Nguyên tác: L'étoile Du Sud (1884)
Số lần đọc/download: 1911 / 69
Cập nhật: 2018-12-04 06:06:47 +0700
Chương 8 - Thí Nghiệm Lớn
T
rong lúc thực hiện những nghiên cứu xuất sắc về độ tan của chất rắn trong khí - Những nghiên cứu đã làm chàng bận tâm suốt cả năm ngoái - Cyprien đã không khỏi nhận thấy rằng một số chất, chẳng hạn, silic điôxít và nhôm ôxít, không hòa tan trong nước nhưng, lại hòa tan trong hơi nước ở áp suất lớn và nhiệt độ rất cao.
Từ đấy, chàng quyết định thoạt đầu sẽ theo giải pháp này nếu như không thể tìm được chất trợ dung thể khí của cácbon, để sau đó đạt được dạng kết tinh.
Nhưng những cố gắng của chàng theo hướng này không có kết quả, và sau nhiều tuần thử nghiệm vô ích, chàng đã phải quyết định thay đổi cách bài binh bố trận.
Cách bài binh bố trận chính là từ phải dùng, bởi rằng, ta sắp thấy một nòng đại bác phải phát huy vai trò trong đó.
Những phương pháp loại suy khác nhau buộc chàng kỹ sư phải thừa nhận rằng kim cương rất có thể hình thành ở các mỏ vùng Kopje theo cùng cách thức của lưu huỳnh hình thành trong đất phun khí lưu huỳnh. Thế nhưng, ta biết rằng lưu huỳnh là kết quả của quá trình ôxy hóa một nửa phân tử hyđrô sunfua; sau khi một phần đã chuyển thành axit sunfua, phần kia đọng lại dưới dạng tinh thể trên thành đất phun khí lưu huỳnh.
“Ai biết được, có khi các mỏ kim cương ấy không thực sự là mỏ cácbon? Vì rằng hỗn hợp hyđrô và cácbon cần phải chảy về đó, theo dòng nước và cặn bồi ở dạng khí mêtan, tại sao không là hiện tượng ôxy hóa khí hyđrô, kết hợp với ôxy hóa từng phần cácbon, sẽ dẫn đến quá trình kết tinh cácbon dư?”
Từ ý tưởng này đến việc thử đưa một chất bất kỳ, vào một phản ứng tương tự nhưng nhân tạo dựa trên chức năng lý thuyết của khí ôxy, không xa vời mấy đối với một nhà hóa học.
Và Cyprien đã cương quyết thực hiện ngay lập tức dự định ấy.
Trước tiên, phải nghĩ ra một thiết bị thí nghiệm, càng giống các điều kiện giả định của sự tạo thành kim cương tự nhiên càng tốt. Ngoài ra, thiết bị thí nghiệm này cũng phải cấu tạo rất đơn giản thôi. Mọi thứ được hình thành với số lượng lớn trong tự nhiên hay trong nghệ thuật đều mang đặc tính này. Còn gì kém phức tạp hơn những sự khám phá đẹp đẽ nhất chinh phục bởi nhân loại - lực hấp dẫn, la bàn, ngành in, máy hơi nước, máy điện tín?
Cyprien đích thân đi đến tận sâu trong mỏ để chọn loại đất mà chàng nghĩ là có chất lượng đặc biệt thuận lợi cho thử nghiệm của chàng. Sau đó, chàng trộn đất này thành vữa đặc, rồi phết cẩn thận bên trong một ống thép dài nửa mét, dày năm phân và phi tám.
Cái ống ấy không gì khác hơn chính là một đoạn nòng đại bác không sử dụng chàng đã mua ở Kimberley từ một toán quân tình nguyện đã bị thải hồi sau chiến dịch chống các bộ tộc nam Phi lân cận. Nòng đại bác vừa nhắc, được cưa theo kích thước phù hợp tại xưởng của Jacobus Vandergaart, rõ ràng đã cung cấp cho chàng thiết bị cần thiết, tức là một bể chứa đủ chắc để chịu được áp lực lớn bên trong.
Sau khi đặt trong ống này, trước đó đã được bít kín một đầu, vài mẩu đồng và khoảng hai lít nước, Cyprien đổ khí mê tan vào; rồi chàng cẩn thận trám lại ống, và siết ốc ở hai đầu khóa nòng kim loại một cách chắc chắn để vượt qua mọi thử thách.
Vậy là máy đã được chế xong. Chỉ còn phải cho nó chịu nhiệt lượng mãnh liệt.
Vì thế nó được đặt trong một lò phản xạ lớn, lửa của lò phải luôn cháy ngày đêm trong hai tuần để nó được nung nóng đến trắng ra.
Mặt khác, ống và lò được bọc trong một lớp đất chịu nhiệt dày, thiết kế để giữ nhiệt càng kín càng tốt, và chỉ nguội dần dần theo thời gian cần thiết.
Tất cả trông khá giống một tổ ong lớn hoặc một túp lều của người Esquimo.
Matakit giờ đây đã có thể phụ giúp ông chủ mình vài việc. Cậu tập trung cao độ theo dõi tất cả những bước chuẩn bị thí nghiệm, và khi biết liên quan đến việc chế tạo kim cương, cậu cũng tỏ ra là người hăng hái nhất tham gia vào sự thành công của công việc. Cậu sớm học cách nhóm lửa, khéo đến mức cậu được giao cho trách nhiệm nhóm và giữ lửa.
Tuy vậy, khó mà tưởng tượng được rằng các thiết bị ấy vốn cũng chẳng phức tạp gì mấy, lại khó lắp đặt và tốn thời gian biết bao. Ở Paris, trong một phòng thí nghiệm lớn, thí nghiệm có thể được đưa vào thực hiện chỉ hai giờ sau khi được hình dung, trong khi Cyprien phải mất đến gần ba tuần ở xứ sở nửa hoang dã này để hiện thực hóa ý tưởng của mình mà vẫn chưa đâu vào đâu. Tuy nhiên chàng đặc biệt nhờ vào những tình huống thuận lợi, như việc tìm thấy đúng lúc không những một nòng đại bác cũ mà còn tìm được lượng than cần thiết. Quả vậy, chất đốt này vô cùng hiếm ở Kimberley đến mức để thu thập được một tấn thì phải liên hệ cùng lúc với ba thương lái.
Cuối cùng, mọi khó khăn đều được vượt qua, và khi lần đầu tiên ngọn lửa được nhóm lên, Matakit phụ trách việc giữ cho nó đừng tắt.
Cũng cần phải nói rằng chàng trai trẻ nam Phi rất tự hào về những công việc này. Tuy nhiên chúng không phải mới mẻ gì với cậu, hẳn là vậy, cậu vốn đã quen tay với kiểu bếp lò ít hay nhiều cũng nóng ghê người ấy lúc còn sống ở bộ lạc.
Quả nhiên, không chỉ một lần Cyprien nhận ra, từ lúc Matakit làm việc cho chàng, rằng trong số dân nam Phi cậu ta thực sự nổi tiếng là phù thủy. Một vài bí quyết về giải phẫu cơ bản, vài ba trò ảo thuật học được từ cha mình, tạo nên cả một hành trang của ảo thuật gia. Nhưng người ta đến tìm cậu để khám những căn bệnh có thực hoặc tưởng tượng, để lý giải những giấc mơ, để giải quyết tranh chấp. Chẳng bao giờ chịu bó tay, Matakit luôn hướng dẫn một đơn thuốc nào đó, dự báo một điềm gì đó, đưa ra một câu châm ngôn nào đó. Những đơn thuốc đôi khi quái dị, những châm ngôn kỳ quái, nhưng những người đồng hương cậu lại hài lòng. Cần gì hơn thế nữa?
Phải nói thêm rằng những lò cất và chai lọ bao quanh cậu trong phòng thí nghiệm của chàng kỹ sư trẻ, chưa kể những công việc bí ẩn mà cậu được giao phó đã góp phần không nhỏ giúp nâng cao uy thế cậu.
Thi thoảng, Cyprien không thể nhịn cười trước vẻ trang trọng mà cậu bé trung hậu thể hiện mỗi khi làm các công việc đơn giản như đốt lò, điều chế tiếp than trong lò, cời lửa, phủi bụi các ống nghiệm và chén nung. Và tuy nhiên, có vẻ gì đó khiến ta mủi lòng ngay trong sự trang nghiêm ấy: chính là biểu hiện ngây ngô với thái độ trân trọng dành cho khoa học ở một kẻ dung tục, nhưng thông minh và khao khát tri thức.
Matakit, vả chăng, đã chơi đùa tinh nghịch và vui vẻ, đặc biệt khi cậu ở cùng với Lee. Cho dù khác nhau về nguồn gốc, một tình bạn thân thiết đã hình thành giữa hai kẻ ấy trong những lần Lee ghé thăm trang trại Watkins, giờ đã trở nên khá thường xuyên. Cả hai đều nói kha khá tiếng Pháp, cả hai đều được Cyprien cứu thoát khỏi cái chết trong gang tấc, và họ vẫn mang ơn chàng sâu sắc. Thế nên thật tự nhiên khi họ cảm thấy người này hướng đến người kia bằng một sự đồng cảm chân thành, và sự đồng cảm ấy nhanh chóng chuyển thành tình thân mến.
Giữa họ với nhau, Lee và Matakit đặt cho chàng kỹ sư trẻ một tên gọi cảm động và giản dị, diễn đạt chính xác bản chất tình cảm mà họ dành cho chàng. Họ gọi chàng là “ông trẻ”, chỉ nói về chàng bằng ngôn từ thể hiện sự ngưỡng mộ và lòng tận tâm cao nhất.
Lòng tận tâm ấy biểu lộ từ Lee qua sự chăm chút chu đáo khi anh giặt là quần áo cho Cyprien, từ Matakit qua sự cẩn thận chu đáo khi cậu thực hiện chính xác những chỉ dẫn của ông chủ mình.
Nhưng, đôi khi, hai anh bạn hơi quá đà trong việc say sưa làm hài lòng “ông trẻ”. Chẳng hạn, có lần, Cyprien thấy trên bàn mình - bây giờ chàng dùng bữa ở nhà - Nhiều trái cây hay kẹo bánh chàng chẳng hề mua, và chẳng biết chúng từ đâu ra, vì rằng ta chẳng thấy chúng được bày bán ở các cửa hàng. Hay có khi, những chiếc sơ mi sau khi được giặt là lại có thêm mấy chiếc cúc vàng không rõ nguồn gốc. Lại có khi, thi thoảng, một chiếc ghế thanh lịch và tiện lợi, một chiếc gối thêu, một tấm da beo, một món đồ mỹ nghệ đắt giá xuất hiện một cách bí hiểm xen vào số đồ đạc trong nhà.
Và khi Cyprien hỏi cả Lee lẫn Matakit vấn đề này, chàng toàn nghe những câu trả lời thoái thác:
“Tôi không biết!... Không phải tôi!... Chẳng liên quan đến tôi!...”
Cyprien lẽ ra có thể thoải mái chấp nhận những đối đãi ân cần ấy; nhưng điều khiến chúng trở nên phiền toái chính là vì chàng tự nhủ xuất xứ của chúng không rõ ràng. Những món quà ấy phải chăng chẳng thấm tháp gì so với nỗi lo khi phải nhận chúng? Tuy nhiên, chẳng có gì để xác thực những giả định đó, và những cuộc điều tra, thường rất kỹ lưỡng, về các đồ đạc xuất hiện kỳ lạ ấy chẳng mang lại bất cứ kết quả nào.
Và sau lưng chàng, Matakit và Lee trao nhau những nụ cười thoáng qua, những ánh mắt ranh mãnh, những cử chỉ bí hiểm, đương nhiên có ngụ ý:
“Ê! ông trẻ í mà!... Ông ấy chẳng hay biết gì cả!
Mặt khác, còn những mối lo khác nghiêm trọng hơn nhiều đang lấp đầy tâm trí Cyprien. Hình như John Watkins đã quyết định gả chồng cho Alice, và cùng với ý định ấy, bấy lâu nay ông ta biến nơi mình ở thực sự thành nhà triển lãm những kẻ cầu hôn. Không chỉ James Hilton hiện diện thường trực ở đó hằng tối, còn có những thợ mỏ độc thân, mà sự thành công trong khai thác mỏ, trong suy nghĩ của ông chủ trang trại, dường như làm nên những ưu điểm cần thiết của chàng rể ông ta mơ ước, cũng bị lôi cuốn ở lại nhà ông, bị giữ lại ăn tối, và sau cùng, họ ở đấy cho con gái ông chọn lựa.
Tay người Đức Friedel và gã Napôli Pantalacci cũng nằm trong số đó. Hai người họ thuộc vào nhóm những thợ mỏ may mắn nhất khu Vandergaart. Ở khắp nơi, sự đánh giá cao luôn gắn liền với thành công, không sai với bọn họ kể cả ở Kopje lẫn ở trang trại. Friedel thông thái hơn và sắc sảo hơn bao giờ hết kể từ lúc sự độc đoán của hắn dựa trên mấy nghìn bảng Anh. Còn Annibal Pantalacci thì giờ đây biến thành tên công tử thực dân, chói lọi những sợi dây chuyền vàng, nhẫn, cài áo kim cương, hắn vận áo quần vải thô trắng, làm nước da hắn càng vàng hơn và xỉn hơn.
Nhưng với những trò lố cùng mấy câu ví vùng Napôli của hắn và việc tự cho mình là tài trí, con người nực cười ấy cố mua vui cho Alice cũng vô ích. Hẳn vậy, nàng không chỉ vô cùng khinh bỉ mà còn tỏ ra nghi ngờ động cơ đưa hắn đến trang trại. Nàng hài lòng với việc cố tình không nghe hắn nói và chẳng mảy may cười trước những lời bông đùa của hắn cũng như trước thái độ của hắn. Mặc dù không biết các nết xấu để thấy lời huyên thuyên của hắn là nhạt nhẽo, nàng chỉ thấy nơi hắn một kẻ qua đường thô tục và không kém chán ngắt hơn phần đông những kẻ khác. Điều này trong mắt Cyprien dường như là tất yếu, và chàng đau khổ vô cùng khi thấy người chàng trân trọng và trìu mến đến vậy phải tiếp chuyện với kẻ đáng khinh kia.
Và chàng còn đau đớn hơn vì lòng tự tôn không cho phép chàng tỏ thái độ gì với chuyện ấy, vì tự thấy mất thể diện khi cố hạ nhục một kẻ tình địch mất tư cách đến vậy trong mắt tiểu thư Watkins. Mặt khác chàng có quyền gì nào? những lời chỉ trích của chàng sẽ dựa vào đâu? Chàng nào biết gì về Annibal Pantalacci, và chỉ được mách bảo bởi sự khinh tởm bản năng trong nhận xét ác cảm của chàng về hắn. Muốn vạch trần bản mặt xấu xa của hắn sẽ chỉ biến mình thành trò cười. Đó chính là điều Cyprien hiểu rõ, và chàng có lẽ đã tuyệt vọng nếu Alice biểu lộ chút quan tâm nào đó cho một gã trai như thế.
Vả lại, chàng đắm mình say sưa trong một công việc lôi cuốn chàng cả ngày lẫn đêm. Đó không chỉ là một quy trình sản xuất kim cương, mà là mười, là hai mươi thí nghiệm chàng đã chuẩn bị sẵn, vì chàng dự định thực hiện chúng, khi thử nghiệm đầu tiên hoàn thành. Chàng không còn thỏa mãn với các dữ liệu lý thuyết và những công thức mà chàng đã ghi đầy rẫy, qua hàng giờ đồng hồ, trong những tập vở ghi chép của chàng. Vào bất cứ lúc nào, chàng cũng có thể chạy thẳng đến Kopje, mang về những mẫu đá và đất mới, lại bắt đầu những phân tích đã làm cả trăm lần, nhưng với một sự chặt chẽ và chính xác không chừa chỗ cho bất cứ sai lầm nào. Nguy cơ thấy tiểu thư Watkins vuột khỏi chàng càng trở nên cấp bách bao nhiêu thì chàng càng quyết tâm không từ bất cứ thứ gì để chiến thắng bấy nhiêu.
Và tuy nhiên, từ trong sâu thẳm, chính vì sự ngờ vực đối với bản thân mình mà chàng chẳng muốn thổ lộ gì với cô gái trẻ về cuộc thử nghiệm đang tiến hành. Tiểu thư Watkins thì chỉ biết chàng trở lại với hóa học theo lời khuyên của nàng, và nàng vui mừng về điều đó.