Số lần đọc/download: 1970 / 46
Cập nhật: 2017-09-14 22:16:10 +0700
Chương 9 Em Đợi Mùa Đông
E
m có biết không em? Chúng ta như đang đi trên con đường hình chữ Y, cùng đi và rồi rẽ sang hai phía. Người ta nói hãy lật ngược chữ Y lại mà đi. Đơn giản lắm nhưng đâu có dễ. Cuộc sống đâu phải thứ gì cũng lật ngược lại được, ngay cả sự thật.
Em có đợi mùa đông
1. 1%
Mùa đông đã lặng lẽ về từ bao giờ. Lúc nào cũng thế, chẳng lên tiếng, tôi chỉ thấy như có ai đó khẽ khàng đi bên tôi trên những con đường lấm tấm bụi. Lạnh. Bầu trời điềm đạm như ông Bụt. Gió rì rầm ở đâu đó, khẽ khàng có lẽ không muốn cho tôi nghe.
- Chị Mẫn quên mang nước này!
Bi lon ton chạy lại phía tôi. Trông em lũn cũn hệt một cục bông nhỏ đáng yêu. Tôi đón lấy bình nước sâm từ em, hôn chụt chụt vào má rồi dẫn em quay lại. Em vẫy vẫy, bàn tay nhỏ xinh như chiếc lá.
Hôm qua ba lại không về. Sáng nay nhìn sắc mặt dì không tốt lắm. Tôi chỉ nhón lấy một miếng bánh mì trước khi chào dì rồi đi. Tôi cứ ngơ ngẩn ngắm bầu trời ảm đạm, những đám mây tưởng như sắp rơi xuống mà không thể rơi nổi. Không biết đêm qua ba ngủ ở đâu, trời lạnh rồi, khéo lại bị cảm mất.
Có những nghịch lý mà người ta gọi đó là "cuộc sống" nhưng tôi chẳng thể ngờ nó lại xảy ra với chính gia đình nhỏ của mình. Có nhiều câu chuyện về người mẹ thứ hai, về mẹ ghẻ con chồng, tôi may mắn không phải trở thành nhân vật trong những câu chuyện khắc nghiệt đó, dù đúng là tôi có một người dì sau khi mẹ tôi ra đi, cũng lặng lẽ và lạnh như mùa đông, khi mà tôi mới chỉ nhận thức được mùa đông là phải mặc thêm vài cái áo.
Dì đối với tôi rất tốt, chăm sóc và chưa một lần mắng mỏ, thế mà tôi lại chỉ ước một lần thôi cũng được, dì phạt tôi như phạt em Bi úp mặt vào tường, dì quát tôi như với em Bi khi làm sai điều gì đó. Đối với tôi, dì như một bông pha lê kiêu hãnh ở xa, xa mãi, nhưng vẫn cảm thấy lạnh. Tôi nhớ mẹ, mẹ giống hoa Salem, mỏng manh nhưng rất ấm, chỉ nở vào mùa đông.
Tôi biết mình nên tập quen dần với những mùa đông như vậy. Có lẽ em là niềm an ủi lớn nhất đối với tôi. Bi là em tôi, cùng ba. Em lúc nào cũng ríu rít như một con chim non, cũng khá nghịch nên hay "được" dì phân biệt đối xử bắt úp mặt vào tường. Với tôi, em như một vật báu trong vắt, tôi có thể soi vào khi chẳng muốn nhìn thấy ai, có thể ôm em ngủ để kể về những nỗi lòng chẳng ai hiểu.
Vẫn tưởng đối với người phụ nữ thứ hai, đặc biệt lại còn có thêm một thiên thần như vậy thì sẽ chẳng bao giờ có sự đổ vỡ nào thêm nữa, nhưng những vết rạn nứt vẫn lớn dần. Tôi chẳng biết giải thích thế nào cho Bi hiểu, khi bình hoa rơi tung tóe trên sàn nhà làm em thức giấc, hai đứa đứng nép vào cánh cửa, đều run. Tự tôi cũng không thể giải thích tại sao lại trớ trêu đến vậy, nhưng tôi cũng chẳng tìm hiểu thêm, có lẽ nên học cách chấp nhận. Tôi thường bịt mắt Bi bằng những câu chuyện ngụ ngôn. Em phải nghe chuyện về động vật thì mới ngủ được.
Cuộc sống của tôi là một chuỗi những điều rời rạc. Nghe có vẻ phi lý, những gì xảy ra chẳng một thứ gì liên quan tới nhau. Mỗi tối, khi ôm em ngủ, tôi lại cố gắng xâu những cảm giác ấy thành một chuỗi, từng hạt một...
Hôm nay xe buýt vắng!
Trời vẫn âm u, tôi tựa đầu vào cửa kính, mỉm cười và nhớ về những hạt cất sâu trong đáy lòng.
Cũng trên chiếc xe này, lần đầu tiên tôi bị móc túi. Túm vội bàn tay gớm ghiếc đang từ từ cho vào trong túi áo, tôi bắt gặp ánh mắt trợn trừng của kẻ móc túi và hàng chục ánh mắt ngạc nhiên, trốn tránh của những người trên xe. Ánh mắt nào cũng làm tôi buồn và giận, nhưng dễ hiểu thôi, phần đông xã hội này nghĩ rằng nếu không làm kẻ xấu thì sẽ bị cô độc. Tôi biết mình thua khi tên trộm rút con dao gấp sáng lóa ra. Khi tôi quyết định bỏ tay hắn, cũng là lúc một bàn tay khác nhanh như cắt giằng lấy con dao từ bàn tay xăm đầu lâu xương chéo xuống.
- Anh xuống xe ngay không tôi báo công an bây giờ.
Tên móc túi bất ngờ nhưng vẫn thách thức:
- Đừng có ngu chú em ạ!
- Anh xuống xe ngay không, tôi đâm anh rồi nộp cho công an, xuống xe!
Xe dừng. Tên côn đồ xuống xe mắt ngầu lên quay lại nhìn cay cú một lần nữa. Cả xe choáng nặng, chẳng hề thấy xấu hổ lấy một chút, cứ quây vào hỏi han, đa số là câu: "Sao chú liều thế". Còn tôi thì vẫn còn đơ, ngỡ mình gặp "Phật sống" giữa ban ngày, nhưng "Phật" sao lại ăn mặc thế kia, lại còn đóng thùng nữa. Tôi chạy theo khuôn mặt vã mồ hôi
xuống xe.
- Cháu... cảm ơn chú. À, em... cảm ơn anh.
"Phật" ngoảnh mặt lại, mặt non choẹt, không biết bao nhiêu tuổi, nhưng có vẻ khuôn mặt này ngây thơ quá mức cần thiết.
- Ừ, không có gì, lần sau đi xe buýt nhớ cất đồ cẩn thận.
Không biết anh lấy đâu ra dũng khí để làm một việc quá sức hoang đường như vậy, nhưng tôi thấy miệng mình tự động nở nụ cười, chợt cảm thấy ấm áp như một buổi sáng mùa đông đón nắng, nhìn mãi theo bước chân vội vã. Anh đi vào trường tôi.
"Lẽ nào học sinh trường mình? Nhưng sao ăn mặc kì cục vậy?".
Tôi cứ ngẩn ngơ một chỗ như con ngốc, lúc bừng tỉnh lại thì người ta đã đi khuất từ lúc nào.
Suốt cả tiết đầu hôm ấy tôi cứ lẩn thẩn nghĩ về anh "Phật sống". Sao trên đời vẫn còn người tốt đến thế?! Nhìn mồ hôi trên trán anh là tôi biết không phải anh không sợ. Nhưng sao vẫn giúp tôi?! Ra chơi tôi đứng ngóng mãi ở ban công, nhìn khắp nơi xem có thấy người
không, đến nỗi chuông báo vào lớp mà không biết. Phải đến khi lớp trưởng gọi vì thầy giáo đã vào lớp rồi, tôi mới nhớ ra là hôm nay lớp có giáo viên Toán mới. Bọn con trai đang hú hét, đập bàn ầm ĩ, tạp âm hệt một cái chợ hải sản.
- Chào mừng thầy đã đến với quận điên có tổ chức, sung sức có đào tạo.
- Ố zê thầy ơi, có điều kiện thì cứ thể hiện.
- Chúc mừng thầy đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi trại giam nếch tóp mo đồ, bây giờ mời thầy đi lối này.
Con trai lớp tôi lúc nào cũng thế, thấy giáo viên mới mà trẻ là bắt nạt ngay. Tôi lẻn xuống cuối lớp. Chúng nó đứng lố nhố khua khoắng nên chưa kịp thấy rõ mặt thấy, mấy đứa con gái thì đỡ hơn, xì xầm với nhau:
- Ôi thầy trẻ thế?
- Đẹp trai, nhưng sao mặt ngơ ngơ...
- Hí hí, ngơ dễ trị!
Hết biết với lũ quỷ sứ này, đến khi thầy bớt choáng và "cầu xin" cả lớp trật tự ngồi xuống, thì đến lượt tôi choáng. Thầy chính là anh "Phật sống". Không thể tin nổi. Tôi là người "thực tế đến mục ghế" (theo lời mấy đứa bạn nói), không bao giờ tin vào số phận, duyên số, những sự trùng hợp 1%, thậm chí tôi cũng chẳng thích Horoscope, thứ mà cả con gái lẫn con trai đều chết mê chết mệt, thế mà chính tôi lại gặp trường hợp như được sắp sẵn thế này. Tôi không biết bộ dạng mình lúc đó ngớ ngẩn ra sao, có lẽ một mình đứng như trời trồng và mắt mở to cỡ quả trứng lộn, xung quanh cười khúc khích, tôi chỉ nhớ ánh mắt "bàng hoàng" chẳng kém của "thầy", rồi dịu lại ngay, một nụ cười ấm áp như buổi sáng mùa đông đón nắng.
- Ngồi xuống đi em!
Buổi học đầu tiên, thầy tên Minh, Hoàng Nhật Minh.
Thế đấy! Có những thứ chẳng hề liên quan với nhau, nhưng cuối cùng lại là một và có những cuộc gặp gỡ tưởng chừng như ngập tràn bất ngờ và hạnh phúc lại rẽ theo một hướng khác. Đến giờ, thời gian đã để lại cho tôi biết bao nhiêu kỉ niệm nhỏ nhoi nhưng rõ ràng và sâu lắm. Tôi cũng không biết tự bao giờ, tôi có thêm một ai đó để soi mình khi tuyệt vọng. Vui nhiều, nhưng cũng không ít lần vu vơ, im lặng. Tôi thầm ước giá như thầy đừng là thầy tôi.
Tôi lại nhớ đến câu cửa miệng của thầy: "Các em ạ, trong Toán học, thích thì được!". Nhưng thầy ạ, bài toán của em, thích nhưng không được, nó mất đi một giả thiết nào đó và em mãi chưa tìm thấy câu trả lời...
2. Chế ngự
Tôi có "bạn" đi chung xe buýt.
Tôi cũng không hiểu nổi tại sao mình luôn cố gắng làm hết tất cả các bài tập Toán tối hôm trước và tìm ra một bài thật khó để hỏi thầy vào ngày hôm sau. Tôi thích ngồi ngắm cái dáng cặm cụi giải bài của thầy, chẳng phàn nàn câu nào, mái tóc hơi "cổ xưa" một chút nhưng có mùi thơm thơm đúng kiểu "rất nghe lời mẹ", đôi mắt sáng trong như mặt hồ sau cặp kính gọng đen giống mắt em Bi quá. Tôi có cảm giác con người này ngoan từ trong trứng ngoan ra.
Thầy giải Toán nhanh lắm, chỉ một lúc là xong, không lẽ tôi lại mang cả quyển sách đi đòi thầy giải cho vì thực ra thì ngoài bài tập, tôi chẳng có lý do gì để ngồi cạnh thầy. Vả lại cũng đâu có chuyện gì để nói, chúng tôi mới biết nhau thôi. Tôi lại lí nhí câu chuyện cũ rích: - Thầy ơi, em cảm ơn thầy ạ!
- Có gì đâu mà cảm ơn hoài thế nhóc.
- Dạ hôm trước em cảm ơn nhầm "anh", hôm nay em cảm ơn thầy ạ.
Thầy bật cười, tôi thở dài. Tôi không muốn nhịp tim bị đẩy nhanh hơn, có hại cho sức khỏe.
- Mà nhóc lần sau đừng liều thế nhé, của mất thì thôi, lỡ bị đâm thì khổ.
- Thầy còn liều hơn cả em còn gì. Hôm ấy mà thầy làm sao chắc em bị cả lớp xử tập thể mất.
- Ừ, thực ra thì thầy chưa đánh nhau bao giờ, nhưng thấy việc như thế thì phải liều vậy thôi, không được sợ những điều mà đa số người ta sợ.
Tôi biết làm thế nào, khi mà tôi đã quen đi dưới bầu trời u ám, giờ đây mỗi sáng, lại thấy nắng rực rỡ ở ngay bên tôi. Tôi quen chế ngự tất cả trong lòng, lúc nào cũng trạng thái tưng tửng khó đỡ. Bây giờ, tôi thở dài hay tim đập nhanh hơn, không ai biết cả, chỉ mình tôi biết. Chắc Bi chẳng biết đâu vì em mới hơn ba tuổi, mặc dù mỗi tối ôm em ngủ, tôi đều kể về chuyện Thỏ gặp Gấu trên xe buýt. Em chỉ thích chuyện về động vật nên tôi không thể kể chuyện hoàng tử, công chúa hay hiệp sĩ được. Khi kết thúc mẩu chuyện thì em đã ngủ từ lúc nào.
Thầy hiền quá thành ra bị bọn lớp tôi bắt nạt. Vào giờ thầy là giở đủ trò. Có hôm tên Huy Hôi Hám lấy phấn vẽ hai hình trái tim lên cạnh bàn giáo viên, thầy dựa vào và in cả hai lên chỗ mà ai cũng biết là ở đâu đấy. Lúc thầy quay lên bảng viết bài, cả lớp cười rần rần, tôi thấy bực bội, đùa quá đáng. Đến lúc thầy phát hiện ra, chỉ lặng lẽ đi ra ngoài. Lúc sau trở vào, mặt thầy nghiêm nghị, nhưng nói thật là nhìn khuôn mặt ấy dù có cố gắng lạnh lùng đến đâu cũng chẳng làm ai sợ.
- Một tiết học không được bao nhiêu, các em cố gắng tập trung nhé và phải tôn trọng giáo viên nữa. Em nào vừa vẽ lên bàn, đứng lên đây với thầy.
Lúc này lũ đạo tặc mới thấy hối, tên "thủ phạm" im im đi lên, chuẩn bị nhận hình phạt.
- Được rồi, em trung thực thế là tốt. Thầy đã làm trò cho em vui rồi, giờ em phải làm các bạn vui. Thầy phạt em múa điệu cò lả ba vòng quanh bục giảng!
Lúc thầy bị hại, chúng nó chỉ dám bịt mồm cười, giờ đây lão tướng Huy Hôi Hám múa cò lả không khác gì thiên nga giãy chết trên bục giảng, cả lớp cười đến banh cả miệng. Lúc thầy đưa tay lên miệng "suỵt suỵt", tôi mới nhận ra, ngay cả mắt thầy cũng biết cười. Bảo sao ai cũng yêu quý thầy, đâu chỉ riêng tôi.
Facebook của thầy lúc nào cũng chỉ có bài tập học trò đăng lên nhờ giải. Hình đại diện thầy chụp chung một người phụ nữ lớn tuổi, trông hiền lành và phúc hậu, là mẹ thầy rồi.
Ngày 19 tháng 10, đột nhiên thầy gửi tin nhắn qua facebook.
- Này Mẫn, phụ nữ thích quà gì nhất?
- Có lẽ là hoa thầy ạ?
- Hoa thì tất nhiên rồi, nhưng quà cơ, thầy thì không biết chọn quà.
- Thầy ơi, mai em cũng đi mua hoa với quà, hay để em mua cho ạ.
- Ừ, thầy cũng đi.
- Dạ.
Chỉ vậy thôi mà cả buổi tối hôm ấy, tôi hôn má Bi đến mấy chục lần. Em yêu tôi lắm nhưng cũng không thể chịu được.
- Chị Mẫn đánh răng chưa đấy!
Tôi cắn nhẹ vào má em.
- Chị Mẫn như con Cáo Già.
Ơ hay, Bi thối, ừ thì không đáng yêu như Thỏ, ừ thì Cáo Già cũng được, ngày mai, Cáo Già sẽ đi mua hoa với Gấu.
Tôi biết rằng không phải cái gì mình thấy vui thì đều là tốt. Tôi vẫn cố để lý trí chế ngự bản thân, nhưng trái tim bay nhảy không thể kiểm soát được. Thầy không nghiêm trang như mọi ngày, nhìn chẳng khác gì một cậu học sinh cùng lứa với tôi nhưng giản dị hơn nhiều. Cửa hàng hoa ngập tràn mùi gió. Tôi tìm đến góc bán Salem. Chưa chớm đông nhưng người ta đã lấy hoa từ Đà Lạt về bán. Tôi nhớ mẹ, nước mắt lại chực trào ra. Thầy ôm một bó Salem vàng rực, hỏi tôi chọn xong chưa: Tôi tròn mắt:
- Mẹ thầy cũng thích hoa Salem ạ?
- Ừ, thích lắm, thích nhất!
Tôi mỉm cười. Những người phụ nữ mỏng manh và ấm áp đều thích hoa Salem. Tôi mua một bó Salem vàng cho mẹ, một bó hồng đỏ đậm tặng dì.
Lúc chọn quà trông thầy ngây ngô và lóng ngóng như trẻ nhỏ. Tôi phì cười làm mặt thầy đỏ lựng lên. Cuối cùng thầy mua máy massage chân cho mẹ bằng tháng lương đầu tiên. Tôi chọn thêm một đôi găng tay làm bếp xinh xắn đưa cho thầy, thầy cười, nụ cười xua âm u trong lòng tôi như từ ngày đầu định mệnh. Tôi chợt nghĩ có lẽ nào mình đang tự thả trôi theo dòng sông cảm xúc, cứ bồng bềnh mơ tưởng mà chẳng để ý đến thực tại. Chợt thấy lòng chùng xuống sợ hãi.
Để cảm ơn, thầy đưa tôi đi thăm mộ mẹ tôi. Tôi thầm cảm ơn vì hằng ngày đi dạy thầy vẫn đi xe buýt để mẹ thầy có thể lái xe đi chơi bất cứ khi nào chán. À không, phải cảm ơn mẹ thầy mới phải, nếu thầy không quá yêu mẹ, thì tôi đã chẳng có cơ hội thấy nắng lên như bây giờ.
Tôi vẫn luôn giấu kín tất cả những câu chuyện với tất cả mọi người. Tôi không có bạn thân mặc dù có rất nhiều bạn bè. Chẳng hiểu sao với thầy, tôi chẳng giấu điều gì. Tôi không nhận ra mình nữa. Trước kia chỉ có em Bi là người tôi kể cho nghe tất cả nhưng em không
hiểu được còn thầy thì khác. Tôi đặt bó Salem trước mộ mẹ, cạnh một bó Salem khác. Ba đã về trước tôi. Tôi thủ thỉ với mẹ những chuyện con gái. Cuối cùng tôi mong mẹ sẽ phù hộ cho ba và dì hạnh phúc, tôi không muốn em Bi phải khổ. Ngày 20 tháng 10 năm nào mẹ cũng xinh đẹp như thuở ấy, còn tôi, đứng trước mẹ, tôi chỉ là đứa trẻ con khóc mãi. Thấy mắt tôi đỏ, thầy không hỏi nhiều, đưa tôi đi ăn kem. Hình như thầy đã làm quá nhiều hơn một lời cảm ơn. Tôi biết là thầy chẳng có ý gì đâu vì những người tốt thường cho đi nhiều hơn là nhận nhưng trong lòng vẫn chộn rộn khó tả. Và có những khoảng chợt lặng đi, tôi nhận ra mình đã tự thả trôi quá xa rồi thì phải. Bây giờ nếu thiếu nắng không biết tôi có còn vui vẻ được hay không?!
- Này Mẫn, cố gắng vào đội tuyển Toán nhé, em có khả năng.
- Dạ vâng em sẽ cố!
- Ừ ngoan!
- Vì thầy sẽ dạy mà!
- Con bé này... Vì mẹ sẽ vui chứ!
Phải, "con bé này", thầy cho ăn kem để dụ dỗ học trò vào đội tuyển thôi mà. Tôi muốn cười nhưng nụ cười nửa ngọt nửa nhạt.
Ba mua hoa hồng vàng. Em Bi tíu tít mừng rỡ như cún con. Tôi cắm hoa vào bình thủy tinh mới mua, mong nó sẽ không có cơ hội làm nứt sàn nhà thêm. Có hoa, có tiếng cười của em Bi nhưng ba và dì vẫn chỉ im lặng. Có lẽ giữa hai người có những câu chuyện quá lớn không thể nói ra. Người lớn thường cố chấp nhất là khi trái tim họ đã quá mệt mỏi.
Tối hôm ấy tôi ngồi với ba, chẳng nói gì, chỉ cầm tay ba rất chặt.
- Có ổn không ba?
- Cũng không biết nữa, ba xin lỗi!
- Dạo này ba gầy quá.
- Con mua Salem chưa?
- Rồi ba ạ, đừng làm em Bi khóc ba nhé!
Ba im lặng, tôi thấy nhói trong lòng. Vào phòng thì em Bi đã ngủ, chắc hôm nay vui quá không cần nghe chuyện Thỏ và Gấu. Đúng lúc ấy nhận được tin nhắn của thầy Minh:
"Cảm ơn nhóc, mẹ thầy rất vui. Hôm nay có sao xanh đấy, ra ngoài xem đi".
Tôi tìm cách trèo lên mái nhà. Ngày còn bé tôi trèo giỏi như một con mèo nhưng càng lớn tôi càng nhát, biết sợ ngã nên không dám trèo nữa, chỉ đứng một chỗ nhìn lên. Chật vật mãi cũng leo lên được. Bầu trời dày đặc sao. Tôi thích những bầu trời đầy sao, thấy tim mình đập khe khẽ. Lúc trèo lên vội quá không kịp mặc thêm áo, nhưng tóc phủ xuống vai và hai tay khiến tôi thấy ấm. Có ba ngôi sao thẳng hàng như một đường kẻ, lại có một chòm sao cô đơn, nhìn thẳng thì không thấy, nhưng nhìn sang những ngôi sao khác lại thấy nó rất rõ. Tôi không thấy sao xanh mà thầy nói.
"Thầy ơi, em không thấy sao xanh nhưng thấy nhiều thứ lắm!".
"Ừ! Có lẽ không có duyên rồi. Hay là mây che mất cũng nên. Nhưng mà nhìn bầu trời đi nhóc, chẳng ngôi sao nào đứng một mình cả".
Không có ngôi sao nào đứng một mình! Đúng thế. Còn tôi đang nằm trên mái nhà, nhưng không phải một mình, không phải chỉ Mẫn mà là Minh Mẫn. Tôi để mặc trái tim nhảy những điệu mà nó muốn, sẽ chẳng ai biết đâu. Dù là "có lẽ không có duyên" nhưng tôi không muốn bóp chết con tim của mình, nhất là dưới bầu trời đầy sao thế này.
Nghe thấy tiếng vỡ dưới nhà, tôi vội vã trèo xuống. Trèo lên thì dễ nhưng xuống thì không hề đơn giản. Song sắt cửa sổ cứa vào chân đau điếng. Máu chảy từ chân tôi xuống sàn. Em Bi vẫn ngủ. Tôi nép vào cánh cửa. Nền nhà như vỡ tan ra cùng những mảnh thủy tinh từ chiếc bình hoa. Tôi không hiểu. Tôi cũng không biết làm gì.
"Thầy ơi, vỡ...".
Cuộc gọi đến, tôi khóc, thầy chỉ im lặng. Tôi đang làm gì thế này? Tôi chưa một lần làm phiền người khác. Tôi đang sai đường phải không??!. Tôi phải chế ngự bản thân cơ mà?
Thầy ơi, bài Toán của em đã đi vào ngõ cụt rồi. Lần này, thầy có giải được không?
3. Lạc mất mùa đông
Hôm sau cố tình đến lớp sớm nhất, tôi lôi ghế ra cửa lớp hít hà mùi buổi sáng.
- Mẫn, làm hết bài tập chưa?
Tôi quay đi ngay, không muốn bị thấy nhìn thấy đôi mắt sưng húp như cái chén của mình. Sao thầy đến sớm vậy nhỉ, lại còn lên lớp làm gì? Thầy quẳng cho tôi gói gì ấm sực.
- Chào chưa? Sao cứ ngồi đần ra đấy? Làm bài tập chưa?
- A xôi!... Thầy cho độc vào phải không thầy?
- Mẹ thầy làm đấy, làm hết bài tập chưa, chưa thì trả tôi mười ngàn tiền xôi.
- Lúc nào cũng bài tập bài tập, em làm rồi, Minh ạ!
- Láo quá, ai cho em gọi tôi thế hả? Cố ăn hết đi lấy sức đến tối mà lấy chậu hứng nước mưa!
Thầy cốc nhẹ vào đầu tôi rồi đi xuống. Tôi còn mưa thế nào được nữa khi nắng đã vàng ươm trên mái ngói thế này?
Minh, sao cứ mở ra những cánh cửa đóng chặt chỉ bằng nụ cười và những lời nói nhưng đối với em đủ nặng để giữ cho em những điều quý giá. Bao nhiêu ngày rồi không rõ, chỉ biết kỉ niệm đã chất đầy trong tim em.
Tôi cứ nhớ, cứ cười một mình, chắc trông giống bệnh nhân tâm thần nên có vài người đã để ý. Tối hôm qua có một cuộc đối thoại ngốc xít:
"Thầy có tin mai là ngày tận thế không thầy?".
"Ngớ ngẩn mới tin, thế em tin à?".
"Nếu mai thầy biến mất thì là tận thế thật đấy thầy ạ".
"Hê, chúc mừng em, mai là ngày tận thế thật rồi, tôi nghỉ".
Ngày 21 tháng 12, "tận thế", tôi vẫn đi học trên chiếc xe buýt thường ngày, không có Minh mọi thứ trở nên trống rỗng, thiếu thốn. Thầy ốm chăng?
***
Dạo này ba và dì bắt đầu to tiếng nhiều hơn. Mỗi lần ba về là tôi phải cho em Bi đeo tai nghe và mở nhạc thiếu nhi. Tôi chán nản và mệt mỏi. Gia đình nhỏ! Tại sao những sóng gió lớn lại cứ ập tới gia đình nhỏ của tôi trong khi em Bi đáng được hưởng hạnh phúc hơn bao giờ hết?! Nhiều khi trong giờ học, hình ảnh mẹ lại thấp thoáng đâu đó trên những trang vở. Tiếng cười nào cũng nhắc tôi nhớ xem em Bi lúc này đang làm gì?! Tôi yêu tất cả những gì thuộc về kí ức hay hiện tại, dù nó có ấm hay lạnh. Tôi không muốn níu kéo ba và dì làm gì cả, nhưng còn em Bi, em còn quá nhỏ để hiểu nếu xảy ra sự chia ly đột ngột, yêu thương có thể chỉ là buông một bàn tay để nắm lấy bàn tay khác vừa vặn hơn.
Gia đình chiếm gần trọn những suy nghĩ của tôi những ngày gió lạnh về khe khẽ, cho đến khi cái Thu kéo tay tôi ra một góc:
- Mày với thầy Minh có chuyện gì vậy? Chúng nó đồn ầm lên rồi. Nghe bảo thầy còn bị hiệu trưởng gọi lên nói chuyện nữa kìa.
Lại rắc rối. Tôi luôn buồn rầu vì những chuyện không hay mà tôi mang đến cho người khác. Lần này cũng vậy. Tôi chỉ biết chiều chuộng cảm xúc của mình. Tôi vẫn tưởng Minh chỉ là một người con trai hơn tôi năm tuổi. Tôi chẳng hề nghĩ Minh là thầy giáo. Thầy cần sự tôn trọng của đồng nghiệp và học trò. Trong mắt người khác thì thầy phải nghiêm khắc với bản thân và việc thân thiết với học trò hơn mức bình thường đủ để tạo những ấn tượng không tốt. Mặc dù có lẽ đó chỉ đơn thuần là tình thương của một giáo viên tâm huyết với nghề tới học trò của mình. Và chắc hẳn là như vậy vì với ai thầy cũng ấm áp đầy quan tâm. Nhưng tôi biết tôi có lỗi khi để những tình cảm đáng ra phải
lặng lẽ lại bộc phát ra ngoài. Tôi dựa dẫm vào thầy quá nhiều để xua bớt cô đơn và sợ hãi. Một chút hi vọng nhen nhóm đã khiến tôi ngu ngốc và tạo ra tình cảnh ngày hôm nay.
Thầy được chuyển sang dạy lớp khác cũng không đi xe buýt vào buổi sáng nữa. Mỗi ngày tôi đều đứng ở góc ban công nhìn sang dãy nhà C cho đến khi thầy bước hẳn vào trong lớp. Những tin nhắn của thầy cũng không thấy nữa. Tôi biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Những buổi tối ngắm sao một mình càng ngày càng lạnh. Tôi nắm chặt lấy điện thoại trong tay.
Viết rồi lại xóa, bao nhiêu lần như vậy, cuối cùng tôi gõ gõ "mẹ ơi!", lưu vào hộp. Chẳng biết được bao nhiêu tin nhắn như vậy.
Không có ngôi sao nào đứng một mình phải không thầy ơi?
***
Hôm nay thầy không đi xe, tôi cứ đi theo những bước chân ấy một cách vô thức. Đã lâu lắm rồi tôi không khóc và biết có một người đang nghe.
Hôm qua nền nhà lại vỡ thêm một lần nữa. Tôi ghét những thứ dễ vỡ. Em Bi ngơ ngác hỏi tôi:
- Sao bố mẹ lại đánh nền nhà hả chị Mẫn? Em có ngã đâu!
Tôi chết lặng. Không còn chuyện Thỏ và Gấu nào để kể cho em, tôi kể chuyện con sói cô độc. Em bảo không thích và quay mặt vào trong. Tôi ôm lấy em như ôm cả thế giới vào lòng.
- Sao chị Mẫn lại khóc?
- Không phải đâu! Chị quên chưa rửa mặt. Bi nhắm mắt vào ngủ đi không là thối tai bây giờ!
Mùa đông đã về thật sự. Tôi trốn đi đâu cũng không khỏi lạnh. Tôi nhớ một lần Minh gõ vào trán tôi, tay thầy lạnh. Thầy bảo chẳng hiểu sao bàn tay thầy về mùa đông lúc nào cũng lạnh. Có lẽ trái ngược với tâm hồn, bàn tay thầy lạnh tựa mùa đông. Tôi chờ đợi mùa đông nhưng sao bây giờ chỉ cách vài bước chân, "mùa đông" lại xa và lạnh lùng đến thế? Bước đến trạm xe buýt, tôi sực tỉnh, quay đi để chạy nhanh hết mức nhưng chân cứ như đóng băng lại.
- Mẫn, em không lên à, xe chạy bây giờ! - Minh gọi.
Tôi bước lên xe như cái máy. Giọng nói này đã lâu rồi tôi chỉ gặp trong giấc mơ. Tôi nhớ đến cồn cào. Tôi không phải người luôn thể hiện cảm xúc ra ngoài, nhưng trong lòng tôi mọi thứ cứ hỗn độn và rối rắm. Tôi có thể mạnh mẽ trong mọi trường hợp với bất kì ai vậy mà sao trước mặt Minh, tôi như con thú lạc mẹ. Cảm giác này cũng giống hệt như trước mặt em Bi. Tôi chỉ có hai người là lý do cho tôi mỉm cười mỗi ngày.
Im lặng. Nói gì đây khi tôi không muốn để nỗi nhớ và niềm vui bị trôi ra ngoài một lần nữa.
- Em vẫn khỏe chứ Mẫn!
- Dạ.
...
- Xin lỗi em!
- Nhất thiết phải là như thế ạ?
- Ừ, có lẽ như vậy tốt hơn cho em.
Đúng vậy. Một lời khẳng định quá tường minh đã trả lời tôi rồi đấy. Đừng hi vọng, đừng yếu đuối cũng đừng cố gắng nắm lấy những thứ không thuộc về mình nữa. Mùa đông u ám rồi sẽ qua, sẽ tới mùa khác mà tôi cần chấp nhận. Đừng đợi mùa đông có được không?!.
Tôi vừa đi vừa nhặt lại những mảnh vụn của chính mình. Tôi đang về nhà với tình yêu của tôi đây, bỏ lại sau lưng những ngày nắng tưởng gần nhưng cứ đi xa mãi. Nước mắt mặn cứ rơi đi cũng được nhưng đừng làm tan biến nụ cười của tôi. Em Bi thích tôi cười.
Tôi không muốn nhìn vào trong nhà khi lại nghe thấy tiếng cãi cọ càng lúc càng gay gắt. Tôi chẳng buồn nghe xem nội dung của những câu nói đó là gì. Tôi đứng giương mắt nhìn, có lẽ nên cầu xin. Ba và dì cũng không biết sự có mặt của tôi. Chắc tôi phải chuẩn bị dần mọi thứ, giới hạn cũng đến thế thôi là hết. Tôi đi tìm em Bi. Bi tội nghiệp của tôi có lẽ đang sợ hãi núp sau cánh cửa.
Không thấy em trên phòng. Bức tranh màu sáp vẽ cả gia đình đang dở, em vẽ thêm cho tôi đôi tai thỏ màu hồng. Hay em chạy sang nhà bạn chơi? Tôi giận dì ghê gớm. Em còn nhỏ, nếu đi đâu phải có người lớn đi kèm. Người lớn thật buồn cười, họ chỉ biết đến mâu thuẫn của mình mà chẳng biết rằng có những sinh linh bé nhỏ rất cần tình yêu thương. Tôi định bụng xuống nhà pha nước cho Bi tắm rồi sẽ đi gọi em về.
- Bố à!
- Dì ơi!
Chẳng ai nghe. Tôi thấy sợ. Hai người hiền lành mà chợt hung dữ như có thù oán với nhau từ rất lâu. Tình yêu rồi sẽ đến lúc như thế này sao? Tôi chỉ mong không xảy ra xô xát, lặng lẽ bước vào nhà tắm. Trời lạnh quá, phải gọi em về nhanh thôi. Có tiếng nước vẫn chảy trong nhà. Chắc đang pha nước thì dì lại bận cãi nhau. Hơi nước bốc lên mờ mờ, điện vẫn sáng, tôi thấy lạnh toát sống lưng.
Bi! Em làm gì một mình trong này? Chân tay tôi run không còn đứng được nữa. Tôi lao đến bồn tắm nước tràn đến miệng. Em nằm úp trên mặt nước vàng ánh điện. Tôi lay mãi em không trả lời, khuôn mặt hồng hào giờ trắng toát như tượng thạch cao trôi mãi vào miền xa xôi nào đó. Tay em nắm chặt con thỏ sứ vẫn để trên thành bồn tắm, dòng điện chạy từ tay lên đến tận đỉnh đầu. Tôi chỉ kịp gào lên một tiếng trước khi không còn biết gì nữa cả.
Bi ơi, xin em, em đừng đi đâu, chị sẽ ôm em.... Ôm em cho hết mùa đông giá lạnh này...
4. Giải thoát
Tỉnh dậy, tôi thấy trời đang mưa. Mưa không thành tiếng nhưng buốt và xót. Quờ tay sang chỗ Bi nằm, tấm ga trắng toát, lạnh ngắt. Giật ống truyền ra khỏi cánh tay, tôi bổ nhào xuống phòng khách, mùi trầm hương đặc quyện với mùi hoa huệ cứ luẩn quẩn trong nhà.
- Em Bi đâu ba?
Ba ngồi đông cứng như gốc cây mất ngọn, hai hốc mắt tối sầm vô hồn. Tôi trân trối nhìn lên tấm di ảnh của Bi. Em vẫn cười hồn nhiên như cả triệu năm vẫn thế. Những đau đớn và khủng khiếp lại hiện lên trong đầu. Tôi ngã bệt xuống sàn.
Lẽ nào những người tôi yêu nhất cứ lần lượt ra đi, bỏ lại tôi một mình trên thế gian toàn là đất cát. Mẹ mất rồi, em Bi chết rồi, tôi còn sống làm gì nữa? Người ngoài trách tại sao lại để trẻ nhỏ một mình trong bồn tắm, biết là chúng dễ bị cảm và ngạt nước, tại sao lại vô tâm đến vậy? Kết thúc những lời trách cứ là những cái lắc đầu. Phải, làm sao trả lời nổi từng câu hỏi đau đến tận xương tủy như thế. Em Bi của tôi vì cứu lấy con thỏ sứ ngã xuống bồn nước mà bị bóp nghẹt trong vô vọng cho tới chết. Sự thật càng nghiệt ngã tôi càng nhận ra tất cả là do tôi, tất cả là lỗi tại tôi.
Tôi mê man đã mấy ngầy liền,chẳng biết người ta đã đưa em Bi của tôi đi đâu, trời lạnh như thế ai sẽ ôm em ngủ, ai sẽ kể chuyện cho em nghe, hay em phải lang thang ở nơi gió có thể thổi bạt mọi thứ đi?!
Dì nằm liệt từ hôm tang lễ em chẳng ăn uống gì được. Tôi cố gắng bật bếp lên để biết trong căn nhà này vẫn còn có người đang sống, nhưng rồi tất cả lại lạnh lẽo như đi giữa sa mạc vào ban đêm. Ba người chúng tôi thay nhau lang thang, dẫm lên bước chân của nhau trên bậc thang, hành lang, từng viên gạch vỡ. Chúng tôi ở chung nhà nhưng không sống cùng nhau. Không ai dám nhìn vào nơi nỗi đau đi đến cùng cực. Căn phòng ấy đã giết chết không phải chỉ một người.
Trong những cơn mơ mờ mịt xám nhạt, tôi thấy em Bi trôi theo một dòng sông trắng bạc, mọi thứ xung quanh em lấp lánh, lấp lánh, đôi mắt em lộ rõ sự hoảng sợ.
- Chị Mẫn ơi! Em lạnh lắm, chị Mẫn ơi...
Lần thứ bao nhiêu tôi tỉnh dậy giữa đêm, tóc và gối đã ướt hết cả. Tôi thấy hình dáng thân quen nào đó nhói buốt ở phía xa.
Bi! Em đứng ở cửa từ bao giờ nhìn tôi bằng đôi mắt chùng xuống mỗi khi em mắc lỗi. Không có chút ánh sáng nào nhưng tôi vẫn nhìn thấy vì đôi mắt ấy đã ở trong tiềm thức của tôi từ lâu, từ lâu lắm. Lẽ ra tôi phải chạy đến ôm em nhưng chân tôi như đã chết theo trái tim tôi. Tôi cứ ngồi khóc gọi tên em. Em im lặng chỉ tựa cửa đứng nhìn tôi như thế. Hồi lâu, em quay đi nhẹ nhàng như gió. Cơn gió mở được cánh cửa, thốc vào lòng đắng ngắt.
- Bi! Em đừng bỏ chị, đừng để chị lại một mình ở đây. Bi à! Đợi chị...
Tôi lao theo em đến trước của phòng dì thì không thấy nữa. Cánh cửa khép hờ. Không biết có còn sự sống đằng sau cánh của này không. Tôi lặng thinh đứng nhìn vào trong. Ba tôi đang quỳ gối trước mặt dì. Không có một chút ánh sáng nào nhưng tôi vẫn thấy hai hàng nước mắt của ba đang chảy, đỏ sẫm như máu. Dì ngồi bệt xuống sàn, chút sức lực còn sót lại chỉ đủ để nấc lên thành tiếng.
- Bi ơi! Em nhìn đi. Em thấy không, bố mẹ thương nhau rồi em à! Sẽ không để em phải thức giấc giữa đêm, sẽ không ai bỏ mặc em một mình, sẽ không ai để em phải khổ. Em trở về với chị, trở về với chị được không em?
Tiếng em cười khúc khích. Tôi quay lại thấy em đứng đằng sau từ lúc nào, vẫy vẫy bàn tay nhỏ xinh như chiếc lá. Em lướt đi trên nền gạch. Tôi đi theo em trong vô thức, mở toang cửa sổ, trăng khuyết nửa vành sắc như gươm, gió u u bốn phía. Bi đang đi giữa không trung. Em nhón chân trên hàng dây điện, trên mái nhà, cười khúc khích. Tôi sợ hãi. Xuống đi kẻo ngã em ơi, về đây với chị, chị sẽ ôm em, ôm em đến khi nào hết lạnh.
Tôi đứng như con rối, chỉ biết gọi em và bám chặt vào cửa sổ. Tôi chạy xuống đường, bóng em lẫn vào nửa vầng trăng, tôi cứ đi mãi, đi mãi, thấy mình đứng trước mặt hồ phẳng lặng trong trẻo như mắt em. Gió thổi từ hồ lên nhưng tuyệt không có một gợn sóng. Em Bi đang ngồi giữa một đài sen, khuôn mặt thánh thiện như pho tượng Phật. Tôi muốn ra chỗ em, tôi sẽ đưa em về.
- Mẫn, em làm gì ở đây?
- Em đi đón em Bi mà thầy!
Minh kéo tôi xuống khỏi mép hồ. Tôi giằng mạnh, tôi phải ra đón em Bi về, em ở một mình chắc buồn lắm.
- Thầy để em đi đón em Bi, thầy về đi, thầy ở đây làm gì, thả em ra!
- Mẫn em tỉnh lại đi, đừng như thế nữa Mẫn ơi!
Tôi phải làm sao, phải làm thế nào khi nỗi đau này vượt quá sức chịu đựng. Đừng đến gần tôi nữa, hãy để tôi một mình. Tôi cứ lầm bầm như tự nói với mình:
- Mẹ mất rồi, em Bi cũng chết rồi, em còn sống làm gì nữa?
Mùa đông này là mùa đông lạnh nhất từ trước tới giờ. Minh ôm tôi vào lòng. Tôi khóc ngập cả nơi ấm áp ấy. Tay Minh vẫn lạnh. Rõ ràng, tôi chỉ có quyền mượn một chút ấm áp để trút bớt khổ đau, chỉ một lát thôi. Đừng đợi mùa đông nữa.
Em Bi bỏ tôi đi trước những ngày giáp Tết. Tôi ít ở nhà. Ngày nào tôi cũng mua Salem ra mộ mẹ và Bi. Một ngày, tôi mang quần áo cũ của mình ra đi. Chùa Bồ Đề có nhiều những số phận bé nhỏ hẩm hiu, những nụ cười lúc nào cũng tươi rói và không chút sầu muộn. Tôi đọc truyện cho các em nghe, nấu cơm cùng các em, ngồi nhìn các em chơi đùa và quét lá. Tôi nhớ em Bi, nhớ đến đau thắt lòng, nước mắt cứ tự động chảy, mùi khói bếp thơm mà cay. Tôi hỏi sư thầy về việc xuất gia của mình. Thử thách hai năm, nếu đủ thanh tịnh một người trần có thể xuất gia thật sự. Tôi biết có nhiều cách thanh lọc tâm hồn khác nhau. Không biết tôi sẽ đi đâu để tâm hồn mình thanh thản?!
5. Tìm lại
Tôi gặp Mẫn vào ngày đầu tiên của đời giáo viên, trên chuyến xe buýt đông người. Em cô độc ngay khi đứng giữa đám đông. Tôi không thể ngờ một cô gái mảnh mai nhỏ nhắn, khuôn mặt vẫn nguyên nét ngây thơ lại dám làm một việc liều lĩnh đến thế, tự mình chống lại bọn móc túi. Ngỡ ngàng đôi phút, tôi biết mình phải làm gì đó. Lúc ấy tôi chỉ ấn tượng duy nhất là nụ cười cảm ơn của em, mỏng manh và ấm áp như nhành hoa Salem và đôi mắt sâu thăm thẳm tựa như một hồ nước đầy sóng ngầm. Số phận là thứ tôi chẳng hề tin, vậy mà sự trùng hợp 1% đã xảy đến với chính tôi, tôi dạy lớp em ngày đầu tiên ấy. Như được sắp đặt.
Không cần lý do nào cả, tôi và em cứ ngày một tiến lại gần nhau hơn. Tôi biết mình nên kiềm chế nên tôi chỉ dám trộm ngắm nụ cười và đôi mắt đượm buồn ấy khi em ngang qua. Tôi không thích em gọi mình là "thầy", trái tim cứ đập loạn xạ khi em gọi "Minh ơi!" nhưng tôi phải ngăn mình lại, ngăn tất cả lại. Dù biết trước rằng sẽ thất bại trước sự mạnh mẽ của trái tim, lý trí của tôi phải khổ sở lắm để giữ bàn tay mình luôn lạnh với em.
Nỗi buồn của em dường như cứ ngày một chất đầy thêm. Em vẫn cười như một nhành hoa Salem, nhưng sao càng lúc càng thêm mỏng manh. Tôi rời xa em vào những ngày mùa đông lạnh nhất. Có lẽ như vậy tốt hơn cho em. Tôi sợ mình sẽ làm em khóc nhiều hơn. Em vẫn chỉ là một cô bé, sẽ có bàn tay ấm áp nào đó ở bên cạnh khi em đã trưởng thành. Tôi đau đớn nhưng tôi biết mình không nên ích kỉ. Tôi nhớ nhung nhưng tôi biết cái gì cũng có giới hạn của nó.
Cho đến khi tai họa ập đến, tôi nhói lòng nghĩ đến em phải một mình vật lộn. Tôi là kẻ hèn nhát, chỉ dám đứng dưới lòng đường nhìn vào ngôi nhà lạnh ngắt của em, cầu mong em bình yên. Tôi thấy sợ khi em lang thang như cái bóng ngoài đường lúc nửa đêm. Lúc em đứng ở mép hồ, cảm giác như chỉ một cơn gió nhẹ có thể thổi bay em đi. Không kịp suy nghĩ gì nữa, đạp đổ mọi rào cản mình đã cố gắng dựng lên, tôi ôm lấy em như ôm cả thế giới vào lòng. Nước mắt em ướt đẫm ngực áo tôi. Tôi ước gì trái tim tôi có thể chở hộ em những khổ đau mà em đang phải chịu.
- Mẫn...
Hoa đào hồng rực ngoài phố, tôi đi tìm em. Em đứng giữa bầy trẻ nhỏ, trông như một thiên thần, đôi mắt vẫn buồn rầu trĩu nặng. Chẳng biết nói gì, tôi lặng thinh nhìn khói bếp bay lên cao, cao mãi.
- Mẫn! Về đi em.
-Hai năm có lâu quá không hả thầy?
- Em đi thì cuộc sống của nhiều người sẽ chẳng còn ý nghĩa!
Em nhìn lên tán cây hồng phác trăm năm, nở một nụ cười thanh thản, nụ cười ngây thơ không vướng chút sầu muộn.
Có lẽ mùa xuân đã về thật rồi.
***
Hai mùa đã đi qua, rồi đến một mùa khác lạc ra khỏi cung đàn thời gian, mùa này không có trong bốn mùa, chỉ có trong đời học trò. Mùa thi. Sau ngày thi đại học cuối cùng, trời nóng bức, tôi đưa em đi ăn kem. Em bảo tôi chở em sang đường khác. Em đứng hồi lâu trước mộ mẹ và bé Bi. Em kể chuyện như thể trẻ nhỏ. Tôi thấy em cười, lúc sau lại thấy em lau nước mắt. Trái tim khẽ nhói đau.
Mặt hồ phẳng lặng. Sóng ngầm bên dưới có lẽ đã dịu đi. Tôi biết trong lòng mình có những xúc cảm đã chắc chắn qua những thử thách và sóng gió. Bàn tay tôi sang mùa hè cũng không còn lạnh, tôi không còn sợ làm em lạnh nữa. Nhưng không biết đến lúc này, em có còn đợi mùa đông hay không. Can đảm cũng không giúp tôi bớt ngốc nghếch và vụng về. Cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của em, mãi tôi mới có thể thốt lên lời, điều tôi muốn nói từ ngày đầu định mệnh.
- Mẫn, tôi... yêu em!
Em lặng thinh không nói gì cả. Rồi một cơn gió chợt khẽ qua, như đưa em từ miền xa xôi nào đó trở lại:
- Minh à, em vẫn đợi mùa đông!