Số lần đọc/download: 138 / 19
Cập nhật: 2020-06-12 14:04:38 +0700
VI - Đồ Ăn Cướp
H
ôm thứ hai, Tâm đi học, chán nản quá. Tâm chỉ muốn xin phép ở nhà để mẹ đỡ buồn mà thôi.
Đến chiều, lúc giờ chơi, anh em xúm quanh hàng quà, anh thì ăn dưa hấu, anh thì ăn vải. Bỗng anh Tuệ thấy anh Thắng đang nhồm nhoàm miếng dưa; thì lui lủi rình đằng sau, thò tay giật mạnh, rồi chạy.
Thắng đuổi theo, vừa cười vừa nói:
— A, đồ ăn cướp!
Tâm đang đứng ở bậc thềm nhìn các bạn chơi “tíu tít”, chợt nghe Thắng nói thế thì động lòng, quay lại. Lúc ấy Thắng cũng nhìn Tâm, vừa cười vừa bảo:
— Đồ ăn cướp!
Thế là hơi tức sung lên, Tâm quyết không tha bèn hầm hầm chạy lại ngáng chân Thắng. Bị ngáng bất ngờ, Thắng ngã xoài, chảy cả máu đầu rồi Tâm cứ mạng mỡ Thắng mà “ục” mãi.
— Bảo ai ăn cướp! Bảo ai ăn cướp!
Anh em vừa can gỡ Tâm ra. Nhưng Tâm vẫn hăng hái đấm đá huyên thiên.
Thắng đau, kêu rầm. May quá, thày giáo chạy ra, gọi cả mọi người vào, hỏi tội. Trước hết, thày thấy Thắng đau, nên hỏi Thắng:
— Thế nào?
Thắng vừa khóc vừa nói:
— Bẩm thày, con đang ăn dưa, anh Tuệ chạy đến giật dưa của con rồi chạy, rồi tự nhiên anh Tâm, anh ấy đánh con.
Cho là Thắng giấu tội, Tâm vẫn hung hăng, mặt đỏ nói:
— Bẩm thày, anh ấy nhiếc con.
Bạn bè ngạc nhiên nhâu nhâu lên bênh Thắng, mỗi người một điều. Nhưng thày giáo bắt im, mà mọi người vẫn xì xào, nhìn nhau. Thày hỏi tất cả:
— Các anh thấy ai đánh ai trước?
Ai cũng cùng một loạt đáp:
— Bẩm thày, anh Tâm đánh anh Thắng trước ạ.
Thày nghiêm sắc mặt nhìn Tâm; Tâm không chịu được uất ức, bật khóc:
— Bẩm thày, sao anh ấy nhìn con, mà cười lại nhiếc con là đồ ăn cướp?
Thắng cãi:
— Tôi bảo anh đâu mà anh động lòng?
Thày bảo:
— Im! Tại làm sao anh bảo thế là anh Thắng nhiếc anh?
Lau nước mắt, Tâm nói:
— Bởi vì thế là anh ấy bảo thày con là kẻ cướp.
Cả thày giáo lẫn các bạn đều ngạc nhiên. Nhưng một lát, thày cười, bảo:
— Phải, tôi hiểu rồi, anh Thắng không có ý gì chế nhạo anh đâu. Có phải thày anh mới phải bắt về tội ăn cướp không?
Học trò ai nấy im phăng phắc trông vào Tâm chờ câu trả lời. Tâm nhìn thẳng thày đáp:
— Vâng, nhưng thày con oan. Thày ở xa, thày không biết rõ.
Thày giáo mỉm cười, gật đầu:
— Tôi rõ cả. Nhưng anh Thắng, anh có cố ý nói anh Tâm không?
Thắng ngơ ngác đáp:
— Bẩm thày, con có biết thày anh ấy phải bắt đâu.
Thày quay lại Tâm, động lòng, nói:
— Vậy anh đã biết rằng anh ngờ oan cho bạn chưa? Trong khi nóng nảy, anh đã làm một việc rất vô lý. Anh đã nhận thấy chưa?
Tâm ngẫm nghĩ rồi đáp:
— Bẩm thày, nếu thế thì con chịu lầm.
— Nhưng từ nay hai người không được gây chuyện với nhau nữa nhé. Anh Thắng thấy anh Tâm lầm, có thù oán nữa không?
Thắng hiền lành, đáp:
— Bẩm không ạ.
Thày vui vẻ, nói:
— Vậy từ nay hai anh lại chơi với nhau như cũ nhé. Thế thì bây giờ anh Tâm lau chỗ chảy máu ở đầu anh Thắng đi. Coi không có thái dương có sẹo đấy.
Mọi người cười rầm.
Tâm vui vẻ lấy khăn lau máu cho Thắng, rồi nói:
— Anh tha lỗi cho tôi.
Thắng cười:
— Không hề gì, anh ạ.
Xong chuyện, các học trò cùng tản mỗi người một nơi.
Riêng Tâm vẫn ngậm ngùi, đứng thần ra ở góc trường.
Thấy vậy, thày giáo gọi Tâm, bảo:
— Anh vẫn còn tấm tức à?
Ngoan ngoãn, Tâm đáp:
— Bẩm không.
— Nhưng sao anh không vui vẻ như các bạn.
— Bẩm thày, tại con nghĩ đến thày con.
Thày cười, thương hại:
— Anh em bạn nào ai xấu bụng mà chế giễu anh đâu.
— Bẩm tại con tưởng anh Thắng nói con. Thày con mắc tiếng oan là ăn cướp, nên bây giờ ai tin là thày con đi ăn cướp, thì con uất ức không chịu được.
Gật gù, thày an ủi:
— Anh thật thà như thế rất tốt.
Rồi Tâm kể chuyện từ đầu đến đuôi việc cha bị bắt cho thày giáo nghe. Anh em bạn xúm quanh dần, ai nấy im lặng như để nghe một chuyện cổ tích.
Nói xong, Tâm khóc:
— Bẩm thày, thày làm cho con cái đơn.
Thày giáo ái ngại, nói:
— Được, nhưng để vài hôm nữa xem ra sao hãy hay.
Từ hôm ấy, ngày nào Tâm cũng chờ cha được tha về, nhưng càng mong mỏi, càng thấy buồn bã.
Mẹ Tâm, từ khi cha Tâm vắng nhà, thì suốt ngày long tong, chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia, để nghe người này bàn, người khác sui. Nhưng rút cục, chẳng ai giúp cho một điều gì cả. Thành ra mất cả công việc.
Nhiều lúc, mẹ Tâm nóng ruột, thì muốn lên Tỉnh, nhưng ai coi nhà cho, vả để Tâm ở nhà một mình thì lại lo. Cho nên mẹ Tâm đành bó tay mà than dài thở vắn.
Ngày nào cũng như ngày nào, hết sáng đến trưa, hết trưa đến chiều, rồi đến tối mịt, lúc nào trong nhà Tâm cũng vắng vẻ buồn tênh. Cha Tâm như cột cái của nhà. Nay cột cái bị gẫy, thì nhà còn vững sao được.
Thỉnh thoảng mẹ Tâm đi lễ, và kêu ở các đền các phủ, thì cũng hơi yên lòng. Có một lần hỏi thày bói thì thày bảo thế nào cũng không hề gì.
Nhưng sự thực, cha Tâm vẫn bị giam ở đề lao trên Tỉnh, mà lúc nào mẹ Tâm và Tâm nghĩ đến nông nỗi một người tù phải ăn uống khổ sở, làm lụng vất vả, mà tội vạ không biết có thoát không, thì lại cùng nhau sụt sịt.
Có một hôm, thày Lý đến bảo mẹ Tâm:
— Này, mười hai tháng sau, lên mà xem tòa xử.
Mẹ Tâm sửng sốt hỏi:
— Xử thày cháu ấy à, ông?
— Phải. Hai mẹ con rủ nhau lên mà xem nhé!
— Ông nghe thày cháu có việc gì không?
— Tôi chả biết nữa.
Từ đó, hai mẹ con mong ngày mong đêm cho chóng đến hôm phiên tòa. Mẹ Tâm càng chăm kêu cầu, lễ bái.
Rồi đến ngày mười một, hai mẹ con nhờ người giữ hộ nhà để cùng nhau lên Tỉnh. Mẹ hỏi Tâm:
— Thế nào? Đố con biết thày có việc gì không nào?
Tâm trả lời phắt:
— Không.
— Tại sao con biết?
— Tại thày hiền lành, ai mà không biết thày có đi ăn cướp bao giờ đâu!
Mẹ Tâm nhìn Tâm, cảm động, thở dài nắm chặt lấy tay Tâm, nói:
— Phải rồi, con nói phải lắm.
Rồi hai mẹ con hăm hở lên đường, chứa chan hy vọng...