Love is one long sweet dream, and marriage is the alarm clock.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Khái Hưng
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1845 / 37
Cập nhật: 2017-05-20 09:11:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Dưới Ánh Trăng
i kịch rnột hồi
NHÂN VẬT:
KHOA: Quốc dân quân 30 tuổi
THỨC: Vệ quốc quân 20 tuổi
Cảnh trên đồi sau mội trận kịch chiến. Một xác chết bận nhung phục bên một bụi cây. Rải rác vài cây súng trường, bao đạn, mũ sắt.
Đằng xa tiếng súng còn nổ, gần đấy tiếng cú còn thưa nhịp. Lúc màn kéo lên trăng khuất trong đám mây dày. Cảnh mờ mờ tối. Khán giả không trông rõ người mà chỉ nghe thấy tiếng rền rĩ. - Hai ba phút - trăng tỏ dần.
Khoa như vừa thức một giấc ngủ, thong thả ngồi dậy ngơ ngác nhìn chung quanh, ngửa mặt nhìn trời rồi lắng tai nghe ngóng. Bỗng giữa những tiếng gió, tiếng sâu kéo dài, y thoáng nhận rõ có tiếng người rền rĩ. Y cúi xuống tìm tòi và tìm thấy cách chỗ y ngồi độ một thước một người vận nhung phục nằm úp mặt bên cạnh khe một tảng đá lớn. Y lại gần gượng nhẹ lật ngửa người ấy lại thấy máu ướt đẫm một bên sườn. Bất giác y rùng mình đưa tay sờ đầu, thân thể và tay chân mình.
KHOA mỉm cười sung sướng: Hơ! (cúi xuống nói với Thức) - Anh bị thương?
THỨC gật.
KHOA nắn se sẽ - Ở sườn bên phải?
THỨC gật.
K.- Để tôi băng bó tạm cho nhé? (tháo thắt lưng da, cởi áo ngoài, áo lót mình cho Thức) Đích rồi, bên phải, ngay dưới xương sườn, may ra thì không trúng thận. Không nặng lắm đâu, chỉ trúng mạng mỡ... Anh mệt và ngất đi chỉ vì máu ra nhiều quá.
T.- mỉm cười vơ vẩn - Em chết mất anh ạ.
K.- Không, không chết! Cứ yên tâm để tôi băng bó cho (mở túi lấy ra một cuộn băng).
T.- Quân ta thắng?... Phải không?
K.- ngắm nghía dấu hiệu đính trên mũ chào mào của Thức rơi bên cạnh, y yên lặng nâng Thức đặt ngồi dựa vào tảng đá rồi bắt đầu bôi thuốc và quấn băng cho Thức.
T.- Thắng... Phải không anh?
K.- Thắng! (vẫn quấn băng cho Thức).
T.- Anh không bị thương ư?
K.- Không (mỉm cười sung sướng). Không, (vừa quấn băng cho Thức)
T.- Anh ở đội... quân cứu thương?
K.- Ừ (suy nghĩ như nói một mình), Tôi vẫn tưởng tôi bị thương, nhưng hình như không thì phải. Tôi nhớ ra rồi, bên địch tấn công dữ dội, bên mình phản công, tất cả ra mặt trận. Cả đội cứu thương, lúc ấy tôi bắt đầu lên cơn sốt kịch liệt nhưng cũng xin ra tiền tuyến. Với khẩu súng lục tôi xông bừa lên đồi. Chừng đến đây thì tôi ngất đi nằm vật ra bất tỉnh sau khi đã bắn hết cả một sác-dơ. (nhìn quanh mình) Mà súng của tôi cũng rơi đâu mất.
T.- (ngẫm nghĩ) — Anh tấn công... lên đồi?
K.- (quấn băng xong cho Thức) - Anh đau lắm phải không?
T.- Anh còn sốt không?
K.- (đưa tay sờ trán) - Còn hơi thôi. Chỉ nhức đầu.
T.- Em khát quá... Ước gì được ngụm nước.
K.- Vì ra máu nhiều quá đấy! Ở đây thì làm gì có nước, phiền quá nhỉ! Cái khát này không phải cái khát nóng mà bảo bịa ra câu chuyện rừng mơ để đánh lừa như Tào Tháo được. (Cười, Thức cũng mỉm cười) Để tôi xoay (đứng dậy nhìn xuống phía dưới). Khá rồi, dưới chân đồi lấp lánh có giòng suối chảy (giữa lúc ấy có tiếng súng nổ xa xa).
T. - Anh ngồi xuống... không chết… bây giờ... vẫn còn đánh nhau kia à?
K.- Ối chà l Cần quái gì! có cái gì múc nước không nhỉ?... A đây cái ca khổng lồ này thì tha hồ mà uống (cầm cái mũ sắt soi lên ánh trăng) May không thủng.
T.- Anh nên bò... mà xuống... đừng đi, nó.. bắn... chết... sáng trăng tỏ lắm.
K.- Được, không sợ! (xuống đồi).
T.- Yên lặng lắng tai nghe tiếng cú và thỉnh thoảng tiếng súng nổ đằng xa. Trăng bị bóng mây che khuất trong một phút khiến cho cảnh đồi tối lại.
Khoa bưng cái mũ nước lên.
T.- Anh về đấy à?... Em chỉ sợ... anh trúng đạn.
K.- cười - Thì anh chết khát phải không? Tôi chưa chết được đâu anh ạ. Còn phải sống để đánh nhau chứ nhỉ?
T.- thở dài - Không biết... bao giờ mới yên?
K.- Nhưng uống nước đã! Mát hơn nước suối Chapa cơ.
(tiếng súng nổ).
T.- Anh ngồi xuống!... đứng thế... nguy hiểm lắm.
K.- quỳ xuống ghé mũ nước vào miệng Thức.
T. – (uống một hơi nước rồi thở ra khoan khoái mỉm cười) Mát ruột, dể chịu quá! Cám ơn anh.
K.- Nếu tôi là Quốc dân quân thì anh có cám ơn tôi không: (Thức im lặng mỉm cười) Nếu bây giờ tôi bảo anh rằng tôi là Quốc dân quân thì anh nghĩ ra sao nhỉ? (Thức vẫn im lặng mỉm cười) Hơn thế, tôi bảo anh, anh bị thương là do một phát súng tôi bắn thì anh nghĩ sao?
T.- mỉm cười im lặng nhìn Khoa.
K. - Anh không tin? Anh không tin tôi là Quốc dân quân? Đây anh coi! (ghé sát vai áo có dấu hiệu Quôc dân đảng vào mặt Thức)
T.- im lặng ngồi suy nghĩ - Tôi chắc thế nào... cũng chết, vậy... thiết tưởng... anh chả cần... bắt tôi làm tù binh… làm gì?
K.- cười - Tôi bắt anh làm gì! Nhưng anh thấy không, ngôn ngữ anh đã thay đổi rồi đấy! Anh đương anh anh em em vui vẻ với tôi, chợt biết tôi là Quốc dân quân anh đổi giọng ngay! Xưng em với một đảng viên của một địch đảng, anh ngượng mồm phải không?
T.- im lặng một lát trong khi Khoa ngửng mặt ngắm trăng - Nhưng sao anh lại băng bó cho tôi? …Sao…anh … lại…
K - Sao tôi lại cứu anh! Vì nhiều lẽ. Trước hết vì...vì anh bị thương... mà anh bị thương thì phải băng bó. Tôi băng bó cho anh không phải vì anh là hay không là V.M (Việt Minh). mà chỉ vì anh bị thương. Trong đời tôi, tôi đã băng bó biết bao nhiêu người mà chưa một ai hỏi tôi vì sao tôi băng bó cho người ta.
T.- Anh làm khán hộ?
K.- Tôi học trường thuốc, sắp thi ra thì bị bắt giải đi căng. Ở đấy người ta giao cho tôi coi nhà phát thuốc, và tôi đã chữa cho hàng trăm người mắc bệnh, cả lão đồn coi trại giam và gia đình lão ta, thế mà chưa bao giờ lão ta hỏi tôi vì sao tôi lại trông nom cho lão ta và vợ con lão ta... Đau đớn không, lần này là lần đầu tiên tôi được nghe một người đồng bào hỏi tôi cái câu thắc mắc ấy!
T.- ngẩn ngơ - Tôi…
K. - Anh thử cố gắng xưng em với tôi như ban nãy xem nào? Tôi cũng có một người em suýt soát tuổi anh, nhưng nó chết rồi, chết trong trận Phong-thô cùng với ngót trăm anh em Quốc dân quân.
T. - nức lên khóc.
K.— Em tôi đã chết. Cái chết của nó rất hợp lý, rất đáng kính. Đến như chúng ta mà chết…thực mỉa mai! Thực đau đớn! Thì cái chết ấy chỉ là một sự may mắn: chết để khỏi phải giết người đồng chủng... Mỗi khi một đảng viên đảng tôi bị một đảng viên đảng anh bắt được lại bị người ta thuyết lý, bị người ta tuyên truyền. Và bao giờ người ta cũng bắt đầu bằng câu nầy: « Các anh đi nhầm đường ».Thiết tưởng phải nói chúng ta đi nhầm đường mới đúng... Phải, chúng ta đi nhầm đường cả. Say sưa cái chủ nghĩa viễn vông, cái lý tưởng mơ hồ, chúng ta quên bẵng rằng chúng ta là anh em trong một nhà...
T. mỉm cười - Biết thế, sao anh lại còn đi vào.., con đường ấy?... Tôi thì tôi chẳng cần biết... con đường nào. Tôi chỉ biết nhà tôi là một nhà... cách mạng,.. Cha tôi bị đầy ra Côn đảo... rồi chết ở đấy. Tôi chỉ nối chí cha tôi và theo đuổi cách mạng, thế thôi.
K. - Thì tôi cũng thế. Tôi vào đảng chỉ mong được hy sinh tính mạng cho Tổ quốc. Nhưng nói anh và tôi, chúng ta đều không có trách nhiệm trong sự đi nhầm đường của cả đoàn thì cũng không được. Đáng lẽ chúng ta phải can đảm, cương quyết, cực lực phản kháng sự chém giết lẫn nhau. Đằng này trái lại, chúng ta đã để họ dắt đi như dắt một đàn bò ra lò sát sinh. Chúng ta đã dại dột ngu ngốc nghe những lời tuyên truyền xảo trá của họ... để đến nổi... bao lực lượng chống ngoại xâm chúng ta đem va đập vào nhau cho tan nát ra như cám... nhưng... cũng chưa quá muộn đâu anh ạ. (Thấy Thức lim dim nhắm mắt) Anh sao thế? (Thức lờ đờ mở mắt) Anh mệt lắm, phải không? Thôi anh nằm nghỉ. Nhắm mắt lại (lấy túi đệm vào lưng rồi che áo lên người Thức.)
T. mỉm cười - Cám ơn anh, em chết mất!
K. - Không, anh không chết (nắm cổ tay xem mạch) mạch đều lắm. Thôi tôi ngồi im để anh nghỉ nhé l
T. lắc đầu - Không, anh cứ nói đi.
K. - Nhưng nhất định không nói đến đảng phái nữa. Thế cũng là một cách ta giả thù họ...
T. đăm đăm nhìn Khoa - Anh mất... tin tưởng rồi sao?
K. - Bao giờ mất tin tưởng được... nhưng thôi nếu chúng ta lại quay câu chuyện về ngả ấy thì nó lại miên man không bao giờ hết (nói lảng) À! tên anh là gì nhỉ? (Thức ngần ngừ) tên thực ấy, chả cần dấu diếm nhau làm gì. Tên tôi là Khoa. Còn anh?
T. - Tôi là Thức.
K. - Đã đến 20 chưa?
T, - Đúng 20.
K. - Anh trẻ lắm nhỉ? Còn đi học chứ?
T. - Tôi đang theo lớp nhất trường trung học thì bỏ...
K.- Để xin vào Vệ quốc đoàn?
T. - gật.
K. - Cũng phải, đương lúc quốc gia hửu sự mà còn cắp sách đi học thì cũng sốt ruột (cất tiếng ngâm);
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành tiền mong tiến bệ rồng.
Thước gươm thề quyết chẳng dong giặc giời,
Trí làm trai dậm ngoài da ngựa,
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào...
(ngừng bặt)
T. - Anh ngâm nữa đi... giọng anh tốt lắm.,. Anh ngâm, đi!
K. - Chỉ nhớ có ngần ấy câu. Anh có thấy hay không? Hay nhưng mà có tính cách phong kiến, phải không? Bây giờ làm gì có bệ rồng nữa để mà đem tiến thành tiền. Tiến cho ai?
T. - Cho tổ quốc.
K. - Nhưng chúng ta phải đau đớn mà tự thú rằng... chúng ta chưa từng thử gươm vào một tên giặc giời nào. (cười).
T. - Anh vui tính quá.
K. - Vậy chúng ta nói chuyện vui đi! Cười đi! Ca hát đi! Đọc thơ đi! Trăng sáng quá! Giời mát quá! Cảnh nên thơ quá! Kìa! Sao lại khóc thế?
T - Nếu em chết... thì me em khổ sở lắm!
K. - Đã bảo không chết mà lại cứ buồn mãi. Người ta là bác sĩ người ta lại không biết hơn anh hay sao? Bà ở Hàvnội phải không?
T. - gật - Phố Huế.
K. - Ở một mình?
T - Ở với em gái tôi, em Mùi còn nhỏ... mới 15 tuổi... nên me tôi cứ ép tôi lấy vợ. Nhưng anh tính đời mình... có chắc chắn gì mà đã vội cưới vợ.
K. - Anh có vị hôn thê rồi?
T. - Chưa... anh ạ... Kể thì có hai ba cô đấy… nhưng em phân vân... chưa biết chọn cô nào...
K. - Vì cả ba đều xinh như mộng phải không?
T. - Không hẳn thế... nhưng cả ba cùng...yêu em lắm …nến chọn cô nọ em sợ mất lòng hai cô kia,
K. - Nghĩa là anh cùng yêu cả ba cô chứ gì?
T. Sau một phút im lặng - Mộng vàng tan!
Em Tuyết, em Đào, em Lan!
Từ đây vĩnh biệt!
K. - Anh làm thơ đấy à?
T. - Không! Ối giời I Ối giời!
K- Anh vẫn đau?
T. - Nó cứ đau nhói lên từng cơn...mà mệt hết cả hơi... em tưởng tượng nếu... không có anh... ngồi nói chuyện… thì em sẽ không gượng được... em sẽ ngủ thiếp đi... rồi… không dậy nữa.
K. - Chỉ nói nhảm! Việc gì mà chết!... Tên ba cô ấy là Tuyết, Đào và Lan?
T. - Phải... có lẽ Tuyết đẹp nhất… nhưng Đào lại ngoan nhất… còn Lan thì ngây thơ nhất.
K. - Nếu ba cái đức tính đẹp, ngoan và ngây thơ chung đúc vào một cô thì có lẽ cô ấy đã có diễm phúc được anh kén chọn làm vị hôn thê rồi, phải không?
T thở dài - Diễm phúc hay vô phúc?... Anh đã có vợ chưa?
K. - Đã. Và hai con, một gái một giai.
T. - Sung sướng nhỉ!
K. - Sung sướng hay khổ sở! Thằng con giai tôi năm nay mới 18 tháng. Nó hay quá anh ạ, bất cứ việc gì cứ làm qua một lượt là nó bắtchớc liền. Nghe thấy tôi hát nó cũng hát mà hát thì chẳng còn ai hiểu là bài gì, trừ mẹ nó với vú em ra. Anh mà nghe nó hát bài Tiến quân ca thì anh phải cười nôn ruột. Chẳng còn một tí gì là tiến quân ca nữa.
T. – Anh …dạy nó hát bài Tiến quân ca... cơ à?
K. - Nào tôi có dạy! mà cũng chẳng biết ai dạy nó nữa. Chả bên láng giềng là một gia đình đông trẻ, chúng nó cứ cả ngày « đoàn quân Việt Minh »với «Hồ chí Minh muôn năm »… Chừng những bài hát ấy đã lọt vào tai_ cháu.
T. - Chắc anh tức lắm đấy nhỉ?
K. -Tức cái gì? Anh bảo tôi tức cái gì?
T. - Vì luôn luôn những bài hát kia lọt vào tai anh…
K.- Tức thì không tức nhưng nghe mãi cũng nhàm tai. Nếu tức thì câu chuyện này còn đáng tức hơn: Cái Mùi con gái tôi ấy tên nó cũng là Mùi như tên em gái anh. Năm nay nó lên sáu. Suốt ngày nó sang chơi bên láng giềng mà nhà ấy lại là một nhà Việt Minh, thành ra nó bị Việt Minh hóa. Chào Việt Minh, ủng hộ Hồ chủ tịch. Diệt phát xít, rồi kể chuyện bắt Việt gian, bắt quân phản động, nghe chuyện nó thì cứ tức cười chảy nước mắt được.
T.mỉm cười - Cười chảy nước mắt,.. hay khóc chảy nước mắt đấy?
K- Anh rõ lẩn thẩn! Việc gì mà phải khóc. Trẻ con nó chơi đùa ấy mà! Với lại nói câu này chắc anh không tin: Tôi muốn gây tự do tín ngưỡng; tự do tư tưởng cho con tôi ngay từ thuở nó còn non nớt. Bây giờ thì cố nhiên nó không biết gì về đảng phái, về lý tưởng, về chủ nghĩa, nhưng nó sẽ lớn lên với lòng nhân từ, khoan thứ, nó sẽ thấy rằng cha nó là người rộng lượng, biết trọng tự do cá nhân của kẻ khác dù kẻ ấy là con mình, là một đứa con gái nhỏ... Có phải không anh, vì sao cha là đảng viên V.N.Q.D.Đ. mà con lại không là Việt Minh được? Điều quan trọng là chúng ta nên dạy cho con chúng ta hiểu rằng không được a dua vào một đảng nào, không được vì cha mẹ tin tưởng một chủ nghĩa, lý thuyết nào là cứ nhắm mắt tin theo không cần suy xét gì hết, Ta lại nên dạy con cái chúng ta điều này nữa; là lập nên đảng nọ đảng kia kkông phải đi tranh dành địa vị, hay để thỏa lòng thù ghét, chém giết. Chúng ta, Việt Minh cũng như Việt Quốc, chỉ có một mục đích cứu quốc, đưa nước nhà tới chỗ tự do độc lập.
T. cười - Chắc anh không... ở trong bộ tuyên truyền Việt Nam Quốc Dân Đảng?
K.- Anh đoán đúng.
(KIỂM DUYỆT 11 GIÒNG (I)
Nếu tinh thần đoàn kết có từ lâu thì hiện giờ, chúng ta đã sát cánh nhau trong một chiến tuyến chống xâm lăng rồi... Mà... mà cái cảnh đau đớn chúng ta đương sống, cái giờ phút đau đớn chúng ta đương qua, kẻ bị thương, người ngồi nói chuyện trên một đỉnh đồi, dưới ánh trăng, bên tiếng cú, làm gì đã xảy ra? Anh và tôi, anh mơn mởn tuổi xuân, và tôi đầy lòng yêu nước, chúng ta là hai kẻ cừu địch ư?
T. cúi xuống thở dài - Chán!... Nhưng may... cũng chả còn sống được...bao lâu!
K. - Rõ tôi cũng vô lý! Tôi đã bảo không quay trở lại câu chuyện buồn ấy nữa, rồi tôi vẫn cứ quay lại như thường. Vậy thôi đấy, chỉ nói chuyện vui thôi đấy! Ừ phải! Tôi hát cho anh nghe nhé? Năm sáu năm về trước tôi có một cô bạn Huế, chiều chiều chúng tôi đi chơi mát với nhau ở trên núi Sầm- sơn và cô ta... cô Liên… tên cô là Liên, cô ta hát cho nghe nhiều điệu Huế hay quá. Tôi thích nhất cái điệu hát du, để tôi hát cho anh nghe nhé. (Ca):
Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa
Cây đa bến cũ còn lưa
Con đò sớm thác thuở xưa qua rồi.
T.- Điệu hát buồn chết người... mà anh thích được!
K.- Ừ kể buồn thì buồn thực! Tôi chắc đó là dấu vết điệu ca Hời, một điệu ca vong quốc.
KIỂM DUYỆT 14 GIÒNG
- T. mơ mộng - Tôi đọc Nam sử... tới đoạn Chế Bồng Nga đem đại đội thủy binh... đến vây thành Thăng Long ta... mà tôi không khỏi thán phục. Thế rồi Bồng Nga trúng tên chết ngay trên thuyền Thống tướng... Biết đâu...
K. - Biết đâu sao, anh?
T. - Biết đâu... ông vua anh hùng ấy... lại không bị giết... vì một mũi tên Hời...trong lúc hỗn chiến...(thở dài).
K. cười - Cũng có thể lắm. Cái bại của mình thường là ở trong phát ra hơn là ở ngoài xảy tới. Về đời Trần, ta thắng được quân Mông cổ oai hùng là nhờ ở sự đoàn kết của toàn thể dân tộc Việt Nam. Và có lẽ quân Hời thua ta một phần lớn là do sự cạnh tranh của các họ Hời thời bấy giờ (cười).Tôi không thuộc Nam sử như anh nhưng tôi đoán thế. Một dân tộc yếu hơn dân tộc địch mà lại thiếu đoàn kết, thì làm gì mà không bị tiêu diệt!
T. thở dài - Đoàn kết! (thở hổn hển). Tôi khó... thở quá... mà lại khát.., nhưng thôi… Phiền anh quá.
K:- Có gì mà phiền! Anh em giúp đở nhau trong khi hoạn nạn thì phỏng có gì mà phiền. Có anh làm phiền lòng tôi thì có, anh không chịu thẳng thấn với tôi. Hay anh cứ nhất định coi tôi là kẻ thù đấy?
KIỂM DUYỆT 4 GIÒNG
...Nhưng thôi để tôi đi lấy nước cho anh đã (cầm cái mũ sắt).
T. - Sao cú nó cứ kéo... dài... mãi cái điệu âm nhạc buồn thế nhỉ?... Anh có tin nó đem... tin buồn… nó báo tin chết không?
K. cười - Bậy! Đó chỉ là một dị đoan. Nó kêu thế là chỉ để thôi miên chuột, chuột nghe thấy tiếng rùng rợn ấy, bủn rủn ra không chạy được, chỉ việc đứng im cho nó bắt. Thôi anh ngồi chờ tôi một lát nhé? (cầm mũ sắt đi xuống đồi)
KHOA ra
T. yên lặng ngắm trăng. Bỗng đăm đăm nhìn cái xác chết. Tiếng cú trở nên rùng rợn - Ối giời,. Không... Lui... Được... Tôi theo đây! Không! Giời ôi!Giời ôi!... (Thở hổn hển, mắt trợn to) Anh Khoa!... Anh Khoa l mau cứu em!...(ngất đi).
MỘT LÁT
K.- Bưng mũ nước lên - Uống cạn mũ nước này nữa thì cứ mà vỡ bụng. Thức! Thức! Ngủ à?... (lo lắng đứng nhìn Thức, rồi quỳ xuống vừa lay vừa gọi) Thức!
T.- từ từ mở mắt - Ôi giời ơi! Không!... Không!... cứu tôi với!
K. - Tôi đây mà! Sao thế? Anh chiêm bao?
T. - thở hổn hển - Không... tôi thức... giời ơi! Nó đâu rồi?
Bắt đầu từ đây, tiếng Thức yếu dần.
K.- Ai?
T.- Ma!
K.- cười - Làm gì có Ma!
T.- Rõ ràng... nó vừa... hiện lên. Cái xác chết kia kìa!... Nó ngồi dậy... Nó đứng dậy - Nó vẫy em đi theo nó... về âm phủ... Giời ơi! em sợ quá, anh ạ!...Lúc anb lay... em dậy... thì em đương đi theo nó đấy!
K. - cười - Thôi bây giờ có tôi đây thì nó không dám trở lại nữa dâu. Anh uống nước đi!
T.- Cảm ơn anh... Anh để cho em... hoàn hồn đã.„.
K.-cười - Nó vẫy mặc nó, sao anh lại cứ đi theo nó?
T.- Không theo không được... Cứ thiếp... dần rồi tự nhiên…lẳng lặng đi theo nó.
K.- Đó là một giấc chiêm bao. Khi mình không thức hẳn, không ngủ hẳn thì mình mơ màng tưởng tượng cái gì, thành ra cái ấy liền. Đã uống nước được chưa?
T.- gật.
K.- Ghé mũ nước vào miệng Thức.
T.- uống một hơi -thở ra- Dễ chịu!... Mát ruột!.. Cảm ơn anh!.. Sao em uống nhiều nưc thế nhỉ?
K.- Vì thiếu máu! Máu ra nhiều quá.
T. lắc đầu - Em chết mất anh ạ!
K - Việc gì mà chết: Mai về nhà thương tiêm vài phát là lại người liền. Mà sang máu được có thể khỏe ngay là khác. (Mơ mộng) ước gì tôi sang máu tôi cho anh! Để kỷ niệm cái đêm gặp gở lịch sử này. Nhưng không thể được anh ạ!
T.- Vì sao? (mỉm cười) Anh sợ... máu Việt Minh… và máu Việt Quốc sẽ... đánh lộn trong tim tôi chăng.
K.- cười - Không phải thế! Vì máu Việt Minh và máu Việt Quốc cũng là máu Việt Nam, hay nói giọng văn hùng, cũng là máu Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt cả. Nhưng tôi chợt nớ ra, tôi mắc bệnh sốt rét kinh niên! Tôi mang cái bệnh sốt ấy từ trên « căng » về đấy. Sang máu cho anh, tôi sẽ sang cả vi trùng bệnh sốt rét ngã nước cho anh luôn thể, vì thế nên tôi nói không thể được. (Cười vui thú). Nhưng, anh lo gì, trong ba nàng yêu anh thế nào chả có một nàng sẽ bằng lòng sang máu cho anh!
T. - mỉm cười mơ mộng - Lan mơ mộng lắm anh ạ... Lan chỉ ước ao được cùng em… làm cái nhà nhỏ... ở bên sườn đồi… có suối chảy qua... ngày ngày ra suối... câu cá... thả thuyền đi chơi.
K.- Tuởng cảnh gì, chứ cảnh ấy thì làm gì chẳng thực hiện được, Chúng ta, gia đình anh và gia đình tôi, chúng ta sẽ chung nhau mua một cái đồn điền nhỏ, hay một cái ấp nhỏ. Hay chúng ta chẳng cần mua cũng được. Hiện tôi có một cái ấp nhỏ ở Phú thọ, vào khoảng sáu mươi mẫu đồi mà tôi đã giồng chè được hơn một nửa. Tôi sẽ nhường cho anh vài chục mẫu. RồI chúng ta cũng lên đấy ở với nhau. Cảnh thì tuyệt đẹp. Một cái suối khuất khúc lượn quanh đồi, bên những khóm trúc, khóm mai, rồi chạy ra một cái đầm rộng bằng khoảng hai Hồ Tây. Chiều chiều thả thuyền chơi suối thì có thể quên cả Hà thành với các nàng tiên của nó. Khi nào thái bình hẳn, nước nhà hoàn toàn độc lập, chúng ta hoàn toàn tự do, tôi sẽ đón anh lên đấy ở với tôi.
T. - mỉm cười ngờ vực - Sợ còn lâu lắm... anh ạ! Vì …có lẽ... muộn quá rồi!
K- Vị tất đã lâu, như anh tưởng.
T.- Vả lại... xa Hà thành…thì buồn chết... (Thở ra) Tôi mệt lắm... rồi... anh ạ... có lẽ tôi chết... đến nơi mất!
K.- Không, không thể chết được! (bắt mạch) Mạch này thì chết sao được!
T.- mắt đầy hy vọng - Nhưng sao... tôi mệt lả… đi thế này!...
K. - Mất nhiều máu quá nên thế đấy. không sao đâu Nhưng anh cũng không nên nói nhiều! Nên nằm yên mà nghỉ.
T.- Nằm yên... không nói gì... tôi chỉ sợ chết lịm đi... lúc nào… không biết thôi... Tôi cứ muốn nói chuyện để tỏ... với tôi rằng… tôi còn sống.
K.- Anh phải tĩnh tâm mà nằm nghỉ. Không nên rối trí như thế. Nếu anh chết thì tôi bảo cho anh biết rằng anh chết, chứ tôi giấu anh làm gì. Chúng ta có phải là những người sợ chết đâu, anh cũng vậy mà tôi cũng vậy. Nếu sợ chết, chúng ta đã chẳng làm cách mệnh. Làm cách mệnh là chúng ta quả quyết đi đón lấy cái chết. Còn sống thì ta sẽ dự vào công cuộc kiến thiết Tổ quốc, sau khi cách mệnh thành công, mà chết thì ta cũng tự an ủi trước khi nhắm mắt rằng ta đã đến mục đich, cái mục đích hiến thân cho Tổ quốc. Vậy nếu anh chết thì tôi không sợ bảo cho anh biết rằng anh chết. Nhưng nhất định anh không chết. Có phải ai bị thương cũng chết đâu!.
T.- mỉm cười đau đớn - Hiến thân! (Một phút im lặng) Anh rút hộ em... cái ví ở túi quần… (Khoa làm theo) Anh mở ra…trong đó có… hai cái ảnh... Anh giữ lấy một cái…để kỷ niệm...cái đêm rùng rợn này... Còn một cái…em nhờ anh... đem về đưa cho me em (yên lặng) Anh liệu lời... mà nói... với me em... Em là con một... me em đấy I (khóc)
K.- Anh lạ quá, sao cử nghĩ quẩn mãi! Được, ảnh tôi cứ giữ đây (bỏ ảnh vào túi) Cái ảnh tặng tôi thì tôi sẽ lưu lại cho con cháu ngày sau với hàng chữ này: « Đây là một người bạn thân của ta, tuy không cùng ta ở trong một chính đảng, nhưng vẫn cùng ta phụng sự một lý tưởng duy nhất: «Tổ quốc » Còn cái kia thì tôi sẽ có dịp cũng đi với anh tới nhà anh để đưa nộp cụ.
T.- mắt như đeo đuổi một ý nghĩ ám ảnh - Anh có tin rằng… linh hồn... bất diệt không?
K- đăm đăm nhìn Thức, rồi như chợt hiểu — Tin! Tôi rất tin. Thác là thể phách còn là tinh anh. Tinh anh sẽ còn mãi mãi...
T.- Sống trong thời khoa học... mà anh còn tin được điều đó?
K.- Thì khoa học cũng không cãi được điều đó. Trong một buổi thí nghiệm, một nhà thần linh học đã gọi những linh hồn hiện về trước mặt các nhà khoa học trứ danh trên thế giới như Flammarion chẳng hạn. Còn không tin sao được ỉ
T. - mỉm cười - Đó cũng là... một sự an ủi… cho những kẻ... sắp từ trần... Nếu quả sau khi... chết… mà linh hồn còn... sống mãi... mãi... thì chết có đáng kể chi, phải không anh?
K.- Nhưng anh và tôi, chúng ta chưa chết thì chúng ta nói chuyện chi đến cái chết cho mất cả vui. Vẫn biết cái chết không đáng sợ, nhưng Tổ quốc đang còn cần đến chúng ta, thì chúng ta vẫn chưa chết được.
T.- Em nghĩ đến…cái chết… của những chiến sĩ... trong Nam bộ... mà em thèm!
K.- cười - Anh dưỡng bệnh cho khỏe hẳn, rồi hai chúng ta cùng vào Nam một chuyến. Nghe nói ở trong ấy nhiều nơi cũng vẫn còn chiến tranh. Phải đấy chúng ta sẽ vào trong ấy để... để chết. Chứ chết ở ngoài này có chi tủi mạng, anh ạ.
T.- Tủi mạng?
K. - Tôi được nghe anh em chiến sĩ ở trong Nam ra thuật lại cho nghe những cái chết đẹp đẽ quá chừng! Một chiến sĩ nằm chờ ba ngày đêm trong một cái hố bên đường, với một túi lương khô, với một cây súng và ba viên đạn… ba viên đạn thôi, tội nghiệp! Anh đón đoàn quân địch đi qua đó để bắn. Quả nhiên quân địch đi qua đó. Chờ cho họ đến gần anh bắn luôn hai phát giết chết hai tên. Phát thứ ba, đạn điếc. Rồi anh mỉm cười chết một cách lặng lẽ và thỏa mãn vì đã đổi được một mạng lấy hai rồi. Lại một chuyện này nữa, Một chiến sĩ bị thương được đoàn cứu thương băng bó cho. Nhưng anh có cảm tưởng anh khó sống được. Tức thì anh cầm súng xông bừa ra trận tiền để bắn trúng một quân địch rồi chết... (Thức mắt lim dim người muốn lả đi) Anh mệt lắm?
T.- gật.
K. - Vậy nằm nghỉ một lát... Đừng nói gì nữa,
T.- Thôi... anh lui về... hậu tuyến đi... để mặc em...
K.- Được, anh cứ để mặc tôi. Để sáng rõ rồi tôi dìu anh về hậu tuyến bên anh đã.
T.- lắc đầu - Không được đâu!...
KIỂM DUYỆT 14 GIÒNG
Thôi anh cứ về... phố đi... là hơn. Bây giờ về... thì được... chứ sáng ra thì sẽ không có... cách nào... thoát được... Tiếng súng nghe như... đã im hẳn rồi đấy..,.Anh về đi!
K.- Không, tôi không thể bỏ anh đây mà về được. Anh cứ để mặc tôi. Hơn hết là anh cố ngủ đi một lát.
T.- mỉm cười - Tôi sợ ngủ đi thì... sẽ không...dậy nữa.
K.- Quái! anh đến lạ, cứ bị cái chết nó ám ảnh hoài!Hay anh sự chết chăng!
T.- nói lảng - Anh hát đi mà nghe vậy,
K- Ừ phải đấy, tôi hát cho anh nghe một câu chèo nhé... Anh có biết câu « Chấn thủ lưu đồn » không? Chắc không? Đó là một câu hát của vai hề. Bao giờ hát, người ta cũng vác một cái dáo trên vai và một tay cầm cái mồi lửa, Như thế này này (một tay cầm súng vác ngang qua hai vai, một tay cầm nắm cỏ giả làm mồi, rồi vừa múa vừa hát):
Đất ngài đây thanh lịch, đất hữu tình.
Có đường vô sảnh tới dinh quan lưu đồn
Ba năm bác con đương chấn thủ lưu đồn
Ngày thời canh điếm, sớm tới đồn việc quan.
Anh chém tre ngả gỗ trên ngàn
Than thân rằng khổ, anh biết phàn nàn cùng ai
Anh phàn nàn cùng trúc cùng mai
Cùng cây măng mía, cùng cây ngô đồng
Sót sa như muối đổ trong lòng (2)
Trong khi Khoa hát thì Thức cười lên tiếng, cười rất nhiều. Bỗng y ngất đi và lịm dần. Khoa thấy đầu Thức gục xuống ngực vội ngừng lại, cúi xuống lay gọi.
K. - Anh Thức! Thức! Em Thức! (lắc đầu). Chết! Vô lý! Thức! (cầm tay bắt mạch) Chết thực rồi, khổ tôi chưa! (Im lặng quỳ trước mặt Thức).
Trời bắt đầu sáng, Bỗng một loạt súng nổ, tiếng ồn ào từ phía chân đồi đưa lên. Một phát đạn trúng ngực Khoa, khiến y gục xuống ôm lấy Thức, và se sẽ kêu: Mùi! Lập!
HẠ MÀN
Chú thích:
(I) Bộ Tuyên truyền V.N.Q.D.Đ. kiếm duyệt.
(2) Bản ghi âm nhạc của Nguyễn Xuân Khoát
Lời Nguyền Lời Nguyền - Khái Hưng Lời Nguyền