Số lần đọc/download: 1202 / 72
Cập nhật: 2016-06-26 12:19:39 +0700
Chương 7: Đánh Lửa Cho Vườn Ươm Tài Năng
G
iáo dục không phải là đổ nước đầy một cái thùng, mà là khơi dậy một ngọn lửa. — W. B. Yeats
Ý TƯỞNG KỲ QUẶC CỦA MIKE VÀ DAVE Những cái nôi nuôi dưỡng tài năng như Curaçao, Nga và Hàn Quốc được kích hoạt bởi một cú đánh lửa: một ngôi sao đột ngột tỏa sáng, một chiến thắng thần kỳ. Không ai có thể dự đoán trước hay lên kế hoạch trước về điều đó. Nhưng có một dạng đánh lửa khác diễn ra khi không có tia lửa hay động lực, kể cả sự bùng nổ tài năng. Hình thức này liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta hơn, và tôi đã thấy nó xuất hiện sinh động nhất tại một địa điểm không ai có thể ngờ tới: một nhóm các trường học trong thành phố.
Mùa đông năm 1993, công việc của Mike Feinberg và Dave Levin không tốt lắm. Họ mới ngoài 20 tuổi, là bạn cùng phòng và bước vào năm thứ hai làm giáo viên trong hệ thống trường công tại Houston. Cả hai đều là thành viên của Chương trình Giảng dạy vì nước Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận còn thiếu kinh nghiệm, điều phối các sinh viên vừa tốt nghiệp đến dạy học hai năm tại các trường có thu nhập thấp. Năm đầu tiên của Feinberg và Levin rất chật vật (những lời chỉ trích dồn dập, lớp học náo loạn), năm thứ hai còn tệ hơn chút nữa. Họ đã cố gắng đổi mới nhưng rồi phát hiện ra rằng những nỗ lực của mình bị chặn đứng bởi bộ máy quan liêu thiếu trình độ, bởi các bậc phụ huynh không muốn hợp tác, bởi học sinh cư xử không chuẩn mực, bởi những quy định hẹp hòi và cỗ máy thất bại thảm hại nhất từng được tạo ra chính là hệ thống trường học công lập trong các thành phố của nước Mỹ. Levin bị yêu cầu không quay trở lại ngôi trường anh đã dạy; còn Feinberg, với suy nghĩ sâu sắc hơn, dự tính đi học trường luật. Vậy là họ dành những buổi tối mùa đông để ngồi trò chuyện trong căn hộ nhếch nhác của mình tại Houston và thực hiện những hoạt động thuộc dạng truyền thống của nước Mỹ: chê bai công việc, uống bia và xem phim Star Trek. Tâm trí họ được Feinberg tổng kết lại: “Đời quá dở, và rồi bạn cũng chết mà thôi.” Một đêm mùa đông dài của năm đó, với những lý do vẫn còn bí ẩn (một bài phát biểu truyền cảm họ đã lắng nghe, suy nghĩ của họ, hoặc có thể chỉ là mấy ly bia), hai kẻ thất bại đột nhiên nảy ra một ý tưởng ngang tàng: họ nên dừng cuộc đấu tranh với hệ thống hiện tồn và bắt đầu một trường học của riêng mình. Họ pha thêm một bình cà phê, bật dàn âm thanh chơi bài hát Achtung Baby của nhóm U2 ở chế độ lặp lại, và đến khoảng 5 giờ sáng, họ đã in ra một bản tuyên ngôngôn gồm 4 nội dung trụ cột: nhiều thời gian học trên lớp hơn, giáo viên chất lượng, hỗ trợ của phụ huynh và trợ giúp về thủ tục hành chính. Chất caffein hẳn đã có tác dụng mạnh vì hai người đã đặt cho dự án của mình cái tên long trọng như bất kỳ điều gì Thuyền trưởng Kirk có thể nghĩ ra. Họ gọi nó là Chương trình Tri thức là Sức Mmạnh, viết tắt là KIPP.
Tại bất kỳ thời điểm nào của lịch sử, một ý tưởng mơ hồ như KIPP, với rất ít kinh nghiệm làm cơ sở, hẳn sẽ tan biến nhanh chóng. Nhưng như mọi việc đã diễn ra, bang Texas vừa thông qua đạo luật hỗ trợ tài chính cho các trường được hưởng đặc quyền, miễn là trường đó đạt được các tiêu chuẩn giáo dục cơ bản. Kết quả là vài tháng sau, trong một tình thế mà trước đó không ai có thể nghĩ đến: hai tay mới toe này và bản tuyên ngôngôn đậm mùi cà- phê của họ đã bắt đầu gây được sự chú ý. Không phải cả một ngôi trường (Cơ quan quản lý giáo dục không điên đến mức đó) mà là một phòng học nhỏ nằm trong góc Trường tiểu học Gracia, nơi Feinberg và Levin có thể tự do tiếp tục những bước đi không thể tránh khỏi trên cuộc hành trình duy tâm của mình: ngã dập mặt. Phần lớn các trường được hưởng đặc quyền được xây dựng dựa trên nền tảng của một học thuyết giáo dục, như Waldorf, Montessori hay Piaget. Còn Feinberg và Levin, trong một thời gian ngắn, đã đi theo các nguyên tắc của Butch Cassidy: đánh cắp. Họ xác định những giáo viên giỏi nhất của quận và làm theo những kế hoạch giảng dạy, kỹ năng giáo dục, ý tưởng quản lý, lịch trình, quy định – tất cả mọi thứ - của họ. Có thể sau đó, Feinberg và Levin sẽ được gọi là “đổi mới”, nhưng ở thời điểm ấy, họ chỉ như những tay trộm khua khoắng khi điện bị cắt tạm thời. “Chúng tôi chộp lấy mọi ý tưởng hay mà chưa ai để ý và nắm giữ chúng,” Feinberg nói. “Chúng tôi lấy mọi thứ trừ chậu rửa bát trong nhà bếp, nhưng rồi lại quay trở lại và mang nốt cái chậu đó đi.”
Từ một đống hỗn tạp những thứ ăn cắp được này, họ lắp ghép thành một cỗ máy giáo dục ọp ẹp. Đặc trưng của cỗ máy này là một động cơ kiểu cũ nhưng vận hành chăm chỉ (ngày học ở trường dài hơn, kỳ nghỉ hè ngắn hơn, đồng phục và một hệ thống thưởng-phạt rõ ràng), được bọc trong một lớp vỏ của những kỹ thuật giảng dạy mang tính đổi mới (thời khóa biểu được ghi nhớ qua các đoạn nhạc rap; số điện thoại nhà của giáo viên được đưa cho bọn trẻ để chúng có thể gọi điện hỏi về các bài tập về nhà). Trên tường, Feinberg và Levin dán câu khẩu hiệu đánh cắp được từ một giáo viên nổi tiếng tại Los Angles tên là Rafe Esquith – “Học tập chăm chỉ, kết quả tốt đẹp” – và điều khiển cỗ máy của mình hướng đến một mục tiêu tầm xa: làm bất cứ điều gì có thể để đưa học sinh của mình vào đại học. “Điều hết sức rõ ràng với chúng tôi ngay từ đầu là: trường đại học thật sự là chìa khóa cho mọi việc,” Feinberg nói. “Khi bước vào hệ thống trường công lập tại các thành phố lớn, bạn nhận ra rằng nó mới lộn xộn làm sao – mã bưu điện của nơi bạn sinh ra, về cơ bản, xác định cơ hội thành công hoặc thất bại của bạn như thế nào. Chỉ có trường đại học là lối thoát.”
Mùa xuân và mùa hè năm đó, Feinberg và Levin bắt đầu tuyển các đối tượng cho thử nghiệm của mình. Sau một chiến dịch căng thẳng tại khu vực lân cận, họ đã có được 50 học sinh, hầu hết cha mẹ chúng đều đang rất thất vọng với hiện trạng của Feinberg và Levin. Khi lớp học đầu tiên của KIPP bước vào căn phòng bé xíu trong ngày học đầu tiên, trường đại học dường như là quá xa vời. Học sinh được xếp hạng dưới mức trung bình: chỉ 53% qua được bài kiểm tra tiếng Anh và toán năm học trước của toàn bang. Phòng học chật ních; trường Gracia đã đặt ra một hàng rào ngăn cản vững chắc đối với sự có mặt của họ; ngày học dài hơn (từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, học thêm vào các ngày thứ bảy, theo bản tuyên ngôngôn đẫm mùi cà phê) đã làm cho mọi người phải căng thẳng. Nhưng rồi một điều gì đó kỳ lạ đã xảy ra. Thật khó có thể chỉ đích danh điều này, nhưng bằng cách nào đó, vào mùa thu năm 1994, cỗ máy của họ đã gầm lên, phun phì phì và bắt đầu chuyển động. Trước sự ngạc nhiên của mọi người – ít nhất là của Feinberg và Levin – những học sinh của KIPP đã sống theo đúng khẩu hiệu mà hai người dán trên tường: bọn trẻ rất ngoan và học tập chăm chỉ. Cực kỳ chăm chỉ. Cuối năm thứ nhất, 90% học sinh đã vượt qua kỳ thi sát hạch toàn bang.
Được khích lệ, Feinberg và Levin tiếp tục tiến lên. Những năm đầu, họ giảng dạy như dân du mục – Feinberg sống ở Houston trong khi Levin chuyển tới Bronx. Họ đấu tranh để có không gian dạy học, giảng dạy thử nghiệm và chầu chực để có các phòng học trống. Mỗi năm, họ lại ăn cắp thêm nhiều ý tưởng hay và quẳng đi những ý tưởng thất bại. Và mỗi năm, kết quả kiểm tra của KIPP không ngừng tiến bộ. Đến năm 1999, các trường phổ thông tư thục của KIPP tại Houston và Bronx đã đạt kết quả kiểm tra tiêu chuẩn hóa cao hơn bất kỳ trường công lập nào tại hai hạt nói trên. Chiếc xe cũ kỹ không chỉ tăng tốc mà nó đang dẫn đầu vòng đua. Tiếng lành đồn xa. Sau một bài tường thuật trong chương trình 60 phút, KIPP đã nhận được khoản tiền ủng hộ 15 triệu đô-la từ Donald và Doris Fisher, hai nhà sáng lập chuỗi cửa hàng quần áo Gap. Hàng chục, rồi hàng trăm giáo viên trẻ (nhiều người trong số này là thành viên của Chương trình Giảng dạy vì nước Mỹ, sau đó đã thành công rực rỡ, tạo việc làm cho 2.900 giáo viên mới mỗi năm, thu hút thêm 10% lượng đơn xin việc tại các khóa tốt nghiệp năm 2008 từ các đại học Georgetown, Yale và Havard) đã đăng ký thành lập các trường KIPP của riêng mình. Đến năm 2008, có 66 trường KIPP từ Los Angeles đến New York với 16.000 học sinh. Nhiều trường trong số này đã đào tạo ra những học sinh có thành tích cao nhất tại các thành phố tương ứng, và quan trọng nhất là 80% học sinh của KIPP đã vào được đại học. Feinberg và Levin vẫn dạy lớp 5 tại Houston và Bronx, ngoài ra họ còn trông nom các trường KIPP trong khu vực của mình. Họ cũng xây dựng Ban điều hành quốc gia của KIPP. Jason Snipes, một thành viên của Hội đồng các Trường học tại các thành phố lớn, thuộc Đại học Havard, đã tổng kết thành công của họ theo lối nói của Andruw Jones: “KIPP thật sự hạ gục tất cả trường học khác.”
Có một cách nhìn nhận về KIPP, coi đó như một câu chuyện độc đáo về những nạn nhân của sự bất công, với trái tim nhiệt thành, đã nhặt được vũ khí là tia chớp trong một cái chai. Nếu đó thật sự là những gì đã xảy ra, sự quan tâm chúng ta dành cho câu chuyện đến đây là kết thúc. Tuy nhiên, một cách nhìn khác về KIPP chính là xem nó như một quá trình đánh lửa thuần túy: nghệ thuật và khoa học tạo ra một chiếc nôi nuôi dưỡng tài năng từ hai bàn tay trắng, không hề có hỗ trợ nào từ một cầu thủ bóng chày nổi tiếng trong giải thế giới hay bất kỳ đột phá kỳ diệu nào. Đó cũng là lý do tại sao việc xem xét kỹ lưỡng chiếc xe già nua đáng chú ý này lại rất hữu ích với việc tìm hiểu xem điều gì đã khiến nó hoạt động tốt. VÉN BỨC MÀN BÍ MẬT
Tại hầu hết các trường, ngày đầu tiên của năm học giống như những sải chân đầu tiên của một cuộc chạy đường trường, hoặc có thể là cuộc giao tranh nhỏ đầu tiên của một cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, tại các trường KIPP, ví dụ như Học viện KIPP Heartwood tại San Jose, California, ngày đầu tiên lại như đêm mở màn cho một vở kịch của Broadway. Có kịch bản, sự ra vào của diễn viên được tính toán thời gian, có lời dẫn chuyện, khán giả hồi hộp, và 10 phút trước khi tấm màn nhung được vén lên, có một cuộc hội ý bí mật trước buổi trình diễn phía sau sân khấu. Tại KIPP Heartwood, cuộc hội ý của các giáo viên diễn ra trong một phòng học trống, cách khoảng sân nơi học sinh bắt đầu tập hợp chỉ vài bước chân. “Được rồi, mọi người, hãy nhanh nhẹn và nhạy bén khi ra ngoài kia,” Sehba Ali, hiệu trưởng, nói với 15 giáo viên của trường. “Chúng ta sẽ đưa bọn trẻ vào, rồi đến phần chào mừng, phần nói chuyện của đại diện trường đại học, giới thiệu từng giáo viên và phần nói chuyện ‘kết quả tốt đẹp’ sẽ kết thúc. Mọi người nắm được rồi chứ?”
Sehba Ali mới 31 tuổi và chỉ cao 1 mét 52. Cô mặc một bộ vét màu be, kiểu dáng đẹp, đi đôi giày cao gót mềm. Cô có phong thái nhẹ nhàng nhưng uy quyền không lẫn đi đâu được – một sự pha trộn giữa Audrey Hepburn và Erwin Rommel. Ali không cần lặp lại thông tin này: nó đã được đánh máy cẩn thận trong kịch bản của ngày hôm nay, trong đó đã tính đến mọi sự kiện, việc di chuyển và các hoạt động. Vài ngày trước đó, toàn bộ cán bộ trong trường đã soát lại kịch bản đến từng chi tiết. Ví dụ, họ dành một giờ đồng hồ để thảo luận về khoảng cách giữa hai học sinh và chỗ đặt chân chính xác khi các học sinh lớp 5 xếp hàng dọc. Và đến lúc này, ngày đầu tiên đến trường đã được rèn luyện và diễn tập “đến chân tơ kẽ tóc”, như Ali nói. Tại Trên khoảng sân rộng, trong ánh nắng nhẹ của buổi sáng sớm, 140 học sinh mới của KIPP đang tập trung cùng gia đình. Bọn trẻ nhảy nhót không ngừng; các bậc cha mẹ che giấu sự lo lắng bằng nụ cười và những cái ôm khiến người khác cảm thấy yên lòng. Phần lớn họ là người nói tiếng Tây Ban Nha, với rất nhiều người Mỹ gốc Á và gốc Phi; họ đến từ vùng biển San Jose, nơi có rất nhiều căn nhà gỗ một tầng cho thuê giá rẻ và những căn hộ được nhà nước trợ giá. Giống nhiều trường KIPP khác, ngôi trường này bắt đầu với quy mô nhỏ, với chiến dịch vận động gõ cửa từng nhà của Ali vào năm 2004, hỏi ý kiến các bậc phụ huynh về cảm nhận của họ đối với các trường học công lập và liệu họ có hứng thú với một sự thay đổi hay không. (Tại vùng này, Ali được biết đến là “Người phụ nữ đặt ra rất nhiều câu hỏi.”) Năm đầu tiên KIPP có 75 học sinh lớp 5; từ đó đến nay, họ đã tuyển sinh thêm được 275 học sinh nữa và thêm 3 khối lớp. Hiện tại, danh sách đợi được nhập học đang ngày một dài thêm. Tất cả những điều kể trên đã bổ sung cho không khí hào hứng đầy xúc động tại khoảng sân nhỏ này. Không khí ngập tràn cảm giác của một cuộc khởi hành không thể dừng lại, như thể bọn trẻ đang chuẩn bị lên một con tàu vượt đại dương để đi đến một thế giới mới. Trong khi chủ yếu học sinh của trường KIPP Heartwood đến từ các trường trong quận thì vẫn có những trường hợp cá biệt. Latha Narayannan đã mất một giờ đồng hồ để lái xe đưa con trai từ Fremont, California đến trường. Narayannan có một công việc tại một công ty tư vấn qua Internet với mức lương cao, cô nói rằng những trường công lập tại nơi cô sống có chất lượng tốt. Tuy nhiên, cô phải đến KIPP bởi cô muốn chắc chắn 100% con trai của mình, Ajiit, sẽ thi đỗ đại học. “Tôi đã nghe nói về những gì người ta làm ở trường này,” cô nói. “Và tôi đã nói rằng, tôi muốn điều này cho con trai mình.”
Đúng 8 giờ sáng, Ali và những giáo viên khác bước ra sân. Ali vỗ tay 5 lần, các thầy, cô giáo khác hòa theo, nhẩm đếm đủ năm lần. Bọn trẻ im lặng; theo phản xạ, các bậc phụ huynh lùi về phía sau. “Chào các con,” Ali nói to.
Bọn trẻ rì rầm. “CHÀO CÁC CON,” Ali lặp lại.
“Chào cô,” vài đứa trẻ lên tiếng. Ali nghiêng đầu, thất vọng, chờ đợi.
“CHÀO CÁC CON,” cô cố gắng một lần nữa. Một giáo viên khác, Lolita Jackson, nói câu đáp lại chính xác – “Chào cô, thưa cô Ali.”
Lần này, bọn trẻ đã hiểu. Lần tiếp theo, khi Ali nhắc nhở, tất cả đáp lại đồng thanh, “CHÀO CÔ, THƯA CÔ ALI.” Ali chào mừng bọn trẻ, nhắc tới từng lớp theo tên mới của lớp đó. Lớp 5 có tên là Lớp 2015; lớp 6 là Lớp 2014; số ở đây ám chỉ năm mà bọn trẻ sẽ bước chân vào cổng trường đại học. Rồi Ali gọi một nhóm học sinh khóa trước lên, trông rất khác biệt với chiếc áo sơ mi màu trắng và xanh lục của KIPP, chúng đứng thành một hàng ngang. Những học sinh này đặt mũi giày dọc theo một đường kẻ đã được sơn sẵn trên mặt sân: mắt nhìn thẳng, tay buông dọc thân người, khoảng cách đều đặn.
“Đây là cách xếp hàng tại KIPP,” Ali nói, ngay lúc đó có một trợ lý phiên dịch sang tiếng Tây Ban Nha. “CÁC CON ĐÃ HIỂU CHƯA?” “VNG, THƯA CÔ ALI,” bọn trẻ đồng thanh.
Từng học sinh được giới thiệu theo tên, được đưa cho một chiếc cặp tài liệu gáy xoắn lớn và cả nhóm vỗ tay tán thưởng, theo nhịp. Ba-lô, chai nước và áo khoác được cha mẹ các em giữ - bọn trẻ không cần gì cả. Giáo viên của KIPP đi dọc theo các hàng, kiểm tra để chắc chắn rằng các cặp tài liệu đều được cầm ở tay trái (đẹp mắt và phẳng phiu, với phần gáy xoắn quay xuống dưới), chân đặt thẳng, tay mở rộng, áo sơ mi bỏ trong quần. Rất muốn mỉm cười nhưng không đứa trẻ nào làm vậy. Ali đi kiểm tra lại lần nữa. Cô dừng lại ở chỗ một cậu bé và chỉnh góc cầm cặp tài liệu của cậu nghiêng đi khoảng 20o cho chính xác. Đây là văn hóa của KIPP. Nó bao trùm việc đi lại, nói chuyện (học sinh nói với giọng nhỏ, vừa và to), ngồi học (nhìn về phía trước, thẳng lưng, không cầm bút trong tay), nhìn thầy cô giáo hay bạn học khi họ đang nói (được gọi là dõi theo: đầu ngẩng cao, mắt và vai hướng về người đang nói), thậm chí cả cách thu xếp trong nhà vệ sinh (dùng 4 hoặc 5 tờ giấy vệ sinh, 1 lần xịt xà phòng để rửa tay). Giáo viên KIPP đặt rác khắp trong trường và quan sát xem ai nhặt rác lên để khen thưởng trước toàn trường. Bọn trẻ không ngừng thi hành những lịch trình chính xác khi vỗ tay, hát đồng ca và bước đi cùng nhau. (Những học sinh lớn hơn được thực hiện những quy định này thoải mái hơn – chẳng hạn, chúng không nhất thiết phải đi theo hàng dọc – nhưng thậm chí để có được những đặc quyền này, chúng cũng phải nỗ lực).
“Từng chi tiết đơn giản nhất đều có ý nghĩa,” Feinberg nói. “Mọi điều bọn trẻ làm đều được liên hệ với những điều khác xung quanh chúng.” Sau khi xếp hàng, những học sinh mới được dẫn tới một phòng học, nơi chúng ngồi trên sàn theo các vạch kẻ đã dán sẵn. Không có bàn ghế ở đây, vì học sinh đã được thông báo trước, chúng vẫn chưa giành được những dụng cụ này. Bọn trẻ mở cặp tài liệu ra để tìm vài tờ giấy có ghi đề một số bài toán. Đây là “thời gian làm việc im lặng”, một phần không thể thiếu của buổi sáng tại KIPP. Sau nửa tiếng im lặng như trong thánh đường (đầu tiên có vài tiếng thì thầm và tiếng khúc khích đã được các giáo viên nhắc nhở; sau đó, sự yên lặng bao trùm tất cả), Ali sải chân bước ra phía trước lớp học và một lần nữa chào đón chúng bằng cái tên mới của lớp.
“Mục tiêu của chúng ta – mọi người đang dõi theo cô ngay lúc này – với tư cách một đội và một gia đình, là mọi người trong căn phòng này được vào ĐẠI HỌC.” Ali dừng lại và để cho ý tưởng ngấm vào đầu bọn trẻ. Cô nhắc lại cụm từ “vào đại học” với sự chậm rãi và tôn kính đầy lôi cuốn, đúng theo cách một linh mục thể hiện khi nói tới “thiên đường.” “Vậy chúng ta đang đi tới đâu?” cô hỏi.
“Đại học” câu trả lời ngập ngừng vang lên. Khum tay sau vành tai, Ali vờ như không nghe thấy gì cả.
“ĐẠI HỌC!” bọn trẻ gào lên to hơn. Ali mỉm cười – một tia sáng của niềm hạnh phúc – rồi lại trở lại nghiêm túc.
“Cô sẽ nói thẳng với các con. Có rất nhiều người nghĩ rằng các con không thể làm được điều đó. Bởi gia đình của các con không có tiền. Bởi các con là người gốc Latinh hay Việt Nam. Nhưng tại đây, tại KIPP, các thầy cô tin tưởng vào các con. Nếu học tập chăm chỉ và ngoan ngoãn, các con sẽ vào đại học và có một tương lai thành công rực rỡ. Các con sẽ trở nên phi thường bởi tại đây các con sẽ học tập thật sự, thật sự vất vả và điều đó khiến các con thông minh hơn.” “Các con SẼ mắc lỗi. Các con SẼ làm mọi thứ rối tung lên. Các thầy cô cũng sẽ như vậy. Nhưng tất cả các con đều sẽ có lối cư xử tuyệt vời. Bởi mọi thứ tại KIPP này đều phải nỗ lực mới có được. MỌI THỨ đều phải kiếm được. Mọi thứ đều phải KIẾM ĐƯỢC.”
“Các con đang ngồi trên sàn nhà. Các con thấy không thoải mái, phải không? Các con có muốn bộ bàn ghế của mình không? Các con phải cố gắng để có được nó. Khi dõi theo người khác, khi vỗ tay, khi có thể hành động như một học sinh của KIPP, các con có thể có những bộ bàn ghế của mình.” Đôi mắt nâu sẫm của Ali lướt qua căn phòng, tìm kiếm sự kết nối. Lũ trẻ nhìn cô chằm chằm, lo lắng, hào hứng, và hoàn toàn được thức tỉnh. Đối với một kẻ ngoại đạo như tôi, mức độ kỷ luật ở đây còn hơn cả những quy định khắt khe nhất (đó là lý do tại sao những kẻ tự cho rằng mình thông minh hơn người tại những khu vực quanh đó gọi KIPP là Chương trình Trẻ em trong nhà tù ), nhưng kết quả thì đã rõ ràng: những đứa trẻ này có phản ứng đáp lại và sự gắn kết với KIPP.
“Các thầy cô sẽ dõi theo các con,” Ali tiếp tục. “Mọi thứ ở đây đều là bài kiểm tra. Mọi thứ ở đây đều phải nỗ lực mới có được. Các con đã thấy rõ ràng chưa?” Bọn trẻ gật đầu.
“Khi cô nói rõ ràng, các con hãy nói như pha lê nhé,” Ali nói. Cô nhìn khắp phòng, đôi mắt lấp lánh đầy hy vọng. Cô thử một lần nữa: “Các con đã thấy rõ ràng chưa?”
Một trăm bốn mươi giọng nói vang lên, “NHƯ PHA LÊ Ạ!” Nếu chúng ta phải phân loại những tín hiệu điều khiển căn bản mà những học sinh KIPP này nhận được trong những phút đầu tiên như đã kể trên, chúng sẽ được chia làm 3 nhóm như sau:
1. Bạn thuộc về một nhóm. 2. Nhóm của bạn đang cùng ở trong một thế giới mới xa lạ và nguy hiểm.
3. Thế giới mới đó tựa như một quả núi, với thiên đường là trường đại học ở trên đỉnh núi. Ba tín hiệu này có thể thật độc đáo. Nhưng thực tế, chúng giống hệt những tín hiệu căn bản mà bất kỳ cầu thủ bóng đá trẻ Brazil hay tay vợt Nga nào đều có thể đã nhận được, nếu thay từ đại học bằng các từ như trở thành Ronaldinho hay Kournikova. Không có được những hình mẫu đáng ngưỡng mộ diễn ra một cách tự nhiên nêu trên, nhưng KIPP đã làm nên những điều tốt đẹp nhất có thể. Nó tạo ra một São Paolo của riêng mình, một thế giới với vô vàn tín hiệu, liền mạch đến mức tạo ra những mô hình động lực và hành vi mới – một kiểu khẳng định phong cách Spielberg của KIPP về sự tính toán thời gian, tính liên tục và cốt truyện. Giống như Sân vận động Frank Curiel tại Curaçao, môi trường vật lý của KIPP tỏa ra những tín hiệu. Giống một đội quân của những Tom Swayer, giáo viên của KIPP phóng ra những tia lửa điện một cách nhanh chóng và rõ ràng. Như lối nói ưa thích của Feinberg, “Mọi việc sẽ đều tốt đẹp.” Nghe giống lời hát nhăng cuội của thể loại nhạc New Age, nhưng điều anh thực sự muốn nói chính là sự khẳng định của KIPP trong sự gắn kết với môi trường: cách mỗi yếu tố trong thế giới này, từ những đường thẳng được sơn trên sàn nhà đến ánh mắt của giáo viên, đến góc cầm cặp tài liệu của học sinh, đều gửi những tín hiệu rõ ràng, liên tục về sự sở hữu và bản sắc: bạn đang ở KIPP, bạn là một người của KIPP. Thay vì nói “sẵn sàng, chuẩn bị, hành động”, họ nhói “sẵn sàng, chuẩn bị, KIPP.” Mỗi học sinh gọi bạn cùng trường là “đồng đội.” Giáo viên tại KIPP thích nói về quá trình này kiểu nửa đùa nửa thật là “khoa học về KIPP.”
“Tôi vẫn nhớ khi đến thăm nơi đó,” Michael Mann, một giáo viên dạy về nghiên cứu xã hội nói. “Tôi nghĩ nó thật khắc nghiệt. Tôi nghĩ nó thật kỳ cục. Ý tôi là, ai quan tâm đến việc bọn trẻ cầm cặp tài liệu như thế nào cơ chứ? Nhưng tôi bắt đầu hiểu được rằng sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ chính là một phần quan trọng của việc khiến cho một con người thành công trên đường học vấn. Các quy tắc là phương pháp khiến bọn trẻ rèn luyện một cách chi tiết và chính xác – và đó không phải là điều mà học sinh có nhiều cơ hội được trải qua.” Các giáo viên của KIPP không đơn độc khi tin tưởng vào chiến lược này. Năm 2005, hai nhà tâm lý học là Martin Seligman và Angela Duckworth đã nghiên cứu một vài thông số trên 164 học sinh lớp 8, trong đó có chỉ số IQ, kèm theo 5 bài kiểm tra để đo lường kỷ luật tự giác. Kết quả cho thấy kỷ luật tự giác cho độ chính xác gấp đôi so với chỉ số IQ trong việc dự đoán điểm số trung bình của các học sinh.
“Mỗi năm [trong cuộc đời] cho đến lúc này, [các em học sinh] đã hành động theo những phương thức nhất định,” Feinberg nói. “Văn hóa là một lực có tác động vô cùng mạnh mẽ, và cách duy nhất để thay đổi bọn trẻ chính là thay đổi cách chúng nhìn nhận bản thân mình. Nó có vẻ dữ dội đối với những người đến tham quan trường, nhưng đó chính là cách mọi việc diễn ra.” Một trong những cách KIPP dùng để tạo ra sự thay đổi là thông qua một kỹ năng được gọi là ngừng trường học lại. Đây không phải là lối chơi chữ kỳ lạ. Khi một ai đó vi phạm quy định quan trọng, tiếng chuông báo hiệu tạm nghỉ vang lên trong các lớp học và các giáo viên cùng học sinh tổ chức một cuộc họp để xem chuyện gì vừa diễn ra và làm thế nào để sửa chữa.* Vài tuần trước khi tôi ghé thăm, trường học đã tạm ngừng bởi một học sinh lớp 6 trêu một học sinh khác, gọi cô bé là con voi. Một lần tạm ngừng khác trước đó diễn ra khi một học sinh tỏ ra không chú ý tới lời giáo viên. Đối với nhiều người, việc dừng cả một trường học khi một học sinh trêu chọc bạn khác hay tỏ ra không hứng thú với bài giảng là sự lãng phí thời gian quá lớn. Vậy mà nó lại có tác dụng. Giống như thiết bị tập luyện của Link, KIPP đã tạo ra một môi trường phù hợp cho việc rèn luyện tư cách đạo đức ở mức độ sâu. Dừng cả trường học vì việc không chú ý tới lời nói của giáo viên không phải là không hiệu quả; trái lại, KIPP thấy rằng đó là cách hiệu quả nhất để thiết lập nên những ưu tiên của toàn nhóm, xác định lỗi, và xây dựng những mạch điện liên quan đến hành vi ứng xử KIPP mong muốn.
Bạn có thể nói rằng tín hiệu quan trọng nhất của KIPP – một phiên bản khác của cú chạy home-run của Andruw Jones – là trường đại học. Hay theo cách nói không thể thay đổi tại KIPP là Đại học! Trường đại học là vị thánh tinh thần được cầu khẩn hàng trăm lần mỗi ngày, không khác quá nhiều so với một địa điểm linh thiêng hay một hình mẫu lý tưởng sinh động. Từng phòng học của bộ môn được đặt tên theo trường đại học mà giáo viên của phòng đó đã học: các phòng học toán là Berkeley; các môn khoa học xã hội là USC; giáo dục đặc biệt là Đại học Cornell. Các thầy cô giáo của KIPP được huấn luyện thành thạo để đề cập tới các trường đại học trong những cuộc trò chuyện với học sinh một cách tự nhiên, luôn luôn giả định rằng tất cả học sinh đã được sinh ra để đến với những bờ biển vàng đó. Khi tôi dự một giờ học xã hội, một học sinh nộp bài tập về nhà mà quên không ghi tên trên đó. “Các em có biết có bao nhiêu giấy tờ một giáo sư đại học nhận được không?” giáo viên hỏi đầy ngờ vực. “Các em nghĩ rằng ông ấy có thời gian để tìm xem bài nào là của em sao? Hãy nghĩ về điều đó.” Như giáo viên tiếng Anh, Leslie Eichler nói, “Chúng tôi nói trường đại học nhiều như mọi người ở những trường học khác nói ừm vậy.” Thậm chí dòng chữ trên gương treo trong phòng học cũng đặt câu hỏi, “BẠN sẽ đi học đại học ở đâu?” Học sinh của KIPP được đến thăm các trường đại học ngay khi các em bắt đầu vào học. Các học sinh lớp 5 của trường KIPP Heartwood đến các trường tại California như USC, Stanford và UCLA, trong khi các học sinh lớp 7 bay đến East Coast để thăm khuôn viên trường Yale, Columbia và Brown. Tại đây, các em gặp các cựu học sinh của KIPP, những người sẽ kể về hành trình vào đại học của chính họ.
“Ngay lúc này, trường đại học chỉ là một ý tưởng mơ hồ đối với các em,” sau đó, Ali có nói với tôi như vậy, ý muốn nhắc tới các học sinh lớp 5. “Nhưng đến cuối năm lớp 5, sau khi chúng được đến thăm trường đại học, chúng tôi thoáng nghe được bọn trẻ nói chuyện với nhau về chủ đề này, nói những điều đại loại như ‘Ừ, tớ thích Berkeley, nhưng tớ nghĩ tớ thích hợp nếu là sinh viên của Cal Poly hơn.’ Đó là lúc chúng tôi biết việc làm của mình đã có tác dụng.” “Khi bọn trẻ đến với KIPP, cuộc đời của các em giống như một dấu chấm nhỏ bé trên bản đồ. Bạn không thể làm gì với một đấu chấm,” Feinberg nói. “Nhưng khi chúng ta nối dấu chấm này với dấu chấm kia, tới một trường đại học ở một nơi nào đó thì bạn đã có được sự kết nối. Khi quay trở lại từ những hành trình đó, bọn trẻ đã nhận thức về bản thân hoàn toàn khác.”
Ý tưởng đơn giản nhưng đầy sức mạnh này đã được hiện thực hóa trong lớp học toán của Lolita Jackson. Jackson là một phụ nữ nhỏ bé gần 60 tuổi với đôi khuyên tai rất lớn; từ bà tỏa ra kỷ luật thép và lòng nhiệt tình. Bà đã dành 20 năm đầu của sự nghiệp dạy học trong hệ thống trường công lập tại địa phương và ngày càng thất vọng trước sự hạn chế của nó. Khi KIPP Heartwood được thành lập, bà tham gia và nhanh chóng trở thành một trong những giáo viên có năng lực nhất, đồng thời giữ vai trò trợ lý cho hiệu trưởng. Ali đánh giá kỹ năng của Jackson gần như là phép màu. (“Bà Jackson làm được những việc mà không ai có thể làm được,” Ali nói đơn giản như vậy). Ví dụ, mỗi năm, khi tuần lễ định hướng kết thúc, Jackson bắt đầu buổi học toán đầu tiên của mình bằng cách tắt đèn và yêu cầu học sinh nhắm mắt lại. Bà bật một bản nhạc trong phim Chiến tranh giữa các vì sao. Khi tiếng nhạc khải hoàn nổi lên, Jackson đi quanh phòng học như thể bà là vị thuyền trưởng trên một chiến hạm trước khi xung trận. “Các em đã lên boong tàu, phải không những học sinh KIPP?” bà hỏi. “Các em đã sẵn sàng chưa? Các em đã ngồi nghiêm chỉnh và thắt dây an toàn chưa? Vì sẽ là một chuyến đi gập ghềnh đấy. Sẽ rất khó khăn và vất vả, nhưng cũng sẽ rất vĩ đại bởi chúng ta sẽ học và làm toán, rồi tiến vào trường đại học!”
Bọn trẻ ngồi im lặng, tiếng nhạc vẫn bao trùm lấy tâm trí chúng. “Trường đại học,” Jackson lặp lại, như thưởng thức cụm từ này. “Các em có muốn biết sự khác biệt giữa một cuộc sống sung sướng và cuộc sống vất vả không? Các em có muốn biết sự khác nhau giữa có kiến thức và sức mạnh để có được những gì mình muốn và không có những kiến thức đó không? Hãy cài chặt dây an toàn vào vì đó chính là nơi chúng ta sẽ đi tới, bắt đầu ngay bây giờ.”
Giống như Spartak, Meadowmount và những trung tâm đào tạo tài năng khác, KIPP Heartwood là một pháo đài của tập luyện sâu. Jackson và những đồng nghiệp của bà không ngừng nhắc nhở học sinh của KIPP rằng bộ não của chúng là những cơ bắp: bọn trẻ càng rèn luyện nhiều, chúng càng trở nên thông minh hơn – và có vô vàn thứ cần được rèn luyện. Tiêu chuẩn là hai giờ làm bài tập mỗi tối; số phép tính thì lên tới hàng trăm; ban ngày là những giờ làm bài tập căng thẳng, yên lặng. Feinberg đã nói, “Những phương pháp nhẹ nhàng hơn có thể hiệu quả tại những trường khác, nhưng quả thật, chúng tôi không thể lãng phí một giây phút nào, chứ chưa nói đến việc giảm bớt số ngày hay tuần. Học sinh của chúng tôi có xuất phát điểm thấp hơn; chúng tôi cần tăng tốc cho bọn trẻ tiến bước. Giống như đầu hiệp 2 của một trận thi đấu bóng đá, chúng tôi đã thua một bàn rồi; vì thế chúng tôi phải nỗ lực để lấn sang sân của đối phương và ghi điểm, ngay bây giờ.” Và những lần ghi điểm như thế đang diễn ra: năm 2007, học sinh của trường KIPP tại Heartwood đã được xếp loại trong top 3% các trường công lập tại California, dựa trên kết quả chương trình Kiểm tra và Báo cáo tiêu chuẩn hóa của bang. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất không nằm ở chỗ học sinh tại KIPP đã phải học tập vất vả như thế nào mà ở chỗ bọn trẻ đã khoác lên mình cá tính của KIPP một cách nhanh chóng và tuyệt đối như thế nào. Đây cũng chính là nguồn cung cấp năng lượng cho quá trình học tập chăm chỉ của chúng. Trong tất cả những lần đến đây, tôi đã được các em học sinh hỏi thăm về công việc tôi đang làm, liệu có việc gì mà các em có thể làm cho tôi, và tất nhiên tôi đã học ở trường đại học nào ra. Một số em tỏ ra như đang diễn theo một kịch bản (cái bắt tay mạnh quá mức cần thiết, những cái gật đầu đồng ý hơi quá nhiệt tình, mức độ lịch sự như kiểu Nhật Bản), nhưng ẩn dưới sự khéo léo tài tình đó là nỗ lực chân thành của những con người đang cố gắng vươn tới một tính cách mới.
“Cháu rất thích ở đây,” Daniel Magana, một học sinh lớp 6 đầu tóc húi cua, nói. “Không có sự đối xử đặc biệt cho bất kỳ ai. Ở trường cũ, người ta để cho cháu trượt dốc. Cháu có thể làm 5 trong số 10 việc mà chẳng ai quan tâm cả. Ở đây, cháu được làm đủ cả 10 việc.” Cha của Daniel là một công nhân xây dựng. Cậu bé được dự định là thành viên đầu tiên trong gia đình được đi học đại học. Nhưng cậu vẫn chưa chắc là sẽ học ở trường nào và đang cân nhắc hệ thống giáo dục đại học của bang California – rẻ hơn rất nhiều, bạn biết đấy – và cậu cần một trường tương đối lớn có đủ các chuyên ngành mà cậu yêu thích là phẫu thuật lazer và viết văn sáng tạo. Do đó cậu cũng có nghĩ đến trường Berkeley. “Nhưng điều đó có thể thay đổi,” cậu nói với vẻ già dặn. “Chúng ta sẽ chờ xem.”
Khi tôi yêu cầu Daniel kể về mình trước khi học tập tại KIPP, cậu nhìn xuống sàn nhà đầy vẻ nghiêm trọng, như thể đang săm soi một di chỉ khảo cổ. Cuối cùng, Daniel nói, “Rất khác. Cháu nghĩ cháu không thật sự thích trường học cũ. Nó thật nhàm chán. Ở trường cũ, cháu chỉ dùng 25% bộ não của mình, nhưng ở đây, cháu dùng hết 100%.” Tuy nhiên, nhà sử học cổ đại không duy trì sự hứng thú này lâu và Daniel nhanh chóng hướng tới những đối tượng mới, hỏi về tuổi của bọn trẻ nhà tôi và giới thiệu những cuốn sách mà chúng nên đọc. Cậu bé hỏi về chuyến đi của tôi rồi kiểm tra đồng hồ, nói xin lỗi, rất vui vì đã được nói chuyện với tôi nhưng cậu phải đến lớp học tiếng Anh (bắt tay, chào tạm biệt), và để lại tôi đứng đó với một câu hỏi trong đầu: Thật ra thì đứa trẻ này là ai? Bao nhiêu phần trong Daniel là Daniel, bao nhiêu phần là kết quả của thời gian tại KIPP?
Không thể biết Daniel Magana có là một đứa trẻ tham vọng, cẩn thận và thành công hay không nếu cậu bé không đến học tại KIPP. Có thể cậu cũng sẽ là một con người như vậy; hoặc có thể, ngay sau khi tốt nghiệp KIPP, cậu sẽ trở lại với con người cũ trước đó. Nhưng khi nhìn Daniel biến mất vào trong đám đông, tôi đã bị chinh phục hoàn toàn trước cách KIPP cảnh báo quan điểm mang tính bản năng của chúng ta về cá tính. Thông thường, chúng ta nghĩ cá tính thật sâu sắc và không thể thay đổi, một đặc điểm của phẩm chất mang tính bẩm sinh, tự phát tiết ra ngoài, thể hiện thông qua cách cư xử. KIPP cho thấy cá tính giống một kỹ năng hơn – có thể được kích hoạt bởi những tín hiệu nhất định và được trau dồi nhờ quá trình tập luyện sâu. Nếu nhìn nhận theo cách này, KIPP đang hoạt động trên nền tảng của myelin. Mỗi khi một học sinh của KIPP hình dung ra mình đang học đại học, một nguồn năng lượng dồi dào được tạo ra, không hề khác với năng lượng sinh ra tại Hàn Quốc khi các nữ gôngôn thủ tưởng tượng mình là Se Ri Pak. Mỗi lần một học sinh của KIPP buộc mình tuân theo một quy tắc tỉ mỉ, một mạch điện lại được kích hoạt, được bọc lớp cách điện myelin và trở nên mạnh mẽ hơn. (Nói cho cùng, kiểm soát xung điện cũng là một mạch điện như bao mạch điện khác.) Mỗi lần cả trường nghe tiếng chuông báo tạm nghỉ để sửa chữa một lỗi cư xử, chắc chắn các kỹ năng được xây dựng nên giống hệt khi Clarrisa bắt đầu tạm dừng khi tập bản “Đám cưới vàng.” Không ngạc nhiên khi Daniel Magana là một người đàn ông trẻ lịch sự, cư xử đúng mực đến vậy – cậu bé đã được kích hoạt để tập luyện sâu những phẩm chất đó.
“Việc chúng tôi làm ở đây giống như bật một công tắc điện,” Ali nói. “Tất cả đã được cân nhắc hết sức kỹ càng. Không có gì là ngẫu nhiên; không có gì là tình cờ ở đây hết. Bạn phải đứng ngay đằng sau những gì mình làm để đảm bảo rằng từng chi tiết nhỏ nhất được thực hiện theo cùng một cách thức. Khi đó, tất cả sẽ khớp với nhau. Bọn trẻ hiểu được điều này, và khi công việc bắt đầu, những phần còn lại cũng được gắn kết. Giống như sự lây lan vậy.” Phần III: Cách huấn luyện bậc thầy.