Số lần đọc/download: 43682 / 355
Cập nhật: 2023-04-08 21:55:05 +0700
Chương 5 - Những Chuyện Kể Của Tướng Qua
S
ở dĩ có chương này trong hồi ký của tôi vì người phương Tây có câu phương ngôn đầy ý nghĩa xã hội: Một nửa sự thật không phải là sự thật. Vì người ta mới chỉ viết có một nửa sự thật nên có những nhân vật có thời được dựng tượng, nhưng một thời gian không lâu, chỉ vài chục năm sau, thiên hạ lại kéo đổ thần tượng đó xuống. Nhưng hàng trăm năm nay, không có ai kéo tượng của Puskin, của Victor Hugo xuống cả. Lịch sử công bằng như thế.
Tướng Lê Hữu Qua, tên khai sinh là Lê Phú Cường (1914-2001), là chú ruột của tôi. Ông là nhân chứng sống của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 cho đến khi ông qua đời, 2001. Ông tham gia Việt Minh từ năm 1943, từng làm trưởng Ban trinh sát Sở Công an Bắc Bộ năm 1945, là người phá vụ án phố Ôn Như Hầu nổi tiếng sau Cách mạng tháng Tám. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947 ông được cử làm Giám đốc Công an khu 11 (tức Công an Hà Nội). Khi Nha Công an trung ương chuyển lên Việt Bắc, ông được giao làm Phó Ty Trật tự tư pháp. Đến tháng 3 năm 1954 ông được cử đi bảo vệ đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đi dự hội nghị Genève tại Thụy Sĩ. Khi hội nghị kết thúc, ông được cử tham gia đoàn của chính phủ đi công tác tại Ý, Ai Cập, Ấn Độ, Miến Điện, Hồng Kông. Về Việt Nam ông được điều về Hà Nội gấp để bảo vệ Hồ Chủ tịch và ông Phạm Văn Đồng trong cuộc gặp đại diện Cộng hòa Pháp Sainteny tại Phủ Chủ tịch ngay sau giải phóng thủ đô. Năm 1956, ông làm Phó Giám đốc Vụ Trị an Dân cảnh. Đến tháng 5-1962 ông được chính phủ cử làm Cục trưởng Cục Cảnh sát Nhân dân với quân hàm thượng tá cảnh sát và giữ chức vụ này cho đến năm 1967. Ông là người xây dựng lực lượng cảnh sát nhân dân từ ngày đầu ấy. Sau thời gian đi học trường Nguyễn Ái Quốc về, ông giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý trại giam cho đến năm nghỉ hưu 1980. Thời gian làm Cục trưởng Cục quản lý trại giam ông phải đảm nhận nhiều sĩ quan cấp tướng, cấp tá và quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn ra Bắc cải tạo, cũng như các trại cải tạo khác ở toàn quốc. Ngày 18-4-1977 ông được Chủ tịch Tôn Đức Thắng phong hàm Thiếu tướng công an. Bạn đọc chỉ cần gõ vào google mấy chữ “Thiếu tướng Lê Hữu Qua và những chiến công…” là có ngay bài viết cùng nhan đề trên báo Công an Nhân dân xuân Đinh Hợi 2007 để được biết về ông. Khi ông mất, báo Nhân dân số ra ngày Chủ nhật 21-1-2001 đã đăng ở đầu trang 8 tin buồn, nguyên văn: Đảng ủy Công an Trung ương Bộ Công an; Đảng ủy UBND phường Hàng Mã, Q. Hoàn Kiếm Hà Nội và gia đình thương tiếc báo tin đồng chí Thiếu tướng Lê Hữu Qua, sinh năm 1914, quê quán phường Phúc xá, Q. Ba Đình Hà Nội; Trú quán 28 Hàng Rươi phường Hàng Mã, Q. Hoàn Kiếm Hà Nội; Tham gia cách mạng năm 1943, vào Đảng CSVN năm 1945; nguyên Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng Bộ Công an, đã về hưu. Huân chương độc lập hạng ba, huân chương quân công hạng nhất, huân chương kháng chiến hạng hai, huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, huy chương vì thế hệ trẻ, huy chương vì sự nghiệp giáo dục, kỷ niệm chương của Bộ Nội vụ Cuba và nhiều huân chương khác, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, đã từ trần hồi 4g 10 phút ngày 20/1/2001 tạ bệnh viện Hữu Nghị. Lễ viếng bắt đầu lúc 8g ngày 22/1 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (39 Trần Khánh Dư Hà Nội). Lễ truy điệu lúc 12g cùng ngày, an táng tại nghĩa trang xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm TP Hà Nội.
Một người nằm trong ngành an ninh và giữ nhiều trọng trách như thế nên ông biết nhiều sự thật. Trong những lúc vui buồn dài theo năm tháng, ông đã kể cho thằng cháu ruột của mình - đích tôn của dòng họ Lê Phú - những sự thật đó một cách vô tư. Những câu chuyện của ông không có lớp lang gì cả, nhân sự việc này, ông kể câu chuyện có liên quan. Lúc nghe ông kể, tôi cũng không có ý thức phải ghi lại để sau này chép “sử” như nhà báo Huy Đức đã viết “Bên thắng cuộc”. Nhưng tôi nhận thấy cần phải viết lại những điều tướng Qua đã kể, để “một nửa sự thật” mà người đời không biết đến, hoặc người biết cố tình ém nhẹm đi, rồi lịch sử bị chôn vùi.
Những nhân vật mà người ta chỉ biết đến “một nửa” về họ được suy tôn như những danh nhân hào kiệt, còn người đáng vinh danh lại không được ai nhắc đến. Báo Sài Gòn Giải Phóng thời ông Tô Hòa làm tổng biên tập, số ra ngày chủ nhật 1/6/1989 đã đăng bài thơ “Sự thật phải đong đầy” của tôi:
Con tôi hỏi
Cái gì mắc nhất
Tivi hay tủ lạnh, honda?
Mai con lớn rồi con sẽ hiểu
Mắc nhất trên đời là sự thật con ơi!
Một nửa bánh mì vẫn là chất bánh
Một nửa dòng sông vẫn có đôi bờ
Một nửa vầng trăng vẫn thành nỗi nhớ
Một nửa cái hôn vẫn thấy ngọt ngào
Còn sự thật - con ơi - một nửa
Ngừoi trung kiên vẫn chết gục giữa đường
Kẻ bất lương vẫn trên ngôi thần thánh
Thằng lưu manh vẫn khoác áo anh hùng!
Sẽ muôn đời là dối trá, dối trá
Khi sự thật chẳng đong đầy
Bài thơ này gây bất ngờ cho nhiều người đọc thời đó. Ông Tô Hào sau một lần chất vấn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã bị cho thôi chức, về hưu. Nay cuối đời, có thời gian tôi quay lại đề tài của bài thơ này trong chương mục “Chuyện kể của tướng Qua”. Tôi hệ thống lại các mẩu chuyện kể về các nhân vật cho rõ nét, có những chuyện không nhớ thời gian kể, chỉ nhớ nội dung chuyện vì thế tôi gom lại thành những chủ đề để ghi lại. Những chuyện tướng Qua kể cho tôi nghe hoàn toàn ngẫu hứng và vô tình, trong những lần chú cháu gặp nhau. Như tôi đã kể trên đây, hàng tháng tôi phải lên nhà tướng Qua để nhận số tiền 30 đồng về cho ông bà nội tôi. Những năm sinh viên, tôi chỉ được nhận nửa học bổng tức 11 đồng /tháng còn thiếu 11 đồng phải đóng cho nhà trường. Vì thế mà chiều thứ bảy nào tôi cũng phải cắt cơm ở nhà bếp. Chủ nhật thì ăn no ở nhà rồi chiều mới vào trường để số tiền phải đóng ít đi. Là học sinh thành thị quen ăn sáng khi vào trường không được ăn sáng nên đói không học được. Ngày ấy tôi chăm lên nhà chú Qua tôi để cuối tháng còn xin một tập báo nhân dân về bán ve chai (đồng nát) lấy tiền ăn sáng. Bà thím tôi là một phụ nữ rất tằn tiện và tốt bụng. Bà thu gom đủ 30 số báo nhân dân hàng tháng, chờ đến cuối tháng tôi lên, cho tôi đem về bán ve chai. Bấy giờ giấy hiếm lắm, báo nhân dân lại là giấy khổ to bán được tiền cũng khá. Tôi nhớ, 30 tờ bán được đủ số tiền để mỗi sáng có được bát cháo lươn giá một hào do căn tin nhà trường bán cho sinh viên ăn sáng. Mỗi lần tôi lên nhà chú tôi là được giữ lại ăn cơm chiều. Chú thím tôi không có con, sau này nhận nuôi một bé còn nhỏ rồi lớn lên em tôi đi Liên Xô học nên nhà rất vắng vẻ. Trong những bữa cơm chiều, tôi thường được nghe nhiều câu chyuện nhân tình thế thái. Chương 5 của cuốn hồi ký này có được là nhờ những câu chuyện hàn huyên như thế. Tất nhiên còn nhiều chuyện được tướng Qua kể trong những dịp khác.
Chuyện về ông Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn.
Gộp những gì tướng Qua nhắc đến thì đây là một ông quan liêu nặng, dốt nát nhưng hay khoe mẽ, ích kỷ và dối trá, thích cấp dưới tâng bốc mình, ghét người trung thực, đặc biệt là ghét trí thức. Ông đã loại bỏ trí thức ra khỏi guồng máy công an. Vợ ông là một người tham lam vô độ, cái gì vơ được là vơ… Chưa bao giờ tôi thấy tướng Qua gọi tên hay chức vụ Bộ trưởng đối với Trần Quốc Hoàn. Ông gọi vị Bộ trưởng này bằng tên H lưu manh! Không nhân nhượng gì cả. Ông gọi tắt chữ Hoàn bằng âm H (hát). Lần đầu tiên tôi nghe ông gọi thế, và mãi sau này vẫn gọi thế. Nhiều lúc tôi thấy thương ông chú tôi, suốt đời phải làm việc với một vị thủ trưởng như thế. Cũng nhiều lúc tôi thấy giận ông vì sao không thể… bỏ mà đi, không làm việc ở Bộ Công an nữa. Nhưng sau này gặp nhà văn Tuấn Vinh, chuyên viết truyện về đề tài công an, cùng công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam với tôi, biết tôi là cháu tướng Qua, nên đã tặng tôi tập sách “Bão táp mùa thu” của NXB Công an nhân dân 1995 gồm các truyện ký về sự trưởng thành của công an thủ đô nhân 50 năm thành lập ngành công an nhân dân của nhiều tác giả. Trong bài “Những ngày đầu” hồi ký của Lê Hữu Qua do nhà văn Mai Ngữ ghi lại, trong hơn 30 trang hồi ký đó có đoạn: “Anh em chúng tôi đa số là lớp thanh niên mới lớn, nhiều cậu lúc ấy chưa hề tỏ tình với cô gái nào là cách mạng đến. Nếu gọi là mối tình đầu của người con trai thì cách mạng là mối tình đầu của họ… một tình yêu chung thủy và sắt son, mặc dù sau bao nhiêu năm có nhiều điều làm ta bực bội. Có nhiều kẻ mang danh cách mạng làm chuyện vô lương, nhưng nếu có ai chống lại cách mạng thì chúng tôi không chịu nổi…”.
Càng ngẫm tôi càng thương chú tôi, một thanh niên Hà Nội đẹp trai giỏi võ nghệ, giỏi bắn súng, giỏi lái xe hơi, nói thạo tiếng Pháp và… chỉ có “một mối tình đầu” là cách mạng và suốt đời chung thủy với mối tình đó nên ông không thể từ bỏ được. Ông không thể như Sartre “đi tìm niềm trung thành mới”. Đầu năm 60, tôi đến Bộ Công An chơi với chú tôi vì nhà ông ở ngay trong cơ quan Bộ, đi vô phải qua vọng gác. Ông ở trong một căn phòng nhỏ ở trên tầng lầu. Hai vợ chồng chỉ có một phòng cho tất cả mọi sinh hoạt. Tôi liếc nhìn bốn bề… Hiểu ý tôi, tướng Qua chỉ tay xuống căn biệt thự rất sang trọng dưới cửa sổ và nói: Tên H lưu manh này chỉ biết hắn thôi. Sau ngày giải phóng thủ đô, hắn chiếm ngay ngôi biệt thự này (nằm trên đường Trần Bình Trọng, một phía của biệt thự giáp đại lộ Trần Hưng Đạo, phía đối diện là Bộ Công an, chiếm cả dãy phố Trần Bình Trọng). Tất cả các cán bộ cao cấp khác, hắn bắt ở trong cơ quan Bộ với lý do “bảo vệ cán bộ”. Nhiều ngôi nhà quanh hồ Hale, chủ nhân di cư vô Nam, anh em xin ra ở đó H cũng không cho. Sau này lên thăm chú tôi nhiều lần, tôi mới biết đối diện phòng ông là phòng của Thứ trưởng Viễn Chi, sát đó là phòng của gia đình ông Nguyễn Công Tài, Cục trưởng. Vậy là hai vị Cục trưởng và một vị Thứ trưởng phải ở chung một tầng lầu chật hẹp, đi chung cầu thang, mọi tiện nghi sinh hoạt khác đều ở tầng trệt công cộng. Ông Viễn Chi có đứa con bị tật, ông phải đưa người bố đẻ ở quê lên để trông cháu. Tất tật chui rúc trong một căn phòng. Cụ thân sinh ra ông Viễn Chi rất đẹp lão, trông như một ông tiên. Một lần tôi sang chơi với cụ lúc mọi người đi vắng, cụ còn đọc thơ cho tôi nghe. Cụ lấy bút danh là Dã Tiên (ông tiên nơi thôn dã). Cụ than phiền với tôi phải rời quê ra đây, ở căn phòng chật hẹp này, cụ buồn lắm. Nhưng vì “thương anh Chi” nên cụ phải ở. Nói chuyện với cụ, tôi thấy đây là một ông già rất thông thái. Cụ thấy tôi đã 20 tuổi nhưng gầy yếu cụ khuyên tôi một vài năm nữa phải lấy vợ vì luật âm dương phải hài hòa!!! Một ông già như ông Dã Tiên phải được sống ở nơi non xanh nước biếc mà lại bị cầm tù ở cái gác ấy thì thật là đáng trách. Một lần, cũng do vô tình, tôi được một vị trung niên rất đẹp tướng, cao to, mặt mũi sáng sủa, là hàng xóm của tướng Qua kêu tôi sang nhà nhờ khiêng một cái giường cá nhân. Tôi thấy nhà ông ấy có nhiều sách lại có hai cái điện thọai mắc ở đầu giường, trong khi tướng Qua chỉ có một điện thoại. Tôi hỏi tướng Qua ông ấy là ai mà oai vậy? Tướng Qua cười bảo tôi, cháu học văn mà không biết, ông ấy là ông Tài con nhà văn Nguyễn Công Hoan đó. Cái thế giới nhà tập thể nó thế. Ai có ở nhà tập thể do cơ quan cấp mới thấy chán chường. Đã cả ngày nhìn thấy nhau ở cơ quan, đến khi về đến nhà riêng ra vào lại phải gặp những gương mặt đó. Hợp nhau đã vậy còn nếu không thì chỉ mong dọn đi chỗ khác. Có lẽ vì chán ở tập thể nên chú tôi tìm cách dọn ra ở bên ngoài. Di chuyển đôi lần rồi cuối cùng ông ở 28 phố Hàng Rươi cho đến cuối đời. Lý do về ở phố, theo ông nói với tôi là “thích ở gần dân”. Nhưng ngôi nhà 28 Hàng Rươi cũng vô cùng chật hẹp. Nhà hình ống, bề ngang chỉ hơn 2 m, cầu thang lên dựng đứng. Đi ra đi vào phải lách, vậy mà ông đã ở đấy cho đến lúc ra đi… Có lần, một người ở quê ra chơi, thấy ngôi nhà bé quá, khi về ông ta nhỡ miệng than với mọi người: Nhà ông tướng gì mà như cái chuồng chó! Sau này nghe được câu nói đó, tướng Qua buồn lắm!
Cả một đời ngang dọc, đánh đông dẹp bắc chiến tích đầy mình mà đến cuối đời chú tôi vẫn phải ở trong căn nhà “như cái chuồng chó” ấy thật là bất công. Bây giờ, mỗi khi vô một căn nhà, chủ nhân chỉ là viên sĩ quan cấp tá thôi nhưng nhà họ nguy nga như một lâu đài. Tôi mới ngẫm ra rằng, như một nhà hiền triết đã nói: “Nghĩ ra một chủ nghĩa bao giờ cũng là các bậc thiên tài. Thực hiện cái chủ nghĩa đó bao giờ cũng là những người cuồng tín và hưởng thành quả của chủ nghĩa đó thì bao giờ cũng là bọn lưu manh”.
Nói về tính ích kỷ và sự dối trá của Trần Quốc Hoàn tướng Qua có lần kể, dưới bàn làm việc của tên H là một cái hầm. Chỉ cần bấm nút một cái là cả bàn giấy của H thụt xuống hầm sâu. Căn hầm có thể tránh được bom nguyên tử. Bên phố Yết Kiêu gần đấy, dưới đất là cả một căn hầm rộng mênh mông. Tên H rất sợ chết, chỉ lo bảo toàn tính mạng cho riêng hắn.
Khi nói đến sự láu cá, cơ hội, nịnh hót trong hàng ngũ lãnh đạo Bộ Công An, tướng Qua dẫn ra những nhân vật thật tức cười. Đó là Thứ trưởng Minh Tiến, cái ông đã làm giấy mượn khẩu súng lục của ông nội tôi khi còn là chủ tịch xã … Minh Tiến thường lảng vảng trong sân Bộ mỗi khi Trần Quốc Hoàn đi đâu về khuya. Khi nghe thấy tiếng xe của Hoàn về là Minh Tiến chạy vội lên phòng, bật đèn sáng choang, ngồi ngay ngắn… “làm việc”! Vì thế Hoàn thường khen: Ở Bộ này chỉ có Minh Tiến là “thức khuya dậy sớm” mà thôi. Cái nghề ở tập thể nó thế. Không ai che giấu được cái tốt, cái xấu với mọi người. Một nhân vật nữa là Cục trưởng Hoàng Mai, Cục trưởng Cục trại giam trước khi tướng Qua tiếp nhận chức vụ này. Hoàng Mai đi công tác từ Hà Nội, đến Bắc Giang thì bắn được một con chim gáy. Hắn vội quay xe về, chạy hộc tốc lên gác nhà Trần Quốc Hoàn, biếu vợ Hoàn con chim gáy đó và được vợ Hoàn khen nức nở là người tốt. Và dĩ nhiên là được Bộ trưởng Hoàn xếp vào danh sách cán bộ tin cậy.
Nói về sự nịnh hót của cấp dưới và sự ba hoa phét lác của “tên H lưu manh”, tướng Qua kể mỗi năm Bộ Công An có một cuộc họp toàn quốc vào cuối năm. H ba hoa xích đế trên diễn đàn. H thường mời những tay có học vị phó tiến sĩ đỗ đạt ở Liên Xô về nói các vấn đề mới về khoa học cho mình nghe. Khi hội nghị toàn quốc của ngành hắn đem những điều nghe được lõm bỏm đó ra ba hoa với hội nghị. Đến giờ giải lao, hắn chạy xuống chỉ tay vào những người ở hàng ghế đầu, thường là Thứ trưởng, Cục trưởng hỏi: Tôi nói nghe có được không? Thế là lập tức có kẻ xoa xoa hai tay, tâng bốc: Nghe Bộ trưởng nói cứ… sáng ra, ước gì một năm có vài lần hội nghị toàn quốc thế này để anh em được nâng cao trình độ. H sung sướng cười híp cả mắt. Vì thế nên tôi và HH (Cục trưởng) đến kỳ họp toàn quốc phải lẩn xuống chỗ các trưởng ty ngồi để đề phòng tên H nhỡ ra lại chỉ tay vào mình mà hỏi: Tôi nói thế anh Qua thấy thế nào? Chả nhẽ lại nói, anh nói tôi nghe như… cục cứt!
Nói về sự ton hót, tướng Qua kể một chuyện đáng buồn nôn. Đó là kỳ họp sau khi thống nhất đất nước. Sau khi nói về sự “tiến bộ” của ngành, tên H hỏi anh em: Đánh giá ngành ta thế có khách quan không? Một tên ton hót đã thưa: Thế mà có người nói rằng đi xa, lâu ngày về Bộ thấy chẳng có gì thay đổi cả(!) Tôi nghe câu đó giật mình lo cho Nguyễn Công Tài. Tài đi B công tác 9-10 năm, bị tù rất anh dũng, sau khi đất nước thống nhất được đón về như một vị anh hùng. Nhưng Tài thẳng thắn, và chính Tài là tác giả của câu nói đó. Và quả thật, Tài đã lâm nạn. Chỉ ít lâu sau bị “nghi vấn” là khi ở tù có khai báo và bị chuyển đi khỏi ngành.
Nói về sự bịp bợm của tên H, tướng Qua kể, hắn mua rất nhiều máy tính điện tử, ngày nay gọi là máy vi tính. Tốn kém không biết bao nhiêu là tiền của công quỹ. Hắn báo cáo với Bộ Chính trị rằng, với thứ máy móc siêu việt này, án nào cũng phá được. Những người công tác lâu năm trong công việc điều tra hỉnh sự thì hiểu rất rõ rằng, nếu đưa dữ liệu sai vào máy tính thì còn nguy hiểm gấp trăm lần vì máy sẽ nhân cái sai lên trăm lần. Để nói về sự trung thực trong công tác điều tra, không quan liêu, không ép cung, để “phá án” lấy thành tích tướng Qua đã kể cho tôi nghe nhiều lần “Vụ án ở nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm Hà Nội”. Câu chuyện như sau: Giám đốc nhà máy cơ khí xe lửa Gia lâm tự tử. Nhưng vì muốn có thành tích, Sở Công An đã ép cung đến 8-9 cán bộ. Vì bị tra tấn ép cung quá, không chịu nổi họ đều đã nhận giết ông giám đốc nhà máy. Án được “phá” nhanh chóng và được báo cáo lên Quốc Hội, được chủ tịch Quốc Hội Trường Chinh khen. Nhưng một hôm, cái xác ông giám đốc nhà máy ấy được vớt lên ở cửa sông Hồng thuộc tỉnh Hưng Yên. Sau khi khám nghiệm tử thi, trưởng phòng đại úy Tích kết luận là nạn nhân tự sát, không phải bị giết. Nửa đêm, đại úy Tích đạp xe về Bộ báo cáo Cục trưởng cảnh sát Lê Hữu Qua. Ông Cục trưởng nói: Nếu đúng vậy thì anh làm hồ sơ thật cẩn thận để điều tra lại. Thế là bùng nổ cuộc xung đột giữa giám đốc công an Hà Nội lúc đó mà đứng sau là Thứ trưởng Lê Quốc Thân với Cục cảnh sát nhân dân, đứng đầu là Cục trưởng Qua. Cuộc đối đầu này, mà theo Cục trưởng Qua thì “Hồ sơ đã lên đến hàng tạ giấy” mà không phân thắng bại, phải trái. Nhưng quyết tâm của Cục cảnh sát là phải minh oan cho các nạn nhân bị ép cung. Cuộc đấu tranh một mất một còn này kéo thêm một cái chết nữa của một viên bác sĩ pháp y của quân đội quốc gia (Bảo Đại). Viên thiếu tá pháp y rất giỏi này được mời tham gia vụ án. Trong một phiên họp rất căng do Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chủ trì, bác sĩ giáo sư Tôn Thất Tùng vì quá lo sợ, mồ hôi vã ra như tắm. Ông rút khăn tay trong túi lau mặt khiến những gói mì chính nhỏ rơi ra (Bác sĩ Tùng có thói quen gói những gói mì chính (bột ngọt) nhỏ trong người để mỗi khi ăn phở ông lấy ra một gói cho vô tô phở). Thời đó, bột ngọt quý như vàng. Bác sĩ Tùng phải là người sang lắm mới có sẵn thứ này trong người. Tướng Qua kể, thấy giáo sư Tùng run quá, tôi phải nhặt dùm ông các gói mì chính rồi để lại vào túi cho ông. Tôi nói: Giáo sư cứ bình tĩnh phát biểu. Giáo sư Tùng đã từ chối kết luận vì ông không phải là Pháp y. Đến lượt viên thiếu tá pháp y của quân đội quốc gia Bảo Đại phát biểu, sau khi chứng minh ông giám đốc không phải bị giết. Trong cơ xúc động, ông thiếu tá đấm tay vô chiếc bảng treo trên tường và nói lớn: Nếu giám đốc nhà máy cơ khí xe lửa Gia Lâm mà bị giết thì đốt hết sách vở đi! Nói xong, ông ta uống gói thuốc độc lấy ra từ túi và gục xuống chết ngay tại phòng họp. Tướng Qua cũng nói tỉ mỉ về vai trò của ông Lê Đức Thọ trong vụ này. Ông kể: Ông Thọ yêu cầu chúng tôi phải mang đạo cụ đến nhà riêng của ông, diễn lại vụ tự tử của giám đốc nhà máy như quan điểm của Cục Cảnh sát. Chúng tôi phải chở đến cả một xe tải dụng cụ, y như là một gán hát chở phông màn đến diễn tuồng. Cực nhất là phải mua cả tiết heo để vẩy lên hiện trường để thuyết minh các tình tiết về các vết máu khi xảy ra sự việc. Xem kỹ “vở diễn” ông Thọ kết luận là phải tiếp tục điều tra để đi đến kết luận. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi một phiên họp, có cả giám đốc trại giam đang giam giữ các tù nhân bị ép cung, Thứ trưởng Lê Quốc Thân ra hiệu bằng mồm (ám hiệu bật môi khi phát âm chữ bờ-b không thành tiếng) là bắn các tù nhân để bịt đầu mối. Tôi biết Thân hay ra ám hiệu nên theo dõi Thân rất kỹ trong cuộc họp. Đến khi hắn ra hiệu “bắn”, tôi báo ngay cho ông Thọ biết. lập tức ông Thọ điện cho Thân hỏi, có phải anh ra lệnh bắn tù để bịt đầu mối vụ án phải không? Sau này anh em kể lại, nghe điện thoại của ông Thọ xong, Thân chửi ầm lên là lại thằng Qua báo cáo chứ gì.
Tình hình Bộ Công An lúc đó rất căng thẳng giữa Cục Cảnh sát và Thứ trưởng Thân. Trong một phiên họp có phó Ban kiểm tra trung ương là Trần Kiên dự, Lê Quốc Thân đã chỉ thẳng vào mặt Cục trưởng Lê Hữu Qua nạt: Anh Qua sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc rũ rối vụ án đã được khép lại này. Tướng Qua cũng kiên quyết: Tôi phản đối đến cùng kết luận của giám đốc công an Hà Nội và anh.
Cuối cùng thì một đoàn chuyên gia của Bộ Công An nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức được mời sang. Theo tướng Qua, nước Đức có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ phá án. Quan điểm của các bạn Đức là nếu có án thì hung thủ phải để lại hiện trường dấu vết, và nếu có dấu vết thì sẽ tìm ra thủ phạm.
Đoàn của Đức đi riêng một chuyên cơ gồm 10 người, gồm chuyên gia các lĩnh vực. Tướng Qua cho hay có một ông gọi là “chuyên gia thắt cổ”. Ông đem theo cả một bộ sách dầy, tổng kết tất cả các hình thức thắt cổ kèm theo hình vẽ, có từ thời Hy Lạp cổ đại đến giờ. Bộ sách phân tích và kết luận sau mỗi vụ án thắt cổ một cách khoa học để người ta đến hiện trường có thể kết luận ngay, chính xác đến 50% là nạn nhân bị thắt cổ hay tự thắt cổ, sau đó điều tra tiếp.
Tướng Qua đã kể cho tôi nghe nhiều lần về những ông bạn Đức tài giỏi này. Ví như các bạn khuyên ta không nên đổi tên phố, tên đường, tên xã… vì như thế sau này rất khó phá án. Và chuyện vụ án kia, thật “kỳ lạ”, chỉ sau một thời gian ngắm làm việc, đoàn chuyên gia Đức đã kết luận ông giám đốc nhà máy xe lửa Gia Lâm tự sát, không phải bị giết. Tất cả tù nhân liên quan đến vụ án được tha bổng!
Một buổi sáng đẹp trời sau đó không lâu, tôi lên nhà tướng Qua chơi, ông chỉ tay về phía cửa sổ hướng tới Sở Công An Hà Nội ở đường Trần Hưng Đạo, nơi đang có tiếng nhạc ồn ào phát ra, noói: Sáng nay Sở “đưa đám” giám đốc Long. Thì hóa ra, sau vụ án ép cung này, giám đốc công an Hà Nội lúc đó bị cách chức, điều đi làm trưởng ban dân quân tự vệ Bộ Giao thông Vận tải. Sáng hôm đó người ta liên hoan tiễn đưa ông mà tướng Qua bảo là “đưa đám giám đốc Long”. Sau khi giám đốc công an Hà Nội bị cách chức, tướng Qua phải đi học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vì giữa Cục Cảnh sát và Thứ trưởng Thân “không thể làm việc với nhau được nữa”.