Số lần đọc/download: 1210 / 3
Cập nhật: 2017-09-01 22:17:03 +0700
Chương 9: Chẳng Thể Cho Đằng Ấy Điều Gì, Yêu Đằng Ấy Cần Có Dũng Khí...
T
ình yêu cũng giống như tiền bạc, có lúc không cần phải quá rõ ràng. Rạch ròi quá chỉ khiến người ta khó chịu.
Vừa chuyển từ phòng cấp cứu sang phòng hồi sức, lão Ngô đã nhanh chóng tỉnh lại. Câu đầu tiên lão hỏi là:
Lần này tớ tiêu hết bao nhiêu tiền rồi?
Giáo sư Trần ngẫm nghĩ rồi nói ra một con số.
Lúc lão Ngô tính ra con số đó bằng mấy tháng lương của lão, thì suýt nữa lão lại phải vào phòng cấp cứu lần nữa.
Thế mới nói có những chuyện không cần quá rõ ràng.
Giáo sư Trần ngồi gọt táo cho lão Ngô, vừa gọt táo vừa chuyển lời bác sỹ:
Bác sỹ nói là do đằng ấy ngồi lâu quá, lại đứng dậy đột ngột, vận động mạnh. Thời trẻ thì không sao, chứ bây giờ có tuổi rồi. Lần này cao huyết áp, nhồi máu cơ tim là còn nhẹ, chứ lần sau mà còn thế này thì...
Giáo sư Trần ra sức khuyên nhủ nhưng lão Ngô chẳng lọt tai câu nào. Lão cứ cầm giấy bút mà tính tiền.
Đừng có tính nữa!
Giáo sư Trần nói rồi cầm có táo nhét vào mồm lão, chỉ mong cho lão đừng có “mê muội” vì tiền như vậy nữa.
Không tính?
Lão nhíu mày:
Không tính mà được à! Tớ với đằng ấy không giống nhau. Lương đằng ấy bao nhiêu, lương tớ bao nhiêu nào? Đằng ấy có được thanh toán bao nhiêu, tớ được thanh toán bao nhiêu? Đã cấp cứu lại còn cộng thêm cả phòng hồi sức nữa chứ... Tiêu rồi, phải hơn mười ngàn tệ chứ chẳng chơi! Thế này thì tớ phải kiếm bao giờ mới đủ hả trời?
Quả đúng như lời lão Ngô nói, Giáo sư Trần không cùng tầng lớp với lão. Một tháng lương của Giáo sư là mấy mươi ngàn tệ. Mà đây còn là vì Giáo sư thấy kiếm nhiều cũng chẳng để làm gì, lại thêm cả nể phía nhà trường có bạn của mình nên lúc bàn về chế độ đãi ngộ, ông ngại không đòi hỏi. Còn lão Ngô thì sao? Một bảo vệ thì có thể kiếm được bao nhiêu chứ? Tuy lão cũng biết chút ít về điện đóm, nhưng cũng không sánh được với Lữ Vệ Quốc có chứng chỉ nghề kỹ thuật trong tay. Thế nên lão cũng chỉ kiếm được mức lương tối thiểu mà thôi.
Chính sách thanh toán bảo hiểm y tế cũng khác biệt rất lớn, Giáo sư Trần được thanh toán gần như một trăm phần trăm. Đã vậy người thân của ông cũng được quyết toán bảy mươi phần trăm. Còn chế độ của lão Ngô thấp, đã vậy lão chỉ tham gia bảo hiểm xã hội, ngoài ra chẳng tham gia loại bảo hiểm nào khác, thanh toán chế độ tất nhiên sẽ thấp hơn nhiều. Thế nên lão Ngô cần kiệm của chúng ta chắc chắn phải tính toán rồi.
Mắt lão lóe lên một sáng kiến:
Mà này, đằng ấy nghĩ xem tớ có thể lấy cái hóa đơn nằm viện của tớ gộp vào chế độ quyết toán của đằng ấy không?
Giáo sư nghĩ ngợi:
Sao mà được? Đằng ấy chẳng phải người nhà tớ, thì làm sao mà quyết toán được.
Thực ra Giáo sư biết rõ là lão Ngô không nỡ bỏ tiền ra, nên cũng đã quyết định lần này sẽ trả tiền giúp lão. Nhưng mà người nằm viện không phải là ông nên làm sao mà quyết toán được.
Lão Ngô cau mày:
Ai nói là không được, chúng ta còn chẳng phải người thân à?
Giáo sư ngẫm nghĩ hồi lâu, thực sự là mình chẳng có người thân nào họ Ngô cả, nên lắc đầu nói:
Hai chúng ta thực sự không phải là người nhà mà.
Lão Ngô nổi cơn lôi đình:
Trần Thế Mỹ, ông giỏi lắm!
Hả?
Sao lại gọi cả tên cúng cơm của ông thế này.
Lão Ngô vội vã giải thích:
Ông còn giả ngốc à! Bây giờ cả trường đều biết hai ta là một đôi. Ông là bạn đời của tôi, thế mà sao ông lại tối dạ thế! Ông cứ nói với nhà trường tôi là bạn già của ông, thì thế nào mà chẳng quyết toán được chứ!
Cuối cùng Giáo sư Trần cũng tỉnh ngộ.
Đương nhiên ông vẫn biết rõ là trường chắc chắn sẽ không quyết toán. Nhưng ông cũng biết rõ nếu mà nói rõ ý kiến của mình ra thì chẳng khác nào cầm dao đằng lưỡi.
Giáo sư gật đầu:
Ừ, được, để tớ đi lấy hóa đơn viện phí của đằng ấy về quyết toán nhé.
Thấy Giáo sư Trần cũng nhanh trí, lão Ngô nhẹ hết cả người. Lão nằm xuống giường nói:
Này, này tớ nói với đằng ấy nhá, chuyện này không phải đến đây là xong đâu nhé.
Lão vừa nói vừa bẻ ngón tay:
Đằng ấy không thừa nhận tớ là bạn đời là cái tội thứ nhất. Lúc tớ hỏi đằng ấy còn giả ngây, là cái tội thứ hai. Tớ ốm mà đằng ấy cho tớ ăn táo là cái tội thứ ba.
Giáo sư Trần ngậm đắng nuốt cay:
Vậy đằng ấy muốn ăn gì nào?
Mắt lão Ngô lóe lên:
Cua!
Giáo sư Trần từ chối ngay tức khắc:
Không được ăn cua đâu, vì cua là hải sản có tính hàn, ăn vào không tốt.
Lão Ngô không cam tâm. Đã lâu lắm rồi lão không ăn cua vì sợ tốn tiền, nhưng lần này có cơ hội ăn “đồ chùa” thì tội gì mà bỏ qua chứ.
Tớ muốn ăn cua, tớ muốn ăn gạch cua, tớ muốn ăn càng cua!
Giáo sư Trần không thèm dỗ dành lão, mà bình thản nói:
Muốn ăn càng à, được rồi để tớ kiếm cho đằng ấy mấy con rết, con này nhiều chân lắm.
Lão Ngô dỗi, chẳng nói câu gì, cái mặt xanh tái như hoa đậu hà lan cứ lườm lườm Giáo sư Trần. Đến nước này thì giáo sư Trần không chịu được nữa, đành nói:
Được rồi, được rồi, bác sỹ bảo tối mai đằng ấy được xuất viện. Chúng ta nghỉ ngơi mấy ngày rồi tớ sẽ đưa đằng ấy đi ăn cua, được chưa?
Lão Ngô hí hửng, gật gật rồi lại lắc lắc:
Không cần ra ngoài ăn đâu, ra ngoài ăn đắt lắm. Để tớ nhờ cậu Lữ đi chọn, chọn xong rồi mang về nhà đằng ấy, mọi người cùng ăn cho vui được không?
Giáo sư thót cả tim,vốn dĩ muốn đi với lão Ngô đến một nhà hàng, đặt một phòng VIP hai người ngồi ăn cho thoải mái. Ai dè giờ lão lại muốn rủ cả Lữ Vệ Quốc, mà Lữ Vệ Quốc là ai chứ? Gã là “vợ yêu” của Đan Nhất. Gã mà đến thì thế nào gã biến thái Đan Nhất chẳng đi theo. Ông còn lạ gì tên trùm sỏ đám yêu tinh này. Thế nào mà hắn chẳng ăn mặc dị hợm rồi đến phá đám. Lúc đó thì còn gì là thế giới của hai người nữa.
Giáo sư Trần khó chịu trong lòng nhưng không biểu hiện ra mặt, phải kìm nén, nhưng kỳ thực chỉ muốn làm một hình nhân bằng rơm, dán lên một tờ giấy rồi vớ lấy cái búa với cái đinh cứ thế mà đóng cho tan tành...
Nhưng mà ông là người có văn hóa, được giáo dục tử tế nên không thể làm như vậy được.
Ngày hôm sau, giáo sư Trần trả tiền giúp cho lão Ngô, cứ thế lấy thẻ tín dụng mà quẹt.
Ông giải thích với lão rằng:
Lúc nãy tớ gọi cho trường rồi. Nhà trường nói “bà xã” tớ với tớ đều được đãi ngộ như nhau, nên sẽ quyết toán toàn bộ. Bây giờ tớ cứ thanh toán bằng thẻ tín dụng, rồi cầm hóa đơn về trường quyết toán là được.
Lão Ngô gật đầu, vỗ mạnh vào lưng Giáo sư:
Làm tốt lắm, lần này thiệt thòi cho đằng ấy rồi!
Giáo sư Trần cười hiền lành như muốn nói “đã có tớ đây rồi”, đứng trước mặt lão nhét cuốn sổ bảo hiểm có tên “Trần Đại Kiều” vào túi. Ông cảm thấy ông chẳng thể cho lão cái gì ngoài tiền, nhưng ông cũng biết lão chỉ thiếu có mỗi tiền. Thế nên ông sẵn sàng làm cái máy rút tiền của lão và lấy làm vui lắm.