Nguyên tác: The Upside Of Irrationality
Số lần đọc/download: 323 / 54
Cập nhật: 2020-04-26 15:10:07 +0700
Chương 8: Thị Trường Sụp Đổ
Một ví dụ về Hẹn hò qua mạng
Những thế kỉ trước, bà mối, hay người mai mối đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội truyền thống. Một chàng trai hay một cô gái (hay cha mẹ của họ) chỉ cần nói với bà mối “hãy tìm cho con tôi một người xứng đôi vừa lứa,” như lời hát trong bài Fiddler on the Roof. Thế là, để thu hẹp diện tìm kiếm khách hàng, bà mối sẽ phải tìm hiểu mọi thứ về cô/cậu thanh niên và gia đình của người ấy (đó là lí do tại sao từ “bà mối” thường đồng nghĩa với từ “ngồi lê mách lẻo” hoặc “người hớt lẻo”). Mỗi khi tìm thấy một đối tượng có vẻ phù hợp, bà ta sẽ dắt mối để hai bên gia đình gặp gỡ nhau. Bà mối sẽ chạy qua chạy lại, vun vén cho thương vụ và được trả tiền cho công việc mai mối của mình (theo ngôn ngữ kinh tế là “môi giới”), dẫn dắt cho 2 bên gặp được nhau.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vù một cái đã đến giữa những năm 1990 – thế giới chẳng còn chỗ cho những bà mai (và ở hầu hết các xã hội phương Tây, thì những hôn nhân sắp đặt như thế cũng chẳng còn tồn tại), nhưng cũng chưa kịp xuất hiện hình thức hẹn hò qua mạng. Quan niệm về sự lãng mạn và tự do cá nhân trở nên thắng thế, nhưng những người vẫn có nhu cầu tìm đối tác có vẻ bị bỏ rơi và phải tự xoay sở trong phạm vi của mình. Tôi vẫn nhớ câu chuyện về một anh bạn mà tôi tạm gọi là Seth. Anh này thông minh, hài hước, và hình thức cũng khá. Anh vừa được công nhận là Giáo sư Đại học, điều đó có nghĩa là anh đã nghiên cứu rất nhiều năm để chứng minh là mình có đủ điều kiện để ngồi vào vị trí đó. Rất hiếm khi anh rời khỏi nhiệm sở trước 8 hoặc 9 giờ tối, và hầu hết các ngày cuối tuần, anh vẫn đến văn phòng làm việc (tôi biết điều này vì văn phòng của tôi ở ngay cạnh văn phòng của anh ấy.) Trong khi ấy, mẹ của anh cuối tuần nào cũng gọi điện thoại và thúc giục con trai: “Con ơi, con cũng phải dành thời gian mà đi kiếm vợ chứ? Mẹ sắp già rồi, chẳng còn bao lâu nữa mà vui vầy với con với cháu!”
Seth rất thông minh và tài năng, điều đó đã được kiểm chứng qua thành công trong công việc. Nhưng mục tiêu gia đình có vẻ “khó nhằn” hơn. Anh vốn là dân học thuật đầy mình, giờ phải biến thành “tay chơi” có vẻ không phải chuyện đơn giản. Anh cũng nghĩ đến chuyện nhờ bạn bè giới thiệu. Nhưng anh chỉ có một số ít ỏi bạn bè ở trường đại học mà anh vừa chuyển đến, thành thử cũng không có nhiều cơ hội tiệc tùng cho lắm. Cũng có rất nhiều nữ sinh viên đã tốt nghiệp, mà qua cách họ “đá lông nheo”, thì có thể không hoài nghi mà phán đoán rằng họ rất sẵn lòng khi hẹn hò với anh. Nhưng nếu vậy thì trường đại học sẽ phản ứng (ở hầu hết những môi trường làm việc mô phạm như thế, các mối quan hệ này không được khuyến khích).
Seth cố gắng tham gia vài câu lạc bộ dành cho những người độc thân. Anh cố gắng đến lớp tập khiêu vũ hay đi leo núi; thậm chí là còn thử đến một vài tổ chức tôn giáo. Nhưng anh không thực sự thích những hoạt động này; những người khác dường như cũng chẳng thích thú gì. “Ở câu lạc bộ leo núi mới lạ chứ,” sau này anh kể lại. “Rõ ràng là chẳng có ai quan tâm gì đến việc khám phá thiên nhiên cả. Họ chỉ đến đó hòng tìm kiếm những đối tác tiềm năng, bởi họ cho rằng hễ người nào thích leo núi thì người ấy ắt hẳn là một người tốt, dù nhìn từ góc này hay góc khác.”
Tội nghiệp Seth. Anh ấy là một người tuyệt vời để có thể tìm cho mình một người bạn đời, chỉ có điều là chưa tìm ra cách hữu hiệu để tìm thấy nàng mà thôi. (Mà đừng lo. Sau vài năm cô đơn kiếm tìm, cuối cùng anh cũng tìm được cô ấy.) Vấn đề ở đây là: khi thiếu vắng những điều phối viên chuyên nghiệp như những bà mối chẳng hạn, Seth chính là nạn nhân của một thị trường thất bại. Trên thực tế, không hề phóng đại, tôi nghĩ thị trường dành cho những người độc thân ở xã hội phương Tây là một thị trường thất bại quá xá đi ấy.
CHUYỆN CỦA SETH diễn ra trước khi những trang hẹn hò qua mạng nổi lên, mà về nguyên tắc thì nhu cầu của thị trường này là vô cùng to lớn. Nhưng trước khi chúng ta xem xét đến “bà mối” hiện đại, chúng ta hãy xem xét những thị trường này hoạt động như thế nào. Chủ yếu thì thị trường này sẽ có một cơ chế điều phối cho phép mọi người tiết kiệm thời gian để đạt được mục đích của mình. Cung cấp cho người ta sự tiện ích, các siêu thị đang ngày càng trở nên tập trung và có tổ chức hơn. Hãy xem cách vận hành của các siêu thị lớn. Bạn không phải phiền phức đi đến hoặc lái xe đến cửa hàng bánh mỳ, cửa hàng bán bơ, cửa hàng rau, cửa hàng bán đồ cho thú nuôi và thuốc lá; bạn hoàn toàn có thể mua tất cả những gì bạn cần cho cả một tuần tại một địa điểm duy nhất. Dần dần, siêu thị trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, cung cấp cả những thứ mang tính cá nhân và bé nhỏ nhất.
Bên cạnh các thị trường (hay siêu thị) dành cho thức ăn, nhà cửa, công việc và những thứ linh tinh mục khác (ví dụ như eBay), còn có những thị trường tài chính. Một ngân hàng chẳng hạn, chính là một trung tâm cho phép bạn kêu gọi đầu tư, cho vay và vay vốn. (Năm 2008, thế giới đã được tận mắt chứng kiến chuyện gì xảy ra khi những ngân hàng ngừng cho vay vốn.) Những người tham gia một loại thị trường khác, ví dụ như thị trường nhà đất, cũng hoạt động giống như những bà mối, tức là tìm cách kết nối những người có nhu cầu mua và bán lại một cách hoàn hảo. Ngay cả Kelly Blue Book, nơi đưa ra những mức giá thị trường cho những chiếc xe hơi cũ, cũng có thể được coi là một người môi giới thị trường bởi vì họ cho người mua và người bán một giá khởi điểm để thỏa thuận. Tóm lại, thị trường là một phần lợi ích không thể tách rời và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Tất nhiên, các thị trường vẫn đang tiếp tục nhắc nhở chúng ta về khả năng thất bại của nó – đôi khi là thảm bại – như Enron đã chứng minh trên thị trường năng lượng, và rất nhiều ngân hàng chứng minh điều đó trong cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn năm 2008. Tựu chung lại, thì tất cả các thị trường đều cho phép mọi người kết nối với nhau dựa trên cơ sở chung lợi ích và vị thế. (Rõ ràng là sẽ tuyệt vời hơn nếu chúng ta có thể tạo ra những thị trường cho phép chúng ta chỉ có gia tăng lợi ích mà không phải hứng chịu hậu quả.)
THỊ TRƯỜNG CHO những người độc thân lại là một lĩnh vực trong cuộc sống mà qua thời gian, chúng ta dần xa khỏi trung tâm thị trường và dấn thân vô một tình huống mà mỗi cá nhân lại phải tự chăm sóc cho bản thân mình. Để hiểu được hẹn hò sẽ phức tạp đến mức nào nếu không có một thị trường có tổ chức hẳn hoi, bạn hãy tưởng tượng một thị trấn trong đó có chính xác 100 người đàn ông và 100 người đàn bà cùng muốn kết hôn (nghe giống với một ý tưởng trên truyền hình thực tế hơn thì phải). Trong thị trường bé nhỏ này – giả sử như không có người mai mối – làm sao bạn biết được người nào sẽ là nửa kia của người nào? Làm sao bạn có thể kết đôi cho cặp này và dám chắc họ sẽ không xung đột, cãi vã và ở bên nhau mãi mãi? Việc cho phép tất cả mọi người được hẹn hò với vài ba người trước khi chính thức tìm được nửa kia của mình là chuyện bất khả, bởi vì dù tất cả có diễn ra như một cuộc hẹn hò tốc độ “khủng khiếp” đi chăng nữa, thì cũng tốn rất rất nhiều thời gian.
Những ý tưởng này khiến tôi tái hiện lại tình cảnh hiện tại của những kẻ độc thân ở xã hội Mỹ. Thanh niên ở Mỹ thay đổi nơi ở nhiều hơn bao giờ hết do nhu cầu thay đổi trường học và theo đuổi sự nghiệp. Tình bạn hay những mối quan hệ lãng mạn kiểu hoa hòe hoa sói ở trường trung học sẽ bị cắt cái rụp khi những người trẻ tuổi này rời bỏ quê nhà. Rồi cũng giống như ở trường trung học, trường đại học cũng mang đến cho họ những mối quan hệ lãng mạn hay những người bạn mới, nhưng hầu hết cũng kết thúc khi họ tốt nghiệp và ra trường tìm việc ở những thành phố mới. (Ngày nay, nhờ vào Internet, các công ty tường tuyển dụng bất chấp không gian, khoảng cách địa lý, điều đó cũng có nghĩa là có rất nhiều người bay đến những nơi xa để làm việc, không sống gần gia đình và bạn bè của mình.)
Đến khi đã tốt nghiệp và ổn định vị trí trong xã hội, thì thời gian rảnh rỗi của họ cũng bị thu hẹp lại. Những người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm trong công việc phải mất rất nhiều thời gian để khẳng định bản thân, đặc biệt là trong những thị trường nghề nghiệp nhiều cạnh tranh. Quan hệ với bạn bè đồng nghiệp cùng công ty thì thường ít được ủng hộ, chưa kể là nhiều nơi bị cấm. Hầu hết những người trẻ tuổi thì hay thay đổi công việc, vậy là họ liên tục phải “nhổ rễ” đi nơi khác, liên tục phải thay đổi môi trường xã hội xung quanh mình. Mỗi lần di chuyển, các mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp của họ lại bị cắt bớt đi – điều đó làm tổn hại đến cơ hội tìm kiếm bạn đời, bởi vì bạn bè họ sẽ giới thiệu bạn bè của họ cho những đối tượng tiềm năng hơn. Tựu chung lại, thì điều này có nghĩa là thời điểm thúc đẩy một thị trường hiệu quả cho những người mải mê sự nghiệp đã đến, nói rộng hơn, là thị trường dành cho những thanh niên không có cách nào tìm được nửa kia của mình đã xuất hiện.
Bước vào thế giới hẹn hò trực tuyến
Tôi đã từng phiền muộn về vấn đề của Seth và một vài người bạn khác, cho đến khi ngọn gió của những cuộc hẹn hò trực tuyến thổi tới. Tôi đã rất phấn khích khi nghe kể về những trang web như Match.com, eHarmony và Jdate.com “Quả là một cách tuyệt vời để giải quyết vấn đề của thị trường người độc thân,” tôi nghĩ. Tò mò về cách vận hành của thị trường này, tôi bước chân vào thế giới của những trang web hẹn hò trực tuyến.
Chính xác thì những trang web này hoạt động thế nào? Hãy nói về một nhân vật giả tưởng có tên là Michelle. Để đăng kí dịch vụ, cô phải trả lời một loạt các câu hỏi về bản thân và sở thích của mình. Mỗi trang web lại đưa ra một phiên bản những câu hỏi khác nhau, nhưng về cơ bản thì họ hỏi về những thông tin cơ bản (tuổi, nơi ở, thu nhập,… ) cũng như một vài câu hỏi để ước lượng giá trị bản thân của Michelle, thái độ cũng như phong cách sống. Các câu hỏi cũng hỏi Michelle về các sở thích của cô: Cô mong đợi một mối quan hệ như nào? Cô muốn gì ở đối tác tiềm năng? Michelle phải cung cấp tuổi thật và cân nặng của mình. Cô tự đánh giá mình là người dễ tính, hài hước và kiếm tìm một mối quan hệ nghiêm túc lâu dài với một người cao, có học thức và cũng phải hài hước. Cô cũng viết một bản mô tả ngắn gọn, mang tính cá nhân nhiều hơn về bản thân. Cuối cùng cô tải ảnh của mình lên trang web để người khác có thể nhìn thấy.
Sau khi Michelle hoàn tất những bước như vậy, cô đã sẵn sàng cho cuộc “đi săn” nửa kia của mình. Trong số những hồ sơ mà hệ thống gợi ý, Michelle sẽ chọn một vài hồ sơ cô cảm thấy phù hợp hơn và tìm hiểu sâu hơn về những người này. Cô sẽ đọc hồ sơ của họ, xem ảnh, và nếu hứng thú, cô sẽ gửi thư điện tử cho họ thông qua trang web. Nếu đối phương cũng thấy hứng thú, họ có thể trao đổi thư từ qua lại. Nếu mọi thứ diễn ra ổn thỏa, họ sẽ thu xếp một cuộc gặp ngoài đời thực. (Thuật ngữ thường được sử dụng ở đây là “hẹn hò trực tuyến”, cũng không được chính xác lắm. Đúng, họ duyệt các hồ sơ trên mạng và liên hệ với nhau bằng e-mail nhưng tất cả các cuộc hẹn hò đều diễn ra trong đời thực, trong thế giới “phi trực tuyến”.)
Sau khi hiểu được những tiến trình thực tế của các cuộc hẹn hò trên mạng, thì sự hào hứng của tôi dành cho thị trường có tiềm năng giá trị này lại biến thành nỗi thất vọng. Như rất nhiều nhu cầu mà những người trong thị trường này cần đề cập đến, tôi thấy có vẻ như cái cách mà thị trường trực tuyến tiếp cận vấn đề không hứa hẹn một giải pháp tốt cho vấn đề của những người độc thân. Làm sao những câu hỏi nhiều phương án trả lời, những danh sách và các hạng mục đánh giá có thể tái hiện được chính xác đối tượng đang ngồi trước màn hình kia? Cuối cùng thì, tất cả chúng ta đều có một giá trị nào đó cao hơn tất cả những phần thuộc về ta cộng lại (tất nhiên, cũng có một vài trường hợp ngoại lệ). Chúng ta sẽ nhiều hơn những chiều cao, cân nặng, tôn giáo và thu nhập cộng lại. Những người khác đánh giá ta dựa trên những yếu tố cơ bản, thẩm mỹ của ta, như cách chúng ta chuyện trò, khiếu hài hước của ta. Còn mùi cơ thể, cái nháy mắt, cái khoát tay, tiếng cười của ta, cái nhíu mày – tất cả là những thứ thuộc về ta nhưng không dễ mà liệt kê hoặc nắm bắt lại để đưa vào cơ sở dữ liệu được.
Vấn đề mấu chốt của các trang web hẹn hò trực tuyến là đối xử với người dùng như những món hàng có thể tìm kiếm, dù cho họ có những chiếc camera kĩ thuật số hiện đại, những ống kính, những bộ nhớ. Nhưng trên thực tế, nếu những đối tác tiềm năng có thể cân nhắc “sản phẩm”, họ sẽ phải được tiến lại gần hơn đến cái mà các nhà kinh tế gọi là “dùng thử sản phẩm”. Cũng giống như một bữa tối, một loại nước hoa và nghệ thuật, mọi người không thể tiếp cận một cách dễ dàng và hiệu quả bằng cái cách mà những trang web hẹn hò đang sử dụng. Về cơ bản, để hiểu đối tác hẹn hò thì không thể bỏ qua những yếu tố như các sắc thái tình cảm và sự lãng mạn, như kiểu người ta không thể hiểu được nền bóng đá Mỹ bằng cách phân tích những con số và chỉ đọc sách hướng dẫn, hoặc không thể hiểu được cái bánh ngon đến độ nào nếu chỉ đọc thành phần trên nhãn hộp.
VẬY TẠI SAO các trang web hẹn hò lại yêu cầu người đăng kí mô tả bản thân và mong muốn về nửa kia của mình dựa trên những yếu tố có thể lượng hóa? Tôi ngờ là họ chọn cách cấu tạo như vậy là vì nó rất dễ chuyển hóa những từ như “Tin lành”, “tự do”, “cao 1m75”, “nặng 60 kg”, “gọn gàng”, và “có nghề nghiệp” vào trong cơ sở dữ liệu để lọc. Nhưng liệu có hay không, trong mong muốn của họ là tạo ra một hệ thống tương thích với những gì máy tính có thể làm, các trang web hẹn hò thường khiến chúng ta trở nên mù mờ về một đối tác phù hợp với ta, mà chỉ là phù hợp với hệ thống tuyến tính đơn giản của họ mà thôi – và tiến trình đó khiến cho cả hệ thống trở nên bớt hiệu quả?
Để trả lời cho câu hỏi này, Jeana Frost (cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ ở MIT Media Lab, hiện là giám đốc một công ty nghiên cứu xã hội), Zoe Chance (tiến sĩ Đại học Harvard), Mike Norton và tôi đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên về hẹn hò trực tuyến. Chúng tôi đặt một banner quảng cáo ghi “Nhấp chuột vào đây để tham gia một nghiên cứu hẹn hò trực tuyến của ĐH MIT” trên một trang web hẹn hò. Rất nhanh chóng, chúng tôi có được rất nhiều tình nguyện tham gia vào nghiên cứu, họ kể cho chúng tôi nghe về kinh nghiệm hẹn hò trực tuyến của mình. Họ trả lời các câu hỏi như họ mất bao nhiêu thời gian tìm kiếm các hồ sơ tiềm năng (tất nhiên, tìm kiếm dựa trên các phẩm chất có thể lọc được như chiều cao, thu nhập); họ mất bao nhiêu thời gian để trao đổi email với những đối tác tiềm năng; và cuối cùng là họ đã đến gặp gỡ trực tiếp mặt đối mặt (“phi trực tuyến”) bao nhiêu lần cả thảy.
Chúng tôi nhận thấy mọi người mất khoảng 5,2 giờ/tuần để duyệt hồ sơ, và 6,7 giờ để thư từ qua lại với các đối tác tiềm năng, tức là tổng số gần 12 giờ mỗi tuần truy cập vào trang web. Những con số này có ý nghĩa gì, bạn sẽ hỏi vậy phải không? Những người tham gia nghiên cứu cho biết họ tốn khoảng 1,8 giờ/tuần để gặp gỡ đối tác tiềm năng ở ngoài đời thực, và hầu hết là chẳng dẫn đến đâu, chỉ là một cuộc gặp gỡ cà phê cà pháo.
Hãy nói về sự thất bại của thị trường. Tỷ lệ thấp hơn 6:1 tự nó đã nói lên tất cả. Thử tưởng tượng bạn phải chạy xe 6 giờ chỉ để gặp gỡ một người bạn bên bờ biển có 1 giờ (mà tệ hơn, là với một người bạn chẳng hiểu gì về họ và không chắc bạn có thích người ấy hay không). Với những ví dụ như vậy, rất khó để giải thích tại sao một người lại xuất hiện cái ý tưởng tìm kiếm nửa kia bằng các trang web hẹn hò trên mạng.
Tất nhiên, bạn có thể lập luận rằng hẹn hò qua mạng bản thân nó đã có phần nào hấp dẫn – có thể ví như shopping qua mạng vậy – thế là chúng tôi quyết định tìm hiểu vấn đề này luôn xem sao. Chúng tôi hỏi những người hẹn hò qua mạng so sánh cảm giác của họ khi tìm kiếm trên mạng và hẹn hò ngoài đời, so với cảm giác khi chẳng nghĩ ngợi gì, ngồi nhà xem một bộ phim. Những người tham gia đánh giá hẹn hò ngoài đời thực ở vị trí cao hơn so với tìm kiếm đối tác tiềm năng trên mạng. Bạn thử đoán xem họ xếp xem phim ở đâu? Trúng phóc – họ bị vỡ mộng với những cuộc hẹn hò trên mạng, thành thử họ nói thà nằm nhà xem phim, ừm, phim You’ve Got Mail (Bạn có thư) còn hơn.
Vậy rõ ràng là theo quan điểm của chúng tôi, thì cái được gọi là hẹn hò qua mạng chẳng hay ho như người ta tưởng. Trên thực tế, người ta còn lầm lẫn khái niệm nữa. Nếu bạn gọi những hoạt động tương tự như vậy là “tìm kiếm trên mạng và nghệ thuật tự quảng bá” thì có lẽ là chuẩn hơn với trải nghiệm này đấy.
KHẢO SÁT CỦA chúng tôi vẫn không cho biết liệu việc cố gắng quyến rũ ai đó bằng những tiêu chí có thể cân đo đong đếm được có phải là tội đồ không. Để kiểm tra vấn đề này một cách trực tiếp hơn, chúng tôi đã tạo ra nghiên cứu sau đây. Lần này, chúng tôi chỉ hỏi đơn giản những người hẹn hò qua mạng mô tả những thuộc tính và phẩm chất mà họ cho rằng quan trọng nhất trong quá trình tìm kiếm “nửa kia”. Sau đó chúng tôi đưa danh sách những phẩm chất này cho một nhóm những người giải mã độc lập (một “người giải mã” là một trợ lý nghiên cứu, thực hiện phân loại những câu đáp mang tính mở dựa trên những tiêu chí đã có sẵn). Chúng tôi yêu cầu người giải mã sắp xếp lại những câu trả lời: Liệu những thuộc tính dễ đánh giá nhất và dễ tìm kiếm nhất là những thứ được nhận biết nhờ thuật toán máy tính (ví dụ chiều cao, cân nặng, màu mắt, màu tóc, trình độ học vấn,… )? Hay nó là những phẩm chất khó kiểm chứng và khó tìm kiếm (ví dụ như yêu thích thơ của Monty Python hay là đam mê với thời kì vàng son)? Kết quả cho thấy những người từng trải hẹn hò qua mạng có hứng thú gấp 3 lần với những thuộc tính mang tính trải nghiệm hơn là những thuộc tính có thể đo đếm được, và xu hướng này còn mạnh hơn đối với những người đang tìm kiếm một mối quan hệ lâu dài, chứ không phải ngắn hạn. Tổng hợp lại, kết quả của nghiên cứu cho thấy sử dụng những phẩm chất có thể tìm kiếm được cho hẹn hò qua mạng là không tự nhiên, ngay cả đối với những người đã có rất nhiều thực tế với loại hình hoạt động này.
Buồn thay, đó lại không phải là điềm gở cho hẹn hò qua mạng. Hẹn hò qua mạng bản thân nó không đặc biệt, mà phần đặc biệt chính là hoạt động của nó; họ tìm kiếm trên những quy trình phức tạp, tiêu tốn thời gian, chẳng thỏa mãn chút nào ngoài một vài thông tin ít ỏi được cung cấp. Cuối cùng, thì họ có rất ít, nếu có, những cuộc “hẹn hò” qua mạng thú vị. Rút cục, họ đã tốn rất nhiều công sức làm việc với một công cụ mà ngay cả năng lực và khả năng hoàn thành chức năng của nó cũng còn phải đặt rất nhiều hoài nghi.
Hẹn hò qua mạng sụp đổ: Chuyện của Scott
Hãy tưởng tượng đến một người ngăn nắp nhất mà bạn từng biết. Có thể trong số người quen của bạn, sẽ có một người phụ nữ sắp xếp tủ quần áo theo mùa, màu sắc, và thể loại. Hoặc ít kiểu cách hơn thì là một anh chàng thích phân chia quần áo đưa giặt của mình vào các loại như “quần áo cũ”, “dùng ở nhà”, “đi tập gym” và quần áo bẩn. Có nghĩa là, con người rất sáng tạo khi phải hệ thống hóa cuộc sống của mình sao cho nó trở nên hữu hiệu nhất, dễ chịu nhất và thoải mái nhất.
Lần nọ, tôi gặp một sinh viên trường MIT, người này vừa phát kiến ra một phương pháp lọc các cuộc hẹn hò tiềm năng vào từng loại khác nhau. Mục tiêu của Scott là tìm cho được người phụ nữ hoàn hảo, và anh đã sử dụng một hệ thống rất phức tạp, tốn rất nhiều thời gian để thực hiện mục tiêu của mình. Mỗi ngày, anh lên mạng để tìm kiếm khoảng 10 phụ nữ đáp ứng được những tiêu chuẩn của anh: trong số những tiêu chuẩn, thì anh thích kiểu người có bằng đại học, tập thể thao và thông thạo ít nhất một ngoại ngữ khác, ngoài tiếng Anh. Mỗi khi tìm thấy những ứng viên đủ phẩm chất, anh sẽ gửi cho họ 3 mẫu thư trong đó có một bộ câu hỏi về thể loại âm nhạc mà họ thích, họ đã học ở những trường nào, những cuốn sách yêu thích của họ là gì,... Nếu những câu trả lời tiếp tục làm anh cảm thấy hài lòng, họ sẽ được anh tuyển vào vòng 2, với một tiến trình gồm 4 bước lọc nữa.
Ở vòng 2, Scott lại gửi một mẫu thư khác, gồm những câu hỏi khác. Nếu những câu trả lời tiếp tục “chính xác” với mong muốn của anh, họ sẽ được lên bậc tiếp theo. Ở vòng 3, người phụ nữ sẽ nhận được một cuộc điện thoại, và phải trả lời thêm những câu hỏi. Nếu cuộc trò chuyện qua điện thoại diễn ra suôn sẻ, anh sẽ đẩy nàng tới vòng 4, một cuộc gặp gỡ hẹn hò thực sự.
Scotte cũng phát triển một hệ thống phức tạp không kém để lưu giữ những đối tác tiềm năng trong tương lai – và hệ thống này, rất nhanh chóng, cũng có rất nhiều dữ liệu. Là một nghiên cứu sinh rất thông minh và có khả năng phân tích, anh đã xuất dữ liệu kết quả trên một bảng tính trong đó có danh sách gồm tên, tình trạng quan hệ, tổng điểm của các cô gái dựa trên những gì họ đã trả lời các câu hỏi của anh, và tiềm năng chung trở thành “nửa kia” của anh. Bảng tính của anh có càng nhiều người, thì anh nghĩ, anh càng có nhiều cơ hội tìm được người phụ nữ trong mơ. Scott cực kì nghiêm túc khi thực hiện tiến trình này.
Sau vài năm tìm kiếm, Scott đã hẹn hò với Angela. Sau khi gặp gỡ, anh chắc chắn rằng Angela chính là người tình trong mộng của mình, trên mọi phương diện. Nàng đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí của anh, và điều quan trọng hơn cả, hình như nàng cũng thích anh. Scott rất phấn chấn.
Sau khi đạt được mục đích, Scott cảm thấy hệ thống nghiên cứu của mình không còn cần thiết nữa, nhưng anh không muốn bỏ phí nó. Khi biết tin tôi đang thực hiện nghiên cứu về hành vi hẹn hò trực tuyến, một ngày, anh đã ghé qua văn phòng của tôi và tự giới thiệu làm quen. Anh mô tả hệ thống của mình và nói anh biết nó có thể có ích cho nghiên cứu của tôi. Sau đó anh trao vào tay tôi một chiếc đĩa mềm chứa đầy đủ những dữ liệu mà anh thu thập được suốt cả tiến trình tuyển lọc, trong đó có cả những mẫu các bức thư, câu hỏi, và tất nhiên, cả dữ liệu mà anh đã điền đầy đủ về tất cả các ứng viên mà anh đã tuyển chọn. Tôi thực sự kinh ngạc và có đôi phần khiếp sợ khi biết anh có một hệ thống dữ liệu khổng lồ với trên 10.000 phụ nữ.
Chỉ có điều buồn là, dù có thể chẳng bất ngờ gì, là câu chuyện của anh không có một kết cục tốt đẹp. Hai tuần sau, tôi biết tin cô gái đã vượt qua các vòng tuyển lựa của Scott – cô gái được lựa chọn ấy – đã từ chối lời cầu hôn của anh. Hơn nữa, trong nỗ lực phi thường của mình để đảm bảo không ai bị trượt ra khỏi mạng lưới của mình, Scott đã bị gắn kết quá nhiều thời gian với tiến trình đánh giá phụ nữ của mình, khiến anh không đủ thời gian cho “cuộc sống thực”, đến khi bị bỏ rơi thì anh chẳng có lấy một bờ vai nào để gục vào mà tìm sự an ủi.
Scott, hóa ra, lại là một ví dụ tiếp theo của thị trường bị thất bại.
Thí nghiệm Hẹn hò trực tuyến
Những kết quả của những thí nghiệm đầu tiên có vẻ ít khả quan. Nhưng, lạc quan hơn bao giờ hết tôi vẫn hi vọng rằng khi hiểu kỹ hơn về vấn đề, chúng ta có thể tiến tới những cơ chế được cải thiện hơn cho thị trường hẹn hò trực tuyến. Phải có cách nào đó giúp hẹn hò trực tuyến thấy vui thú hơn, trong khi vẫn giúp họ tìm kiếm được những người phù hợp với mình chứ?
Chúng tôi ngồi lại và suy nghĩ về những cuộc hẹn hò thông thường, nghi lễ cổ xưa và phức tạp trong đó tất cả chúng ta đều có thể tham dự ở một vài thời điểm trong cuộc sống. Từ cổ chí kim, chúng ta vẫn kì vọng hẹn hò sẽ là cách hữu hiệu để tìm ra những được đối tác tiềm năng vì qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về đối phương của mình – và nó vẫn tiếp tục nỗ lực và được cải thiện hơn qua thời gian. Và nếu những cuộc hẹn hò thông thường (phi trực tuyến) là một cơ chế hữu hiệu – hoặc ít nhất là cách tốt nhất mà ta từng biết cho đến thời điểm này – thì tại sao không bắt đầu từ điểm đó trên hành trình kiến tạo ra những trải nghiệm hẹn hò trực tuyến thú vị hơn?
Nghĩ xem một cuộc hẹn hò thông thường diễn ra như thế nào, chắc chắn không phải là hai người ngồi cạnh trong một căn phòng trống trơn, và mỗi người chú mục vào một mối quan tâm riêng hoặc chỉ chia sẻ với nhau về chuyện trời nắng hay trời mưa. Nó phải là một trải nghiệm cùng nhau: hai người cùng xem một bộ phim, cùng vui vẻ ăn uống, gặp gỡ trong một bữa tiệc hoặc trong một viện bảo tàng… Nói cách khác, hẹn hò là trải nghiệm một cái gì đó với một người nào đó trong một không gian nào đó cho phép sự tương tác qua lại. Bằng cách gặp một người nào đó trong một buổi triển lãm nghệ thuật, một cuộc thi đấu thể thao, hay khi đi tham quan sở thú, chúng ta có thể nhìn nhận xem người đó tương tác với thế giới xung quanh như thế nào – họ có phải là loại người đối xử tệ bạc với người hầu bàn, không cho tiền tip hay là người kiên nhẫn và chu đáo? Chúng ta quan sát và phát hiện ra những thông tin về đối phương trong cuộc đời thực.
Cứ cho là tiến trình tự nhiên của những cuộc hẹn hò sẽ có nhiều biến hóa hơn các kĩ sư làm việc cho trang hẹn hò trực tuyến eHarmony, chúng tôi quyết định sẽ thử mang một vài yếu tố trong những cuộc hẹn hò thực ngoài đời vào hẹn hò trực tuyến. Với mong muốn bắt chước cách người ta tương tác trong đời sống thực, chúng tôi tạo ra một không gian hẹn hò ảo đơn giản, sử dụng “Vòng tròn chat”, nghĩa là một môi trường ảo do Fernanda Viégas và Judith Donath ở MIT Media Lab tạo ra. Sau khi truy cập vào trang web này, những người tham gia sẽ chọn ra những hình khối (vuông, tròn, tam giác... ) và màu sắc (đỏ, xanh lục, xanh lam, vàng, tím... ) Bước chân vào một không gian ảo, ví dụ vòng tròn đỏ, những người tham gia sẽ di chuyển chuột để khám phá những đồ vật trong không gian đó. Những đồ vật đó bao gồm hình ảnh của con người, những vật dụng như giày, đoạn phim ngắn, và một vài tác phẩm nghệ thuật trừu tượng. Những người tham gia có thể tham gia vào những hình khối khác, đại diện cho những người tham gia hẹn hò khác. Khi 2 hình khối sáp lại gần nhau, họ có thể bắt đầu trao đổi những cuộc trò chuyện bằng tin nhắn. Rõ ràng là môi trường này không thể tái hiện sự tương tác ở mọi cấp độ mà những cuộc hẹn hò thực mang lại, nhưng chúng tôi muốn biết góc nhìn của môi trường ảo đó về hẹn hò qua mạng có hoạt động không. Chúng tôi hi vọng những hình khối có thể tạo ra những phòng trưng bày tương tác, khiến người ta không chỉ nói về bản thân, mà còn có thể nói về những hình ảnh mà họ trông thấy.
Đúng như kì vọng, kết quả các cuộc trò chuyện của những người tham gia giống, thậm chí là rất giống với những gì diễn ra ở một cuộc hẹn hò thông thường (“Anh có thích bức tranh này không? “Không hoàn toàn. Anh thích tranh của Matisse hơn.”)
MỤC ĐÍCH CHÍNH của chúng tôi là so sánh môi trường hẹn hò ảo (đã được nâng cấp theo cách nào đó) với một môi trường hẹn hò trực tuyến thuần túy. Để đạt được điều đó, chúng tôi yêu cầu một nhóm những tình nguyện viên hào hứng tham gia chương trình cam kết sẽ tham gia vào một cuộc hẹn hò qua mạng thông thường (một tiến trình kéo dài từ việc đọc để tìm hiểu về kiểu sống của một người khác, trả lời các câu hỏi về mục tiêu của mối quan hệ, viết một tiểu luận nho nhỏ để ngỏ về bản thân và viết cho những người khác). Tôi cũng yêu cầu họ tiếp tục tham gia vào một cuộc hẹn hò ảo do chúng tôi dàn dựng với một người khác (trong đó những người hẹn hò được khám phá những không gian chung, cùng xem nhiều hình ảnh khác nhau và chat với nhau.) Sau khi mỗi người tham gia gặp gỡ một người khác qua mạng hẹn hò thông thường và một người khác nữa qua mạng hẹn hò ảo mà chúng tôi tạo ra, thì lúc ấy, có thể hạ màn.
Để tạo được sân khấu cho cuộc “tỉ thí” giữa hai cách tiếp cận, chúng tôi cũng tổ chức một sự kiện hẹn hò tốc độ như đã mô tả ở Chương 7, “QUYẾN RŨ hay KHÔNG.” Trong thí nghiệm hẹn hò tốc độ của chúng tôi, các thành viên tham gia chương trình có cơ hội gặp gỡ mặt đối mặt với một số người, bao gồm cả những người mà họ đã gặp trong thế giới ảo, và người họ đã gặp trong trang web hẹn hò qua mạng thông thường. Buổi gặp gỡ hẹn hò tốc độ cũng diễn ra hơi khác một chút so với buổi hẹn hò tốc độ được tổ chức thông thường. Sau 4 phút gặp nhau trên các bàn, những người tham dự phải trả lời ngay những câu hỏi sau đây về nhân vật mà họ vừa gặp:
Bạn thích người này đến mức độ nào?
Bạn thấy mình giống người này bao nhiêu phần trăm?
Bạn thấy người này thú vị như thế nào?
Làm sao bạn cảm thấy thoải mái dễ chịu khi gặp người này?
Những tình nguyện viên của chúng tôi sẽ đánh dấu mỗi câu trả lời bằng cách cho điểm từ 1 đến 10, trong đó 1 có nghĩa là “không hề” và 10 có nghĩa là “rất thích”. Như một cuộc hẹn hò tốc độ thông thường, chúng tôi cũng yêu cầu người tình nguyện cho biết liệu họ có muốn gặp gỡ người này nữa hay không.
NGẮN GỌN LÀ, thí nghiệm có 3 phần. Đầu tiên, mỗi người tham gia sẽ bước vào một trang web hẹn hò thông thường và một cuộc hẹn hò ảo trong môi trường do chúng tôi dựng lên. Sau đó, họ sẽ tham gia vào cuộc hẹn hò tốc độ với rất nhiều người, trong đó có cả người mà họ “gặp” trên web và người mà họ đã “gặp & nói chuyện” trong môi trường hẹn hò ảo. (Chúng tôi không chỉ cho người tham gia biết ai là ai, chúng tôi để họ tự nhận ra – hoặc không – những đối tác mà họ từng “gặp” trước đó.) Cuối cùng, kết thúc cuộc hẹn hò tốc độ, họ nói cho chúng tôi biết trong số những người họ gặp hôm đó, họ muốn tiếp tục gặp gỡ ai trong cuộc hẹn hò ngoài đời thực. Chúng tôi muốn biết liệu những kinh nghiệm trước đó – trực tuyến đơn thuần hay trong môi trường ảo – có thể những cuộc hẹn hò ngoài đời thực trở nên “thực” hơn không.
Chúng tôi nhận ra cả đàn ông và phụ nữ đều thích đối phương của mình hơn nếu họ đã được gặp gỡ người đó trong môi trường ảo. Trên thực tế, họ thích gặp gỡ người đó trong đời thực gấp 2 lần nếu đã gặp người đó trong môi trường ảo mà chúng tôi tạo ra, so với môi trường trực tuyến thông thường.
TẠI SAO CÁCH tiếp cận hẹn hò ảo lại thành công hơn vậy? Tôi đồ rằng câu trả lời nằm trong hệ cấu trúc cơ bản được sử dụng trong thế giới hẹn hò ảo của chúng ta có tính tương thích hơn so với những môi trường khác, một cấu trúc vô cùng cổ xưa: bộ não con người. Trong thế giới ảo ấy, con người vẫn đưa ra những kiểu đánh giá giống nhau về những trải nghiệm, giống hệt như cách chúng ta vẫn đánh giá sự việc trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vì những đánh giá như vậy có tính tương thích hơn so với cách thông thường mà chúng ta xử lý thông tin trong đời sống thực, nên những tương tác ảo ấy trở nên hữu dụng hơn và mang tính thông tin cao hơn.
Để minh họa cho điều này, hãy tưởng tượng bạn là một người đàn ông độc thân, sẵn sàng đi gặp một phụ nữ cho một mối quan hệ lâu dài, và bạn đi ăn tối với một phụ nữ tên là Janet. Nàng nhỏ nhắn, có mái tóc nâu, mắt nâu và nụ cười duyên dáng, chơi violin, thích phim ảnh và có giọng nói êm ái; có lẽ nàng hơi hướng nội. Khi nhấp một ngụm rượu, bạn tự hỏi “Mình thích nàng đến đâu nhỉ?” Bạn thậm chí có thể tự hỏi bản thân “Liệu mình sẽ muốn tiếp tục với nàng một mối quan hệ chóng vánh, trung bình hay gắn kết cả tương lai phía trước đây?”
Thế rồi bạn lại tiếp tục đến một cuộc hẹn hò với một phụ nữ khác, tên là Julia. Janet và Julia khác nhau về mọi mặt. Julia cao hơn và hướng ngoại hơn Janet, nàng đã có bằng MBA, có giọng cười khục khục, và thích bơi thuyền. Bạn có cảm giác mình thích Janet hơn Julia và bạn muốn đi chơi với nàng nhiều hơn, nhưng không hề dễ khi lý giải tại sao cũng như phân định vài tiêu chí khiến bạn thấy thích nàng hơn. Tại cơ thể của nàng? Hay cách nàng cười? Hay vì sự hài hước của nàng? Bạn không thể giơ tay chỉ vào bất cứ tiêu chí nào, nhưng bạn có một cảm giác rõ ràng và mạnh mẽ về điều đó.
Trên tất cả, thì cả Janet và Julia đều mô tả bản thân họ như những người hài hước, nhưng vấn đề là có những điều biến người này trở nên vô cùng buồn cười, nhưng đối với người khác thì không. Người nào đã thích phim hài Ba tên bù nhìn (Three Stooges) thì khả năng cao là sẽ cho rằng phim Gánh xiếc bay của Monty Python (Monty Python’s Flying Circus ) chẳng có gì hài hước. Ngược lại, người hâm mộ David Letterman có thể không biết đến The Office. Fan hâm mộ của bất cứ phim nào trong số những phim kể trên có thể là những người “khá hài hước”, nhưng chỉ khi họ ngồi cùng xem với nhau – ví dụ Sartuday Night Live, trực tiếp hay trực tuyến trong thế giới ảo – thì lúc ấy bạn mới có thể nói khiếu hài hước của họ có tương thích với nhau hay không.
Cuối cùng thì, người ta đã có vô vàn những thuật ngữ tiếp thị khác nhau trong quá trình kiểm chứng những món hàng tốt. Cũng tương tự như các thành phần hóa học trong cải xanh hay trong bánh hạnh đào không có mục đích giúp chúng ta hiểu vị thực sự của nó như thế nào, việc phân tách những tiêu chuẩn cá nhân của một người không giúp ích gì cho việc tìm hiểu xem liệu mất thời gian hẹn hò hay chung sống với người đó có thể được hay không. Đó chính là mấu chốt của vấn đề, với một thị trường chỉ nhăm nhe xé nhỏ những tiêu chí. Mặc dù những từ ngữ như “mắt: nâu” rất dễ gõ và tìm kiếm, nhưng chúng tôi không nhìn nhận một cách tự nhiên và đánh giá một mối quan hệ tiềm năng theo cách đó. Đó cũng là điểm mà hẹn hò ảo nâng cao cần phải tập trung vào. Nó cho phép thêm nhiều sắc thái và ý nghĩa và cho phép chúng ta sử dụng những cách đánh giá mà chúng ta vẫn dùng trong cuộc sống hàng ngày.
Cuối cùng, nghiên cứu của chúng tôi đề xuất thị trường trực tuyến cho người độc thân cần phải được cấu trúc lại với am hiểu về những gì con người có thể và không thể tự nhiên làm. Nó cần phải sử dụng công nghệ thông tin theo cách phù hợp với những gì chúng ta giỏi một cách tự nhiên và giúp chúng ta thực hiện những nhiệm vụ một cách tốt hơn mà không xung đột gì với những khả năng bẩm sinh của chúng ta.
Trang Web cho Homer Simpson
Mặc kệ việc người ta phát minh ra những trang web hẹn hò trực tuyến, tôi nghĩ rằng những thất bại liên tiếp của thị trường dành cho những người độc thân đã chứng minh một điểm quan trọng trong kinh tế học hành vi. Nói cho rõ là: Tôi thực sự thiện cảm với hình thức hẹn hò trực tuyến này. Tôi chỉ nghĩ nó cần phải được xây dựng mang tính nhân văn hơn nữa.
Hãy cân nhắc điều này: khi một nhà thiết kế trang web thiết kế những sản phẩm dành cho con người – giày dép, thắt lưng, quần dài, cốc, ghế... – họ tính tới những yếu tố giới hạn cơ thể của con người. Họ cố gắng hiểu con người có thể làm những gì và không thể làm những gì, để từ đó tạo ra và sản xuất những sản phẩm có thể dành cho tất thảy mọi loại người, trong cuộc sống hàng ngày (tất nhiên là phải có một vài ngoại lệ, không khác được).
HẸN HÒ TỐC ĐỘ DÀNH CHO NGƯỜI CAO TUỔI
Thử cách này, mang đến cuộc hẹn hò một vài vật dụng ngoại thân lại có tác dụng làm cho cuộc gặp không-được-lãng-mạn lắm trở nên hiệu quả bất ngờ. Thời gian trước, Jeana Frost và tôi đã cố gắng thử tổ chức một vài buổi tiệc hẹn hò tốc độ dành cho người cao tuổi (từ 65 trở lên). Mục tiêu là mở rộng mối quan hệ xã hội của những người vừa nghỉ hưu, và bằng cách ấy, mang lại niềm vui và sức khỏe cho họ. Chúng tôi đã kì vọng sự kiện hẹn hò tốc độ mà chúng tôi tổ chức sẽ thành công rực rỡ, mặc dầu vài cuộc đầu tiên đã thất bại. Rất nhiều người đăng ký, nhưng khi ngồi xuống bàn và đối diện với nhau, họ lại không biết phải nên bắt đầu thế nào và đâm ra ngượng ngùng.
Tại sao lại thế được nhỉ? Trong những cuộc gặp gỡ tốc độ thông thường, các cuộc trò chuyện không hẳn là đặc biệt thú vị (“Anh học ở trường nào?” “Em làm nghề gì?”) nhưng tất cả mọi người đều hiểu được mục đích cơ bản của buổi gặp – họ cố gắng hình dung xem người ngồi đối diện với mình có phù hợp để trở thành một đối tác lãng mạn với mình hay không. Ngược lại, những người lớn tuổi không hề hiểu được cái mục tiêu ngầm ẩn ấy. Một vài người tìm kiếm một mối quan hệ lãng mạn, vài người khác lại chỉ thích kết bạn cho khuây khỏa. Rất nhiều mục đích đan xen khiến cho toàn cục trở nên khó khăn, chán nản và rất nhiều người không hài lòng.
Nhận ra điều sai sót đó, Jeana đã đề nghị là trong cuộc gặp gỡ tốc độ tiếp theo, mỗi người hãy mang theo một đồ vật cá nhân quan trọng nhất với mình (ví dụ, một vật kỉ niệm hay một tấm hình) để làm “cớ” mở đầu cho cuộc thảo luận. Vậy là các cuộc thảo luận diễn ra sâu sắc hơn và thú vị hơn. Kết cục, có rất nhiều tình bạn mới nảy sinh. Trong trường hợp này, sự xuất hiện của một vật dụng ngoại thân khiến cho các cuộc chuyện trò trở nên biến hóa và tạo ra nhiều kết quả khả quan hơn.
Thật là thú vị khi biết, đôi khi, tất cả những gì chúng ta cần – trong bất cứ việc gì – lại chỉ là một khởi đầu hoàn hảo.
Nhưng khi những nhà thiết kế mơ hồ về những thứ như bảo hiểm sức khỏe, kế hoạch tiết kiệm, kế hoạch nghỉ hưu hay thậm chí là các trang web hẹn hò trực tuyến, họ sẽ quên mất cách con người tạo dựng những giới hạn cho mình, theo cách nào đó. Có thể những nhà thiết kế này quá lạc quan về khả năng của chúng ta chăng; họ tự mặc định là chúng ta ai cũng giống như thuyền trưởng siêu lý trí Spock trong phim Star Trek. Những nhà phát minh ra những sản phẩm trừu trượng và dịch vụ tự mặc định là đầu óc của chúng ta hoàn hảo, cái gì cũng có thể đưa lên cân đo đong đếm, có thể so sánh mọi chọn lựa, luôn luôn chọn cái tốt nhất, và luôn tìm được cách hành động thích đáng nhất.
Nhưng chuyện gì xảy ra nếu như – như trong kinh tế học hành vi đã chứng minh tính phổ biến, và hẹn hò chỉ là một trường hợp – chúng ta cũng bị giới hạn trong cách chúng ta sử dụng và thấu hiểu thông tin? Chuyện gì xảy ra nếu như chúng ta là Homer Simpson dễ mắc sai lầm, mù mờ, nhỏ nhen, cảm tính và thành kiến chứ không phải là thuyền trưởng Spock? Sự thật này có vẻ hơi áp lực, nhưng nếu chúng ta hiểu được giới hạn của mình và tính đến nó trong mọi trường hợp, chúng ta có thể thiết kế ra một thế giới tốt đẹp hơn, bắt đầu bằng những thông tin có ích hơn dựa trên sản phẩm và dịch vụ, ví như dịch vụ hẹn hò trực tuyến.
Xây dựng một trang web hẹn hò trực tuyến lý trí một cách hoàn hảo chắc chắn là một bài tập luyện trí tuệ thú vị. Nhưng nếu những nhà thiết kế của những trang web như thế thực sự muốn tạo ra một cái gì đó hữu dụng cho những người bình thường – thì hãy tuân theo thứ được gọi là giới hạn – những người tham gia đó đều đang tìm kiếm “một nửa” của mình, thứ họ cần phải hiểu trước tiên là hiểu những giới hạn của con người và coi chúng là điểm xuất phát trong thiết kế của mình. Chẳng phải là chỉ một môi trường hẹn hò ảo vô cùng đơn giản và ngẫu hứng mà chúng tôi tạo ra cũng làm tăng cơ hội gặp mặt của những người tham gia lên gấp 2 đó sao. Điều này là cơ sở để tôi nghĩ rằng tính đến những khả năng cũng như điểm yếu của con người không phải là chuyện quá khó làm. Tôi dám cá rằng những trang web hẹn hò nếu biết tích hợp những thiết kế phù hợp với con người hơn, thì nó không chỉ tạo ra một cú hích, mà còn có thể mang đến cho những người tham gia cơ hội tiếp cận với những con người thật sự, bằng xương bằng thịt và phù hợp với mình.
Nói một cách khái quát hơn thì thí nghiệm về thị trường hẹn hò trực tuyến cho thấy thị trường đó hoàn toàn có thể trở nên tuyệt hảo và hữu dụng hơn, nhưng để biến những tiềm năng dồi dào của nó thành hiệu quả thực, chúng ta phải tái cấu trúc lại chúng theo cách tương thích hơn với những gì mà con người, một cách tự nhiên nhất, có thể thực hiện và không thể thực hiện.
“VẬY NHỮNG NGƯỜI độc thân làm gì trong khi chờ đợi những trang hẹn hò qua mạng hoàn thiện?”
Một người bạn của tôi đã hỏi câu này giúp chị Sarah, một phụ nữ làm việc cho cậu ấy trong công ty. Rõ ràng tôi không phải là một bà mối “đạt tiêu chuẩn chất lượng”. Nhưng ít nhất tôi nghĩ mình cũng có thể đưa ra vài lời khuyên sau những gì mình đã học được từ nghiên cứu trước đó.
Đầu tiên, theo kinh nghiệm từ những cuộc hẹn hò đã thành công trên mạng ảo của tôi, thì Sarah nên thử kết bạn trên những trang hẹn hò trực tuyến có tính tương tác nhiều hơn một chút so với những trang kết bạn thông thường. Cô ấy nên thử nói cho đối tác biết ý định nghiêm túc của mình trong mối quan hệ bằng cách nói đến những thứ cô thích ngắm nhìn hoặc thích làm. Thứ hai, cô nên bước xa thêm một bước, và tạo ra cho mình một phiên bản hẹn hò ảo của riêng mình bằng cách cho người cô đang trò chuyện xem một trang Web hay ho, và cũng như trong những cuộc hẹn hò thật diễn ra ngoài đời, để hai người có cơ hội cùng nhau trải nghiệm một cái gì đó. Nếu cảm thấy thích, cô có thể rủ đối tác thử chơi vài trò chơi điện tử trực tuyến với nhau, khám phá những vương quốc kì diệu, đối mặt với những chú rồng hung hãn và giải quyết tình huống... Tất cả đều cho họ một cơ hội để hiểu và nhận thức sâu về nhau hơn. Vấn đề lớn nhất ở đây chính là cô ấy phải cố gắng làm tất cả mọi thứ cô thích với một người khác và nhờ đó cô ấy mới có thể đánh giá được liệu người này có tương thích với mình hay không.
Từ Hẹn hò qua mạng đến Sản phẩm và Thị trường
Vậy thì liệu sự thất bại của thị trường hẹn hò qua mạng ảnh hưởng thế nào đến các thị trường thất bại khác? Về cơ bản, thì thị trường hẹn hò qua mạng là sự thất bại của thiết kế sản phẩm.
Cho phép tôi giải thích. Về cơ bản, khi một sản phẩm không phù hợp với chúng ta, nó sẽ thiếu đi những dấu hiệu mang tính nhận dạng. Nếu một trang web hẹn hò đơn giản với nhiệm vụ đơn giản là miêu tả con người bằng một tá những từ ngữ, thì rất dễ hiểu khi thấy nó tạo ra những cặp đôi khập khiễng, những đối tác thất vọng khi họ không thể “dịch” nổi những gì họ được mời chào so với những gì mà họ cho rằng nó tương thích với họ. Lấy máy vi tính làm ví dụ. Hầu hết tất cả chúng ta đều muốn có một cái máy tính tốt, tốc độ nhanh, và có thể giúp chúng ta làm những điều cần thiết. Chúng ta đâu cần biết đến dung lượng RAM, tốc độ bộ vi xử lý hay tốc độ xử lý (tất nhiên, mọi người rất hiếm khi quan tâm đến những điều này), nhưng đó chính là cách mà các hãng mô tả về máy tính của họ, nhưng nó không nhằm mục đích giúp ta hiểu được kinh nghiệm trải qua thực tế với từng chiếc máy riêng lẻ sẽ như thế nào.
Một ví dụ khác, hãy nghĩ đến một công cụ tính tiền lương hưu trực tuyến, được thiết kế nhằm mục đích giúp chúng ta ước lượng được khoản tiền lương hưu ta sẽ được nhận khi 65 tuổi. Sau khi chúng ta đưa vào những dữ liệu về tiền lương cơ bản, máy tính sẽ cho chúng ta biết chúng ta sẽ cần, ví dụ 3,2 triệu đô-la trong tài khoản hưu trí của mình. Tiếc là chúng ta lại không thực sự biết ta sẽ sống ra sao với số tiền đó hoặc chúng ta kì vọng điều gì khi chỉ có 2,7 triệu đô-la hay 1,4 triệu đô-la (tất nhiên nếu chỉ có 540.000 đô-la hoặc 206.000 đô-la thì không tính). Đồng thời, điều đó cũng chẳng giúp chúng ta hình dung ra mình sẽ như thế nào nếu ta sống đến 100 tuổi khi chỉ có chút tiền trong tài khoản hưu vào năm 70 tuổi. Vấn đề là phép tính đơn giản, con số đơn giản (mà hầu hết đều vượt qua khả năng của chúng ta) đều chẳng giúp ích gì cho chúng ta khi hình dung hay nghĩ về tương lai, và ngồi tính toán như vậy không thúc đẩy chúng ta cố gắng hơn nữa để tiết kiệm tiền hơn chút nào cả.
Cũng như thế, hãy cân nhắc chuyện các công ty bảo hiểm mô tả về sản phẩm của họ với những mức khấu trừ có thời hạn, giới hạn và trả góp. Chuyện gì sẽ thực sự có ý nghĩa nếu như cuối cùng chúng ta phải điều trị căn bệnh ung thư? Liệu cái gọi là “khả năng chi trả tối đa” ấy có thực sự cho ta biết khả năng sẵn sàng chi trả nếu như ta hay người khác bị thương nặng trong một vụ tai nạn xe hơi? Vậy thì có một sản phẩm bảo hiểm tuyệt vời có tên là “bảo hiểm hàng năm”, với hi vọng sẽ bảo vệ bạn khỏi tình trạng kiệt quệ tài chính nếu bạn sống đến trăm tuổi. Lý thuyết mà nói, mua một gói bảo hiểm hàng năm nghĩa là bạn đã chuẩn bị một khoản tiền lương cố định cho cuộc sống của mình (tương tự, Bảo hiểm Xã hội là một dạng thuộc hệ thống bảo hiểm hằng năm). Về nguyên tắc, bảo hiểm hằng năm mang lại rất nhiều lợi nhuận, nhưng đáng buồn là máy tính sẽ rất khó tính toán được xem nó mang lại những lợi ích gì. Tệ hơn nữa, những người bán bảo hiểm đã bán mình cho ngành công nghiệp bảo hiểm, cũng bẩn thỉu không kém những tay môi giới xe cũ vậy. (Mặc dù tôi biết là sẽ có những trường hợp ngoại lệ, nhưng tốt hơn hết là cứ tránh xa bọn họ ra.) Họ lợi dụng chính cái khó có thể đong đếm lợi ích được để thu tiền từ khách hàng. Kết quả là hầu hết các khoản bảo hiểm hằng năm đều có tính gian lận và thị trường rất quan trọng này hoạt động không ổn chút nào.
Vậy làm sao để những thị trường này có thể hoạt động hiệu quả và có tác dụng hơn? Đây là một ví dụ vay nợ xã hội: Giả sử bạn cần góp tiền để mua một chiếc xe hơi. Giờ đây, có rất nhiều công ty đã xây dựng hệ thống cho vay xã hội để các thành viên trong gia đình và bạn bè có thể vay mượn tiền lẫn nhau, để khỏi phải trả tiền lãi cho ngân hàng, giảm thiểu nguy cơ nợ khó đòi và cho phép một mức lãi xuất hấp dẫn hơn cho cả người vay lẫn người cho vay. Các công ty này quản lý tiền cho vay mà không phải đối mặt với nguy cơ nào hết, và chỉ phải thỏa thuận với những nhà đầu tư phía sau hậu trường thôi. Ai cũng hưởng lợi trừ các ngân hàng.
Điều cuối cùng là: ngay cả khi các thị trường không hoạt động đối với chúng ta, thì chúng ta vẫn không mảnh giáp che thân. Chúng ta cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách vạch ra những điểm mà thị trường không thể cung cấp những sự hỗ trợ mà chúng ta kì vọng ở nó, và từng bước xoa dịu vấn đề (thử trải nghiệm cảm giác hẹn hò ảo, vay tiền từ người thân… ). Chúng ta cũng có thể cố gắng giải quyết vấn đề một cách thông thường hơn và cho ra mắt những sản phẩm được thiết kế với cặp mắt của những người biết nhìn vào nhu cầu tiềm năng của khách hàng. Đáng buồn, nhưng cũng đáng mừng là, những cơ hội cải thiện sản phẩm và dịch vụ có ở khắp mọi nơi.