You know you've read a good book when you turn the last page and feel a little as if you have lost a friend.

Paul Sweeney

 
 
 
 
 
Tác giả: Philip Roth
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Everyman
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
gần ấy lần phẫu thuật và nằm viện đã chính thức biến ông thành một kẻ cô đơn và kém tự tin hơn hẳn so với những năm đầu mới nghỉ hưu. Thậm chí cả sự yên bình và tĩnh lặng ông hằng trân quý dường như cũng bị biến thành một dạng xà lim biệt giam tự sinh, và ông bị săn lùng bởi cảm giác mình đang tiến đến đích cuối. Nhưng thay vì chuyển về khu Manhattan dễ bị tấn công, ông quyết định chống lại cảm giác xa lạ với thế giới xung quanh do những hạn chế về thể xác, mà nhập thế mạnh mẽ hơn nữa. Ông làm việc này bằng cách tổ chức hai lớp dạy vẽ hàng tuần cho dân trong làng, một lớp buổi chiều cho người mới bắt đầu, và một lớp buổi tối cho những ai đã hơi hơi quen với màu vẽ.
Có chừng mười người tại mỗi lớp, và họ rất thích tụ tập trong xưởng vẽ sáng sủa của ông. Nói chung, học vẽ chỉ là cái cớ để họ ở đó, và phần lớn trong số họ đến lớp vì cùng lý do ông mở lớp: kiếm tìm mối liên hệ dễ chịu với người khác. Chỉ có hai người là không hơn tuổi ông, và mặc dù tuần nào cũng tụ tập trong tâm trạng vui tươi thắm tình đồng chí, những cuộc nói chuyện lần nào cũng quay về chuyện ốm đau bệnh tật, chuyện đời tư của họ, đến lúc này đã đồng nhất với chuyện đời thuốc men của họ, và những lời trao đổi dữ liệu y tế áp đảo gần như mọi thứ khác. Tại xưởng của ông, họ dễ dàng nhận ra nhau qua bệnh tật hơn là qua những bức vẽ. "Đường huyết của ông thế nào rồi?" "Huyết áp bà ra sao?" “Bác sĩ của bà bảo sao?" "Ông nghe chuyện hàng xóm tôi chưa? Di căn tới gan rồi." Một ông còn đeo cả bình ô xy di động đến lớp. Một ông khác thì run bần bật vì Parkinson nhưng vẫn muốn học vẽ. Tất cả bọn họ, không trừ một ai, đều phàn nàn - đôi khi tếu táo, đôi khi không - về chuyện ký ức ngày một mờ đi, và bảo tháng năm và xuân hạ trôi qua nhanh ra sao, cuộc đời chẳng còn chuyển động theo tốc độ cũ nữa. Có hai phụ nữ phải điều trị ung thư. Một bà phải bỏ dở khóa học để trở lại bệnh viện điều trị. Bà kia thì đau lưng rất dữ và đôi khi phải ra góc phòng nằm xuống sàn mươi mười lăm phút rồi mới dậy tiếp tục vẽ bên giá được. Sau vài lần như thế, ông bảo bà nên vào phòng ngủ của ông mà nằm bao lâu tùy thích - trong đó có một cái đệm chắc chắn và bà sẽ thấy thoải mái hơn. Một lần, sau nửa tiếng không thấy bà ra, ông gõ cửa và, khi nghe thấy tiếng bà khóc bên trong, mở cửa bước vào.
Đó là một phụ nữ tóc bạc cao và thanh mảnh, hơn kém ông chừng một hai tuổi, với vẻ bề ngoài và sự dịu dàng gợi ông nhớ tới Phoebe. Tên bà là Millicent Kramer, và đến thời điểm đó bà là học viên giỏi nhất của ông và, trùng hợp thôi, là người bớt bầy hầy nhất. Chỉ mỗi mình bà, trong cả cái lớp mà ông rộng lượng gọi là "Vẽ nâng cao", là xoay xở nổi để hoàn thành mỗi giờ vẽ mà không làm màu vẽ rớt hết lên đôi giày chạy. Ông chưa từng nghe bà nói, như những người khác, rằng, "Tôi không thể điều khiển màu vẽ theo ý tôi được," hay "Tôi có thể hình dung ra nó trong đầu nhưng có vẻ như tôi không thể vẽ lại nó trên bạt được," ông cũng chưa từng phải bảo bà, "Đừng sợ, đừng lùi bước." Ông cố gắng rộng lượng với tất cả bọn họ, ngay cả với những người kém đến tuyệt vọng, thường cũng chính là những người vừa vào lớp đã nói ngay, "Tôi vừa có một ngày tuyệt vời - hôm nay tôi thấy có hứng quá." Khi cuối cùng không nghe nổi thêm câu nào như thế nữa, ông nhắc lại với họ, một điều ông mang máng nhớ Chuck Close [6] từng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn: những kẻ nghiệp dư mới kiếm tìm cảm hứng; còn chúng tôi chỉ đứng dậy bắt tay làm. Ông không bắt đầu dạy họ vẽ ngay, vì hầu như chẳng ai trong số họ có khả năng vẽ, và một người mẫu sẽ đặt ra đủ loại vấn đề về tương quan và tỉ lệ, nên, thay vì thế, sau khi họ học xong vài buổi về nguyên lý cơ bản (bố trí màu thế nào, sắp xếp bảng màu ra sao, vân vân) và làm quen với dụng cụ, ông thường đặt tĩnh vật lên bàn - một cái lọ, vài bông hoa, một loại quả, một tách trà - rồi khuyến khích họ lấy chúng làm mẫu. Ông bảo họ hãy sáng tạo chỉ với ý là hãy thả lỏng bản thân và dùng đến toàn bộ cánh tay mà vẽ, nếu có thể, một cách không sợ hãi. Ông bảo họ không cần phải lo lắng về việc vật mẫu trông thế nào trên thực tế: "Hãy suy diễn," ông nói, "đây là một hành động sáng tạo." Rủi thay, câu đó đôi khi cũng dẫn ông tới việc phải bảo ai đó, "Ông biết đấy, có lẽ cũng không nên vẽ cái lọ to hơn tách trà đến sáu lần." Trăm lần như một câu trả lời đều là "Nhưng ông bảo tôi phải suy diễn mà," và ông đành lấy hết lòng tử tế của mình ra mà đáp, "Tôi đâu muốn suy diễn nhiều đến thế." Nỗi khổ ông không mong phải xử lý nhất ở lớp nghệ thuật là những bức vẽ theo trí tưởng tượng; nhưng bởi vì họ đều hồ hởi trước "sự sáng tạo" và ý tưởng thả mình tự do, hai thứ này luôn trở thành chủ đề phổ biến từ buổi học này sang buổi học khác. Đôi khi, điều tồi tệ nhất cũng xảy ra: một học viên nói, "Tôi không muốn vẽ mãi hoa quả nữa, tôi muốn vẽ trừu tượng, như ông ấy." Vì biết rõ chẳng có cách nào đề tranh cãi về việc một người mới tập tọng vẽ gì khi gã vẽ thứ gã gọi là tranh trừu tượng ấy, ông bảo gã, "Cũng hay - sao ông không vẽ bất cứ thứ gì mình thích nhỉ?" và khi đi quanh xưởng vẽ, đưa ra những lời khuyên một cách đầy trách nhiệm, ông sẽ phát hiện ra, cũng phải thôi, rằng sau mỗi lần ngó vào một thử nghiệm vẽ tranh trừu tượng, mình chỉ còn biết nói "Cứ tiếp tục đi." Ông cố gắng liên hệ chuyện vẽ tranh với giải trí hơn là với nghệ thuật bằng cách trích dẫn Picasso cho họ nghe, câu gì đó đại ý là muốn vẽ như một người trưởng thành thì phải trở lại được tuổi thơ. Chủ yếu thì những gì ông đang làm chỉ là lặp lại những gì ông từng nghe hồi còn nhỏ, mới đi học vẽ và giáo viên cũng nói những điều y chang.
Ông chỉ không bị buộc phải nói cụ thể như vậy khi đứng bên Millicent xem bà có thể làm gì và đã tiến bộ ra sao. Ông có thể cảm nhận được ngay rằng, bà có năng khiếu bẩm sinh và rằng, nó vượt xa thứ tài năng chỉ bắt đầu bộc lộ trong quá trình học ở một số người khác. Với bà không bao giờ có câu hỏi pha màu đỏ và lam ngay trên bảng màu thế nào mà hơn thế là làm sao để điều chỉnh hỗn hợp màu bằng chút màu đen hay màu lam để tạo nên những màu hài hòa thú vị, và những bức tranh bà vẽ luôn thành một chỉnh thể, chứ không phân tán rời rạc như hầu hết những bức ông phải đối mặt, khi đi từ giá vẽ này sang giá vẽ kia, và, vì chẳng nghĩ ra gì khá hơn nữa, ông nghe thấy mình bảo, "Phối màu hài hòa đấy." Thực sự thì ông cũng có nhắc Millicent "Đừng có quá tay," nhưng ngoài ra thì không lời khuyên nào của ông với bà là uổng phí còn bà cũng luôn tìm kiếm ý nghĩa dù là mờ nhạt nhất trong bất cứ điều gì ông bảo bà. Cách vẽ của bà dường như nảy sinh trực tiếp từ bản năng, và nếu như tranh của bà trông khác với mọi người trong lớp thì đó không chỉ do sự khác biệt trong phong cách mà còn do cách bà cảm nhận và nhận thức mọi vật. Những người khác luôn quá nhạy cảm ở các mức độ khác nhau; và mặc dù hầu hết cả lớp đều đầy thiện chí, một vài người vẫn cảm thấy bực bội khi thấy mình lại phải cần tới người khác giúp đỡ, và thậm chí chỉ một lời phê bình vô ý có thể làm một người đàn ông, cựu CEO một công ty sản xuất, tự ái đến phát sợ. Nhưng với Millicent thì không bao giờ: bà hẳn sẽ là học viên đáng hài lòng nhất trong lớp dạy vẽ nghiệp dư của bất cứ ai.
Lúc này ông ngồi bên cạnh bà trên giường, tay nắm tay bà, nghĩ ngợi. Khi ta còn trẻ, quan trọng là phần thể xác, là vẻ bề ngoài. Khi già đi, phần nội tâm mới là quan trọng, và người ta sẽ thôi để tâm đến việc trông ta ra sao.
"Bà có thứ thuốc nào có thể uống cho đỡ không?" ông hỏi bà.
"Tôi uống rồi," bà đáp. "Tôi không thể uống thêm nữa. Đằng nào thì nó cũng chỉ có tác dụng trong vài giờ. Chẳng ích gì đâu. Tôi đã phải phẫu thuật ba lần. Cứ lần sau thì quy mô lại lớn hơn, đau đớn hơn lần trước, và mỗi lần phẫu thuật lại khiến cơn đau tồi tệ thêm. Tôi rất tiếc vì lại ở trong tình trạng thế này. Tôi xin lỗi."
Ở chỗ gần đầu bà trên giường là cái nẹp lưng bà đã tháo ra cho dễ nằm xuống. Nó gồm một tấm nhựa trắng được gắn với lưới sợi vải co dãn và các dây khóa dán giữ cho một miếng vải bạt viền nỉ hình chữ nhật cố định thoải mái trên bụng. Mặc dù vẫn mặc nguyên chiếc áo trắng bảo hộ khi vẽ nhưng lúc ông mở cửa bước vào bà đã tháo cái nẹp ra giấu dưới gối, đó là lý do tại sao giờ nó lại ở cạnh đầu và không thể nào không liên tục gây chú ý trong lúc họ nói chuyện. Đó chỉ là một cái nẹp lưng bình thường, bên dưới lớp vải ngoài đã sờn, phần nhựa phía đuôi chỉ cao khoảng tám, chín inch, nhưng nó nói với ông về sự gần gũi giữa bệnh tật và cái chết ở trong cái làng hưu trí thịnh vượng này.
"Bà uống nước nhé?" ông hỏi bà.
Nhìn vào mắt bà ông có thể thấy con đau ấy khó chịu đựng ra sao. "Vâng" bà yếu ớt đáp, "xin cho tôi một cốc."
Chồng bà, Gerald Kramer, từng là chủ sở hữu, chủ bút kiêm biên tập viên một tuần báo hạt, một báo địa phương hàng đầu không ngại phơi bày nạn tham nhũng trong chính quyền thành phố khắp vùng bờ biển. Trong trí nhớ của ông, Kramer, một kẻ lớn lên trong khu ổ chuột gần Neptune, là một gã hói, rắn rỏi, cứng đầu, đi đứng nghênh ngang, chơi tennis vụng về nhưng máu chiến, có một chiếc Cessna và mỗi tuần lại điều hành một nhóm thảo luận về các sự kiện thời sự - hoạt động buổi tối nổi tiếng nhất trên lịch của người dân Starfish Beach, sánh đôi với những buổi chiếu lại phim cổ, do hội điện ảnh tài trợ - cho tới khi ông bị chứng ung thư não đánh gục và người ta chỉ còn trông thấy ông trên chiếc xe lăn do vợ đẩy đi quanh các con đường làng. Trước đó, ngay cả khi đã về hưu ông vẫn tiếp tục có cái vẻ của một đấng toàn năng cống hiến cả đời mình cho một sứ mệnh hệ trọng nào đó, nhưng trong mười một tháng trước khi chết dường như ông đã bị xuyên thủng bởi nỗi hoang mang, choáng váng trước sự tiêu biến của mình, choáng váng trước sự bất lực của mình, choáng váng khi nghĩ rằng cái kẻ đang chết dần chết mòn trong xe lăn này - kẻ không còn khả năng đập một cú tennis, giong buồm ra khơi hay lái máy bay, chứ đừng nói đến biên tập một trang của mục Monmouth County Bugle - lại có thể giống mình. Một trong những điểm khác người hấp dẫn của ông là, không vì lý do gì đặc biệt, thỉnh thoảng vẫn diện bộ tuxedo đi nhà hàng trong làng ăn món bê scaloppine cùng bà vợ tuổi năm mươi có lẻ. "Không thì tôi còn diện nó vào dịp quái nào nữa?" là lời giải thích cộc cằn duyên dáng của ông dành cho tất cả mọi người - đôi khi ông có thể quyến rũ người khác bằng nét duyên bất ngờ như thế. Nhưng sau cuộc phẫu thuật, vợ ông luôn phải ngồi bên ông, chờ ông chật vật mở miệng và rón rén đút cho ông, người chồng khệnh khạng, quý ông thô lỗ, ăn bằng một cái thìa. Ngoài phố nhiều người biết Kramer và ngưỡng mộ ông muốn chào và hỏi thăm sức khỏe ông, nhưng thường thì vợ ông đều phải lắc đầu để cảnh báo họ hãy tránh xa ra khi ông đang chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng chua cay của kẻ từng là trung tâm của vũ trụ một cách đầy quả quyết giờ chỉ còn ở giữa hư không. Phải chăng giờ chính ông cũng là hư không, chẳng là gì ngoài một số không bất động giận dữ đợi chờ được hưởng cái ân phước bị xóa sổ tuyệt đối.
Người Phàm Người Phàm - Philip Roth Người Phàm