Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.

Woody Allen

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 16
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8289 / 16
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9 -
huông điện thoại reo, ông Thắng nhấc máy, giọng bà Giao vang lên:
- Anh đi Vĩnh Long về hồi nào?
Ông Thắng đáp:
- Hôm qua. Định gọi điện cho em, nhưng thấy không tiện lắm, nên thôi.
- Em đang ngồi quán August. Anh có thể ghé qua không?
- Được. Em chờ đi. Mười phút nữa anh sẽ tới.
Sang phòng Hoài, ông dặn dò công việc xong dắt xe ra. Ông biết bà Giao đang nôn nóng gặp ông. Thế mới biết người ta càng lớn càng bị quá khứ khuấy động, muốn quên nhưng chắc gì đã quên được những cái gọi là dĩ vãng.
Tới quán ông đã thấy bà Giao ngồi với vẻ bồn chồn.
Ngồi xuống đối diện với bà, ông Thắng cười:
- Lam` gì em căng thẳng dữ vậy?
Bà Giao gượng gạo:
- Đâu có.
Gọi cà phê cho mình xong, ông Thắng nói:
- Xem như mồ mã ông bà đã làm lại xong hết rồi, phận con cháu mình tạm yên thân.
Bà Giao trầm tư:
- Em mừng vì đã thực hiện được ước muốn bao nhiêu năm của mình.
Ông Thắng bảo:
- Anh có chụp hình mả ông bà nội, mả ba má em và ba má anh. Rửa xong, anh sẽ đưa em xem. Mình xa xứ lâu quá, khi trở về thấy chỗ nào cũng lạ.
Bà Giao thở dài:
- Cũng hơn hai mươi năm rồi còn gì. Với em khác nào một đi không trở lại.
- Giờ em trở lại cũng có sao đâu, ở Long Hồ hay Vĩnh Long cũng chẳng còn người quen.
Bà Giao nhíu mày:
- Anh nói vậy là sao?
Ông Thắng đáp:
- Anh có tới tìm địa chỉ em cho ở Vĩnh Long. Hỏi mãi mới ra nhà, vì đó là địa chỉ củ, tên đường phố, số nhà đổi lâu rồi.
Bà Giao liếm môi:
- Rồi anh gặp ai?
- Không gặp ai cả. Người ta cho biết căn nhà đã đổi chủ nhiều năm.
Bà Giao nhìn ông trân trối:
- Họ đi đâu? Anh có hỏi hộ em không?
Ông Thắng nhấp một ngụm cà phê:
- Anh hỏi hàng xóm chớ người chủ mới bảo là không biết.
Bà Giao hấp tấp:
- Họ nói sao?
Ông Thắng chép miêng:
- Cũng không rõ lắm. Người nói cả nhà lên Sài Gòn, người bảo cả gia đình được thân nhân bảo lãng sang Mỹ. Có lẽ họ sang Mỹ rồi.
- Gia đình gồm những ai? Anh biết không?
- Hình như một bà cụ, vợ chồng người con trai út và hai cô con gái.
Thấy bà Giao ngồi thừ ra, ông Thắng hạ giọng:
- Nói thật anh mừng nếu họ đã sang Mỹ.
Bà Giao im lặng, một lát sau, bà nói như rên:
- Thế là em không bao giờ biết được tin tức của Quỳnh Như.
Ông Thắng nhún vai:
- Đã hơn hai mươi năm, tất cả đã quá muộn. Em không nhận ra điều đó sao? Chẳng lẽ nếu biết được tin tức của Quỳnh Như, em sẽ thăm hỏi và tự giới thiệu mình có quan hệ gì với nó? Em có nghĩ tới địa vị hiện tại của mìnn không? Em đã đánh đổI bao nhiêu thứ để có được nó?
Bà Giao chợt đanh giọng:
- Em chỉ muốn biết tin tức của Quỳnh Như. Chớ nếu nó có xuất hiện trước mặt em cũng không nhìn. Em không muốn cuộc sống hiện tại bị đảo lộn.
Ông Thắng vỗ nhẹ lên tay bà:
- Biết nghĩ thế là tốt. Ngày xưa, anh em mình quá nghèo, nghèo đến mức mình phải chấp nhận đánh đổi hạnh phúc để có được cuộc sống khá hơn. Bây giờ anh luôn sợ hãi khi nghĩ vì lý do nào đấy mình phải trở lại cuộc sống thiếu thốn hồi đó.
Bà Giao chợt rùng mình:
- Em cũng sợ... Dầu sao anh cũng có con. Em thì không. Về già em sẽ nương tựa vào ai khi thằng Dy lúc nào cũng ngầm chống đối em?
Ông Thắng có vẽ ngạo nghễ:
- Không phải lo chuyện đó. Nên nhớ, nó sẽ là con rễ anh. Anh thừa sức dạy dỗ một chú ngựa non như nó.
Bà Giao nói:
- Sau vụ chị Sương đánh ghen, Dy rất giận vì kéo vào chuyện đàn bà. Em thấy tình cảm nó dành cho Thảo Hương có nhợt nhạt.
Ông Thắng ngượng khi nghe nhắc tới vợ:
- Anh căm mụ sư tử nhà anh quá sức. Chỉ toàn làm mất mặt chồng. Đã vậy, còn lôi thằng Dy vào cho thêm xấu hổ.
- Đàn bà ai lại không ghen. Cũng tội chị Sương, chị ấy lớn tuổI hơn anh nên ghen là phải. Mà em chưa hỏi, "Người đẹp" nào khiến bà Sương nổi cơn tam bành vậy?
- Mối tình đầu của anh đấy.
Bà Giao bật cười:
- Mối tình đầu nào? Sao em không biết kìa.
Ông Thắng cũng cười theo:
- Hồi đó nhà nghèo quá, chỉ yêu thâm nên có dám kể với ai đâu.
- Bây giờ kể cũng chả muộn.
Ông Thắng trầm giọng:
- Năm cấp ba anh từ Long Hồ ra Vĩng Long học, anh có để ý Tuyết Ngân, nhưng người ta đâu thèm nhìn tới anh. Sau này anh dạt lên Sài Gòn thế là bặt tin luôn. Mới đâu không lâu, Kim Em có nhắc tới Tuyết Ngân ngày xưa rồi... bắt cầu cho anh gặp lại. Dù có chồn có con, lớn bằng Thảo Hương nhà anh nhưng cô ấy vẫn còn đẹp. Gặp lại, bao nhiêu tình cảm dồn nén từ xưa bỗng trào dâng, anh không thể ngăn lòng mình để không nghĩ tới Ngân.
- Anh còn lãng mạng quá nhỉ!
Ông Thắng thở dài:
- Thú thật, anh rất muốn có được cô ta.
Bà Giao giẫy nẫy:
- Trời đất! Anh tính đùa với lửa chắc. Muốn gì không muốn lại muốn vợ người khác. Tan nhà nát cửa, tán gia bại sản đấy.
- Đó chỉ là ước mơ thôi, nếu mà có được Tuyết Ngân thật, chắc chắn anh sẽ chán ngay.
Bà Giao lắc đầu:
- Đàn ông các anh thật đáng sợ.
Ông Thắng tủm tỉm cười:
- Anh đùa vậy mà.
Rồi ông nghiêm mặt:
- Bộ thằng Dy có ý định lập công ty riêng à?
Bà Giao nhếch mép:
- Em nghe bà nội nó.. rao lên như thế. Còn hư thật thế nào, em không biết, vì nó kín như bưng.
Ông Thắng khinh khỉnh:
- Thằng nhãi ấy phải cỡ anh mới trị được, còn lão Chánh thì thương con quá rồi gì cũng chiều, đâm ra nó tự cao tưởng mình là thiên tử. Hừ! Ba nó lấy đâu ra tiền cho nó lập công ty chứ.
Bà Giao nói:
- Nếu cần bà nội nó cho. Bà già ấy giàu lắm đấy. Dạo này bả đâm ra trở chứng muốn nhận con nhỏ bá vơ nào đó làm cháu nuôi.
Ông Thắng nhún vai:
- Thì cứ để bà cụ nhận, nếu điều đó làm bà ta vui, không mặt nặng, mặt nhẹ với em.
- Chỉ sợ "Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà". Mà em không chút cảm tình với con nhỏ đó.
- Sao thế?
Bà Giao ngập ngừng:
- Chẳng hiểu sao nhìn nó, em cứ liên tưởng tới một điều gì đó như là tai ương, nghiệp chướng chẳng hẹn sẽ đến với em.
Ông Thắng xua tay:
- Ối dào! Đàn bà các cô đúng là đồng bóng. Ở không quá rồi suy nghĩ vớ vẫn.
Nhìn đồng hồ,ông Thắng nói:
- Anh phải đi thôi. Dạo này công việc bận rộn lắm.
- Em có nghe ông Chánh than gì đâu.
- Anh khác, lão ta khác. Thôi, anh đi đây.
Còn lại một mình bà Giao như chìm trong cõi riêng của quá khứ, một quá khứ bí mật của bà mà chồng và gia đình chồng không hề biết. Cái quá khứ ấy đã xa lắm rồi, bà cứ tưởng quên được nó là vui sống với cuộc sống đầy đủ, an nhàn hiện nay,nhưng không phải như thế. Vật chất càng thừa thải bao nhiêu thì tâm hồn bà càng nghèo nàn, xơ cứng bấy nhiêu. Đã rất nhiều đêm dài thao thức, mắt trừng nhìn trong bóng tối, bà tự hỏi mình là người hạnh phúc hay là một kẻ bất hạnh? Bà đã đánh đổi nhiều thứ để lấy tiền tài danh vọng. Đang là Tổng giám đốc phu nhân đầy địa vị, bà còn muốn gì nếu than rằng mình là kẻ bất hạnh chứ?
Bất giác bà nhếch môi chua chát. Dĩ vãng là những bóng mây đen tôi, rồi một ngày kia nó sẽ là cơn bão lớn ập vào đời bà. Bỗng dưng bà sợ hãi khi nghĩ ngày ấy sắp tới.
Trả tiền cà phê, leo lên chiếc taxi chờ khách gần quán, bà về nhà. Ngôi nhà mà bà tin bất cứ ai thấy cũng thèm muốn. Nhưng chính lúc này đây khi sống trong ngôi nhà ấy, bà lại nhớ da diết cái chòi lá xác xơ của gia đình bà xưa kia. Hồi đó, sao mà nghèo đến thế. Bà rùng mình như đang bị những cơn giông tạt vào mặt.Bà lớn lên giữa muôn bề thiếu thốn. Ba má bà dù nghèo vẫn cố cho con ăn học, nhưng bà luôn sống trong mặc cảm thua kém chi, để rồi năm mười bảy tuổI, bà ưng người đàn ông đó đơn giản vì nghĩ anh ta sẽ đưa ba rời xa ngôi nhà rách nát ấy mà không cần cưới hỏi. Đúng là sau đó, ông ta đã đưa bà về quê mình ở tận Vĩnh Long. Nhưng cuộc đời đâu như bà tưởng... cũng vì cuộc sống ông ta bỏ bà ở lại với mẹ chồng để ra nước ngoài...
Thấy chiếc taxi sắp chạy lố nhà qua nhà mình, bà Giao hấp tấp bảo ngừng. Trả tiền xe, bà bấm chuông, chờ một chút bà Út mới ra mở cửa.
Bà Út nói:
- Nghe chuông gọi của bà cụ nghĩ là cô Vân Sam tới không hà.
Bà Giao lừ mắt:
- Nó có tới chị cũng bảo không. Tôi đã dặn mấy lần rồi, sao bây giờ chị còn nói thế?
Bà Út ngờ mặt ra:
- Nhưng cô Sam đâu có tới.
Bà Giao nhếch môi:
- Xem ra mặt nó cũng chưa dày như tôi tưởng. Hãy nhớ, nó tới chị phải đuổi về.
Vào tới phòng khách, bà Giao thấy bà Vãng ngồi chễm chệ trên tràng kỹ. Mặt bà xụ xuống khi bà Giao chào.
Quay mặt ngó chỗ khác, bà lầu bầu:
- Sao mà chán thế cơ chứ?
Dù thừa biết bà Vãng muốn nói gì, bà Giao vẫn ngọt ngào:
- Thưa... chuyện gì làm má chán vậy?
Bà Vãng không trả lời mà gọi to:
- Út! Út à!
Vừa vào tới bếp, bà Út vội trở ra. Bà Vãng cao giọng:
- Chuẩn bị đi với tôi.
Bà Út rụt rè:
- Dạ đi đâu ạ.
Bà Vãng cau có:
- Đi chơi.
Bà Giao vội vàng lên tiếng:
- Để con đi với má chới chị Út bận nấu cơm.
Bà Vãng hất mặt lên:
- Chị đi theo để canh chừng tôi hả? Hừ! Tôi muốn đi với con Út. Nghe chưa?
Bà Giao nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết:
- Anh Chánh dặn con phải chăm sóc má, con không dám để má đi một mình.
Bà Vãng chưa kịp phải ứng thì có tiếng ken` xe ngoài cổng.
Bà Út kêu lên:
- Cậu Dy về.
Rồi te tái chạy ra mở cửa. Bà Vãng dịu xuống:
- Tôi sẽ đi với thằng Dy.
Bà Giao mỉm cười:
- Con không cản nếu nó đồng ý đi với má.
Dy huýt gió liên hồi dù đã vào tới phòng khách. Anh có vẻ ngạc nhiên khi thấy cả hai người đang nhìn mình.
- Có chuyện gì thế ạ?
Bà Giao mỉa mai:
- Chuyện thường ngày ấy mà.
Dứt lời, bà ngoe nguẩy về phòng mình. Bà Vãng căm ghét nhìn theo:
- Đồ chết bầm!
Dy chắt lưỡi:
- Cứ như thế mãi rồi trách con sao không chịu lấy vợ. Thú thật, trên đe dưới búa, con hỏng dám yêu luôn chớ đừng nói tới chuyện vợ con.
Bà Vãng giận:
- Hữ! Mày làm như nội độc ác lắm không bằng.
Dy so vai:
- Con đâu dám nói thế.
Rồi anh lãng đi bằng cách pha trò:
- Sao... lão phật gia không được vui vậy?
Bà Vãng than thở:
- Suốt ngày một mình trong ngôi nhà thênh thang vắng ngắt, nội không biết mình sống để làm chi nữa.
Dy hấp háy mắt:
- Nội sắp nhắc nhỏ Vân Sam nữa rồi.
Bà Vãng gật đầu:
- Ờ. Nó hẹn cuối tháng sẽ ghé thăm nội, nhưng bũa nay lố quá mười tây rồi, có thấy con nhỏ đâu. Bây giờ làm sao tìm nó cho nội đây?
Dy ganh tỵ:
- Con là cháu đích tôn của nội hay con nhỏ đó? Sao nội nhắc nó hoài vậy? Nhỏ thấy ghét!
Bà Vãng bật cười:
- Đàn ông con trai gì đi cà nanh với con gái. Mắc cỡ quá đi mày ơi.
Dy reo lên:
- Thấy chưa! Con cũng làm nội vui được vậy.
- Bộ lúc nào con cũng ở nhà với nội sao?
Dy đưa tay lên đầu:
- Rồi... rồi. Con sẽ đi tìm Vân Sam cho nội.
- Tìm bằng cách nào?
Dy ậm ự:
- Lão... phật gia đã ra lệnh,nhi thần phải có cách thôi. Nhưng để nhi thần tắm táp, cơm nước cái đã.
Chui vào phòng tắm, Dy suy nghĩ lan man. Vân Sam rõ ràng không mặn mà lắm chuyện tới thăm bà nội anh. Cứ làm phiền con bé hoài cũng kỳ. Kỳ nhất là màn làm đàn ông, phải hạ mình năn nỉ. Xem ra cô nàng cũng... chảnh gớm!
Sau lần Sam đến thăm bà nội, Dy có gọi điện cho con bé, nhưng lần nào người bắt máy cũng là Vân Ảnh.
Nhỏ em của Vân Sam đúng là chanh chua và cô nàng hóa ra chính là "Người trong..ác mộng" của Trầm. Trái đất này sao mà bé đến thế! Dy đã dặn lòng đừng để lập lại chuyện "Hai thằng bạn thân cùng... mết hai chị em ruột". Thế nhưng rò ràng Dy và Vân Sam vẫn còn mắc nợ nhau. Anh lại phải đi tìm con nhỏ cho bà nội vui lòng.
Cái cớ nghe thật đáng khen vì hiếu thảo, và Dy... thích được khen hiếu thảo mới kỳ.
Đứng thật lâu dưới vòi sen, Dy nghĩ cách gặp Sam. Không hiểu con nhỏ.. phịa gì với Vân Ảnh mà lần nào Dy gọi điện nó cũng đều nhọn mỏ bảo anh "Để dành hơi thổi lửa nuôi vợ đẻ, đừng làm phiền chị tui nữa "
Ác thật! Dy tủm tỉm cười một mình.
Ăn cơm xong, Dy dắt xe đi. Ghé chỗ bán trái cây quen, anh mua một giỏ ba bốn thứ bơm, nho, lê, hồng... được bày xếp thật đẹp với nơ hồng, nơ đỏ chạy tới nhà Vân Sam.
Người mở cái cổng gỗ xinh xinh là Vân Ảnh. Nhìn con bé, Dy chợt nhớ thái độ hung hăng như gà chọi của nó hôm ở nhà hàng Hoàng Hồng.
Vân Ảnh ngó Dy chăm chú. May sao nó không nhận ra Dy từng cùng phe... kẻ thù của mẹ nó.
Hất mặt lên, Ảnh hỏi trỏng:
- Kiếm chị Hai... phỏng?
Dy cười cầu tài:
- Đúng vậy! Vào nói với Vân Sam có anh Dy tới thăm.
Tay chống ngang hông, Ảnh kênh kênh:
- Chị tui khoẻ re chớ có bệnh hoạn gì mà thăm. Giỏi kiếm chuyện! Con ông khóc òe ọe lòi cả rốn ở nhà kìa.
Dy cười như mếu:
- Trời ơi! Vân Sam đùa mà em cũng tin sao Ảnh?
Vân Ảnh hất hàm:
- Ê! Ai cho phép gọi tên tui một cách thân mật vậy?
Dy không biết nói sao cho qua giọng điệu chua ngoa của Vân Ảnh. Anh đang giậm chân tại chỗ thì may sao Vân Sam bước ra.
Mặt cô tái xanh khi gặp anh. Vân Ảnh cười cười:
- Hên cho anh đó.
Đợi con nhỏ khuất sau cửa phòng khách, Vân Sam mới kêu lên:
- Trời ơi! Sao anh dám tới đây?
Dy từ tốn:
- Sam thừa biết tại sao rồi còn gì.
Sam nhăn nhó:
- Tôi không thể tới thăm nội anh được.
Dy nheo nheo mắt:
- Nhưng tôi tới thăm Sam chắc không có vấn đề gì chứ?
Vân Sam ngần ngừ:
- Mẹ tôi và nhỏ Ảnh sẽ nhận ra anh đó.
- Ăn thua gì. Tôi phải có cách biện minh cho mình chứ. Sam nè! Lẽ nào em để tôi đứng gác cửa nhà em như vầy.
Vân Sam đẩy rộng cánh cổng ra:
- Vào đi! Nhưng chỉ tới... ghế đá thôi đấy. Tôi không muốn mẹ tôi gặp anh.
Dy chép miệng:
- Tất cả vì chữ hiếu. Tôi chấp nhận thua thiệt.
Đặt giỏ trái cây lên ghế, anh nói:
- Bà tôi gởi cho Sam.
Vân Sam thở dài, cô hạ giọng:
- Anh có biết rằng tôi rất khó xử không?
Dy dịu dàng:
- Tại sao? Em cứ nói đi.
Sam đan hai tay vào nhau:
- Hôm tới thăm bà cụ, tôi có gặp cô Giao, nội anh giới thiệu đó là con dâu.
Dy vội nói:
- Cô ấy làvợ sau của ba tôi.
- Tôi cũng nghĩ vậy. Chính cô Giao bảo tôi không cần thiết phải tới thăm bà cụ nữa.
Dy thảng thốt:
- Thật vậy sao?
Vân Sam nhếch môi:
- Cô Giao rất ít lời, nhưng câu nào cũng có trọng lượng và trọng lực dễ chạm tự ái người khác.
Dy bứt rứt:
- Tôi hiểu. Thì ra là thế. Tôi thành thật xin lỗi em.
- Anh có lỗi gì cơ chứ.
- Lỗi dã đẻ em bị xúc phạm. Hừ! Bà ta thật ác khi cố tình dập tắt niềm vui,niềm hy vọng rất đơn giản của bà nội.
Vân Sam ái ngại:
- Tôi không rõ nội bộ gia đình anh có rối rắm gì. Nhưng tôi thật rất tiếc...
Dy buồn bã:
- Nội tôi trông em từng ngày. Đi ra đi vào, nghe chuông gọi cửa là nhắc tới em ngay. Tôi hứa sẽ bằng mọi cách tìm ra em cho bà. Nhưng giờ thì khó mà mở miệng.
Vân Sam tò mò:
- Hình như bà nội và cô Giao không hợp nhau?
Dy gật đầu:
- Đúng vậy, nhưng Sam tới chơi với nội đâu ảnh hưởng gì đến cô Giao. Tôi không chịu nổi thói nhỏ mọn, ích kỷ đó.
Vân Sam nhỏ nhẹ:
- Cũng đừng nên trách tội cô Giao. Cô ấy có lý riêng khi yêu cầu tôi như vậy.
Dy cười khẩy chới không nói gì, nhưng nhìn thái độ của anh, Sam biết Dy rất bực bội.
Anh chép miệng:
- Giờ tôi đã hiểu tại sao Sam luôn tránh nhận điện thoại của tôi rồi. Mà em đã nói với Vân Ảnh thế nào về "Anh đặc biệt" để nghe giọng tôi là con bé cứ bảo là dành hơi để thổi lửa nuôi vợ đẻ, nào là con khóc oe oe lòi cả rốn.
Vân Sam bật cười ròn rã. Nụ cười tự nhiên của cô khiến Dy ngẩn ngơ nhìn rồi anh cười theo.
Sam nói:
- Con bé đùa ấy mà!
- Đùa kiểu này chắc tôi ế mất. Vân Ảnh đúng là độc đáo.
Vân Sam lại tủm tỉm:
- Tất cả tại tôi. Tôi đã bảo với nó anh làm chung công ty vì bận nuôi vợ đẻ nên cứ điện thoại tìm tôi để nhờ gánh bớt việc, rồi còn mượn tiền nữa chớ.
Dy gãi ót:
- Ối trời! Tôi tệ dữ vậy sao?
Sam thản nhiên:
- Chậc! Thử có vợ con xem, biết đâu anh còn tệ hơn.
Dy bỗng đổi giọng... tâm sự:
- Nội tôi cũng... hối chuyện vợ con hoắt ấy chứ. Nhưng thấy hai người phụ nữ trong nhà tôi sợ quá, rồi khi nghĩ nếu xuất hiện nhân vật thứ ba.
Vân Sam dài giọng:
- Nghe anh than, tội nghiệp ghê. Muốn được thương, tôi nghĩ anh nên chọn vợ theo ý bà nội.
Dy chỉ vào ngực mình:
- Chọn vợ cho tôi mà phải theo ý bà nội. Chuyện đó chắc khó.
Nhìn Sam một cái, Dy nói tiếp:
- Nội thường thích những người tôi ghét.
Sam chớp mắt:
- Ra là vậy! Cám ơn Chúa! Nhưng tại sao anh lại ghét?
Dy lấp lững:
- Chắc chắn Sam biết. Hỏi đố tôi làm gì.
Vân Sam kêu lên:
- Làm sao tôi biết được cơ chứ.
- Muốn biết em cứ hỏi bà nội. Nếu gặp em, bà sẽ nói đủ điều về tôi.
Sam bĩu môi:
- Xì! Anh có phải siêu sao đâu mà người ta phải nghe chuyện đời anh. Đừng hòng dụ khị.
Dy buột miệng:
- Nói chuyện với em vui thật.
- Chớ không phải rất dễ ghét sao?
- Tôi có nói Vân Sam dễ ghét à?
Sam liếc Dy:
- Mồm mép!
Dy xoa cằm:
- Không biết Sam khen hay chê ấy nhỉ?
Sam khịt mũi:
- Anh nghĩ sao cũng được.
Dy hớn hở:
- Vậy là em khen rồi. Nội cũng hay khen tôi như thế. Ý em giống ý bà, thảo nào bà rất quí em. Dạo này bà có thói quen mới là hay nhắc đến Vân Sam. Bà cứ nhắc mài, khiến tôi tủi thân hết sức.
Vân Sam nói:
- Tôi không giành bà của anh đâu mà lo.
Dy tha thiết:
- Trái lại, tôi xin Sam hãy làm điều đó. Chả lẽ Sam không biết câu "Mẹ già như chuối chín cây" sao? Nội tôi già hơn mẹ già nhiều lần, bởi vậy để làm cho bà nội vui, tôi không ngại gì cả.
Vân Sam có vẻ bị thuyết phục bởi Dy:
- Lỗi đâu phải ở tôi. Anh thừa biết tôi rất quí bà, nhiều lúc tôi định ghé thăm, nhưng nghĩ xa nghĩ gần đành thôi.
Dy nhấn mạnh:
- Nếu tôi biết cô Giao đã cố tình ngăn cả em bằng lời nói thì mọi việc chắc chắn sẽ khác.
Im lặng một lác, Dy đề nghị:
- Ngày mai hết giờ lam` việc tôi sẽ đón Sam tới thăm bà. Em đừng từ chối nhé.
Vân Sam nói:
- Anh đã tới đây, đã nói những lời như vậy, tôi có thể từ chối sao.
Dy cười thật tươi:
- Rất cám ơn em.
Sam đắn đo:
- Chắc tôi phải kiếm lý do nào đó để lý giải cho sự thất hẹn của mình vừa rồi.
Dy mau mắn:
- Cứ bảo là đi công tác.
Sam gật đầu:
- Ừ, thì đi công tác.
Rồi hai người cùng cười. Tự dưng Dy thấy như mình đã thân thiết với Vân Sam từ đời kiếp nào.
Trong thâm tâm anh chợt nghĩ tới Trầm. Nếu một lần nữa hai thằng bạn thân cùng yêu hai chị em ruột cũng đâu có sao.
Lòng Son Vẫn Trọn Lòng Son Vẫn Trọn - Trần Thị Bảo Châu