Số lần đọc/download: 4166 / 80
Cập nhật: 2014-12-04 03:10:38 +0700
ME, Nguyễn
H
ồi năm 2003, cuộc sống đã thật đơn giản, làm quen với người tên Thủy, tôi lưu số điện thoại vào cục gạch Nokia, ghi tên “Thuy”.
Sau một thời gian (và mấy cục gạch mới), tôi phát hiện cách lưu tên đó không còn hiệu quả. Nhiều lần tôi thấy “Thuy” đang gọi nhưng không biết đó là “Thuy” nào. Vậy nên tôi bắt đầu thêm đại từ chỉ định: co Thuy, chi Thuy, em Thuy.
Tuy nhiên, sau một thời gian nữa số “em Thuy" phát triển quá mức, khiến tôi phải viết cụ thể hơn nữa: em Minh Thuy, em Mai Thuy, em Pham Thi My Thuy.
Thế rồi là em Thuy cao, em Thuy nhuom toc.
Giờ tôi đang có 2.214 tên lưu trong một chiếc máy điện thoại không còn so sánh với vật liệu xây dựng nữa - bạn bè, bạn của bạn bè, người không biết từ hành tinh nào xuống. Vì thế, mỗi lần lưu “contact” mới tôi viết cụ thể lắm: “Chi Minh Thuy ban cua anh Hai gap o Starbowl hom sinh nhat".
Do phần mềm linh hoạt nên tôi có thể viết dài dòng, thêm đại từ chỉ định, kể cả viết tiếng Việt có dấu, phân biệt giữa các em Thúy, Thủy, Thùy, và Thụy.
Tuy nhiên giờ còn nhiều hệ thống công nghệ chưa Việt hóa được một cách trọn vẹn như vậy. Đây là hình ảnh quen thuộc với người Việt dùng gmail:
me, Nguyen (2)
me, Nguyen (8)
me, Nguyen (3)
“Me" và “Nguyễn" có vẻ rất thân nhau, suốt ngày viết email cho nhau. Người nước ngoài nhìn vào inbox của tôi sẽ nghĩ tôi có bốn bạn thân nhất là bạn Nguyễn, bạn Đỗ, bạn Trần, và bạn Phạm.
Vấn đề là Gmail hiện họ tên theo cách của Tây: tên hiện trước, họ hiện sau. Gmail tưởng “Nguyễn Thị Hương" là "Hương Thị Nguyễn", còn lừa hệ chống bằng cách đảo ngược họ và tên khi đăng ký sử dụng dịch vụ cũng không được vì trong mỗi email tên mình cũng sẽ hiện cách đảo ngược như vậy.
Hệ thống đặt vé máy bay cũng cứng đầu không kém. Là hệ thống nhập từ nước ngoài vào nên nó không hỗ trợ tiếng Việt có dấu. Nhiều lần tôi ngồi ở sân bay nghe nhân viên dùng loa nói những câu như:
“Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin mời hành khách có tên Nguyễn Lê Cương hoặc Nguyễn Lê Cường nhanh chóng đến quầy số ba."
Tên LE CUONG (theo cách hiển thị trên màn hình nhân viên) tương đối dễ xử lý. Tôi rốt thắc mắc muốn biết các nhân viên sân bay sẽ xử tý những tên phức tạp hơn như thế nào. Những PHI PHUONG THUY chẳng hạn:
“Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin mời hành khách trên chuyến bay VN123 có tên Phi Phương Thủy, hay Phi Phương Thúy, hay Phi Phương Thùy, hay Phi Phượng Thủy, hay Phi Phượng Thùy, hay Phí Phương Thủy..."
Nói xong, máy bay đã cất cánh mất.