với cách đi của mẹ và em gái chàng. Quỳnh Như ít khi đi chậm, nên tiếng guốc lóc cóc nhịp nhanh. Dáng người mập mạp và tuổi già khiến mẹ chàng bước chậm và nặng.
Chỉ có Nam là bước được những bước đều đặn, thong thả, vừa e dè ngượng ngùng vừa náo nức e ấp, bước thì muốn vội nhưng dường như gót chân sợ đau đến mặt gỗ và tiếng động đánh thức lòng e lệ. Những ghi nhận tỉ mỉ ấy, cộng với nỗi náo nức đợi chờ đã đủ thành bằng chứng của tình yêu chưa? Tường thành thực đáp với mình: Có lẽ chưa. Chàng lo ngại nhận thấy sức khỏe càng bình phục thì sự xúc động của chàng mỗi khi gặp Nam càng giảm. Dường như mỗi ngày lòng chàng càng bớt mẫn cảm hơn, bù vào đó, chàng háo hức tò mò muốn biết những điều khác: Các cuộc hội thảo, những đêm không ngủ, nội dung các bản tuyên cáo mới, bình luận của báo chí Sài gòn, phản ứng của tiểu khu, tin mới loan của đài BBC, VOA, Hà nội, Bắc kinh, Mạc tư khoa. Chàng sợ mình làm thất vọng một người con gái đáng yêu nhất trong những người con gái chàng biết trên đời, và làm buồn lòng vị thầy khả kính nhất của các vị thầy khả kính.
Những Đợt Sóng Ngầm Những Đợt Sóng Ngầm - Nguyễn Mộng Giác