Số lần đọc/download: 2187 / 23
Cập nhật: 2017-05-19 13:25:55 +0700
Chương 9 -
T
rời chưa tối mà mọi người đông đủ. Bảy người kể cả Hoài. Ba trai và bốn gái. ngồi quây quần trên hai chiếc chiếu trải ở sân sau. Chung quanh vắng vẻ nên họ tha hồ cười nói mà không sợ phiền chòm xóm. Bánh kẹo thời có bánh in và kẹo dừa. Ở đây bánh in với kẹo dừa rẻ tiền nhất. Nước thời có nước trà với xá xị. Hoài phụ vào với mấy phong mè xửng và một thứ đặc biệt là ô mai. Cái này hết trước nhất vì được mọi người chiếu cố kỹ. Mọi người cười đùa trêu chọc lẫn nhau rồi bắt đầu vào chuyện văn chương. Hoài ngạc nhiên khi biết sinh hoạt của nhóm người này. Họ gặp nhau để làm thơ, viết văn, để thảo luận về các buổi sinh hoạt văn nghệ của trường, về chuyện in một đặc san kỷ niệm niên học cuối cùng của trung học đệ nhất cấp. Có người trong bọn họ vì gia cảnh sẽ phải thôi học. Có người sẽ thi vào trường sư phạm trung cấp để trở thành một người thầy giáo làng, quận hay tỉnh lỵ. Có người sẽ làm công chức. Có người sẽ đi lính. Tuy nhiên học sinh ở đây có cuộc sống khác hơn các học sinh Sài Gòn. Yên bình hơn, lý tưởng hơn, văn nghệ hơn, dù Sài Gòn được mang tiếng là thủ đô văn hóa của nước Việt Nam Cộng Hoà. Thanh niên nam nữ ở đây chưa bị đầu độc bởi các trào lưu tư tưởng ngoại lai, cái mà người ta gọi là đợt sống mới, hiện sinh của Sartre, Camus. Cái mà người ta gọi là hippy, thích nhạc ngoại quốc ồn ào. thích rượu chè. sì ke. ngồi vỉa hè Lê Lợi, giết thời giờ bằng những giọt cà phê đen đặc. Đó là đám con nhà giàu, ăn chơi nhờ tiền của cha mẹ, đám con nhà quan quyền mặc quần ống rộng, áo bó sát da, ngồi rung đùi uống bia bằng đồng tiền tham nhũng của cha, chạy áp phe của mẹ. Sài Gòn nhan nhãn đám thanh niên vô lý tưởng, mất quân bình giữa triết lý và lễ nghi á đông với tiện nghi vật chất của tây phương. Đêm nay ngồi cùng chiếu với mấy người bạn của Tiên Sa Hoài mới cảm nhận một điều là nông thôn và tỉnh lẻ mới chính là nơi mà người ta còn giữ đưọc nhiều truyền thống cao quý và tốt đẹp của người Việt.
- Đêm nay tình cờ chúng ta có được một người bạn quý là anh Hoài, tác giả bài thơ mà các anh chị đã được đọc. Xin mời anh Hoài nói vài lời...
Mỉm cười với Tiên Sa đang ngồi cạnh mình, Hoài hướng về Linh, trưởng ban văn nghệ của trường Phan Thanh Giản đồng thời cũng là trưởng thi văn đoàn Phù Sa.
- Trước hết tôi xin cám ơn Tiên Sa. Nhờ cô học sinh trường trung học Phan Thanh Giản Bến Tre này mà tôi mới gặp các anh chị. Tôi không cần phải nói nhiều về chuyện tình giữa tôi với Tiên Sa...
Hoài hơi mỉm cười vì cảm thấy có bàn tay đang bấu vào lưng của mình.
- Tôi rất thích thú và hâm mộ khi biết các anh chị là những người ưa thích văn nghệ và đang dự định làm văn nghệ. Tôi chỉ là một đứa học trò thích thơ văn hay nói cho rõ nghĩa hơn tôi chỉ là một người dùng chữ nghĩa của cổ nhân làm thành thứ trang sức đài các cho tâm hồn của mình...
Bảy người ngồi nghe đều mỉm cười khi nghe Hoài nói câu cuối.
- Từ đó viết văn hay làm thơ, chơi đàn được tôi xem như là cách rong chơi. Thích thời làm không thích thời thôi. Thích nhiều thời làm nhiều, thích ít thời làm ít, còn không thích thời chỏng cẳng ngủ khò...
Tiên Sa bật cười khi nghe Hoài nói câu không thích thời chỏng cẳng ngủ khò.
- Bởi vậy tôi làm thơ ít mà viết văn còn ít hơn nữa... Bài Dáng Thú mà anh chị đã đọc cũng chỉ là ngẫu hứng. Trước khi gặp Tiên Sa tôi có quen biết một nữ sinh Trưng Vương...
Hoài hơi cười khi năm ngón tay của Tiên Sa nhéo vào hông của mình.
- Gọi là quen nhưng tôi cũng biết đây là mối tình vô vọng. Cô ta đẹp. nhà cô ta giàu sang, còn tôi nghèo, nhà sàn vách ván. Trường Trưng Vương ở gần sở thú cho nên mỗi lần muốn gặp cô ta tôi phải đi qua sở thú. Một buổi trưa qua sở thú tôi đứng nơi chuồng khỉ thế là cái hứng nổ bùng...
Quỳnh, cậu con trai có cái tên con gái và vóc dáng như thư sinh tham gia câu chuyện.
- Tôi có người anh bà con ở Sài Gòn học ban triết trường đại học văn khoa. Ảnh có mang về cho tôi mấy tờ Sáng Tạo, trong đó có nhiều bài thơ tự do lắm... Ảnh nói có rất nhiều thi sĩ hoặc sinh viên học sinh thích làm thơ tự do bởi vì nó dễ làm, không gò bò và câu thúc bởi luật lệ...
- Anh Quỳnh nói em mới nhớ. Em có đọc bài thơ của Trần Dạ Từ...
Thùy Dương, cô gái nhỏ tuổi nhất trong bọn nói. Mới đệ ngũ thôi nhưng cô bé là một trong những hoạt động viên hăng hái nhất. Dù không có làm thơ nhưng cô bé lại thích thơ, mê văn chương và âm nhạc. Cô bé là một người có tâm hồn nghệ sĩ.
- Trần Dạ Từ là nhà thơ trẻ. Tôi nói trẻ khi so sánh với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương là hai thi sĩ tiền chiến. Thơ tự do được giới học sinh và sinh viên ưa chuộng nhất... Một chữ, ba chữ, năm chữ, mười chữ cũng được, miễn là làm sao lọt qua lỗ tai người nghe, thấm vào hồn người đọc. Cái hứng mới quan trọng. Đó là quan niệm của tôi đối với thơ...
Hoài uống ngụm nước trà nguội. Mùi hoa lài thoang thoảng. Anh hơi mỉm cười nhìn Tiên Sa đang ngồi sau lưng Hương đối diện với mình.
- Nghe Tiên Sa kể anh Hoài đàn và hát hay lắm...
Hương lên tiếng. Hoài cười nhẹ nhìn Tiên Sa. Hiểu ý nàng đưa cây đàn cho Hoài. Tiên Sa và Thùy Dương là hai cô gái mê nhạc nhất trong đám. Mười ngón tay của Hoài lướt nhẹ trên dây đàn. Âm thanh bật lên thánh thót như tiến gió rung cây mù u. như tiếng lá dừa rì rào. Giọng hát trầm. ấm cất lên.
- Anh đến thăm em đêm ba mươi...
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc là vàng làm bằng chứng yêu em...
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm
sao giao thừa xanh trong đôi mắt mòn
trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.
Tiên Sa mỉm cười khi nghe " xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em ". Hoài của nàng nghèo xác xơ tới độ phải xin chiếc lá vàng làm bằng chứng cho tình yêu của mình. Nàng cảm thấy lòng mình xao xuyến và run rẫy khi Hoài nhìn mình lúc hát tới câu "Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm "...
- Tháng ngày đã trôi qua
tình đã phôi pha
người khuất xa
chỉ còn chút hương xưa
rồi cũng phong ba
rụng cùng mùa.
Dòng sông đêm
hồn đen sâu thao thức
ngàn vì sao mọc
hay lệ khóc nhau
đá buồn chết theo sau
ngày vực sâu
rớt hoài xuống hư không
cuộc tình đau...
- Anh Hoài làm thơ hay. nói chuyện hay mà đàn hát còn hay hơn bởi vậy Tiên Sa mê anh là phải...
- Nói bậy à nghe... Ai mê hồi nào...
Tiên Sa đính chính câu nói của Hạnh.
- Hổng có mê hả... Phải rồi hổng có mê mà ở đâu cũng có Hoài. Đi chợ mua đồ ăn cũng nhắc Hoài. Gạo vạn vật cũng có Hoài. Giải phương trình đại số cũng Hoài. Hổng mê mà chữ Hoài bự tổ bố nằm chình ình ở trang nhất cuốn sách luyện thi trung học...
- Hạnh kỳ quá... Nói làm chi mấy chuyện đó...
Mọi người cười lớn. Hoài nhìn Tiên Sa nhưng không thấy gì hết ngoại trừ mái tóc đen xỏa trên vai áo bà ba màu mỡ gà.
- Tôi có một người bạn khá thân học trường Võ Trường Toản. Anh và tôi cùng cua một cô nữ sinh Trưng Vương. Đó là cô gái mà tôi đã nói lúc nãy. Tôi không được cô gái này chú ý. Riêng anh may mắn hơn tôi chút chút. Được trò chuyện, được cô ta mời đến nhà và đi chơi nhiều lần. Rồi gia đình cô ta dời lên Đà Lạt. Anh buồn lắm làm thơ tặng cô bạn gái trong đêm cuối cùng trước khi chia tay... Người con gái trong bài thơ này chỉ xuất hiện trong một sát na nhưng là một kiếp ở lại...
Còn một đêm nay thôi người ơi
Ngày mai người đã ra đi rồi
Đường về phương ấy xa xôi lắm
Sài Gòn bơ vơ một mình tôi
Tiên Sa nghe giọng nói trầm ấm. thiết tha của người bạn tình cất lên chơi vơi, quyện vào vùng khói sương mờ ảo của tình yêu.
Nẻo thấp nẻo cao ai nhớ ai
Rồi đây ai thắp mắt đêm dài
Nhìn trăng đô thị vàng rưng lệ
Nhìn ánh sao rừng phai lãng phai
Hoài nghe như có tiếng thở dài của ai đó, hắt hiu phiền muộn. Tiếng thở dài của nhung nhớ, chín đỏ theo ngày tháng.
Sài Gòn vào khuya mưa bão bùng
Người đi người có nhớ tôi không
Ngày mai mỗi kẻ phương trời thẳm
Tôi nhớ tôi thương đến ngập lòng
Tiên Sa cảm thấy lòng mình chùng xuống nhịp buồn đòi đoạn. Hoài ơi... Ở nơi đây cũng có mưa. Những cơn mưa buồn phố thị. Những giọt nước mưa phiền muộn, rả rích trên mái nhà lá, làm ướt mắt Tiên Sa mỗi khi nhớ tới Hoài, nhắc tên Hoài trong trí não, ngồi trong lớp học, đi bộ theo con đường dọc bờ hồ Trúc Bạch. Hàng cây phượng chơ vơ buồn.
Người nói gì đi sao lặng im
Để cho hoang vắng lịm trong đêm
Ô kìa người nói gì đi chứ
Sao lại như là cứ thản nhiên
Hoài ơi. Tiên Sa sẽ không lặng im đâu. Tiên Sa sẽ nói. muốn nói thật nhiều với Hoài dù biết ngôn từ của mình không thể nói hết những gì mình nghĩ. những xôn xao. những chờ. những đợi. những nhớ. những thương. những ngóng trông...
Còn một đêm nay thôi người ơi
Ngày mai người đã ra đi rồi
Đường về nẻo ấy xa xôi lắm
Sài Gòn bơ vơ một mình tôi
Tiên Sa không muốn khóc mà mắt cay và dòng nước nóng từ từ ứa ra làm nhạt nhòa hình bóng của người con trai tình cờ gặp gỡ nhưng sẽ ở lại trong hồn nàng suốt đời. Người con trai có giọng nói trầm ấm, nụ cười thiết tha buồn, đôi môi tham lam, tia nhìn dịu dàng như cơn gió của dòng sông Ba Lai.
- Bài thơ buồn quá. Em ước gì có ông bồ như anh này để ảnh làm thơ tình ướt át đọc cho mình nghe...
Mọi người không ai cười vì câu nói nhiều lãng mạn của Thùy Dương. Dường như tâm hồn của họ vẫn còn vướng víu vì âm hưởng buồn của mấy câu thơ.
Quỳnh cười nhìn Hoài.
- Hồi nãy anh Hoài có nói câu " người con gái chỉ xuất hiện trong một sát na nhưng là một kiếp ở lại...". Quỳnh hỏi anh chữ " sát na " nghĩa là gì?
- Đây cũng là thắc mắc của tôi...
Linh phụ họa. Hoài cười khi đón ly nước từ tay của Tiên Sa.
- Sát na là một đơn vị đo lường thời gian trong triết lý Phật giáo. Có người định nghĩa sát na là một đơn vị thời gian ngắn nhất mà con người có thể đo lường được...
- Thưa anh Hoài cái định nghĩa này rất mơ hồ...
- Chị Hương nói đúng. Với cách định nghĩa như vậy sát na là một đơn vị không có giới hạn. Đây là chỗ thâm thúy của triết lý Phật giáo. Tây phương khi nói về thời gian thời phân chia ra hẵn hòi như giây, phút, giờ, ngày. Điều này thật tiện lợi nhưng không sâu sắc và thâm thúy và nhất là có giới hạn của nó. Sát na là đơn vị thời gian không có giới hạn. Nó có thể là một giây. phần mười giây hoặc gì gì chăng nữa nhưng nó phải là đơn vị thời gian ngắn nhất mà con người có thể đo lường được. Mấy anh chị có ai theo đạo Phật?
Bảy người thời ba người trả lời có là Linh, Hương và Thùy Dương. Còn Hạnh, Hoài và Tiên Sa không có đạo. Riêng Đằng theo đạo Công giáo.
- Nếu là Phật tử anh chị chắc nghe nói tới chữ kiếp. Nó là đơn vị thời gian dài nhất. Định nghĩa này thật mơ hồ và trừu tượng. Đã đành là dài nhưng dài bao lâu. Phật giáo giải thích về kiếp như thế này. Có một nàng tiên trên trời...
Hoài ngừng lại nhìn Tiên Sa khiến cho mọi người cũng quay nhìn nàng vì họ tưởng Tiên Sa có liên quan tới lời nói của Hoài.
- Có một nàng tiên trên trời mỗi năm bay xuống trần thế dùng vạt áo dài của mình quét lên một tảng đá có chiều ngang dọc là một cây số. Thời gian mà nàng tiên này dùng để quét tảng đá cho bằng với mặt đất được gọi là kiếp. Anh chị em thử tưởng tượng xem kiếp dài bao lâu...
Quỳnh le lưỡi.
- Trời ơi nếu theo định nghĩa này thời một kiếp dài vô tận. Có lẽ mình đã chết mấy nghìn vạn năm rồi...
Tiên Sa cười nhìn Hoài.
- Ông Nguyễn Công Trứ có hai câu thơ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo...
Như vậy còn lâu lắm ổng mới được làm cây thông đứng giữa trời mà reo hả Hoài...
- Tiên Sa nói đúng. Anh phải tu một kiếp mới gặp được Tiên Sa...
- Anh mà tu... Anh tham ăn quá trời mà tu hành gì...
Tiên Sa đỏ mặt khi nói câu sau cùng. Hoài nhìn mọi người.
- Tôi xin đọc một bài thơ nữa. Bài thơ này rất hay, rất lạ. Nó có tên là Người con gái mặc quần...
Trừ Hoài cả bọn đều cất tiếng cười nhất là Hương, Hạnh, Thùy Dương và Tiên Sa.
- Người con gái hôm nay mặc quần đỏ...
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
Đen và đỏ là hai màu rồi đó
Cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên...
Người con gái hôm nay mặc quần trắng
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
Hồng và trắng là hai màu bẻn lẻn
Cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh...
Người con gái hôm nay mặc quần tím
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
Vàng với tím là hai màu mỉm miệng
Mím môi cười và chúm chiếm nhe răng...
Người con gái hôm nay mặc quần rách...
Hoài thấy bốn cô gái đều tủm tỉm cười khi nghe tới câu thơ trên.
- Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
Lành và rách đều vô cùng trong sạch
Bởi vì là lành rách cũng long lanh...
Đọc xong bài thơ này Hoài cười hỏi Tiên Sa.
- Nếu là cô gái thời Tiên Sa sẽ mặc chiếc quần nào?
Tiên Sa dụ dự chưa trả lời Thùy Dương lên tiếng.
- Bài thơ này của ai vậy anh Hoài?
- Của thi sĩ Bùi Giáng...
Linh gật gù.
- Tôi có đọc thơ của ổng. Người ta nói ổng điên phải không anh Hoài?
- Tôi không biết... Nhiều khi người ta nói thi sĩ họ Bùi điên vì người ta không hiểu được ông ta nên nói ông ta điên. Không ai biết ông ta điên hay thơ của ông ta điên...
Buổi gặp gỡ chấm dứt lúc 9 giờ. Mọi người lục tục ra về. Hương và Hạnh cũng rút vào buồng riêng nhường chỗ cho đôi bạn tự do tâm tình.
Đèn dầu leo lét. Tiếng muỗi vo ve. Hai đứa ngồi trước hàng ba. Tiên Sa tựa đầu vào vai Hoài.
- Hoài mệt không?
- Không...
Vuốt ve bàn tay người bạn tình Tiên Sa cười lặng lẻ trong bóng tối:
- Hoài ốm hơn lúc trước...
- Tại nhớ Tiên Sa... Nhớ Tiên Sa không ăn được...
- Tiên Sa còn nhớ Hoài nhiều hơn... Nhớ tới độ muốn lên xe đi Sài Gòn để gặp Hoài. May là không có tiền đi...
- Nếu Hoài cho tiền Tiên Sa có đi thăm Hoài không?
- Thôi Tiên Sa không lấy đâu. Hoài để dành tiền hè này về Châu Bình gặp Tiên Sa lâu hơn...
- Hè năm nay Hoài sẽ đem theo xe đạp...
- Chi vậy Hoài?
- Để mình đi chơi... Hoài sẽ chở Tiên Sa đi Ba Tri. Tiên Sa có tới Ba Tri chưa?
- Chưa...
- Còn Thạnh Phú...
- Cũng chưa...
- Tiên Sa học thi tới đâu rồi?
- Cũng kha khá. Tiên Sa đã làm xong hết phần toán của cuốn sách luyện thi trung học của Hoài đưa cho. Tết này về nhà Tiên Sa sẽ năn nỉ má cho tiền mua sách khác...
- Hoài có tiền... Sáng mai mình đi ra chợ để mua sách cho Tiên Sa...
- Thôi... Tiên Sa không có tiền trả lại cho Hoài đâu.
- Gì mà thôi... Không có tiền thời Tiên Sa làm bà nội trợ của Hoài để trừ nợ...
Tiên Sa xoay người úp mặt vào ngực người bạn tình. Hoài vòng tay ôm thân hình mềm ấm của cô học trò tỉnh nhỏ. Mùi hương mù u thoang thoảng quyện với mùi hương của thân thể người con gái trong trắng hình thành thứ mùi hương kỳ diệu làm cho Hoài như mê đắm và rung động.
- Tiên Sa
- Dạ
Tiên Sa ngước lên nhìn Hoài như đợ, như chờ, như mong muốn, như ước ao. Hai khuôn mặt thật gần. Hơi thở nồng ấm. rộn ràng. Nụ hôn nổ bùng ra, chỉ bằng một sát na nhưng dài như một kiếp, dịu êm như nước sông Ba Lai, nhưng cuồng nộ như cơn bảo nhiệt đới đến từ vùng biển khơi mênh mông sóng vổ. Nụ hôn ngọt như nước dừa xiêm, dòn như ổi sắp chín, đầy hương hoa mù u nở trắng trong khu Rừng Đợi Chờ...
- Hoài ơi...
Tiên Sa thì thầm nhưng Hoài nghe được. Tiếng gọi tràn đầy thương yêu nhưng cũng là tiếng kêu của người con gái hồn nhiên sợ hãi một cái gì chưa sẵn sàng đón nhận. Tiên Sa mỉm cười nhìn người bạn tình cũng đang nhìn mình. Cơn mê đắm vụt thoát đi.
- Thôi mình vào nhà... Hoài sợ Tiên Sa bị lạnh...
- Cám ơn Hoài...
- Tiên Sa làm gì vậy?
Hoài hỏi khi thấy Tiên Sa giăng mùng, trải chiếu trên đất rồi đặt hai cái gối và cái mền cũ.
- Giường chỉ đủ cho một đứa nằm. Tiên Sa không thể để Hoài ngủ dưới đất còn mình nằm trên giường cho nên hai đứa mình ăn chay nằm đất Hoài chịu không?
- Chịu...
Hai đứa nằm chung chiếu đắp chung mền và nắm tay nhau ngủ một giấc ngủ yên bình.
Sáng thức dậy sớm Hương mỉm cười khi thấy Hoài và Tiên Sa mỗi đứa quay mặt một hướng khác nhau nằm ngủ say sưa.
Chiều thứ bảy. Không có nhiều tiền nên hai đứa rủ nhau ra bờ sông Bến Tre đi bộ. Gió mát rợi. Dòng sông nước xanh lặng lờ chảy. Hàng cây sao cao ngất. Mấy trái sao rơi xuống gặp gió quay tít như chong chóng rồi bay thật xa. Con đường im vắng và sạch sẻ. Dinh tỉnh trưởng cất trên gò đất cao. Hàng rào sắt bao quanh. Hoa giấy nở rộ. Chiếc xe bán cà rem cây rung chuông leng keng.
- Sau này có gia đình Tiên Sa thích ở đâu nhất?
- Hoài thích ở đâu nhất?
- Ở Đà Lạt... Hoài vẫn thường mơ ước khi lớn lên sẽ dạy học ở Đà Lạt. có một ngôi nhà nhỏ trên đồi cao với vợ và ba đứa con. Sống một đời bình yên và lặng lẻ để viết văn làm thơ...
- Tiên Sa cũng mơ như Hoài chỉ có điều khác là Tiên Sa mơ có ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Ba Lai thôi. Đà Lạt chắc đẹp lắm hả Hoài?
- Đẹp và thơ mộng. Người ta thường bảo là xứ sương mù. Tuy nhiên ở đâu cũng được miễn là có Tiên Sa bên cạnh...
Tiên Sa hôn nhẹ vào má người bạn tình.
- Tiên Sa muốn ở gần ba má nhưng cũng tội nghiệp là Hoài sẽ không ở gần gia đình...
- Khi nào hết chiến tranh thời má của Hoài cũng dọn về quê ở Châu Bình...
- Vậy thì mình cất nhà ở chính giữa nhà của má Hoài và má của Tiên Sa...
- Ý kiến hay tuyệt... Chiều chiều mình khỏi nấu cơm dẫn con qua nhà bà ngoại hay bà nội ăn chực...
Tiếng cười của Tiên Sa lan trên sóng nước vì câu nói của Hoài.
- Cái mặt thấy ghét... Tối ngày cứ nghĩ tới ăn không hà...
- Ai bảo Tiên Sa cứ để Hoài nhịn thèm...
- Chứ không phải tại Hoài tham lam. Ăn bao nhiêu cũng không đủ...
Thấy chiếc xe bán trái cây trờ tới Hoài mua một ghim xoài tượng và trái cóc ngâm cam thảo.
- Ở Sài Gòn cũng có bán những thứ này nhưng không ngon bằng dưới mình...
Tiên Sa tách từng miếng cóc đút cho Hoài.
- Tiên Sa không ăn à?
- Hoài ăn đi cho đả thèm. Tiên Sa ăn hoài hà...
Cầm lấy cuốn Luyện thi trung học lên Hoài cười nói với Tiên Sa.
- Tại lúc đi anh mừng quá nên quên không đem cho Tiên Sa mấy cuốn sách nữa...
- Chắc Tiên Sa không cần nữa đâu. Tuy không phải là cây toán nhưng Tiên Sa nghĩ mình sẽ làm được đề toán không khó. Giờ chỉ còn gạo bài thêm như việt văn. lý hóa và vạn vật và sử địa thôi. Về nhà ăn Tết ba ngày là Tiên Sa sẽ trở lên liền...
- Ước gì Hoài ở cạnh Tiên Sa...
Cô gái làng Châu Bình an ủi.
- Hai đứa mình tuy ở xa nhau nhưng tâm hồn mình đã ở bên nhau suốt đời. Tiên Sa yêu Hoài và không có gì thay đổi được điều đó...
Tiên Sa nói trong lúc nhìn ra dòng sông nên Hoài không thấy được nước mắt ứa ra trên khuôn mặt của nàng.
- Tiên Sa
- Dạ...
- Tiên Sa khóc phải không?
- Dạ... Sao Hoài biết?
- Hoài nghe được tiếng khóc của Tiên Sa.
- Tại sao Tiên Sa khóc?
- Tiên Sa sợ... Tiên Sa sợ mất Hoài...
Hoài ôm Tiên Sa vào lòng rồi hôn lên mái tóc của nàng.
- Hoài yêu Tiên Sa. Tình yêu của chúng mình sẽ bền vững như dòng sông ngoài kia...
- Tiên Sa sợ có một điều gì sẽ xảy ra làm tan vỡ tình yêu của chúng mình. Hoài ơi Tiên Sa sợ...
Hoài ôm chặt Tiên Sa vào lòng như muốn truyền cho nàng chút tin tưởng và sức mạnh của mình.
- Tiên Sa đừng khóc... Tiên Sa cười cho Hoài vui đi...
- Dạ...
Tiên Sa mỉm cười dù khuôn mặt còn ràn rụa nước mắt. Lấy khăn lau nước mắt cho Tiên Sa Hoài cười:
- Tối rồi... Mình về nghe Tiên Sa...
- Dạ... Mình phải về cho Hoài nghỉ ngơi rồi sáng mai về Sài Gòn...
Tiên Sa cố dấu tiếng thở dài hắt hiu vì không muốn làm cho Hoài buồn. Ngang qua chợ Hoài rũ Tiên Sa ăn mì hay hủ tiếu nhưng nàng nhất định không chịu mà đòi về ăn cơm nguội với cá kho khô. Nàng biết Hoài không có nhiều tiền nhưng muốn làm cho nàng vui nên mới rủ ăn uống.
Ăn cơm xong hai đứa ngồi ngoài hàng ba dưới tàng cây trứng cá nói chuyện. Tiên Sa nói cho Hoài biết là nàng đang tập viết nhạc và sẽ cho Hoài xem vào hè năm nay. Hoài cũng nói cho Tiên Sa biết là mình sẽ mua tặng cho nàng món quà mừng nàng thi đậu trung học.
- Rủi Tiên Sa thi rớt rồi làm sao?
- Hoài tin là Tiên Sa sẽ thi đậu. Tiên Sa thông minh và chịu khó học thời nhất định phải đậu. mà còn đậu cao nữa. Bình thứ hay bình chẳng hạn...
- Hoài nói cho Tiên Sa mừng phải hôn. Tiên Sa mà rớt thời Hoài tính sao?
- Nếu Tiên Sa thi đậu thời Tiên Sa tính sao?
- Cá đi. Nếu Tiên Sa thi rớt thời Hoài phải cỏng Tiên Sa ra rừng mù u mỗi ngày. Chịu hôn?
- Chịu... Còn như Tiên Sa thi đậu thời Tiên Sa phải để cho Hoài hôn mười cái. Hôn chỗ nào cũng được à nghe. Hể đậu hạng thứ thời mười cái hôn. Bình thứ thời ba chục còn bình thời năm chục. Chịu không?
- Chịu...
Hoài đưa ngón tay trỏ ra và hai đứa ngoéo tay nhau.
- Hoài mua cái gì cho Tiên Sa?
- Chưa biết... Còn tùy hai điều kiện là Hoài có tiền nhiều hay ít và món quà mà mình định mua...
- Hoài đừng mua quà đắt tiền... Hoài làm việc cực nên để dành tiền đó xài riêng cho Hoài như mua quần áo, sách vở hay đi chơi với cô bồ Trưng Vương...
Hoài la tiếng thật lớn khi bị Tiên Sa nhéo vào hông một cái.
- Tiên Sa ghen lắm Hoài biết không?
- Biết... Hồi chiều Hoài thấy Tiên Sa ăn một lúc hai ba trái ớt hiểm. Người ta bảo mấy người ăn ớt ghen dữ lắm...
- Hoài không ghen à...
- Không...
- Phải hôn... Thử mới biết được... Bữa nào Tiên Sa đi với người khác cho Hoài ghen chơi...
- Tiên Sa mà làm được Hoài sẽ kêu Tiên Sa bằng chị suốt đời...
- Hoài tự tin dữ a...
- Hoài biết Tiên Sa yêu Hoài nhiều, nên không muốn làm người mình yêu phải buồn rầu hay khổ sở. Vì vậy mà Tiên Sa sẽ không chịu đi chơi với bất cứ người con trai nào ngoài Hoài...
Tiên Sa thở dài.
- Hoài nói trúng tim đen của Tiên Sa. Còn Hoài thời sao?
- Hoài cũng vậy. Thương Tiên Sa Hoài cũng đâu muốn làm Tiên Sa buồn khổ do đó Hoài sẽ không yêu ai...
- Cám ơn Hoài...
Tiên Sa hôn vào má người bạn tình
- Mình yêu nhau hoài nghe Hoài...
Hoài vuốt ve đôi vai gầy của Tiên Sa.
- Tiên Sa ốm quá... Đừng có ăn nước mắm kho quẹt nữa. Phải ăn thịt bò, thịt heo hay thịt gà hoặc tôm cá mới có chất bổ...
- Tiên Sa tiền đâu mà ăn thịt...
- Tiên Sa ăn thịt Hoài nè...
- Tiên Sa không muốn ăn thịt Hoài. Tiên Sa muốn nhai cái hồn của Hoài...
- Tiên Sa là chủ của nó từ lâu lắm rồi. Tiên Sa muốn làm gì cũng được. Tiên Sa muốn chiên, muốn xào, muốn nấu canh chua, kho khô là quyền của Tiên Sa...
Tiên Sa không thể nào nín cười được. Ngoài tính đam mê, lãng mạn trong tình yêu Hoài còn biết cách chọc cho nàng cười. làm cho nàng vui và quên lo âu.
- Đâu... Cái hồn của Hoài đâu đưa đây cho Tiên Sa...
Hoài áp mặt của người bạn tình vào chỗ trái tim đang đập của mình.
- Đó... Tiên Sa lấy đi...Lấy nấu cà ri đi. Nhớ cho hành tỏi, nước mắm và ớt thật cay để ăn cho Tiên Sa ghen nhiều hơn...
Cười ra nước mắt Tiên Sa hôn vào nơi có trái tim đang bắt đầu đập loạn nhịp và nhảy nhịp.
- Hoài ơi...
Tiên Sa vòng hai cánh tay nhỏ bé ghì chặt lấy người tình mà lòng cảm thấy êm ả và mừng vui như vừa tìm thấy một cái gì hiếm hoi và quý giá trong đời sống.