Số lần đọc/download: 1509 / 8
Cập nhật: 2015-11-05 10:58:50 +0700
Chương 9 -
B
a mẹ và anh Trí đã về Cần Thơ đám giỗ, tôi bận học thi nên phải ở nhà, buồn ghê. Kỳ nầy không thấy tôi về chắc nội nhớ lắm, mà tôi cũng rất nhớ bà và nhớ cả mấy cây nhãn trong vườn của nội nữa. Ôi, những trái nhãn tròn vàng ươm mới hấp dẫn làm sao, tôi cứ mong ngóng mãi cho ngày chóng qua để mai ba mẹ về đem theo quà của nội.
Bây giờ đang mùa nhãn, thế nào nội cũng gởi cho tôi một giỏ đầy để tôi được dịp bóc vỏ những quả thơm mọng nước cho vị ngọt thấm trên đầu lưỡi, cho tâm hồn mát lịm giữa mùa hè nóng bức khô khan. Sự có mặt của Thoại cũng không làm tôi vui hơn, tôi học hành như một cái máy khiến Thoại phải ngạc nhiên:
- Minh làm sao vậy?
Tôi vẽ bâng quơ lên trang vở:
- Cả nhà đi vắng hết. Minh buồn, Minh học không vô.
Thoại để cây bút xuống bàn:
- Hay thôi mình nghỉ một lát nhé.
Hai đứa ra sân dạo chơi:
- Dì Phượng cũng về Cần Thơ à?
- Không, dì lên chợ trông hàng cho mẹ Minh. Uổng quá, thi cử đã níu chân Minh lại, không thì Minh đã rủ Thoại về nhà nội Minh chơi, nhà nội Minh rộng lắm, có mấy cây nhãn trái bự vầy nè.
Thoại cười vui:
- Nhà nội của Thoại ở Lái Thiêu cũng có vườn cây ăn trái, măng cụt rất lớn, nhưng nhãn lại không ngon vì cơm mỏng mà hạt lại lớn.
Thoại bỗng nhìn vào tôi:
- Hạt lớn và đen giống hệt mắt Minh.
- Ơ! - Tôi tròn xoe miệng, tôi mở to mắt, tôi la lên - Thoại nói gì Minh không hiểu.
Ánh mắt của Thoại nồng nàn:
- Minh không hiểu hay giả vờ không hiểu?
Tôi thoáng đỏ mặt, sao tay chân bỗng trở nên thừa thãi.
Suốt buổi học chung hôm nay, tôi cắm cúi làm bài, không dám nhìn Thoại và cũng chả nói một câu nào.
Buổi chiều, chú Vinh đón dì Phượng về, tôi đứng ở cổng:
- Chú Vinh ơi, tối nay nhà không có ai cả, chú ở lại với cháu nhen.
Dì Phượng lườm tôi:
- Minh nói chi lạ rứa.
Chú Vinh cười thân mật:
- Chuyện đó hạ hồi phân giải, bây giờ cháu vào thay đồ đi, chú mời cháu và dì Phượng đi ăn cơm, chịu không?
Tôi nhảy chân sáo vào nhà, một lát đã chạy ra, thấy dì Phượng và chú Vinh đứng thầm thì bên gốc ngọc lan, tôi kêu ầm lên:
- Chú Vinh ơi, cháu không ăn cơm đâu, cháu muốn ăn mì vịt tiềm.
Dì Phượng lại nói nhỏ bên tai tôi:
- Minh đừng nhiều chuyện rứa.
Nhưng chú Vinh đã gật đầu:
- Ô kê, vậy chúng ta lên Đa Kao nghen.
Ăn xong tôi đòi chú Vinh lái xe chạy vòng vòng, ngang qua bến Bạch Đằng bốn bề lộng gió, tôi bắt chú phải dừng lại cho tôi ngắm nghía khách sạn Nam Sao, đó là một khách sạn đồ sộ lộng lẫy được thiết kế trên một con tàu rất lớn nổi trên mặt nước và có thể di chuyển khắp nơi. Chưa tới tám giờ, dì Phượng đã hối:
- Mau về nhà xem trận Braxin - Achentina
Vậy là tôi phải rút về phòng học bài, để cho dì Phượng và chú Vinh sánh vai bên nhau trước ti vi. Nhiều lúc tôi thường tự hỏi chả biết hai người có thấy gì trên màn ảnh không?
Tôi làm xong hai bài toán thì đã mười một giờ đêm. Bên phòng khách, chú Vinh và dì Phượng vẫn ngồi nói chuyện nhỏ to để chờ xem tiếp trận tiếp theo. Trời thật nóng, tôi xuống bếp làm ba ly nước chanh đem vào, chú Vinh khen:
- Ái Minh hết xẩy, chú đang khát nước đây.
Dì Phượng hỏi chú:
- Anh có đói bụng không, em làm mì gói anh ăn nghe.
- Thôi, anh còn no.
Nghĩ đến cảnh nhà vắng vẻ đêm nay tôi đâm lo:
- Chú Vinh ơi, tối nay chú ở lại nhé, chú ngủ ở phòng anh Trí nhé.
Chú Vinh bưng ly nước uống một hơi:
- Chú cứ yên trí, không một tên trộm nào dám đột nhập vào đây đâu.
Tôi đứng dậy:
- Để cháu đi dọn phòng cho chú.
Chú Vinh xua tay:
- Khỏi, chú sẽ ngủ tại đây.
Dì Phượng nhìn chú:
- Không được mô anh, đây muỗi nhiều lắm.
- Khỏi lo cho anh.
Đôi mắt chú Vinh nhìn dì Phượng chan chứa thương yêu. Tôi rút êm vào phòng. Một lát nghe tiếng gọi của chú Vinh:
- Ái Minh ơi, Ái Minh ơi.
Chắc là chú gọi tôi ra xem trận thư hùng giữa đội Đức và Hà Lan, một trận đấu mà mọi người đang háo hức chờ đợi, một trận đấu mà sự ra đi của một trong hai đội đều gây nên nỗi luyến tiếc trong lòng mọi người.
Tôi nhìn vào vở, còn hai bài tập toán phải chuẩn bị để mai cùng giải với Thoại. Sao dạo nầy tôi và Thoại đều trở nên siêng năng, hai đứa cùng dò bài cho nhau và cùng đặt ra những câu hỏi để rồi cùng tìm ra câu trả lời chính xác nhất. Sự thi đua nầy có trọng tài là anh Trí nên với bản tính hiếu thắng tôi luôn luôn muốn hơn Thoại. Tuy vậy, cũng có rất nhiều lần tôi thua anh, những lúc đó tôi cảm thấy mình bị xúc phạm, cảm thấy lòng dạ vô cùng bứt rứt và tôi tự đặt ra cho mình những luật lệ rất khắt khẹ Tôi nhịn đọc sách, không xem video và đoạn tuyệt hẳn với Mondial 90 mà cơn lốc của nó đã xáo trộn hẳn tâm hồn người dân thành phố trong tháng hè rộn rã nầy.
- Ái Minh ơi, Ái Minh ơi.
Tôi lặng lẽ bước ra đóng chặt cửa phòng, làm như mình đang ngủ để chú Vinh khỏi gọi nữa, rồi lấy chiếc khăn mặt nhúng vào ly nước lạnh lau mắt cho khỏi buồn ngủ, tôi ngồi xuống bàn học bắt đầu tranh đấu với mấy con số.
Hình như đã khuya lắm rồi, tiếng reo hò cổ vũ của mọi người chung quanh im hẳn, phòng khách đã tắt đèn, bốn bề yên lặng. Dì Phượng đang ngủ say bên giường, hơi thở dì bình an hạnh phúc. Tôi vẫn ngồi bên bàn viết, lòng rộn vui vì đã làm xong hai bài toán, mai anh Trí lên phải bắt anh khao một chầu kem mới được... Tôi khép mắt… Tôi thấy ba mẹ từ Cần Thơ đem lên một chùm nhãn thật to, có cả bà nội nữa, mặt bà nhăn nheo nhưng đôi mắt bà sáng thiệt sáng... Tôi lại thấy mình thi đậu, cả Thoại nữa, hai đứa nắm tay nhau đi trên đường Phạm Ngọc Thạch rợp mát bóng cây… Có ai lay vai tôi:
- Minh, Minh.
Tôi choàng tỉnh thức giấc. Dì Phượng đang tròn xoe mắt hãi hùng:
- Minh ơi… có … có người … nơi cổng...
Tôi hỏi một câu rất vô duyên:
- Ai vậy dì?
Dì Phượng sợ líu cả lưỡi:
- Ơ, chắc là trộm Minh nờ.
Tôi tỉnh ngủ hẳn:
- Dì đừng sợ, để cháu đi kêu chú Vinh.
Tôi mở cửa bước ra phòng khách, dì Phượng theo sau tay nắm chặt vạt áo tôi.
Chú Vinh cũng đã thức dậy và đang lắng tai nghe.
Đúng là có tiếng động ở cổng thật, tiếng ken két của hai cánh cửa sắt hoen rỉ va chạm nhau khi mạnh khi nhẹ, hình như có ai đang dựa vào đấy. Dì Phượng run lên:
- Nó đang cạy cửa đó.
Chú Vinh đưa một ngón tay lên miệng bảo im rồi chú đi nhẹ nhàng đến bên cửa sổ hé màn nhìn ra, tôi cũng bắt chước chú nhưng chỉ thấy trước mặt một màu đen như mực, cánh cổng sắt chìm khuất sau thân cây ngọc lan.
Bỗng, xoảng... có tiếng vỡ của một vật bằng thủy tinh, tuy không lớn lắm nhưng vì giữa đêm khuya nên âm thanh trở nên vang dội làm mọi người giật mình. Chú Vinh quyết định mở cửa lớn bước ra ngoài, dì Phượng ngăn không kịp nên hoảng hốt ôm chầm lấy tôi, tôi vỗ nhẹ vào vai dì:
- Dì đừng sợ, chú Vinh có võ mà, phen nầy tên trộm trúng số rồi.
Nhưng… Ơ hay. Tôi và dì Phượng cùng đứng im sững nhìn. Chú Vinh đang dìu bác Thống vào nhà, mặt bác đỏ gay nồng nặc hơi men, một tay bác còn cầm nửa cái chai bể, tay kia chỉ vào mặt chú Vinh:
- Buông tôi ra để tôi đi giết nó, thằng Caniggia khốn nạn, nó bắt mất vợ tôi đi rồi.
Tôi cầm tay bác lắc mạnh:
- Bác ơi, bác nói gì mà lung tung beng thế?
Chú Vinh đẩy bác nằm xuống ghế rồi bảo:
- Anh ta say quá rồi, để mai hãy tính, bây giờ hai dì cháu đi ngủ đi.
Mãi đến sáng, bác Thống mới tỉnh, câu đầu tiên bác hỏi tôi:
- Dì Đào có đến đây không cháu?
- Dạ không.
Bác ngồi bật dậy:
- Bác phải đi kiếm dì đã!
Chú Vinh đưa cho bác ly cà phê:
- Uống cho tỉnh táo rồi kể cho chúng tôi nghe, chuyện gì đã xảy ra?
Nét mặt của bác Thống bỗng trở nên nhăn nhó như đang cố nén một cơn đau vừa dậy lên:
- Vinh ơi, Mộng Đào đi mất rồi, Mộng Đào bỏ tôi rồi.
Chú Vinh ngồi xuống bên bác:
- Nhưng... tại sao?
Bác Thống ôm đầu khổ sở:
- Ôi, cũng tại cái thằng Caniggia khốn nạn đã sút một trái không ngờ, tôi đã bắt Braxin.
Tôi buột miệng:
- Bác lại thua cá độ nữa chứ gì.
Bác Thống sững sờ như người mất hồn.
Chú Vinh hỏi:
- Kỳ nầy chắc thua đậm phải không?
Bác Thống nói như khóc:
- Năm triệu đồng Mộng Đào nhờ đi lấy hàng tôi đã thua hết, tối qua hai đứa cãi nhau một trận, cô ấy đập bể cái ti vi và xách va li đi mất.
Chú Vinh kéo tay bác Thống:
- Trong câu chuyện nầy anh sai hoàn toàn. Vậy còn chần chờ gì nữa, mau đi kiếm chị ấy đi.
Rồi cũng đến ngày thi và điều khiến tôi băn khoăn nhất là bài làm của tôi không được toàn vẹn. Tôi đã sai những chỗ không đáng sai và anh Trí đã rất lấy làm tiếc khi nói với tôi điều đó, rồi anh an ủi tôi, nếu kỳ nầy không có ai xuất sắc thì tôi hy vọng đậu. Trái lại, Thoại làm bài rất hoàn hảo và anh đã chia niềm vui của mình bằng cách đem dến nhà tôi một ổ bánh bông lan thật to nhưng chỉ có anh Trí vừa ăn vừa khen ngon, còn tôi như nuốt phải trái đắng, suốt buổi tôi ngồi im chả nói một lời nào.
Những ngày tiếp theo, tôi ở riết trong phòng để nghe nỗi thất vọng thấm dần vào huyết quản, để cảm nhận sự chán chường se buốt trái tim. Tôi không ngờ mình lại bất cẩn vậy, những bài toán với cách làm đúng nhưng sai đáp số, có ai hiểu cho tôi không. Hôm qua lên Sài Gòn, gặp Tuấn và Khoa chở nhau trên chiếc cúp mới tinh, hai anh chàng hớn hở báo tin là đã làm bài xuất sắc hôm thi vào đại học Bách Khoa, tôi chia vui với họ mà lòng buồn thấm thía. Bích không vào đại học nhưng đã tìm được hướng đi của mình, vậy là chỉ còn mình tôi đứng lại bên đường nhìn những bước chân chim của Thoại, Tuấn, Khoa ríu rít trong sân trường đại học, tôi bỗng giận mình và giận tất cả mọi người. Mấy ngày nay ba mẹ đã an ủi tôi rất nhiều, cả anh Trí nữa, anh mua cho tôi biết bao là quà nhưng lần đầu tiên tôi tỏ ra dửng dưng trước những bịch táo hồng đào hấp dẫn, những quả mãng cầu nở mắt, những chiếc bánh kem thơm nồng. Tôi muốn hét to lên:
- Em không cần ai thương hại cả.
Và tôi đau xót nghỉ tới ngày mai.
Ôi, ngày mai khi không có tên tôi trong danh sách trúng tuyển, tôi sẽ làm gì đây. Tinh thần tôi xuống thấp đến cùng cực, tôi cảm thấy cô đơn hoàn toàn, không ai hiểu được lòng tôi đâu. Thoại có ghé thăm tôi vài lần nhưng nhìn thấy nét mặt lạnh lùng của tôi nên cũng đâm ra chán. Cả tuần nay anh chàng không đến nữa và tôi cũng chả cần, tôi thầm nhủ lòng như vậy, tôi làm sao xứng đáng với một người học giỏi như Thoại có chứ. Càng nghĩ, lòng càng uất ức, tính hiếu thắng của tôi bị xúc phạm mãnh liệt. Trong những lần học chung, có bao giờ tôi thua kém Thoại đâu, vậy mà khi vào thi tôi đã làm lộn lung tung, cả cái phương trình hóa học đơn giản cũng cân bằng không xong. Như vậy không rớt cũng uổng, còn phiền trách ai!
Sáng nay tôi cảm thấy buồn kỳ lạ, căn nhà vắng vẻ quạnh hiu làm sao. Ba đi làm, mẹ ra chợ, còn anh Trí đến nhà bạn để tập ca hát, anh đang chuẩn bị một đêm thơ phổ nhạc bỏ túi để kỷ niệm ngày truyền thống đặc biệt của anh và các bạn cùng khóa. Bài thơ của tôi anh Trí cũng đã phổ xong, anh yêu cầu tôi hát trong đêm đó nhưng tôi chưa nhận lời vì kết quả của lần thi vừa qua đã làm tôi buồn dã dượi, tôi chán ngán tất cả và đôi lúc chỉ muốn chết mà thôi.
Ba ngày nay, dì Phượng không ở nhà, dì vào bệnh viện săn sóc cho chú Vinh, chú đã gặp một tai nạn giao thông trên đường đi Biên Hòa nhưng không đến nỗi nguy hiểm lắm, hình như chú bị gãy xương tay và đã được bó bột. Mấy ngày vừa qua trong nhà chộn rộn hẳn lên, mẹ làm đồ ăn đem vào cho chú, ba và anh Trí ghé thăm hàng bữa. Vậy mà tôi tồi tệ thật, chẳng những không vào thăm chú, tôi còn không có lấy một lời nhắn hỏi, tôi đã đặt tự ái của mình lên quá cao, tôi có còn xứng đáng với lòng thương yêu của chú không? Phải vào thăm chú ngay bây giờ, tôi đứng ngay dậy và bốc đồng chạy vào phòng thay quần áo thật nhanh.
Tôi đạp xe lang thang trên đường. Hoa phượng vẫn thắp lửa chói chang trên những hàng cây, những đóa hoa mềm rung rinh trong gió như đôi mắt ai buồn chớp cánh rưng rưng... Và những cây dầu cao nữa, sao sáng nay các bạn đứng im lìm vậy, sao không gọi gió lên để thả xuống cho tôi những đôi cánh nhỏ mềm mang nỗi buồn của tôi bay đỉ...
- Ái Minh, Ái Minh.
Từ một ngã tư, Bích băng xe qua đường đến bên tôi:
- Tao định lại nhà mầy đây.
Tôi dừng xe:
- Có chuyện gì không?
Bích nói tía lia:
- Tuần trước, Thoại nhờ tao đến nói với mầy là Thoại đi Hà Nội khoảng nửa tháng, nhưng vì bận đi miền tây trình diễn nên giờ tao mới gặp mầy được, à và tao cũng quên hỏi thăm mầy thi cử ra sao?
Tôi xụ mặt:
- Thôi mầy đừng hỏi nữa, xem như tao đã rớt.
Bích nhìn tôi thông cảm:
- Thoại cũng có nói với tao mầy làm bài bị sai. Thôi, học tài thi phận, mầy đừng buồn nữa.
- Thôi, mầy đừng nhắc đến tên Thoại nữa.
Bích nheo mắt:
- Tao vẫn cứ nhắc đó, Thoại bảo mầy khó hiểu, khi không đâm lạnh nhạt để cho trái tim của anh chàng héo hắt như quả dừa khô.
- Tao không giỡn đâu.
- Vậy thì tao đang nghiêm túc đây, nè Ái Minh, mai mốt Thoại đi Hà Nội về mầy phải đối xử đẹp với anh ta nghen, thôi từ giã mầy, bái bai.
Nắng trưa đổ xuống lưng nóng rát. Tôi nghĩ đến Thoại giờ đang tung tăng trên những nẻo đường Hà Nội ba mươi sáu phố phường, đến những cảnh đẹp của Hà Nội mà tôi chỉ biết được qua tranh ảnh và báo chí, đang hiện ra trước mắt Thoại, đang nâng niu gót chân Thoại, đang reo vui cùng Thoại, đang chúc mừng Thoại... Giờ nầy Thoại có nghĩ đến tôi không?
Tôi bước vào phòng chú Vinh sau khi gồng mình leo hết bốn từng lầu. Dì Phượng đang gọt cam, thấy tôi, dì mừng rỡ:
- Chú Vinh cứ nhắc cháu mãi.
Chú Vinh cười rất tươi. Tôi đến bên chú, sờ vào cánh tay băng trắng xóa:
- Chú bớt chưa chú?
Chú đưa bàn tay còn lại vỗ vào vai tôi:
- Chú khỏe rồi, chú có nghe ba nói cháu làm bài thì không tốt phải không? Vậy là bất mãn, là chán nản và không thèm vào thăm chú chứ gì? Chú muốn giận cháu quá.
Tôi ngồi xuống bên chú:
- Kỳ nầy cháu rớt chắc rồi chú ơi.
- Đâu phải thất bại một lần rồi cháu đâm ra bi quan như vậy, hãy vui vẻ lên để nhìn vào tương lai cháu ạ.
Tôi ra về với cõi lòng trĩu nặng, tương lai của tôi là một vùng trời dầy đặc sương mù. Phải là người trong cuộc mới thấm thía được nỗi đau nầy.
Tôi gặp dì Mộng Đào nơi cổng bệnh viện, dì đang xách một gà mên lớn đựng thức ăn:
- Cháu vừa vào thăm chú Vinh đó hả?
- Dạ.
Dì Đào kéo tôi vào một quán nước:
- Vào đây uống với dì một ly nước, dì định hỏi cháu cái nầy.
Hai dì cháu ngồi trên chiếc ghế mây dài:
- Ái Minh à, mẹ Loan có nói với dì là cháu đang buồn chán.
Mẹ thiệt tình, chuyện tôi làm bài sai có gì hay ho đâu mà cứ đem đi kể tùm lum, chắc là mẹ ưng ý lắm chứ gì. Phen nầy tôi sắp chịu bó tay ngồi bán hàng với mẹ đậy, tôi sẽ trở thành một con búp bê trét đầy son phấn cứng ngắt sau những tủ kiếng hào nhoáng lạnh lùng. Không bao giờ đâu, tôi nhìn dì Đào:
- Mẹ cháu chỉ nói quá thôi, cháu hết buồn rồi.
Dì Đào vuốt tóc tôi:
- Vậy thì rất tốt, tối nay cháu lại nhà dì chơi nghe, có cả ba mẹ cháu và Trí nữa. Phượng thì chắc không đi được vì kẹt chú Vinh.
Tôi tròn mắt:
- Có gì vui thế hả dì?
Đôi mắt dì Đào long lanh:
- Hôm nay là kỷ niệm hai mươi năm ngày cưới của dì...
Tôi tiếp lời:
- … và bác Thống.
Rồi tôi cười khi nhớ đến hôm bác Thống cá độ thua tìm tới nhà tôi lúc nửa đêm làm dì Phượng sợ đứng tim. Dì Đào đã bỏ nhà đi một tuần, cho bác Thống tìm muốn hụt hơi. Khi tìm được dì, dì cũng không chịu về, còn làm đơn đòi ly dị khiến bác Thống phải năn nỉ mẹ khuyên lơn dùm. Bây giờ hai người đã hòa rồi, sau khi bác Thống hứa với dì Đào trước mặt ba mẹ là từ nay không dính dấp đến cờ bạc nữa.
- Cháu cừơi gì vậy?
- Cháu nhớ hôm dì bỏ đi và bác Thống xỉn tại nhà cháu.
- Ôi cái ông quỉ sứ nầy, ngày mô cũng réo tên ba cái thằng cầu thủ ra chửi, mà tụi nó thì ở tuốt đâu đâu, chỉ còn lại dì và mấy đứa nhỏ nghe đủ.
Tôi đứng dậy:
- Khoan đã cháu, hôm nay dì có nấu cháo tim cật ngon lắm, dì đem lên cho chú Vinh và dì Phượng đây, cháu lên ăn luôn, nhiều lắm.
- Thôi, cháu lười lên cầu thang lắm.
- Rứa thì cháu về nghe, nhớ tối qua dì.
Tôi vừa đạp xe vừa suy nghĩ, có nên sang dự tiệc bên nhà bác Thống không? Sao dạo nầy thời gian đối với tôi dài lê thê, hết ra lại vào, đôi lúc muốn làm vài câu thơ cũng không được, vậy thì đến bao giờ tập thơ ước muốn của tôi mới hoàn thành. Nàng thơ cũng bỏ tôi rồi sao?