Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Tác giả: Hải Văn
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Mike Nguyen
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1075 / 6
Cập nhật: 2015-07-18 07:17:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
ừ thời thơ ấu, tôi là bạn với mẹ Bích Ngọc. Tôi coi bà như một người chị và con bà cũng như con tôi. Cách đây ba năm, Bích Ngọc vừa được sáu tuổi thì chỉ trong vòng một tuần lễ, nó đã bị mất cả cha lẫn mẹ, vì một bệnh truyền nhiễm. Nó chưa hiểu biết gì về cái cảnh bơ vơ của một đứa trẻ mồ côi. Bà nội nó là cụ Giáo và bác nó là ông Xuân Lộc (anh cùng cha khác mẹ với ba nó) vội đến ở chung với nó, còn tôi thì không rời nó nửa bước.
Nếu cụ Giáo rất thương yêu nó thì, trái lại, bác nó đã tỏ ra không mấy thành thật. Lúc sinh thời, ba nó được thừa hưởng một gia tài kếch xù trong khi bác nó lại chẳng có được một đồng. Oan nghiệt thay! Tờ di chúc lại chỉ định bác nó làm người giám hộ cho con nhỏ. Thay vì để nó sống gần bà nội, ông Xuân Lộc đã tìm cách ly tán hai người và đem con nhỏ đi du lịch. Thỉnh thoảng, chúng tôi mới nhận được một lá thư của ông cho biết vắn tắt là mọi sự đều tốt đẹp cả. Ông ta có hứa một cách mơ hồ là một ngày kia ông ta sẽ mang con nhỏ về. Tiếp đó là những sự mong chờ và thất vọng.
Không thể chịu đựng nổi sự phân ly rất đáng lo ngại đó, cụ Giáo bèn quyết định đi gặp ông Xuân Lộc. Hồi đó, ông ta đang ở trên ĐàLạt, viện cớ sức khoẻ của đứa bé đòi hỏi nó phải ở miền núi một thời gian lâu. Cụ Giáo và tôi đã lên ĐàLạt một cách bất ngờ và may mắn tìm ngay được địa chỉ của ông Xuân Lộc. Cham Nóp lúc đó đang giúp việc cho ông ta đã dẫn chúng tôi vào nhà và tôi đã cám ơn Trời Phật khi biết rằng Xuân Lộc đi vắng trong vài tiếng và chỉ có một mình Bích Ngọc ở nhà.
Làm sao tôi có thể quên được những căn phòng lạnh lẽo trống trải, những dãy hành lang dài hun hút! Cham Nóp dẫn chúng tôi vào gặp đứa trẻ ngay và dường như sự hiện diện của chúng tôi lúc đó là một điều mong muốn thầm kín của chú. Trong một căn phòng không lò sưởi, đứa trẻ bật lên những cơn ho xù xụ. Sau hơn một năm xa cách, con bé xưa kia tươi cười bụ bẫm bao nhiêu, thế mà bây giờ đã thành ốm yếu và man dại. Nó tỏ ra hốt hoảng hơn là mừng rỡ khi thấy chúng tôi đến, và nhiều lần nó hỏi chúng tôi đã báo trước cho bác Xuân Lộc nó biết chưa.
Khi về tới nhà thấy chúng tôi, ông ta có vẻ không vui. Bà cụ đã trách móc ông ta kịch liệt. Tuy ông ta đã giành lấy việc nuôi đứa bé nhưng ông lại không làm tròn phận sự khi ông để nó ở trong một căn phòng lạnh lẽo, cô đơn, không người chăm sóc.
Ông bào chữa:
- Thưa má, con nghe theo lời căn dặn của bác sĩ, con bé này kém sức khoẻ, nó cần sống trong yên tĩnh. Má trách con không cho đốt lò sưởi cho nó, nhưng chính đây là một cách điều trị tối tân để con bé trở thành rắn rỏi hơn.
Cụ Giáo nhận xét rằng Bích Ngọc giống như một đoá hoa mỏng manh đang cần ánh sáng mặt trời, nên cụ rất nghi ngờ sự thành công của phương pháp đó. Cụ tiếp:
- Anh không thể chăm sóc được nó đâu, để tôi mang nó về với tôi vì nó cần có một tình thương mà anh không thể nào có được.
- Thưa má, không bao giờ con chịu rời xa Bích Ngọc hết, ông ta gay gắt đáp.
Rồi ông tiếp với giọng huyênh hoang:
- Ba nó đã giao phó cho con, thì con phải làm đúng lời trối trăng của người đã khuất.
Tối đến, cụ Giáo sang phòng tôi khóc lóc. Cũng như tôi, cụ đã hiểu là Xuân Lộc chỉ coi đứa bé như một nguồn lợi tức dồi dào và ông sẽ tranh đấu kịch liệt để giữ lấy nó. Và ông ta đã sử dụng một cách hoang phí nguồn lợi tức này. Trong khi con nhỏ không đủ sống thì ông giám hộ lại có một chiếc xe hơi lộng lẫy và tối nào cũng la cà nơi cao lâu tửu quán với bạn bè.
Chúng tôi nán lại ở đấy vài ngày, mặc dù phải chịu đựng nhiều điều phiền nhiễu, bực mình. Bích Ngọc dần dần quen đi, chơi với chúng tôi và tỏ ra rất hài lòng với những chiếc áo do bà nội mang lên cho nó từ Sàigòn. Tuy nhiên, nó vẫn còn luôn luôn giữ vẻ mặt đăm chiêu. Vừa nắm lấy tay chúng tôi, nó vừa lo lắng nhìn dáo dác chung quanh.
- Thưa bà, bác Xuân Lộc không muốn cho cháu ra ngoài, nó giảng giải, nếu bây giờ gặp bác, không biết bác có mắng cháu không?
Cụ Giáo hôn lên trán con nhỏ, an ủi:
- Không, cháu không làm gì trái lời bác Xuân Lộc đâu, vì chính là bà và bác Mỹ Lệ dẫn cháu đi chơi bữa nay kia mà.
Nó lắc đầu, tỏ ra không mấy tin tưởng và vội vã quay về.
Một hôm, lúc nó thay áo, bà nội nó nhận thấy vài vết sẹo trên lưng nó và hỏi lý do tại sao. Bích Ngọc đỏ mặt lên và bối rối trả lời là nó bị ngã.
Nó đã nói dối, nhưng vì không muốn làm tâm trí nó bị dày vò nên cụ Giáo không gặng hỏi gì thêm nữa. Tôi bèn quyết định hỏi thăm Cham Nóp để biết rõ sự thật, vì chú có vẻ tận tâm với đứa bé. Việc đó không phải dễ, vì hồi đó chú chỉ biết nói bập bẹ tiếng Việt mà thôi. Tôi lại không biết nói tiếng Miên nên câu chuyện rất khó khăn. Cham Nóp đã nghĩ ra một cách rất hay: chú hẹn chúng tôi đến nhà một người bạn biết nói tiếng Việt rất rành để làm thông ngôn. Ở đây, chúng tôi có thể nói chuyện dễ dàng và tự do hơn. Cuộc phỏng vấn này đã xác định những điều phỏng đoán của chúng tôi. Không những Bích Ngọc bị bỏ rơi, không một sự săn sóc mà đôi khi còn bị đánh đập tàn nhẫn.
- Bà không thể nào tưởng tượng được đời sống của Bích Ngọc khổ sở đến mức nào, Cham Nóp kể lể. Tuy không bị bỏ đói và thường xuyên hành hạ nhưng cô ấy rất khiếp sợ ông Xuân Lộc.. Một hôm, cô ấy đòi gặp bà nội và tôi thấy ông ấy lấy cây roi đánh chó để vụt lên lưng cô Ngọc. Ông không ngớt hạ nhục cô ta; dường như ông ta thù ghét cô ta ghê gớm thì phải? Ông ta tưởng như chúng tôi không biết là ông muốn trút sự thù ghét người em ghẻ lên đầu đứa trẻ vô tội này.
- Cham Nóp, sự hiện diện của chú nơi đây làm tôi biết chắc là tôi có thể tin cậy vào lòng trung thành của chú. Vậy tôi giao Bích Ngọc cho chú. Nếu có điều gì bất thường, chú hãy báo cho tôi biết ngay; dù muốn dù không, tôi sẽ mang nó về cho bà nội nó.
Nhưng than ôi! Tôi đã quên rằng tôi không có một chút quyền hành gì đối với đứa trẻ đáng yêu kia. Chắc chắn luật pháp sẽ bênh vực người giám hộ và ông Xuân Lộc mới là người có quyền đem nó đi hết chân trời góc biển nào cũng được. Tôi sẽ gặp sự chống đối nếu tôi muốn lôi nó ra khỏi cái cuộc sống khốn khổ này.
Cụ Giáo và tôi đành thất vọng trở về.
Nghe lời cụ, tôi đã đi thưa Xuân Lộc để rút lại quyền giám hộ của ông ta. Nhưng thủ tục tiến hành rất chậm chạp. Thời gian lặng lẽ trôi qua và một lần nữa, chúng tôi lại phải mỏi mòn chờ đợi tin tức. Thư từ trở nên càng ngày càng thưa thớt. Nếu Cham Nóp không nhờ được người bạn viết thư thì chúng tôi không biết là Bích Ngọc còn sống.
Vào một buổi chiều kia, tôi nhận được một cú điện thoại cấp bách của cụ Giáo.
- Bà hãy đến ngay tức thì, tôi không thể nói gì hơn, nhưng thật là khủng khiếp.
Tại nhà cụ Giáo, tôi thấy Bích Ngọc vừa được Cham Nóp chở đến. Đang trong cơn sốt li bì, con bé mệt lả nằm trên chiếc đi văng.
Không phải là Xuân Lộc đã sai đem nó tới đây. Khi thấy nó lâm vào tình trạng nguy ngập này, Cham Nóp sợ có chuyện gì xảy ra nên đã thừa lúc vắng mặt của Xuân Lộc để chạy trốn với đứa nhỏ.
- Bà ạ, chúng ta sẽ săn sóc nó, sẽ lo chạy chữa thuốc thang cho nó khỏi bệnh, cụ Giáo vừa nói vừa nhè nhẹ xoa đôi bàn tay bé nhỏ của đứa cháu nội.
Cụ đã quên rằng bọn chúng tôi đang dấn thân vào một trường hợp nguy hiểm. Trên phương diện pháp lý, chỉ người giám hộ mới được quyền coi giữ đứa bé và bọn chúng tôi sẽ bị xem như đã bắt cóc Bích Ngọc. Xuân Lộc sẽ không ngần ngại trình báo cảnh sát và có lẽ ngay hôm sau, người ta sẽ đến bắt lại đứa bé và kết án chúng tôi.
- Thưa cụ, cháu Bích Ngọc không thể nào sống yên ổn ở nhà cụ hay ở nhà tôi, tôi dịu dàng nói với cụ giáo, vì sự tìm kiếm sẽ phát khởi ngay từ hai nhà này. Vậy đêm nay tôi sẽ đem gởi Bích Ngọc tại nhà một người quen rất kín đáo, rồi sáng mai sẽ tính.
Muốn thoát khỏi tay Xuân Lộc thì phải chạy trốn, ẩn náu, như thế đời sống sẽ thành một cuộc phiêu lưu nay đây mai đó, và luôn luôn cảm thấy mình bị theo dõi, lùng bắt. Cuộc đời trôi nổi, khổ cực này, cụ Giáo không thể chịu được vì cụ đã già, nên tôi đã lãnh nhận Bích Ngọc. Cùng với Cham Nóp, chúng tôi lưu vong từ tỉnh này sang tỉnh khác, luôn luôn nghe ngóng động tĩnh, tinh thần lúc nào cũng như bị đe doạ.
Chúng tôi cũng phải thay hình đổi dạng luôn luôn. Bích Ngọc phải quấn trên đầu một chiếc khăn quàng, mang đôi kính đen thật lớn và ăn vận quần áo rất tầm thường. Cham Nóp thì để thêm bộ râu, còn tôi cũng phải thay đổi kiểu tóc.
Thời gian cuối cùng, chúng tôi đã đến trú ngụ ở đây, và đã dọn nhà một cách bí mật trong đêm tối để không ai biết. Chúng tôi đã sống yên ổn được vài tháng và tôi đã lo việc chạy chữa cho Bích Ngọc để phục hồi sức khoẻ. Nhưng ngán thay! Bây giờ tất cả lại trở về con số không. Xuân Lộc đã tìm ra được địa chỉ của chúng tôi. Để cố đánh lạc hướng, tôi đã vờ cùng Cham Nóp và Bích Ngọc rời khỏi biệt thự Bạch Liên trên chiếc xe hơi chở đầy hành trang. Số hành lý này hiện giờ còn nằm ở Sàigòn. Chúng tôi đã trở lại đây bằng cách núp trong xe hơi do Cham Nóp lái. Xuân Lộc đã không bị lừa và vẫn tiếp tục canh chừng chúng tôi. Làm sao thoát khỏi tay con người đó? Ông ta chẳng từ một hành động miễn là bắt lại được Bích Ngọc để tiếp tục cuộc sống đế vương mà ông hằng mơ ước.
Bà Mỹ Lệ im lặng một lúc lâu rồi buồn bã tiếp:
- Tôi hoàn toàn thất vọng. Làm sao cứu được Bích Ngọc? Tôi phải cất giấu nó ở đâu bây giờ? Tôi không thể chịu đựng được nữa. Thật là một sự ê chề khi phải sống lẩn lút trốn tránh như thế này.
Nghe tới đây, Khải cảm thấy vô cùng bối rối. Từ trước đến giờ, cậu chỉ biết giúp đỡ các em hoặc bạn bè những việc thông thường. Bây giờ đây, người ta lại hỏi ý kiến cậu về một trường hợp mà ngay cả những người lớn tuổi cũng phải điên đầu.
- Thưa bà, thật là xui quá, cậu đáp. Nếu có ba cháu ở nhà thì cháu xin mời ngay đến đây để giúp ý kiến bà. Lẽ cố nhiên, Bích Ngọc có thể sang tạm trú ở nhà cháu trong khi chờ đợi ba cháu về và chắc má cháu sẽ rất vui lòng.
- Nhưng nhà cậu gần quá, nếu người ta tìm thấy Bích Ngọc bên ấy, gia đình cậu sẽ bị liên lụy. Tuy nhiên, ta cần phải hành động gấp rút. Tôi chưa nói với cậu về bức thư cậu đã mang tới. Tôi nghi chính là Xuân Lộc đã gởi cậu vì hắn thường vẫn rình rập ở quanh đây. Lá thư ấy chứa đầy lời lẽ đe doạ. Người ta buộc tôi phải dẫn Bích Ngọc đi Biên Hoà, tới nhà hàng Đồng Nai vào thứ tư tới. Nếu không, hắn sẽ ra tay, dẫn cảnh sát tới bắt đứa bé, dù muốn dù không.
- Thứ Tư… Vậy không còn bao lâu.
- Trong sáu ngày nữa thôi. Tôi không lo cho tôi, nhưng lo cho Bích Ngọc. Thật là khủng khiếp nếu người ta chia rẽ tôi với nó. Tôi rất lo sợ nếu nó lại lọt vào tay con người ghê tởm ấy.
- Thưa bà, nếu chỉ còn sáu ngày, ba cháu sẽ không về kịp. Ba cháu ở quá xa, nếu không cháu sẽ đạp xe tới gặp ngay ba cháu. Cháu biết số điện thoại, nhưng làm sao cắt nghĩa các sự việc qua dây nói được?
Vì chưa có kinh nghiệm và quá lạc quan, Khải tin rằng thế nào cũng có một sự lạ xảy ra ngăn cản Xuân Lộc trong tội ác. Cậu tiếp:
- Thưa bà, có lẽ ông Xuân Lộc còn do dự trước khi kêu cảnh sát. Bởi vì khi lớn lên, Bích Ngọc sẽ không chịu để ông ta hành hạ một cách dễ dàng, ông sẽ không ngăn cản được cô ấy gặp bà. Vậy, nay nếu ông dùng bạo lực để bắt cô là một điều thất sách.
- Tôi ngờ hắn đã nghĩ đến điều ấy hoặc có một lý do nào làm hắn nương tay. Bởi vì từ bao nhiêu tháng nay, hắn rất có thể thực hiện dễ dàng những lời đe doạ, nhưng hắn lại chỉ sai những tên đồng đảng đến đây thôi. Phải chi ta biết được hắn đang âm mưu gì nhỉ!
- Thưa bà, có lẽ chúng ta sẽ biết một ngày gần đây. Cháu đã có kế hoạch rồi. Khi đó, chúng ta sẽ biết đường lui tới. Thế nào cũng có lúc Bích Ngọc trốn đi được, vì bọn này không thể ở đây suốt ngày để rình rập.
- Cậu đừng quá tin như vậy. Trái lại, tôi có cảm tưởng rằng chúng ta vẫn luôn luôm bị theo dõi. Mỗi lần Cham Nóp vắng nhà, người ta lại đến bấm chuông thật lâu, như để áp đảo tinh thần tôi thêm mỗi khi tôi ở nhà một mình.
Khải thì thầm:
- Vậy là họ đã trông thấy cháu vào đây.
- Nguy rồi! Bà Mỹ Lệ hoảng hốt kêu lên.
Thật vậy, bà đã quên là khi cho mời Khải đến, bà đã cho họ thấy cậu về phe với bà.
Khải vội trấn an:
- Thưa bà, chắc lúc này không có ai canh chừng đâu. Nhưng cháu nghĩ là cháu nên trở về nhà bằng cánh cửa sắt nhỏ ở vườn thì tốt hơn. Vả lại, như thế cũng rất tiện mỗi khi chúng ta muốn liên lạc một cách kín đáo.
Khi Cham Nóp biết được sự tình, chú thốt lên:
- Thật là quân quỷ sống chứ không phải là người!
Chú tài xế và Khải phải mất một lúc lâu mới tìm ra cánh cửa sắt nằm khuất sau hàng rào cây. Trên cửa, họ thấy một cái chốt lớn nằm ở phía biệt thự Bạch Liên, còn bên phía nhà ông Huy không có khoá.
Khải nhận xét:
- Vậy là tên đồng loã đã vào vườn nhà bà Mỹ Lệ, rồi từ đó mở chốt để qua bên kia.
Cham Nóp tỏ vẻ lo nghĩ. Chú nói cả tiếng Miên lẫn tiếng Việt và khoa chân tay để làm hiệu. Sau cùng, bà Mỹ Lệ và Khải cũng hiểu được rằng chú đề nghị gài ngay cái chốt cửa này lại vì cứ để ngỏ cửa thì quá nguy hiểm.
Khải tán thành:
- Muốn gài chốt bây giờ cũng được. Nhưng ngày mai chú phải mở chốt sớm để tôi có thể báo tin khẩn cấp cho bà Mỹ Lệ.
- Tin khẩn cấp? Cham Nóp chau mày nhắc lại.
Trong khi chú tài xế gài cửa lại thì Khải len lỏi trong các bụi cây để về nhà.
Gương mặt Kim Chi bỗng sáng lên khi thấy anh cô về tới. Cô đã tìm kiếm anh khắp nơi nhưng không thấy và đã trải qua một tiếng đồng hồ trong sự bồn chồn lo sợ. Cô tự hỏi không biết có phải người lạ mặt đã bắt cóc anh cô?
Trong khi Khải kể lại những sự việc xảy ra, Kim Chi tỏ vẻ rất háo hức.
- Vậy ra con nhỏ ấy tên là Bích Ngọc. Ít ra người ta cũng phải cho anh gặp mặt nó chứ, vì anh là người bảo vệ cho nó mà.
Rồi hai anh em bàn luận với nhau mưu kế khám phá ra tung tích kẻ thù ngay tại nhà mình. Kim Chi lấy làm khoái chí lắm, gật đầu lia lịa, vì đây là cơ hội dùng đến tài sáng chế của cô. Thảo luận xong kế hoạch, hai người phân chia công tác. Khải phải đạp xe đi mua vài chục thước dây điện, một “trái lê” bấm điện, một cái “phích” cắm điện và hai chiếc đinh khuy.
Kim Chi thì ở nhà để thử máy ghi âm. Cô đem chiếc máy xuống cơ xưởng của mình để thí nghiệm việc thu phát tiếng nói.
Cô cắm điện, nhận nút “thu” rồi cất giọng thật trong trẻo đọc bài thơ “Mùa thu ngồi câu cá”:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
“Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
…..
Cô tiếp tục đọc hết bài, rồi hãm máy lại, cho cuốn băng chạy ngược trở lại. Bây giờ cô hồi hộp nhận nút “phát”.
Tiếng nói từ trong máy cất lên. Nhưng không phải tiếng bà Mỹ Lệ nữa mà chính là tiếng của Kim Chi đọc lại bài thơ vừa rồi không thiếu một chữ. Cô thốt lên:
- Kỳ diệu! Ai đã phát minh ra chiếc máy này đáng là bậc “sư phụ” của ta.
Rồi cô hớn hở mang chiếc máy sang nhà Khải kế bên, đặt trên một chiếc kệ sát ngay bức vách ngăn cách với nhà cô. Vì phần trên bức vách này bỏ trống, cô trèo lên một chiếc ghế, kiễng chân, thò đầu sang nhìn các đồ vật của nhà mình, mỉm cười đắc ý.
Khải đã mang đủ dụng cụ về. Kim Chi bèn bắt tay vào công việc thiết trí một hệ thống mà khi ngồi ở phòng cô trên lầu có thể điều khiển được chiếc máy ghi âm đặt trong cơ xưởng của Khải. Phải mất cả tiếng đồng hồ mới xong xuôi tất cả.
Với hai chiếc đinh khuy mới mua và một cái khoá có sẵn, Khải khoá cơ xưởng của mình lại, không sợ ai vào lấy máy ghi âm.
Đến tối, Kim Chi ra khoá cổng vườn như mọi khi, cô quấn đủ hai vòng xích khoá lại. Nhưng cô làm như sơ ý chỉ khoá một đầu xích, còn một đầu để không.
Đêm khuya, trong khi cả nhà yên giấc, hai anh em vẫn ngồi rình trong phòng Kim Chi. Quả nhiên lúc đồng hồ vừa điểm một tiếng, hai bóng đen từ đâu đã hiện ra ở cổng. Họ lấy tay lần nhè nhẹ cái xích. Chắc họ mừng quýnh khi thấy ống khoá chỉ móc vào một đầu xích mà thôi. Cánh cổng được se sẽ đẩy ra, hai bóng đen lanh lẹ bước vào vườn rồi tiến thẳng đến nhà Kim Chi. Đứng một lát để nghe ngóng, họ đẩy cửa bước vào trong, khép cửa lại, bật đèn.
Hai anh em nín thở, ghé mắt nhìn qua khe cửa sổ để quan sát. Bỗng Kim Chi giục:
- Mở máy đi anh!
Khải bèn cầm “trái lê” bấm đến tách một cái. Hai anh em yên chí là chiếc máy ghi âm đã bắt đầu quay, trừ phi nó “trục trặc” kỹ thuật bất ngờ thì là cả một sự tai hại. Nhưng họ tin tưởng là không.
Trong lúc này, chẳng hiểu hai bóng đen đang lục lọi nói năng gì trong căn nhà của Kim Chi.
Chừng nửa giờ sau, đèn tắt, hai bóng đen đi len lén ra cổng rồi biến mất trong đêm tối. Lúc đó Kim Chi buồn ngủ quá vội đi nằm.
Còn một mình Khải rón rén xuống nhà để ra khoá cổng lại. Khải ngạc nhiên thấy cái xích đã quấn đủ hai vòng như cũ. Cậu phê bình:
- Thằng cha này cẩn thận ghê!
Đoạn cậu rảo bước đi vào cơ xưởng, mở khoá, lấy chiếc máy ghi âm đem sang nhà Kim Chi.
Tay run run vì xúc động, Khải bấm nút “phát” cho máy chạy. Một tiếng nói cất lên. Không phải là tiếng bà Mỹ Lệ, nhưng là tiếng đàn ông, một tiếng xa lạ… Rồi đến một tiếng khác trả lời. Đây là một cuộc đối thoại. Khải xoa tay nói:
- Hay quá! Chẳng cần đi đâu xa, các tướng này đã đến thu băng tận nhà ta.
Cậu lắng tai nghe cuộc đối thoại:
- Anh có sẵn sàng làm những gì tôi bảo không? Lúc này phải hành động gấp.
- Thưa ông Xuân Lộc, tôi không bao giờ quên ơn ông và những lời hứa hẹn của ông. Đêm nay, thật là chúng ta may mắn quá! Cánh cổng lại mở cơ chứ! Cứ như là có một người làm nội ứng cho mình trong nhà này ấy! Tất cả đều êm xuôi. Chúng ta sẽ làm như thế này. Xin ông theo tôi, để tôi cắt nghĩa…
Có lẽ bọn gian đã bước ra ngoài, vì tiếng nói nhỏ dần và tắt hẳn.
Khải dậm chân tức tối. Bọn gian đã đi ra đúng lúc chúng đang bàn những vấn đề quan trọng.
Nhưng tiếng nói lại vang lên:
- … Không thể qua được. Cái chốt cửa đã bị gài kỹ bên biệt thự Bạch Liên rồi. Sao chúng đã khám phá ra lối đó nhỉ? Sở dĩ tôi đã tìm ra lối đó là vì tôi nghiên cứu kỹ càng bản đồ biệt thự Bạch Liên, mà cũng phải mất một thời gian khá lâu mới thấy.
- Nếu bây giờ không sang được vườn bên ấy thì tất cả kế hoạch của ta đều tan tành mây khói. Làm thế nào phá được cửa đó nhỉ?
- Dầu sao, đêm nay thật là một cơ hội hãn hữu! Ông nghĩ coi, cánh cổng nhà này tuy có quấn dây xích mà lại khoá ra ngoài, ông bố thì vắng nhà và bọn trẻ thì đi nghỉ sớm. Tốt quá, tốt quá! Nhưng nếu không mở được cánh cửa sắt để sang vườn biệt thự Bạch Liên thì thật là công toi. Đây ông xem cái thang xếp của tôi này: một kỳ quan! Mình có thể xách theo mà không ai để ý, có thể dài ngắn theo ý muốn, và bắc đến căn phòng con bé dễ dàng. Vào mùa này, chắc chắn cánh cửa sổ phải mở. Việc bắt cóc con bé dễ như trở bàn tay.
- Mà xe của tôi thì đã chờ sẵn. Chỉ trong vài giờ là tôi với nó đã cao chạy xa bay. Thế mà không làm được thì tức thật.
- Ông nghĩ xem có cách nào khác không?
- Chỉ còn cách duy nhất là trình cảnh sát mà thôi. Nhưng điều này tôi rất ngại, vì từ trước đến nay trong dòng họ tôi không muốn xảy ra một vụ lộn xộn nào hết. Nhưng đành chịu vậy. Đó là cách duy nhất để bắt buộc mụ ấy mở cửa và trả lại con nhỏ cho tôi.
- Không đâu, ông Xuân Lộc, ông khỏi cần đến cảnh sát làm chi. Tôi nghĩ ông nên trình bày với nhà chức trách và chờ đợi kết quả, tội gì phải chạy theo chúng.
- Tôi không muốn anh phê bình hành động của tôi.
- Xin ông chớ vội nóng… Tôi biết… tôi biết… Tôi phải tuân lệnh ông như một cái máy. Tuy nhiên, tôi cũng đã thành công vẻ vang khi đóng vai anh thợ điện đấy chứ! Thế bây giờ phải hành động ra sao?
- Anh có thể đóng vai một viên thanh tra để lừa chúng.
- Ý! Việc đó tôi xin chịu thôi! Nguy hiểm lắm. Tôi làm gì có giấy tờ cần thiết?
- Không lo, trong lúc sợ hãi họ sẽ không nghĩ đến việc đòi xem giấy tờ đâu. Anh sẽ đến biệt thự Bạch Liên trong 24 giờ nữa, để tôi có đủ thời giờ sửa soạn. Hãy tỏ ra cứng rắn, dữ tợn, hãy bắt mụ ấy giao con bé cho anh rồi đem nó đi bằng được, dù phải dùng đến võ lực.
- Ông nói nghe dễ quá… Ông đã biết rõ sức khoẻ của tên vệ sĩ chưa mà lại nói thế?
- Sao không? Tên Cham Nóp đó đã làm với tôi lâu năm nên tôi biết sức hắn. Nhưng anh có thể đem theo vài người cùng đi.
- Nếu vậy ông bỏ tiền ra mướn họ thì chắc chắn chúng tôi sẽ làm được việc. Vậy thì tối mai sẽ hành động.
- Tối mai, được rồi.
Bỗng Khải dậm chân kêu lên với giọng tiếc rẻ. Tất cả cuốn băng đã quay hết.
Không kịp suy nghĩ gì khác và mặc dù đang mặc quần áo ngủ, cậu nhảy bổ ra cửa, chạy một mạch đến chỗ cổng sắt thông sang biệt thự Bạch Liên.
Nhưng Cham Nóp lại chưa mở tấm cửa sắt như đã ước hẹn hôm qua. Có lẽ trời hãy còn quá sớm, lát nữa cậu sẽ trở lại.
Nếu trước khi cậu đi học mà cửa vẫn chưa mở thì sao? Thật là khó nghĩ.
Cậu chậm rãi quay về nhà, tâm hồn nặng chĩu.
Tắm xong, cậu cảm thấy tỉnh táo và lạc quan trở lại. Chắc giờ này Cham Nóp phải thức giấc rồi. Một lần nữa cậu chạy ra vườn. Nhưng cậu lại càng thất vọng hơn khi thấy cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Có lẽ nào Cham Nóp đã không hiểu lời dặn hôm qua?
- Làm sao lại đi nuôi một người ngoại quốc không hiểu tiếng trong nhà? Cậu tức giận thốt lên.
Cực chẳng đã, cậu đành tự nhủ: “Kệ, mình sẽ đi bằng lối cổng trước”.
Rồi cậu chạy vòng ra phía trước và nhận chuông liên hồi. Nhưng vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Hay là họ không nghe thấy?
Thất vọng, Khải quay đi được mấy bước lại trở lại bấm chuông hăng hơn trước. Nhưng mất công toi!
Khi về đến nhà, cậu thấy bực dọc hết sức.
- Cậu Khải không ăn điểm tâm à? Chị Tư hỏi.
- Tôi không đủ thời giờ!! Kim Chi đâu chị Tư?
- Kim Chi! Kim Chi!
Chạy vội lên nhà, cậu tìm thấy Kim Chi đang gội đầu. Cô vừa nghe anh thuật chuyện lại, vừa lau cho khô tóc.
- Thật vậy, những người hàng xóm này không đáng để cho ta giúp đỡ. Giả thử không có em ở nhà hôm qua, chưa chắc gì anh đã thu được cuộc đối thoại ấy. Làm thế nào để báo cho bà Mỹ Lệ biết bây giờ?
- Để em nghĩ xem. Trong khi chờ đợi, anh hãy đi chải đầu đi, ai lại để đầu tóc rối bù thế mà định sang nhà người ta bao giờ!
Một lát sau, Khải trở lại với vẻ mặt nhăn nhó hơn lúc trước.
- Thế nào, em có ý kiến gì chưa?
- Em thấy không khó lắm. Anh hãy viết độ một chục lá thư trên giấy xanh đỏ ấy, để có thể nhìn thấy từ xa, rồi anh ném vào trong vườn biệt thự, thế nào họ chẳng nhặt được vài lá?
- Chẳng khác gì ý kiến trên cung trăng! Trước hết anh làm gì có giấy xanh đỏ bây giờ, hơn nữa anh không có đủ thời giờ viết một lá thư nào hết vì nếu muốn cho đầy đủ chi tiết thì phải viết dài lắm.
Vừa lúc đó Tín thò đầu qua khe cửa hé mở và ngạo;
- Thế nào, anh chị đã giải quyết vấn đề đó xong chưa?
Kim Chi giơ nắm tay ra doạ em nhưng Tín vẫn tiếp:
- Khó gì, khi không qua được cửa thì ta leo tường mà sang có sao?
- Ai nói với mày về cái cửa đó? Khải gắt gỏng. Bây giờ mày lại rình rập tụi tao nữa à?
- Đâu có, anh nói to đến nỗi đứng ngoài hành lang mà em cũng nghe thấy rõ mồn một. May mà không phải thằng Nhựt nó nghe được.
Khải tiến ra nạt nộ:
- Tao khuyên mày một điều. Hãy mua băng keo mà dán kín cái miệng lại vì mày không giữ ý tứ gì cả.
Tín cười lém lỉnh:
- Thôi, thôi, anh thử nhìn xem bây giờ là mấy giờ rồi. Anh chỉ còn đúng ba phút nữa thôi, thời gian dư để cho em cây bút đỏ của anh.
- Cho mày cây bút đỏ? Sao nói dễ nghe thế?
- Chẳng nên tiếc, vì em có thể giúp anh được việc. Bức tường nó ngăn cản ai chứ đối với em thì mười bức em cũng vượt qua như chơi. Anh phải đi học bây giờ chứ em đâu phải đi. Vậy anh cứ kể lại mọi sự cho em nghe, rồi em sẽ leo qua tường sang bên kia rồi ngồi trên bãi cỏ đợi bà ta mở cửa ra.
Kim Chi gật gù:
- Phải đấy, ý kiến của nó nghe được đấy.
Khải nhún vai:
- Nhưng mà phải giảng nghĩa cho nó hết hơi, vì nếu nó lầm lẫn thì bà Mỹ Lệ sẽ chẳng hiểu gì hết cả.
Bỗng Kim Chi reo:
- Thế sao anh không bảo nó đem luôn cái máy ghi âm sang bên ấy có phải chắc ăn không?
- Nhỡ nó làm rớt bể thì sao?
- Ơ kìa, anh quên là chiếc máy này chịu đựng được mọi sự va chạm hay sao?
Tín thương hại nhìn anh chị, nó nói:
- Bộ anh tưởng em không qua được hay sao? Thằng Nhựt nó còn qua nổi nữa là. Hơn nữa bên kia tường còn có mô đất cao, nhờ vậy em khỏi cần nhảy.
- Một mô đất? Sao mày biết?
- Em leo thử rồi chứ sao, và em đã có dịp đi thăm khắp khu vườn bên ấy nữa..
Đây là lần đầu tiên Tín có thể giúp ích cho anh chị nó. Kim Chi lấy giấy bọc chiếc máy và lấy dây dài cột lại để Tín có thể dòng sang bên kia. Bây giờ chỉ còn cách tin cậy vào thằng nhỏ và hai anh em Khải nhảy lên xe đạp để đến trường. Một khi đã được báo tin trước, bà Mỹ Lệ không bị rơi vào tròng của bọn gian. Nhưng Xuân Lộc rất bền chí, và bà Mỹ Lệ không thể sống trong sự phập phồng lo sợ này mãi.
Tín ý thức được trọng trách của nó nên nó cảm thấy như mình đã lớn thêm được mấy tháng. Đây là lần đầu tiên anh chị nó giao phó cho nó một nhiệm vụ. Tín thoăn thoắt leo lên bờ tường, rồi một tay thận trọng kéo theo chiếc máy ghi âm. Nhưng khi nó nhìn sang vườn bên kia nó thốt lên một tiếng kêu thất vọng: Cham Nóp đã đặt đầy dây thép gai dưới chân tường. Thấy không thể nào nhảy xuống được Tín bèn nghĩ mưu kế. Nó thường đọc trong sách rằng khi muốn kêu ai, thì chỉ cần nhặt mấy viên sỏi ném lên cửa cho người trong nhà nghe thấy. Tại sao không dùng cách đó?
Nó bèn tụt xuống đất, nhặt sỏi đầy hai túi áo, rồi lại leo lên bờ tường. Ném đến mười viên sỏi rồi mà vẫn không tới, nó lặng yên suy nghĩ, lựa một viên đá nặng hơn rồi ném thật mạnh. Viên đó trúng đích nhưng đập vỡ tấm kính và chui tọt vào trong nhà.
Vài phút sau, cánh cửa xịch mở và Cham Nóp hùng hổ bước ra.
Tín thở phào nhẹ nhõm:
- À! Chú đây rồi! Tôi rất vui mừng khi đạt được kết quả nhanh chóng như vậy.
Nhưng Cham Nóp tỏ vẻ giận dữ, Tín phân trần:
- Chú đừng giận, đó chỉ là một kế để kêu chú ra thôi, chú mở cửa cho tôi vào đi.
Thấy Cham Nóp vẫn la lối, Tín nói thêm:
- Có chuyện gấp lắm! Tôi phải đưa cái máy quay quay này cho bà Mỹ Lệ, chú lại gần đây, tôi sẽ dòng dây xuống cho.
Nhưng những cuộn dây thép gai ác nghiệt kia cũng không cho phép Cham Nóp lại gần bức tường.
Tín vừa mở miệng định nói thêm thì Nhựt chạy tới gọi:
- Anh Tín ơi! Má kêu anh vào học bài kìa.
Đời sống sao mà rắc rối thế! Bên kia thì không muốn cho vô nhà, bên này thì lại muốn kêu vô.
Tín quay lại hỏi em:
- Má đã nhận được bài sửa gởi về chưa?
- Rồi, mà má khen em học giỏi, anh Tín ạ.
- Thế hả? Má có nói gì về anh không?
- Có.
- Má nói gì vậy?
- Má nói là thật đáng tiếc vì anh chỉ có cái tài leo cây thì thật cao, còn về phần xếp hạng thì lại thật thấp.
- Má nói thế hả? Tín thở dài.
- Mau vào đi anh.
Không có cách nào hơn, Tín đành phải tụt xuống và cùng Nhựt chạy vào nhà.
Còn chiếc máy ghi âm thì sao? Nó đang nằm trơ dưới đất.
Khách Lạ Đêm Khuya Khách Lạ Đêm Khuya - Hải Văn Khách Lạ Đêm Khuya