Số lần đọc/download: 7802 / 99
Cập nhật: 2016-04-17 22:23:33 +0700
Chương 8: Triệu Chứng
T
ừ đó đến một tháng sau, Nga không hy vọng gặp mặt Chi. Mà nàng cũng không viết giấy cho Chi nữa. Nàng thích nghe những chuyện mà chị em nói về bọn học trò bên trường nam Sư phạm và bên trường Bưởi. Nhiều người biết tiếng Chi. Nàng rất chú ý đến Chi, và hay hỏi về Chi lắm.
Chị em bạn thấy nàng nhiều lúc thẫn thờ, thì hỏi cớ, nhưng nàng thở dài, và cười cho qua chuyện.
Một hôm chủ nhật, nàng xin phép chú thím đi chơi buổi trưa với bạn. Nàng rủ người ấy lên vùng trường Bưởi, thác rằng để biết chỗ, để kỳ thi khỏi đi lạc. Nàng vơ vẩn nhìn vào từng lớp, nhưng không rõ chữ ở biển đề lớp nào vào lớp nào.
Man mác, nàng đứng xem nhiều người tung tăng đi lại, hoặc chạy nhảy ở sân thể thao. Rồi nàng lên làng Thụy, là chỗ mà nàng nghe thấy có nhiều học trò trọ.
Chẳng hay nàng có mong gặp mặt Chi không, và gặp để làm gì. Nhưng lúc tưng hửng trở về, nàng ra vẻ thất vọng.
Thấy câu chuyện rời rạc nàng hỏi và đáp, người bạn cũng không để ý.
Nhưng Nga không thể chịu đựng nổi trong lòng những nỗi riêng. Nàng cần thổ lộ với bạn cho nhẹ bớt tâm sự:
- Chị ạ, tôi có một người chị họ, không biết thương hay yêu một người học trò trường Bảo hộ này.
- Thương hay yêu?
- Tôi không rõ.
- Chị ta không nói thực à?
- Không.
- Nhưng thương hay yêu, chị đoán được chứ?
Nga ngẫm nghĩ, rồi đáp:
- Không, nhưng cứ tôi biết, mới đầu chị ấy chỉ thương người học trò này nghèo, muốn giúp đỡ mà thôi.
- Từ cái thương đến cái yêu, chỉ có một ly.
Nga yên lặng, trầm ngâm, rồi nói:
- Tại người học trò này... không hiểu vì lẽ gì chị ấy lại thương quá lắm thế.
Nói đoạn, nàng cười. Bạn cũng cười:
- Chị dớ dẩn quá. Thế sao nữa?
- Người học trò kia nghèo, nhưng học giỏi và nhiều đức tính tốt lắm. Này, chị ạ, không biết họ có thể lấy nhau được không nhỉ?
- Yêu nhau thì lấy nhau chứ gì.
Nga mơ màng, rồi lắc đầu:
- Nhưng không thể, người kia là con nhà hèn mọn, mà chị tôi là con quan. Như thế không thể lấy nhau được, chị ạ.
- Ồ, đời xưa, chứ đời nay như thế lấy nhau là thường. Miễn là hai người yêu nhau tha thiết. Còn có gì ngăn nổi được ái tình. Thế chị không thấy chị Tĩnh đấy à.
Nga gật:
- Ừ nhỉ, cũng con ông Tuần mà lấy một người thường dân. Thích nhỉ.
- Phải, lấy chồng là mình lấy cho mình chứ có lấy cho cha mẹ mình đâu.
- Nhưng chị ạ, chị Nhàn tự tử có phải vì tình thực không?
- Hình như thực. Sở dĩ các báo ngày ấy không đăng rõ, vì nhà chị ấy giàu.
- Chỉ vì tuyệt vọng về ái tình nên biết bao nhiêu người chết oan ức, hoặc mang tiếng theo trai là tại cha mẹ quá khắc nghiệt.
- Chị ạ, thầy me tôi khắc nghiệt lắm. Tôi chắc cũng sẽ bị khổ về đường nhân duyên.
- Các cụ cổ chết, theo thế nào được.
- Giá bây giờ tôi có muốn yêu một người con nhà tầm thường, có lẽ thầy me tôi đến bắn tôi chết.
Nàng cười, sung sướng. Bạn hỏi:
- Thế người chị chị định xử trí ra làm sao?
- Tôi không hiểu. Tự tử thì chị tôi không nỡ, vì cha mẹ chiều chuộng lắm. Đi trốn với người ấy thì chị tôi không dám, vì họ nhà to, sợ tai tiếng. À, mà chị tôi đã yêu người ấy đâu nhỉ.
- Chuyện chị mới vớ vẩn chứ!
Nga như sực tỉnh mộng, hỏi:
- Tôi vừa nói gì nhỉ?
- Chị bảo chị chị chưa yêu người ấy.
- Ừ phải, nhưng có lẽ người ấy đáng yêu.
- Thế nào là có lẽ! Nếu thật bụng yêu, thì vì cha mẹ chiều, chị chị nên nói thực đi, có hơn không?
Nga lắc đầu:
- Điều gì, chứ điều ấy quyết chị tôi không được cha mẹ chiều. Vì vậy chị tôi cứ buồn uất ngấm ngầm, có lẽ ốm to.
Hai chị em thở dài. Nga nói:
- Hôm nay chị tôi nhờ tôi tìm nhà người đó, nhưng biết đâu mà tìm nhỉ.
- Tìm làm gì?
Nga nghĩ ngợi, rồi cũng tự hỏi:
- Ừ nhỉ, tìm làm gì, đã chẳng được yêu nhau thì mơ màng lắm chỉ hại người mà thôi. Mà biết họ có thiết đến mình không?
- Chị nói gì?
- Ừ nhỉ, tôi nói gì thế, chị?
Dần dần, Nga đổi tính. Sự đổi tính ấy mỗi ngày một rõ rệt. Người con gái nhu mì, vui vẻ mọi khi, bây giờ hay cáu bẳn, hay cãi nhau, hay thở dài một mình. Người học trò chăm chỉ, đức hạnh mọi khi, sinh ra lười biếng, bướng bỉnh, liều lĩnh, dám cãi cả bà giám thị. Chỉ trừ khi nàng thổ lộ việc riêng với bạn thân, nàng mới lại dịu dàng.
Một hôm, Nga thấy nóng ruột lạ. Giờ học nàng xin phép xuống nhà đến ba bốn bận. Chị em cứ tưởng Nga muốn trêu cô giáo, đều tủm tỉm cười.
Chiều hôm ấy, Nga ăn rất ít cơm. Rồi tự nhièn, có những lúc nàng đương đứng chơi ngoài sân, bỗng rưng rức lên khóc.
Tối hôm ấy nàng xin phép đi nằm sớm. Nhưng mà hồ đặt mình độ dăm phút, nàng lại vùng dậy, đi tung tăng khắp buồng thuốc.
Ai hỏi, Nga cũng nhăn nhó nói:
- Tôi thấy khó chịu trong người, ốm to mất.
Thật ra, lúc ấy Nga chẳng nghĩ đến gì cả, vì nàng chẳng nghĩ lâu được nửa phút đồng hồ.
Đến đêm, Nga lần sang giường cạnh, đánh thức người bạn dậy. Tuy người bạn không lấy gì làm thân, nhưng nàng cũng thở dài, tưởng như sắp thổ lộ những câu tâm sự.
- Chị ạ. Tôi đau đớn lắm. Chà! Nói ra, nó dài lắm. Thôi chị ngủ đi.
Rồi Nga lại chạy đến giường khác, cũng thân mật nói như thế. Được một lát, cả buồng thức dậy mà Nga thì cười sặc sụa, như có vẻ đắc chí lắm.
Từ hôm sau, cả trường phải ngạc nhiên về bộ điệu của Nga. Nga làm như người điên. Vậy mà có ai nói:
- Chị Nga điên chắc!
Thì Nga sướng lắm, kêu người ấy là tri kỷ, rồi bám riết lấy, mà nói ba hoa; có lúc tự nhiên khóc nức khóc nở.
Một người bạn học đem tin ấy cho bà Tham. Bà Tham xin phép cho Nga nghỉ ở nhà một tuần lễ.
May lại được phép.
Nga ở nhà chú thím, ông Tham thấy Nga đổi khác hẳn tính nết thì sợ hãi, bèn viết giấy về phủ.
Bà Phủ lên ngay Hà Nội thăm con và vì lời khuyên của ông Tham, bà vào trường xin cho Nga nghỉ học ba tháng. Sự xin phép rất khó khăn, vì bà phải lấy giấy Đốc tờ nhận thực rằng Nga bị bệnh đau phổi.
Nga nói lăng nhăng cả ngày, thỉnh thoảng lại đánh đập các em.
Bà Phủ thương con, thường hỏi:
- Con thấy trong mình thế nào, cứ nói thực, để thầy me thuốc thang cho.
Nga cười ha hả đáp:
- Me cứ cho gọi Đốc tờ, và các ông danh sư đoán bệnh. Con chẳng có bệnh gì cả.
- Me nói với chú thím mai cho con về nhà.
Nga sừng sộ:
- Thèm vào, con thèm vào về phủ. Bẩn chân.
Rồi nàng cười lăn ra, sau lại hu hu lên khóc. Bà Phủ lo sợ, cả ngày nhăn nhó. Ông Tham bảo:
- Hay là cháu mắc bệnh loạn óc. Cháu vẫn có chứng đau tim. Những người đau tim, nếu gặp điều gì sợ, hoặc thất vọng quá, thường hay dễ mắc điên.
Bà Phủ ngẫm nghĩ, đáp:
- Không, cháu chẳng có điều gì sợ. Vả anh chị rất nhiều cháu, thì cháu có gì thất vọng đâu. Chắc cháu lo thi quá.
- Chị nên cho cháu ở trên này, để tiện thang thuốc.
Ngẫm nghĩ, bà Phủ nói:
- Chị là đàn bà, chẳng biết thế nào là nên. Hay là chú thím viết giấy bẩm anh xem.
Nga nghe tiếng, nói chêm vào:
- Anh cũng chẳng cho phép được.
Rồi nàng cười sằng sặc, nhưng đang cười dở, thì giơ tay sờ soạng câu đối, và như quên hẳn việc vừa mới làm.
Bà Phủ cau mặt:
- Con chớ nói càn.
Nga trợn mắt, đáp:
- Anh không có phép mắng tôi.
Rồi hầm hầm, lên gác, nằm, cười khanh khách.
Các con ông Tham thấy Nga như thế, đều thích xem lắm. Chúng coi như những trò ngộ nghĩnh. Thỉnh thoảng Nga đánh chúng nó đau quá, lại có lúc vỗ về, kể chuyện cho chúng nó nghe. Song chuyện chẳng đâu vào đâu. Nga phệnh phạo kể:
- Một hôm, chị ăn mặc như con ăn mày. Chị đội cái nón rách bươm. Chị mặc cái quần rách bướp. Chị khoác cái áo tam tài. Chị đi bộ từ nhà sang tận bên Tàu, chị vào cung vua ông Tưởng Giới Thạch. Chị thấy cái súng, chị cầm lấy chị bắn đánh đùng! Ơ kìa! Ông Tưởng Giới Thạch ông ấy bắt tay chị đấy.
Các em phá ra cười, hỏi:
- Thế ông ấy có khen chị không?
Nga gật:
- Có, ông ấy bảo: C’est bien!
Thấy Nga nói ba hoa, bà Phủ thường ngăn cấm. Nhưng Nga càng thích nói.
Có bận Nga trỏ tay vào mặt bà Tham nói:
- Ê hê! Bà Tham ăn! Chi ơi!
Rồi Nga nói như diễn thuyết:
- Không thấy nước nào thối như nước Nam mình. Bà Tham! Bà Phủ! Ông ấy là Tham, ông ấy là Phủ. Chứ bà ấy làm nghề ngỗng gì? Làm cho các bà ấy vì tiếng gọi càng tưởng mình là to, lên câu tràn đi thôi.
Nghe câu nói, thím Nga buồn cười, nhưng mẹ Nga tức lắm, cầm cái phất trần, đánh vào lưng con một cái. Tủi thân, Nga vừa khóc vừa cười nửa ngày, ông Phủ lên thăm con luôn. Ông rất buồn rầu. Ông nghĩ mãi xem đã làm việc gì thất đức đến nỗi con mang bệnh tật.
Ai mách đâu có thầy thuốc hay ông cũng mời cho kỳ được. Các ông lang vẫn xem mạch và kê đơn. Đơn nào cùng rất nhiều thần sa và chu sa, nhưng vẫn vô công hiệu.
Có người quen mách, giá uống được nước trong áo quan khi người ta cải táng, thì người hóa dại sẽ khỏi liền. Nhưng ai dám cho uống thế.
Vả độ ấy gần tháng ba. Trời đã nắng dữ lắm. Khí nóng làm cho Nga bệnh càng nặng.
Bà Phủ không dám mời Đốc tờ, sợ người ta bỏ vào nhà thương điên.
Bà không thể đưa con về phủ, vì không thể nào đưa nàng lên ô tô được. Nàng sẽ phá vỡ kính, đánh chửi tài xế, rồi nhảy xuống đường thì oan gia.
Bạn bè đến thăm, không ai dám giáp mặt Nga vì sợ nàng chửi.
Cả ngày Nga nghêu ngao hát, có ai mắng, Nga càng thích hát già và nói bướng:
- Ê hê! Đố ai hát hay bằng tôi.
Nga hay nói tiếng "ê hê quá"!
Sau bà Phủ để riêng cho Nga cái buồng trong nhà trong, bà sợ Nga chạy loăng quăng ra ngoài, có khi lỡ ra cả đường nữa, nên phái khóa trái cửa lại.
Có một hôm Nga làm như khỏi hẳn bệnh. Tự nhiên nàng đòi quần áo, ăn mặc rất sang, ngắm nghía phấn sáp một lúc. Cả nhà mừng rỡ, chiều ý nàng. Nhưng bỗng nàng nói:
- Thôi, lấy chồng xong rồi.
Thế là nàng vội vàng xé cả quần áo ra không ai giữ kịp. Rồi cả ngày, nàng không để yên mồm lúc nào. Nếu không hát thì ngâm thơ. Nếu không ngâm thơ thì đọc tiếng Tây. Nếu không đọc tiếng Tây lại nheo nhéo cãi nhau một mình.
Nàng hay hát:
Tháng chạp ăn tết ở nhà,
Tháng giêng cờ bạc, tháng hai hội hè.
Và nói:
- Kệ mẹ tháng Tư. Chi ạ.
Ngồi buồn kể chuyện anh Trương Chi,
Con quan Thừa tướng gì gì cũng hay,
- Kệ mẹ nó. Ê hê, này cái cô kia, cái cậu kia.
Sống khôn thì chết phải thiêng,
Chớ đi chân vành kiềng mà đuổi theo tôi.
Đi đâu mà chẳng lấy chồng.
Mặt ông vua thì thế, mặt ông giám quốc thì sao?
Hở Chi!
Than ôi! Một cô tiểu thư ngàn vàng, đến nay mình gầy mặt hóp, ai trông thấy chẳng phải động lòng thương.
Rồi sau, tối nào ông Phủ cũng lên Hà Nội. Hai ông bà sút đi còn độ nửa người. Bà Phủ thì ai bảo lễ đâu cũng lễ. Hết xem bói đến xem thẻ, mà động kể chuyện cho ai nghe bệnh tình của Nga, bà cũng nhăn nhó, đau xót vì con, nước mắt như mưa...