Số lần đọc/download: 7717 / 15
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 9 -
T
rường luồn tay vào trong mở chốt cổng rồi dẫn xe vào sân. Nắng chiều vàng vọt hắt một vệt vào trong nhà. Anh bước vô và đưa tay đóng cửa lại rồi sà xuống hôn cô gái nằm dài trên chiếc ghế salon ngoài phòng khách.
Nụ hôn kéo dài làm cả hai đều không dằn lòng được sự ham muốn, đôi tay cô gái ôm vòng lấy lưng anh siết mạnh. Môi Trường từ tử đi lần xuống chỗ trũng của vùng ngực đầy đặn, chiếc áo ngủ rất mỏng đã tuột khỏi bờ vai tròn.
Bất chợt cô gái đẩy anh ra và ngồi dậy tựa người vào thành ghế, tay cô thản nhiên vén mái tóc dài qua một bên.
Cả hai nhìn nhau im lặng. Trường đẩy ánh mắt của mình vờn trên chiếc cổ nhỏ nhắn, đôi vai trần và khoảng ngực để lộ ra sau chiếc áo ngủ màu trắng trông vừa khêu gợi vừa thơ ngây. Rồi chính Trường lên tiếng trước, giọng anh trầm nhỏ đủ để phá tan cái im lặng đáng sợ đầy mê hoặc đang trôi qua trong tiếc nuối:
– Nụ hôn của người đàn bà thật tuyệt so với nụ hôn của một cô gái. Cám ơn Oanh đã nằm chờ tôi ở đây!
Tố Oanh cười nhạt.
– Sao anh lại làm thế?
Giọng Trường không có vẻ gì chế giễu dù nụ cười đã hiện ra trên mặt anh:
– Sao Oanh...lại để cho tôi làm thế?
Oanh ngập ngừng:
– Tôi nghĩ...lúc ấy anh lầm tôi là Phượng.
Trường cười thành tiếng:
– Oanh sợ tôi hụt hẫng thì tội nghiệp, trong khi Oanh thì không lầm tôi với ai cả mà!
Môi Trường bỗng tha thiết:
– Oanh biết đấy! Tôi chưa bao giờ lầm Oanh với Phượng. Lúc nãy tôi hôn em vì tôi muốn thế. Có lẽ nào Oanh ngu ngơ đến mức không biết tôi đã yêu em từ cái nhìn đầu tiên.
Oanh nghiêm nghị:
– Đừng nói nữa! Phải nhớ rằng tôi là chị của Phượng và dầu gì anh cũng là chồng nó.
Trường thở dài:
– Tôi đâu phủ nhận chuyện tôi sẽ là chồng Phượng. Có điều Oanh cũng không cấm được tôi yêu em.
Nhìn Oanh đang ngồi bó gối trên salon như con mèo đang chờ tay người ve vuốt. Trường ngớ ngẩn hỏi:
– Tại sao ngày đó...Oanh lẩn tránh tôi để ưng làm vợ Sang. Có phải vì Oanh không muốn Tố Phượng đau khổ không? Hừ! Để bây giờ cuộc đời của chúng ta không ra làm sao cả.
Oanh cười mỉa mai:
– Không nên kéo tôi vào cái “chúng ta” của anh. Vì tôi thấy cuộc đời tôi không dính gì đến cuộc đời anh cả.
Rồi tia mắt ranh ma của cô lóe lên một ánh nhìn thoáng mau quá mặt Trường, cô nhỏ nhẻ:
– Còn chuyện ngày đó...qua lâu quá, nhắc lại làm gì. Tìm hiểu làm cho cho những cái cũ xì ấy phá hỏng cái hiện tại rất đẹp của anh và Phượng.
Trường bất chợt vò điếu thuốc vừa lấy ra khỏi bao lại vứt xuống đất, rồi sấn đến bên Oanh. Anh lắc mạnh vai cô, gằn giọng:
– Oanh nói được những lời dửng dưng như thế nghĩ cũng tài. Mà em nói thật đó chứ? Hừm! Em thừa biết xưa kia tôi đến mỗi ngày đưa đón Tố Phượng là vì em mà. Thậm chí nay mai tôi cưới Phượng cũng là...để được gần em hơn.
Oanh giễu cợt nhấn mạnh:
– Thậm chí hôm nay anh đến đây cũng vì tôi. Tại sao kỳ vậy? Tôi và Phượng có gì khác nhau đâu? Anh yêu Phượng thì đúng hơn vì tôi chưa bao giờ và không bao giờ yêu anh cả.
Trường chống chế:
– Em nói dối! Đôi môi và vòng tay ôm của em cho tôi biết rằng em đã nói dối.
Oanh lạnh lùng:
– Anh nên đến đây khi nào có Phượng. Còn bây giờ về đi, tôi không muốn chơi trò phiêu lưu chút nào cả!
Trường lấy ra một điếu thuốc khác, anh châm lửa rồi phà khói, mắt không rời khỏi gương mặt Oanh. Mái tóc dài của cô vén gọn bên trông thật dễ yêu.
Gương mặt đàn bà còn rất trẻ con của cô vẫn giống y gương mặt Tố Phượng, thế nhưng không biết lẽ gì nó làm buốt rát tim anh. Có phải hai trạng thái đối nhau của tuổi tác và tâm hồn đã làm Oanh quyến rũ hơn Phượng không? Rồi đôi mắt sắc lẻm của cô nữa, đôi mắt ấy ẩn dưới hàng mi cong một cách nhu mì nhưng hình như nó đang nói với anh rằng những lời cô vừa thốt ra đứng như lòng cô đang nghĩ đâu.
Trường xốn xang cho rằng hẳn là Oanh rất khổ tâm khi phải dối lòng mình.
Từ ngày cô lấy chồng anh vẫn ngóng tin cô để tin rằng điều mình nghĩ là đúng:
“Oanh không có hạnh phúc với chồng. Từ lâu Oanh yêu anh nhưng vì thương em mà Oanh lẳng lặng đi lấy tên đàn ông lớn hơn mình cả chục tuổi. Một thằng trí thực rởm, đôi mắt lúc nào cũng mệt mỏi kiểu giả tạo, như đang suy tư điều gì rất hệ trọng, trong khi thật ra đầu hắn toàn chứa những tính toàn tầm thường, như kiểu làm thế nào để đi “cua” học trò mình...Giờ đây vợ chồng Oanh đã chia tay (đúng như Trường đã đoán, không sớm thì muộn). Oanh đang cô đơn và khổ sở vì hạnh phúc của em mình, nên cô vẫn một mực từ chối tình yêu dù lòng cô đang khao khát biết bao với nụ hôn say đắm vừa rồi”.
Đứng dậy bước ra đến cửa, Trường quay lại nhìn Oanh, giọng anh trầm hẳn xuống như một nốt nhạc thật thấp, đánh lên thì khó mà nghe rõ, nhưng nếu thiếu nó chắc bài nhạc sẽ mất hay:
– Anh biết em sẽ nghĩ lại! Anh biết anh sẽ có cả Tố Phượng lẫn Tố Oanh như buổi tối lần đầu anh ngồi bên em và Phượng, anh đã cầu xin được như thế.
Oanh buông người xuống salon, cô nhắm mắt lại nghe tiếng xe của Trường xa dần, nhỏ dần.
Nụ hôn mạnh bạo, cuồng nhiệt đầy mùi thuốc lá rất đàn ông làm Oanh rạo rực, nó nhắc cô nhớ đến một người nào đó trong quá khứ...Lâu lắm rồi cô đã không nhớ đến Hùng, tên con trai của một thời vụng dại với bao nhiêu đứa bạn.
Bây giờ đám bạn đâu hết rồi, cả anh chàng lười học thích làm người hùng từng dạy cô cách hôn, cách ve vuốt nhau, không biết có ai còn nhớ đến Tố Oanh không? Có ai rảnh rang, thảnh thơi ngồi trong căn phòng vắng giữa buổi chiều tà đề nhớ đến những người quen cũ đã mất hút trong hiện tại như cô không?
Oanh lắc đầu, cô bực bội với cái đầu lẩn thẩn của mình. “Xem chừng mình sắp giống con bé Phượng với những suy nghĩ vớ vẩn vô ích:.
Cô nhỏm người dậy chồm đến chiếc ví xách tay lấy ra gói thuốc lá, tay cô hơi run khi châm lửa. Oanh không hiểu sao mình đã buông thả đến mức đón nhận môi hôn của Trường và ôm lấy thân thể anh ta một cách khao khát như vậy, dù lần rồi những ham muốn trong cô như đã lụi tàn. Mỗi lần nhớ đến, Oanh đều ghê tởm bản thân và oán trách mẹ con Sang. Họ đã xem cô như một cái máy nhằm đáp ứng nhu cầu khi muốn, còn tình yêu và xúc cảm không cần phải có. Lâu lắm rồi, Oanh mới nhận được cảm giác cái hôn...Cô không muốn tìm hiểu tại sao cô đã buông thả với Trường, tìm hiểu để làm gì? Cô đâu phải là người thích điều đạo lý, nhân nghĩa. Từ lâu rồi cô là người thích làm theo sở thích của mình mà, cô chỉ vì cô thôi.
Tiếng Honda ngừng trước cửa. Phượng đã về. Oanh chậm rãi phà từng ngụm khói, cô cẩn thận bóc lớp giấy bóng kiếng bên ngoài hộp thuốc lá ra rồi gạt tàn vào trong. Cô bâng khuâng khi nghĩ:
“Rồi mình sẽ đi sắm một chiếc gạt tàn bằng pha lê có hình con thiên nga vỗ cánh mà không bao giờ bay lên được...Buồn thay, mình không sắm cho một người đàn ông nào cả, mà lại cho mình...”.
Phượng vứt chiếc túi xách xuống bàn và ngồi lên chiếc ghế, cô nhìn Oanh rất vô tư:
– Anh Trường có ghé chưa chị Oanh?
Oanh lại rít vào một hơi dài, thong thả hưởng cái thú vị của người đang say thuốc rồi mới trả lời:
– Đã ghé, nhưng không thấy em, anh chàng đi về tuốt.
Phượng nhíu đôi mày rất thanh:
– Anh ấy chẳng nhắn gì em cả sao?
Oanh lắc đầu:
– Có lẽ ông ta sẽ trở lại thôi! Mà nầy chuyện của em đến đâu rồi?
Phượng ngã người trên salon, cô cởi giày ra bóp bóp đôi chân:
– Hy vọng là đầu tháng nầy sẽ bắt đầu đi làm. Nghĩ cũng buồn. Bạn bè học chung từ nhỏ đến lớn, nó tệ hơn mình nhiều thứ, tới khi ra đời nó làm sếp mình.
Oanh nhếch môi cười khinh bạc:
– Bây giờ cứ tạm thời làm lon ton cho nó. Đời còn dài, hơi đâu mà em so bì.
Mặt Phượng đỏ lên như người làm điều xấu bị bắt quả tang, cô bối rối xua tay:
– Ồ! Không phải em so bì đâu! Dù sao Mai Nhi cũng rất tốt, nó đã xin việc làm cho chị rồi bây giờ lại cho em. Em nói ra vì tự nhiên em thấy hình như mỗi người một cái số, không ai giống ai được cả. Dù có muốn giống cũng không, có tưởng là như thế cũng không phải. Ngay cả đôi khi chỉ đưa tay là bắt được điều mình mơ ước, thế mà cũng chưa chắc sẽ được.
Nhìn Oanh vẫn còn thả hồn theo khói thuốc, Phượng ấp úng nói tiếp:
– Ngay cả với hai chị em mình, cùng ở cùng một bụng mẹ ra đời một lúc, giống nhau đến là như thế nhưng rõ là mỗi đứa có một hoàn cảnh sống hoàn toàn khác nhau, hạnh phúc hay khổ đau ai mà lường trước được.
Oanh hờ hững búng tàn thuốc:
– Đến hôm nay mới nghĩ ra được điều đó à, khỉ?
Phượng cười hiền lành:
– Chắc điều rất mới nầy của em đối với chị đã quá cũ?
Oanh tránh đôi mắt bao giờ cũng đầy ắp vô tư và trong sáng của Phượng, cô đứng dậy bước đến đẩy cánh cửa sổ ra. Nắng đã đi về đâu hết cả rồi! Cái ánh sáng âm âm, tối tối của buổi hoàng hôn làm Oanh bất chợt thấy lạnh, khi tưởng đến căn phòng quạnh quẽ mà một lát nữa cô sẽ rúc vào như lẩn tránh khi Trường đến với Phượng.
– Cô đơn! Cô đơn! Trời ạ! Phải đó là số mệnh của mình không nhỉ? Hay đó là cái giá phải trả sau những mưu toan ích kỷ?
Đôi môi mọng của Oanh hơi trề ra một chút. Hừm! Cô luôn nghĩ rằng mình là người cầm số mệnh của mình. Điều gì cô muốn, cô đều làm cho bằng được.
Cô chưa bao giờ là kẻ thất bại khi cô đã tính toán bằng cái đầu lạnh rất tỉnh, và bằng trái tim nóng rất ích kỷ. Cuộc tình vừa rồi cũng do cô muốn mà có, rồi cũng do cô quyết mà tan. Thế là số mệnh chiều ý cô hay cô đã tuân thủ số mệnh? Điều đó xem ra chưa có câu trả lời rõ ràng.
Oanh quay vào hỏi Phượng:
– Lẽ ra đến hôm nay em đã là vợ Trường rồi. Sao lúc ba bệnh, em không chịu làm đám cưới chạy tang để khỏi chờ ba năm? Đó có phải là cái số không, hay do em muốn thiên hạ thấy mình duy nhất là đứa con có hiếu...
Phượng ngạc nhiên:
– Sao bữa nay chị lại hỏi vậy?
Rồi giọng cô hơi dỗi:
– Chị nghĩ rằng em có thể làm khác trong khi em rất thương ba à?
Oanh vội nói:
– Ý chị không muốn hỏi như vậy nhưng tại em đang nói về số mệnh, khiến chị nghĩ đến nhiều chuyện...Chị nghĩ cơ hội cũng là bạn đồng hành của số mệnh. Cơ hội không bao giờ ghé thăm ta lần thứ hai đâu. Bỏ lỡ cơ hội tốt cũng là có nghĩa là đùa giỡn với số mệnh. Bởi vậy ai nói gì thì nói, chị không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nếu nó đã mỉm cười với chị.
Phượng im lặng, cô thong thả bước ra ngoài sân ngồi chờ Trường mà lòng dấy lên một linh cảm mơ hồ bất an.
Bỗng dưng cô ấm ức khi nghĩ tới hình ảnh Oanh nửa kín, nửa hở trong chiếc áo ngủ mỏng tanh với Trường suốt buổi chiều. Ý nghĩ mới đến nầy và lời nói vừa rồi của Oanh như nhát dao chém phụp vào trái tim vô tư của Phượng...hai người đã làm gì, nói gì với nhau khi không có cô nhỉ?
Phượng cắn môi, cô lắc đầu như xua đi bóng tối ghê tởm mà cô vừa tưởng tượng ra. Cô biết từ hồi Oanh chưa lấy chồng, Trường yêu Oanh chớ không hề yêu cô. Cô đã âm thầm đau khổ vì chẳng nghĩ ra tại sao:
hai chị em cô giống nhau như hai giọt nước, người ta đã nhìn thấy cô trước, ân cần săn sóc, lo lắng cho cô trước, thế mà lại yêu cái phiên bản của cô. Tại sao Trường không yêu cô mà lại yêu Oanh khi anh đã từng thốt lên rằng:
hai chị em cô tuy hai mà một, tuy một mà hai.
Phượng còn nhớ rất rõ hôm ấy Trường đến chơi, vừa đúng Oanh bước ra xe với thầy Sang. Phượng đã đứng trong sân nhìn dáng anh buồn buồn dõi theo đôi vợ chồng sắp cưới kia. Lúc ngồi xuống chiếc ghế đá ngoài sân, Trường đã rất tự tin khi trao cho Phượng một bó cúc vàng, anh nói bằng giọng pha chút giễu cợt cố hữu:
– Người ta thường cho rằng hoa hồng là loại hoa độc tôn tượng trưng cho tình yêu. Cái hoa hồng ấy tôi không hái được, đóa cúc vàng mà em rất thích nầy có cho tôi niềm hy vọng nào không nếu tôi bảo rằng tôi yêu em?
Lúc ấy Phượng đã nhìn Trường bằng đôi mắt bao dung và rộng lượng, dù trái tim cô đang khốn khổ vì câu nói của anh:
“Khi người ta không hái được hoa hồng, người ta vẫn tạm bằng lòng với những nụ cúc vàng đơn sơ mộc mạc”.
Biết thế đấy mà sao cô vẫn run rẩy cầm bó cúc - thứ hoa mà Trường không ưa - rồi bồi hồi xúc động. Nước mắt cô ứa ra là cái cớ để Trường nâng cằm cô lên và đặt lên môi cô một nụ hôn nhẹ nhàng.
Phượng đã đón nhận nụ hôn ngọt ngào ấy với tất cả tình cảm đầu đời. Thế nhưng tới lúc Trường tiếp tục đặt lên môi cô nụ hôn thứ hai, thứ ba rồi ghì cô vào người với nỗi đam mê lẫn khát khao thì trái tim non của Phương chợt thắt lại, vì cô chợt hiểu rằng Trường đang nghĩ về một người khác dù anh đang ôm cô và vuốt ve cô.
Thế đấy, lúc nhận mồi tình đầu cũng là lúc cô tự dối lòng mình để ngồi thật ngoan ngoãn để lắng nghe Trường nói. Phượng cứ thổn thức khi nghĩ rằng anh không đang nói với cô, anh đang lầm cô là Oanh đó thôi. Một sự hiểu lầm cố ý oan trái!
Rồi đám cưới Oanh diễn ra với đủ lễ nghi làm rạng rỡ gia đình. Oanh ở lại thành phố nầy, còn Phượng trở về nhà chăm sóc ông Lợi vì ba cô lúc nầy bệnh luôn. Dù thế đám hỏi của cô và Trường vẫn tiến hành đàng hoàng. Cái bó cúc đêm nào Phượng không vứt mà đợi có thật khô đem cất nó vào hộp giấy.
Phượng cũng chẳng hiểu vì sao cô lại làm thế khi lúc nầy tình yêu của cô đối với Trường đã vơi bớt mà thay vào đó lại là lòng thương hại khi biết rằng Trường bám vào cô như bám vào một cái phao. Chính vì chút không trọn vẹn đó mà Phượng đã để Trường chờ cô ba năm mới cưới. Nếu đó là định mệnh thì cô cũng đành chịu, cô không thể làm khác suy nghĩ của mình.
Phượng đứng dậy mở cổng cho Trường vọt xe vào. Xong, cô trở lại chiếc ghế đá. Anh mỉm cười nhìn Phượng:
– Em mới về à?
Cô lắc đầu:
– Cũng lâu lắm rồi!
– Sao không thay quần áo ra?
Phượng lí lắc nghiêng nghiêng đầu:
– Vì em đoán anh sẽ chở em đi một vòng.
Trường kéo cô vào lòng và cúi xuống tìm môi cô anh chợt ngạc nhiên khi thấy Phượng có vẻ nồng nàng say đắm, quyến rũ và âu yếm anh nhiều hơn bình thường. Trường vờn môi trên vành tai cô nói nhỏ:
– Hôm nay em có vẻ gì...phấn chấn...dữ.
Phượng cười rất khẽ:
– Có gì đâu...Em chỉ muốn khi bên em, ôm em và hôn em, anh đừng nhầm lẫn với ai khác.
Trường gượng gạo:
– Em nói gì lạ vậy? Anh có bao giờ lầm em với ai đâu, kể cả với người giống y như em là Tố Oanh.
Phượng rúc người vào ngực Trường, cô thủ thỉ:
– Nghĩa là khi anh yêu, anh biết rõ là anh yêu ai, giống như hoa hồng không thể thay bằng thứ hoa cúc tầm thường mà anh không ưa.
Trường ngớ người ra một chút, anh cầm tay cô bóp nhẹ:
– Đúng là trông em là lạ! Lạ từ cái hôn đến cách nói. Sao vậy? Cái đầu bé bé của em sẽ rất đáng yêu nếu em nhắm mắt lại và bảo rằng:”Hôn em một cái trước khi chở em đi một vòng”. Em chỉ là Tố Phượng chứ không phải ai khác. Dù em có thể tưởng tượng hay bắt chước mình đang là ai đó.
Phượng nóng bừng mặt. Trường bao giờ cũng hiểu cô đang nghĩ gì. Nhưng thật là quá quắc khi anh nghĩ rằng cô đang bắt chước Tố Oanh. Tại sao Trường lại đọc được điều thầm kín ấy, nếu không phải vừa rồi giữa anh và Oanh đã có xảy ra chuyện gì. Cô thở dài. Cái hoa hồng ngày nào Trường ao ước giờ vẫn còn tươi nguyên ở độ mãn khai rực rỡ, anh chỉ cần với tay là có thể hái được. Còn đóa hao cúc vàng kia giờ đã khô héo, nằm trong chiếc hộp giấy phủ bụi không người nào ngoài cô biết nó vẫn còn ở đó.
Trướng cất tiếng hỏi:
– Sao, bé con? Mình đi một vòng chứ?
Phượng gật đầu, cô bước vào nhà lấy chiếc ví. Thấy Oanh vẫn còn nữa nằm nữa ngồi trên ghế, Phượng bất chợt bực bội, cô lạnh nhạt nói:
– Chị trông nhà! Em và anh Trường đi chơi vài vòng.
Rồi cô bước vội ra ngoài leo lên ngồi phía sau lưng Trường. Để Oanh ở nhà một mình củng tội nhưng làm sao Phượng dám mời Oanh theo mình. Cô không lạ gì tính Oanh, người thực hiện rất linh động phương châm:”Cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Phượng không muốn mất Trường dù tình yêu của cô đối với anh không trọn vẹn. Làm sao Phượng yên tâm khi từ miệng của Oanh đã trắng trợn bảo rằng:”Sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nếu nó đã mỉm cười với cô”.
Phượng chẳng làm điều gì ác với chị mình, nhưng cô đâu thể tạo cơ hội để Oanh có thể chen chân vào tình yêu của cô.
Trường nghiêng đầu ra sau:
– Oanh ở nhà một mình hở Phượng?
Cô thản nhiên:
– Chị Oanh có vẻ mệt mỏi nên em không rủ chỉ đi chung với mình.
Trường dọ dẫm:
– Em thấy...Oanh dạo nầy ra sao?
Phượng hỏi cắt cớ:
– Ý anh muốn hỏi về “lãnh vực” nào. Tình yêu? Tiền bạc...hay công danh?
Trường chặc lưỡi:
– Nếu được trả lời cả ba lĩnh vực thì càng tốt.
Phượng tựa đầu vào vai anh, cô cười:
– Vậy theo anh thò chị ấy dạo nầy thế nào?
Trường hơi bất ngờ, anh đáp bừa:
– À!.... Thì cô đơn, buồn, tiếc nuối mối tình đầu.
Phượng cười tươi:
– Cô đơn thì có đấy, nhưng tiếc nuối mối tình ấy thì chắc không đâu. Tình yêu đối với chi Oanh chẳng mang màu sắc trừu tượng hay lãng mạn, mà trái lại tình yêu đến với chị rất cụ thể, cụ thể đến mức giống như chị ấy nắm được nó trong tay, nếu không sử dụng được nữa thì chỉ sẵn sáng vứt nó đi.
Trường nhíu mày:
– Hình như sau một thời gian hai ba năm sống xa nhau, hai chị em đã không hòa hợp nhau nữa, Phượng có lẽ chưa thông cảm với Oanh lắm thì phải.
Phượng bối rối. Đúng là cô không nên nói về Oanh như thế với chồng sắp cưới của mình. Anh ta làm sao hiểu được hai chị em cô, anh ta làm sao hiểu được rõ Tố Oanh cơ chứ? Đúng là hai chị em cô đều qua rồi thời thiếu nữ ngây thơ, hai người đã bước vào đới với những toan tính trong công việc. Oanh đã có chồng, còn Phượng dầu sao cũng có bên mình một người đàn ông, cô cũng có đời sống riêng của cô. Sau những việc làm của Oanh để được làm vợ Sang, Phượng hầu như chán ngấy chị mình. Phượng bây giờ luôn có những dè dặt đối với Oanh, nên bao giờ nói về Oanh, với Oanh, Phượng cũng đặt trước mình một khoảng cách an toàn cần thiết, vì Phượng nhận ra cái tính ích kỉ, sống vì mình, tính toán ma mảnh trong Oanh còn nhiều hơn ngày xưa. Có điều những tính xấu ấy được Oanh nén xuống sâu hơn để người khác khó thấy, vì cái bề ngoài đẹp não lòng của cô quá nổi bật. Người ta đã bị cái hào nhoáng ấy làm mờ mắt, và cũng ít ai quan tâm xem trong đầu cô gái đẹp đang nghĩ gì, hầu hết người ta chỉ muốn xem cô đang nghĩ gì mà thôi.
Phượng nói nhỏ nhẹ:
– Ý em muốn nói chị Oanh ly dị được thầy Sang chỉ mừng lắm, thế nên chỉ đâu có gì mà hối tiếc. Có điều khi rời khỏi nhà chồng, chị Oanh chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng.
Giọng Trường có vẻ ngạc nhiên:
– Không lẽ gia đình trí thức mà tệ vậy sao?
– Trú thức là để nói về chỗ đứng về học bấn của con người trong xã hội, còn lương tâm thì nó có chỗ đứng của nó trong trái tim của những con người nhân hậu tốt bụng. Chắc anh cho rằng hễ trí thức là có lương tâm à? Chị Oanh xem như phải đánh đổi tất cả những gì mình có để thoát ra khỏi cái gia đình trung lưu trí thức ấy với hai bàn tay trắng.
Rồi Phượng ngậm ngùi nghĩ thầm trong bụng:”Xem ra “vỏ quít dày có móng tay nhọn”, sợ chị Oanh cứ cho rằng việc chị làm là đúng để rồi tiếp tục con đường trước mắt”...”.
Trường hỏi:
– Mẹ em có giúp gì cho Oanh không?
– Chi Oanh định về mượn em chiếc xe Cup cẩu ba để làm phương tiện đi lại.
– Thế em thấy có được không?
Phượng thở dài. Cô không muốn ai nhắc đến mẹ mình cả. Uể oải cô đáp nhỏ:
– Em nghĩ chắc mẹ sẽ cho...
Rồi cô dựa người vào lưng Trường:
– Sao em thấy buồn buồn kì quá Trường ạ!
Trường im lặng, anh cũng thấy lòng mình trĩu xuống một nỗi buồn. Từ chiều đến giờ đầu anh cứ váng vất nụ hôn của Oanh sự thỏa mãn được phạm tội làm anh không được bình thường khi nói chuyện với Phượng. Tại sao anh vẫn muốn có một lúc cả hai chị em Tố Oanh, Tố Phượng? Từ khi quen hai chị em cô, anh luôn luôn ray rức vì ý nghĩ nầy, đến lúc Oanh có chồng thì cái ray rứt đó biến thành một thứ ham muốn cuồn điên:
muốn vợ người khác là của mình. Chính ham muốn nầy đã khiến anh mở lời tỏ tình cùng Phượng, nhưng sau đó Trường không tiến xa hơn nữa mà cứ thả trôi chuyện yêu đương của hai người ròng rã hai năm trời. Mĩa đến lúc Phượng khéo léo nhắc nhở, anh mới tiến tới xin hỏi (Anh nghĩ dầu sao cô cũng sợ mất anh vì hai người ở xa cả nữa tháng mới gặp nhau một lần). Trường và Phượng đồng ý chở Phượng mãn tan cha mới đám cưới.
Trường thở dài. Quả là ngày đó anh đã thực hiện những điều trên một cách quán tính. Anh không dám hi vọng một ngày nào đó vợ người ta sẽ nằm trong vòng tay cuồng si của anh, nhưng anh biết, khi anh đã là một thành viên trong gia đình của Tố Phượng thì anh vẫn còn nhiều cơ hội để gặp Oanh. Bây giờ điều gì sẽ xảy ra thì anh mơ hồ đoán biết...
Trường mỉm cười tự tin. Đối với đàn bà, nụ hôn là khởi đều cho cuộc tình.
Còn đối với đàn ông, nụ hôn là bằng chứng ghi dấu sự chiến thắng của họ sự kết thúc của một cuộc chinh phục, khi đã hôn được người đàn bà là họ đã đạt được điều họ muốn.
Trường háo hức vận ga. Chắc chắn anh sẽ đạt được điều anh muốn. Rồi ngày đó ra sao? Anh không cần đếm xỉa đến cái ngày ấy.