Số lần đọc/download: 0 / 271
Cập nhật: 2020-10-20 22:08:09 +0700
Chương 3
Một chiếc máy bay hao hao giống loại Jetstar của Lockheed cất cánh từ phi trường Rhein-Main gần Frankfurt bên Đức. Chỉ vài phút sau, nó đã biến mất. Trên thật cao, anh phi công hướng về phía sông Seine, với tốc độ tối đa. Chẳng mấy lúc đã thấy Paris nằm ngay dưới. Máy bay giảm cao độ, đáp xuống Villacoublay, một phi trường nằm thoai thoải khoảng chín dậm phía tây nam. Hạ cánh rồi, phi công không lái thẳng vào ga, lại từ từ tiến về một địa điểm thật xa, ở mãi góc phi trường. Tới chỗ đậu, một chiếc Citroen DS-21 màu đen áp vào, vội bốc khách, rồi phóng đi thật nhanh. Trên đường, máy phát sóng từ trong xe gửi mật mã cho "Quarterback". Điệp viên 007 đi công tác?
Không, Kissinger đi mật đàm. Tới nơi, ông đã báo cáo thẳng về cho Tổng thống Nixon, mật hiệu "Người tiền vệ". Sáng sớm chủ nhật, lúc mọi người ở thủ đô Hoa kỳ còn an giấc, Kissinger đã tới phi trường quân sự Andrews cách đó không xa. Ông bước nhanh lên một chiếc C-135 không mang số, không bảng hiệu, rồi ngả lưng nghỉ ngơi. Chỉ sáu giờ sau là đã tới Rhein-main rồi. Đây là một phi trường quân sự, được canh gác cẩn mật, cũng giống như Villacoublay. Chiếc Citroen chở ông về Choisy-le-Roi, một khu trung lưu ngoại thành Paris. Lần vào một biệt thự nhỏ màu trắng, kín cổng, cao tường, hoàn toàn yên lặng. Sau vài giờ, ông lại đi xe khác tới một biệt thự rộng lớn hơn. Đó là nhà của phái đoàn Bắc Việt, cùng khu Choisy-le-Roi.
Họp xong, Kissinger bay ngược lại theo đúng tuyến cũ. Và từ lúc ông rời Washington tới khi trở về, chỉ khoảng 27 giờ. Người tài xế thân tín chở ông thẳng tới văn phòng làm việc. Nhân viên toà Bạch Ốc hay toà đại sứ Mỹ ở Paris chẳng ai hay biết gì (1).
Gần hai năm rưỡi sau, mọi người mới chưng hửng: từ tháng Tám 1969, Kissinger đã họp kín với phía Bắc Việt tại Paris mười hai lần rồi! Lại một chuyện bất ngờ thứ hai về ngoại giao. Bất ngờ đầu tiên được tiết lộ (vào tháng Bảy 1971) là Kissinger đã bí mật đi Bắc Kinh nhiều lần, dàn xếp mọi chuyện, dẫn đến chuyến viếng thăm của Nixon sang Trung Quốc. Chuyến đi được ấn định vào ngày 21 tới 28, tháng Hai. Báo chí liền gọi Kissinger là James Bong, và ông rất thích. Để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm, ngày 25 tháng Giêng 1972, Tổng thống Nixon đã lên truyền hình tiết lộ những cuộc họp của Kissinger ở Paris, và đồng thời đọc bài diễn văn quan trọng, công bố một giải pháp hoà bình toàn diện về Việt nam. Trước hôm đó, Đại sứ Bunker đã đến dinh Độc Lập trao cho Tổng thống Thiệu một bản sao bài diễn văn của Tổng thống Nixon, yêu cầu ông tán thành và bình luận. Theo ông Hoàng Đức Nhã, bí thư Tổng thống Thiệu, đây là lần đầu tiên phía Việt nam cộng hoà được biết chi tiết những buổi họp kín giữa Kissinger với Bắc Việt, và biết được các kế hoạch của Nixon (2).
Làm thế nào để tháo gỡ?
Để giải quyết chiến tranh Việt nam, Mỹ muốn áp dụng giải pháp song hành" (two track approach). Một mặt thì đàm phán với Bắc Việt về giải pháp quân sự (chủ đề chính là rút quân), và mặt kia, để cho hai bên Sài gòn và Hà Nội thương thuyết với nhau một giải pháp chính trị. Về đàm phán: cứ cho Hoà đàm Paris múa may bên ngoài, bên trong đã có Kissinger dàn xếp bí mật. Đến khi nào có kết quả mới công bố. Như vậy, nó sẽ huy hoàng, rực rỡ biết bao.
Từ khi hay tin ông Nixon đi Bắc Kinh, ông Thiệu hết sức e ngại. Ông biết rằng Mỹ vào Miền Nam Việt nam là để ngăn chặn làn sóng đó từ Trung Cộng lan tràn tới các nước khác". Đó là theo học thuyết "Domino" từ thời Eisenhower: "Nếu để Miền Nam sụp đổ thì những quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng đổ theo như những con bài domino" (3). Bây giờ Nixon sắp đi Bắc Kinh bắt tay với Mao Trạch Đông thì liệu Miền Nam có còn là "tiền đồn của Thế giới Tự Do" nữa không? Ông Thiệu thông báo sự lo ngại của Việt nam cộng hoà cho phía Mỹ. Và Tổng thống Nixon đã trấn an ngay.
White House
Ngày 31 tháng 12, 1971
Thưa Tổng thống,
"Vào lúc tôi đang chuẩn bị cho chuyến đi Bắc Kinh để gặp và nói chuyện với lãnh đạo nước Cộng hoà Nhân Dân Trung Quốc, tôi muốn chia sẻ với Ngài những tư tướng của tôi về các cuộc đàm đạo tại đó.
"Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng tôi sẽ không đi tới một thoả thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó phương hại tời các quốc gia khác, hoặc về những vấn đề có liên hệ tới các nước khác…
"Ngài có thể tiếp tục tin cậy vào sự yểm trợ của Hoa kỳ trong những nỗ lực của Ngài hầu đem lạ hoà bình cho Việt nam và xây dựng nền thịnh vượng mới cho nhân dân Việt nam.
Trân trọng.
(ký) Richard Nixon
Để độc giả, đặc biệt là thế hệ trẻ biết xem trong văn bản gốc bằng tiếng Anh, Tổng thống Hoa kỳ đã viết như thế nào, tôi trích đăng nguyên văn một số phần đoạn quan trọng trong những thư chọn lọc sau dây (toàn bộ 35 văn bản được in trong Phụ Lục A).
Muốn cho cho chắc chắn hơn, ông Thiệu lại gửi ông Nixon một bức thư nữa bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với Hoa kỳ để tìm giải pháp cho hoà bình, kể cả việc ông bằng lòng từ chức, nhưng kêu gọi Hoa kỳ đừng nhượng bộ gì nữa (ở Bắc Kinh) về vấn đề "rút quân".
The White House
Washington
December 31 1971
Dear Mr. Preddent
As I prepare for my forthcoming trip to Peking to meet and talk with the leaders of the Peoplele's Republìc of China.
I would like to share with you some thoughts concerning the conversations I expect to have there.
…
You may be absolutely certain that I will make no agreements in Peking at the expense of other countries or on matters which concern other countries. You should also know that the treaty commitments which the United States has eestablished with other counries will noi be aaffected by my visit to Peking
…
Please accept my best wishes for the continued succeee of your economic and military programs as you embark on your second term in office. You can continue to rely on the assistance of the United States effort to bring peace to Vietnam and to build a new prosperity for the Vietnamese people
Sincerely,
Richard Nixon
Rút quân: từ song phương đổi sang đơn phương.
Vấn đề rút quân song phương ra khỏi Miền Nam: cả quân đội Hoa kỳ lẫn Bắc Việt, là vấn đề quan trọng nhất đối với Việt nam cộng hoà và là vấn đề chính yếu tại Hoà đàm Paris, như đã được phân tích trong cuốn "Hồ sơ mật Dinh Độc Lập (4). Sau đây là tóm tắt những bước chính của tiến trình thương thuyết về điểm này (5).
Thời Tổng thống Johnson, điều kiện rút quân mà Mỹ mang ra rất cứng rắn: cả hai bên (Mỹ và Bắc Việt) đều rút; và quân đội Bắc Việt rút sáu tháng trước khi Hoa kỳ bắt đầu rút;
Từ lập trường đó, khi Nixon mới lên Tổng thống, Mỹ xuống thang chút đỉnh: hai bên đều cùng rút đi một lúc; dành quyền tự quyết cho nhân dân Miền Nam.
Sau cùng, khi mật đàm kết thúc:
- Quân đội Mỹ rút đi hết;
- Và rút đi trong vòng 60 ngày;
- Quân đội Bắc Việt tiếp tục ở lại Miền Nam.
Đó là kết quả mật đàm của Henry Kissinger trên ba năm trời với cái giá phải trả là thêm 15.000 mạng người Mỹ, 62 tỷ đô la, và hàng trăm ngàn mạng sống người Việt nam, cùng với bao nhiêu tàn phá.
Lập trường vững chắc của Hoa kỳ và Việt nam cộng hoà khởi thuỷ được Nixon tuyên bố lúc Hoà đàm Paris chính thức bắt đầu. Ngày 14 tháng Năm 1969, Nixon lên truyền hình giải thích:
"Chúng tôi đã gạt bỏ ra ngoài hoặc là việc rút lui khỏi Việt nam một cách đơn phương, hoặc việc chấp nhận tại (Hoà đàm) Paris bất cứ một giải pháp. nào có tính cách như một thất bại nguỵ trang…"
"Và đó là phác hoạ về một giải pháp mà chúng tôi muốn đàm phán ở Paris. Nguyên tắc căn bản của nó rất là đơn giản: triệt thoái song phương bất cứ quân đội nào không phải là quân đội Miền Nam ra khỏi
Miền Nam Việt nam và dành quyền tự quyết cho nhân dân Miền Nam"(6).
Rồi ông còn đưa ra một thời biểu rút quân. Giai đoạn đầu là 12 tháng, tới giai đoạn cuối cùng thì "Quân đội Hoa kỳ và Đồng minh (Đại Hàn, Úc) sẽ đi tới kết thúc việc rút quân khi số quân đội Bắc Việt còn lại được rút đi và trở về Miền Bắc" (7).
Lập trường là như vậy, và trước khi đi Bắc Kinh, Nixon còn hứa hẹn như trong thư trích dẫn trên đây: "Ngài có thể chắc chắn tuyệt đối rằng tôi sẽ không đi tới một thoả thuận nào tại Bắc Kinh nếu nó có phương hại tới các quốc gia khác? Thế nhưng, theo chính Nixon viết lại, trong những ngày viếng thăm Trung Quốc từ 21 tới 28 tháng 2, 1972, ông đã nói với Chu n Lai: "Giả sử như tôi có thể ngồi đối diện với bất cứ ai là người lãnh đạo Bắc Việt, và giá như hai bên có thể thương thuyết một cuộc ngưng bắn và trả lại tù binh cho chúng tôi, thì tất cả quân đội Mỹ sẽ được triệt thoái khỏi Việt nam trong vòng sáu tháng kể từ ngày đó (8).
Như vậy, Nixon đã tiết lộ rõ ràng là Hoa kỳ muốn rút quân khỏi Việt nam để chỉ đổi lấy việc thả tù binh và một cuộc ngưng bắn.
Theo các tài liệu thương thuyết mới được giải mật thì ngay từ 1971, trước cả khi Nixon đi Trung Quốc, trong cuộc họp với Chu n Lai ngày 9 tháng 7, Kissinger cũng đã tiết lộ với ông Chu rằng Hoa kỳ sẽ đơn phương rút khỏi Miền Nam (9).
Đi sau lưng thì như vậy mà vừa từ Bắc Kinh trở về Washington, ông Nixon lại tiếp tục trấn an ông Thiệu:
White House
Ngày năm tháng Ba, 1972
Thưa Tổng thống,
"Xin Ngài yên tâm rằng tôi sẽ làm mọi việc
trong quyền hạn của tôi để cho những hy sinh to lớn của hai dân tộc Việt và Mỹ sẽ không thành vô ích… "
"Chúng tôi đã không thương lượng điều gì đàng sau lưng những người bạn của Hoa kỳ; và đã không có sự đổi chác bí mật nào hết"
Trân trọng.
(ký) Richard Nixon
Thế nhưng, tại mật đàm Paris, từng bước một, Hoa kỳ đã đi tới chỗ nhượng bộ hoàn toàn: chỉ có Mỹ phải rút hết quân, và rút trong 60 ngày. Bình luận về điểm này, ông Thiệu nói với ký giả của một tạp chí Đức Der Spiegel vào cuối năm 1979:
Điều mà Kissinger và Chính phủ Hoa kỳ hồi đó thực sự muốn là rút lui càng mau càng tốt và mang được tù binh của Mỹ về. Họ chỉ muốn phủi tay cho xong mọi chuyện rồi ù té chạy. Tuy nhiên, trong lúc phủi tay như thế, họ lại không muốn bị nhân dân Việt nam và thế giới buộc tội là đã bỏ rơi chúng tôi. Đó là tình trạng khó xử của họ"(10).
Vào thời điểm đó, Bắc Việt đã mang thêm được một số quân lớn vào Miền Nam (từ cuộc tấn công mùa Xuân năm 1972). Cho nên tới khi kết thúc đàm phán, sự có mặt của quân đội Bắc Việt tại Miền Nam rất là hùng hậu. Tướng Charles Timmes, tư lệnh đầu tiên của "Bộ tư lệnh viện trợ quân sự cho Việt nam" (Military Assistance Command, Vietnam hay MACV), và là người theo rõi tình hình cả quân sự lẫn chính trị tại Miền Nam cho tới giờ phút chót, đã ước tính cán cân lực lượng hai bên vào lúc ký kết Hiệp định Paris. Ông cho biết: số quân đội chủ lực của Bắc Việt tại Miền Nam đã lên tới 176.000, chưa kể các đơn vị phòng không. Số này được đồn trú như sau(11):
Quân Khu (QK) I: có bốn Sư đoàn: 304, 324-B, 2, 711; và khoảng 6 Trung đoàn biệt lập;
QK II: ba Sư đoàn: F-10, 320, 3, và ba Trung đoàn biệt lập;
QK III: ba Sư đoàn: 5, 7, 9 và khoảng sáu Trung đoàn biệt lập;~
QK IV: Sư đoàn 1, và chín trung đoàn của MTGPMN.
Đối diện với số này, quân lực Việt nam cộng hoà tuy rất đông, những 1 triệu 200 ngàn, nhưng số quân tác chiến lại thực sự chỉ có khoảng 200.000, tức là một phần sáu của tổng số. Còn lại chỉ là địa phương quân, nghĩa quân, và những đơn vị tiếp vận, yểm trợ. Quân đội chiến đấu được rải ra như sau:
QK I: Sư đoàn Dù, Thuỷ quân lục chiến, các Sư đoàn 1 2, 3, Lữ đoàn Thiết Giáp 1, và 6 Tiểu đoàn Biệt Động Quân;
QK II: các Sư đoàn 22, 23, Lữ đoàn Thiết Giáp 2, và 18 Tiểu đoàn Biệt Động Quân;
QK III: các Sư đoàn 5, 18, 25, Lữ đoàn Thiết Giáp 3, và chín Tiểu đoàn Biệt Động Quân;
QK IV: các Sư đoàn 7, 9, 21, Lữ đoàn Thiết Giáp 4, và 12 Tiểu đoàn Biệt Động Quân.
Về số quân chủ lực thì coi như ngang nhau nhưng quân đội Bắc Việt có hai cái lợi: thứ nhất là đóng rải rác khắp nơi như những đốm da beo, đòi hỏi quân lực Việt nam cộng hoà phải dàn mỏng ra khắp lãnh thổ có một biên giới gần 700 dậm (1100 cây số) để tự vệ; thứ hai là họ có thể chủ động trong việc chọn địa điểm và thời điểm để tập trung tấn công.
Và như vậy, khả năng tồn tại của Việt nam cộng hoà là rất mong manh…
Phải có một Hiệp định
Nhiều người đặt câu hỏi: nếu Mỹ quyết định rút quân thì cứ từ từ mà rút, lại sao lại nhất định phải có một Hiệp định? Đây là một câu hỏi quan trọng, vì nếu Mỹ cứ công khai, đơn phương mà rút thì Miền Nam còn có cơ may hơn. Đó là vì hai điểm. Thứ nhất, nếu không ký một Hiệp định thì có nghĩa là Mỹ không chính thức công nhận sự tiếp tục đóng quân của Bắc Việt tại Miền Nam (còn với Hiệp định thì chính Mỹ đã công nhận rồi); và nếu không công nhận thì khi xung đột xảy ra, Miền Nam cũng không bị Quốc hội Mỹ cho là "hiếu chiến" (12); thứ hai, khi quân đội Mỹ đơn phương rút (mà không có Hiệp định) thì nhân dân Hoa kỳ ít nhất cũng sẽ nhận thức rằng Mỹ đã tự mình cuốn gói ra đi. Và vì vậy, để đền bù lại, có thể là Quốc hội vẫn còn tiếp tục viện trợ, tuy chỉ là trong một thời gian nhất định (13). Sau bao nhiêu cuộc chiến, khi kết thúc, Mỹ đã tiếp tục giúp các nước khác xây dựng lại những đổ vỡ như ở u châu, Nhật Bản, Nam Triều Tiên. Với khả năng này, Việt nam cộng hoà có thể có những dữ kiện chắc chắn cho kế hoạch tái thiết kinh tế cũng như quốc phòng, và đã không phải chờ đợi trong cái thế viện trợ bất ổn, nhỏ giọt như đã xảy ra (xem Chương 9).
Thế nhưng Mỹ muốn phải có một Hiệp định đình chiến, và do cả bốn bên (Bắc Việt, Nam Việt, Mặt trận giải phóng, và Mỹ) đều cùng ký vào. Có ba cái lợi: thứ nhất, Hiệp định giúp cho việc Mỹ rút quân khỏi Miền Nam được danh chính ngôn thuận trước công luận quốc tế: chính Việt nam Cộng
Hoà ký vào Hiệp định, như vậy là đồng ý cho Mỹ rút đi, chứ không phải là Mỹ tự ý rút và bỏ rơi Đồng minh; thứ hai:Nixon-Kissinger có thể tuyên bố đã giữ lời hứa là mang lại cho Miền Nam cả hoà bình lẫn danh dự (chiến tranh đã ngưng rồi và Chính phủ VNCH vẫn còn nguyên, không bị truất phế); và thứ ba, Hiệp định giúp Mỹ mang được tù binh về. Trước đó, có lần Nixon đã cho trực thăng đổ bộ vào tận trại giam ở Sơn Tây để cứu tù binh mà cũng hoàn toàn thất bại.
Tại sao không có một Hiệp định Geneve thứ hai?
Câu hỏi thứ hai nhiều người đặt ra là vì sao, thay vì chấp nhận cho quân đội Bắc Việt ở lại, Mỹ không ký một Hiệp định chia đôi Miền Nam như Hiệp định Genève hồi 1954? Ít nhất, Miền Nam còn có một biên giới rõ ràng, vẫn hơn là "giải pháp da beo" (gọi như vậy vì quân đội Bắc Việt đóng rải rắc khắp nơi như những đốm khoang trên da beo). Nếu chia đôi một lần nữa, biên giới Miền Nam sẽ nhỏ hẹp hơn nhiều, một phần lớn đã có bờ biển bao bọc nên vấn đề biên phòng tương đối dễ dàng hơn là giữ một biên giới dài gần 700 dậm (1.100 cây số)
Trả lời câu này cũng dễ. Có lần chúng tôi hỏi một tướng lãnh Hoa kỳ (nay đã về hưu) tại sao như vậy? Không cần suy nghĩ, ông ta trả lời ngay: "Ấy chết, Mỹ vào thì có bốn Quân Khu, chiến đấu 10 năm với trên nửa triệu quân, lúc ra đi lại chỉ còn có hai Quân Khu hay sao?" Chẳng lẽ giống như Pháp hồi 1954, sau khi bại trận ở Điện Biên Phủ? Ông cho rằng Mỹ sẽ mất mặt nếu phải đi tới giải pháp chia đôi lãnh thổ Miền Nam một lần nữa.
Để có một Hiệp định: Điều đình trong gian dối.
Thời gian qua nhanh, chẳng mấy lúc lại đã tới bầu cử Tổng thống tại Hoa kỳ. Khi ra ứng cử lần đầu (1968), ông Nixon đã hứa là sẽ giải quyết chiến tranh Việt nam một cách tốt đẹp và với danh dự (giống như lập trường ông John Kerry về chiến tranh Iraq trong kỳ bầu cử năm 2004). Nếu đến lúc vận động tái cử mà chiến tranh vẫn chưa chấm dứt thì làm sao ăn nói với nhân dân cho được?
Vì không thành công trong việc điều đình với Bắc Việt, Nixon-Kissinger quay sang điều đình với Miền Nam, nhưng là điều đình trong gian dối.
Ngày 17 tháng Tám, 1972, vào lúc sắp có Đại hội đảng Cộng hoà ở Miami (22 tháng Tám) để đề cử ứng viên Tổng thống, phái đoàn Kissinger tới Sài gòn thảo luận. Màn bi kịch 1968 lại tái diễn. Nhưng lần này thủ lãnh không phải là Johnson mà là Nixon; đạo diễn không phải Bunker mà là Kissinger. Đặc biệt là áp lực từ phía Nixon lại đảo ngược 180 độ: không phải khuyên ông Thiệu chống dối đàm phán mà là nên chấp nhận ngay kết quả của đàm phán. Không phải đừng di Paris mà phải đi Paris ngay để ký kết. Kissinger bắt đầu thuyết phục ông Thiệu với luận điệu rằng Hiệp định này rất tốt cho Miền Nam vì nó sẽ xoa dịu những chống đối chiến tranh, giúp Chính phủ Mỹ tiếp tục yểm trợ Miền Nam.
Thế nhưng, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự gian dối của Kissinger, nên ông Thiệu chống đối mạnh mẽ. Đặc biệt là về việc Hoa kỳ đã thay đổi hẳn lập trường về vấn đề rút quân.
Lại theo đường cũ, ông không chịu chấp nhận bản dự thảo Hiệp định.
Vài ngày sau khi Đại hội Cộng hoà tái đề cử Nixon ra nhiệm kỳ hai, Nixon đã ở vào thế mạnh hơn. Ông thuyết phục ông Thiệu một cách lâm ly thống thiết:
The White House
Ngày 31 tháng Tám, 1972.
Thưa Tổng thống,
"Bước vào giai đoạn tế nhị hiện nay của cuộc thương thuyết, tôi muốn quả quyết với Ngài một lần nữa, nhân danh bản thân tôi và một cách dứt khoát về nền tảng sắt đá của lập trường Hoa kỳ: Hoa kỳ đã không kiên trì từ bao lâu nay, với sự hy sinh của bao nhiêu mạng sống người Mỹ, để thay đổi lập trường vào mấy tháng chót của năm 1972. Lúc này đây chúng tôi sẽ không làm điều gì mà ba năm rưỡi trước đây, chúng tôi đã từ chối không làm. Nhân dân Mỹ biết rằng Hoa kỳ không thể mua được hoà bình hay danh dự, hoặc chuộc lại được những hy sinh của mình với cái giá phải trả là bỏ rơi một Đồng minh dũng cảm. Điều này tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm…
"Nhưng nếu ta muốn thành công trong chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình lâu dài này, ta phải hoàn toàn tin nhiệm lẫn nhau… "
Trân trọng
Richard Nixon
Tất cả những thư từ ông Nixon viết cho ông Thiệu là do Kissinger soạn thảo.
Trong thư này, lời lẽ có vẻ tâm huyết: bỏ rơi một Đồng minh là điều mà "tôi không thể làm và sẽ không bao giờ làm". Tuy nhiên, ông Thiệu vẫn tin rằng Nixon-Kissinger chỉ muốn có chữ ký của Việt nam cộng hoà vào bản Hiệp định để Mỹ tháo lui cho đẹp. Nhằm làm sáng tỏ vấn đề, ngày 26 tháng Chín 1972, ông còn cho phía Mỹ biết rằng ông "sẽ công khai minh xác trước công luận để biện hộ quan điểm của Việt nam cộng hoà"(14).
Không được! Ông Nixon đang ra tranh cử nhiệm kỳ hai và ngày bầu cử Tổng thống đã gần kề. Nếu có gì trục trặc về hoà bình là nguy to. Hồi 1968, chính Nixon đã xúi Sài gòn gây ra trục trặc đó để đánh bại Humphrey. Bây giờ Nixon đã có kinh nghiệm bản thân, đâu để xảy ra như vậy được. Thuyết phục mãi không thành công, cuối cùng Nixon lại dùng đến áp lực. Nhưng để cho áp lực có hiệu quả, trước hết là phải áp đảo tinh thần ông Thiệu: đảo chánh.
White House
Ngày sáu tháng 10, 1972
Thưa Tổng thống,
"Tôi yêu cầu Ngài áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968… ".
Trân trọng
Richard Nixon
Biến cố năm 1963 là đảo chánh và ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm. Còn biến cố 1968? Nixon đã nhắc khéo tới sự việc xảy ra sau cuộc bầu cử năm 1968 (ông Thiệu tháu cáy giúp Nixon thắng cử) làm Chính phủ Johnson phẫn nộ, định lật đổ ông trước khi Nixon nhậm chức vào tháng Giêng 1969 (xem Chương I). Hồi đó, Nixon và Kissinger nghe biết, đã cực lực phản đối và cứu được ông Thiệu. Bây giờ lại đến chính họ theo con đường này (15). Về việc cứu ông Thiệu năm 1969, sau này Kissinger còn tế nhị nhắc tới trong một bức thư ông gửi cho ông Thiệu vào đầu năm 1980: "Giá như ý định của Tổng thống Nixon và của tôi là phản bội Ngài, thì chúng tôi đã có thể làm như thế hồi đầu năm 1969 rồi" (16).
Trở lại áp lực để ký Hiệp định Paris, ngày 21 tháng 10, 1972, hai chuyên viên trong Hội đồng an ninh quốc gia là Roger Morris và Tony La ke viết cho Kissinger một phúc trình, trong đó có nói tới các phương cách lật đổ ông Thiệu. Sau này Morris xác nhận: "Tôi bảo Tony rằng hai đứa mình phải cho Henry (Kissinger) hiểu rõ là ta sẵn sàng thanh toán Thiệu" (17).
Đòn phép từ Toà Bạch Ốc tới Đinh Độc Lập Chiến lược của Nixon-Kissinger đối với Việt nam cộng hoà để đòi hỏi phải chấp nhận Hiệp định được gọi là "cái gậy và củ cà rốt". Như người cái trên lưng con lừa, một tay cầm cái gậy và tay kia, củ cà rốt. Nếu lừa không chịu đi, đã có cái roi; nếu ngoan ngoãn đi thẳng thì có củ cà rốt lủng lẳng trực mắt:
White House
Ngày 16 tháng 10, 1972
Thưa Tổng thống,
"Riêng đối với tôi thì điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định, ngoài những khía cạnh quân sự của nó, là Chính phủ ngài, quân lực và những định chế chính trị của VNCH sẽ còn nguyên vẹn sau khi cuộc ngưng bắn được tôn trọng. Trong thời kỳ tiếp theo sau đình chiến, Ngài có thể hoàn toàn an tâm là chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Chính phủ của Ngài sự yểm trợ đầy đủ nhất, kể cả viện trợ kinh tế và bất cứ viện trợ quân sự nào phù hợp với những điều khoản đình chiến của Hiệp định này.
"Ý định của chúng tôi là quyết tâm tôn trọng những điều khoản trong Hiệp định và những thoả thuận ký kết với Hà Nội, và tôi biết đó cũng là thái độ của Chính phủ Ngài. Chúng tôi đòi phải có đi có lại, và đã cảnh giác cho cả họ lẫn các Đồng minh chủ chốt của họ biết rõ như thế. Tôi xin cam kết với Ngài rằng bất cứ một sự bội tín nào về phía họ cũng sẽ bị chúng tôi lên án khắt khe nhất và nó sẽ có những hậu quả trầm trọng nhất.
Trân trọng
Richard Nixon
Ký thư xong, Nixon lại còn viết tay thêm:
"Tiến sĩ Kissinger, Tướng Haig và tôi đã bàn bạc rất kỹ về đề nghị (hoà bình) này. Tôi tin chắc ràng đó là giải pháp tốt nhất chúng ta có thể đạt được, và cũng là giải pháp đáp ứng được điều kiện tuyệt đối của tôi, là Việt nam cộng hoà phải được tồn tại là một quốc gia tự do…" (ký tắt) RN.
Độc giả lưu ý là ở đoạn này, chính Tổng thống Nixon đã gạch chân dưới chữ tuyệt đối.
Đó là củ cà rốt trong thông điệp do chính Kissinger mang sang Sài gòn đưa cho ông Thiệu. Những cuộc tranh luận giữa hai bên tại dinh Độc Lập lúc đó đã diễn ra trong bầu không khí hết sức căng thẳng (18). Phía Việt nam cộng hoà nhất định không chấp nhận bản dự thảo Hiệp định.
Tuy bên trong là vậy, nhưng ngày 26 tháng 10, khi về tới Washington, Kissinger vẫn họp báo và tuyên bố câu lịch sử "Hoà bình đang trong tầm tay" (peace is at hand). Washington và Sài gòn chấn động. Đây là bất ngờ về ngoại giao thứ ba của Kissinger.
Vì khi ánh sáng của hoà bình chiếu rọi, hào quang của Nixon-Kissinger chiếu sáng theo. Không tới hai tuần sau, ngày bảy tháng 11, 1972, Nixon đã thắng cử nhiệm kỳ hai. Sự thành công của ông được người Mỹ gọi là "long trời lở đất" llld~lide). Đại đa số nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm ông: 60.7% so với 37.5% cho Mcgovern. Đây là số phiếu cử tri cao thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, và là số phiếu cao nhất mà một ứng cử viên Cộng hoà đã được. Từ u sang Á, tiếng tăm ông lừng lẫy.
Té ra viễn tượng hoà bình Việt nam lại một lần nữa đóng góp cho sự thành công của Nixon, và đưa đồ đệ của ông lên đài danh vọng. Nhưng chiêu bài "hoà bình" đã dược vận dụng một cách trái ngược nhau trong hai lần tranh cử. Lần thứ nhất (1968) thì hoà bình ngoài tầm tay; lần thứ hai (1972): hoà bình đang trong tầm tay.
Dù rằng Tổng thống Nixon chưa bắt đầu nhiệm kỳ hai, nhưng bầu cử xong là mọi việc cũng xong. Ngay từ lúc dọn vào toà Bạch Ốc, cả Nixon lẫn Kissinger đều muốn giải quyết vấn đề Việt nam cho dứt điểm. Muộn lắm là nội trong nhiệm kỳ đầu. Làm thế nào để còn hái được nhiều thành quả ngoại giao khác vào nhiệm kỳ hai. Nixon muốn chú trọng vào việc bang giao với Trung Cộng và Liên Xô. Kissinger thì muốn hướng về u châu và Trung Đông nên ông gọi 1973 là "Năm của u châu".
Bầu cử ở Mỹ xong rồi, và nhiệm kỳ thứ hai của Nixon sắp bắt đầu mà tại sao ông Thiệu vẫn chưa chịu chấp nhận ký vào Hiệp định? Lý do chính là vì ông còn lo ngại về việc quân đội Bắc Việt tiếp tục ở lại. Để ông Thiệu yên tâm, ông Nixon an ủi rằng đừng có lo nữa, vì chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách là, thứ nhất, cố lồng vào bản Hiệp định một câu nói tới việc tôn trọng vùng phi quân sự (DMZ) và thứ hai, sẽ đề nghị thêm một khoản nói tới việc giải ngũ trên căn bản "bên này giải ngũ một, bên kia giải ngũ một", rồi cho "những người giải ngũ trở về với gia đình họ". Nghe đơn sơ là như vậy.
White House
Ngày 14 tháng 11, 1972
Thưa Tổng thống,
"Còn quan trọng hơn rất nhiều những gì chúng tôi nói trong Hiệp định về vấn đề này là những gì chúng tôi sẽ làm trong trường hợp quân địch tái diễn xâm lăng. Tôi tuyệt đối cam đoan với Ngài rằng: nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp định này, thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đũa mau lẹ và ác liệt
Trân trọng
(ký) Richard Nixon
Thư đi, thư lại, cũng vẫn chưa xong. Mà năm 1973 lại tới, Nixon doạ nặng hơn, rằng nếu ông Thiệu cứ tiếp tục chống đối và "tách rời" khỏi lập trường của Mỹ thì có thể đi tới thảm hoạ là làm mất đi tất cả những gì chúng ta đã cùng nhau tranh đấu trong cả một thập niên qua". Và ngược lại:
White House
Ngày 5 tháng 1, 1973
Thưa Tổng thống,
Nếu Ngài quyết định, và tôi tin tưởng Ngài sẽ quyết định, tiếp tay với chúng tôi, tôi xin bảo đảm vời Ngài rằng tôi sẽ tiếp tục yểm trợ Ngài trong giai đoạn hậu chiến, và chúng tôi sẽ trả đũa bằng toàn thể sức mạnh của Hoa kỳ nếu như Bắc Việt vi phạm Hiệp định. Cho nên, một lần nữa, tôi xin kết thúc thư này bằng lời kêu gọi Ngài hãy sát cánh với chúng tôi".
Trân trọng
(ký) Richard Nixon
Khi ngày đăng quang nhiệm kỳ đã gần kề, chỉ còn một tuần lễ nữa, Nixon giơ cái gậy thật to (19):
White House
Ngày 14-1-1973
Thưa Tổng thống,
"Tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp định vào ngày 23 tháng 1, và sẽ ký vào ngày 27 tháng 1, 1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc này dù phải làm một mình, trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai tố cáo Chính phủ của Ngài làm cản trờ cho công cuộc vãn hồi hoà bình tại Việt nam.
"Kết quả không tránh khỏi sẽ là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức, mà dù có sự thay đổi về nhân sự trong Chính phủ của Ngài cũng không thể cứu vãn được…"
Hồi tuyển cử 1968, Johnson sau cùng cũng quyết định là sẽ đơn phương đàm phán với Bắc Việt, nhưng ít nhất là ông còn mở cửa ngỏ, không khoá chặt lại. Johnson tuyên bố là nếu Miền Nam muốn tham gia thì vẫn dược tham gia. Bây giờ Nixon đe là sẽ "công khai tố cáo Chính phủ của Ngài làm cản trở cho công cuộc vãn hồi hoà bình ở Việt nam" rồi sẽ "cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức", và sau đó, "dù có sự thay đổi về nhân sự…cũng không thể cứu vãn được?".
Trong "tự điển chính trị" về mối bang giao Hoa KỲ-VNCH, "thay đổi nhân sự" là câu nói nhẹ, đồng nghĩa với việc đảo chánh. Năm 1963, khi việc chuẩn bị lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đang tiến hành ráo riết, Tổng thống Kennedy, trong buổi phỏng vấn với Waller Cronkite trên đài CBS, đã nhắc tới nhu cầu "thay đổi nhân sự" (20).
Tuy nhiên, khi nào Nixon giơ cái gậy ra, thì ông cũng có đem theo củ cà rốt. Trong cùng một văn thư, Nixon quả quyết:
"Chúng tôi sẽ phản ứng mãnh liệt trong trường hợp bản Hiệp định bị vi phạm:
"Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh tới những cam kết tiếp tục của Chính phủ Hoa kỳ đối với tự do và tiến bộ của VNCH.
"Tôi quyết định sẽ tiếp tục viện trợ đầy đủ kinh tế và quân sự cho VNCH…"
Và rõ ràng hơn nữa:
White House
Ngày 17 tháng 1, 1973.
Thưa Tổng thống,
"Tự do độc lập của nước VNCH vẫn luôn luôn là mục tiêu trọng đại trong chính sách ngoại giao của Hoa kỳ. Tôi đã theo đuổi mục tiêu này trong suốt cuộc đời chính trị của tôi…
Tôi cả quyết rằng việc từ chối ký bản Hiệp định này sẽ đưa đến việc cắt đứt mọi viện trợ cho VNCH…
Nếu ngài khước từ ký vào bản Hiệp định, tôi sẽ không còn cách nào giúp đỡ Chính phủ VNCH nữa.
Quốc hội và Dư luận Hoa kỳ sẽ trói chặt tay tôi…
"Tôi đang chuẩn bị gửi Phó Tổng thống Agnew qua Sài gòn để thảo luận với Ngài về mối quan hệ của chúng ta trong thời hậu chiến... Phó Tổng thống Agnew sẽ công khai tái xác nhận những bảo đám tôi đã hứa với Ngài. Tôi xin nhắc lại những cam kết đó như sau:
Thứ nhất, Hoa kỳ công nhận Chính phủ của Ngài là Chính phủ duy nhất hợp pháp ở Miền Nam Việt nam;
Thứ hai, HK không công nhận quyền có mặt của quân đội ngoại quốc trên lãnh thổ Miền Nam; và
Thứ ba, HK sẽ phản ứng mãnh liệt nếu bản Hiệp định bị vi phạm...
Tôi đang chuẩn bị để họp riêng với Ngài tại San Clemente, Califomia, và lúc dó chúng ta có thể xác nhận lại một lần nữa sự hợp tác giữa chúng ta và những bảo đám của Hoa kỳ...
Tôi cho rằng Ngài có hai lựa chọn chính yếu: một là tiếp tục cản trớ việc ký kết. Đó là hành động có vẻ lẫm liệt nhưng thiển cận; hai là dùng bản Hiệp định như một phương tiện để xây dựng một căn bản mới cho nền bang giao HK-VNCH. Tôi không cần phải nói Ngài cũng biết rõ đây là con đường duy nhất để bảo vệ mục tiêu chung của chúng ta.
Trân trọng,
(ký) Richard M. Nixon
Những lựa chọn được kê ra rõ ràng là như vậy. Dường như ông Thiệu chỉ còn một cách là bám víu: ông gạch dưới và đánh dấu * bên chữ "guarantees" (bảo đảm) ở đoạn trên lá thư, và gạch dưới - hai lần - chữ "U.S.guarantees" (bảo đảm của Hoa kỳ) ở đoạn cuối.
Tuy không phải là một chuyên gia về ngoại giao, nhưng tôi nghĩ trong lịch sử của Hoa kỳ đã chưa có trường hợp nào lại có những áp lực trực tiếp, rõ ràng, cạn tàu ráo máng từ một vị Tổng thống gửi tới một Đồng minh như thế này. Cũng chưa bao giờ có những cam kết mạnh mẽ, dứt khoát, được lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy…
Tới đây thì VNCH nhượng bộ.
Mật đàm đã giúp Hoa kỳ thành công trong việc giải quyết chiến tranh Việt nam nội trong nhiệm kỳ đầu của Nixon. Chỉ chậm có hai ngày:
Ngày 20 tháng 1 năm 1973 là ngày Nixon đăng quang nhiệm kỳ hai.
Ngày 21 tháng 1, Tổng thống Thiệu họp với Đại sứ Bunker để trao văn thư gửi Tổng thống Nixon, thông báo VNCH sẽ ký bản Hiệp định;
Ngày hôm sau Nixon hồi âm:
White House
Ngày 22 tháng Giêng 1973
Thưa Tổng thống,
"Với lòng can đảm và kiên trì, Ngài đã bảo vệ được quyền lợi của dân tộc Việt nam trong công cuộc theo đuổi mục tiêu duy trì tự do và độc lập".
Trân trọng,
Richard M. Nixon.
Trong bầu không khí xám ngắt lạnh lẽo và mưa sụt sùi buổi xế trưa ngày Thứ Ba, 23 tháng Giêng hồi 12 giờ 45, hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đã phê chuẩn Hiệp định Paris tại "Trung tâm hội nghị quốc tế", khách sạn Majestic, Đại lộ Kléber. Hai bên giằng co về số trang và so sánh bản chữ "HK" (Henry Kissinger) và ông Lê Đức Thọ ký vỏn vẹn một họ". Kissinger dùng một số bút mực và tặng cho bộ tham mưu của ông mỗi người một cái. Lê Đức Thọ thì đưa bút của mình cho Kissinger "để nhắc Hoa kỳ về việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định này" (20). Vừa ký xong, Kissinger vội bay về Washington.
Ngày 27 tháng Giêng, Ngoại trưởng Mỹ William Rogers, Ngoại trưởng Việt nam cộng hoà Trần Văn Lắm đồng ký.
Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực.
Khi mọi việc đã êm đẹp, có phóng viên UPI là bà Helen Thomas muốn tò mò hỏi xem Kissinger làm gì vào chính lúc ông Rogers đặt bút xuống ký. Vì múi giờ khác nhau, 11 giờ sáng bên Paris là năm giờ sáng tại Washington. Văn phòng báo chí của Kissinger trả lời: "Hãy làm tình, dừng đánh nhau" (Make love not war).
Chú thích
(1) Xem "Nixon's Secret Agent", TIME (Magazine), 7 tháng 2, 1972.
(2) Phỏng vấn Hoàng Đức Nhã, 24-5-1985.
(3) Về việc Tổng thống Eisenhower nói tới thuyết Domino: xem Public Paler of The Presidents: Dwight D. Eisenhower, 1954 (Government Printing Office, 1960), trang 383.
(4) Xem Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold Schecter, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, chương 3, 5 và 6, 9.
(5) Marvin Kalb and Bernard Kalb, Kissinger, trang 148, 158; Hưng và Schecter, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập.
(6) Diễn văn của Nixon ngày 14-5-1969: Department of State Bulletin (Washington, 2 tháng 6, 1969); xem thêm: George M. Kahin và John W Lewis, The United States in Vietnam, trang517-524.
(7) Marvin Kalb and Bemard Kalb, Kissinger, trang 158.
(8) Richard Nixon, Memoiry trang 568-569.
(9) Xem bài của Elaine Sciolino "Tài liệu (vừa có) đã đối chọi với Kissinger về chuyến viếng thăm Trung Quốc của ông năm 1971". New York Times, ngày 28 tháng 2, 2002. Trong buổi họp, chính Kissinger đã cho ông Chu biết: "Dù có thương thuyết hay không thương thuyết với Bắc Việt đi nữa, rồi chúng tôi cũng sẽ rút quân ra - một cách đơn phương".
(10) Der Spiegel, Phỏng vấn Tổng thống Thiệu, 1 tháng 12, 1979.
(11) Charles J. Timmes, "Vietnam Summary: Military Operation… ", Military Review, tháng 8, 1976, trang 63-66.
(12) Năm 1974, nhiều nghị sĩ, đặc biệt là ông Kennedy, đã cho rằng, càng có nhiều viện trợ, Miền Nam càng kéo dài chiến tranh. Xem chương 8.
(13) Ý kiến của Đại sứ Graham Martin về khả năng này: xem House of Representatives, Vietnam Evacuation: Testimony of ambassador Graham Martin, trang 539.
(14) VNCH, Giác thư gửi Chính phủ Hoa kỳ, ngày tháng 9, 1972 (Xem Nguyễn Tiến Hưng và Jenold Schecter, The Palace File, Phụ lục B).
(15) Xem Chương 2.
(16) Thư của Henry Kissinger gửi Tổng thống Thiệu, đầu năm 1980.
(17) Seymour Hersh, trích dẫn trong The price of power, trang 128.
(18) Xem thêm: Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, Chương 5.
(19) United States-Vietnam Relations, Tài liệu do Bộ Quốc phòng Hoa kỳ soạn thảo, Quyển 3/12, trang 23.
(20) Trích trong bài của Hồng Hà, Đài Phát Thanh Hà Nội, ngày 27 tháng 1, 1974, JPRS 61277, ngày 20-1-1985