Số lần đọc/download: 1419 / 23
Cập nhật: 2017-06-01 11:35:31 +0700
Chương 8 - Nguyễn Trường Tộ Với Việc Nông Chính
N
ước ta là một nước từ xưa vẫn lấy nghề nông làm gốc; đại đa số Quốc Dân chỉ trông vào nghề làm ruộng mà sống hàng ngày. Ấy thế mà phương pháp canh tác còn thô sơ, chất phác lằm; nông khí thì đơn giản; cày bừa chỉ hời hợt trên mặt đất mà thôi; công việc trồng trọt thì nặng nề; cả một gia đình người nông phu suốt năm cặm cụi trên thủa ruộng...Thỉnh thoảng những nạn hạn hán, thủy tạo lại tiến đến...
Theo ý ông Nguyễn Trường Tộ, những mối tệ hại ấy sinh ra bởi sự ngu dốt của dân, mà cũng bởi những sự khuyết điểm trong chính sách canh nông của Triều Đình nữa.
Người mình làm ruộng chỉ biết theo cổ tục, cha truyền con nối, chứ nào ai dạy dỗ, chỉ bảo cho biết các phương pháp thuận tiện bao giờ? Đã thế lại hay tin dị đoan; nhiều khi biết lợi trước mắt cũng không làm; chỉ vì sợ động âm phần, chạm long mạch mà chẳng dám bồi đắp ruộng đất, để đến nỗi nhiều nơi bỏ thành hoang địa. (Tế cấp bát điều, điều thứ tư)
Vậy muốn mở mang nông chính, trước hết phải dạy cho dân hiểu rõ nghề của họ.
Vì thế ông xin Triều Đình cho soạn những sách nông chính để phát cho dân gian: ‘’Nên thông sức cho cả nước xem có ai tìm được cách làm ruộng thế nào cho hợp với thổ nghi, ai biết được thời tiết sớm muộn thế nào, các thứ lúa nên trồng thế nào, các giống vật nên nuôi thế nào, mỗi việc đều trình rõ để đem về Bộ, rồi sẽ đem so sánh với sách ‘’Nông chính toàn thư’’, mà soạn ra một quyển sách khác...Muốn soạn ra được thứ sách ấy thì công phu rất là khó nhọc, tất phải chọn được người nào biết quan sát địa thế và có tài chuyển bát, mới làm được.
Chứ những người chỉ có tài văn chương giỏi về lối khai, thừ, chuyển, hạp, giỏi về các dấu bình, thượng, khứ, nhập, thì chính họ làm no ấm mình họ còn chưa xong, huống chi làm no ấm cho người khác’’.
Nhưng soạn sách cũng chưa đủ, vì có sách mà không người chỉ dẫn thì cũng vô ích. Cho nên ông Nguyễn Trường Tộ xin Triều Đình lập ra ngạch nông quan. Tuy ở nước ta ngay từ đời Lê Thánh Tôn đã có đặt ra chức khuyết nông, nhưng thực ra chính quan cũng không hiểu gì đến việc làm ruộng, thì biết giảng dạy gì cho dân: ‘’Ở nước ta việc đặt ra nông sứ bỏ đã lâu ngày không giảng cứu đến, nay thốt nhiên đem ra thi hành, trên quan thì nói rằng không biết lấy gì mà dạy dân; còn dưới dân thì nói rằng; hễ mặt trời mọc ra đi làm; chờ mưa xuống, bắt đầu cày, cần chỉ dạy dỗ’’ (Điều trần về việc sinh tài và khẩn hoang, ngày 28 tháng 8 năm Tự Đức thứ 24-1871).
Bởi thế, trước khi bổ các nông quan, phải cần bắt họ học về nghề làm ruộng đã. Theo ý ông nhà nước nên chọn các tú tài, cử nhân có tư cách, rồi bắt học khoa canh nông và những khoa phụ thuộc như thiên văn, địa chất. Họ cần phải hiểu thời tiết, phương hướng, địa thế, các màu đất, các giống cây; lại cần hiểu giống nào hợp với mùa nào, hướng nào, đất nào. Khi họ học đã thành tài, nhà nước sẽ đặt một kỳ thi để lực chọn. ‘’Những người thi đỗ về khoa nông học, thì được bổ đi mỗi huyện một viên. Việc làm của viên ấy là phải trông coi các đồng ruộng...rồi sức cho lý trưởng truyền với chủ ruộng biết rằng ruộng của họ cần phải làm vào ngày nào, gieo giống lúa gì, gieo thưa hay gieo dày, cày mấy lần, làm cỏ mấy lần, khi nào bừa, khi nào tát nước, việc gì cũng phải theo phép quan mà làm...Phàm các tệ ở dân gian phải chỉnh đốn lại; ngày nào cũng phải tuần hành để chỉ bảo cho người làm ruộng, như là một ông điền chủ vậy, ông điền chủ gánh vác việc nhà, phải lo làm giầu cho nhà, thì ông nông quan trông nom trong huyện, phải lo làm giàu cho huyện; vậy cũng phải siêng năng bôn tẩu mới được. Còn cách cư xử của mấy ông nông quan phải cho giản dị như cách đời xưa và như cách những ông quan ở phương Tây, thì mới mong chạy được công việc’’.
Đã có sách để dạy dân phương pháp canh tác, lại có quan để chỉ dẫn cho dân, việc canh nông hẳn là sẽ được mở mang. Nhưng nhà nước còn phải lo tránh cho dân những nạn hạn hán và thủy lạo. Vì thế ông Nguyễn Trường Tộ có bàn kỹ lưỡng về vấn đề trị thủy và dẫn thủy nhập điền.
Việc trị thủy ở nước ta đã có từ lâu; về thế kỷ thứ chín, Cao Biền đã cho đắp đê quanh Thành Đại La để giữ nước sông. Từ đời Trần Thái Tôn trở đi đến đời Lê đời Nguyễn, việc trị thủy đều coi là việc hệ trọng. Song theo ý ông Nguyễn Trường Tộ, đắp đê hai bên sông Nhĩ Hà không phải là, đắc sách, mà chỉ là bắt chước lối trị thủy ở sông Hoàng Hà bên Tàu mà thôi. Nhưng địa thế sông Hoàng Hà không giống địa thế sông Nhĩ Hà. Vì thế, dù đê vẫn đắp mà dân gian vẫn bị lụt. Ông nói: ‘’Hồi còn nhỏ, tôi đã có đi chơi hai ba ngày trên con đường đê Nhĩ Hà; tôi thường thấy mặt đê cao hơn ruộng đến ba trượng, còn phía đê cao hơn ruộng phía ngoài đến một vài trượng, mỗi khi nước dâng lên trong đường đê, bề cao trông như hòn núi, thế thì dù đê có bằng đá chăng nữa cũng chưa chắc ngăn nổi sức nước, huống chi là bằng đất!’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ sáu).
Vậy thì phải làm thế nào?
Theo ý ông: ‘’Những đê sẵn có không cần phá, chỉ nên theo địa thế mà đào lấy vài chục con sông con, cho tiếp nhau với các cửa đê. Hai bên sông con, lại lấy đất đào trong đó mà đắp cho thành các đê con, cứ tiếp theo đê lớn mà đi xiên xuống mãi; lại nên theo địa thế, chỗ nào nước tràn vào mà không hại đến ruộng, thì mở ra cho nhiều đường rãnh, để tiện thuyền bè qua lại theo việc cấy gặt, thâu được cái lợi cá tôm và để chứa nước như các hồ nhỏ (Đại phàm con sông nào hai bên có nhiều hồ đầm, thì không có hại nước lụt, xem như sông Dương Tử bên Tàu thì biết). Các con sông con, nên đảo chó phía Bắc chảy về Hải Dương phía Nam chảy về Ninh Bình, chắc là nước không vào sông lớn như ở sông Hoàng Hà nữa. Vả chăng nước ở trên cao mà chảy xuống thấp, chỉ có nước xuống chứ không có nước lên, lại nhân vì chất đất xốp bở nước xói đào cũng dễ, chỉ độ vài năm là các sông con sẽ mở rộng ra, không sợ bị lấp tịt nữa’’.
Về việc dẫn thủy nhập điền để tránh cho dân cái nạn hạn hán thì ông cũng xin đào sông, mở lạch cho nhiều để dân gian có thể đem nước vào ruộng. Chính ông nhận đứng lên trông nom công việc ấy, nếu Triều Đình tin cậy ở ông.
Khi các việc công tác ấy đã tránh cho nhà nông những nạn hàng năm, thì mùa mạng sẽ được chắc chắn, dân gian không đến nỗi đói khổ nheo nhóc.
Còn ở chỗ nào, ruộng nương chưa được mở mang, ông bàn nên thi hành chính sách khai hoang và di dân.
Ông xin Triều Đình đặt ra luật lệ nhất định để cho dân có thể khai khẩn đất đai mà không bị đòi hỏi lôi thôi. Chính mắt ông thấy ở làng Thanh Hải Phủ Hưng Nguyên, Tỉnh Nghệ An ‘’một khoảng đất chừng hai trăm mẫu vẫn bỏ hoang, chỉ làm ổ cho giống ốc, hến. Một người thấy thế, liền rủ bạn chung tiền bồi đắp chỗ ấy, tốn kém đến hai nghìn quan; lúc cấy đã tốt lắm. Thế mà chỉ vì có kẻ phát giác là tranh chiếm nên người đã có công khẩn miếng đất ấy phải tức mình mà bỏ đi, khiến khoảng đất ấy lại là một cái ổ cho ốc, bến sinh nở’’. Thực là đáng tiếc!
Ông khuyên nhà nước nên theo gương Vua Thế Tổ Nhà Minh mà xuống lệnh cho phép nhân dân được tự do khai khẩn, chỉ khi nào đất đã ‘’thành điền’’ thì mới phải chịu thuế với nhà vua.
Ở những nơi xa xôi, không có đủ nhân công mà khai phá, thì ông xin Triều Đình bắt những bọn côn đồ, tù tội, cho họ đem cả gia quyến lên những chỗ rừng xanh núi đỏ, để họ chặt cây mở đường, khai vỡ ruộng nương. Khi công cuộc đã thành hiệu, thì cho họ được hưởng quyền lợi lâu dài. Như thế đã trừ hại cho lương dân, mà còn mở đường nhân nghĩa cho bọn du đãng vô lại nữa. Trong điều thứ bảy ở ‘’Tế cấp bát điều’’, ông có kể tuốt cả hai mươi điều lợi trong việc dị dân ấy.
Nhưng theo ý ông Nguyễn Trường Tộ, khai hoang không phải là phá rừng. Ông lấy làm buồn mà nhận thấy rằng chung quanh làng ông bao nhiêu rừng đều bị dân ngu đem rìu búa đến đốn và có khi lại còn lấy lửa mà đốt cả một dãy núi nữa. Họ phá rừng như thế là vì họ không hiểu công dụng của cây trong việc điều hòa thời thiết. Ông lấy thí dụ bên Mỹ bên Tàu và ngay ở Tỉnh Nghệ An chứng rằng cây cối có ảnh hưởng đến mưa gió và nạn thủy lạo.
Vì thế, ông xin nhà nước đặt giới hạn cho các khu rừng cấm, để những người tham, người dốt không có thể phá tan ‘’cái diệu ý của Tạo Hóa đã sinh ra núi rừng là để làm cái đại dụng cho nhân loại’’ (Tế cấp bát điều, điều thứ bảy).
Ông cho rằng chức vụ của các nông quan không phải chỉ là trông nom việc ruộng, mà còn phải để ý đến việc trồng trọt cây cối nữa: ‘’Ở các nhà vườn, sơn phần, lâm phần, phàm trồng cây gì dùng gỗ, cây gì ăn quả, phải y theo phép quan; mà quan thì phải thân hành đến tận nơi, chỉ có người ta biết chỗ nào nên trồng cây gì, vun trồng, bồi, đắp thế nào; khi cây đã tốt thì đến mùa Thu phải đi xét lại một lượt, chỉ vẽ cây nào đáng cắt bứt cành nào, về hướng nào; đến khi cây đã lớn, dùng được rồi hoặc bị sâu ăn thì sức cho đốn xuống, nhưng phải trồng ngay một cây nhỏ ở bên, chứ người chủ vườn không được lấy ý riêng mà làm tổn hại đến cây’’.
Muốn khuyến khích các nhà nông lành nghề, ông xin nhà nước khen thưởng ‘’người nào nghĩ được cách gì mới, như trồng mía mà tốt gấp hai mía thường, làm ra đường nhiều gấp hai thứ mía khác, thì nông quan phải đến tận nơi nghiệm xét mà tư thưởng; rồi bảo người ấy khai rõ những phép vun trồng thế nào, thông sức cho mọi người biết để bắt chước mà trồng, như vậy thì tự nhiên danh người ấy đồn khắp của nước’’.
Ông lại mong nhà nước đặt ra những cuộc đấu xảo về canh nông để cho dân quê biết rằng dù nghề chân lấm tay bùn mà khéo léo hơn người, giỏi giang hơn người, cũng được nhà vua chăm chú đến.
Cả cái chương trình rộng lớn về nông chính ấy, ông xin Triều Đình cho ông thử thi hành trong một xứ. Nếu ngoài bốn, năm năm mà không có kết quả tươi đẹp, ông xin cam chịu tội võng ngôn.
Tuy thế mặc dần, tấm nhiệt tâm của ông cũng vẫn không được ai chú ý đến.