A book must be an ice-axe to break the seas frozen inside our soul.

Franz Kafka

 
 
 
 
 
Tác giả: Marcel Bigeard
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 41
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8: Sở Chỉ Huy Chiềng Đông
hiệm vụ của tôi là lập lại trật tự trong cái xứ sở mà tôi biết rất rõ này qua việc tiêu diệt các đơn vị quân Việt đến từ phía sông Hồng và nhằm tấn công vào khu vực Sơn La. Tôi đứng đầu các đồn bốt hiện có, các đại đội dân binh người Thái, tổng cộng hơn một ngàn người. Nhưng tôi vẫn thuộc về đại đội độc lập của tiểu đoàn dù số 3, tiểu đoàn này cuối cùng đã đứng chân ở Hà Nội và tôi phải báo cáo các hoạt động của mình cho Ayrolles, người tiểu đoàn trưởng nhỏ nhắn, khỏe mạnh của tôi. Các trung úy của tôi là các trung đội trưởng được tăng viện một số dân binh. Họ trở thành các chỉ huy trưởng đại đội, có trong tay chừng một trăm rưởi quân số.
Tôi đặt sở chỉ huy của tôi ở Chiềng Đông, trên một ngọn núi chế ngự ngôi làng. Một vài mái nhà bằng tre nứa được nhanh chóng dựng lên và hệ thống phòng thủ của chúng tôi khẩn trương được xác định. Ở bên tôi có Đèo Văn Thức, một sĩ quan người Thái, rất lanh lợi và thông minh. Anh ta được giao nhiệm vụ tổ chức mạng lưới tình báo của tôi, và các nhóm người Thái dân cư của anh ta sẽ tỏa ra hoạt động quanh vùng. Chúng tôi trả công cho họ bằng tiền và bằng muối, món hàng hiếm hoi ở vùng thượng du. Phải, cần phải như con cá sống trong nước, được sự giúp đỡ của một khối dân cư, cung cấp cho chúng tôi các tin tức tình báo.
Các trung úy của tôi vui sướng. Họ có các sở chỉ huy đẹp. Tình hình được xác định khá nhanh chóng. Quân Việt hầu như có mặt ở mọi nơi, ở phía nam Yên Châu, ở khoảng giữa chúng tôi và Sơn La, và kể cả phía sông Đà là ở phía bắc và sông Mã là ở phía nam. Mỗi người được nhận khu vực hoạt động của mình. Ở sở chỉ huy của tôi, một đại đội dự bị sẵn sàng can thiệp. Toàn mạng được liên lạc với nhau qua vô tuyến. Các sĩ quan của tôi phải hành động dựa theo tin tức tình báo dù cho là ít hay nhiều và hành động ban đêm càng nhiều càng hay.
Cỗ máy khởi động. Phải có cả một cuốn sách mới có thể thuật lại chi tiết tất cả các hoạt động. Trong vòng hai tháng, hàng trăm quân Việt bị giết, nhiều vũ khí thu được, hàng chục trại quân bị phá huỷ... Lòng tin lại tái sinh, những người Thái vốn đã biết tôi trong nhiệm kỳ trước, cảm thấy rằng cán cân đang nghiêng ngả, rằng có lẽ những người Pháp là những người mạnh hơn.
Chắc chắn là chúng tôi phải chịu một thử thách gay go về thể xác bởi những cây số đường đi trong vùng này được tính bằng nhiều giờ đi bộ, trèo lên tới tận khu vực của người Mèo ở trên cao hơn một nghìn mét để rồi trèo xuống và cứ thế lặp lại… Đôi khi phải nuốt trọn một đêm để đi được từ mười lăm đến hai mươi kilômét.
Than ôi! Tất nhiên là những tổn thất lớn, nhiều người chết và rất nhiều người bị thương... Bao giờ cũng đi liền với bài toán về việc vận chuyển thương vong kéo dài nhiều ngày. Nhưng đây là một trận chiến ngang sức. Chúng tôi gánh chịu đau đớn, hành quân, sinh sống giống như quân Việt, vả lại điều này sẽ rất có ích cho tôi sau này.
Một thông báo từ đơn vị của tôi được tách ra, cách ba mươi kilômét về phía nam, trên lưu vực con sông Mã: “Trung úy Lhuillier bị giết, hai bị thương trong một cuộc trinh sát”. Tôi kinh hoàng, chỉ có một người chết và lại là người chỉ huy. Đã xây ra chuyện gì đây? Tôi trả lời: “Sẽ đến chỗ các anh cùng với một đại đội”. Đây là một cuộc hành tiến rất gay go, kéo dài suốt đêm và một buổi sáng trên con đường mòn nằm kẹp giữa hai vách núi, một đoạn đường hầm thật sự chui dưới đám cây rừng và lau lách đủ loại. Chúng tôi đập tan hai ổ phục kích trên dọc đường. Mười quân Việt bị giết, mười vũ khí thu được. Tôi có một lính bị thương nhẹ có thể đi được. Chúng tôi tới sở chỉ huy của đơn vị giờ đây do trung úy Rougier chỉ huy, người mệt lử. Tinh thần của đơn vị xuống rất thấp. Tất cả số thanh niên này bị ấn tượng bởi cái chết của chỉ huy, người mà họ vốn rất cảm phục. Anh ấy, một sĩ quan đã được tuyên dương nhiều lần, mang danh hiệu hiệp sĩ của đội lê dương danh dự, đã tham dự chiến trận ở Italia và ở nước Pháp. Anh ấy bị giết chết trong lúc đi đầu hàng quân. Đây là sĩ quan đầu tiên của tôi bị chết trong nhiệm kỳ lần này. Lúc này tôi vẫn còn chưa biết rằng tất cả những người khác cũng sẽ không trở về nước Pháp, ngoại trừ Rougier sẽ gặp lại tổ quốc sau năm năm bị bắt làm tù binh. Nhưng mà cuộc sống tiếp diễn, thắng lợi cũng vậy.
Lúc ở trên ngọn núi, một bức điện gửi cho tôi từ Sơn La: “Em đến Sài Gòn”. Ký tên. “Gaby”. Sài Gòn ở cách xa đây một ngàn năm trăm kilômét. Tôi gửi một bức điện cho đại úy Cazeaux, đang là tiểu đoàn phó, nhờ anh trông nom cho Gaby. Anh ấy đã quen biết vợ tôi ở Saint Brieuc và Cazeaux là một đồng đội tốt trong nhiệm kỳ lần trước của tôi, lúc đó anh chỉ huy một đại đội trên vùng thượng du, sau trận rút lui trước quân Nhật. Lúc bấy giờ, tôi đã khoe khoang về cuộc sống sôi nổi của quân dù.... Trở về nước Pháp, anh ấy đã theo học và tốt nghiệp khóa đào tạo quân dù, rồi tình nguyện trở lại xứ Đông Dương mà anh ấy yêu thích biết bao. Sau này anh bị bắt làm tù binh trong vụ Cao Bằng và anh ấy chết trong trại giam trước sự cảm phục của mọi người. Về sau, Jean Pouget đã đề tặng anh cuốn sách thống thiết của mình mang tiêu đề: “Tuyên ngôn của khu trại số 1”.
Ở Sài Gòn, các bạn đồng ngũ đã có gia đình của tôi chờ đợi người vợ của họ và tôi sẽ không có mặt ở đó... Gaby thật đáng thương? Em đã chung thủy với người chồng chinh chiến suốt đời. Vợ tôi sẽ ra Hà Nội mười ngày sau đó, giữa lúc tôi đang thực hiện phiên liên lạc vô tuyến với bộ tham mưu. Tôi gặp vợ tôi trong vài phút để nói với cô ấy rằng: “Bây giờ anh sẽ nhờ cậy một trung úy để chăm sóc em bởi vì chỉ mấy phút nữa anh phải cất cánh bay đi Nà Sản”. Cuộc đời thật chó má! Gaby ở Hà Nội, Marie France ở Lorraine với bà ngoại và tôi thì chon von trên ngọn núi này ở giữa đám quân Việt.
Nhưng Gaby không chịu lùi. Không gì có thể ngăn cô ấy lại. Cô ấy xoay xở và tìm cách đến được Sơn La, nơi mà theo nguyên tắc quân sự, những bà vợ không được phép có mặt. Cô ấy đến đó với tư cách khách mời của viên tỉnh trưởng Sơn La. Phu nhân tỉnh trưởng, bà Rinner, dành cho cô ấy dẫy nhà phụ trong toà nhà của họ. Vậy là cô ấy có mặt ở đó, ở giữa khu vực chiến sự, cách sở chỉ huy của tôi năm mươi kilômét. Tuy vậy tôi không thay đổi cuộc sống đã dự kiến. Quân sĩ của tôi không làm tình, vậy là tôi cũng chấp nhận cuộc chơi và chỉ một tháng rưỡi mới về Sơn La một lần.
Ngày 15 tháng ba năm 1949 lẽ ra phải là phiên liên lạc cuối cùng của tôi. Tôi đang ngồi trên chiếc xe Jeep chạy trên con đường thuộc địa số 41. Bên cạnh tôi là người lái xe, hàng ghế sau, Vallet de Peyraud và trung úy - bác sĩ Bernasse. Phía sau năm trăm mét, một trung đội của tôi, ba mươi người, ngồi trên hai chiếc xe tải. Lúc này phải là chín giờ sáng, trời còn mát mẻ, bầu trời xanh lơ tuyệt đẹp.
Đây là con đèo Cò Nòi, nơi chúng tôi sẽ bố trí trận địa phục kích, mọi việc bình thường và tôi nghĩ tới hai mươi bốn tiếng đồng hồ sẽ ở bên Gaby, sau khi giải quyết xong một vài vấn đề với đại tá Lajoix. Cuộc đời thật đẹp. Tôi đang ở trong trạng thái hưng phấn. Chúng tôi sắp tới Hát Lót, mười kilômét trước khi tới Nà Sản, vẫn là cái giác quan thứ sáu, tôi đánh hơi thấy một ổ phục kích và kẹp khẩu các bin vào sườn. Peyraud bảo tôi: “Mà không, giờ đây quân Việt sau những thất bại phải hứng chịu, sẽ không dám đâu”. Để đáp lời, cả loạt đạn nổ ròn một cách tàn ác... Quân Việt ở trên những điểm cao phía bên trái con đường.
Tôi nhẩy khỏi chiếc xe Jeep đang chạy và lăn tròn nhiều vòng xuống đoạn bờ vực nằm sâu ở phía bên phải. Tôi dừng lại ở mười lăm mét phía dưới, trong một búi tre. Khẩu các bin vẫn ở bên tôi. Nhưng tôi thấy đau dữ dội. Bên vai phải của tôi hoàn toàn bị trật khớp, đoạn ngang cổ và ngang lưng tôi cũng bị đau. Đơn độc đáng sợ, tôi nghe thấy trung đội của tôi tham chiến ở xa phía sau...
Quân Việt dùng hỏa lực chặn họ lại, rồi nhẩy xuống mặt đường kiểm tra kết quả trận phục kích đối với chiếc xe Jeep và chắc chắn là để truy tìm tôi, bởi lẽ họ đã trông thấy tôi nhẩy ra khỏi xe. Bốn hoặc năm người trượt xuống vệ đường. Họ tới cách búi tre của tôi năm hoặc sáu mét. Mặc bộ quân phục mầu xanh của Mỹ, tôi hòa cùng mầu với cây cỏ. Khẩu các bin kẹp giữa hai chân, nòng súng kề bên thái dương ngón tay trỏ đặt trên cò súng, sẵn sàng làm nổ tung khối óc của mình...
Những giây phút sao mà kinh khủng. Tôi hình dung ra khung cảnh Gaby chờ đón tôi ở Sơn La và tất cả những cố gắng của cô ấy trong nhiều năm dài để tới được nơi đó. Không, như vậy thật quá ngu ngốc? Lạy trời, xin đừng để tôi ngã gục. Không phải là bằng cách ấy! Ngã gục trong một trận đánh thì “Vâng”, nhưng duy nhất không phải là như một con chó mà người ta sắp đập chết.
Tiếng súng của trung đội gần lại. Quân Việt trên mặt đường lại trèo lên điểm cao. Tôi đoán là họ rút đi. Không thể để quân sĩ của tôi nhìn thấy tôi trong tư thế như vậy. Tôi trèo lên mười lăm mét một cách nhọc nhằn để nhìn thấy các chiến binh dù của tôi... Quang cảnh thật thê thảm! Chiếc xe Jeep bị cháy thành than Peyraud nằm gục giữa đường, bị giết chết. Người lái xe nhỏ nhắn cũng vậy.
Còn Bernasse thì sao? Cậu ta bước tới, nét mặt thất thần. Nhờ chuyện thần kỳ nào mà cậu ta lại ở đây nhỉ?...Trời phậtvốn vẫn thường phù hộ cho những người dân thường. Cậu ta đã chạy lên trên cao, vào giữa khu vực quân Việt, chui trong đám bụi rậm, nấp vào sau một mỏm đá. Bọn họ đã không trông thấy cậu ta. Nhưng cậu ta bị hoảng loạn và phải nhiều tháng trời mới phục hồi lại được, chúng tôi buộc phải cho cậu ấy chuyển về Hà Nội.
Tôi khiển trách nặng nề tay trung đội trưởng, bảo cậu ta rằng: “Các cậu làm ăn hỏng kiểu. Lẽ ra phải tổ chức vừa xung phong vừa la hét cho có khí thế!”. Thật khốn khổ cho cậu ta, cậu ta không đến nỗi phải chịu khiển trách như vậy. Cậu ta đã làm hoàn hảo những gì cậu ta cần phải làm. Peyraud thật dũng cảm! Chàng “tử tước” của chúng tôi, dũng cảm một cách bình thản, và chết vì đã không chịu coi trọng những quân Việt nhỏ nhắn ấy. Trong trung đội có vài người chết và hai bị thương. Chúng tôi đặt những người chết lên xe tải và tiếp tục đi về Nà Sản, Sơn La. Tôi lại bị đau quá và đề nghị cậu y tá của trung đội tiêm cho một ống thuốc moócphin.
Tới nơi trong cảnh buồn thảm. Gaby, đại tá, viên tỉnh trưởng có mặt ở đây... Anh em trong đơn vị kể lại sự việc. “Anh ấy thật đáng khâm phục, anh ấy còn đủ sức quát mắng chúng tôi khi chúng tôi tới nơi”. Tôi được cáng vào bệnh viện, được cho uống thuốc Pentothal và ngủ thiếp đi. Viên bác sĩ ngoại khoa có tay y tá giúp sức hình như đã phải kéo rất mạnh để cho khớp vai của tôi trở lại vị trí bởi lẽ các cơ tay đã cứng đơ. Nhiều năm trời, tôi còn bị đau bên vai ấy vốn đã bị bong dây chằng.
Nhưng nhiệm vụ vẫn còn. Chỉ ở lại Sơn La có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tôi không thể có thời gian riêng tư với Gaby được. Tôi phải quay về Chiềng Đông. Tôi lấy một chiếc xe Jeep và cũng áp dụng chiến thuật cũ, một mình đi đầu cùng với một tay lái xe mới... Phải, chỉ một lần, tôi thật sự hoảng sợ. Cần thiết là tôi phải phản ứng ngay lập tức, chiến thắng được nỗi sợ hãi đó và đi qua lại đúng nơi đó. Vị trí của người chỉ huy chẳng phải là dẫn đầu đội hình hay sao? Phải, với những người lính dù, chuyện thường là như vậy. Chính vì việc đó mà Lhuillier và khá nhiều những người khác đã bị giết chết. Trong đơn vị của tôi, một sĩ quan không nói “Tiến lên!” mà là “Theo tôi!”.
Chiềng Đông, sở chỉ huy của tôi, tôi thấy khó ngủ. Tôi không biết nằm nghiêng sang bên nào để đặt yên ổn được bên vai đau. Nhưng vẫn phải tiếp tục công việc. Những trận tấn công ban đêm, những đòn đột kích tái diễn và hai trận bị trúng ổ phục kích của quân Việt sẽ được chúng tôi trả thù. Hàng chục quân Việt bị giết, những khu trại bị phá hủy, những tù binh. Người ta bắt đầu cảm thấy như là ở trong ngôi nhà của mình. Nhưng mà, thế là đã sáu tháng trời tôi ở trên vùng thượng du này trong khi nhiệm vụ của chúng tôi khi nhẩy dù xuống là để giải vây cho đồn quân. Đại đội của tôi phải trở về với tiểu đoàn, ở đó, tôi biết, cuộc sống cũng không phải là tuyệt vời.
Đại tá Lajoix chấp nhận tất cả những đề nghị của tôi liên quan đến việc khen thưởng dành cho đơn vị: danh hiệu lê dương danh dự, huân chương chữ thập của chiến tranh... Ông đề nghị tuyên dương tôi trước toàn quân với một quyết định rất hùng hồn, trong đó nêu lên tất cả những hoạt động cùng với kết quả của tôi trong sáu tháng đã qua. Và ông đặc biệt nhấn mạnh:
“Đã giành kết quả tối ưu cho đơn vị nhờ vào việc nắm vững vùng đất, cùng với tính năng động nổi bật và ý thức chiến thuật rất cao của bản thân. Có trong tay một đơn vị lính dù được huấn luyện rất tốt, thích ứng được những điều kiện sống rất khó khăn để tác chiến trên cùng núi thượng du. Có lòng tin vào dân chúng, nhờ vào kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn của mình, đã dắt dẫn những hoạt động dũng cảm và quyết liệt làm thất bại cuộc tấn công của quân đối phương...”
Tuy nhiên, tôi không thấy mãn nguyện, tôi đã bị tổn thất chừng ba chục người trong đó có hai sĩ quan. Con số đó đã là quá nhiều. Có lẽ vì tôi muốn đi quá nhanh để thoát khỏi tình thế thảm hại mà tôi nhìn thấy khi mới tới nơi. Chắc chắn là tiểu khu đã được yên ổn hơn, không còn xẩy ra những ổ phục kích nữa, tôi có thể ngồi trên xe Jeep cùng với người lái xe, không có đội hộ tống để đi tới Sơn La. Quân Việt đội ngũ đã xộc xệch, bị dân chúng ngờ vực, cuộc tấn công của họ đã thất bại. Nhưng còn rất nhiều việc phải làm để thấy lại được cái vùng đất y như lúc tôi chia tay với nó khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của tôi.
Lời Thú Nhận Muộn Mằn Lời Thú Nhận Muộn Mằn - Marcel Bigeard Lời Thú Nhận Muộn Mằn