The multitude of books is making us ignorant.

Voltaire

 
 
 
 
 
Tác giả: Leonid Zharikov
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Повесть О Суровом Друге (1937)
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 271 / 6
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Những Lá Cờ Trên Thành Phố
a dũng cảm vào trận đánh
Vì Chính quyền Xô-viết,
Muôn người ta như một
Hy sinh trong đấu tranh.
1
Sau cách mạng bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn khác.
Nga hoàng không còn nữa, người ta đã bãi bỏ Chúa. Không ở đâu còn nghe thấy những từ “ngài”, “ông hoàng”, “bẩm ngài” đáng ghét nữa. Bầu trời trên xóm thợ cao hơn, mặt trời rạng rỡ hơn và khắp nơi nhìn vào đâu trên các mái nhà đều đỏ rực một màu cờ trước gió.
Công nhân cầm vũ khí đi lại trên đường phố và người ta gọi nhau theo kiểu mới – đồng chí.
Đồng chí! Hai tiếng đẹp biết bao nhiêu! Biết bao đầm ấm và hạnh phúc trong hai tiếng đó!
Chỉ mới cách đây không lâu người ta còn phải thì thầm hai tiếng đó để lạy Chúa, tên cảnh sát khỏi nghe thấy, nếu không nó sẽ cùm ngay lại: “Thằng này chống Nga hoàng”.
Bây giờ tiếng “đồng chí” đã được tự do khác nào chú chim được phóng thích. Tôi yêu quý tiếng đó và nhắc đi nhắc lại tới hai trăm lần một ngày. Thậm chí ngay cả ban đêm, khi đã trùm chiếc áo vét cũ kín đầu và cảm thấy bên lưng mình cả tấm lưng ấm áp của Vaska, tôi cũng lặp đi lặp lại khe khẽ một mình: “đồng chí”, “đồng chí”…
Ban ngày tôi đi lang thang khắp thành phố nói chuyện với những người qua đường để được nói thêm lần nữa tiếng “đồng chí”. Chú công nhân mang súng sẽ quay lại hỏi: “Cái gì hả, chú bé?” Lại phải trả lời gì đây: hoặc tay áo bị dính đất hoặc chú hãy coi chừng, đừng để mất súng. Chú ấy sẽ cười, nói cảm ơn, còn mình thì đi tiếp, nhắm một người nào đó để bắt chuyện.
Ở góc phố chúng tôi có bà già nghèo Ivanovna bán hạt hướng dương. Tôi đến chỗ bà và cố làm ra vẻ nghiêm nghị hỏi:
- Đồng chí bà ơi, hạt hướng dương giá bao nhiêu?
Có lẽ bà cũng thích tiếng đó. Bà cười mỉm chìa cho tôi một nắm:
- Cầm lấy con, cắn đi. Mồ côi tội nghiệp.
Một lần tôi gặp Alyosha Pupok. Đã sang đông rồi mà nó đi không đội mũ, cố rụt cái đầu bờm xờm xuống dưới cổ chiếc áo bành-tô nữ đã rách. Tôi ngăn Alyosha lại và hỏi:
- Đồng chí, sao cậu không đội mũ?
- Không có, – Alyosha khẽ trả lời, – mũ rách mất rồi.
- Cầm lấy cái của tớ này. – Tôi lột chiếc mũ rách mất lưỡi trai xuống và đề nghị.
Alyosha từ chối:
- Tớ sẽ xoay xỏa xong thôi, cám ơn… đồng chí. – Và chúng tôi, được sưởi ấm bằng hai tiếng ấy, mỉm cười với nhau.
Cuộc sống trong thành phố hoàn toàn thay đổi. Những người nghèo khổ chuyển đến ở tại nhà của bọn giàu có. Chúng tôi cũng có thể chuyển nhà, nhưng chú Anisim Ivanovich bảo cứ để người nào cần hơn thì đi trước. Rồi sau đó chúng tôi cũng sẽ rời bỏ túp lều của mình. Vaska bảo là ai trước kia không có gì bây giờ sẽ có tất cả!…
Không đủ thời gian để có thể chứng kiến được tất cả những điều thú vị. Đã từ lâu cần phải xem bác Mityai chủ tịch Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính của chúng tôi họp ở Xô-viết như thế nào. Cũng rất muốn vào xem nhà ngân hàng. Chú Anisim Ivanovich bây giờ là ủy viên tài chính. Chú không còn trượt trên chiếc xe của mình nữa, mà phóng trên chiếc xe thắng một con ngựa màu vàng. Chú đeo một khẩu súng lục bằng chiếc quai mỏng quàng qua vai. Tôi tưởng tượng chú Anisim Ivanovich ngồi bên cửa nhà ngân hàng chất đầy tiền đến tận trần và một tay cầm súng lục, một tay cầm gươm: chúng mày có giỏi thì cứ lẻn vào đây lấy tiền xem!
Mỗi ngày lại thêm một điều mới lạ. Khi thì ở Nhà quý tộc cũ khánh thành Câu lạc bộ công nhân. Khi thì thanh niên nhà máy mang ảnh thánh đến chất đống ở quảng trường “Chữa cháy” và vừa hát “Quốc tế ca” vừa châm lửa đốt. (Tôi và Vaska cũng tháo và quăng những cây thánh giá bằng đồng của mình vào đống lửa.) Lúc thì người ta nhân danh cách mạng xử lão hàng giò Tsybulya ở tòa án cũ.
Tất cả đều mới mẻ và tươi vui.
Chỉ có một lần tôi không cầm được nước mắt. Đó là hôm tôi thấy các chú công nhân hạ tấm biển tráng men “Đại lộ Nikolai” cũ ở phố chính xuống và đóng lên tấm biển mới “Phố Egor Ustinov”. Tấm biển bào còn chưa nhẵn. Tuy tôi có đau buồn, nhưng dù sao công nhân vẫn không quên bố tôi.
Trong nhà máy cũng có nhiều tin mới. Công nhân bầu bố thằng Abdulka là chú Hussein làm người lãnh đạo. Giá như được chạy tới liếc nhìn dù là qua khe cửa xem người lãnh đạo nhà máy như thế nào nhỉ…
Người ta đồn là đã tịch thu điền trang của tướng Shatokhin và chia đất cho nông dân. Tôi mừng thay cho ông Karpo. Chắc là người ta sẽ chia cho ông nhiều đất đến nỗi đi một ngày vẫn chưa hết.
2
Trên đường vào trung tâm thành phố, tôi gặp một đoàn công nhân rất đông. Họ mang xẻng, cưa và cuốc chim thay cho súng. Họ đi đều bước, cùng hát:
Chúng ta từ nhân dân mà ra,
Con em lao động một nhà
Khẩu hiệu chiến đấu của chúng ta:
“Liên minh anh em và tự do”!
Lá cờ đỏ phấp phới trên hàng đầu, căng phồng gió, reo vui đập đập vào cán dường như muốn bay vút lên bầu trời xanh biếc. Tôi thấy đoàn công nhân rẽ ngoặt sang phố bên dẫn tới nhà máy. Và kia, hàng người cuối cùng đã khuất sau dãy nhà, chỉ còn vọng lại lời ca:
Chúng ta giương cao trên trái đất
Cờ hồng lao động của nhân dân!
Qua câu chuyện ngoài đường phố tôi được biết đó là đội lao động Cộng sản chủ nghĩa đầu tiên. Thì ra đã có đạo luật mới: “Ai không làm thì đừng ăn!” Tôi cảm thấy xấu hổ, khi nghe thấy điều đó; hôm qua và cả hôm nay tôi đã ăn bánh mì và còn được uống cả nước quả nữa, thế mà không hề làm một việc gì. Tôi không biết rằng thật là xấu hổ biết bao, nếu được ăn thì chạy cho nhanh, còn bản thân thì không chịu làm việc gì…
Trong thành phố người ta đã mở một hợp tác xã tiêu thụ tại cửa hiệu cũ của lão Tsybulya. Cạnh đó người ta xếp hàng dài nhận bánh mì. Chắc Vaska đứng ở đâu đây.
Các bà trùm kín khăn ngồi cắn hạt hướng dương trên những chiếc ghế mang từ nhà tới và kháo nhau về chuyện xảy ra đêm vừa rồi. Người ta đã khám phá ra 100 bao tải bột mì và nhiều pút kẹo trong một cái hố ở dưới kho đồ đạc của nhà lão Tsybulya. Xô-viết đại biểu công nhân ra lệnh chia cho trẻ con, ngoài ra mỗi cháu còn được thêm bột mì.
Qua câu chuyện trong lúc xếp hàng tôi còn được biết là gần ga Karavannaya đang diễn ra cuộc chiến đấu giữa những đội viên cận vệ đỏ và tướng Kaledin. Chủ tịch Xô-viết, đồng chí Arsentiev – tức là bác Mityai của chúng tôi – đã phi ngựa tới đó.
Tôi tìm thấy Vaska ở giữa hàng. Ở đây có cả thằng Ucha, Ilyukha và cả thằng Vitka Bác sĩ, con trai một nhân viên văn phòng nữa.
Người ta vẫn chưa chở bánh mì tới. Còn phải đứng xếp hàng lâu. Chúng tôi quyết định đến Xô-viết xem có đúng là sắp mở trường cho con em công nhân học hay không.
Chúng tôi để thằng Ilyukha ở lại giữ chỗ, đưa cho nó giữ phiếu bánh mì rồi kéo nhau đến Xô-viết.
Những đội viên cận vệ đỏ cưỡi ngựa qua lại ở đường phố chính. Họ có gì mặc nấy: người mặc vét-tông, người mặc bành-tô, kẻ khoác áo bộ đội. Bên sườn họ lủng lẳng đủ loại kiếm: cái thì uốn vòng ở đằng mũi hệt chiếc bánh xe, cái thì thẳng tuột, có người làm lấy không có bao. Song sau lưng họ lại đung đưa những súng trường, ngựa rộn ràng khua vó. Thật thú vị được ngắm nhìn những đội viên cận vệ đỏ.
Trên dãy hàng rào dài nhà lão cố đạo chúng tôi nhìn thấy khẩu hiệu kẻ bằng sơn đỏ:
“Cách mạng tháng Mười của công nông bắt đầu dưới ngọn cờ giải phóng chung…”
Chúng tôi vừa đi dọc hàng rào vừa đọc dòng chữ dài hàng mười mét. Đọc hết một dòng chúng tôi đi quay trở lại và đọc sang dòng khác.
“Giải phóng cho nông dân… binh lính và thủy thủ… Giải phóng cho công nhân… Tất cả sự sống và những gì có sức sống đều được giải phóng khỏi xiềng xích đáng căm hờn”.
Ucha lấy nạng chọc vào chữ “xiềng xích” hỏi:
- Thế xiềng xích là cái gì?
- Là gông cùm, – Vaska giải thích, – cậu có nhớ khi bố thằng Abdulka ra khỏi tù chân còn bị xích không?
Ucha cau cặp mày đen nhánh, nhặt hòn đá ném vào nhà lão hàng giò Tsybulya. Hòn đá không bay tới nơi mà rơi xuống tuyết gần hàng rào.
Ở Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính, trong một gian phòng rộng thênh thang tụ tập rất nhiều người: phụ nữ có con mọn, công nhân, các cô gái chít khăn vuông đỏ. Khắp nơi tiếng người nói ồn ào chen lẫn tiếng đánh máy lách tách.
Trên bàn xếp ngổn ngang những tấm biển: “Ủy viên lương thực”, “Phòng đấu tranh chống bọn phản cách mạng”, “Giáo dục nhân dân”.
Chúng tôi thấy chú Anisim Ivanovich ngồi sau cái bàn xa nhất, tít trong góc, chỗ dựng lá cờ lỗ chỗ đạn quen thuộc đối với tôi với dòng chữ đề: “Đây sẽ là trận chiến đấu cuối cùng và quyết liệt!” Trước mặt chú có tấm biển “Ủy viên đặc quyền về tài chính”.
Chú đặt đôi tay nặng nề lên bàn, tranh luận với bố Abdulka, người phụ trách nhà máy.
- Cứ chi cho ba triệu đi, tôi không muốn biết gì hơn, – chú Hussein đề nghị.
- Không có tiền, – chú Anisim Ivanovich đáp, – không tin, chìa khóa đây, anh kiểm tra xem.
- Tôi không muốn kiểm tra! Tôi phải cho nhà máy hoạt động, nhưng mà không có gì để trả lương cho công nhân cả.
- Thế thì tôi có thể làm gì được? Tất cả chúng ta bây giờ đều làm việc không lương: cả tôi lẫn anh.
- Tôi không nói về bản thân mình, mà cần trả lương cho công nhân, anh hiểu chứ?
- Tôi hiểu, còn anh hãy hiểu cho là tiền trong ngân hàng không có: bọn tư sản mang hết tiền đi rồi.
Chú Anisim Ivanovich quay sang bàn bên có tấm biển “Phòng trưng thu”, nơi chú lính thủy ở mỏ “Vetka” ngồi.
- Nghe này, đồng chí Chernovol, có thể moi được tiền của bọn nhà giàu không?
Chú lính thủy đang nói chuyện thì thầm với một nhóm công nhân vũ trang đáp:
- Chúng tôi sẽ moi, đồng chí Rudnev ạ. Bọn chúng sẽ mang ông bà ông vải ra mà thề, và thà chết, chứ còn tiền thì vẫn giấu kín đây. Nhưng đồng chí ủy viên chớ buồn, chúng ta sẽ tìm ra tiền cho công nhân.
Chờ chú Hussein ra khỏi, chúng tôi mới lách tới bàn chú Anisim Ivanovich. Chú mỉm cười hiền dịu:
- Còn các tiểu yêu này, cần gì đấy các cháu?
- Chú Anisim, có đúng là chúng cháu sẽ có trường học không ạ?
- Đây không phải là phần việc của chú các cháu ạ. Đó…ó, lại đằng kia kìa, bàn thứ ba từ cửa vào.
Ucha chống nạng lò cò tới chỗ tấm biển “Giáo dục nhân dân”, nơi mẹ Alyosha Pupok ngồi làm việc. Nó quay lại ngay và hét ầm lên:
- Sẽ có, người ta bảo là sẽ có!
Chúng tôi cả đoàn ầm ĩ ùa ra phố và đụng phải Abdulka ở lối ra vào.
- Các cậu ơi, đến nhà máy đi! – nó vừa nói vừa thở hổn hển. – Ở đó nhân dân tụ họp rất đông, có cả đội kèn đồng chơi nữa cơ.
Chúng tôi lắng nghe. Đúng là ở đâu đó xa xa vang vang lên tiếng chũm chọe và tiếng kèn đồng ồm ồm.
3
Để khỏi phải đi vòng xa chúng tôi trèo qua rào. Nhà máy bây giờ là của chúng ta, còn phải sợ ai nữa!
Abdulka bảo là người ta đang tập trung gần lò cao và chúng tôi phóng tới đó.
Phân xưởng đầu tiên nằm trên đường đi của chúng tôi là phân xưởng cán thép – một tòa nhà đồ sộ vắng tanh. Những chùm ánh nắng lạnh lẽo xiên chéo từ những khe hở trên mái nhà xuống nền thép. Xung quanh thật phóng khoáng bao la, trong lòng thật rộn ràng! Nếu muốn, tôi có thể vào làm việc ở bất kỳ phân xưởng nào cũng được – bây giờ nhà máy là của những người vô sản chúng ta rồi mà!
Đằng sau phân xưởng cán thép là những chiếc đầu máy xe lửa “chim cu” phủ đầy tuyết, nằm như chết trên đường ray. Chúng tôi đi vòng qua ống khói cao vút bằng gạch bị đạn đại bác bắn xuyên thủng của phân xưởng rèn và ở đằng xa, bên chân lò cao chúng tôi thấy một đám đông nghịt những người. Lốm đốm có những chiếc khăn đỏ của phụ nữ mặc áo bông.
Chúng tôi đuổi nhau chạy tới và lách vào giữa chỗ đông nhất, chen gần tới sát bên diễn đàn làm bằng chiếc thùng sắt.
Chú công nhân quai búa Fedya đang phát biểu. Sau khi bố tôi hy sinh, chú Fedya rất thương tôi: chú thường hay rẽ qua nhà chú Anisim Ivanovich và giúi cho tôi khi thì miếng bánh ngô, khi thì gói đường nhỏ.
- Các đồng chí! Nước Cộng hòa Xô-viết đang lâm nguy. Chúng ta không có tiền, không có bánh mì, không có chất đốt. Nhà máy và hầm mỏ nằm chết gí. Chúng ta cần mau chóng cho nhà máy hoạt động để chế tạo ra vũ khí bảo vệ nền tự do đã giành được bằng máu. Chúng ta không hy vọng vào ai được, các đồng chí ạ. Chúng ta cần phải bắt đầu làm ngay từ giờ. Chừng nào chưa có tiền, chúng ta làm việc không lương, vì lợi ích của Cách mạng!
Tiếng reo hò “hoan hô” vang dậy, đàn quạ đậu trên đỉnh những lò cao bay tung cả lên, vừa lượn trên lò vừa kêu quạ quạ. Nhạc nổi lên. Chú Fedya còn nói thêm cái gì nữa. nhưng đã không còn nghe thấy gì cả.
Chú Hussein, lãnh đạo nhà máy, bước lên diễn đàn. Chú nói về một tên tư sản Mỹ Wilson nào đó đã ra lệnh làm chúng ta chết đói. Khi chú ngừng lời, những lá cờ tung bay, người ta tung mũ lên, âm nhạc vang dậy và các chú công nhân hát vang:
Cả Chúa, cả Nga hoàng, cả các hiệp sĩ
Không ai có thể giải thoát chúng ta.
Chúng ta tự giải phóng
Bằng chính đôi tay của mình.
Tôi nhìn Vaska rồi cũng họa theo và thấy dường như cả bài ca hòa hàng ngàn giọng mạnh mẽ chỉ thoát ra từ riêng lồng ngực của tôi.
Cả Chúa, cả Nga hoàng, cả các hiệp sĩ
Không ai có thể giải thoát chúng ta.
Chúng ta tự giải phóng
Bằng chính đôi tay của mình.
Sau buổi mít-tinh công nhân chia thành từng đội, họ cười đùa vui vẻ tỏa về các phân xưởng.
Trong nhà máy lạnh lẽo bị bỏ hoang lại bắt đầu vang lên tiếng người, đây đó rộn ràng tiếng búa, tiếng sắt va chạm loảng xoảng. Một số dọn sạch tuyết trên những con đường trong nhà máy, số khác dỡ chiến lũy làm bằng những toa goòng của mỏ bị lật nhào và bị đạn bắn thủng lỗ chỗ, số nữa xúc than rơi vãi lên các toa xe lửa.
Sau đó từ đâu đó vọng tới tiếng còi đầu máy nghe khá vui tai và một chiếc đầu máy “chim cu” nhem nhuốc lao ra từ sau những lò cao trên đoạn đường ray bấp bênh. Một mảnh vải đỏ bay phần phật trên ống khói, còn anh em công nhân đứng bám đầy đằng trước, hai bên, trên đầu nối, trên bậc lên xuống và hân hoan vẫy tay, vẫy mũ.
Mọi người reo hò “hoan hô” chào đón họ.
- Các đồng chí, con én đầu tiên! – một chú công nhân hô lên và nhảy từ trên đầu máy xuống khi nó còn đang chạy. – Con én cách mạng! – Rồi chú lấy phấn viết mấy chữ đó lên bên đầu máy.
Mọi người vây quanh “chim cu”, âu yếm sờ mó nó và nép sát vào hai bên sườn ấm áp của nó để sưởi. Tôi cũng giơ tay lên sưởi, còn Ucha dám trèo cả lên đầu nối.
Chú Hussein, người chỉ đạo nhà máy, bắt tay thợ lái máy và nói:
- Các đồng chí, sẽ đến lúc chúng ta có nhiều đầu máy lớn. Còn chú “chim én” này chúng ta sẽ gìn giữ như vật kỷ niệm về sức lao động cộng sản chủ nghĩa tự do của chúng ta.
“Chim cu” khẽ rít lên và phả ra hai bên những luồng hơi màu trắng tưởng chừng như nó cũng nghe hiểu chú Hussein. Sau đó nó móc thêm toa than và thở phì phì kéo về xưởng rèn. Chẳng bao lâu nó lại quay ra, lôi theo chiếc cần cẩu goòng có cái mũi dài khoằm. Cần cẩu bắt đầu chuyển sắt vụn lên toa sàn.
Bỗng cách đấy không xa vang lên hai tiếng nổ liên tiếp. Mặt đất rung chuyển.
- Họ phá tảng! – tôi nghe thấy giọng nói vui sướng của ai đó. – Người ta phá tảng trong lò nấu gang.
Tôi đã hoảng hốt một cách vô ích. “Phá tảng” – nghĩa là nạo sạch gang đóng cáu lại bên trong lò đúc. Bây giờ chả mấy chốc mà người ta sẽ cho chạy lò nấu gang, sau đó là lò mác-tanh và cuối cùng là các máy cán thép.
Không làm việc thì không thể chịu được. Chúng tôi bắt tay vào làm việc cùng với người lớn như thu nhặt những dụng cụ rơi vãi, quét tuyết ở ngoài đường. Tôi còn cởi áo bông cũ ra cho dễ làm hơn. Không một trò chơi nào hấp dẫn tôi như công việc này. Tôi đặc biệt thấy vui vì đã làm không lương vì lợi ích của cách mạng! Giá như người ta có trả cho tôi một nghìn rúp, tôi cũng sẽ không nhận. Tôi làm việc không lương, cho cách mạng. Chính đồng chí Lenin cũng sẽ phải khen ngợi tôi.
- Các cháu cừ lắm, – những người lớn khuyến khích bọn tôi. – Cố lên, tất cả cái này đều làm cho các cháu cả. Các cháu rồi sẽ được sống trong chế độ cộng sản chủ nghĩa!
- Chúng cháu không chịu tụt hậu đâu. – Vaska trả lời thay cho cả bọn. – Mau lên các bạn, gắng nữa lên!
- Đúng đấy, Vaska, hãy động viên các bạn đi!
Một chú công nhân trông thấy ở đằng xa khói đen bốc lên trên ống khói của xưởng rèn, và khắp nơi vang dậy tiếng hoan hô, reo hò:
- Khói! Khói!...
Đàn quạ kêu và bay lượn trên ống khói, chúng tụ tập lại để sưởi ấm. Cuộc sống thật tuyệt diệu đã bắt đầu, ngay cả chim muông cũng vui thích!
Vào đúng lúc đang làm việc hăng nhất thì Ucha vừa đào bới trong tuyết vừa gọi chúng tôi rối rít:
- Lại đây, lại đây mau lên!
Nó lôi từ dưới đống sắt vụn bỏ đi ra một cái xích phủ kín băng, trông khủng khiếp như một con rắn thật và ở hai đầu có hai “chiếc xuyến”.
- Xích tù! – Vaska mân mê những mắt xích buồn rầu nói.
Bọn trẻ nín lặng xem xét chiếc xích. Tôi cũng rụt rè sờ vào con rắn thép lạnh giá. Vaska buông chiếc xích ra và nó loảng xoảng rơi xuống, cuộn thành vòng dưới đất.
- Lão Hughes đã dùng chính những cái này để xích công nhân lại đấy, – Vaska bảo vậy.
- Giá được xích bản thân lão Hughes hay một tên tư sản lại thì thích nhỉ! – Abdulka nói.
- Này chúng mình đi xích thằng Senka con lão hàng giò lại đi? – tôi rủ.
- Ừ nhỉ? Đúng rồi! – Ucha nói. – Chúng mình tóm cổ hắn và xích lại.
Vaska im lặng, không ra suy nghĩ xem nên xích thằng Senka như thế nào cho thích hơn, không ra đắn đo có đáng làm bẩn tay hay không.
- Xích thằng Senka không thú, – cậu nói. – Giá mà được xích lão Hughes…
Xích lão Hughes tất nhiên là thích rồi, nhưng hắn đã chuồn đi mất, còn thằng Senka thì ở ngay đây. Nếu như lừa nó ra khỏi nhà bây giờ, lôi tuột đến nhà kho và xích nghiến lại, mặc kệ cho nó kêu la nhỉ. Nghĩ vậy nên khi thấy Vaska vung tay quăng chiếc xích vào tuyết, tôi bèn đi lại chỗ nó rơi xuống, nhặt lên rồi nhét vào lần lót trong áo bông qua lỗ thủng ở túi. Đi đứng giờ thật vướng víu, cái xích trĩu nặng một bên sườn và kêu loảng xoảng đến khó chịu, nhưng tôi không chịu rời bỏ nó, giấu kín trong lòng ý đồ căm giận chống lại thằng con lão hàng giò đáng ghét.
Ở nhà máy thật vui vẻ, làm việc trong tiếng nhạc thật hào hùng, nhưng một đứa chợt nhớ tới việc xếp hàng chờ lấy bánh mì. Phải mau chân lên kẻo thằng Ilyukha biết đâu lại chả chén hết bánh mì của chúng tôi. Mà người ta lại chỉ phát cho mỗi đứa chúng tôi có một phần tư phun-tơ thôi. Chỉ cần cho vào miệng và thế là hết khẩu phần.
Chúng tôi tiếc rẻ rời khỏi nhà máy, quay về thành phố. Người ta đã bắt đầu phát bánh ở hợp tác xã và hàng chúng tôi đã gần tới. Chả mấy chốc mỗi đứa chúng tôi đã được nhận nửa phun-tơ bánh và ngoài ra người ta còn đổ thêm cho một phun-tơ bột vào mũ.
Tôi bỗng nhớ tới đạo luật mới áp dụng cho những kẻ không lao động và nghĩ là bây giờ đạo luật đó không có liên quan đến tôi: hôm nay tôi đã làm việc rồi, nghĩa là tôi có thể ăn!
4
Hai ngày trôi qua và chúng tôi được thông báo chuẩn bị đến trường. Đó là tin vui nhất.
Trường học. Chúng tôi đã hằng mơ ước về trường học biết bao nhiêu; đã bao lần chúng tôi buồn bã đi qua trường học, thèm khát liếc nhìn qua cửa sổ, trong đó bọn con nhà tư sản đang ngồi học! Biết bao lần lão gác cổng râu xồm đã lấy chổi xua đuổi chúng tôi. Mỗi khi lão ta bỏ đi đâu đó, chúng tôi lại đứng dưới cửa sổ cả buổi học.
Một lần chúng tôi thấy thằng Senka lên đọc bài. Cha Ioann mũi đỏ ngồi phè phè trên ghế trong lớp, còn thằng Senka đứng trước mặt ông ta cúi đầu ủ rũ. Linh mục tức giận quát nó: “Đồ ngu, đã bảo mày là ở trong ba ngôi chỉ có một chúa: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần!” Thằng con hàng giò nhấp nháy mắt một cách đần độn và đứng im. Cuối cùng linh mục Ioann bảo nó: “Đầu con mít đặc mít xoài, dùng chày ba trượng đập hoài mới thông” – và đuổi nó về chỗ.
Tôi và Vaska cùng cười, còn thằng Senka giơ nắm đấm dọa chúng tôi.
Khi chuông tan học cả bọn học sinh dưới sự chỉ huy của thằng con lão hàng giò từ sân trường ùa cả ra, chúng huýt còi la hét ầm ĩ và ném đá tới tấp vào chúng tôi. Bọn chúng hò nhau: “Đánh chết lũ thợ giày đi!” Chúng tôi tự vệ bằng mọi cách, nhưng chúng tôi chỉ có hai người, mà bọn học sinh có tới trăm đứa.
Chúng tôi tủi thân bỏ về nhà. Không phải vì bọn học sinh đã đánh chúng tôi, mà vì chúng tôi không được học. Tôi còn được bố tôi dạy cho biết đọc biết viết đại khái, còn Vaska thì lại không biết lấy một chữ. Mà cậu ta thích học biết chừng nào!...
Và thế là hạnh phúc đã tới. Khi chuẩn bị đến trường tôi mặc chiếc áo bông cũ rách nát, đã định vứt cái xích đi, nhưng nghĩ lại là nếu như bắt gặp thằng Senka thì sao?
Thím Matrena cho mỗi đứa chúng tôi một mẩu bánh rắc muối và một củ hành, thế là chúng tôi ra đi.
Một vuông vải đỏ uốn lượn như ngọn lửa trên mái trường trung học cũ. Bọn trẻ tập họp được khoảng bốn chục đứa. Nhiều đứa đeo đi cả túi vải gai, nhưng trong đó chẳng có sách, không có vở và cũng không có cả bút chì nữa.
Những hành lang dài sáng sủa trong nhà trường trông thật lạnh lẽo. Trên các cửa sổ kính hầu hết bị đập vỡ, bàn học bị dao rạch ngang dọc. “Chắc thằng hàng giò Senka vì căm tức mà làm thế này đây”, – tôi nghĩ thầm.
Tiếng ồn ào vui vẻ, tiếng chân chạy nhộn nhịp tràn vào các lớp học âm vang.
Người ta tập trung tất cả chúng tôi vào một phòng lớn. Ở đó các bàn học gãy được xếp lại thành hàng. Học trò thích đâu ngồi đó. Tôi và Vaska chọn cái bàn cao nhất trong một góc xa.
Vì xúc động trước một sự kiện khác thường trong cuộc sống, chúng tôi chạy nô đùa lung tung và chả còn lúc nào nghĩ xem ai sẽ là thầy giáo của mình nữa. Bởi vậy chúng tôi sửng sốt và không thể hiểu ngay được điều gì đã xảy ra, khi chú thợ máy Sirotka bước vào lớp. Chú đeo khẩu súng lục choàng qua vai. (Chú công tác ở Phòng đấu tranh chống bọn phản cách mạng.)
- Các đồng chí bé con! – chú Sirotka nói với chúng tôi khi tiếng ồn ào đã lắng xuống và bắt đầu yên lặng. – Nhân danh cách mạng chú tuyên bố khai giảng trường học đầu tiên của con em công nhân. Các cháu, những đứa con của thiên thần đau khổ đã có quyền được học tập để trở thành những người biết chữ và thay thế cha anh, những người có thể sẽ ngã xuống vì sự nghiệp của giai cấp công nhân. Khi đó các cháu sẽ giương ngọn cờ của cha ông và đi tiếp đến tương lai sáng ngời của chủ nghĩa cộng sản.
Gió rít lên qua những cánh cửa sổ vỡ làm những mảnh kính còn lại trong các khung cửa kêu loảng xoảng. Chúng tôi ngồi im lắng nghe chú Sirotka.
- Bọn tư sản bảo chúng ta, những người công nhân, không lãnh đạo được nhà nước. Hãy chứng minh cho bọn hút máu người không tanh đó biết là các cháu có khả năng làm được những gì! Hãy tỏ ra xứng đáng với danh hiệu cao quý của giai cấp công nhân. Tất cả bây giờ là của các cháu: trường học, nhà máy và cả số mệnh của các cháu nữa. Hãy học nhiều hơn và tốt hơn nữa. Cần phải chiến thắng các giai cấp chống đối lại chúng ta và tiến lên. Đòi hỏi của cuộc sống là như vậy đó, các đồng chí bé con ạ, vì thời đại cách mạng thế giới đã bắt đầu…
Ngừng một lát, chú Sirotka kết thúc bài nói chuyện của mình bằng những lời lẽ làm chúng tôi sửng sốt:
- Tiếc là hiện giờ các chú chưa tìm ra thầy giáo cho các cháu. Một số giáo viên hiện đang ở trong đội cận vệ đỏ, một số bị Nga hoàng bắn chết và còn có những kẻ đã bỏ chạy theo bọn ca-đê. Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính cử chú tạm thời làm thầy giáo của các cháu trong khi chưa tìm được giáo viên thực sự.
Mặc dù tôi không hiểu đến một nửa số từ trong bài diễn văn của thầy giáo chúng tôi, nhưng những từ đó đối với tôi chứa đầy một vẻ đẹp huyền bí: “đòi hỏi của cuộc sống”, “thời đại cách mạng thế giới”.
Sau bài nói chuyện của chú Sirotka, bác Mityai, tức là đồng chí Arsentiev kéo lê đôi giày có đóng đinh thúc ngựa bước vào lớp. Bác mặc áo kỵ binh dài, đội mũ lông cừu xám đính ngôi sao bằng dạ đỏ. Bác chăm chú nhìn khắp lượt chúng tôi, nói cái gì đó với chú Sirotka, rồi cả hai đi khắp các hàng ghế, ngắm nhìn, sờ nắn quần áo từng đứa một. Đến gần Alyosha Pupok, bác Mityai dừng lại đặc biệt lâu hơn, thậm chí còn ngồi xổm xuống để sờ nắn đôi giày rách nát buộc chằng bằng dây thép của nó.
Sau khi xem xét, bác Mityai ra ngoài hành lang, rồi quay lại cùng hai chiến sĩ cận vệ đỏ tay ôm đầy quần áo và giày dép đủ loại.
Tất cả đã vỡ nhẽ. Chúng tôi hồi hộp.
Chú Sirotka bắt đầu thứ tự gọi chúng tôi lên bảng, tại đó bác Mityai dỡ tung đống quần áo ra và phát cho đứa thì áo vét mới, đứa chiếc mũ ấm, đứa đôi giày lính có xà-cạp.
Khi Alyosha Pupok lên bảng, tất cả im thít. Nó ăn mặc rách rưới đến nỗi không thể hiểu nổi nó mặc cái gì nữa. Ngay cả bác Mityai, tuy đã biết rõ Alyosha nhưng cũng dừng tay sửng sốt khi ngắm nhìn cái áo khoác phụ nữ của nó.
- Ôi, kiểu áo của người anh em, – bác nói với giọng bông đùa buồn buồn, – đặt may của người thợ nào đấy?
Người ta mặc lại toàn bộ quần áo từ đầu đến chân cho Alyosha Pupok trong tiếng cười rộ của chúng tôi. Đầu tiên chú Sirotka lột bỏ cái áo khoác rách mướp không khuy khỏi người nó và quẳng ra hành lang. Thay vào đó người ta mặc cho nó chiếc áo bành-tô mới, đội mũ bịt tai ấm áp, cho đôi giày bộ đội mới và cái quần bộ đội màu xanh dài lê thê từ gót chân lên đến cằm, có đệm miếng da ở mông.
Vaska được chiếc áo sơ-mi bộ đội màu xanh lá cây, còn tôi được phát chiếc quần bông mới và áo gi-lê đen. Về chỗ, tôi thận trọng nhẹ nhàng để cho chiếc xích khỏi kêu loảng xoảng, cởi bỏ áo bông và cố nong chiếc gi-lê vào. Áo không có tay, không ấm, nhưng lại có những bốn túi nhỏ.
Cả lớp cười vang khi người ta phát cho thằng Ucha đôi ủng. Bác Mityai và chú Sirotka bối rối: một đôi ủng, thế mà chú bé Hy Lạp chỉ có một chân. Ucha sung sướng và tự tìm ra lối thoát, nó bảo đầu tiên sẽ đi cho hỏng chiếc ủng bên trái, sau đó nó sẽ đi nốt chiếc bên phải cũng vào chân đó.
Không ai bị bỏ sót – đứa nào cũng được một cái gì đó. Khi bác Mityai đi khỏi, chú Sirotka nói đấy là quà của Xô-viết đại biểu công nhân và binh lính gửi tặng.
- Tớ biết, – Vaska khẽ thì thào với tôi, – Lenin gửi quần áo cho chúng mình đấy.
Chúng tôi xúc động, xôn xao mãi vẫn không thể nào ổn định được.
Sau đó bài học bắt đầu. Không có vở. Không biết người ta mang từ đâu đến một chồng báo cũ “Lời nói Nga” và phát cho mỗi đứa một tờ. Bút chì thì cả lớp có độc một cái, mà lại của thằng Vitka Bác sĩ. Người ta cho mỗi đứa chúng tôi một mẩu than gỗ thay cho bút. Nếu lấy than vạch lên báo cũng được một nét vẽ đậm.
Quang cảnh lại ồn ào: tiếng báo loạt xoạt, tiếng nói rì rầm. Sau những việc chuẩn bị đó thầy giáo mới lần lượt hỏi chúng tôi ai đã biết chữ và ai hoàn toàn chưa biết chữ nào.
Vaska phải chuyển sang ngồi bên trái lớp, tại chỗ những đứa mù chữ. Người ta xếp Vitka Bác sĩ ngồi vào chỗ cậu ta bên cạnh tôi.
Tim tôi ngừng đập vì sung sướng: chúng tôi đang ở trường và bây giờ bắt đầu học! Nhưng bỗng cửa lại mở và một tốp người mang súng bước vào lớp. Họ gọi chú Sirotka ra ngoài. Qua câu chuyện ồn ào sau cửa tôi hiểu là người ta đã tìm được một thằng học sinh trường võ bị và các chiến sĩ cận vệ đỏ đến hỏi xem giải quyết nó ra sao.
- Các đồng chí đừng gọi tôi vì những chuyện vặt ấy, – chú Sirotka nói. – Các đồng chí không biết làm gì à? Cứ giam nó vào tù và đợi tôi về.
Những người này chưa kịp đi, thì những người khác đã tới và lại gọi chú Sirotka ra và bảo là người ta mời chú ra ngay điện thoại. Thầy giáo chúng tôi tức giận đóng sập cửa lại và không đi.
Buổi học bắt đầu từ việc chú Sirotka đưa phấn lên bảng vẽ chữ “A” và ra lệnh:
- Cháu nào chưa biết chữ, hãy viết chữ “A” – hai cái que chụm đầu vào nhau và một gạch ngang.
Mỗi đứa phải viết chữ đó mười lần trên tờ báo của mình. Còn những đứa biết viết rồi: tôi, Vitka Bác sĩ và hai đứa nữa, thì chú đọc to từ một tờ giấy gì đó cho viết.
Tôi vuốt thẳng tờ báo trên bàn, nắn nót viết:
“Các đồng chí công nhân, binh lính, nông dân và tất cả những người lao động!
Cuộc cách mạng công nông đã hoàn toàn thắng lợi ở Petrograd…”
Tay tôi run lên. Tôi cố gắng hết sức, mồ hôi lấm tấm trên trán, tôi nắn nót viết từng chữ một. Đầu tiên tôi viết trên lề báo, đến khi hết chỗ tôi bắt đầu viết chữ thẳng vào trong báo, ngay trên chỗ in về việc thoái vị của Nga hoàng.
“Đồ vua súc sinh, rồi cũng đến lúc” – tôi chợt nghĩ và thú vị gạch dưới dòng tôi vừa viết: “Cuộc cách mạng đã hoàn toàn thắng lợi”. Tôi còn muốn tô đậm những chữ đó cho rõ hơn, nhưng mẩu than của tôi bị gãy. Không có gì để viết nữa. Tôi nhìn quanh: Vaska cũng đang ngồi khoanh tay, mũi nhọ nhem. Té ra nhiều đứa đã hết than và chúng nó cũng ngồi, không biết làm gì nữa.
Vaska có sáng kiến, cậu chạy ra phố và chả mấy chốc đã quay lại với một nắm que gỗ. Chúng tôi châm đốt ngay trong lớp học, than không được tốt lắm, nhưng dù sao…
Buổi học lại tiếp tục. Chú Sirotka đi đi lại lại trong lớp và đọc:
- “Cuộc cách mạng đã hoàn toàn thắng lợi ở Petrograd sau khi đã đánh tan và bắt được đám tàn quân cuối cùng gồm một số nhỏ lính Cozak bị Kerensky đánh lừa…”
Tôi ngồi dịch sang bên để Vitka Bác sĩ khỏi huých vào khuỷu tay. Thằng Vitka đã dùng mẩu bút chì viết xong từ lâu và bây giờ ngó ngoáy liếc nhìn vào tờ báo của tôi. Nó thì thoải mái rồi: nó đã được học ở trường dòng thời Nga hoàng, nhưng tôi không chịu thua Vitka và cố gắng viết không xấu hơn nó. Tôi ngồi quay lưng lại nó mà viết, để nó khỏi nhìn. Nhưng bỗng Vitka cười phá lên, gọi thầy giáo:
- Lenka viết không đúng ạ!
- Không đúng là thế nào? – tôi bực tức hỏi.
- Chữ “Kerensky” nó viết thường, lẽ ra phải viết hoa.
- Thế mà đòi nói, thằng Kerensky bắn giết công nhân, muốn bắt Lenin, mà chúng mình lại viết hoa tên nó à?
- Công nhân không có liên quan gì ở đây cả, – Vitka nói, – nếu đã là tên, họ thì có nghĩa là phải viết hoa.
- Có thể cậu cũng sẽ bảo phải viết hoa cả Nga hoàng Nikolai nữa chứ?
- Tất nhiên rồi!
Điều này thì thật quá quắt. Trong lớp ầm ầm lên. Bọn trẻ hét inh ỏi, mặc cho chú Sirotka ra sức giữ trật tự.
- Viết thường! – ngay cả những đứa chưa biết viết cũng nói vậy.
Vaska đứng dậy và nói:
- Xin đủ, bọn nó uống máu chúng ta! Cứ mặc cho bọn tư sản viết hoa, còn chúng ta sẽ viết thường.
- Chúng ta sẽ viết… – Chú Sirotka cau mày nói. Chúng tôi lắng tai nghe. Im lặng trở lại và học sinh chằm chằm nhìn vào chú Sirotka. – Chúng ta sẽ viết như quy tắc ngữ pháp quy định, nghĩa là viết hoa. Tên Kerensky không vì đó mà lớn hơn, đối với chúng ta hắn bây giờ nhỏ như một con bọ chó. Còn kêu gào trong lớp thì chú không cho phép, – chú Sirotka nghiêm khắc nói tiếp, – các cháu không phải ở trường của bọn tư sản, mà là của giai cấp vô sản. Cần có kỷ luật và có ý thức. Cần hỏi gì thì giơ tay lên và nói: “Xin có ý kiến”.
- Thấy chưa? – Vitka quay lại tôi và rít lên.
- Ra ngoài tao sẽ cho mày biết tay! – tôi hầm hè.
Chú Sirotka đọc tiếp, còn chúng tôi cẩn thận đưa miếng than sột soạt trên tờ báo.
- “Đại đa số những người lao động và bị áp bức đứng về phía chúng ta. Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa. Chiến thắng của chúng ta được đảm bảo…”
Đợi một lát chờ những đứa chậm chạp viết xong, chú Sirotka đọc tiếp:
- “Các đồng chí lao động! Hãy nhớ rằng, chính các đồng chí bây giờ tự lãnh đạo nhà nước. Không ai giúp đỡ các đồng chí, nếu các đồng chí không tự mình đoàn kết lại và nắm lấy tất cả mọi việc của nhà nước vào tay mình…
…Hãy gìn giữ, bảo vệ đất đai, lúa mì, nhà máy, công cụ, thực phẩm, giao thông như chính con ngươi mình – tất cả những thứ đó từ nay về sau hoàn toàn là tài sản của các đồng chí, của toàn dân…
Chủ tịch Hội đồng dân ủy V. Ulyanov (Lenin)”.
Tôi muốn viết chữ Lenin bằng màu đỏ, nhưng bằng gì được? Sau tôi nhớ ra là dưới vạt áo bông của tôi chắc phải còn mẩu đất mỏ màu nâu. Tôi lần nắn và tìm thấy. Chữ Lenin đẹp đến mức bọn trẻ đều van xin: cho tớ mượn. Tôi không muốn những đứa khác cũng viết được đẹp như của tôi, nhưng lại nghĩ: “Không nên tham, dù sao tất cả chúng ta giờ đây đã là đồng chí”. Tôi chia cho bọn trẻ mỗi đứa một mẩu con, chỉ trừ thằng Vitka Bác sĩ là không được.
Khi đọc chính tả xong, chú Sirotka đi dọc theo các hàng và đứa nào viết sạch thì khen, xem đứa nào bôi bẩn than ra báo thì khiển trách. Chú còn xoa đầu tôi bảo:
- Cừ lắm!
Trong giờ nghỉ không đứa nào nhào lộn, nhảy nhót. Tất cả bọn đi lại trang trọng vì chúng tôi sợ làm nhàu những quần áo mới được phát. Abdulka còn e không muốn xắn tay áo bông lên và cứ để dài lòng thòng đến tận đầu gối. Tôi định giúp nó, nhưng nó rít lên với tôi:
- Tránh ra, đừng mó vào!
Sau giờ tập viết là đọc thơ. Thằng Vitka Bác sĩ làm ra vẻ quan trọng đọc bài “Các em nhỏ hãy chuẩn bị đến trường”. Tôi đọc bài “Yasha hãy ăn cháo bột đi, không có sữa đâu”. Còn Vaska đã làm tất cả sửng sốt, cậu lên bảng và lớn tiếng đọc chính bài thơ mà ông cụ chơi đàn vẫn hát: “Hãy chôn đi và hãy vùng lên…” Khuôn mặt nóng bừng vì xúc động của Vaska trông thật đẹp, còn đôi mắt hệt hai ngọn lửa.
Buổi học kết thúc tại đó. Hai cô công nhân bưng vào lớp một đĩa lớn phủ giấy báo và chia cho mỗi học sinh một miếng cá mòi muối không có bánh mì và hai chiếc kẹo.
5
Một ngày hạnh phúc! Tất cả đều tươi vui: cả lời của Lenin mà chú Sirotka đọc cho chúng tôi viết, cả phòng học sáng sủa, cả quà của Xô-viết và cả thầy giáo cụt tay đeo súng lục của chúng tôi nữa.
Chúng tôi ùa ra phố, vừa đi vừa mút miếng cá mòi muối màu nâu nâu.
Thằng Ilyukha ủ rũ đứng gần cổng trường, giờ nó mới tiếc là không đi học. Mắt nó long lên ghen tị khi thấy chúng tôi mặc toàn đồ mới: ủng da, ủng dạ, áo bành-tô mới.
- Ilyukha, sao cậu không thích đi học? – Vitka Bác sĩ chạy lại gần thằng tóc hung hỏi.
- Tớ đã là học giả rồi, – thằng này lên mặt trả lời.
Trên đường về nhà, thằng Ilyukha sờ nắn chiếc quần bông của tôi và hỏi:
- Cậu phải trả bao nhiêu đấy?
- Tiên mất khồng, trả ba đồng.
- Còn áo vét họ cũng cho à?
- Ừ, cho.
- Này Lenka, – thằng Ilyukha vẫn không rời tôi, – thế tớ có được học không?
- Cậu đã là học giả rồi kia mà.
Ilyukha không trả lời. Nó dừng lại, chú ý nhìn về phía xa cuối phố.
- Các cậu nhìn kìa! – nó thốt lên. – Hãy nhìn kìa, bọn tư sản đang lao động. Trời ơi!
Bọn tư sản dùng xà beng bẩy những tảng đá đóng băng bám chắc vào đất ở giữa lòng đường, vận chuyển cát dưới sự kiểm soát của bốn chiến sĩ cận vệ đỏ. Ở đây thấy cả các cô tiểu thư béo ị đội mũ cắm lông, những tên lái buôn mặc áo lông thú. Cả thằng cảnh sát Zagrebay đội mũ cát-két không có quân hiệu cũng đập đá bằng búa. Sau đó tôi trông thấy cả lão hàng giò Tsybulya trong đám nhà giàu ấy. Lão ta vẻ bất mãn chọc chọc xẻng vào đất, vừa làm vừa lấy khăn tay lau trán.
Những cô nương béo ị đi giày cao gót chuyển những hòn đá nhỏ xíu, miệng rền rĩ như nặng nhọc lắm ấy.
Những người qua đường xúm quanh bọn tư sản, chế nhạo:
- Đào đi, đào đi! Trong đời cũng phải nếm thử một chút chớ!
Lão Tsybulya đảo đôi mắt bò đực dữ tợn và cằn nhằn:
- Đừng vội giỡn, chính quyền đại biểu chó mèo của chúng mày không đứng vững đâu…
- Bọn chúng nó đào gì ở đây thế nhỉ? – Ucha ngạc nhiên hỏi.
- Giai cấp tư sản bị kết án, – Vaska giải thích.
Một đứa trong bọn trẻ trông thấy thằng Senka Tsybulya. Nó đứng cách đấy không xa, gào thét nhìn lão bố bị bắt.
Tôi huých Vaska và thì thầm để cho thằng con lão hàng giò khỏi sợ.
- Vaska, chúng mình xích thằng Senka lại chứ?
- Đừng, cậu chỉ thích dính bẩn thôi!
Thích à? Không, không thể gọi ý muốn trừng trị thằng con hàng giò của tôi là thích được, chân tôi cứ run lên – tôi rất muốn tóm được thằng Senka. Ai đã bỏ tù bố Abdulka, chú Hussein và cùm chú lại? Ai đã xích tay bác Mityai, chủ tịch Xô-viết của chúng tôi ở phía tòa? Không, tôi sẽ xích thằng Senka lại! Tôi có mang xích theo đây.
- Ucha, chúng mình xích chứ? – tôi nói khẽ với thằng Hy Lạp để Vaska khỏi nghe thấy.
- Ừ! – Ucha cũng xô ra đuổi thằng con lão hàng giò.
Tôi lao ra đón đầu Senka. Nhưng thằng Ilyukha đã làm hỏng cả. Nó xộc tới trước mặt Senka và la lớn: “Bắt lấy nó, tóm lấy!” Thằng con lão hàng giò nhìn thấy tôi và ba chân bốn cẳng chạy dọc theo phố. Ucha giật đôi ủng ra khỏi vai, ném theo thằng Senka. Ủng văng trúng vào chân thằng này, nó vướng vào đấy và ngã lăn quay ra đất, không kịp chạy tới cổng rào.
Chỉ hai bước nhảy tôi đã chễm trệ ngồi trên người kẻ thù không đội trời chung của mình. Abdulka, Ilyukha và Ucha giữ thằng Senka, còn tôi vội vã lôi xích trong túi ra.
- Xích tay nó ấy, – Abdulka rít lên.
- Xích chân hơn, giữ lấy chân nó.
Như trêu người, cái xích lại móc vào lần lót trong áo và tôi không tài nào lôi ra được.
- Cứu tôi với…ới! – thằng con lão hàng giò gào lên, giãy giụa đạp chân.
Ucha nhét mũ vào mồm nó.
Cuối cùng tôi moi được xích ra và chợt hiểu là chưa biết cách xích ra sao. Không hiểu sao tôi thấy xấu hổ nhớ lại lời Vaska: “Cậu chỉ thích dính bẩn thôi!” Tôi đứng dậy bảo bọn trẻ:
- Thôi, thả cho nó về với lợn.
Thằng Senka nức nở đứng dậy và không nói năng gì lê bước đi. Đi được một quãng, bỗng nó hét lên:
- Cứ đợi đấy, bọn khố rách áo ôm! Người Đức sẽ tới và lúc đó sẽ treo tất cả chúng mày lên cành cây!
Tôi vung tay định ném chiếc xích vào nó, nhưng có ai đó khỏe mạnh đã nắm lấy tay tôi. Tôi quay lại và thấy trước mặt mình dáng vạm vỡ của chú Hussein, người lãnh đạo nhà máy.
- Cháu làm gì thế? – chú nghiêm khắc hỏi.
- Nó là thằng tư sản, – tôi cố bào chữa.
Abdulka lại gần tôi nói thêm:
- Nó đã hành hạ Lenka.
- Nó đã cưỡi nhong nhong trên lưng Lenka, – Vaska phụ họa thêm.
Chú Hussein thu chiếc xích của tôi và im lặng ngắm nghía.
- Thôi đủ rồi, bọn chúng đã hết thời cưỡi cổ rồi, – chú nói nhỏ và trầm ngâm, có lẽ đang nhớ lại chú đã từng bị cùm như thế nào. – Vaska ạ, bây giờ không ai được phép xích tay con người lại đâu. Chúng ta không cho phép! Còn cái xích này chúng ta sẽ nộp vào nhà bảo tàng cách mạng, cho nó nằm trong tủ kính để mọi người không bao giờ quên thế nào là chính quyền tư sản. Còn bây giờ giải tán về nhà đi, các cháu ạ!
6
Mãi đến tận nửa đêm tôi vẫn trăn trở trên giường, không tài nào ngủ được. Biết bao điều thú vị trong ngày hôm nay! Và còn biết bao nhiêu điều sẽ xảy ra sau này nữa! Bây giờ chúng tôi đã được tự do! Mặc dù tôi không còn cả cha lẫn mẹ, nhưng tất cả mọi người đối với tôi đều là thân thuộc, tất cả đều là đồng chí.
Đồng chí! Chỉ cần thầm nhắc đến chữ đó là trước mắt tôi xuất hiện một buổi bình minh rạng rỡ. Chim muông ca hát trong vòm lá xanh của cây keo, còn bầu trời trong thành phố vừa cao vừa phóng khoáng, tưởng chừng như chỉ cần lấy đà, vung tay lên như đôi cánh thế là bay bổng lên cao vút – cao mãi! Còn ở trên bầu trời đó, bạn chỉ việc dang tay ra hai bên và bay lượn thoải mái. Kia là đám mây trắng bay ngược lại, bạn bay né sang một bên hoặc đứng hẳn lên trên đám mây đó và hô lớn: “Các đồng chí, tôi là đồng chí!” Mặt đất ở mãi dưới, không ai nghe thấy, chỉ có chim chóc bay quanh. Còn bạn vẫn ngồi trên đám mây bay. Muốn bay đi đến đâu thì bay, thậm chí đến tận cả Petrograd. Tại thành phố đó cũng có cờ đỏ bay phấp phới, và chính Lenin sẽ bước tới và nói: “Nào, đồng chí xuống đi!” Lenin quàng vai tôi như bữa nào đó bố tôi đã làm, nhấc bổng tôi lên và cười nói: “Ồ, cháu cũng là đồng chí!...”
Người Bạn Kiên Nghị Người Bạn Kiên Nghị - Leonid Zharikov Người Bạn Kiên Nghị