Số lần đọc/download: 1539 / 24
Cập nhật: 2016-06-20 21:07:49 +0700
Chương 9
T
rời đã chập choạng tối mà lão cu Tị vẫn chưa thấy về. Bà lão và Thuật hết quanh ra lại quanh vào, mong ngóng chờ đợi mãi. Mâm cơm đã nguội tanh.
- Quái, hay ông ấy lại sa vào đám nào rồi?...
- Chẳng có lẽ!
- Thế tại sao mãi bây giờ chưa về?
- Hay là hôm nay ngoài nhà máy thêm giờ làm? Chắc chỉ có thế vì mọi bận hễ đi chơi đâu bố vẫn bảo chứ có bắt chờ cơm bao giờ.
Hai mẹ con bàn tán mãi. Bà lão ra ý nóng ruột, loanh quanh như không ngồi yên chỗ. Sau cùng bà bảo Thuật:
- Hay con chạy đi xem?...
- Vâng.
Thuật ra cửa thì vừa lúc ấy ông lão ở ngoài về, mặt đỏ tía hắt, giọng nói oang oang như lệnh vỡ:
- Bố chúng nó chứ! Chỉ quen bắt nạt!...
Thuật nói:
- Mời bố về xơi cơm. Cái gì thế bố?
- Một bọn oe ba lạt chúng nó láo quá, tao vừa đánh cho chạy bỏ mẹ cả.
Bà lão hấp tấp ra hè, lo lắng:
- Nhưng mà cái gì thế?
- Có cái gì đâu, tôi ở nhà máy ra về thì gặp ngay mấy thằng oe con mất dạy đang xúm nhau lại chọc ghẹo con bé Tép. Chúng nó nghịch ngợm như một bọn xỏ lá ấy. Con bé kêu van thế nào chúng cũng không nghe. Cùng kế, con bé phải cáu nói sẵng thế là chúng nó nhâu nhâu ngay lên như đàn chó đói chửi bới người ta những là làm đĩ với làm điếm cùng thế nọ với thế kia! Mình thấy ngang tai trái mắt vào can thiệp và nói mấy lời phải chăng, chúng nó đã không nghe thì chớ lại dám nói láo. Tôi điên tiết vớ ngay một thanh gỗ phang vung mạng thế là chúng nó chạy cả. Mẹ kiếp! Không nhanh chân ông cho có đứa vỡ đầu!...
Ông lão nói một hơi bằng cái giọng hằn học, tỏ ra ông vẫn còn bất bình lắm...
Thuật nghiến răng, hai mắt anh ta sáng quắc lên. Anh ấy làm tiếc rằng lúc Tép bị làm nhục anh không có đấy để bênh vực cho Tép.
Cởi áo xong, lão cu Tị lên giường ngồi, tay cầm lọ rượu thuốc rót đầy một cốc đoạn ngửa cổ làm một hơi cạn. Vuốt lại bộ ria mép, lão hung hăng nói tiếp:
- Mình già ngần này tuổi đầu, có khi còn hơn tuổi bố chúng nó vậy mà bảo một lũ ranh con không được!...
Bà lão ngọt ngào can:
- Thì chúng nó đã sợ chạy cả rồi mà! Ông hãy uống rượu đi rồi còn ăn cơm kẻo ôi cả!
- Những của trời đánh không chết ấy thì chúng nó còn sợ cóc gì ai!... Lần sau có gặp con bé, chắc chúng nó lại cứ thế.
- Mặc chúng nó!
- Mặc thì còn nói gì nữa! Thấy kẻ vô cố bị bắt nạt, mình yên lòng sao được! Nếu mình lại nhắm mắt bước qua thì, ở đời này, còn ai là người tốt bụng nữa?...
Thuật lắng nghe cha nói, trong lòng cảm phục và sung suớng. Thì ra cha anh cũng nghĩ như anh, cũng đem lòng thương Tép.
Lão cu Tị vừa gặm một mẩu sườn vừa nói:
- Hừ! Thời buổi Tây Tàu bây giờ ra nhốn nháo cả! Trẻ không kính già, con cóc sợ bố... Hỏng!... Đốn!... ông cho thì đốn hết!...
Rồi ông ngậm ngùi:
- Nghĩ thương hại cho con bé!... Thực ở đời chẳng gì bằng cái tội nghèo! Nghèo khổ, đói rách, đem thân đi làm kiếm tiền nuôi thân mà nào có được yên đâu!...
Quay lại phía bà lão nói như để hả cơn uất ức:
- Bà tính con bé đáng thương quá! Thực là chăm chỉ, thực là nết na, thực là hiếu hạnh. Ấy thế mà nó bị người ta làm cho nhem nhuốc làm cho xấu xa, người ta bôi tro trát trấu lên mặt nó rồi người ta lại xúm nhau lại mà chửi bới mỉa mai nó thì có ức tình không chứ?
Nâng cốc, ông già Tị tợp một hơi, há miệng thở đánh khà một tiếng đoạn đưa bát cho vợ xới cơm.
Trong khi ấy Thuật vui sướng vô cùng. Anh ta cảm thấy ở trong linh hồn anh như có cả một đàn chim đang kêu hót ríu rít. Anh vẫn lo lắng cái ý định hôn nhân của anh gặp một sự cản trở lớn là cái tính cố chấp của bố anh nhưng giữa lúc ấy thì một sự tình cờ bỗng xảy ra khiến cho ông già tự nhiên khuynh hướng về Tép. Cái trở lực mà Thuật vẫn lo bấy giờ đã tan đi rồi.
Thuật mừng thì mừng song vẫn coi những việc may mắn đó như là sự tất nhiên. Anh vẫn yên trí cái mộng của anh sẽ thực hiện như ý anh muốn. Phải, anh có lừa đảo hay làm thiệt hại gì cho ai? Anh lương thiện làm ăn và thương xót một người con gái thì không có sự gì tự nhiên lại ngăn trở không cho anh và người con gái nọ yêu nhau được!
- Cái thân người con gái lắm lúc nghĩ cũng chơ vơ cực khổ thật!... Đã thế, chúng nó lại đè nén con bé thì tao sẽ bênh nó cho những đồ mất dạy kia xem, tao sẽ là một người bố của con Tép, tao sẽ thương nó như con... Nào, xem nào!...
Ông già Tị vừa nói xong thì bà chùm và Tép vào.
- Lạy ông bà ạ! Bác cả ngồi chơi.
Ông già đon đả:
- Ấy kìa bà chùm! Lỗi cơm bà nhé?
- Không dám, xin mời ông bà, cháu đã vô phép...
- Bà lại chơi có việc gì thế?
Bà lão xuýt xoa nói:
- Bẩm ông, tôi lại hầu ông về việc con bé cháu... Ông có lòng thương che chở cho cháu, tôi thực cảm ơn ông lắm!
- Có gì mà bà phải nói ơn với huệ! Chẳng qua thấy việc trái mắt, tôi không nhẽ lại chớp mắt bỏ qua cũng không đành lòng.
Bà lão cảm động rơm rớm nước mắt:
- Cháu nghĩ cũng khổ quá! Thực là hai mẹ con chẳng dám chòng ảnh, hoặc sinh sự gì với ai bao giờ, cũng biết thân biết phận mẹ góa con côi nhưng mà nào họ có để yên lành đâu!...
- Những quân đểu ấy thì chỉ cứ đánh què chúng nó đi là ngắn chuyện hơn cả. Còn cái giảng giải nghĩa lý với nó thì thực là đem đàn gảy tai trâu!
- Không biết họ thù ghét gì nhà cháu mà họ xúm nhau lại để mà chèn lấn, mà đè lèn, mà bắt nạt... Mà cháu xem họ cũng chẳng hay hớm gì mà bảo họ lên mặt xuống chân. Cháu biết có vô số đứa thực, nói khí vô phép ông bà chứ, ăn dơ không biết thối thế mà chúng nó cũng giậu đổ bìm bịp leo được!
- Bà không lo. Tôi vừa nói với mẹ cháu xong chúng nó đã khỏe bắt nạt thế thì tôi, tôi sẽ bênh vực con bé cháu, tôi sẽ coi nó như con tôi!...
Câu nói vô tình ấy làm cho Thuật và Tép cùng cúi đầu đỏ mặt. Tép thẹn quá, cố thu hình vào bên cái cột gỗ. Còn Thuật thì và vội miếng cơm đoạn len lét biến xuống dưới nhà.
- Vâng thì trăm sự nhờ ông rủ lòng thương cháu. Thầy cháu không may mất sớm, nay cháu xin làm con ông...
- Cảm ơn bà. Ấy tôi cũng vừa có ý ấy đấy. May sao bà lại nói ra thế cũng là tiện cho tôi.
Bà chùm sung sướng nở nang nét mặt.
- Vâng, ông dạy cho như thế nào thì mẹ con tôi cũng được nhờ ông phận ấy.
- Nghĩa là ta làm thông gia với nhau.
Ông già vừa nói vừa cười ha hả. Bà lão Tị quay lại nhìn Tép thì cô ả đã lủi ra hè tự lúc nào.
- Vâng, nếu ông lại nghĩ thương thầy cháu, thương tôi được như thế thì còn nói gì!
- Con cháu năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Cháu tuổi Tuất đấy ạ. Tiếc rằng có lớn nhưng cháu hãy còn dại dột lắm.
- Không, con cháu tôi xem ý ngoan đấy chứ!
Vừa nói, ông già vừa xòe năm ngón tay ra mà tính:
- Tuất... Ngọ... Mùi, Thân, Dậu, Tuất... ừ, hai tuổi này hợp đây!... Thằng cháu nhà tôi tuổi Ngọ, con cháu tuổi Tuất. Ngọ mình thủy, Tuất mình kim, tốt!
Bà chùm xuýt xoa:
- Nếu vậy thì thực là việc Trời định!
Ông già Tị cười ha hả:
- Thiên thành hẳn chứ lại!
Trong khi người lớn nói chuyện ở trong nhà thì Tép ngồi ngoài bậc cửa vẫn lắng tai nghe. Câu chuyện càng may mắn tốt đẹp bao nhiêu, tấm lòng cô càng nở nang vui sướng bấy nhiêu. Trái tim cô đập thình thịch. Cô bâng khuâng như người chiêm bao. Ừ, có lẽ thế chứ trong cuộc đời u ám, khổ não của cô sao lại có thể có được một sự thay đổi lạ lùng như vậy? Trước cái hạnh phúc đột ngột, Tép giống như người đương ở hang sâu chợt ra chỗ sáng. Cảm giác đầu tiên của cô là một cảm giác chói lòa nó tràn lan khắp tâm trí cô làm cho cô choáng váng một cách êm đềm. Tép lơ mơ như say sưa, Tép chưa thể có được một ý niệm xác thực gì về những sự xảy ra ở quanh mình cô lúc ấy. Những tiếng cười nói của ông già, những câu của mẹ Tép, cô vẫn thấy, vẫn hiểu mà vẫn tưởng chừng ở tận đâu xa xôi lắm...
Một bóng người thoáng qua trước mắt làm cho Tép sực tỉnh. Cô nhìn ra thì chính là Thuật. Cô run lên, trống ngực đổ hồi, vừa thẹn, vừa mừng...
- Anh Thuật đấy à?
Thuật dừng bước.
- Phải, tôi đây. Ai thế?
- Em, Tép đây mà.
- Ồ, cô Tép! Sao không vào trong nhà lại ra đấy?
- Ra để chờ anh...
Tép ngạc nhiên sao mình lại nói được một câu bạo dạn như thế. Cô e Thuật sẽ hiểu lầm ý mình chăng nên vội nói:
- Vì em vẫn định có dịp nào thì cảm ơn anh về những lời anh đã nói ở nhà anh Dương.
Thuật lúng túng nói lảng:
- À, câu chuyện vừa lúc chập tối đầu đuôi ra sao thế?
Anh hỏi Tép cho có chuyện chứ thực ra anh đã biết cả rồi vì vậy anh cũng không nghe Tép kể lại câu chuyện, tâm trí để cả vào những câu ông già Tị đương nói như lệnh vỡ ở trong nhà.
- Có gì đâu! Lại vẫn những thằng hôm nọ nó đón đường để trêu ghẹo em. Nó làm quá quắt, may ông nhà ta qua đấy, sấn vào can rồi đánh chúng nó chạy tán loạn như đàn vịt.
Tiếng ông già Tị văng vẳng:
- Bà không lo! Tôi bằng lòng, bà cháu bằng lòng là được. Vả lại thằng cháu nhà tôi tuy thế chứ cũng biết vâng lời bố mẹ lắm. Cháu sẽ theo ý tôi. Không phải nói khoe chứ thằng cháu nhà tôi không đời nào lại như những đứa con trai khác bằng tuổi nó.
Thuật khẽ nói:
- Ừ! Ông bố tôi nói tốt cho con trai quá! Chừng ông sợ con trai ông không có ai người ta bằng lòng lấy chứ gì!
Tép cười khúc khích:
- Cái anh này!... Ông nhà nói chả phải là gì!
- Ồ! Lại cô nữa!...
- Chứ không ư?
- Thế thì may quá!... bây giờ ra nhiều người thích nói tốt cho tôi...
Tiếng ông già Tị:
- Phải! Chắc thế! Chắc nó sẽ bằng lòng...
Thuật khẽ đệm:
- Bố tôi làm như đã đi guốc vào bụng tôi rồi ấy!...
Tép ghé lại gần Thuật, giọng hơi run run:
- Thế anh nghĩ sao?... Chắc anh chả bằng lòng vì anh cũng khinh...
Thuật vội ngắt lời Tép:
- Chỉ nói nhảm!... Tôi cũng phải nói thế một tí chứ lại!...
Vừa nói, Thuật vừa êm ái nắm lấy bàn tay Tép. Sự dụng chạm lần này đem cho thiếu nữ một cảm giác say sưa ngây ngất nó chạy khắp thân thể cô như một luồng điện nhẹ...
Cô khẽ hỏi Thuật qua một hơi thở não nùng:
- Anh Thuật! Anh có yêu em không?...
Thuật bóp mạnh bàn tay Tép.
- Sao lại không!...
Trong nhà, lại tiếng ông già Tị:
- Vâng, thế xin bà cứ lại nhà cho. Công việc của ta có thể coi là xong được một nửa...
Thuật cười bảo Tép:
- Các cụ làm thật là nhanh như điện!...
Tép vội chạy vào trong nhà chào vợ chồng ông già Tị còn Thuật cũng lảng xuống bếp.
Bà chùm sung sướng đứng lên:
- Thôi thế để cháu xin phép ông bà...
- Vâng, kính bà lại nhà...
Quay lại Tép, bà chùm bảo:
- Kìa con, chào ông bà đi rồi về.
Tép đỏ mặt luống cuống nói chẳng ra hơi.
- Lạy ông bà ạ.
Ông già Tị cười ha hả:
- Rồi còn được thẹn con ạ!... Thầy dữ đòn lắm kia đấy nhé!
Cả nhà cười.
Ra đường, bà chùm bảo con:
- Ông bà Tị thực là phúc đức quá con nhỉ?
Tép cúi đầu yên lặng.
- Con được về làm dâu nhà ấy thực là một cái may lớn. Vả cũng là tại thầy bu ăn hiền ở lành nên trời mới cho con được như thế!... Giá cứ như nông nỗi của mẹ con mình thì bu thực không còn dám trông mong gì nữa!...
Tép cúi đầu, cảm động thấm thía. Hai giọt nước nóng hổi đọng dần lại trong khóe mắt cô rồi lặng lẽ lăn xuống hai gò má nhẵn như ngà...