Số lần đọc/download: 2209 / 11
Cập nhật: 2016-03-11 16:39:22 +0700
Phố Thì Nhỏ
Sau những ngày nắng nóng như thiêu như đốt, hôm nay trời cao bất ngờ ban xuống một cơn mưa. Mưa như trút nước, đổ ào ào khiến mặt đất ngập úng, đất bùn nhóp nhép dưới chân, trong không gian ngập ngụa mùi khăm khẳm của lá cây rữa và rơm rạ ẩm. Với thời tiết như vậy, không một ai trong cái phố nhỏ này muốn ra đường cả. Dưới mái hiên đối diện cổng nhà cụ Kiến, mấy mụ đàn bà đang túm năm tụm ba.
Tú ghé mình ngồi bên bậu cửa, cô vuốt một sợi tóc mai rơi xuống, khe khẽ lắc đầu.
Đất trời âm u, sấm chớp vần vũ điểm vào cảnh hè những nét thê lương. Kỳ lạ thay, giữa màn nước đang thay nhau xé toạc mặt đất nổi lên là một đoàn người rồng rắn, xúm xít tiến ra từ trong nhà cụ Kiến. Cái cổng gỗ lên nước đen bóng to và nặng trịch tựa cổng địa ngục. Từ xa, đám đàn bà tò mò nhìn bầy đàn cha con thê nhi ấy.
Chỉ thấy dẫn đầu là thằng Doanh và thằng Cả con ông Lý sống ở cuối phố. Mỗi thằng một đầu, chúng nó đang khệ nệ khiêng cáng gỗ. Trên cáng phủ một tấm vải trắng hơi cộm lên. Đi bên cạnh là cụ Kiến với thằng hầu xum xoe che cho lão cái ô vải dù đen bóng; mấy đứa con dâu đùa nhau câu gì đó rồi cười khúc khích. Và, ô kìa, chẳng phải cậu Phúc con cả nhà cụ Kiến kia sao? Cậu ta mới lấy vợ cách đây mấy tháng, nay lại thẫn thờ trong bộ áo the xộc xệch lấm lem bùn đất, cả khuôn mặt sưng húp như bị ai đánh, đôi mắt tím đen do bị Ả Phù Dung hành hạ, miệng lẩm bẩm:
- Sao nó lại chết nhỉ? Sao lại chết?
Một mụ đàn bà gầy và lùn đang ngồi bên này, nghển cổ nhìn theo cáng khiêng, hỏi với về phía người phụ nữ yểu điệu trạc ba mươi tuổi phía xa:
- Này, có chuyện gì đấy mợ hai?
Người phụ nữ bên kia đã ướt lướt thướt, bĩu môi đáp lại:
- Có người chết, thế mà cũng hỏi!
Mợ ba thì thào:
- Bao giờ thì lão Kiến chết?
Đoàn người cứ đi, nom như âm binh trốn khỏi địa phủ lên trần gian tác oai tác quái.
Vật trên cáng khiêng lắc lư, thằng Cả sơ ý vấp phải một hòn đá, suýt ngã dúi dụi. Cái cáng hơi khựng lại khiến cho một góc vải trắng tuột xuống, để lộ một khuôn mặt trắng bệch với mái tóc đen dày ướt sũng.
Chợt từ phía xa vang lên tiếng cười lanh lảnh, bất giác khiến người ta rùng mình. Mụ đàn bà lùn thì thào hỏi hai mụ còn lại:
- Này! Ai ấy nhỉ?
Một mụ khác vấn lại chiếc khăn mỏ quạ, ngồi dịch vào trong cho khỏi ướt, nhổ toẹt xuống đất bãi nước quết trầu, đưa hai ngón tay quệt quanh mép:
- Còn ai vào đây nữa? Con dâu cả nhà cụ Kiến chứ ai?
- Sao thị lại chết nhỉ?
- Hứ! Làm ra cái chuyện lăng loàn ấy thì chết là phải!
Những âm thanh sau đó nhỏ dần, cuối cùng tan vào tiếng mưa. Tú choáng váng, lặng lẽ gục đầu bên cửa, nhìn theo đoàn người kia đi khuất. Những tiếng cười của mấy nàng dâu còn lại nhoè đi trong màn mưa dày, cậu cả Phúc bước những bước xiêu vẹo, cụ Kiến đạo mạo chắp tay sau lưng và mái tóc đen nhánh bết nước của nàng dâu cả như khắc vào cảnh cuối hè một bức tranh kinh dị.
2.
Không ai nhớ cô Liên tới nhà cụ Kiến làm dâu vào ngày nào, chỉ biết khi đó hoa hoè đã nở rộ, phủ lên đất Thái Bình một tấm thảm trắng ngà. Ngày ấy, người ta chỉ biết có một thiếu nữ tuổi chừng đôi tám đột nhiên được cậu cả Phúc đưa về, cô gái này đẹp, đoan trang và đài các. Người ta bắt đầu bàn tán về Liên, chỉ bởi cô quá đẹp để xuất hiện ở nơi phố nhỏ này; quá đẹp để làm dâu nhà cụ Kiến; quá đẹp để theo một người đau ốm liên miên, cả ngày chỉ nằm bên bàn đèn như cậu Phúc.
Tú bỗng nhớ ra rằng đã tới giờ nấu cơm, cô bèn quay xuống bếp, làm công việc hằng ngày của mình. Những hạt gạo trắng ngần đã qua sàng sẩy giờ được cho vào cái rá tre, chìm trong thau nước trong vắt mới múc trong chum ra. Tú vo gạo, cho vào nồi đất. Lửa nổi lên, cô rút một nhúm rơm nhỏ, nhét vào bếp. Dùng cặp nặp cời tro than mà cô thấy bần thần cả người. Mái tóc đen nhánh kia cơ hồ hiện ra trước mắt.
Mưa ngớt dần.
Tú không thường xuyên tiếp xúc với người nhà cụ Kiến, hay nói đúng hơn, họ ở một thế giới khác cao hơn, sạch sẽ hơn. Nhưng với mợ cả Liên thì ngược lại, lần đầu gặp Liên khi đi lấy nước ở giếng làng, Tú đã nảy sinh hảo cảm.
Liên hiền lành, đằm thắm, dáng đi lúc nào cũng nhẹ nhàng, thanh thoát, rất giống một vị tiểu thư có ăn có học, sinh trưởng trong một gia đình gia giáo đất Tràng An. Đó là suy nghĩ của riêng Tú, mỗi lần gặp Liên, cô luôn tự hỏi rằng tại sao một người như thế lại về làm dâu nhà cụ Kiến. Có khi Tú cũng nói xa nói gần với Liên nhưng cô ấy chỉ cười rồi trả lời:
- Duyên quàng phải ta, âu đành phận.
Mợ cả là vậy, ngay cả lời nói cũng rất kiểu cách. Nhiều khi Tú nghĩ, Liên hợp với công việc của đám văn nhân hơn là cúc cung phục vụ ai đó. Tú bỗng cảm thấy buồn cười, chính cô cũng không thể thoát khỏi cái phố nhỏ này, sinh ra làm đàn bà là đã ôm theo một sự thiệt thòi, hơn nữa phận làm con sao có thể dứt bỏ chữ "Hiếu" với cha mẹ đây?
Tú không nhớ có bao nhiêu người con gái tầm tuổi mình đã treo cổ ngoài gốc hoè cổ thụ vì những lời bàn tán vô thưởng vô phạt của đám đàn bà trong phố, thực ra đôi khi người ta gây ra tội ác mà không biết. Cô tin họ hoàn toàn không có tâm địa độc ác, chẳng qua là do thói quen ngồi lê đôi mách đã trở thành bản tính mà thôi.
Chợt, tiếng ho khù khụ khiến dòng suy tưởng của Tú bị cắt đứt, hình như thầy cô đã tỉnh dậy. Khói trắng từ nồi cơm sôi bốc lên hoà theo tiếng lục bục. Tú rướn người với lấy đôi đũa cả, dùng một chiếc giẻ mở nắp nồi, nhanh tay đảo cơm. Những hạt gạo ngậm nước no tròn chìm trong lớp chất lỏng trắng đục trông thật ngon mắt. Tú lấy thêm một chiếc bát con, khom lưng bưng nồi cơm lên, gạn lấy chút nước cơm rồi đặt nồi trở lại bếp, cô để lửa riu riu.
Bỏ thêm chút mật vào bát nước cơm, Tú dùng một chiếc thìa gỗ khuấy đều cho quện, sau đó lại cời tro rơm ra cửa bếp. Gió nhè nhẹ phất qua, hỏi thăm cái sự hấp hối của đám tro hơi đỏ. Tú quấn rơm xung quanh nồi đất, để nó lên trên lớp tro nóng rồi khẽ thổi cho bắt lửa. Lửa cháy rừng rực, rơm bắt rất mau, cuối cùng phần dư của chúng chỉ còn lại một đống bột vụn nóng bỏng, Tú lấy cặp nặp vỗ nhẹ nhưng không làm cho lớp tro tàn rơi xuống mà cứ để ủ nồi cơm bên trong. Song cô cẩn thận bưng bát nước cơm lên nhà trên.
Bước chân qua ngưỡng cửa, Tú đã thấy cụ Hoàng ngồi thẳng trên giường tự khi nào, cô vội vàng tiến vào trong. Thầy cô chầm chậm ngoảnh đầu nhìn con gái, Tú ngồi xuống mép giường, ngay cạnh chỗ thầy, cầm thìa gỗ quấy lại bát nước sánh. Cô nhẹ nhàng nói:
- Thầy dùng chút nước cơm cho lại sức.
Cụ Hoàng không nói gì, khẽ gật đầu. Tú múc một thìa nước cơm, thổi nhẹ cho nguội bớt rồi bón cho ông. Chất lỏng sánh mịn vơi dần, ăn xong, cụ Hoàng khép hờ mắt chừng như muốn ngủ. Tú đặt chiếc bát rỗng sang một bên.
Đúng lúc đó chợt cụ cất giọng khàn khàn:
- Khi nãy ngoài kia có chuyện gì mà ồn ào thế hả con?
Tú đưa tay lau mồ hôi cho thầy, run run đáp:
- Mợ cả Liên, con dâu cụ Kiến đi rồi thầy ạ.
- Đi rồi hả? - Trong lời của cụ Hoàng chừng như không có gì là ngạc nhiên lắm.
- Dạ.
Cụ Hoàng thở dài:
- Đi rồi cũng tốt, coi như là được giải thoát.
Tú lại "dạ" một tiếng, cô ngồi thừ ra, dòng suy nghĩ lại trôi về khoảng thời gian trước đây. Vào cái ngày mà mợ hai - vợ cậu Lộc ra phố. Khi đó Tú đang ngồi đan vài chiếc giỏ mây để kiếm thêm tiền mua thuốc, còn mấy mụ đàn bà kia thì vẫn ngồi ở cái hiên đối diện cổng nhà cụ Kiến để mà cùng nhau thêu dệt nên những thiên tiểu thuyết cho riêng mình.
Vẫn mụ đàn bà gầy lùn đó lên tiếng hỏi mợ hai trước:
- Kìa mợ hai đi đâu đấy?
- Tôi ra chợ mua chút đồ. - Mợ hai đáp lại với giọng khinh khỉnh.
- Thế không để nàng dâu mới đi à? - Mụ béo liền hỏi lại.
Mợ hai khịt mũi, cái môi to bè trề ra:
- Ngữ đó mà ra đường thì chỉ tổ làm xấu mặt nhà tôi!
- Thế có chuyện gì thì mau kể cho chúng tôi nghe.
Vậy là mợ hai vén váy đụp, ngồi xuống manh chiếu rách, khua chân múa tay vạch áo cho người xem lưng. Thị nói rất nhiều nhưng tựu chung xoay quanh việc chồng mình bị mợ cả Liên dụ dỗ.
Trong phố ai chẳng biết cái thói trăng hoa, háo sắc của con trai thứ nhà cụ Kiến. Trước đây, một người hầu gái trong nhà bị cậu ta làm nhục, sau đó cũng chính mợ hai bức nó lao đầu xuống giếng. Là Liên dụ dỗ cậu Lộc hay cậu ta có tình ý trước cái sắc đẹp mặn mà của mợ thì không thể nói rõ được.
Tú phẫn nộ đứng dậy, ôm theo đống đồ đan giỏ định trở vào nhà. Nhưng đột nhiên chất giọng chát chúa và rất đanh của mợ hai lọt vào tai cô:
- Hôm nọ có ông thầy thuốc tây đến nhà thăm thầy tôi, thấy nó khó chịu trong người bèn ngỏ ý muốn coi khám hộ. Thầy tôi đồng ý ngay. Nhưng khi khám xong rồi thì chúng tôi bàng hoàng cả người, nó mới theo anh rể tôi về nhà được một tháng vậy mà đã mang thai ba tháng, thế có chết không chứ!
Mấy mụ bèn xúm lại:
- Thế rồi sao nữa?
Mợ hai bĩu môi:
- Còn sao nữa, cụ nhà tôi giận lắm. Ông bèn gọi cả nhà ra, bắt nó quỳ giữa nhà để hỏi tội. Ấy thế mà anh rể tôi vẫn chạy ra bênh cho nó, đúng là ăn phải bùa mê thuốc lú mà!
- Đúng là đồ lăng loàn! - Mấy mụ lập tức xướng hoạ.
Tú nghe đến đây không nhịn nổi, nhanh chân quay vào nhà trong.
Bẵng đi một thời gian, bất đồ một ngày nọ, việc mợ cả Liên chửa hoang đã lan đi khắp chốn. Người ta bàn ra tán vào, ban ngày thì tới trước cửa nhà cụ Kiến mà chỉ trỏ, chửi bới, còn ban đêm, đám thanh niên trong làng hò nhau ném đá vào trong. Đã có lần cụ Kiến bị ném trúng đầu, may mắn thay không phải về báo danh với tổ tiên!
3.
Một ngày nọ, Tú ra giếng làng lấy nước. Bất ngờ cô lại gặp được mợ cả, lúc này trông mợ hốc hác đi nhiều lắm, duy chỉ có nụ cười dịu dàng là vẫn nở trên môi. Tú hỏi xa gần về đứa trẻ, Liên xoa xoa cái bụng tròn nay đang mang thêm một sinh linh, cười bảo:
- Thực hư ra sao chỉ cần chồng tôi biết là được rồi. Anh ấy không muốn tôi nói thì tôi sẽ không nói.
- Nhưng bao giờ cho qua cơn bĩ cực này?
Liên quay sang, khẽ cười với vẻ cam chịu:
- Phụ nữ chúng ta khi sinh ra đã có ba bầu trời, khi còn nhỏ đó là cha, khi lớn lên thì đó là chồng, về già chúng ta sẽ phải cậy nhờ con cái.
- Cô không nên suy nghĩ như vậy.- Tú chau mày - Chúng sinh bình đẳng.
Liên cúi đầu ngắm làn nước trong vắt tới mức có thể nhìn thấy cả những viên gạch nung xếp chéo, chua chát:
- Đừng nói đến tôi vội, hãy nói tới cô đi. Cô có dám phá vỡ hay không?
Tú giật mình nhìn Liên. Ở góc độ này trông mợ cả thật cứng rắn, cái cổ kiêu hãnh vươn cao gợi nên cảm giác về một bức phù điêu trung cổ trong cuốn sách "Mỹ thuật thời kỳ Phục Hưng" mà cô đã đọc trộm của anh trai trước đây. Đâu đó trong Tú đã nhìn thấy cái quá khứ bí ẩn của Liên, nhìn thấy sự đập phá bên trong của người phụ nữ này cũng như sự vùng vẫy muốn đạp lên trên cả một quan niệm kéo dài hàng nghìn năm nhưng không thể thực hiện.
- Những người như chúng ta trong xã hội này không phải là hiếm, chỉ là chúng ta không thể gặp nhau hoặc gặp nhau quá muộn trong khi cái dũng khí đã mất đi rồi. - Liên bất ngờ nói tiếp, đôi mắt đẹp mở to ánh lên cái nhìn sắc nhọn của một thời đã qua. - Dần dà chúng ta bỏ ra xa, chúng ta trở nên hèn nhát và tầm thường!
Tú bất ngờ, kinh ngạc và hoảng hốt.
"Cô có dám phá vỡ hay không?" - Câu hỏi này ong lên trong đầu Tú.
Đương lúc đó, mặt nước lặng như tờ đột nhiên bùng dậy, bọt nước bắn tung hoà vào sắc nắng lóng lánh như những chuỗi ngọc.
Thấy con hầu nhà mình, Liên cười:
- Đã có mợ rồi, con còn ra đây làm gì?
Con hầu không trả lời vẫn vục gầu múc cho đầy hai xô nước rồi xỏ đòn gánh, khom người ghé vai chuẩn bị gánh về. Nó nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất:
- Dùng nước đó thì chửa hoang cả lũ à? Cái ngữ này thì chẳng chóng thì chầy cũng bị gọt đầu thả trôi sông thôi!
Nói rồi, nó ngoắt mông đi thẳng. Liên phủi phủi áo, đứng dậy, vuốt lại sợi tóc mái, mỉm cười:
- Thôi, tôi về đây.
- Cô còn muốn về lại nơi đó sao?
- Tôi còn có thể đi đâu đây?
- Họ sẽ không tha cho cô và đứa trẻ.
- Tôi tin... - Liên thở dài, ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh thẳm - Tôi tin chồng tôi, con người ta sống với nhau không chỉ vì cái tình mà còn vì cái nghĩa nữa cô ạ.
- Cô phải phá vỡ...
Liên ngoảnh đầu lại, nở một nụ cười rất nhẹ, gò má chợt ửng hồng phác nên một hình ảnh mong manh diễm lệ, chừng như sắp tan biến giữa thế gian vô tận:
- Cô có dám hay không?
Đó là lần cuối cùng Tú nhìn thấy Liên - Khi còn sống.
Lúc này bên tai Tú bỗng vang lên tiếng thở dài thườn thượt, cô giật mình như bước ra từ cơn mê. Cụ Hoàng nhìn con gái, hỏi:
- Sao con không ra gặp mợ cả lần cuối?
- Thư thư mấy ngày cho mồ mả yên ổn rồi con sẽ ra thưa thầy.
Cụ Hoàng lại ôm ngực ho một tràng dài, cô vội vuốt ngực, đỡ lấy gáy ông:
- Thầy mau nằm xuống nghỉ ngơi, con sẽ dọn cơm lên ngay.
Cụ Hoàng khẽ "Hừm" một tiếng, ông nhìn cô con gái đã qua cái tuổi cập kê từ lâu, ôn tồn:
- Nhịn nhục một chút con ạ, đợi thầy đi rồi mày hãy theo anh mày lên Hà Nội, thoát khỏi cái chốn này đi.
- Thầy đừng nói gở, con còn sống với thầy cả đời mà.
Ông cụ thở dài đánh thượt:
- Một xác hai mạng, bao giờ chúng ta mới có thể thay đổi?
Tú im lặng, trông ra ngoài. Mới đó mà sắp lập thu rồi...
***
6/3/2013