Số lần đọc/download: 3048 / 32
Cập nhật: 2015-01-09 21:32:22 +0700
Chương 9 -
... Ban đầu tôi không hiểu thế nào cả. Về sau mới biết mưu mô ác hiểm của chúng nó. Chúng định bao vây bắt tôi và anh Dũng. Không gặp chúng tôi, bọn chúng mới nghĩ ra việc bắt con tôi... Không, nó không giết con tôi đâu anh ạ. Anh có biết tụi nó bắt hai con tôi về đồn để làm gì không. Để đánh một miếng đòn ghê gớm vào tâm não tôi, để bức bách tôi vì các con tôi mà phải ra hàng, khai báo cho chúng tất cả những cơ sở ở địch hậu. Nguyên là Tư Bửu bị ta bắt rồi trốn thoát về, nó biết tôi và công việc làm của tôi. Chúng đem chị Lụa với con tôi về đồn Long Hưng. Chị Lụa bị chúng hiếp rồi thả về. Chính thằng Tư Bửu bảo với con tôi: "Tao bắt tụi bây cho con gái mẹ tụi bây và đồng đảng lòi ra!". Chúng nó đánh đập, không cho hai con tôi ăn uống. Bọn nó cố ý hành hạ hai con tôi trước mặt những bà con ở Hiệp Lộ, Hiệp Mỹ bị chúng bắt đi xây bót. Những việc ấy, bà con về kể lại, thành ra tôi đều rõ hết. Đó là ý định của chúng, mong sao cho tôi nghe rõ từng chi tiết chúng nó hành hạ con tôi... Con Thủy tôi đói quá đi xin cơm của mấy chị vợ lính về cùng ăn với thằng Nhã. Về sau, tên Tô-ma ra lệnh cấm ngặt mọi người không được cho cơm con tôi. Đến nước con Thủy phải đi bắt chuột về nướng ăn. Mặc dù thế, nhưng đêm đến, các chị vợ lính và mấy người lính tốt vẫn lén lút mang cơm cho hai đứa.
Nghe đâu có một lần Tư Bửu tát vào má con Ngọc Thủy, hỏi về tôi. Anh biết con tôi nói sao không? Nó bảo: "Má tôi chết rồi!". Tự con tôi tôi biết nó chưa đủ trí khôn để nói thế. Về sau mới biết là anh em lính tốt của mình căn dặn nó nói thế.
Chiều nào có bà con đi cu-ly về kể chuyện, ruột tôi như bị trăm ngàn mũi kim châm chích. Về sau tôi không dám gặp họ nữa. Tôi sợ gặp họ, nghe họ nói riết rồi không chịu nổi. Song le vắng tin con một ít lâu thấy khó chịu lạ lùng. Lại phải tìm đón bà con mà hỏi thăm. Hỏi thăm biết được sự khổ sở của chúng nó, lại vật vã đau đớn. Cứ thế, tôi bị
giày vò từ ngày này qua ngày khác. Có khi trong giấc ngủ, tôi nằm mê thấy con Thủy dắt em về chạy ào lại ôm tới. Tôi mừng quá chưa kịp ôm lấy con, bỗng giật mình tỉnh dậy. Rõ ràng là hai đứa vừa ở trong tay mình, mà đã biến đi đằng nào... Hóa ra là chiêm bao. Mồ hôi liền tháo ra khắp người. Tôi cứ nằm khắc khoải cho tới sáng. Nhiều đêm ở trong làng tề, nghe tiếng con người ta khóc, tưởng là tiếng con mình, tức thời bị đánh thức dậy ngay.
Nghe nói có một hôm, bọn giặc đi càn về, chúng vờ nói với con Thủy tôi:
- Tụi tao vừa bắn chết má chúng bây rồi. Tụi tao đã chặt đầu má bay treo lên một cành cao, mai có muốn đi coi tụi tao dắt đi!
Con Thủy vẫn nói:
- Má tôi chết lâu rồi, chắc người nào đó chớ không phải má tôi đâu!
Nghe chuyện đó tôi cười ứa nước mắt. Tôi biết con tôi có nói tôi chết là buộc lòng lắm nó mới nói thế. Người kể chuyện bảo rằng mặc dù con Thủy nghe lời anh em lính nói thế, nhưng nó vẫn lo là tôi chết thực. Sau đó nó dắt thằng Nhã trốn vào xó tối khóc mùi và khẽ kêu "... Má ơi, má ơi! Má đừng chết nghe má...!".
Anh coi, như thế có khổ tôi không. Nếu như anh ở vào hoàn cảnh đó thì anh sẽ rõ. Chắc chắn anh cũng sẽ đau đớn. Có thể cái đau đớn của đàn ông con trai các anh khác hơn bọn phụ nữ chúng tôi, tuy cũng là đau đớn, nhưng không bằng chúng tôi đâu. Bởi vì tôi đẻ con tôi ra, ôm ấp chúng nó hằng ngày. Chúng nó là máu thịt của tôi, vì chúng nó mà dòng sữa trong người tôi sau ngày thai sản chảy không bao giờ cạn... tôi nói vậy để anh hiểu cho tôi. Bị giầy vò quá chịu không nổi, về sau tôi có viết một bức thư gửi ra bót Long Hưng. Anh đoán thử xem tôi viết như thế nào. Chắc anh tưởng là lòng dạ tôi đổi thay. Không, tôi không đến nỗi như thế đâu. Trong thư tôi nói: "... Hai đứa đó chính là con tôi, mấy người có tha thì tha, giết nó thì giết đi, chớ đừng đánh đập nó tội nghiệp. Còn tôi, tôi không ra hàng đâu...".
Đấy, đại ý bức thư như vậy. Giờ nghĩ lại thấy buồn cười quá. Kêu nó đừng đánh đập con mình tội nghiệp. Chúng nó mà biết thương đến trẻ con sao nó lại hành hạ con tôi, phải không anh? Tôi viết câu đó thật là ngây thơ lắm. Giá bây giờ ai có chê, tôi cũng xin chịu. Chẳng qua là vì lúc đó tinh thần tôi bị giày vò quá, mới thốt câu van lơn chúng nó. Tôi viết thơ gởi cho địch như thế là sai, sau đó tôi đã kiểm thảo. Hay tin tôi viết thư, chị Ba Dương có tìm gặp tôi. Lần đầu tiên chị tỏ vẻ không bằng lòng về hành động tự ý của tôi. Chị Ba Dương không nạt nộ lớn tiếng gì đâu. Gặp tôi, cặp mắt chị nhìn tôi vẫn đằm thắm như mọi khi, nhưng toát đầy vẻ trách móc. Chị im lặng không nói gì cả. Cho đến nửa tiếng đồng hồ như thế. Chính cái im lặng trách móc đó làm tôi hoảng sợ. Hồi lâu tôi khẽ đến sau lưng chị, ấp úng:
- Chị Ba... chị Ba, em... như vậy là không phải. Lẽ nào chị lại hất hủi em.
Chị Ba Dương quay lại nhìn tôi giây lâu, cũng chưa nói gì cả. Tôi chạy lại giường ôm mặt khóc. Chập sau, chị bước đến đứng sau tôi nói:
- Sao em lại khóc. Nín đi, đừng có khóc nữa!
Rồi chị ngồi xuống nhẹ đặt bàn tay lên vai tôi:
- Tư à, chị buồn là tại sao em làm việc đó mà không hỏi qua chị một lời nào?
Tôi chùi nước mắt đáp:
- Em không biết lúc đó tại sao em như thế nữa. Nhưng em không có nói cái gì trong thư hết mà. Em chỉ nói: "Có giết con tôi thì giết, tha thì tha, chứng đừng đánh đập chúng nó, còn tôi, tôi không ra hàng đâu...".
Em chỉ viết như vậy thôi...
Chị Ba Dương kéo mặt tôi đối diện mặt chị:
- Như chị thì chị có thể tin em. Những người khác nghe em nói liệu người ta có thể tin em như chị tin em không?
Tôi cúi đầu bối rối. Thực không ngờ chuyện một bức thư lại đưa tôi đến chỗ bối rối thế ấy. Tôi nói:
- Nếu không tin lời em thì em phải chịu. Từ đây trở đi nếu cơ sở mà bị lộ ngay ở các xã, ở trên có cho là em khai báo với địch, em sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
- Em có gan thiệt. Chị khen em giỏi. - Chị Ba Dương nói và nhìn tôi lắc đầu, nhếch miệng cười.
- Sao chị lại khen?
Chị Ba không trả lời, kéo tôi ngồi sát bên chị rồi nói:
- Thôi, không có gì đâu, đừng buồn. Chị nói thế cốt để em biết, sau này cẩn thận hơn. Chứ bức thư em viết, chị cũng đã rõ. Nên nhớ làm công tác cách mạng, nhất là công tác địch ngụy vận này phải biết thấy trước, đề phòng bất trắc. Trong thư em nói: "Tôi không ra hàng đâu" thì khác nào như em đã tự nhận là mình có hoạt động rồi?
- Không nói tụi nó cũng đã biết - Tôi đáp.
Chị Ba Dương ngắt lời:
- Đã đành vậy. Nhưng khi địch nó chỉ mới biết một cách mơ hồ, em nói thế tức là xác nhận thêm cho chúng nó một mức cao hơn. Em thấy có đúng như vậy không?
Nghe những lời chị Ba phân tích, tôi không nói vào đâu được nữa. Kế đó chị móc túi lấy một mảnh giấy, vừa đưa cho tôi vừa hỏi:
- Này em thử coi coi. Có phải bức thư của em viết hôm nọ đây không?
Tôi vội đón lấy mảnh giấy. Mới nhìn qua, tôi sửng sốt. Vì đúng là bức thư chính tay tôi viết hôm trước. Tôi kêu lên:
- ủa, phải rồi. Kỳ quá, chị lượm ở đâu ra?
- Không phải lượm, người ta chuyển về cho chị. Hôm trước em nhờ một anh ở Hiệp Lộ bị bắt xây bót chuyển thư chứ gì. Anh ta lại nhờ một chị vợ lính trao cho Tư Bửu. Chị vợ lính ấy lại là vợ một anh lính nòng cốt của mình. Chị ta nghi là thư báo cáo chỉ điểm liền bí mật chuyển về huyện. Huyện ủy coi không thấy có gì, lại là chuyện mấy đứa con, nên trao cho chị.
Đoạn chị Ba gạt bức thư qua một bên, bảo tôi:
- Thôi, giờ hẵng dẹp chuyển cái thư đó đi.
Bụng dạ tôi lúc đó mới yên trở lại:
- Hậu à, chị biết em đau đớn về việc mấy cháu. Chị đâu có thờ ơ, chị lo lắm chớ. Chị tính mãi... Không còn cách nào khác hơn là bố trí đánh tháo cho mấy cháu ra.
Nghe nói, tôi trố mắt nhìn chị Ba, hồi hộp. Chị gật đầu:
- Chỉ có cách đó thôi. Chị đề nghị và Huyện ủy đã chấp thuận rồi. Giờ em nghĩ thế nào?
Trước những lời nói đó, tôi còn nghĩ thế nào nữa. Tôi sung sướng vì thấy các con tôi hy vọng được giải thoát, đồng thời rất xúc động. Tôi cứ nghĩ ngợi và ngạc nhiên, không ngờ chuyện mẹ con tôi mà trên lại chú ý tìm cách tháo gỡ như thế. Tôi ngập ngừng hỏi:
- Chị Ba nói thật à?
- Chứ sao?
- Đó là một việc khó. Bộ đội, du kích ngày đêm lo đánh giặc lẽ nào phải đi lo chuyện đó cho mẹ con em sao?
Chị Ba nói:
- Lo cho mẹ con em là phải, vì em đã lo nhiều cho người khác.
Tôi không biết nói sao, cứ đặt tin tưởng vào kế hoạch của trên. Nhưng tôi lo lắng hết sức. Chỉ sợ nguy hiểm xảy ra.
... Nghe chị Tư Hậu kể đến đây, tôi nóng lòng chộp hỏi:
- Rồi có thực hiện được không? Có cứu được hai cháu ra không?
Chị Tư Hậu gật đầu, khoát tay ra dấu bảo tôi để yên chị nói:
- Có, có cứu được hai con tôi... Trên huyện các đồng chí đó thấy không thể để tôi đau đớn tinh thần mãi được. Huyện đội bố trí một tiểu đội đánh tháo cho con tôi. Đem được hai cháu ra cũng không đến nỗi khó khăn lắm. Một phần nhờ anh em lính tay trong giúp. Họ giả cách sai con Thủy tôi đi ra khỏi bốt mua tôm. Bấy lâu lính bốt vẫn hay sai con tôi đi như thế. Mà con Thủy đi thì dắt em theo. Thực ra, lúc đó nó cũng chưa biết người ta đang chuẩn bị cứu nó. Mấy người bán tôm lại chính là du kích mình. Thế là các anh cứ việc cõng xốc hai đứa lên vai chạy. Chúng nó sợ quá khóc thét. Anh em du kích chạy qua Cầu sắt, băng qua tới vườn Hiệp lộ bọn địch mới hay, nhưng đuổi theo không kịp.
Chiều đó tôi ra đón tại Gò Cát. Hai anh du kích cõng con tôi về tới. Gặp con, tôi nghẹn ngào không khóc được, cứ ôm siết hai đứa vào lòng. Lúc đó chỉ nơm nớp sợ con mình lại bị bắt đi nữa.
Chị Tư Hậu vừa nói nét mặt rạng lên. Chị nhếch môi cười. Cái nụ cười của một người đã từng quen chịu đựng chỉ hé ra một nửa. Lâu nay qua những buổi chiều tê tái, tôi mới gặp được một nụ cười nở ra trên đôi môi người chị đồng hương của tôi. Tôi bắt hớn hở lên và cảm thấy như chính nụ cười ấy đang nở ra, nô rỡn giữa tâm hồn tôi.
- Khổ cho thân bé bỏng của hai con tôi - Chị Tư Hậu nói tiếp - Chỉ có bốn tháng giam lỏng ở bốt mà con Thủy ốm tong. Thằng Nhã cũng thế. Quần áo chúng nó đều rách mướp ra cả. Đem hai đứa về tới Hiệp Mỹ, tôi đưa chúng vào nhà anh Mười, và gọi lớn:
- Anh Mười chị Mười ơi, hai đứa nhỏ tôi về rồi đây nè!
Vợ chồng anh Mười mừng rối rít. Chị Mười vội lo làm cơm. Tôi không sao rời được con Thủy với thằng Nhã ra. Tôi đi tắm cho chúng nó. Chị Mười chạy vay mượn quần áo trong xóm thay cho cháu. Trong buổi cơm tôi không ăn được, suốt buổi chỉ nhìn chúng nó ăn. Bữa cơm có nhiều thức ăn. Hai đứa ăn có vẻ ngon lành lắm. Con Thủy thì ăn trầm tĩnh hơn, nhưng thằng Nhã thì ăn hau háu. Đứng nhìn cảnh tượng đó, tự nhiên nước mắt tôi chảy ròng... Không phải riêng gì con tôi, trẻ con đứa nào cũng vậy anh à, thấy chúng nó đói khát, mình thật khổ tâm. Người lớn còn chịu đựng được, chớ trẻ con nó hễ đói là khóc đòi ăn. Ba tháng qua, có lẽ con tôi nó cũng đã nhiều lần khóc vì đói. Giờ đây, nhìn cử chỉ ăn vội vàng của chúng nó, mình xót tủi quá.
Hai đứa ăn xong đến bên tôi, mỗi đứa bíu lấy một cánh tay tôi. Thấy tôi khóc, chúng nó gục đầu vào ngực tôi thút thít. Tôi nghẹn ngào hồi lâu mới bảo:
- Thôi, mẹ con mình đừng khóc nữa. Từ nay má không để mấy con phải khổ cực nữa đâu...
Tôi nói lời ấy với các con tôi rất đúng. Dạo đó tình hình có nhiều thay đổi. ở ngoài này ta đang tấn công Điện Biên Phủ. Còn trong mình, hẳn anh còn nhớ, đồn bốt cứ bị bức rút liên miên. Địa phương tôi du kích nổi rất mạnh, bốt lớn bốt nhỏ cứ phải rạt dần ra. Có nhiều xã từ địch hậu trở thành xã du kích nhẹ. Như Hiệp Mỹ, Hiệp Hưng và phân nữa Hiệp Lộ.
Mặt trận Điện Biên Phủ kết thúc.
Hiệp định đình chiến ký kết. ở chỗ chúng tôi, đồn Long Hưng bị bao vây năm ngày đêm liền. Bốn tiếng đồng hồ trước khi ngừng súng thì bị hạ. Các lô-cốt khác ở Hiệp Lộ mình buông tha cho nó vì đã đúng giờ hiệp định thi hành. Du kích tháo lựu đạn gài, tháo mìn với tâm trạng tiếc rẻ... đại khái những việc đó chắc anh đã biết.
Thắng lợi rồi. Nói là vui thì có vui đó, song tôi càng dễ nhận ra ở tôi nỗi cô đơn trơ trọi. Bao người thân của tôi trong trận giông bão lớn vừa qua, từ nay đã vĩnh biệt tôi. Khi cái vui lớn dồn dập đến, sau đó lòng tôi bâng khuâng vô hạn. Khi nhớ lại những tháng ngày qua. Không biết anh thì có bao giờ anh mang tâm trạng như thế không. Chớ tôi, tôi thường có tâm trạng đó lắm. Nghĩa là vừa vui đấy, tức thời cái quạnh quẽ cái lo lắng cũng tới liền theo đấy. Thắng lợi làm thay đổi tình hình cả nước đã thay đổi hẳn đời sống của tôi và các con tôi. Hòa bình lại một tháng, tôi được trên báo cho biết là hai đứa nhỏ tôi, con Thủy và thằng Nhã có tiêu chuẩn được cho đi học. Tôi không biết con tôi ở vào tiêu chuẩn nào, chỉ đoán chừng là cái chết của chồng tôi đã giành cho nó tiêu chuẩn đó. Nghĩ tới tương lai của con, lòng tôi sáng bừng lên. Nhưng ánh sáng chỉ vụt chớp một cái, là bóng tối của nỗi lo xa cách tối sầm lại. Lòng tôi bàng hoàng. Những ngày sắp tới, nếu xa con, trơ trọi một mình, tôi sẽ sống thế nào được. Trước đây xa con Thủy, thằng Nhã mươi bữa nửa tháng, lâu nhất là ba tháng, tôi đã phải nhớ thương dằn vặt khổ sở là dường nào. Bây giờ để chúng nó rời tôi, lại rời xa tới hàng ngàn cây số, biệt những hai năm thật tôi không tưởng tượng mình có đủ sức chịu nổi sự xa cách lâu đến thế. Tôi quyết định không cho các con tôi đi. Liền viết một bức thư trả lời cho huyện, nói rõ: "... Vì hoàn cảnh đơn độc nên tôi không thể xa các cháu được, xin cứ thay vào đó vào những em khác..." Anh tưởng tôi viết được bức thư ấy dễ dàng lắm sao, không, cả một sự khó. Viết mấy lần, suy nghĩ lại bèn xé bỏ, xé rồi lại viết. Con Thủy và thằng Nhã cứ đến bên hỏi:
- Má, má viết gì vậy?
Tôi dừng bút nhìn chúng nó, thầm hỏi: "Má viết về mấy con đây". Quả là tôi đang viết về tương lai chúng nó. Một đằng sợ xa con, một đằng lại nghĩ tới ngày mai của con. Xé thư lần này xong, tôi vất bút chạy lại ôm chầm hai đứa, hai bàn tay cứ run bây bẩy. Con Thủy hỏi tôi:
- Má làm sao vậy má?
Tôi gượng nói:
- Không, má có sao đâu!
Rồi tôi bảo chúng:
- Hai đứa đi chơi để má nghỉ một chút.
Hai con tôi ngoan ngoãi dắt nhau ra ngoài. Tôi nằm một mình lăn qua trở lại. Sóng biển ban trưa từ xa vọng tới rì rào. Giữa trưa im vắng, tiếng sóng đưa vào bờ bãi khiến tôi tưởng chừng như thấy được nỗi hiu quạnh sắp tới bao bọc lấy tôi. Tôi rùng mình lo sợ. Những lúc như thế tôi thường sực nhớ tới chị Ba Dương. Nhiều lúc tôi cảm thấy người bí thư phụ nữ huyện đó giống như một bà tiên trong các chuyện đời xưa. Có sự gì khó khăn là chị cũng giúp tôi vượt qua được. Lần ấy tôi, giữa cơn bối rối, tôi lại tìm đến chị. Chị Ba Dương dạo đó bận nhiều việc lắm. Hòa bình rồi, nhưng chị cũng không được rảnh rang. Có điều là lúc ấy trông chị cứ tươi luôn, lúc nào cũng như là cười. Gặp tôi chị nói:
- Chị định đi tìm em đây, may quá:
- Chị kiếm em có chuyện gì?
Chị Ba nhìn vào tôi hỏi:
- Hậu có muốn đi không?
- Đi đâu, tập kết à?
- Phải, đi tập kết.
Tôi nói:
- Em đi mà làm gì?
Chị Ba nắm tay tôi, vẫn cái bàn tay trụi ngón của chị, bảo tôi:
- Thôi, nhân thể chị nói luôn cho em rõ. Trước thì dự định để em ở lại, nhưng các đồng chí thấy em lại không có lợi. Thời gian em hoạt động bọn địch nó đã biết em rồi, sau này khó mà chúng nó để cho em yên. Vả lại các cháu đều đi mà em ở lại, tội cho mấy cháu mà cũng khổ cho em. Lẽ nữa là em có chuyên môn. ở ngoài đó cũng rất cần cái chuyên môn của em. Sau khi nhận xét lợi hại. Huyện ủy thấy nên để em đi. Riêng chị, chị thấy các đồng chí đó nói cũng phải. Em đi chị đây rất tiếc, tình cảm chị buồn lắm... chị nói vậy, chắc em rõ rồi. Em thấy sao?
Tôi không đáp được. Chị Ba Dương đặt lại vấn đề tôi đi cách bất ngờ. Tôi chưa hề nghĩ tới chuyện đi. Dẫu sao, giữa lúc này tôi đang sợ hãi là sẽ phải rời xa hai con tôi, hay cái tin đi, tôi thấy sự gần gũi giữa mẹ con tôi được hoàn trả lại. Nhưng hết sợ xa con rồi, lại nảy ra bâng khuâng khác. Dạo đó tâm trạng tôi cứ thay đổi luôn. Mà thay đổi là phải. Vì chuyện đời đến với tôi thường hay đột ngột. Định là ở lại, tôi đã chuẩn bị tình cảm ở lại, trong đầu đã phác vạch ra hướng sống mới, nay đều đảo lộn, anh nghĩ, tâm trạng không bâng khuâng làm sao được.
Nhưng lần đó thì không thay đổi nữa. Chuyện tôi đi tập kết kể như là dứt khoát.
Con Thủy, thằng Nhã phải đi gấp trong chuyến Cao Lãnh thứ hai. Còn tôi thì chưa đi ngay. Thế là tôi phải lo thu xếp cho hai cháu lên đường, nghe nói mùa đông miền Bắc là tôi lo lắm. Còn có được bao nhiêu tiền tôi đều sắm sửa đồ rét cho chúng nó. Tiền bạc tôi còn có bao nhiêu đâu. Kháng chiến rồi thì gia tài tôi chỉ còn lại có gian nhà cũ, mấy công ruộng dâu, mấy cái khung cửi. Bán các thứ vỏn vẹn được ba ngàn đồng bạc. May sắm các vật cần thiết cho con rồi thì chỉ còn thừa lại không tới một ngàn. Cứ lo cho con mình có ấm đã, còn mình thời thế nào cũng xong.
... Trời, cái đêm rạng ngày đưa chúng nó đi thật là khổ. Hai đứa cứ ôm lấy tôi không thể nào rứt ra được. Làm tôi thức suốt đêm. Thằng Nhã không khóc, hôn tôi chùn chụt rồi ngủ. Duy có con Thủy tôi thì khóc ghê quá. Con bé nó không khóc bù lu bù loa lên đâu. Nó áp đầu vào ngực tôi, nước mắt cứ tràn ra thấm ướt cả áo tôi. Nó đã từng cực khổ vì phải xa tôi rồi, trách sao được nó. Chỉ nghe tiếng khóc của nó mà tôi phát sợ. Cái thứ khóc không ra tiếng tôi ít thấy ở một đứa trẻ, chỉ có ở đứa trẻ sớm khôn biết. Con gái tôi mới có chín tuổi đầu. Nhưng tôi nhận thấy nó có phần lớn trước tuổi. Đêm đó, mãi đến khuya nó vẫn thức. Tôi bảo nó ngủ đi. Nó vẫn không ngủ, sau đó nó nói:
- Má nói má đi... chớ má có đi đâu. Má bỏ con với em Nhã đi một mình.
Tôi phát sợ vì câu nói của con tôi. Sự thực thì từ khi nhà tôi mất, hai đứa nó là nguồn hy vọng, nguồn an ủi lớn nhất của tôi. Có chăng là vì công việc vừa qua phải cáng đáng, chúng nó phải vất vả bơ vơ mất một dạo. Gần đây, tôi lo sợ sẽ xa chúng nó. Nhưng giờ đã yên tâm, vì tôi cũng đi. Nhưng con tôi nó vẫn không tin là tôi đi thực. Tôi nâng mặt con Thủy lên, lấy khăn, lau nước mắt cho nó rồi nghiêm giọng nói:
- Thủy, má nói là không đi được một chuyến với con và em, nhưng rồi má sẽ đi chuyến sau. Vậy mà con cứ khóc. Trước, nay má có nói dối con lần nào chưa?
Thường thường cơn giận của tôi đối với con Ngọc Thủy, dù dữ dội mấy tôi cũng chỉ nói đến thế là cùng. Con Thủy nghe tôi nói bằng giọng nghiêm nghị như thế là nó biết tôi đang không bằng lòng. Mà nó thì không khi nào muốn tôi phải phật ý về nó. Cho nên từ đó, tuy không ngủ nhưng nằm im thin thít.
Hai con tôi đi rồi. Tôi sửa soạn đi chuyến gần cuối. Ngày tạm biệt xóm làng thật là bịn rịn làm sao. Buổi chiều tôi lên đường ra bến tàu, bà con kéo đến rất đông. Có nhiều người ở mãi Hiệp Mỹ, Hiệp Lộ. Cả mấy chị vợ lính cũng lẻn vào. Người bồng bế, kẻ dắt díu con cái. Họ nói: "Bọn tôi tới đưa chân thím đây, đi rồi đừng có quên bọn tôi nghe, hai năm rồi trở về đây nghen"... Nghe họ nói, tự dưng nước mắt tôi ứa ra. Chín mười năm qua tôi sống với họ, lúc thì ở tại một cánh đồng dâu, khi thì ở bên một giường đẻ, khổ cực và sung sướng của họ tôi đều rõ.
Những đứa trẻ đang còn ẵm ngửa, những đứa trẻ đang líu ríu đi bên các người mẹ kia, tôi đều biết rõ chúng nó, khi chúng nó vừa mới ra đời. Có thể còn nhớ cái tiếng khóc riêng, cái cử dạng co đạp riêng của mỗi đứa khi chúng nó chỉ mới biết khóc và co đạp. Bây giờ nhiều đứa đã đi vững, nói sõi. Chúng nó nô đùa với nhau trên bãi cát, chạy nhảy như một bầy chim sẻ. Thỉnh thoảng chúng lại cười vang lên. Giữa lúc bùi ngùi lưu luyến, tôi thấy sung sướng lạ. Liền nghĩ bụng rằng suốt đời mình chắc có lẽ mãi mãi mình sẽ không bỏ cái nghề đỡ đẻ này mà làm nghề gì khác nữa.
Dưới bãi, ghe bầu đã cập vào. Lũ trẻ ùa nhau lại. Mẹ của chúng nó nói:
- Thím Tư thím đi kia. Thím ấy đẻ tụi bây đó, đưa thím ra ghe đi!
Lũ trẻ bu quanh tôi, ríu rít lên:
- Thím Tư đưa cháu đeo cái túi cho!
- Đưa cháu cầm cái mền cho.
- Thím Tư đi đâu vậy, cho bé đi theo với.
Đứa nào cũng giành mang một thứ, đem xuống ghe hộ tôi. Những cháu nhỏ còn trên tay mẹ, giơ bàn tay nhỏ xíu đập đập y như là vẫy tôi vậy. Và mẹ chúng bồng chúng đến:
- Hôn thím đi!
- Hôn thím để thím đi thím nhớ, con.
Rồi nhiều cháu hôn tôi. Tôi lần lượt hôn lại từng đứa. Hôn xong thấy mắt nhòe ướt. Ngước lên thấy mắt mấy chị mấy thím người nào cũng nhòe ướt như tôi cả.
Nghẹn ngào hồi lâu, tôi mới nói được một câu từ biệt:
- Thôi, mấy chị mấy thím ở lại mạnh khỏe, tôi đi hai năm tôi về.
- Chị Tư... Thím Tư đi mạnh giỏi nghe. Hai năm nữa bọn tôi đợi đón thím ở đây.
- Dạ...
Khi tôi xuống ghe thì chợt thấy từ trên bãi cát, chị Ba Dương chạy riết xuống.
- Hậu đi đó à?
Dứt lời chị Ba vén quần lội xuống mực nước, tới bên ghe nắm lấy tay tôi:
- Đi mạnh giỏi nghe Hậu. Thôi, đừng buồn, thế nào rồi cũng có ngày chị em mình gặp nhau.
Chị Ba Dương nói xong ngoảnh mặt đi, giấu mấy giọt nước mắt vừa lăn xuống trên khuôn mặt khắc khổ của chị. Tôi bíu tay chị không muốn buông. Cái bàn tay trụi ngón nhiều lần đã cầm tay tôi, bấy giờ nóng hổi. Sức nóng ấy rần rất truyền qua người tôi. Nó thổi bừng dậy, qua trí nhớ của tôi, mọi hình ảnh gian khó, đau thương, dũng cảm.
Lúc sau, chị Ba Dương buông tay tôi ra, lấy lại vẻ tươi tỉnh:
- Cố gắng lên Hậu nghe!
- Dạ!
Ghe bầu rời bãi. Bà con đứng trông theo lâu lắm. Lũ trẻ giơ những bàn tay nhỏ xíu lên ngoắc lia lịa. Ghe ra xa dần. Trong số những bàn tay vẫy tiễn tôi đó, tôi nhận thấy bàn tay trụi ngón của chị Ba giơ lên ngoắc ngoắc. Ghe đi một đỗi xa, tôi ngoái xa khuất dần. Những mái nhà xóm lưới màu xam xám, rặng sao cao vút vẫn nhô lên khỏi cánh đồng dâu xanh mướt. Tất cả đều đắm mình dưới bóng chiều đang xuống, trong tiếng sóng đều đều vỗ vào bãi. Lòng tôi buồn vô hạn. Lúc ghe đã đi xa, tôi vẫn còn nhìn thấy ánh lửa nướng cá thấp thoáng ở mạn bãi Sao.
...............................................
Chị Hậu kể tới đây thì dừng lại. Chị cúi xuống, tay chống cằm, đôi mắt ngó mông về phía hàng cây xa. Tầm mắt đó không nhìn hẳn một cái gì hết. Nhớ lại lúc mới tới bệnh viện, tôi đã gặp nhiều lần chị nhìn như thế. Song le, lần đó tôi chỉ hơi ngạc nhiên. Bây giờ mới hiểu rõ hơn. Tôi liền mơ hồ nghĩ rằng, thoạt tiên mới gặp một người nào đó, coi đôi mắt có thể mường tượng được phần nào tính cách, cuộc đời người đó được lắm. Trông qua đôi mắt chị Tư Hậu, lòng tôi lấy làm bồi hồi. Nhận thấy chị không nhắc gì đến Dũng, tôi mới hỏi:
- Chị Tư, câu chuyện giữa chị và đồng chí Dũng ấy thì sao?
Chị Hậu lặng thinh. Chốc sau, tôi thấy chị mỉm cười. Rồi dập tắt ngay nụ cười, chị nhìn một nơi khác nói:
- Anh Dũng à? Tôi quên... anh ấy tập kết ngay sau đình chiến, đi trước cả mấy đứa nhỏ tôi. Từ đó tới nay, tôi biệt có gặp ảnh, nhưng được cái thư từ thì đều lắm. Dũng đi học về luyện kim ở Liên Xô anh ạ. Tập kết ra, đi luôn tới nay. Thư nào gởi về cũng nói...
Chị Tư Hậu ngưng lại, cười nho nhỏ.
Tôi hỏi:
- Thư gửi về nói thế nào?
Chị Hậu nhìn tôi chăm chắm, cười bảo:
- Sợ anh lại cười.
- Cười gì, tôi mà cười chị à. Nói cho tôi nghe đi!
- Trong thư, ảnh nói là kiên quyết không quên tôi. Bạn bè Liên Xô người ta hỏi anh ấy có gia đình chưa, anh ấy bảo là có rồi đưa người ta xem ảnh tôi. Cái ảnh tôi gởi ảnh hồi năm xưa. Đó là trong thư anh ấy nói thế, còn thì không biết thế nào... không biết sao nữa...
Tôi nói:
- Có vậy mà chị không nói. Tôi tin là anh ấy thương chị lắm.
- Anh chỉ nói... Anh biết gì mà tin.
- Như chị kể, thì có thể tin chớ.
- Thôi bữa nào tôi đưa thưa cho anh xem. Đừng có đi nói với ai nghe!
Chị Hậu lại im, hồi sau bắt sang chuyện khác.
- Vừa qua tôi kể chuyện cho anh nghe có lợi gì cho anh không? Chắc anh nghe mãi cũng chán.
Tôi lật đật đính chính:
- Không đâu, tôi không chán đâu. Có lẽ rồi sau tôi phải hỏi lại chị cho cặn kẽ là khác.
- Tôi không tin là anh cần đến thế!
Nói rồi chị Tư Hậu nhìn soi sói vào tôi, có vẻ như nghi hoặc tôi lắm vậy. ý chừng như coi chuyện ghi chép của tôi bấy nay chỉ là bày vẽ ra thế thôi chứ chắng có sự quyết tâm chi hết. Chị nói:
- Đấy, tôi đã kể cho anh nghe hết về đời tôi rồi đấy... Anh thấy sao? Trước kia có may mắn sung sướng lắm không? Mà quên, tôi quên nói ra đây hai năm rồi tôi cũng chưa hề gặp mặt hai con tôi.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại không gặp?
- Tôi tập kết ra sau, hai cháu nó đều đã sang Trung Quốc học cả, thành thử không gặp được. Chúng nó học ở Quế Lâm. Con Ngọc Thủy năm nay lên lớp bốn rồi, còn thằng Nhã học lớp ba. Tôi gởi thư, chúng nó nhận được và viết thư cho tôi luôn. Lại có gởi cả ảnh nữa. Thằng Nhã có phần béo ra. Còn con Thủy trông xinh lắm. Tôi biết, con bé lớn lên thế nào cũng xinh. Chà, tóc tết bím buộc nơ, miệng tủm tỉm cười. Chụp ảnh ra dáng cô học sinh lắm... Để mai, mai tôi đưa ảnh nó cho anh xem.
Chị Hậu nói và theo lời nói nét mặt chị rạng lên. Lâu nay tôi để ý, thấy mỗi lần nhắc đến con, chị đều thay đổi tương tự như thế. Tôi ngắm nhìn gương mặt chị, thấy vẻ u sầu biến đi đâu cả. Ước chừng là chị đang sung sướng. Trong lúc đó, hình như chị quên tất cả, coi như không có tôi ngồi cạnh chị nữa. Tôi cũng hớn hở theo mà nói:
- Nghe đâu mùa hè tới, học sinh ta ở Trung Quốc có về nước nghỉ đấy!
- Phải tôi có nghe. Hè này, chúng nó sẽ về nước. Tôi định xin phép bệnh viện đi đón cháu. Đợi hoài cái ngày đó, thấy nó lâu đến làm sao.
Giọng chị Hậu trở nên tha thiết, như còn muốn nói nhiều về các con chị nữa. Nhưng trên hành lang, cô hộ lý đã dịu dàng mời chúng tôi vào rồi. Tôi và chị Hậu đứng dậy. Tiết trời hôm nay bỗng chuyển ấm. Những y tá, hộ lý khoác "bơ-lui" trắng đi đi lại lại có vẻ mạnh bạo, chứ không thu người co ro như trước. Và bóng đêm xuống trong bệnh viện cũng có vẻ sắp trút bỏ cái giá rét của những đêm đông mà đi theo tiếng gọi của một mùa mới.
Buổi chiều, những chiếc ghế đá không còn buốt lạnh nữa. Quanh bệnh viện cây lá đã hóng được ánh nắng mặt trời. Chiều nay là buổi chiều cuối cùng của tôi ở bệnh viện. Đáng lẽ ra khỏi nhà thương thì dễ chịu. Tôi thì vừa dễ chịu lại vừa ái ngại. Là vì tôi vừa khỏe lại thì cơn bệnh của người chị đồng hương tôi lại có phần tăng lên.
Chiều nay, cũng bên chiếc ghế đá cũ, chị Hậu ngồi xuống. Chị tựa lưng vào thành ghế một cách mệt nhọc. Tay trái chị luôn luôn áp vào cổ. Cổ chị mấy ngày rày bị sưng lên. Hạch lao gì đó, đã tới lúc hành hạ chị nhiều hơn trước. Nó làm đầu chị luôn nhức nhối. Và mỗi lần ho là một lần chị đau đớn vất vả. Tôi mới ngồi xuống chưa kịp nói gì, thì chị đã ho rung lên một chập dài. Tôi thu hai tay vào lòng, miết mấy ngón tay lại như cố chận bớt tiếng ho kia. Cơn ho dịu rồi, mặt chị bừng đỏ, nước mắt trải giàn giụa. Chị lấy khăn chùi vội và đưa tay vuốt cổ. Qua một cơn ho vật vã như thế, sắc diện chị cũng không thay đổi mấy. Nhìn chung dáng vẻ chị vẫn gọn gàng. Từ nếp áo lụa trắng đến chiếc khăn quàng cổ, mọi cái vẫn tinh tươm thẳng thớm. Với lại, đôi con mắt vẫn ánh lên tia sáng dìu dịu. Hình như cảnh sắc và không khí mùa xuân đương về tới, làm chị yêu mến cuộc sống hơn. Lúc cơn bệnh trên đà đi tới, đối với cuộc sống và tạo vật chung quanh, chị càng lộ rõ vẻ tha thiết hơn.
Qua hàng chấn song bệnh viện, đường phố rộn rịp, xôn xao dưới nắng chiều. Người đi làm về tấp nập. Một tốp em gái học sinh nhỏ từ một trường nào đó ra, nói cười ríu rít như một bầy chim. Tôi nhìn những cảnh ấy, theo hướng mắt của chị Hậu. Từ nãy tới giờ tôi định nói mấy lời từ biệt, thế mà vẫn chưa nói được. Cứ lo nói ra tức thì chị sẽ nhận thấy nỗi khoan khoái của một người được rời bệnh viện, rồi đối chiếu với bản thân và càng sốt ruột hơn.
- Sáng sớm anh về cơ quan à?
Thình lình chị hỏi tôi trước. Tôi gật đầu. Chị lại nói:
- Về rồi khi nào rảnh vào thăm tôi nhé!
Tôi nói:
- Thế nào tôi cũng đến thăm chị.
- Anh có sách gì hay nhớ có vào, đem cho tôi mượn vài quyển.
- Được rồi.
Tôi ngồi im một lúc rồi nói:
- Chị Tư à, tôi thấy có lẽ là chị nên mổ thôi.
- Cái đó thì bác sĩ đã hỏi ý kiến tôi. Tôi hoàn toàn bàn giao bệnh trạng tôi cho bác sĩ. Mổ cũng tốt thôi, đau đớn mấy tôi cũng ráng chịu được. Chỉ cần là để cho tôi sống. Nói vậy không phải là tôi chỉ sợ thiệt cái thân tôi đâu. Sợ là sợ... Anh biết đấy, nếu tôi còn sống thì tôi vẫn không đến nỗi vô dụng. Với lại tôi chỉ còn hai con, tôi mà chết...
- Chị cứ nói chết chết. Ai lại để cho chị chết.
- Phải rồi, nhưng tôi nghe đâu là cái bệnh tôi mổ nguy hiểm lắm.
- Có thể nguy hiểm, nhưng cũng có thể không có gì nguy hiểm. Tôi nghe ông bác sĩ nói rồi.
- Nói sao?
Chị Hậu chụp hỏi làm tôi lúng túng:
- Nói... đại khái như thế!
Chị nghe tôi đáp, vùng cười. Tôi bèn lảng sang chuyện khác:
- Chị Tư à, tôi định sắp xếp những lời chị kể viết thành truyện, chị có bằng lòng không?
Chị Hậu thản nhiên đáp:
- Cái đó thì tùy anh, tôi không có ý kiến.
Ngưng một chốc, chị lại bảo:
- Anh viết thì viết nhưng chớ để tên thật của tôi.
- Sao vậy?
- Các anh thường hay thêm thắt. Nói quá đi, mà lại để nguyên tên thật, có khi làm cho người ta mang tiếng là nói khoác.
Tôi nghe nói mà sửng sốt. Cái chuyện như thế tưởng chỉ có một số người biết, té ra chị Tư Hậu cũng biết. Nhưng tôi cảm thấy hào hứng, bèn hỏi:
- Chị nghe ai nói thế?
- Người quen nói.
Rồi chị lại vụt cười:
- Nếu anh viết ra, anh định đặt cho cuốn truyện anh tên gì?
- Tôi chưa đặt. Khi nào viết xong tôi mới đặt tên.
Chị Tư Hậu gật gật đầu:
- ờ... phải, cái tên cũng không quan hệ lắm...
Tôi hỏi:
- Nhưng theo chị, nên đề là gì?
Chị Tư Hậu cười:
- Tôi biết đâu được.
Chợt nhiên, chị kéo tay tôi chỉ về khu nội thương. ở cuối tường, thấp thoáng có một vạt áo trắng, trên vai áo hai cái bím tóc đuôi chồn quất qua quất lại.
- Thế nào mai anh đi, cũng phải có lời từ giã cô em chớ?
Tôi lặng thinh cười, không đáp. Chị Hậu nói tiếp:
- Có gì thì nói với tôi, tôi lo cho. Còn không có gì cũng tỏ ra là không có gì. Chớ đừng nửa giỡn nửa thật, không nên đâu. Dẫu sao nó cũng là em tôi rồi đa...
Tôi cứ im lặng mà cười. Tôi biết chị Tư Hậu nói đùa. Thực tình tôi cũng không có ý nghĩ gì về cô em ấy. Song lẽ tự nhiên thấy buồn rười rượi. Trên hai tháng sống ở bệnh viện, tôi gặp nhiều người tận tâm, từ ông bác sĩ già đến cô hộ lý trẻ. ở đấy, tình yêu thương con người, lòng vị tha xuất hiện rất rõ, rất sâu sắc. ở đấy, tôi gặp chị Tư Hậu, một người đàn bà của quê hương tôi, đã thuật lại cho tôi nghe truyện đời bình thường mà cao đẹp. Đó là cái sự kiện khiến tôi suy nghĩ, ghi nhớ nhất. Về người đàn bà ấy, hiện tại ở miền Bắc, hiện tại ở cái xưởng dệt của chị thế nào thì tôi chưa thật rõ. Nhưng cái điều tôi biết rõ, thì chị là một người thợ dệt đứng bốn máy vào loại giỏi. Tôi không lấy làm ngạc nhiên gì cho lắm. Cái quá khứ cũ của chị đã là các đảm bảo rất chắc chắn cho hiện tại và ngày mai của chị rồi. Một con người đã trải qua bao thử thách như thế, khiến cho tôi tin được rằng trong công cuộc xây dựng mới của đất nước, chị sẽ không bao giờ là một người rụt rè, do dự.