A friend is someone who knows all about you and still loves you.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Lan Khai
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1217 / 25
Cập nhật: 2016-06-21 08:45:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ác anh,
Tôi đã đọc thư của các anh và tôi đã rất cảm động, bởi vì rằng các ý tưởng và những tình tự dãi bày trong thư ấy, tôi đã từng qua cả rồi.
Lâu lắm chúng ta không có dịp trao đổi ý kiến riêng cho nhau về văn chương, chính trị, xã hội, tóm lại là về những cái quan thiết đến đời sống cá nhân của chúng ta và của cả mọi người. Tôi, vì thế, sẽ định nói nhiều với các anh; trong lần trả lời này, nói nhiều nhất về câu chuyện văn chương và nhà văn chúng ta.
Nhưng trước hết, tôi hãy cảm ơn các anh: Đời vật chất của tôi, trong một năm trời nay, quả có dễ thở đôi chút, mặc dầu còn xa lắm để mới có thể nói được là đã qua khỏi cái vòng khổ cực.
Ồ, sự khổ cực của văn nhân! Người ta, và cả chúng ta nữa, đã nói dài về cái ấy, hoặc bằng một giọng xót thương che chở, hoặc bằng một giọng giễu cợt khinh nhờn, hoặc bằng một giọng phẫn uất kiêu căng. Giọng nói có khác nhau mà đều ngụ một thành kiến coi sự khổ cực của văn nhân là một cái gì gần như một nghiệp dĩ, một cố ý thiêng liêng nào đó, bởi lẽ tài hoa vốn là cái lụy ngàn đời.
Tài hoa nếu thực là cái lụy ngàn đời, ấy chẳng qua vì khách tài tình vẫn tự coi mình là những hiện tượng đặc biệt và, do đấy, tự cho mình cái quyền sống ra ngoài khuôn khổ thường tục, sống nghịch với lề thói của phần đông. Thái độ này, ta chưa cần phán đoán là hợp lý hay vô lý. Ta hãy chỉ nhận một sự thực: Nó đòi nghệ sĩ một can đảm không phải nhỏ. Thường thì, văn nhân nếu đã bị cực khổ, ấy chính tại văn nhân đã hiểu nhầm cái chức vụ của mình mà không tự biết.
Thực vậy, ta đã nhầm to về cái chức vụ của ta, các bạn thân yêu ạ! Ta đã chỉ dùng tài năng học vấn, và kinh nghiệm của ta vào sự tô điểm cho cái đời phù phiếm, vào vỗ về những kẻ no lòng ấm cật để chúng khuây khỏa những phiền muộn nhỏ nhen của đời, chúng ta đã cam tâm tự hiến làm những vú em có thắt ca vát cho các nàng tiên son trẻ và còn gì nữa!...
Thoạt đầu, các công việc nói trên dù sao cũng đã cho ta ít nhiều cái lợi, kể cả cái ảo tưởng rất phỉnh phờ về quyền lực tinh thần của nhà văn. Nhưng mà sự thất vọng đã đến mau quá trong lòng ta, mau đến nỗi nhiều anh em ta đâm bỡ ngỡ, và không thể tự cắt nghĩa vì sao nên thế!
Còn vì sao, nếu chẳng vì cái thói ẻo ẹo bất nhất của tụi nhàn cư?
Sống trong sự dâm dật, trong sự chán bứa, chúng làm gì còn biết có nhu yếu nhất là các nhu yếu tinh thần! Văn hóa, bởi vậy, đã thôi là một sự cần dùng cho chúng. Thi ca, âm nhạc, văn học, mỹ thuật, đối với chúng, đã thôi là những phương tiện giáo dục, đã bị coi là những cách mua vui. Cách mua vui nào mà dùng mãi thì cũng thành vô công hiệu. Chúng bắt đầu xa nghệ sĩ, bởi bọn này không thể còn an ủi chúng, không còn gây mộng vàng và cung cho chúng được những cái "rùng mình mới lạ". Chúng đi tìm thú vui ở tiệm nhảy, ở chợ phiên, ở ngoại tình, ở bài bạc, ở tiệc tùng, ở một, ở các thầy tiên tri mà các lời quảng cáo bịp đời hiện nhan nhản trên mặt báo. Thế là những cuộc phô đùi, những scène cướp bóc rùng rợn của màn ảnh cứ thay dần vào các tiểu thuyết vĩ đại như Anna Karénine, Crine et châtiment, Â mes mortes, Comêdie humaine và La mère; các điệu kèn fox trot, rumba thay dần vào các bản đàn của Chopin, Wagner và Bethoveen.
Trong tình trạng ấy, đời sống của văn nhân, nghệ sĩ trách nào chẳng gieo neo, khốn quẫn! Ta đã mất cái địa vị chân chính của ta: những tay sáng tạo văn hóa. Ta không an ủi nữa: ta cần được an ủi. Cái vai an ủi tụi vô công, tụi chán bứa đã trở nên một việc không những bạc bẽo mà còn nguy hiểm nữa, bởi trong bọn ta đã lác đác có vài ba người nói xấu chúng.
Nhưng này, hình như từ nãy các anh nóng nảy muốn phản đối lắm thì phải? Lời phản đối đã nhàm, bởi đã bị dùng đi dùng lại nhiều lần quá (xin thú thực rằng chính tôi, trước kia cũng đã dùng đến nó): văn chương quý nhất ở thành thực! Nhà văn cảm xúc bởi sự vật thế nào nên cứ viết ra như thế; và như thế nhà văn đã làm trọn cái chức vụ của mình. Đồng ý. Khốn nỗi có sự thành thực của kẻ bị nô lệ cũng như có sự thành thực của người tự do, và điều phân biệt này là rất cần.
Chúng ta, vì gia đình, vì học đường, vì tôn giáo, đều là những nô lệ của các cách ý niệm sự vật, cách cảm xúc và cách phô diễn của ông cha chúng ta. Và, kể trong ngàn vạn trạng thái nô lệ, sự nô lệ tinh thần là cái nguy hiểm nhất bởi khó gỡ.
Tại sao, sống ở giữa cái thời của vô tuyến điện, của phong bì tem, chúng ta, lúc làm thơ, lại cứ:
Nhạn lảng chân trời, kẻ đợi thư?
Tại sao, chúng ta hằng ngày tiễn chân nhau ra bến ô tô, ga xe lửa, mà chúng ta vẫn cứ nao nao lên được với những câu:
Ngoài đầu cầu, nước trong như lọc,
Đường bên câu, cỏ mọc còn non.
Đưa chàng, lòng rượi rượi buồn:
Bộ, khôn bằng ngựa; thủy, khôn bằng thuyền.
Vảy tay, thôi đã rời xa...
Nhớ nhau nhạc ngựa nghe mà buồn tênh!
Các anh thử đọc những văn thơ xuất bản trong vòng hai chục năm gần đây mà xem: toàn sáo, kể từ sự phô diễn cho chí đề hứng! Quanh đi quẩn lại chỉ có: chàng, nàng, vui xuân (mặc dầu xuân ở ta là bùn lầy, là mưa bụi), buồn thu (mặc dầu thu Bắc Kỳ là trong sáng, là dịu dàng nhất trong bốn mùa), oanh vàng, liễu biếc và... hết! Thực là nghèo nàn đến thảm hại! Thực là trơ đến lõi!
Tại sao thế?
Tại các ý tưởng thường có cái năng lực độc địa là sống sót lại sau các điều kiện đã phát sinh ra nó. Ví dụ: cái triết lý chán đời của Phật Tổ, nó ăn sâu vào tâm hồn Á Đông, dù ở ngay những tầng lớp bình dân không biết chữ. Chính cái triết lý coi thế giới chẳng qua là một bào ảnh ấy nó làm cho sự hoan lạc của ta không bao giờ đến tục tĩu; nhưng, đồng thời, nó lại khiến tất cả những vui thú của ta phải đượm một chút buồn. Do đấy, ta mắc thói quen lười biếng và nguội lạnh, bởi đã tin rằng thế sự là vô ích, vô nghĩa, vô thường.
Cuộc trần thế, công danh chẳng thiết;
áng phong lưu, hoa nguyệt đã thừa.
Rồi thì ta đâm vẩn vơ:
Nhớ mình, ra ngẩn vào ngơ,
Trông mây ngắm nước, nay chờ mai mong,
Mong giáp mặt, mặt không giáp mặt;
Chờ tin thư, thư mất tin thư!
Tháng ngày thấm thoắt thoi đưa!
Tuổi ba mươi, lại đã dư một vài!...
Vẩn vơ mơ mộng cho đến lúc tuổi già xồng xộc đến sau lưng rồi, ta mới vội vàng nhảy xổ vào cuộc hành lạc để hưởng thụ vớt lấy hiện tại, viện cớ: hãy yêu cái gì chẳng bao giờ thấy được hai lần! Thế là, người ta đã trơ trẽn sống một đời vô ích, một đời ăn báo hại, và còn chửi đời là bạc bẽo mà không ngượng miệng! Ấy, chính là cái lúc này, chúng ta hay nảy ra nhiều ý tưởng hỗn loạn nó là cái kết quả của một tình trạng đầy mâu thuẫn, trong đó con người bị ngạt thở, đâm ra mơ màng sự phá hoại tất cả để được tự do hoàn toàn. Tội ác bắt đầu được thả lỏng, tội ác không căn cứ ở các nhu cầu vật chất mà ở sự "nản sống" nhiều hơn, ở sự tò mò các cảm giác lạ. Người ta, ngay trong sự ăn uống, nhất định không làm theo cách thường nữa. Phải rượu say chết thôi, rồi đập phá, rồi nói đểu, rồi nôn, rồi cười như một lũ rồ trên đống mảnh vụn của bát đĩa, cốc tách lẫn với các món ăn do dạ dày trả lại. Cái phong trào lập dị này đã đẻ ra một lối văn chương quái gở, ngỗ ngược, sỗ sàng và đầy hơi thở địa ngục,
Giờ tôi bàn đến điều phàn nàn thứ hai của các anh: sự ghen ghét, sự bới xấu, và sự vu cáo nữa, tất cả đã thành "những thứ tiền thông bảo" trong cái thế giới nhà văn chúng ta.
Các thói hèn mạt ấy không có gì khó hiểu.
Đó chỉ là do sự nhận lầm sứ mệnh văn nhân của chúng ta mà ra, như tôi đã nói. Thực vậy, từ cái chỗ đem văn chương làm trò giải trí cho kẻ có tiền đến cái tâm lý phỉnh nịnh để mua sự tin dùng của kẻ có tiền, hai đằng chỉ xa nhau một bước. Và, một khi quyền lợi đã lên tiếng, các thú tính tất nhiên được sổng xích ngay tức khắc. Người ta bới xấu nhau, người ta vu cáo cho nhau, làm như sống trong tình trạng này, con người có thể trong trắng được. Hãy kiểm soát lại lương tâm rồi sẽ ném đá vào kẻ có tội, Jésus Christ nói câu ấy; đã tỏ ra mình là bậc thi sĩ thâm trầm nhất của loài người!
Nhưng này, các bạn yêu quý của tôi! Không cái gì là vĩnh viễn ở đời được mãi! Ngày nào văn nhân và nghệ sĩ được trả về cái địa vị những kẻ sáng tạo văn hóa, cái ngày ấy, chúng ta dù chẳng cầu mong, các thói xấu kia tự chúng sẽ không còn. Có điều, như Jules Michelet đã nói, tương lai không phải là cái có sẵn mà ta chỉ việc mong chờ, ta phải tạo ra tương lai.
Ta phải tạo ra tương lai, chính thế!
Bằng cách nào? Bằng cách phá hoại cho bằng hết những ảnh hưởng còn sót lại ở ta của cái thế giới cũ, và tự biến đổi ta thành những người mới, khả dĩ ứng dụng cho sự xây dựng một tân văn hóa. Công cuộc tự phá hủy và sự cách tân ấy là một cái gì rất khó khăn. Tuy nhiên, theo ngạn ngữ Tây phương, chiến thắng mà không nguy hiểm, thành công còn vẻ vang gì?
Nay kính
Nguyễn Khải
Theo bản in lần đầu: NXB Đời Mới, 1941
Mực Mài Nước Mắt Mực Mài Nước Mắt - Lan Khai Mực Mài Nước Mắt