Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Chương 8
“Hôm nay em không đi xem phim được. Mười phút nữa em phải đi rồi.” Aarti cau mày khi bước vào chiếc Innova của tôi.
Tôi đã đến khách sạn đón nàng với hai vé xem Rock On lúc bảy rưỡi tối.
“Anh có thể trả lại vé không?”
Tôi xé đôi vé.
“Gopal!” nàng nói. “Anh đang làm gì thế? Anh không nên mua vé khi chưa hỏi em chứ.”
“Sao em lo lắng thế?”
“Là Raghav. Em phải đến chỗ anh ấy.”
“Gì cơ?” tôi nói.
“Không nói về Raghav. Nguyên tắc của ai thế, thưa ông Mishra?”
“Của anh. Nhưng anh muốn biết tại sao em hủy bỏ kế hoạch.”
“Em sẽ nói anh biết. Anh cho em về nhà được chứ?”
“Đến nhà Chánh án thành phố,” tôi ra lệnh cho lái xe.
“Giữ bí mật nhé, được chứ?” Aarti nói. “Anh ấy bảo em không được nói với ai. Em có thể tin anh, phải không nào?”
“Anh có phải trả lời câu ấy không?” tôi hỏi lại.
“Được rồi. Raghav mất việc rồi,” nàng nói.
“Gì cơ?” một cảm giác đắc ý dâng lên trong tôi.
“Em bị sốc. Dainik coi anh ấy là một phóng viên ngôi sao kia mà,” Aarti nói.
“Họ có đưa ra lý do gì không?” tôi hỏi. Lý do đang ngồi ngay cạnh nàng.
“Em không biết. Anh ấy không nói. Anh ấy chỉ nói ban lãnh đạo yêu cầu anh ấy thôi việc.”
“Suy thoái à?” tôi nói bằng giọng đạo đức giả. “Họ cắt giảm biên chế trong thời gian khó khăn để tiết kiệm chi phí.”
“Anh tiết kiệm được bao nhiêu khi đuổi một phóng viên thực tập cơ chứ? Mà tờ Dainik vẫn đang rất ổn.”
Xe đến nhà Aarti.
“Cậu ấy ở nhà em à?” tôi hỏi khi nàng ra khỏi xe.
Nàng lắc đầu. “Em sẽ đi gặp anh ấy. Em muốn về nhà thay quần áo.”
“Cậu ấy thế nào? Có buồn không?” tôi nói.
“Rất, rất tức giận,” Aarti đáp rồi vội chạy đi.
Tôi không nên gọi cho cậu ta. Tuy nhiên, tôi không thể cưỡng lại được và gọi Raghav lúc nửa đêm. Tôi muốn biết liệu cậu ta có định tiếp tục chống đối khi đã mất việc hay không. Tay phải tôi cầm một ly whisky cao, tay trái cầm điện thoại.
Tôi nghĩ cậu ta có thể sẽ không nhận điện thoại của tôi. Nhưng cậu ta nhấc máy ngay.
“Cậu có cần thêm một lời xin lỗi nữa không?” là những câu chào hỏi của cậu ta.
“Chào Raghav,” tôi nói, giọng bình tĩnh. “Công việc thế nào?”
“Tương đối. Cậu có gì phiền lòng mà phải gọi điện thế?”
“Đừng giận tớ,” tôi nói.
“Người ta chỉ cáu giận với những người mình quan tâm thôi,” Raghav đáp trả.
“Cậu quan tâm đến công việc của cậu.”
“Tạm biệt, Gopal.”
“Tớ đã bảo cậu đừng viết linh tinh về bọn tớ.”
“Tớ không cần cậu chỉ bảo tớ cách làm việc.”
Tôi uống một ngụm whisky lớn. “Ồ, phải rồi, sao lại thế được chứ? Người tốt nghiệp BHU mà lại đi nghe lời khuyên từ một kẻ học hành không đến nơi đến chốn như tớ hay sao.”
Cậu ta vẫn yên lặng trong lúc tôi rót đầy cốc mình. Whisky làm cho tôi cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết.
“Không phải chuyện học hành đâu, Gopal. Mà là con người mà cậu đã biến thành. Tớ không thể tin được!”
“Giàu có. Thành công. Khó mà tin được, phải không? Người thi đỗ JEE giờ lại thất nghiệp.”
“Tớ sẽ tìm được việc, Gopal ạ. Và hãy nói cho ông Ủy viên Hội đồng của cậu là - việc ông ta đuổi được một thực tập sinh ra khỏi tờ Dainik không có nghĩa là ông ta sẽ bưng bít được sự thật.”
“Tớ có thể cho cậu một công việc, Raghav à. Có muốn làm việc cho tớ không?”
Tôi chỉ nghe thấy tiếng gác máy trả lời.
“Cách mạng 2020,” Aarti nói, tay chống cằm và tì cả hai khuỷu lên bàn.
Chúng tôi đến quán cà phê trong khách sạn Ramada. Hôm nay là ngày nghỉ của nàng. Nàng có thể mặc quần áo bình thường đến nhà hàng như khách hàng. Những người phục vụ bàn cười khi nhận ra nàng, nàng chào lại họ. Từ khi Raghav mất việc, nàng không còn gặp tôi thường xuyên nữa vì nàng muốn ở bên cậu ta. Cuối cùng thì vào ngày nghỉ hằng tuần của nàng tôi cũng đã thuyết phục được nàng gặp tôi.
“Cái gì vậy?” tôi hỏi.
“Đừng hỏi. Cách mạng 2020 - khi em nói câu đó với anh thì anh liên tưởng tới cái gì? Có thể là cái gì nào?”
Nàng chớp mắt vài lần trong lúc chờ tôi trả lời. Tôi thấy nàng thật hấp dẫn ngay cả khi chỉ mặc áo thun màu cam và quần bò đen giản dị.
“Một nhà hàng mới? Có phải Ramada mở thêm nhà hàng mới không?”
Nàng phá lên cười.
“Có gì buồn cười vậy?” tôi nói. “Cách mạng 2020 là cái gì?”
“Đấy là một tờ báo mới. Của Raghav.”
“Tờ báo riêng của cậu ấy?” tôi hơi giật mình.
“Vâng. Anh ấy quyết định không tìm việc khác nữa.”
Kể cả nếu muốn thì Raghav cũng không thể tìm được việc trong ngành truyền thông ở Varanasi nữa, ít nhất là ở những tờ báo hàng đầu. Ngài Shukla đã thông báo với tất cả các biên tập viên lớn. Aarti tất nhiên là không biết điều này. Nàng thậm chí còn không biết tại sao Raghav mất việc.
“Raghav nói Dainik không cho anh ấy biết nguyên nhân. Thế có công bằng không?” nàng hỏi.
“Trong tổ chức nào cũng có chuyện chính trị cả. Cậu ấy sẽ học được cách thích nghi thôi,” tôi nói.
“Anh ấy không muốn thích nghi. Anh ấy muốn thay đổi ngành báo chí. Làm cho nó thêm góc cạnh,” Aarti nói.
Chúng tôi gọi cà phê. Cùng với cà phê, nhân viên phục vụ cũng mang cho chúng tôi bánh quy và bánh xốp mới làm.
“Bọn mình có gọi những thứ này không vậy?”
“Quan hệ,” nàng nói và nháy mắt với tôi.
“Cậu ấy làm thế nào mà mở được tòa báo thế?” tôi hỏi. “Phải có tiền mà.”
“Vấn đề không phải là tiền bạc. Nội dung mới quan trọng,” Aarti nói và uống một ngụm. Một chút bọt dính lại trên môi nàng.
“Aarti, em thực sự tin thế à? Em là một cô gái thực tế cơ mà.”
“Sao đâu, Gopal. Anh mở trường cao đẳng được. Thế tại sao anh ấy không làm được việc này?”
“Anh có người hậu thuẫn - Ủy viên Hội đồng Shukla, ông ấy có tiền và các mối quan hệ.”
“Anh ấy ghét ông ta. Raghav nói Shukla là lãnh đạo tham nhũng nhất mà Varanasi từng có,” Aarti nói.
“Chỉ là suy đoán thôi,” tôi nói. “Có người nào thành công mà không bị chỉ trích? Shukla nổi tiếng và đang lên. Người ta chỉ đang tìm cách dìm ông ấy xuống thôi.”
“Được rồi, chúng ta không nói chuyện chính trị nữa được không?” Aarti nói. “Gien chính trị trong gia đình em đã chấm dứt ở ông em rồi.”
“Em tham gia được mà,” tôi nói. “Mọi người vẫn nhớ ông em.”
Nàng giơ tay và vung nắm đấm bắt chước người hô khẩu hiệu. “Bầu cho tôi, tôi sẽ cho bạn bánh quy miễn phí với cà phê.” Nàng cười. “Không, cảm ơn. Ở Ramanda là em vui rồi.”
Tôi cười trả lời. “Dẫu sao thì chính xác là cậu ấy định mở cái tờ... mạng mạng gì ấy như thế nào?”
“Cách mạng 2020. Đấy là mục tiêu của anh ấy. Là Ấn Độ phải có một cuộc cách mạng triệt để vào năm 2020. Quyền lực sẽ về tay giới trẻ. Chúng ta sẽ dỡ bỏ hệ thống tham nhũng cũ và thay thế bằng một hệ thống mới.”
“Và cậu ta sẽ làm việc đó bắt đầu từ Varanasi?” giọng điệu của tôi hoài nghi như chính cảm giác của tôi vậy.
“Phải, tất nhiên rồi. Trẻ em từ các thành phố lớn được bảo bọc chống lại hệ thống. Họ có trường đại học tốt, được nghỉ ngơi tốt. Cách mạng phải bắt đầu từ một thành phố nhỏ.”
“Chắc chắn cậu ấy đã thuyết phục được em rồi,” tôi nói.
“Còn chỗ nào tốt để bắt đầu hơn là một thành phố gột rửa?” nàng nói.
Giọng nàng đầy nhiệt huyết. Có thể đây là điều nàng thích ở Raghav. Cách tiếp cận cuộc đời đầy đam mê của cậu ta, cho dù nó khác thường và viển vông. Con gái thường không thích thực tế lắm. Hoặc những vấn đề thực dụng.
“Tờ báo ấy hoạt động như thế nào? Ai trả tiền in ấn, giấy và quảng bá?”
Nàng nhanh chóng tỉnh ra. “Đấy không hẳn là một tờ báo. Nó giống một bản tin hơn. Chỉ là một tờ giấy khổ lớn.”
“Rồi sao?” tôi giục nàng.
“Trên một mặt giấy sẽ là chuyện hôn nhân gia đình. Người Varanasi thích mai mối. Vì thế anh ấy sẽ cho quảng cáo tìm bạn đời lên mặt này. Đầu tiên là miễn phí, thu tiền sau. Có thể là quảng cáo việc làm nữa.”
“Vì sao người ta lại không quảng cáo trên những tờ báo có tên tuổi?
“Chi phí quảng cáo trên tờ Cách mạng 2020 sẽ thấp hơn nhiều và sẽ cực kỳ mang tính địa phương. Ta có thể tìm thấy bạn đời ngay trên phố nhà mình.”
Tôi gật đầu.
“Mặt bên kia Raghav sẽ đăng các câu chuyện địa phương. Và vì nó không phải là một tờ báo chính thống, anh ấy có thể viết sắc sảo hơn và phân tích gai góc hơn.”
“Cậu ấy thích như vậy mà,” tôi đồng ý.
“Chi phí in ấn thấp, vì chỉ bắt đầu với một tờ giấy khổ lớn. Anh ấy sẽ liên hệ với chùa chiền để lấy quảng cáo ban đầu, vậy nên cứ chờ xem thế nào. Anh có thích cái tên không?”
Tôi nhún vai. Nàng cắn cái bánh xốp.
“Ai cũng có việc của mình, Gopal à,” Aarti nói, miệng đầy bánh. “Anh có trường cao đẳng của anh. Còn đây là tờ báo của anh ấy.”
“Tờ báo sẽ không bao giờ kiếm ra được đồng nào đâu,” tôi nói.
“Thì sao?” nàng khua khua cái bánh xốp trước mặt tôi. “Tiền đâu phải tất cả.”
“Khi em ngồi ăn bánh trong khách sạn năm sao thì nói vậy dễ lắm,” tôi nói.
Nàng cười toe và đặt cái bánh xuống.
“Anh thích tiền,” tôi nói.
“Thế chẳng có gì sai cả. Em suy nghĩ đơn giản thôi. Tiền hay là cách mạng, mỗi người nên theo con đường mà trái tim họ mách bảo.”
“Đôi khi trái tim có thể dẫn ta đến ngõ cụt,” tôi nói.
Nàng khựng lại, nhìn tôi trong lúc nuốt trôi câu tôi vừa nói. “Ahh,” nàng vờ ngạc nhiên, “được đấy. Chúng ta lại đang phạm luật rồi, phải không?”
“Dĩ nhiên là không rồi,” tôi nói rồi gọi tính tiền, được giảm hai mươi nhăm phần trăm cho nhân viên.
Chúng tôi ra đến sảnh. “Em có phải về sớm không?” tôi hỏi.
“Không cần phải siêu sớm, mà sao cơ?”
“Cả năm nay anh chưa đi chèo thuyền.”
26
Phoolchand, người giữ thuyền đáng mến ở bậc nước Assi, nhận ra tôi từ xa. Anh có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi mặc bộ vest lịch sự. Anh tháo dây buộc thuyền cho chúng tôi. Tôi giúp Aarti lên thuyền và boa thêm cho anh trăm đô. Anh dúi một túi giấy nhỏ vào tay tôi.
“Cái gì vậy?”
“Hàng xịn. Khất sĩ Aghori cho anh đấy. Cậu có diêm không?”
Tôi hiểu anh đưa gì cho tôi. Aarti cũng biết và nở một nụ cười tinh quái. Tôi mua vài bao thuốc lá và một hộp diêm ở một cửa hiệu trầu cau.
Tôi khua mái chèo xuống nước, và rồi Aarti cùng tôi bơi ra xa.
“Lâu quá rồi. Em nhớ quá Raghav à,” nàng nói.
“Gopal,” tôi chỉnh lại mà không nhìn nàng.
“Gì cơ? Em nói Raghav à? Ồ, xin lỗi. Em rất xin lỗi. Em không cố ý...
“Không sao.”
Tôi chèo sang bờ bên kia sông. Đôi mái chèo có vẻ cứng. Tay tôi không còn khỏe như trước đây, khi tôi còn thường xuyên chèo thuyền. Những bậc nước chính của Varanasi kín đặc chùa chiền và những công trình cổ kính. Bờ cát mềm mại bên kia sông có vẻ hoang vắng. Nơi tập trung nhiều người duy nhất là một quán trà nhỏ, phục vụ những người khách du lịch hiếm hoi thỉnh thoảng chèo thuyền qua đây. Tôi neo thuyền vào một gốc cây. Mặt trời buổi chiều nhuộm chân trời Varanasi thành màu da cam.
“Đi dạo chút đi,” Aarti nói, ngước mặt lên đón làn gió nhẹ.
Chúng tôi ngắm những bậc nước sôi động phía bờ đối diện. Chúng tôi có thể nhìn thấy người người nhốn nháo, nhưng không nghe thấy gì. Chúng tôi đi dạo một lúc, sau đó quay về quán, ngồi xuống ghế đẩu và gọi trà.
“Anh có định hút thứ mà anh Phoolchand vừa đưa không?”
“Nếu em không phản đối,” tôi nói.
Nàng nhún vai. Tôi mở gói thuốc lá. Tôi đổ thuốc trong một điếu ra, nhồi tài mà khô vào. Tôi đốt thuốc và làm một hơi.
“Em thử được không?” nàng hỏi.
Tôi lắc đầu.
Điện thoại của nàng reo. Nàng lấy nó từ trong túi ra. Màn hình nhấp nháy “Raghav gọi”.
“Suỵt! Yên nào,” nàng ra hiệu cho tôi. “Chào,” nàng nói vào điện thoại. Nàng nghe Raghav nói một lúc.
“Hay quá. Phải rồi, đăng ảnh thầy lên báo. Ông ấy sẽ vui lắm. Ông ấy sẽ cấp cho anh danh sách tất cả các đám cưới,” nàng nói và cười tươi.
“Vâng,” nàng tiếp tục, “vẫn ở khách sạn. Ngành này kinh khủng lắm, bắt người ta đi làm vào ngày nghỉ... Phải, cả một xe buýt đầy khách du lịch Pháp vừa đến.”
Nàng ra dấu bảo tôi kiên nhẫn. Tôi gật đầu trong lúc ngắm bầu trời đang tối dần.
“Vâng, anh yêu, em nhớ anh,” Aarti kết thúc. Nàng với tay lấy điếu thuốc.
“Gì vậy?” tôi nói.
“Cho em xin một hơi.”
“Em điên à?”
“Sao cơ? Chỉ tại em là con gái à? Bản chất của đàn ông Varanasi đây, phải không?”
“Em sẽ đầy mùi cho mà xem.”
“Về nhà là em tắm ngay mà. Với lại trầu cau Banarasi để làm gì? Em sẽ ăn một miếng trước khi về,” nàng nói.
Tôi đưa điếu thuốc cho nàng.
Nàng hít vài hơi. “Chả có tác dụng gì với em cả,” nàng càu nhàu.
Chúng tôi uống nốt trà và đứng lên. Nàng lại gần mép nước.
“Lại đây, cùng xem thả đèn nào,” nàng nói.
“Muộn rồi,” tôi nói. “Mình về thôi.”
“Em thích ở đây. Ra đây,” nàng nói và ngồi xuống cát. Nàng đập đập tay xuống bên cạnh.
Tôi ngồi xuống cạnh nàng. “Điện thoại của em lại sắp reo bây giờ,” tôi nói.
“Sao cũng được,” nàng nói. “Lúc còn làm ở Dainik, không bao giờ anh ấy gọi điện. Bây giờ đang tạm nghỉ nên anh ấy hay gọi. Cứ chờ đến khi tờ Cách mạng 2020 ra đời xem.”
“Cậu ấy nghiêm túc về chuyện đó chứ?” tôi nghi ngờ hỏi.
“Ồ, phải. Số đầu tiên sẽ ra sau hai tuần nữa,” nàng trả lời.
Tôi hút nốt điếu thuốc và ngắm nhìn dòng sông thiêng. Cả thế giới tới Varanasi để gột rửa tội lỗi. Không biết họ có bao giờ dừng lại để nghĩ một chút về Varanasi không - về chuyện những người dân của thành phố sẽ làm gì với tất cả những tội lỗi mà họ để lại? Thứ cỏ này khiến tôi đâm ra triết lý.
Tôi bẻ ngón tay, chuẩn bị cho lượt chèo về nhọc nhằn. Aarti đặt bàn tay phải tôi lên đùi nàng và xoa bóp cho nó.
Tôi nhìn nàng ngạc nhiên.
“Thích không?” nàng hỏi.
Tôi không nói gì. Không một lời. Tôi cũng không muốn rút tay về. Trăng thượng tuần xuất hiện trên bầu trời.
“Trăng rằm,” nàng dịu dàng nói.
Cát dưới chân chúng tôi, khuôn mặt nàng và ánh trăng... Bỗng nhiên nàng chớp mắt liên hồi.
“Em ổn chứ?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu, vẫn chớp mắt. Một hạt cát vừa bay vào mắt nàng. Tôi rút tay ra khỏi tay nàng và ôm lấy mặt nàng.
“Em mở mắt ra,” tôi nói.
Nàng lại lắc đầu.
“Mở ra đi, Aarti,” tôi nói. Tôi ôm lấy khuôn mặt nàng bằng cả hai tay.
Nàng mở mắt phải. Tôi thổi vào đó. “Em ổn chứ?” tôi hỏi lại.
Nàng gật đầu, lại nhắm mắt. Tôi nghe tiếng nàng sụt sịt.
“Em đau à?” tôi hỏi.
Nàng bắt đầu nức nở. Nàng gục trán vào vai tôi.
“Có chuyện gì thế, Aarti?”
“Em lo sợ cho Raghav. Em mong là anh ấy sẽ không thất bại trong cuộc sống.”
Tôi ôm gáy nàng. Nàng vùi mặt vào ngực tôi. Cảm giác thật kỳ lạ khi an ủi nàng về bạn trai của nàng. Thế nhưng tôi thích cảm giác nàng dựa vào tôi.
“Cậu ta sẽ ổn thôi. Anh ghét cậu ta, nhưng Raghav là người có năng lực. Cậu ta sẽ ổn. Cậu ta hơi thiếu thực tế nhưng tâm địa không xấu,” tôi nói.
Nàng ngẩng đầu, mặt nàng hướng về phía tôi tin cậy.
Tôi vuốt tóc nàng. “Em nhớ cách anh săn sóc em,” nàng nói.
Mặt chúng tôi sát nhau. Sự gần gũi làm tôi tê liệt. Tôi không nói được lời nào.
“Em chẳng có ai để nói chuyện những lúc buồn. Cảm ơn anh,” nàng nói.
Những giọt nước từ sông Hằng bắn lên chúng tôi. Tôi cảm thấy thôi thúc phải đưa mặt mình ra trước. Môi tôi gặp môi nàng. Nàng không hôn lại tôi. Nhưng nàng cũng không tránh đi. Nhưng ngay sau đó - rất nhanh - nàng đẩy tôi ra.
“Gopal!”
Tôi không nói gì. Có vẻ như tôi đã chờ đợi chuyện này. Thực sự là tôi muốn nàng quát mắng tôi nhiều hơn.
“Anh xin lỗi,” tôi nói. Tôi nhìn ra chỗ khác. Đằng xa, những ngọn đèn thả trong lễ aarti bồng bềnh trên mặt nước như thể quở trách tôi.
“Đi thôi. Em muộn rồi,” nàng nói. Nàng đứng vụt dậy và sải chân bước ra thuyền. Tôi thanh toán tiền cho chủ quán trà và chạy đuổi theo nàng.
“Anh phải chèo thuyền đưa em về. Em không thể bỏ đi được,” tôi nói.
Nàng yên lặng. Nàng còn không chịu nhìn tôi. Được thôi, tôi công nhận là mình đã sai lầm, nhưng nàng cũng không nên đối xử với tôi như thế. Khoảnh khắc trước nàng còn bóp tay cho tôi và vùi mặt vào ngực tôi. Trên thuyền, nàng ngồi cách xa tôi hết mức có thể.
Tôi khua mái chèo thật mạnh lúc về.
Được nửa đường tôi nói, “Anh đã xin lỗi rồi mà.”
“Làm ơn không nói chuyện được không?”
Người chủ thuyền nhận ra tâm trạng tệ hại của chúng tôi.
“Không thích cỏ à?” Phoolchand hỏi.
Tôi không trả lời.
Aarti bước tiếp.
“Em đi đâu thế? Để anh đưa em về nhà,” tôi nói.
“Em sẽ bắt xe,” nàng nói và biến mất khỏi tầm nhìn của tôi.