Những ai dám làm, sẽ thắng.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Thuỳ An
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Hoàng Gia Vũ
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1275 / 17
Cập nhật: 2015-10-08 00:22:39 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 -
, bông dua me sừ. Lâu quá không thấy ông chủ".
Chú Tầu barman cười nhe răng vàng, cầm cái khăn lau thêm một lượt nửa mặt bàn kính còn sạch nguyên mới bày ra ngoài vỉa hè.
"Lâu quá phải không?"
"Mấy ông bạn hỏi thăm ông hoài… Dùng gì ông chủ?"
Tôi kêu tách cà phê, ngồi thoải mái trong chiếc ghế da cứng đặt trên thành gỗ, tựa vào vách tường thấp của hàng quán. Sau lưng, trong quầy rượu, chú barman tiếp tục lau chùi các chai rượu bày trên các kệ gỗ, mặt quầy thẫm đen. Mặt vỉa hè kẻ ô vuông nhỏ đã được quét sạch lá me rụng, các nút chai, giấy vụn gom thành đống trong luống đất quanh gốc cây me già xum xuê xanh ngắt trong mùa mưa. Cách mươi bước, người cảnh sát đứng dưới tấm biển sắt cấm xe hai bánh lưu thông trên con phố trải ngang trước mắt canh chừng hiệu đèn lưu thông bật chớp. Buổi sáng còn mới trên các chòm cây lá nhỏ lăn tăn như vẫy trời xa, trên bãi cỏ nghiêng dốc mướt mịn bên góc phố, trên mặt nhựa phố vắng xem nổi mờ sự ẩm ướt.
Bên kia đường là toà nhà cao nhiều tầng phô mầu xám không đổi theo thời tiết trên những mặt phẳng đứng gồ dẹp xen giữa những khuôn cửa rộng sau bao lơn bầy lơ thơ một hai chậu kiểng bé xíu. Một vài khuôn cửa mở thấy hiện khoảng trống mờ của phòng ở trên cao. Một người đàn bà đứng ngoài bao lơn hút thuốc lá ngắm phố. Các cửa hiệu dưới đường tủ gương bày hàng sạch boong chỉ mới có người bán qua lại bên trong. Trên vỉa hè chỗ tôi ngồi, những người đi chân né tránh dãy bàn của quán, lạng ra bìa hè, bọc vòng ngoài gốc me.
Tôi nhấm nháp tách cà phê lâu mươi lăm phút một mình dưới mái hiên như chờ đợi mà không chờ đợi ai hết. Bên phòng trà rộng của hàng quán, khách chốc chốc ra vào nhưng các bàn bày dưới mái hiên ngoài hè trước quán rượu vẫn trống trơn. Các khách quen chỗ này thường chín giờ mới bắt đầu kéo nhau tới và sẽ ngồi lại gần hết buổi sáng.
Tôi có thể gặp những mặt quen, quen phát ngấy, biết hoặc không biết nhau, khảo những chuyện quan trọng hay vụn vặt của thành phố này, nói tầm phào qua giờ. Tôi có thể quên khuấy dự tính của buổi sáng chẳng chút ngần ngại trong cảm giác mòn mỏi vui thú đôi lúc làm giật mình thảng thốt trong cay đắng nhờm lợm. Ở đây, tôi gặp những gương mặt phô diễn vẻ u ám nhợt nhạt phẳng lỳ bị ngày tháng mài gọt và ở kia là nơi tôi định tới, tôi cũng gặp những gương mặt bị bóp méo lệch lạc trong một vài phút thật thà hay cố tình giả trá trước một cái xác lặng lẽ hết nhăn nhó, nhưng vẫn không giấu nổi vẻ mệt mỏi suy nhược thất thần.
Người đàn ông thấp lùn tay đeo túi vải xanh, chùm chìa khoá rổn rảng, đứng lại trước quán sách báo vừa mở, cười cợt với cô chủ quán, lật xem một tờ tranh ảnh.
"Lâu quá anh".
"Lâu quá".
Hắn bước vào trong quán rượu, bắt tay chú barman, loay hoay mở khoá bàn banh điện. Tiếng máy chạy xập xẹ từng nhịp với dàn đèn bật tắt vui mắt. Hắn dốc hộc jeton, khoá máy, nhấn thử và mời tôi vào chơi, rồi ra đứng quầy đếm xía mấy cọc jeton tính tiền với quán rượu. Cái trò cô độc hút trong tâm trí tôi dai dẳng nhây nhưa như đỉa đói giống như ngày cũ.
"Anh biến đâu?"
Tôi giật thót mình như hụt chân suýt ngã. Chiếc bàn máy lắc mạnh điện tắt phụt. Hồng đứng ngoài hè, cạnh cái ghế tôi vừa ngồi, bụng tì áp vào thành tường thấp, lộ nửa thân.
Tôi nhìn khuôn mặt người bạn gái loáng thoáng như có mầu xanh của lá cây chiếu dưới mái tóc mới uốn lạ mắt. Vẻ ngoài của tôi bình thường nhưng riêng bên trong tôi biết tôi đang trải một cơn khủng hoảng ngấm ngầm dữ dội. Hai bàn tay tôi vươn nắm chặt thành bàn máy, cố nắm chặt nhưng những ngón tay thì rung lẩy bẩy như đuôi thằn lằn mới đứt.
Bỗng không đâu như thế, tôi tự dưng như bị xô ngã và tâm thần lay động xác xơ như tầu lá trước một cơn hoảng hốt vô lý. Tôi nín thở lặng lẽ cười theo người bạn, vẫn đứng im chờ. Tôi biết chỉ trong khoảnh khắc thôi cơn chấn động bất thường sẽ ngưng tuyệt, sẽ chỉ còn để lại những kẽ rách buồn thảm tối tăm.
"Làm gì nhìn tôi dữ thế?"
"Chị có cái đầu mới".
"Lần thứ nhất, tôi thấy anh ngắm tôi đấy nhé".
Tôi quay vào trong quầy trả tiền, đợi cho những âm vang cuối cùng trôi tắt hẳn. Lòng bàn tay vã đầy mồ hôi. Tôi thoáng nghĩ tới một khoảng thời gian phơi nắng trên giường bệnh. Bao nhiêu năm nay, tôi chưa ngã bệnh, tôi rùng mình ghê sợ cho cái cơ thể sao chưa mọt rỗng, cái cơ thể mù loà còn đưa đẩy hoài.
"Chị định đi đâu bây giờ đây?"
"Không đi đâu cả. Còn anh?"
"Chốc nữa kia. Bây giờ không gấp".
"Tôi làm sao đưa chị nổi. Mình kiếm chỗ nào khác ngồi".
"Tại sao không ngồi đây? Tôi thích ngồi đây".
Hồng kéo ghế ngồi xuống, trong lúc một đám khách ồn ào kéo tới. Cái chợ vỉa hè của các tay rong chơi ngày tháng bắt đầu họp. Sự xuất hiện của Hồng như một nốt lạc gợi sự tò mò hay giả ngơ. Tôi bắt buộc phải tiếp Hồng.
"Anh biến đâu?"
Tôi làm bộ mải lo gọi tảng lờ không đáp.
"Anh biến đâu? Tôi để ý tìm anh mấy tháng sao không gặp. Anh cũng không lại trường mà…"
"Tôi không đến trường".
"Anh chui vào đâu?"
"Rõ ràng tôi vẫn ở đây mà".
"Tôi nói đùa mà anh trốn thật. Anh sợ tôi thật hả?"
"Chị nói chuyện gì cứ như công an hỏi cung. Tôi không phải là kẻ tội đồ của chị đâu nhé".
Hồng cười vui vẻ hơi khác thường. Có lẽ nàng muốn xoá bỏ ở tôi cái kỷ niệm buổi nói chuyện trên đồn điền của Khả. Có lẽ nàng tưởng tôi vẫn còn bận tâm về buổi ấy. Tôi muốn bảo người bạn gái rằng chẳng còn gì nữa cả. Tôi không thích cứ phải nhắc nhở những chuyện đã qua. Hồng lại nhắc câu hỏi đầu tiên: "Anh biến đâu?" Tôi bỗng thấy tôi có thể nói với Hồng một vài điều, cũng là mở thoát cho nàng mối ám ảnh nếu có.
"Tôi đang viết một quyển tiểu thuyết. Có lạ không?"
"Một quyển tiểu thuyết, không có gì lạ cả".
"Chị làm tôi cụt hứng".
"Anh tức không?"
"Tức chứ. Vì chị là người đầu tiên tôi mang chuyện này ra nói".
Trong quán, người ta đang vây bàn banh điện mở cuộc đánh cá tài nghệ. Cuộc huyên náo trong buổi sáng đang dần thấm mệt giữa ánh nắng lọc. Hồng ngó đám người lớn trửng rỡn, tia mặt soi mói. Tôi tưởng Hồng dò xét chính tôi, không phải những kẻ lạ mặt ở trong.
Tôi không thích tia mắt ấy chút nào. Hồng hỏi về trò chơi, tôi giải thích cho nàng rõ và hỏi: "Chị cũng có thể chơi được". Hồng tìm lại được sự hóm hỉnh: "Tôi biết anh định nói gì… Anh vẫn không chừa cái tật thích xỏ tôi". Tôi trả tiền và đứng lên trước.
"Tại sao anh lại nói với tôi đầu tiên?"
"Chuyện gì?"
"Chuyện về quyển tiểu thuyết ấy…"
"À, quyển tiểu thuyết. Vì chị là người tôi gặp đầu tiên. Chị tức không?"
Hồng phì cười, đứng dừng trên vỉa hè đợi sang đường, nghiêng nhìn tôi. Đằng sau chúng tôi, hai ba cô cậu học trò tíu tít cãi nhau về một câu thơ dịch. Họ vượt qua mặt chúng tôi lúc bước xuống đường, tà áo bay phất. Tôi thấy bằng lòng về buổi sáng với Hồng, buổi sáng này để nghe chuyện một câu thơ và nói chuyện về một quyển tiểu thuyết.
"Giản dị thế thôi? Tôi cứ tưởng quyển tiểu thuyết có liên quan đến tôi chứ".
"Sao lại liên quan đến chị? Mà chị muốn thì nó sẽ liên quan, cũng chẳng sao".
"Tôi muốn? Không tôi không muốn liên quan. Anh để tôi ra ngoài".
"Chị sợ rồi?"
"Không sợ, nhưng không thích. Thôi anh thử nói tôi nghe xem nào".
Tôi dừng chân, móc thuốc châm hút để suy nghĩ. Nhưng điều tôi tính nói với Hồng lúc còn ngồi ở hàng quán đâu mất. Tôi đang cố nhớ, nhưng những sự sẽ nẩy ra đây tôi biết là những điều khác. Nếu tôi lại gặp Hồng một lúc khác nữa tôi sẽ lại nói những điều khác nữa. Quyển tiểu thuyết lúc nào cũng xong, cũng bắt đầu ở trong đầu tôi thôi. Vì thế tôi không sao viết nổi nó chăng, hay tôi sẽ viết hoài không khi nào dứt được.
"Quyển tiểu thuyết tôi định viết… Nhưng trước tiên tôi phải nói cho chị nghe cái nguyên do đã khiến cho tôi có ý định viết quyển tiểu thuyết này đã… Chị lại đã… biết cả tôi nói dối, đóng kịch nữa. Mà thôi bỏ qua chuyện ấy đi. Tôi chưa hề bao giờ có ý định làm nhà văn cả, ngay lúc này nữa. Mặc dầu tôi đã có nguyên một quyển tiểu thuyết trong đầu tôi này này. Sở dĩ tôi có cái ý nghĩ viết một quyển tiểu thuyết là vì theo lời yêu cầu của một người".
"Ai? Đàn ông hay đàn bà?"
"Đàn bà. Chị không biết đâu".
"Thân hay sơ?"
"Gọi là thân cũng được. Gọi là sơ cũng được".
"Vậy là người yêu của anh chứ gì?"
"Chị làm tôi buồn cười quá. Đừng chọc tôi cười, cười là tôi quên ngang chuyện mất…"
"Thôi được. Anh nói đi".
Chúng tôi đã qua hết đoạn vỉa hè dọc theo bên công viên nằm cao. Trong công viên, một chị người làm dắt con chó xù thấp bé quần trên bãi cỏ, dưới vòm tò vò gỗ đan, nước sơn xanh đỏ đã phai, trên băng đá người đàn ông chăm chú đọc báo. Mấy cô cậu học sinh đứng tán gẫu trước thư viện đợi giờ mở cửa.
"Tôi có một quyển tiểu thuyết…"
Tôi dứt ngang lúng túng không sao tiếp lời. Hồng có vẻ sốt ruột: "Biết rồi sao nữa? Một quyển tiểu thuyết, sao nữa? Mọi ý tưởng bay tản như đàn chim sẻ trong sân nghe động. Một quyển tiểu thuyết, một câu thơ… cũng chỉ là một cái cớ bẻ quặt những giây phút đang tới vào miền hoang vu lánh khuất. Những giây phút sống treo ngơ ngác".
"Tôi chưa biết phải viết quyển tiểu thuyết của tôi như thế nào… Đại khái một người đàn bà có một cuộc đời muốn nhờ tôi kể lại. Cô ta nghĩ rằng cuộc đời của cô từng trải là một cuộc đời khá éo le, nhiều tình tiết có thể làm cho kẻ khác say mê cảm động. Cuộc đời từ buổi ấu thơ cho đến… Cái khó là ở chỗ ấy. Cho đến lúc nào? Tôi không biết phải ngừng chỗ nào cả… Rồi tôi quay trở lại tôi không biết nên bắt đầu từ chỗ nào. Bắt đầu từ chỗ nào vẫn cứ phải trở lui như thường. Không biết chỗ bắt đầu, không biết chỗ kết thúc, thành thử bất cứ lúc nào tôi bắt đầu và chẳng bao giờ tôi muốn kết thúc cả. Rốt cuộc loay hoay, tôi có mà chưa có. Tôi không sao viết…"
"Cứ bắt đầu đại rồi kết thúc đại, có sao đâu? Anh không phải nhà văn thì cần gì, loay hoay làm gì cho mệt".
"Nghiêm trọng lắm chớ, chị không biết. Giá tôi là nhà văn thì tôi có nghề. Tôi sẽ biết phải bắt đầu như thế nào, kết thúc như thế nào, khốn nỗi, tôi không phải mà tôi cũng không thích nên nó mới buồn cười. Mỗi lúc trong đầu tôi, cái dự tính nó tụ rồi tán. Nó tán rồi tụ.
Mỗi lần nó tụ, tôi lạc vào cái cõi phân tán hết bản ngã mà tôi thèm muốn, mỗi lần nó tán, tôi rớt trụ vào trong cái bản ngã trơ trẽn. Tôi thèm hoài cái lúc tụ, tôi muốn được mãi những lúc ấy và tôi biết như thế không thể nào được…"
"Như thế thì anh có nhiều quyển tiểu thuyết".
"Nhiều quyển tiểu thuyết thì tôi thành nhà văn".
"Thành nhà văn cũng được có sao?"
"Tôi chưa nghĩ đến chỗ ấy… Nhưng tôi sợ cái gì thành thói quen ghê lắm".
Vô tình chúng tôi đã bước sang con phố trước bệnh viện nơi tôi định đến đưa đám táng của Phú. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn chín giờ. Đám táng có lẽ đã đi khỏi.
"Anh là tay giỏi nguỵ biện lắm. Nhưng điều chính anh vẫn chưa nói gì cho tôi biết hết".
"Điều chính, điều nào là điều chính mà chị muốn biết".
"Vẫn chỉ là quyển tiểu thuyết của anh thôi. Người đàn bà nhờ anh viết kể đời của… cô hay bà, tôi không biết? Cuộc đời ấy như thế nào?"
"Cuộc đời ấy như thế nào, điều ấy đâu có gì gọi là quan trọng".
"Điều gì mới quan trọng?"
"Điều chính… Chị thông minh kinh khủng. Điều chính là câu chị hỏi tôi suốt từ sáng tôi không trả lời là tôi biến đâu. Bây giờ tôi trả lời đây: Tôi sống chung với người đàn bà ấy mấy tháng nay… Đó, đó, quyển tiểu thuyết đó. Có phải chị muốn biết thế chứ gì? Tôi sống chung với một người đàn bà. Chị có ngạc nhiên không? Một người đàn bà muốn trở thành một nhân vật tiểu thuyết. Đại khái thế".
"Bây giờ hình như tôi hiểu anh… Anh làm cái gì cũng được tuốt".
"Tại sao thế chị Hồng".
Hồng ngước mắt, phớt thoáng trên mặt tôi, rợn những dao động mơ hồ của một ý chưa hiển hiện sáng tỏ. Trên áo người bạn gái, mầu nắng sáng lóe qua đám lá rơi rơi lấp loáng, Hồng như đang theo dõi những tia nắng chuyển động đậu đáp vào mình.
"Anh thực có ngây thơ không?"
"Tôi chắc là không. Chị nghĩ là tôi ngây thơ à?"
"Không… nhưng mà…"
Trên những tầng hành lang dài, vài bệnh nhân chậm chạp qua lại, ngồi trên ghế bất động. Ngoài vườn, những con đường chạy giữa những bờ cỏ, luống bụi cắt xén kỹ lưỡng. Băng đá trống phơi nhìn ra ngoài. Tôi trông xuống con đường dốc nhỏ trước cổng vào nhà thương, bờ sông hút sáng trong phía dưới. Trước mặt chúng tôi, trên cuối đỉnh vòm cây dựng cái mặt tiền thâm nghiêm u uất của một tu viện trong bờ tường cao.
"Anh Phúc này".
"Chị lầm rồi. Cái tên ấy bỏ rồi. Bây giờ tôi là Phong, Huy Phong".
Tôi cười phá loãng bầu không khí nghiêm chỉnh hờ hững và bước sát chạm vào cánh tay người bạn gái một cách thân mật. Hồng vẫn lặng lẽ theo đuổi những ý nghĩ riêng. Tôi bắt gặp ở người bạn gái sự mềm mại chùng buông khác thường trái với tính quen thủ thế của nàng.
"Tôi bậy… Tôi chỉ mải nói chuyện của mình không thôi. Còn chị thế nào? Chị kiếm tôi chắc là phải có việc gì phải không?"
Mù Khơi Mù Khơi - Thuỳ An Mù Khơi