A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Tác giả: Arthur Hailey
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Final Diagnosis
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8
heo tôi, chiến thắng bệnh bại liệt chưa chắc đã là điều hay ho hoặc cần thiết.
Người nói câu ấy là Eustace Swayne, vị sáng lập vương quốc các cửa hàng, nhà từ thiện triệu phú, ủy viên hội đồng quản trị bệnh viện Three Counties. Bối cảnh là thư phòng lát gỗ sồi tranh lối tranh sáng trong tòa dinh thự cũ kỹ nhưng bề thế của Swayne. Tòa dinh thự nằm riêng biệt giữa năm mươi mẫu đất cây cỏ sum suê ở mạn phía đông thành phố Burlington.
- Ông cứ nói đùa - ông chủ tịch Orden Brown vừa nói vừa mỉm cười với hai người phụ nữ trong phòng: Amelia, vợ ông và Denise Quantz, ái nữ của Eustace Swayne.
Một người hầu nhẹ chân bước vào dọn rượu. O’Donnell nhắp một ngụm cô nhắc rồi ngả lưng vào chiếc ghế bọc da mà anh đã chọn khi cùng mọi người bước vào phòng sau bữa ăn tối. Anh thấy cảnh này chẳng khác gì thời trung cổ. Anh liếc nhìn khắp căn phòng thắp ánh sáng dìu dịu, ánh mắt lướt qua những hàng sách bọc bìa da vươn tới tận trần nhà thếp gỗ, những bàn ghế bằng gỗ sồi nặng nề, lò sưởi chìm trong tường chất đầy những khúc gỗ lớn. Trời chiều tháng bảy ấm áp không còn ánh lửa, những lò sưởi luôn sẵn sàng bừng lên sức sống bằng mồi lửa của các gia nhân. Chênh chếch trước mặt O’Donnell là Eutace Swayne ngồi đường bệ như ông vua trên chiếc ghế nhồi bông, lưng thẳng, có bệ đặt tay. Bốn người kia như các quan ngồi chầu thành hình bán nguyệt trước mặt nhà tài phiệt già.
- Tôi không nói đùa đâu - Swayne hạ ly rượu mạnh xuống và nghiêng mình về phía trước để phát biểu - Ô, đúng là khi thấy một đứa trẻ bại liệt đi giầy nẹp tôi cũng mủi lòng như tất cả mọi người và bèn thò tay vào túi rút chi phiếu ra. Nhưng tôi muốn nói đến cái tổng thể cơ. Đố có ai chối cãi được rằng chúng ta đang đầu tắt mặt tối chỉ để làm suy nhược nòi giống con người.
Giọng điệu lý sự ấy chẳng có gì lạ. O’Donnell đáp lại một cách lịch sự:
- Phải chăng ý ông cho rằng chúng ta nên ngưng việc nghiên cứu y học, làm đông đặc kiến thức và kỹ thuật, đừng ra sức chiến thắng bệnh tật nữa?
- Muốn ngưng cũng chẳng ngưng được! - Swayne trả lời - Cũng như anh không thể ngăn nổi bầy heo xứ Galarene đâm đầu xuống vách núi ([17]).
O’Donnell phá lên cười:
- Ông vừa dùng một kiểu nói ngoại suy hơi khó nghe. Nhưng nếu thế, tại sao phải đặt vấn đề?
- Tại sao ư?- Swayne đập tay xuống bệ ghế. Vì ta vẫn có thể lấy làm tiếc cho một điều gì đó mặc dù đành phải bó tay không làm sao thay đổi được.
- Tôi hiểu – O’Donnell không muốn tranh luận nữa. Vả lại rất có thể tranh luận chẳng có ích lợi gì cho việc thắt chặt quan hệ giữa Swayne với anh hoặc Orden Brown, mà đó chính là mục đích của việc họ đến đây ngày hôm nay.
Anh đưa mắt nhìn mọi người trong phòng. Amelia Brown bắt gặp ánh mắt của anh bèn mỉm cười. Anh quen thân với bà nhờ những dịp ghé thăm nhà ông chủ tịch. Bà gắn bó với tất cả mọi hoạt động của chồng nên rất hiểu chuyện “chính trị” của bệnh viện.
Denise Quantz, ái nữ của ngài Eustace Swayne, ngồi nghiêng người về phía trước chăm chú lắng nghe.
Trong bữa ăn, nhiều lần O’Donnell thấy ánh mắt mình bất giác hướng về Mrs. Quantz. Khó có thể tưởng tượng nàng là con gái của người đàn ông gàn gàn và quạu cọ ngồi ở đầu bàn. Tuy đã bảy mươi tám tuổi, Eustace Swayne vẫn có cái vẻ táo bạo sẵn sàng ăn thua đủ của những người năng nổ cạnh tranh buôn bán lớn. Nhiều khi ông dựa vào cái thế tuổi tác để văng những lời nhọn hoắt vào mặt khách khứa, nhưng O’Donnell ngờ rằng ông chỉ có ý nhử người ta vào cuộc tranh cãi. Anh nghĩ thầm: ông cụ vẫn thích choảng nhau, dù chỉ bằng miệng lưỡi. Do bản năng, anh cảm thấy Swayne cường điệu tâm trạng của ông đối với y học tuy chỉ nhằm để tỏ ra ta đây cứng đầu cứng cổ. Quan sát ông cụ một cách kín đáo, O’Donnell ngờ rằng có bóng dáng của bệnh gút và bệnh thấp khớp.
Trái lại, Denise Quantz rất dịu dàng, từ tốn. Nàng khéo léo khỏa lấp những góc cạnh sắc nhọn trong lời ăn tiếng nói của cha mình bằng cách vuốt đuôi theo một vài chữ. O’Donnell nhận thấy nàng xinh đẹp với vẻ khả ái tràn đầy hiếm có mà đôi lúc người ta nhận thấy nơi những thiếu phụ ở tuổi bốn mươi. Anh nghe nói nàng đang ở thăm ngài Eustace Swayne và rất năng ghé đến thành phố Burlington.
Có lẽ nàng muốn trông nom cha già vì bà mẹ đã qua đời từ lâu. Qua chuyện trò, anh biết rõ nàng sinh sống chủ yếu ở New York. Thỉnh thoảng anh có nghe nhắc đến mấy đứa con, còn ông chồng thì tuyệt nhiên không hề được nói tới. Có lẽ họ đã ly thân hoặc ly hôn với nhau rồi. O’Donnell thầm so sánh Denise Quantz với Lucy Grainger. Thật khác nhau một trời một vực: Lucy có nghề nghiệp chuyên môn, sống thoải mái với giới y khoa và bệnh viện, dễ dàng tiếp xúc với những người như anh nhờ những điểm chung của cả hai bên, còn Denise Quantz an nhàn và độc lập, một bóng dáng nổi bật trong giao tế xã hội, đồng thời anh cảm thấv nàng cũng là người biết làm cho mái gia đình trở thành tổ ấm thanh bình. O’Donnell tự hỏi người đàn ông nên nghiêng về phía loại phụ nữ nào: người này gần gũi với cuộc sống nghề nghiệp của ta, người kia thì xa cách và có những mối quan tâm vượt ra ngoài cuộc sống nghề nghiệp hằng ngày.
Dòng suy nghĩ của anh chợt bị Denise cắt đứt. Nghiêng người về phía anh, nàng nói:
- Bác sĩ O’Donnell, chắc anh không chịu buông tha một cách dễ dàng như vậy đâu. Xin đừng để cha tôi chạy thoát.
Ông cụ khịt khịt mũi:
- Có gì mà thoát với không thoát. Rõ như ban ngày rồi còn gì! Từ xửa từ xưa cán cân tự nhiên vẫn kiểm soát mức tăng giảm dân số. Hễ sinh đẻ nhiều là có nạn đói.
Orden Brown chen vào:
- Nạn đói có khi do chính trị mà ra chứ đâu phải luôn luôn là sức mạnh của tự nhiên.
-Tôi đồng ý với ông trong một vài trường hợp.
Eustace Swayne vung tay kiểu cách - Nhưng những kẻ yếu đuối bị giảm thiểu đi thì chẳng có gì gọi là chính trị trong đó cả.
- Ý ông muốn nói “kẻ yếu đuối” hay “kẻ bất hạnh”? - Được rồi, O’Donnell nghĩ thầm, nếu ông muốn tranh cãi thì tôi quyết theo với ông.
- Tôi hiểu theo đúng chữ ấy – “kẻ yếu đuối”. Giọng ông cụ đã có vẻ gay gắt hơn - nhưng O’Donnell cảm thấy thích thú - Khi có nạn dịch lan tràn thì kẻ yếu ớt bị quét sạch và người mạnh sống sót. Với các bệnh tật khác, sự thể cũng y như thế. Rốt cuộc mức độ của tự nhiên vẫn được duy trì. Vì thế, người mạnh tiếp tục lưu truyền đến thiên thu vạn đại. Chính người mạnh đẻ ra thì hệ tiếp theo.
- Ông cho rằng loài người đã thoái hóa quá nhiều hay sao? - Amélia Brown nêu câu hỏi. O’Donnell thấy bà đang mỉm cười. Bà biết Swayne thích được hỏi như thế, anh nghĩ thầm.
- Chúng ta đang bước dần tới chỗ thoái hóa. - ông cụ đáp - ít ra là ở thế giới phương tây. Chúng ta cứ lo gìn giữ những kẻ què quặt, èo uột bệnh hoạn. Chúng ta đang tích lũy những gánh nặng cho xã hội rặt những kẻ phi sản xuất, yếu ớt, không đóng góp được một chút gì cho phúc lợi chung. Thử hỏi có ích lợi gì những cái viện an dưỡng tâm thần hay mấy cái nhà nuôi người mắc bệnh nan y. Nói thật đấy y học ngày nay đương cố giữ lại những người mà lẽ ra nên để cho chết đi. Chúng ta giúp cho họ sống, rồi lại để cho họ sinh đẻ tùm lum, thế là sự vô dụng của họ truyền xuống cho con, cháu, chắt, chút, chít, chút, chít..
O’Donnell nhắc nhở:
- Bệnh tật và di truyền chưa hẳn là có liên quan với nhau.
- Không những thể xác mà tinh thần cũng có sức mạnh - Eustace Swayne trả lời - Con cái chẳng thừa hưởng nơi cha mẹ những phẩm chất tinh thần và cả những yếu đuối nữa hay sao?
- Không phải luôn luôn như thế.
Lúc này cuộc đấu khẩu thu hẹp lại giữa nhà tài phiệt già và O’Donnell. Những người khác ngồi nghe.
- Nhưng rất thường xảy ra, phải không nào? O’Donnell mỉm cười:
- Phải, đã có ít nhiều chứng cứ cho điều ông vừa nói.
Swayne khịt khịt mũi:
- Đó là một trong những lý do chúng ta có quá nhiều bệnh viện tâm thần và người ta vẫn đang chạy đến với các nhà phân tâm học.
- Cũng có thể vì chúng ta có ý thức hơn về sự lành mạnh tinh thần.
Swayne nhái giọng:
- Cũng có thể là vì chúng ta đang nuôi dưỡng những kẻ yếu đuối, yếu đuối, yếu đuối. Mấy chữ cuối ông cụ nói gần như hét lên,và ra bật ho rũ rượi.
Mình nên nhẹ nhàng thôi, O’Donnell tự nhủ. Rất có thể ông cụ mắc chứng cao huyết áp.
O’Donnell không nói gì, nhưng ông cụ cau có nhìn anh. Ông nhắp một ngụm rượu mạnh rồi nói giọng gắt gỏng:
- Đừng buông tha tôi,anh bạn bác sĩ trẻ tuổi ạ. Tôi đủ sức đón tiếp mọi lý luận của anh.
O’Donnell quyết định tiếp tục nhưng ôn hòa hơn. Anh nói nhỏ nhẹ và lịch sự:
- Thưa ông Swayne, thiết tưởng có một điều ông đã bỏ qua. Ông bảo rằng bệnh tật là biện pháp điều tiết của tự nhiên. Nhưng rất nhiều bệnh tật không đến với chúng ta bằng con đường tự nhiên, nhưng là hậu quả của môi trường và điều kiện sống do con người tạo ra. Tình trạng mất vệ sinh, nhà ổ chuột, ô nhiễm không khí - tất cả - những cái đó không phải của tự nhiên nhưng là sản phẩm của con người.
- Chúng là thành phần của tiến hóa và tiến hóa là thành phần của tự nhiên. Tất cả chỉ góp thêm vào quá trình điều tiết.
O’Donnell khen thầm: hạ được tay súng lõi đời này không phải là chuyện dễ dàng! Nhưng anh đã trông thấy kẽ hở trong lý lẽ của đối thủ.
- Nếu thế y học cũng là thành phần của quả tình điều tiết.
Swayne vặn lại:
- Anh biện bác thế nào?
- Vì y học là thành phần của tiến hóa - Tuy đã quyết tỏ ra ôn hòa, O’Donnell vẫn cảm thấy giọng nói của mình có phần rắn rỏi hơn -Vì mỗi một thay đổi về môi sinh do bàn tay con người gây nên đều đặt cho y học những vấn đề để giải quyết. Không bao giờ chúng ta có thể giải quyết được hoàn toàn. Y học luôn đi chậm hơn một chút. Vừa giải quyết xong một vấn đề thì đã có một vấn đề khác xuất hiện trước mặt.
- Nhưng đó là những vấn đề của y học chứ không phải của tự nhiên - mắt ngài Eutace ánh lên vẻ tinh quái - Nếu ta để mặc tự nhiên, nó sẽ ổn định được các vấn đề không cho chúng nảy ra. Biện pháp của tự nhiên là chọn lọc cái ưu tú nhất.
- Ông lầm rồi. Tôi sẽ chứng minh cho mà coi - O Donnell không cân nhắc lời ăn tiếng nói nữa. Anh chỉ cảm thấy đây là điều phải nói ra cho chính mình cũng như cho người khác: Y học chỉ có một vấn đề đúng nghĩa và muôn thuở, ấy là giúp sao cho từng cá nhân con người được sống còn - Anh ngừng một lát - Và sống còn là qui luật cổ xưa nhất của tự nhiên.
- Hoan hô! Bà Amelia Brown say sưa vỗ tay. Nhưng O’Donnell chưa nói hết.
- Chính vì thế, thưa ông Swayne, chúng ta ra sức tấn công bệnh bại liệt, dịch hạch, đậu mùa, sốt ban, giang mai. Chính vì thế chúng ta vẫn đang chống trả bệnh ung thư và lao phổi cùng mọi thứ bệnh khác trên đời. Chính vì thế mà chúng ta mở ra những nơi ông vừa nói tới: viện an dưỡng tâm thần và nhà nuôi người mắc bệnh nan y. Chính vì thế chúng ra cố giữ lại tất cả mọi người trong khả năng tối đa, bất kể ai là kẻ mạnh ai là người yếu. Bởi vì công việc của chúng ta góp phần vào cái lẽ duy nhất là sự sống còn. Tiêu chuẩn duy nhất mà chúng ta có thể có được trong ngành y là thế đấy.
Anh chờ Swayne trả đũa như mấy lần trước, nhưng ông cụ lặng thinh nhìn sang cô con gái.
- Denise, rót thêm rượu cho bác sĩ O’Donnell đi con.
O’Donnell chìa ly ra khi nàng cầm bình rượu đến gần trong tiếng sột soạt của áo lụa, lúc nàng nghiêng người về phía anh, anh ngửi thấy một làn hương thoang thoảng khêu gợi. Trong khoảnh khắc, anh thấy lòng mình có sự thôi thúc kỳ lạ của một thời trai trẻ, muốn đưa tay vuốt lên mái tóc đen mềm mại của nàng. Anh kềm chế được mình, còn nàng tiếp tục bước đến bên cha già. Trong lúc châm rượu cho ông cụ, nàng hỏi:
- Nếu thực sự ba có quan niệm như thế, ba còn vào ban quản trị bệnh viện làm gì nữa? Eustace Swayne cười khúc khích:
- Ba còn nằm ở đó chủ yếu là vì Orden và mấy người khác nữa còn hy vọng ba sẽ không viết lại di chúc - ông nhìn sang Orden Brown - Họ đoán chừng không phải chờ đợi lâu lắm đâu.
- Ông nghĩ quấy cho các bạn của ông rồi - Orden Brown nói giọng nửa đùa nửa thật. - Vậy là ông nói dối - Eustace lại thấy vui vui. Ông nói tiếp - Denise, con hỏi thì ba xin thưa. Ba vào ban quản trị là vì ba là người thực tiễn. Chuyện đời cứ diễn như thế, ba chẳng làm sao thay đổi được nó, cho dù có nhìn thấy rõ những gì là sai lầm. Nhưng ít ra ba có thể đứng ra làm lực điều tiết góp phần làm cân bằng cuộc sống. Ôi dào, tôi biết một vài người trong các ông nghĩ tôi là thằng kỳ đà.
Orden Brown nói gấp:
- Ai nói thế?
- Ông không phải quan tâm làm gì? Swayne ném một tia nhìn tinh quái, nửa như đắc chí về phía ông chủ tịch hội đồng quản trị - Mọi hoạt động đều cần có cái phanh hãm đặt ở một chỗ nào đó. Tôi đây chính là cái phanh hãm ấy, là lực điều tiết cho hoạt động của bệnh viện. Một mai tôi không còn nữa, có lẽ ông và các bạn của ông sẽ thấy cần phải tìm một cái phanh hãm khác.
- Eustace, ông cứ nói quấy cho thiện ý của ông - Hiển nhiên Orden Brown cũng quyết định đi thẳng vào vấn đề, ông nói tiếp: - ông đã làm cho thành phố Burlington nhiều điều tốt đẹp như bất cứ người nào tôi từng được biết đến.
Eustace Swayne như ngả lui trong ghế. Ông lầu bầu:
- Có ai trong chúng ta thật sự biết được động cơ thúc đẩy lòng mình?
Ông nhìn lên:
- Chắc hẳn các ông mong đợi ở nơi tôi một món quà lớn cho việc xây dụng mở mang bệnh viện.
Orden Brown nói trơn tru:
- Thật lòng chúng nói rất mong ông vui lòng phụ giúp chúng tôi một cách rộng lượng như từ trước đến nay.
Nhỏ nhẹ và bất ngờ Eustace Swayne nói:
- Tôi thấy hai trăm năm chục nghìn đô la là mức có thể chấp nhận được.
O’Donnell nghe thấy Orden Brown hít nhanh một hơi dài. Món quà thật là hào phóng, vượt xa sự mong đợi của mọi người, ngay cả trong những lúc tin tưởng nhất.
Brown nói:
- Chẳng giấu gì ông, tôi rất lấy làm ngỡ ngàng.
- Không cần phải thế - ông cụ ngừng nói và xoay xoay đế ly rượu mạnh -Tôi vẫn chưa quyết định tuy đã suy nghĩ nhiều rồi. Trong vòng một, hai tuần nữa tôi sẽ cho các ông biết.
Bất chợt, ông quay sang O’Donnell:
- Anh có chơi cờ không nhỉ?
O’Donnell lắc đầu:
- Tôi đã bỏ từ dạo vào trường cao đẳng.
Bác sĩ Pearson với tôi đánh cờ với nhau luôn – ông nhìn thẳng vào mắt O’Donnell - Anh biết Joe Pearson chứ, tất nhiên rồi.
- Vâng, biết rõ lắm.
- Tôi quen bác sĩ Pearson kể cũng đã nhiều năm rồi, trong cũng như ngoài bệnh viện Three Counties - Eustace Swayne cố tình nói chậm rãi từng lời. Phải chăng ngầm ý dằn mặt mọi người? Khó mà đoán chắc được.
Ông nói tiếp:
- Theo tôi thấy bác sĩ Pearson là một trong những tay cừ khôi nhất của hội đồng thầy thuốc. Mong sao ông ấy còn tiếp tục trông coi khoa Xét nghiệm nhiều năm nữa. Tôi kính phục khả năng và óc phán đoán của ông ấy - kính phục hoàn toàn.
À, rõ ra rồi đấy. O’Donnell nghĩ thầm, rành rành từng chữ từng lời, một tối hậu thư gởi đến ông chủ tịch hội đồng quản trị cùng bác sĩ trưởng của bệnh viện. Bằng những lời ấy, Eustace muốn nói: nếu các ông muốn nhận được hai trăm năm mươi nghìn đô la của tôi thì đừng đụng đến Joe Pearson.
o O o
Sau đó, Orden Brown, Amelia và O’Donnell cùng ngồi trên băng ghế trước trong chiếc xe Lincoln mui xếp của Brown và trở về thành phố.
Không ai nói với ai một lời nào. Mãi sau, Amelia lên tiếng hỏi chồng:
- Anh nghĩ sao... hai trăm năm chục nghìn đô la.
Ông đáp:
- Ông ta thừa sức cho, có muốn hay không thôi.
O’Donnell hỏi:
- Ông hiểu sứ điệp của ông ta chứ?
- Hiểu - Brown nói giọng trầm tĩnh, không thêm thắt, không bàn tiếp. O’Donnell nghĩ thầm: cảm ơn. Anh biết đây là vấn đề của anh chứ không phải của ông chủ tịch.
Họ cho anh xuống ngay trước cổng vào khách sạn cũng là chỗ ở của anh. Tạm biệt nhau xong, Amélia nói thêm:
- À Kent này, nhân tiện nói chuyện với anh, vợ chồng Denise mới chỉ ly thân thôi. Tôi nghĩ có vấn đề gì đó, mặc dù Denise và tôi chưa bao giờ bàn tới chuyện này. Cô ấy ba mươi chín tuổi và có hai đứa con ở bậc trung học.
- Em nói với Kent những điều ấy làm gì? - Orden Brown hỏi. Amelia mỉm cười:
- Vì anh ấy muốn biết - Bà nắm tay áo của chồng - Anh đâu có phải là phụ nữ.
Nhìn theo chiếc xe Lincoln đi xa dần, O’Donnell ngẫm nghĩ những lời bà Amelia vừa nói. Có lẽ bà ta đã nghe thấy anh và Denie tạm biệt nhau. Lúc ấy anh lịch sự nói mong được tái ngộ với nàng. Nàng đáp: “Em ở New York với mấy đứa nhỏ. Có dịp nào đi qua đó mời anh đến chơi”.
Vào tháng tới, đại hội các nhà phẫu thuật sẽ diễn ra ở New York. Tuần trước anh đã quyết định không tham dự, nhưng lúc này anh đang tự hỏi có nên đổi ý hay không.
Bỗng nhiên anh nhớ đến Lucy Grainger và lạ lùng thay, lòng anh thoáng có một tâm trạng phản bội. Anh rời lề đường để bước đến cổng vào, chợt dòng suy nghĩ bị cắt ngang vì một giọng nói:
- Chào bác sĩ ODonnell.
Anh quay lại và nhận ra bác sĩ tập sự Seddons đi với một cô gái tóc nâu trông mặt quen quen, ý chừng là y sinh vì còn trẻ lắm. Anh mỉm cười với cả hai người: “Xin chào”, rồi dùng chìa khóa riêng mở cửa thang máy.
- Ông ấy có vẻ lo lắng- Vivian nói.
Seddons sôi nổi:
- Không phải đâu, mắt sáng lắm. Được như ông ấy rồi thì chẳng mấy khi phải lo lắng nữa.
Buổi hòa nhạc đã hết, hai người đang thả bộ về bệnh viện Three Counties. Chương trình theo kiểu hát rong rất hay, âm nhạc vui nhộn, họ cười nắc nẻ và tha hồ nắm tay nhau. Hai lần Mike vòng tay ra sau lưng ghế của Vivian rồi nhẹ nhàng hạ thấp dần, mấy ngón tay mân mê bờ vai - của nàng. Nàng cứ ngồi yên không phản đối. Trong lúc ăn tối trước khi vào nhà hát, họ tâm sự với nhau về cuộc sống. Vivian hỏi Mike về chí hướng của anh trong nghề phẫu thuật, anh hỏi vì sao nàng vào trường điều dưỡng.
- Khó nói lắm anh ạ. Chỉ biết rằng từ hồi nào đến giờ em vẫn luôn yêu thích cái nghề điều dưỡng.
Nàng kể rằng ban đầu cha mẹ nàng cực lực phản đối, nhưng rồi cũng nhượng bộ vì thấy nàng tha thiết quá!
- Dường như em muốn làm được một điều gì đó cho bản thân mình và thấy nghề điều dưỡng lôi cuốn em nhất.
- Đến nay vẫn thế chứ? - Seddons hỏi.
- Vâng. Nhưng một đôi lúc mệt mỏi, lại chứng kiến bao nhiêu chuyện ở bệnh viện, em lại nghĩ về nhà và băn khoăn không biết mình có đi đúng đường không, liệu còn có nghề nào đỡ vất vả hơn chăng. Nhưng chắc là chẳng có ai tránh được tâm trạng ấy - Nàng mỉm cười - em là người cương quyết lắm, Mike ạ, và em đã quyết định trở thành y tá.
Phải. Mike nghĩ thầm, em cương quyết lắm, anh tin như thế. Kín đáo quan sát Vivian trong lúc nàng nói chuyện, anh cảm thấy được một sức mạnh nội tâm, một tính cách cứng rắn ẩn dưới lớp vỏ ngoài thoạt nhìn có vé nhu mì rất con gái. Cũng như mấy hôm trước, anh lại cảm thấy rung động hơn, nhưng cũng lại tự khuyến cáo: “Đừng dan díu”! Nhớ đấy, mọi rung động đều có cơ sở sinh học.
Đã gần nửa đêm, nhưng Vivian đã đăng ký xin về khuya nên không phải vội vã. Các y tá đứng tuổi, trước kia được đào tạo dưới chế độ khắc nghiệt, cảm thấy giới y sinh ngày nay được ban bố cho quá nhiều tự do. Nhưng trong thực tế sự tự do ấy ít khi bị lạm dụng.
Mike sờ tay nàng:
-Ta vào công viên đi em.
Vivian phá lên cười:
- Một câu tán tỉnh cũ rích mà em đã từng được nghe. - Nhưng nàng không phản đối, Mike dìu nàng bước đến cổng vào công viên. Trong bóng tối nàng thấy lờ mờ hai hàng bạch dương. Dưới chân dìu dịu cỏ mềm.
- Anh có cả một bộ sưu tập những câu tán tỉnh: Đây cũng là chuyên khoa của anh - Anh nắm tay nàng - Em đó muốn nghe nữa không?
-Thí dụ xem nào? Tuy rất tự tin, giọng nàng cũng hơn run run.
- Thế này này- Mike dừng lại, đặt tay lên hai vai nàng và xoay nàng đối mặt với anh. Rồi anh thắm thiết hôn môi nàng.
Vivian thấy tim mình đập mạnh. Nhưng nàng còn đủ tỉnh táo để cân nhắc tình hình. Dừng lại ngay hay cứ buông xuôi? Nàng biết nếu không phản ứng ngay thì lát nữa sẽ rất khó.
Nàng biết mình thương Seddons và tin chắc sẽ còn thương anh nhiều hơn nữa. Anh có ngoại hình quyến rũ và cả hai đều còn trẻ. Nàng cảm thấy nỗi ham muốn xao động trong lòng. Họ lại hôn nhau, nàng đáp trả lại sức ép gắn bó của đôi môi anh. Đầu lưỡi anh lướt nhẹ vào trong miệng nàng nàng cũng đưa lưỡi mình ra đón; sự gặp gỡ mang đến một nỗi ngây ngất ngọt ngào. Mike siết chặt vòng tay quanh người nàng. Qua lớp vải áo mùa hè mỏng manh nàng cảm thấy hai bắp đùi của anh ép sát hơn. Đôi bàn tay anh di động vuốt ve phiến lưng nàng. Bàn tay phải buông xuống thấp hơn, lướt nhẹ sau váy nàng và rồi mạnh bạo hơn. Mỗi cái vuốt ve kéo nàng gắn chặt vào anh thêm. Nàng thấy thân thể anh rung động, ngất ngây, tuyệt vời. Cơ hồ như có một cái lý trí thứ hai nói rõ bên tai nàng rằng nếu muốn thì đây chính là thời điểm rút lui. Một chút nữa thôi nàng nhủ thầm, một chút nữa thôi mà!
Bỗng nhiên nàng cảm thấy như được thoát ra khỏi mọi chuyện khác trên đời. Nhắm mắt lại, nàng say sưa tận hưởng những giây phút nồng nàn, trìu mến. Sau ngày tháng qua, những giây phút như thế này quá hiếm hoi. Từ khi bước chân vào bệnh viện Three Counties, biết bao lần nàng phải tự chủ, tự khắc chế, cảm xúc bị đè nén và nước mắt không thể tuôn trào. Đó cả là một sự khó khăn đối với người trẻ tuổi, thiếu từng trải và hơi hoang mang. Ôi trăm nghìn nỗi khổ: công việc tất bật ở phòng bệnh, đau đớn, bệnh tật, chết chóc, mổ xẻ tử thi... mà chẳng có một cái xú gáp an toàn nào để xả bớt những dồn nén tích tụ bên trong.
Người y tá, thậm chí cả y sinh nữa, phải chứng kiến trăm nghìn nỗi đau khổ của con người và phải quên mình đi rất nhiều để cảm thông và chăm sóc họ. Vậy thì lúc này đây có gì là sai trái khi nàng đưa tay ôm lấy một vài giây phút êm đềm? Trong khoảnh khắc, giữa vòng tay của Mike nàng cảm thấy lòng mình thanh thản như thuở xa xưa nào cô bé Vivian chạy sà vào giữa vòng tay mẹ hiền.
Mike nới nhẹ vòng tay và buông nàng tách khỏi người anh một chút. “Em xinh đẹp quá!”- anh nói. Bất giác nàng gục mặt vào vai anh. Anh nâng cằm nàng lên và môi họ lại gặp nhau. Nàng cảm thấy cũng bàn tay ấy buông xuống và nhẹ nhàng di chuyển trên làn vải ngực áo nàng. Trên từng khoảng nhỏ của thân thể nàng, khát vọng yêu và được yêu trào dâng cuồn cuộn, điên cuồng, vô phương kìm hãm. Bàn tay anh đến đường viển có áo nàng. Cổ áo xẻ phía trước, ở trên cùng khép chặt bằng móc cài khuyên. Anh mân mê ở chỗ đó. Nàng vùng vẫy, hổn hển “Đừng, Mike! Đừng!” Nhưng nàng không còn thuyết phục được bản thân mình nữa, vòng tay cứ siết chặt lấy anh. Anh đã mở hé được cổ áo và nàng cảm thấy bàn tay anh di chuyển. Hơi thở nàng đứt quãng khi bàn tay ấy chạm đến và úp lên gò da thịt mềm mại, trẻ trung của nàng. Anh nắm nhẹ đầu vú giữa những ngón tay, nỗi ngất say lan tỏa khắp thân thể nàng thành cơn sóng nhục cảm tràn bờ. Nàng biết không còn rút lui được nữa rồi. Nàng khao khát, thèm muốn anh cực độ. Bờ môi nàng sát bên tai anh thì thào: “Vâng, vâng”.
- Vivian, em yêu, em yêu - Anh cũng hồi hộp không kém. Nàng nhận thấy rõ điều đó qua hơi thở dồn dập của anh.
Bản năng e thẹn của con gái thoáng lay tỉnh nàng:
- Ở đây không được, Mike ơi. Có người.
- Ta vào vườn cây đi - Anh nắm tay nàng và hai người cất bước đi sát bên nhau. Nàng hồi hộp đến run cả người, đồng thời tò mò muốn biết sự thể sẽ ra như thế nao. Nàng bất chấp mọi hậu quả vì xem ra đó chẳng phải là điều quan trọng. Vả lại, Mike là bác sĩ kia mà, anh biết cách đề phòng cho nhau.
Họ tới một khoảng đất trống có cây và bụi vây bọc.
Mike lại hôn nàng và nàng nồng nhiệt đáp lại những nụ hôn ấy bởi những cai đánh lưỡi mạnh mẽ. Thật tuyệt vời!
Vivian không còn thanh tân từ dạo trung học và trong năm đầu bậc cao đẳng nàng còn gặp thêm một biến cố nữa, nhưng cả hai lần ấy đều không được thỏa lòng. Nàng biết dịp này sẽ thật trọn vẹn. “Mau lên, Mike, mau lên đi!” Nàng cảm thấy sự ham muốn của mình truyền sang con người anh.
- Bên đây, cưng - Anh nói, và hai người bước ra mép khoảng đất trống.
Bất thình lình nàng cảm thấy đau xé. Đau dữ dội đến nỗi nàng không định ngay được vị trí tổn thương. Nhưng rồi nàng biết đó là đầu gối chân trái. Nàng buột miệng hét lên.
- Sao thế? Vivian, có chuyện gì?- Mike quay phắt lại.
Nàng thấy anh bối rối vì chưa hiểu ra đầu đuôi như thế nào.
Nàng nghĩ thầm: “Có thể anh ấy cho rằng mình bày trò. Nhiều cô dùng kế này để thoát ra khỏi những tình huống như lúc này đây”.
Cơn đau khủng khiếp lúc đầu đã dịu đi được một chút, nhưng sau đó nó trở lại thành từng đợt sóng.
- Mike, đầu gối em làm sao ấy. Có chỗ nào ngồi được không? - Nàng lại chần chừ.
- Vivian, em đừng làm bộ như thế. Nếu em muốn về bệnh viện, cứ nói, anh sẽ đưa em về.
- Em nói thật đấy, Mike ạ -Nàng bám vào tay anh. Chỗ đầu gối đau quá đi. Em phải ngồi xuống thôi.
- Đi lối này.
Nàng thấy anh còn hoài nghi, nhưng anh vẫn dìu nàng đi ngược lai lối cũ qua những rặng cây, đến một chiếc ghế đá.
Ngồi xuống nghỉ, Vivian nói:
- Xin lỗi anh, em không giả bộ đâu.
- Thật nhé? - Anh hỏi giọng nghi ngờ.
Nàng nắm tay anh:
- Mike... ban nãy. Em cũng muốn như anh vậy thôi. Không ngờ...
Chỗ đau lại nhói lên.
- Anh xin lỗi Vivian. Cứ ngỡ là...
- Em biết anh nghĩ gì rồi. Nhưng không phải thế đâu. Thật đấy.
- Được rồi. Cho anh biết em đau thế nào nào - Mike trở lại vai trò bác sĩ. Ban nãy anh đã quên tất cả.
- Chỗ đau đầu gối đây này. Bỗng dưng đau quá.
- Cho anh xem - Mike cúi xuống trước mặt nàng. Nàng nhấc váy để lộ đầu gối chân trái. Anh nắn bóp một cách thận trọng bàn tay lướt nhẹ trên chỗ đau. Trong khoảnh khắc Mike Seddons quên đi rằng đây là một cô gái mà mấy phút trước anh sắp cùng nàng ái ân. Cử chỉ của anh lúc này mang tính cách nghiệp vụ, phân tích. Theo thói quen nghề nghiệp anh cân nhắc mọi khả năng một cách có phương pháp. Lớp bít tất ny lông của Vivian làm cản trở xúc giác của anh.
- Kéo bít tất xuống đi Vivian.
Nàng vâng lời. Bàn tay anh lại xoa nắn trên đầu gối.
Nhìn anh làm việc, nàng nghi thầm: “Anh là người tốt, một bác sĩ tài giỏi, người ta sẽ đến cậy nhờ anh và anh sẽ vui lòng phục vụ hết khả năng”. Nàng thầm tự hỏi cuộc sống sẽ ra sao nếu hai người ở bên nhau mãi mãi. Là y tá nàng sẽ làm được nhiều công việc hữu ích cho anh và hiểu được các hoạt động của anh. Nàng nhủ thầm: thật là vớ vẩn! Anh ấy với mình hầu như chưa biết gì về con người của nhau.
Cơn đau bỗng trở lại. Vivian nhăn mặt.
- Trước đó em có bị thế này chưa?- Mike hỏi.
Thoáng nhận ra tình cảnh oái oăm, nàng bật cười khúc khích.
- Gì thế, Vivian - giọng Mike lộ vẻ bối rối.
- Em đương nghĩ. Mấy mấy phút trước thôi... thế mà lúc này anh lại ở đây, chẳng khác gì ở phòng khám.
- Nghe đây cô bé - Mike nghiêm trang - trước đây em đã bị thế này bao giờ chưa?
- Chỉ một lần nhưng không đến nỗi như bữa nay.
- Bao giờ?
Nàng ngẫm nghĩ:
- Cách đây khoảng chừng một tháng.
- Em có hỏi thăm ai về điều này không? Lúc này anh đã hoàn toàn nhập vai một bác sĩ.
- Không. Thế em phải hỏi thăm cơ à?
- Anh trả lời vô thưởng vô phạt:
Có lẽ. Rồi nói thêm - Ngày mai em phải đi khám ngay. Tốt nhất là bác sĩ Grainer.
- Mike, có sao không?- Nàng cảm thấy lo sợ.
- Chắc là không - Anh trấn an nàng - Nhưng có một khối u lẽ ra không được có ở đấy. Bác sĩ Lucy Grainger sẽ cho ta biết rõ hơn. Sáng mai anh sẽ nói chuyện với cô ấy thôi, để anh đưa em về. Tâm trạng ban đầu không còn nữa và không thể trở lại được nữa trong đêm nay. Cả hai đều biết như thế.
Mike đỡ nàng đứng lên. Khi vòng tay qua người nàng, bỗng nhiên anh thấy muốn giúp đỡ và bảo vệ nàng.
- Liệu em đi được không? Anh hỏi.
- Được Hết đau rồi. Ta cố ra tới cổng. Ngoài đó có tắc xi - Thấy nàng ủ rủ, anh nói thêm mấy lời pha trò: ông bệnh nhân ấy keo kiệt quá, cho vé đi ăn và nghe hòa nhạc mà lại không kèm tiền đi xe.
Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng - Arthur Hailey Lời Chẩn Đoán Cuối Cùng