Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Chương 8, Óc Chịu Đựng
« Tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu ». KHỔNG TỬ
« Cao tuổi hay thanh xuân mà biết mình, tận dụng nhân lực mà không quên thần lực, suy nghĩ chín muồi rồi mới nói hay làm, rán thấy cái thiện trong cái ác, bình tâm chịu đựng dao mác của dư luận để đoạt chí, chờ lịch sử phán đoán giá trị mình, thưa bạn, là có bộ óc thép đã trai, có đức chịu đựng: chiếc đũa tiên để sống an lạc tâm hồn và làm cho đời một cái gì. » WATERSTONE
1. Đọc cổ thư bạn có nhớ chuyện nầy của Thanh Lê Tử không? Vua Ngô muốn đánh nước Kinh. Trong nước nhiều người thấy bất lợi cản ngăn. Vua không nghe, còn đòi xử tử ai ngăn cản. Có sĩ quan nọ định khuyên can vua việc đánh Kinh. Nhưng không dám, luôn ba ngày ông đứng sau nhà vua, từ sáng sớm bị sương rơi ướt cả mình. Vua thấy ngạc nhiên hỏi sĩ quan làm gì vậy. Sĩ quan tâu: « Trong vườn, trên cổ thụ, có con ve cảm thấy mình yên tâm kêu sầu ra rích. Ve không dè sau lưng có con bọ ngựa đương hả càng tính tóm cổ nó. Bọ ngựa khoái chí tưởng mình an phận không ngờ sau lưng có chim sẻ chực mổ đầu mình. Chim sẻ vô tư có biết đâu dưới chân cổ thụ có người cầm cung định cho nó rơi xuống đất và chính tôi đang cầm cung đây không hay sương đã bám cả áo. Thì ra đều vì tham lợi trước mắt mà không thấy hại sau lưng ». Nhà vua nghe câu chuyện thấm thía, bỏ ý nghĩ đánh đất Kinh.
Thưa bạn, mỗi lần nhớ đến chuyện xưa nầy, tôi không sao không nghĩ đến ý nghĩa của thành và bại. Trong cuộc sống muôn mặt của con người, thấy có nhiều việc ta cho là thành mà kỳ thực nó đang chứa mầm thất bại và tại vì thành nó mà bại bao nhiêu việc lớn. Rồi trái lại, có nhiều việc ta cho là bại, mà rồi nhờ thất bại ta đi đến thành công vững chắc hơn. Bàn đến hai chữ thành bại, người vô thần đến đâu cũng phải nghĩ đến một vài lẽ siêu hình. Khi nhận có chữ bại là vô hình hay hữu ý, ta nhận có những yếu tố cần thiết cho thành công mà độc lập với ta. Có thể ta nắm nó được mà cũng có thể nó không tùy ở ta gì hết. Những yếu tố nầy có khi bị ta nắm trăm phần trăm như trong một số lớn trường hợp của hóa học. Hai phần khinh khi hợp với một phần dưỡng khí: ta có nước. Điều đó vững rồi đó. Nhưng quái ác thay, có bao nhiêu hoàn cảnh trên đời, các yếu tố thành công ta nắm cách mập mờ, đặt chúng trong hi vọng. Lắm lúc theo trí hiểu phàm nhân, ta cho là chuẩn bị đủ yếu tố thành công; nhưng bỗng nhiên, ta gặp thất bại. Tôi hùng biện, có thuật dẫn dụ người, song trước mặt địch thủ, tôi không chắc thuyết phục được anh ta. Anh còn ý chí tự do của anh, anh có những hoàn cảnh riêng biệt chi phối. Có thể anh trở thành bạn tôi, mà cũng có thể anh bất phục ý tôi muốn vì một chủ trương, một áp lực nào đó không cho phép anh. Bạn tôi có tài, chuẩn bị đủ đức tánh để nhận một chức vị nào đó, đến lúc sắp thụ phong, ngã bịnh nặng và mạng vong. Đó là tôi chưa nói trường hợp nếu bạn tôi mạnh khỏe và có những tên thù thưa thọt anh với thượng cấp của anh bằng đủ mánh lới dua nịnh, hại người thì cũng chưa chắc anh chiếm đoạt sở nguyện. Thì ra trên đời có những ý muốn tự do can thiệp vào các sự việc, rồi những ý muốn tự do ấy đôi khi cũng vì tự do để mình dính líu với những gốc rễ yếu tố xa xôi làm cho sự thành công lắm lúc không đơn giản như người ta tưởng. Vả lại có không ít trường hợp mà sự sắp đặt thành bại phải chịu là không do người phàm vi hết. Tác giả cuốn A Shropshire Lad: ông A. E. Housman, là tay khét tiếng về đường trí thức mà cũng là kẻ coi tôn giáo như đồ chơi, lại có lần nhận câu nầy của Phúc-âm-thư: « Ai lo bảo tồn sự sống mình sẽ mất nó » là chí lý. Khi nhận chân những lý do thành bại như vậy ta có phải thái độ tinh thần thế nào để nắm vững thành công sau cùng và giữ tâm hồn hạnh phúc khi thất bại.
2. Trước hết chúng ta nên xét sơ tâm lý kẻ thất bại. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay: quả ai đã từng thất bại, nhất là thất bại nặng nề, thì mới thấy cảm mến tất cả mùi vị chua cay của nó. Phước cho bạn nào đang đọc tôi mà chưa từng bị thất bại. Nói thất bại cũng nên hiểu luôn ý niệm bị thù oán nhiễu hại trong đó. Có khi ta thất bại và bị người ta thù hại mà tại ta có ác tâm, ta làm quấy, thì cũng cam đi. Lúc bạn hoàn toàn vì thiện chí như muốn sống cuộc đời cá nhân đúng đắn, muốn phục vụ xã hội đắc lực hơn, muốn cải tân những gì có hại cho tư ích và công ích, bạn bị ganh tị và có đủ thứ người tìm cách thọt gậy bánh xe. Thượng cấp của bạn có khi sống toàn bằng phúc trình hay bằng những tâu nộp của kẻ dua nịnh, hủ lậu, nào có biết bạn ra sao, đâm ra sợ bạn công kích, đả đảo. Trúng những thượng cấp độc tài, khinh miệt kẻ dưới thì bạn càng khổ hơn nữa vì họ mấy khi cho bạn minh oan và theo họ bạn nhỏ hơn họ có nghĩa là bạn nói bậy và hễ có ý kiến nào khác họ thì nếu không điên cũng sai trí, khật khùng. Tôi chưa nói những cấp thượng ganh tài, ghen đức đó. Nếu gặp thứ nầy thì làm nhỏ kể như làm nô lệ hiểu theo nghĩa thời chưa văn minh. Còn kẻ đồng niên, đồng nghiệp, đồng đẳng hay đồng gì khác đối với bạn thì sao? Điều bạn nắm vững là họ không thua thượng cấp của bạn ở chỗ ganh tị đâu. Có ai mà thập toàn, nên bạn bị lôi vài chỗ yếu ra, phóng đại, đem bán rao rằng tấc lưỡi nọc rắn. Bạn tin tưởng nơi tình bạn phải không? Bạn tin tưởng tình máu mủ phải không? Coi chừng. Ở đâu có tiền của, nhứt là ở đâu có ái tình nhúng vô, tâm giao hay cốt nhục gì có thể không khó tương hại, tương tàn. Người trên, kẻ ngang hàng xử đối với bạn như vậy, còn kẻ dưới ra sao? Đề phòng thứ người có đầu óc xoi bói vạch lá tìm sâu, cắt nghĩa xấu thiện ý của bạn. Bạn làm ơn như nước nguồn cũng khoan vững dạ, vì lòng bạc ơn của con người vô bờ bến. Lắm lúc bạn giàu từ tâm, tha thiết giáo huấn, chỉ cho hạ cấp đường khôn nẻo dại: có kẻ óc nông cạn không biết sánh với cái gì, ngó bạn với bộ mặt bơ bơ, cười sái mũi, hỏi bá láp, ngồi ngáp và đặc biệt nhứt là nghe mười điều không giữ lấy một. Ngần ấy thứ tâm hồn có thái độ tinh thần đối với bạn như vậy thì liệu họ dễ dàng giúp bạn thành công không, liệu bạn thất bại họ xử đối với bạn cách nào. Bạn ơi! lúc té xuống ngựa rồi, nhiều khi cảm thấy mình như chó ghẻ. Lúc bạn gặp vận may ai đối với bạn chín cũng bỏ làm mười. Bè bạn của bạn đông như kiến cỏ. Khi diều của bạn không còn gặp gió nữa, bạn bị dìm xuống đất đen. Thượng cấp coi bạn như bả mía, hết xài. Có khi bạn không có lỗi lầm gì đáng để đến đỗi con người bạn mất bản chất tốt, mà có thứ thượng cấp cho bạn là tuyệt đối vô dụng. Đó là tôi chưa nói giá trị sự phán đoán của họ khi họ lầm tưởng về bạn. Lỗi gì cũng có thể cải hoán được chớ. Rồi bạn sẽ gặp thứ thủ lãnh bất kể bổn phận của mình, bê tha trong mọi tổ chức, dụng người không theo nguyên tắc nào cả. Có khi về thế lực, vì vận may, vì khéo quị mọp, vì giả hình, vì sự bất công hay lỗi bác ái nào đó họ nhảy lên một chức vị rồi độc tài cách mù quáng không coi ai là có giá trị bằng mình. Bạn bị té ngựa rồi họ bỏ rơi bạn. Họ dùng một số người dễ sai nào đó để thao túng mọi công việc. Có khi họ mất bản lĩnh mà còn uy quyền. Họ không dám quyết định mà bàn hỏi lung tung với hạ cấp, bàn hỏi để rồi không định đoạt được việc gì. Lắm lúc người bàng quan tưởng không phải họ lãnh đạo mà hạ cấp họ lãnh đạo bằng cách giựt dây dụi họ. Bạn đừng mong họ xử tốt với bạn bằng đức bác ái. Đức nầy đáng lẽ làm lớn họ phải tỏ tư cách lãnh đạo mà ban bố cho bạn nhứt là lúc bạn bị thấp chơn, họ còn lỗi với bạn đức công bình nữa kia. Có khi vì chánh nghĩa, vì một lý tưởng nào đó bạn tình nguyện cộng tác với họ, bạn lỡ kẹt cuộc đời tiến thối lưỡng nan, họ cũng bất kể vận mệnh hay tương lai bạn. Họ lãnh đạm, không biết để thời giờ lo công việc gì, mà coi sự lựa chọn cán bộ nồng cốt như rơm rác. Họ có thể dùng óc lãnh đạo mù quáng của họ mà làm tàn héo nguyên cuộc đời bạn và dĩ nhiên xã hội mà họ chịu trách nhiệm phải hưởng những thiệt thòi. Tiếp bạn, họ ăn nói bằng một giọng khinh khỉnh làm bạn có cảm tưởng như họ đánh cướp chức vị cao cả của xã hội rồi bất kể ích lợi của xã hội, lo nhàn hưởng địa vị độc tôn của mình. Con người, bạn ơi, khi lên voi, nói ông trời có cẳng cũng không sao. Giá phải có lỗi lầm gì thì có óc tôn thượng của thiên hạ che lấp cho. Nhưng khi phải xuống chó, thì khổ vô cùng. Dù bạn co ro con người của bạn lại, bạn thinh lặng, bạn trốn xã hội, thiên hạ cũng bươi móc lỗi lầm của bạn. Người trên đã chẳng thương bạn mà còn hết sức nghiêm khắc, bắt nhặt bắt thưa bạn. Chẳng những lúc đầu họ làm sao cho ra bi đát chuyện bằng cọng rác, khi việc bị họ làm lở lầy quầy rồi họ lại làm cho khốn nạn hơn. Kỳ lạ nữa là có khi không phải tại vì họ ác. Có thể họ là thánh nhơn, có ý thương bạn nữa mà vì sự dốt nát trong thuật lãnh đạo, họ tạo thêm cho bạn những cái mà người công giáo gọi là « thánh giá ». Lát nữa tôi sẽ bàn với bạn thái độ cao cả là thụ nhận vì tình yêu quan phòng của Thượng Đế những bất công. Nhưng dù Thượng Đế đã sắp đặt sẵn sự khổ cho con người, kẻ với tự ý của mình ra làm khí cụ để cái khổ đến cho kẻ khác, nói rõ rệt là kẻ vì ác tâm gây khổ vẫn là kẻ làm chuyện phạm pháp. Thượng cấp của bạn bất kể chân lý nầy và cơ hồ tưởng bạn có sức chịu đựng vô bờ bến, họ thẳng tay thử thách bạn, có khi hết sức bất công và lỗi bác ái rồi cứ đổ là tại bạn gây ra tai họa. Khốn nỗi cho mình ở chỗ nầy nữa bạn là lúc chưa gặp gian nan, ta thường nhẹ dạ giao du với thượng cấp, đem chuyện lòng nói sạch sành sanh với họ. Giá ai có kinh nghiệm khuyên ta nên cẩn ngôn, ta chồm chồm tới cãi rằng họ nói bậy và ta cho kẻ ta phanh phui tâm sự là tri âm của ta, là người giàu bác ái, là kẻ thụ ân của ta nữa. Đau đớn thay lúc nghịch với ta, họ biết hết nhược điểm của ta và họ trở thành quân thù vòi trong xương vòi ra của ta. Lúc mà thấp cổ nhỏ miệng bạn đừng trông nói gì mà người trên cho là phải. Câu chuyện chó sói và cừu con của La Fontaine quả chứa chân lý vàng. Bạn suy luận đúng sự thật, họ cho bạn là người ưa lý luận. Bạn có tinh thần tân tiến, họ cho là bạn lố bịch cấp tiến. Bạn muốn cải tổ vì thiện ý họ cho bạn có óc phản loạn, tà ý muốn phá hoại. Bạn chỉ thành thật tự vệ khi bị tấn công thôi, tôi nói tự vệ à nhé, họ nói bạn chuyên môn chỉ trích, gieo hiểu lầm, gây chia rẽ. Có nhiều người lớn khi bạn thành thật trình bày hành động của kẻ thù hại bạn, đâm ra sợ bạn sẽ làm quân thù của họ. Nghe bạn nhận xét việc nầy chuyện nọ, có kẻ thượng cấp e rằng với bộ óc tỉ mỉ đó, bạn sẽ xét đoán nguy hiểm về đời tư, về công tác của họ. Lúc bạn thất bại, đến nói chuyện với thượng cấp, bạn nói lớn tiếng, ra điệu bộ, sẽ bị họ cho là phách, sau nầy có chức vị sẽ hách dịch với bộ hạ. Nếu bạn nhu mì, ăn nói nhỏ nhẹ, họ sẽ cho bạn có tánh đàn bà hay giả hình, trông mong gì sau nầy lãnh trách nhiệm mà điều khiển được ai. Nói tắt, thưa bạn, trăm thế khó cho bạn dưới mắt thượng cấp khi bạn lăn vào hố thất bại. Những người ngang vai với bạn có lẽ là nguồn an ủi của bạn không? Bạn ơi:
Bạn đường đời thường đông nơi yến tiệc,
Chớ mấy ai gặp lại chốn ngục tù.
3. Tôi rất ghét bi quan, nhưng tôi phải nhận với bạn rằng lòng bội bạc của con người có thực. Hồi lúc thời vận đó, bạn thiếu gì bè bạn. Khi bạn sa cơ họ dang xa lần lần. Xét theo lối xử thế khôn ngoan, đáng lẽ khi bạn lâm nguy, chính các bạn thân phải tìm đến thăm và an ủi bạn. Không! tình bạn của họ đã tan theo bọt rượu tiệc ngày xưa rồi. Cũng có một số bạn rất tốt nhưng họ hoặc dốt, hoặc nghèo túng, hoặc không thân thế chức quyền gì nên khi gặp bạn chỉ phân trần sự bất lực và an ủi bạn qua đường thôi. Kẻ có thế lực, ngày trước chơi sống chết với bạn có khi là ân nhân của bạn nữa, đã đổi lòng dạ, trở thành dua nịnh thượng cấp. Coi chừng họ công kích bạn ác hơn là quân thù ngoài cuộc của bạn. Vẫn biết không phải không có những tâm hồn bạn vàng ngọc, song rồi họ cũng vô ích đối với bạn, vì khi có chức vị rồi họ lo làm ăn, lo thi hành phận sự, lâu lâu họ nhắc tới bạn trong câu chuyện, cho bạn vài lời than tiếc rồi thôi. Thiện chí của họ có đấy mà bạn cũng không được họ giúp gì. Còn bạn hỏi những kẻ đồng đăng, đồng niên mà từ lâu ganh tỵ với bạn phải không? Trời ơi! họ đang hò reo lên cây thang thành công mà gốc của nó bắt trên muôn ngàn thất bại của bạn.
Trường hợp té ngựa, thường mình bị coi là chó ghẻ. Nên thưa bạn, chính trong những kẻ dưới cũng có không hiếm kẻ coi bạn không ra gì. Họ chưa vững thế gì trên đường đời đâu, nhưng họ tin ở tương lai, bởi lẽ là chưa chạm với phong trần. Họ lạc quan tin rằng mề đay không có bề trái, ó lên chê bạn là khờ dại, lắm lúc tỏ ra « cụ non » dạy đời bạn nữa chớ. Có hạng khác từ trước quí mến bạn, nhưng từ khi bạn bị nguy hiểm, cố trốn tránh bạn, khinh bạn cũng có mà chắc chắn là sợ lây sự khốn khó của bạn, sợ thượng cấp cho là cùng phe đảng là đồng lõa phá hoại. Tội nghiệp bạn chưa. Tôi cũng quên nhắc bạn những người dưới dua nịnh, trống miệng, đem công việc của bạn đến tấn ơn tấn ích cùng cấp trên và kết quả là có khi vị nhẹ dạ, vô tình, vô tội cách hữu trách, họ hại bạn. Bạn cũng khó tránh được những ca buồn cười nầy là có một số người mà địa vị, quyền thế hay tài đức còn thua bạn xa lắm, mặc dầu bạn bị bạc đãi, nhưng họ lúc gặp bạn sẽ lên mặt bề trên rầy bạn. Họ tự cho họ cái quyền dạy đời bạn, trở thành cho bạn một nhà luân lý hai xu. Lẽ dĩ nhiên là trong khối người dưới không phải là không có kẻ tốt thương xót bạn, muốn giúp bạn. Mà rồi chính họ cũng lâm nguy. Họ lo cho họ chưa xong còn mong gì cứu vãn bạn. Hay giá muốn cứu vãn đến đâu cũng không có đủ uy tín để giúp.
Ngoài ra ba hạng người trên, bạn nên quan tâm đề phòng những người ruột thịt hoặc lớn hoặc ngang vai hoặc nhỏ hơn bạn. Họ thì thương bạn lắm đấy. Song khi bạn mắc nạn, họ thiếu khôn ngoan, vô tình với ý tốt, muốn giải cứu bạn, lại là chứng nhân hay cáo nhân của bạn về những lỗi lầm của bạn. Lúc họ vụng dại như vậy, người ngoài sẽ nói đơn sơ rằng cốt nhục của bạn mà còn không giấu được khuyết điểm của bạn, thì quả bạn đáng số kiếp quá.
Nếu đi sâu vào tâm lý của người thất bại, ta thấy nhiều khía cạnh chua chát lắm. Khi bạn dự định một chương trình nhằm phục vụ lý tưởng, bỗng chương trình ấy gãy như củi khô. Thời gian trôi qua. Tuổi bạn chồng chất lên. Cơ hội trôi mất. Phương thế, uy quyền thiếu nát. Mộng thì nhiều mà thể hiện chẳng bao nhiêu:
Thân chẳng nên thân, thời lỡ thời,
Tan tành chí cả, mộng đồ trôi.
Có những thất bại nhỏ, bạn có thể dễ dàng vượt qua để làm cái mà người ta gọi là thất bại mẹ thành công. Nhưng giá bạn đại bại, bại vào lúc lỡ thời thì thất bại kiểu ấy coi chừng là mẹ của thành cái gì chớ không phải là thành công. Tôi có cảm tưởng bạn như người sa lầy, muốn vươn mình lên mà càng vươn cao, càng sụt sâu. Đau xót là trên đường xã giao bạn cứ gặp thêm toàn sự đắng cay do sự khinh rẻ của người chung quanh. Có mấy người cho bạn có lý ở đâu. Trăm con mắt có đến chín mươi chín mỉa mai kết án bạn. Có người gọi đường đời là đường thất chi. Họ có lý một phần ở chỗ nhiều khi bạn không khinh ai khi họ có chức vị cao hơn bạn, nhưng họ được ưu thế mà họ không tính làm gì khi bạn bị thất thế với bao nhiêu hoài vọng lên meo lên mốc.
4. Trở lên là đôi nét tâm lý chính của tâm hồn thất bại. Và đây tâm trạng của kẻ thành công. Cứ chung mà nói khi thành công ta ít nghĩ đến « câu chuyện ông già mất ngựa ». Mỗi thành công ta đều cho là may mắn. Ta bị xu hướng ăn nói, hành động lạc quan đến thiếu hẳn dè dặt lo hậu. Ngoài những tâm tình vênh vênh tực đắc, ta có thể có tâm tính khinh người và dám tưởng mình có đủ thứ khả năng nên hăng say nhúng tay vào nhiều công việc mà trong đó bẫy thất bại tương lai đang gài ta. Đối với thượng cấp hay kẻ thi ân cho ta, sau lúc thành công, nếu không công khai bội bạc, chúng ta cũng đôi khi trống trải có thái độ lãnh đạm hay lên mặt. Vô tình ta tạo cho mình những người ganh tỵ, thù hiềm. Đối với các đồng niên, đồng nghiệp thành công có thể mua chuộc cho ta thất bại trước mắt, nếu ta không cẩn thận mà coi ai cũng là tri âm hay người cộng tác. Nên nhớ lòng nham hiểm cũng như óc tị hiềm của con người có muôn mặt. Coi chừng đối với người dưới thành công như ta đến chỗ hách dịch, ăn nói « ông hoành, ông trấn » khiến người nhỏ sợ ta thì sợ nhưng coi ta như cỏ rác.
Vậy, cho một bộ óc già giặn, thành bại phải được quan niệm thế nào? Ở đây dĩ nhiên bạn và tôi, nhấn mạnh về chữ bại hơn. Nếu trên đường đời ta thành công thì vấn đề không có gì thắc mắc lắm. Tôi nói không thắc mắc lắm để hiểu là cũng có chút ít. Nghĩa là ta nên dè dặt với chữ thành công mà ngày nay ở đâu cũng nghe người ta nói. Hình như thành công bây giờ có nghĩa một phần nào giàu mưu trí, giỏi lường gạt và kiếm thật nhiều tiền. Vẫn biết phải có tự nhiên giúp cho siêu nhiên: natura supponit suroaturain. Nhưng lý tưởng số một của con người, không phải tiền. Bằng chứng là khi có tiền người ta đỡ khổ một phần nào về vật chất chớ không phải hoàn toàn sung sướng. Theo sách « Gương Chúa GiêSu » mà cũng theo kinh nghiệm, ta biết trước khi có tiền ta bồn chồn tìm kiếm, có xong ta lo âu giữ gìn, rủi mất ta bối rối kiếm lại. Người giàu có tiền một, muốn có hai, nếu không xài bậy thì ích kỷ. Người nghèo bị tiền nhử, đêm ngày mơ ước nó. Vậy tiền không phải là lý tưởng của con người. Mà tiền không làm con người thỏa mãn thì nhan sắc, chức quờn lại càng không làm con người hạnh phúc hoàn toàn. Có nhan sắc nào né khỏi lưỡi búa già cả. Coi chừng bịnh tật, chết chóc nữa. Còn chức quờn có thì cũng vui, nhưng phiền một nỗi là nó giống hệt mão hát bội quá. Làm lớn nghĩa là đóng một tấn kịch rồi sớm muộn, màn cuộc đời cũng buông xuống. Ai biết lấy khẩu hiệu lãnh đạo là: Phục vụ chớ không đòi phục vụ – ministrare sed non ministrari và vì lý tưởng siêu nhiên, thì còn chút an ủi khi cỗi lốt chức vị. Bằng ai lạm dụng uy quyền, bóc lột lòng tin tưởng kẻ dưới, thì làm bia nguyền rủa cho hậu thế. Nói đến thành công mà hiểu chân nghĩa của nó, người ngó khỏi lỗ mũi của mình, người không bằng lòng với những cái tương đối, người sống tuổi mười tám nhưng biết rồi mình cũng sẽ đến tuổi sáu mươi để rồi có giây phút nào đó bạn sẽ làm bạn cùng trùng dế, người đó, thấy thành công là sống đời đạo lý theo một chân giáo và coi Thượng đế là nguồn Chân, Thiện, Mỹ, Phúc, làm đối tượng duy nhứt của mình. Tôi nói chân giáo nghĩa là một tôn giáo được dẫn dắt bởi đức tin, đức tin chớ không phải mê tín, bởi triết lý và khoa học. Chớ cuộc đời mà đi phục vụ cho những tà giáo, hay bị bắt buộc, bị dụ dỗ mà tranh đấu, sống khắc khổ cho một tà thuyết thì uổng cơm. Không nên nói đến trụy lạc, nhưng nếu không có chánh nghĩa tôn giáo con người có thể thua tên trụy lạc vì ít ra cuộc đời dương thế tên trụy lạc cũng có phần vui thú, mặc dù phù vân. Và theo tà thuyết đã không hạnh phúc hiện thế mà cũng giống kẻ trụy lạc mất phần hạnh phúc vĩnh cửu. Những thành công thường thường làm câu chuyện đầu lưỡi của ta là thành công phương thế. Nó là cái bàn đạp để nhảy lên thành công tối hậu là hồn linh siêu rỗi. Vấn đề nầy cao cả quá: xin bạn đọc tôi trong quyển « Tinh hoa tôn giáo ». Ở đây xin bạn nắm giữ chân lý nầy là tất cả mọi sự trên đời đều phù vân và ai không lo chuẩn bị cõi lai sinh, người ấy khi tuổi già đến sẽ thấy hai bàn tay trắng với tấm lòng hối tiếc, khao khát, chơ vơ, buồn thảm.
5. Đấy, khi nói đến thành công ta cần có vài ba dè dặt đó. Chúng ta hãy đi sâu vào chân nghĩa chữ thất bại. Tính nóng nảy, mẹ đẻ của vụt chạc nhiều khi cám dỗ ta chụp những thành công « dĩa » mà đánh hỏng những thành công « mâm ». Chúng ta ham cái lợi trước mắt mà không chịu thấy cái hại núp sau lưng. Thành công trong các trường hợp đó có nghĩa là thất bại.
Thất bại chỉ có ích lợi cho ta khi ta có tinh thần phục thiện, nỗ lực thành công. Nếu không biết lợi dụng những lỡ lầm để trong những công việc sắp tới tránh khỏi thì có thể cuộc đời là một chuỗi thất bại và thất bại đây là mẹ đẻ của thất bại chớ không phải của thành công gì hết.
Nên để ý có những thất bại làm điều kiện cho thành công hay nói đúng hơn dọn đường cho thành công. Hầu hết những vĩ nhân đều qua những thất bại nầy. Tôi không cần nêu gương Chúa Giêsu, bạn cho là Chúa Trời nhập thể, cao cả quá, khó bắt chước. Lấy ngay gương của Đức Thích Ca Mâu Ni. Trước khi ngài giảng đạo cho chúng sinh, Người đã thất bại với mấy nhà sư trong rừng là những người không giúp ngài tìm được chân lý gì hết. Ngài có nản lòng đâu và ngài nỗ lực đi con đường tự giác. Tôi không quảng cáo cho bạn là ngài đã đắc đạo. Nhưng cho ngài đã thành công, thành công hiểu theo nghĩa phật giáo. Người công giáo hay quan niệm sự thất bại theo tinh thần tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa quan phòng. Bạn không phải là công giáo nhưng bạn đừng tưởng chỉ người công giáo độc quyền làm con Chúa. Tất cả nhơn loại nói riêng và cả vũ trụ nói chung đều được Thượng đế sáng tạo theo thánh ý của người. Bạn hỏi tôi tại sao? Không tại vì hơn là Thượng đế yêu mến chúng ta, thưa bạn. Chủ trương vô thần là sự dối minh và gạt người đã đành rồi mà còn giá bạn chủ trương hữu thần, bạn đem các chứng triết lý khoa học giải đáp cái tại sao trên, thì bạn cũng chỉ thỏa mãn tàm tạm. Nhưng bạn chạy đến gần mầu nhiệm tình yêu bao la, vô bờ bến của Thượng đế thì bạn hoàn toàn thỏa mãn. Rồi bạn hỏi bạn nữa tại sao Thượng đế yêu chúng ta, thì tôi cũng trả lời với bạn đơn sơ rằng tại Người yêu. Người không cần gì hết không cho chúng ta là xứng đáng, không nhắm một mục đích nào hơn là muốn sự ích lợi cho chúng ta. Chúng ta, biết hay không biết, muốn hay không muốn, tất cả đều nằm trong Tình yêu quan phòng bao la của Người. Trừ tội lỗi, tức là ác ý phạm pháp, tất cả những sự lành, sự dữ trên trần gian nầy đều xảy ra do thánh ý Thượng đế. Nếu không vậy thì Người không là thượng đế được nữa. Mà trong ý niệm Thượng đế, hàm súc dĩ nhiên ý niệm yêu thương và ý niệm khôn ngoan nữa. Thượng đế thấy hết mọi sự lợi, hại của ta. Có điều ta cho là thất bại, nhưng trong chương trình lo lắng trên kia tôi gọi là quan phòng của Người, vẫn là sự thành công. Trí ta có gang tấc, ta đâu thấy hết mọi lý do, nguyên nhân hoàn cảnh chi phối, nay thấy hay, ta cho là thành, mai thấy dỡ, ta cho là bại. Trong cuốn « Marial Mẹ » tôi có mượn ví dụ nầy của Thánh Grégoinre: « Bác sĩ nọ muốn chữa một vết thương của bệnh nhân rằng cách hút máu độc ra. Bác sĩ nhờ con đĩa. Con đĩa không biết gì đến mục đích của bác sĩ, cứ đem sự hung tợn của mình ra để uống máu. Bệnh nhân cũng không hơn gì con đĩa, lo bất mãn tánh ác độc của con đĩa mà không thấy thiện ý bác ái của vị bác sĩ ». Trong cuộc nhân sinh có biết bao trường hợp Thượng đế đóng vai trò bác sĩ, ta đóng vai trò bệnh nhân còn kẻ thù hại ta đóng vai trò con đĩa. Ta gặp nhiều thất bại, đâm ra oán trời, giận người, than thân phận. Ta giống đứa bé ồ lên khóc, mắng má nó khi má nó giựt con rắn ra khỏi tay nó không để nó khoái trá tự ý cầm chơi. Chúa Giêsu uống chén đáng, chết trên thập ác, người không đức tin công giáo, cho là thất bại. Nhưng người ta có biết đâu máu Chúa đổ ra đã làm cho nhơn loại nên con Thượng đế, được cứu rỗi và máu ấy làm mầm nẩy sinh ngày nay bao nhiêu công-giáo-dân khắp hoàn cầu quả thật tinh thần ta cũng không già giặn bằng tinh thần ông Gióp trong Cựu-ước. Khi Thượng đế để quỉ Satan cướp hết tài sản của ông, ông không như ta mà cho là thất bại, mà đổ cho ai, bình tĩnh nói « Thượng đế ban cho tôi mọi sự, nay cắt lấy mọi sự, Người muốn sao thì xảy ra như thế, xin ca ngợi danh Người ». Thực là một đầu óc lọc lỏi. Và lòng tin tưởng nơi tình yêu quan phòng của Thượng đế đã đem lại cái gì cho ông. Tình trạng mất của, chết con, bị phung cùi mà thiên hạ cho là thất bại của ông, nhờ đức tin căn cứ vào đức mến của ông đối với Thượng đế, là một điều kiện để ông được lại tất cả. Có khi ta ở trong một hoàn cảnh gọi là thất bại, Thượng đế có ý cho ta tránh những tai họa nào đó, cho ta sẩy con tép để chụp con tôm sau nầy. Thánh Giuse bị các anh em ham tiền bán cho Ai cập. Đến khi hạn hán, các anh em đến Ai cập mua lúa, gặp em mình làm quan và Giuse âm thầm giúp anh em qua khỏi cảnh cơ hàn. Hẳn Thượng đế kiên nhẫn lắm người mới chịu nỗi lòng bội bạc của ta, khi vì tình yêu Người giúp ta khỏi những khốn khó mà ta cứ cho là thất bại và bất mãn Người. Người mẹ có buồn tức không, khi chỉ vì sợ đứa con khờ dại nghèo đói xài hết tiền, lấy tiền cất cho nó mà nó tưởng mình tham, ăn xới ăn bớt của nó và nó đến hàng xóm nói hành trách móc mình. Nói vậy không phải đời ta chuyên môn tạo cho mình những tai họa nhưng giá phải gặp thất bại, ta phải có óc chịu đựng. Phải biết chuyển bại thành thắng. Xin bạn đọc thêm vấn đề nầy trong cuốn Rèn Nhân Cách. Đừng đầu hàng trước những thất bại. Coi nó là thánh ý của Thượng đế, nỗ lực lợi dụng nó để mưu thành công tối hậu vì chỉ thành công tối hậu mới đáng kể, phải vậy không, thưa bạn?
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC: « TÊN HUNG DÂM CÓ THỂ PHÁ HOẠI LÒNG BĂNG TUYẾT MỘT TRINH NỮ MÀ KHÔNG THỂ ÁN CƯỚP TÌNH YÊU CỦA CÔ THẾ NÀO THÌ ĐAU KHỔ CÓ THỂ HÀNH HẠ THÂN THỂ, BÔI LỌ NGƯỜI BẢN LĨNH MÀ KHÔNG HỀ LÀM HỌ NẢN CHÍ TIẾN THỦ THẾ ẤY. »