Nguyên tác: Miền Hoang Tưởng
Số lần đọc/download: 0 / 33
Cập nhật: 2023-09-04 21:35:40 +0700
Chương 6
Sao mãi em chẳng viết thư cho anh? Có gì đã xảy ra với em? Mấy đêm nay, anh luôn nằm mơ thấy những điều kinh khủng. Một con quỷ đầu trâu, tay cầm đinh ba bay đến, nó cười sặc sụa:
Ha ha! Chúa đã trừng phạt ngươi!
Loài quỷ dữ! Đừng ăn nói càn rỡ. Nào hỏi ta có tội lỗi gì mà ngươi dám đến quấy rầy ta.
Lỗi gì? Chúa đã đặt ra muôn phép tắc ở trần thế, tại sao ngươi dám chống lại những khuôn phép ấy? Chúa đã tạo ra xứ Thiên đàng làm niềm mơ ước cuồng dại cho con người, lấy đó làm cái đích vươn tới để con người, tự tu thân. Sao ngươi dám bổ bang cả xứ Thiên đàng? Nhạc điệu nhà thờ là tiếng nhạc trang nghiêm kính cẩn, giục con người quên mình vác thánh giá theo Chúa đến xứ bằng an, gọi con chiên lạc trên đồng vắng trở về đàn. Còn nhạc của ngươi là tiếng nhạc làm con người nghĩ về mình, vác cây thánh giá thiêng liêng lại cảm thấy nhọc nhằn, làm cho đàn chiên bảng lảng chậm chân, vừa bước vừa ngờ vực.
- Quỷ dữ! Ta đâu có ý muốn làm ngược lại ý Chúa. Ta chỉ muốn con người hạnh phúc, chỉ muốn con người thức tỉnh khỏi nỗi đau.
- Ngươi tưởng ngươi vô tội sao? Trên đời này chỉ có Chúa mới đem đến hạnh phúc cho con người. Chẳng cần ngươi làm việc ấy. Chỉ riêng ngươi suy nghĩ như vậy, tội cũng đang sa hỏa ngục. Vì tất cả những lý lẽ đó, ta phải trừng trị ngươi để cho sáng danh Chúa.
Con quỷ sừng trâu cầm đinh ba mồm há đỏ lòm, chồm đến bên anh. Anh thét lên, thét thật to và từ đó đêm nào anh cũng mất ngủ. Và anh luôn cầu mong em, mong em đến bên anh trong những đêm kinh hoàng. Phải chăng đó là những điềm gở báo tin cái gì chẳng lành đã đến với em hoặc sẽ đến với chúng ta? Phải chăng đó là sự trừng phạt vì anh đã xa em để đi tìm cái hạnh phúc huyễn tưởng không thể có ở đời? Hay là mẹ đã làm sao? Tại sao em cũng chẳng báo cho anh một lời biết thêm về sức khỏe của mẹ? Hay là lòng em đã có điều gì xa cách? Anh chẳng trách em, có gì xin em cứ nói. Anh có thể hy sinh hết thảy, miễn là em hạnh phúc. Anh không bao giờ có ý muốn ràng buộc em, vì anh hiểu khi anh rời bỏ sự bằng lặng để đi vào âm nhạc tức là anh đã phải chịu chấp nhận cái tiếng điên rồ của miệng thế, và do đó anh không có quyền bắt người đàn bà mà anh yêu quý, phải cùng chịu chung số phận lênh đênh của mình. Anh rất hiểu rằng, từ cái giờ phút, khi anh tự quyết định vận mệnh mình, thì từ đây anh không còn khả năng tạo ra một tổ ấm cho người đàn bà. Anh hiểu vậy, nhưng vẫn cố bấu víu lấy em. Anh can đảm nhưng cũng yếu đuối, anh bơ vơ giữa dòng sông: còn em là nguồn ai ủi cuối cùng, chẳng lẽ anh cũng buông nốt tay em sao? Thật mâu thuẫn, nhưng lòng anh là thế đó. Anh biết mình không thuộc về hạnh phúc, những vẫn cứ hy vọng hạnh phúc ở bên mình. Tha thứ cho anh những lời chua chát. Chẳng phải là những lời trách móc em, đây chỉ là những lời tâm sự, vì anh tin rằng dù em có xa anh, em vẫn là người độc nhất có thể đôi chút hiểu anh. Dù là tình thương, anh cũng không muốn tình thương là sợi dây ràng buộc.
Nói đi! Ngà ơi!
Em nói đi, dù lời ấy là lời xa cách.
Giấc mơ kinh hoàng gần đây nhất xảy ra đêm hôm qua. Đêm hôm qua, em đến với anh, đi cùng em có cả con vượn rừng, con bò sừng hươu, cả con nai chân gầy và cao. Con vượn thì hú. Nó định đàm thoại với anh qua tiếng hú man rợ, phiền muộn. Mỗi một tiếng hú của nó, tim anh lại bị đau nhói. Tiếng hú như lưỡi giáo lưỡi gươm. Con nai của em thì biết bay, đôi chân của nó chạy trên những đám mây. Còn con bò sừng hươu thì âu yếm liếm tóc em. Con quỷ đầu trâu lại hiện ra. Nó đứng đằng sau cười sằng sặc. Trông thấy nó, con vượn hú to rồi nhảy tót leo lên ngọn cây cao. Con nai thì sợ hãi bay vút lên trời, núp vào đám mây. Con bò cũng ngừng cái lưỡi vuốt ve âu yếm. Con quỷ tiến lại gần. Em vẫn đứng im sừng sững, nhìn vào mắt nó. Em hiền hòa nhưng nghiêm trang. Và con quỷ bỗng im tiếng cười thô kệch. Ôi! Rất cám ơn em. Rất cảm ơn đôi mắt của em.
Ngà ơi! Anh yêu em, vô cùng yêu em. Phải chăng tất cả những điều quái lạ đó là điềm báo về sự xa cách, sự vĩnh viễn xa cách của mình hay không?
Nói đi! Em hãy nói đi, Ngà ơi!
Anh.
Lá thư không gửi
Nghe nhạc
Bản sônát ánh trăng.
Bêthôven! Cám ơn Bêthôven – cái hài hòa tuyệt diệu
Chao ơi! Sao tôi sợ cái mức độ đến thế!
Cái gì của Bêthôven hãy trả lời cho Bêthôven.
Gặp gỡ giáo sư nhạc.
Giáo sư bảo tôi:
- Em hãy tự chế ngự mình. Hãy học hỏi cái tinh thần mức độ của người Pháp. Đừng thái quá. Trương Chi của em có cái giọng bí ẩn của kẻ chán đời. Đừng đi vào Trương Chi – một đề tài khó – một vực thẳm kề bên đỉnh núi cao. Khéo thì đứng trên đỉnh núi, không khéo thì sa xuống vực thẳm. Em có thể đứng trên đỉnh núi cao, cô độc như chim đại bàng không? Em có thấy choáng váng khi đưa mắt nhìn xuống vực thẳm không? Hãy chú ý! Sự choáng váng bên bờ vực thẳm cũng có lực hấp dẫn. Một ma lực để tạo nên những kỳ tích, nhưng cũng để làm tan xác. Hãy tự hiểu mình là kẻ bình thường.
- Liệu có cách nào để đứng mấp mé giữa vực thẳm và đỉnh núi cao không?
- Làm gì có trạng thái mấp mé.
- Có màu gì giữa màu đỏ và màu da cam không? Giữa màu da cam và màu vàng không? Giữa…
-???
Gặp gỡ Hưng
Xa nhà Hưng đã hơn một tháng, nay lại đến. Đáy túi không còn nổi một đồng xu. Lủi thủi, ngượng ngập, tần ngần trước cửa. Hưng trông thấy, tíu tít mời vào. Hưng nhặt gỗ vụn, gỗ củi vừa đóng xong một chiếc giường, anh khoe:
- Cậu vào mà xem, nhà mình khác hẳn.
- Đúng là khác!
Nhà Hưng bề ngoài vẫn như xưa nhưng bên trong đã bầy biện một kiểu khác. Hưng đưa tôi đến trước một chiếc giường mới đóng:
- Cậu xem có thích không? Vừa là đi văng, vừa là tủ sách, ban đêm lật tấm ván này xuống lại là giường ngủ. Mình đang làm một cải cách đồ đạc. Ôi chao! Sao căn nhà mình thấy bức bối, bề bộn, chỗ nào cũng là giường, là hòm, là chai, là lọ, là thùng, là chậu, là dây phơi quần áo, là sách vở… Lắm lúc cứ như điên lên vì lủng củng. Mình có tật hay thu thập, giữ gìn những vật dụng: lúc thì cái hòm gỗ thông cho con đựng quần áo, bốn đứa bốn cái hòm; lúc thì cái chai, lúc thì cái lọ để đựng nước mắm, xì dầu và mỡ… Mình đã làm một dợt tổng loại bỏ xem có thể vứt đi được những gì. Cuối cùng thấy chẳng vứt đi được cái gì ở nhà này cũng có việc của nó. Ví dụ miếng gỗ dán nham nhở ở xó nhà kia vứt nó đi cũng tiếc, chỉ một trận mưa dầm dề là nó có tác dụng ngay, nó sẽ tự được gài vào một chỗ dột nào đó…
Tôi cười:
- Nói chung nhà anh là một cái nhà đồng nát.
- Đúng đấy! Nhà “đồng nát” Cái nhà nghèo khốn, bức bối cũng làm con người trở nên “đồng nát”. Tôi… tôi cũng là thằng người “đồng nát”.
Cái vui vẻ, hào hứng lúc đầu của Hưng chợt biến mất. Anh nhìn cái giường mới sáng tạo rồi bùi ngùi:
- Mình lắm lúc sinh ra lẩm cẩm tủn mủn. Cái giường nay đóng chắp nhặt bằng những mảnh gỗ hòm gỗ củi chẳng qua cũng chỉ là thứ giường “đồng nát”. Thế mà mình lại kiêu ngạo về nó, phấn hứng vì nó từ mấy hôm nay. Thật thảm hại!
Hưng cười rồi ngồi phịch xuống ghế. Tôi cố gắng an ủi:
- Dù sao cũng là một niềm vui nhỏ. Chúng mình là loại người thích di động… biến đổi… Tôi thèm được như anh. Dù sao những việc làm nho nhỏ của anh cũng lành mạnh, nó còn thực sự đem lại cho anh một chút di động. Còn tôi, lúc nào cũng thấy bối rối, bứt rứt. Tôi muốn làm một việc nhỏ gì đó, nhưng tôi lại không có một gia đình để được dùng bàn tay của mình mà chăm sóc.
Vợ Hưng là một người đàn bà béo, cái béo hiền, béo ngốc nghếch, béo rất đàn bà. Chị là một người sinh ra để làm mẹ và vợ. Thế giới của chị là Hưng, là những đứa con. Nỗi vui buồn của chị là hàm số biến thiên theo những vui buồn của gia đình. Những câu nói cửa miệng của chị:
- Anh Hưng ơi! Sao hôm nay thằng bé không chịu ăn cơm.
- Anh Hưng ơi! Ở nhà trông con, em đi xếp hàng mua cá phiếu.
- Hồng ơi! Ra mẹ tắm cho. Mặt mũi mày nghếch ngoác trông đến gớm.
- Hoàng ơi! Đừng đi chơi nữa, mày sốt rồi. Vào bảo bố cho uống thuốc.
Vân vân và vân vân.
Chị Hưng đón tiếp tôi cũng lịch sự như mọi khi, nhưng cứ cảm thấy có cái gì gờn gợn trong tôi. Tôi tự nhủ: Tâm của kẻ khốn cùng, của một thằng ăn mày. Tôi vào bữa cơm ngày thứ nhất. Tôi ăn hai bát rưới xì dầu. Nhà có bát canh khoai tây nấu mỡ, tôi không dám động đũa. Chị Hưng đon đả, giơ tay đón bát định xới cho tôi bát thứ ba, tôi cố chối từ. Tôi đứng dậy thoáng nhìn người đàn bà hơi cúi đầu xuống. Không kịp nhìn con mắt chị chỉ còn thấy một thoáng hiện của bộ mặt… Lẽ nào một sự mừng… Tôi thoáng nhận xét rồi lại ân hận ngay vì những ý nghĩ bậy bạ của mình. Con chị Hưng đều đã lớn choai choai, gia đình thanh bạch, nhưng lũ trẻ ăn uống rất chậm. Chị dỗ cô con gái lớn ăn từng miếng cơm:
- Hoàng ơi! Ăn hộ mẹ một tý nữa nào. Con gầy lắm. Khoai tây còn nhiều đấy, con thích cơ mà? Ăn đi, ăn đi!
Chị dỗ thằng bé út:
- Còn mấy miếng sườn kho, cho con tất. Con vừa sốt dậy, phải cố ăn mới được.
Có cái gì phiền muộn không xác định nổi trong tôi. Tôi không dám ngồi nhìn gia đình chị ăn nữa.
Khi vào bữa cơm ngày thứ hai, thì nỗi phiền muộn trong tôi lại càng tăng. Và miếng cơm vào miệng, cảm thấy cổ họng như tắc lại. Người đàn bà vẫn rất đon đả. Chị lại mời bát cơm thứ ba, tôi lại từ chối, và đầu chị lại cúi xuống. Khi tôi đứng dậy thì Hưng liền nhìn tôi và hỏi một câu rất ngốc nghếch:
- Cậu ốm hay sao?
Những bữa cơm ngày thứ ba đến với tôi như cực hình. Ngày ấy là ngày ăn tươi của gia đình Hưng. Chị Hưng mua phiếu được nửa cân thịt. Tôi đi phố về bắt gặp cả nhà đang tíu tít mừng vui. Tiếng nói líu lo của thằng út bàn về bữa thịt sắp tới. Tiếng cười sung sướng của người mẹ, tiếng cười của người đàn bàn béo ròn rã và hả hê.
Khi tôi đặt chân vào nhà thì đột nhiên cường độ tiếng cười bỗng giảm đi. Tôi rất nhạy về âm lượng và âm sắc của âm thanh, chúng thường hàm chứa những ý nghĩa tình cảm rất tinh tế. Và thế là tôi đột nhiên ngượng ngập. Tôi định kiếm cớ rút lui, thì đúng lúc đó Hưng đi chơi cũng mò về. Hưng kiên quyết bắt tôi ở lại ăn cơm.
Bữa cơm bỗng dưng trở nên lịch sự khác thường. Cái lịch sự làm tôi bối rối. Chị Hưng vẫn ngọt ngào dỗ cô con gái lớn:
- Con gái đến tuổi thì phải chăm ăn uống mới được.
- Cô ăn hộ tôi miếng thịt nạc này, cô sợ béo ra phải không?
- Cậu út có ăn tóp mỡ không? Cả nhà nhường mày tất.
Hưng chĩa cặp kính trắng quan sát bát thịt kho, chọn một miếng to nhất, nạc nhất gắp vào bát tôi. Tôi định gắp trả lại, nhưng Hưng không cho. Trong khi chúng tôi còn đu đẩy như thế, thì tôi bất thình lình quay sang và bắt gặp cặp mắt chị Hưng. Tôi giật mình sợ hãi. Chao ôi! Đôi mắt đầy vẻ hằn thù. Chỉ thoáng thôi, cái ánh mắt hằn học ấy lại lẩn đi ngay. Chị lại định đon đã với tôi, nhưng có vẻ chị ngượng, nên cúi xuống. Tôi chợt nhận ngay cái vẻ cúi đầu mà những bữa cơm mấy hôm trước tôi đã gặp. Miếng cơm tôi lùa vào miệng đột nhiên khô khong khỏng, nhạt nhẽo. Tôi nghĩ thầm:
“Mình ngu xuẩn quá! Chị ấy căm thù mình là phải. Tại sao lại đến ăn cướp miếng cơm, miếng thịt của con chị? Ta có quyền gì? Một kẻ ăn xin sao được phép ngồi cùng mâm… Chị căm thù, ta cũng không nên trách. Hãy tự trách mình. Tại sao anh lại sống đến nỗi chẳng có miếng cơm mà ăn. Anh chị Hưng đều tốt, nhưng họ còn một đàn con. Anh ấy có thể chia sẻ những gì anh có, nhưng ta không có quyền được nhận”.
Tôi đóng một màn kịch, giả vờ đau bụng, đứng dậy. Vẻ mặt ngây ngô của tôi lúc ấy làm cho mọi người tưởng thật. Tôi đi ra sân. Tôi đứng dưới gốc cây một lúc. Và tại tôi lại nghe thấy một giọng cười sung sướng từ trong nhà vọng ra. Lại thấy tiếng trẻ bi bô. Đáng lẽ ra, tôi phải lịch sự chờ cho xong bữa cơm rồi vào uống nước nữa. Tôi xấu hổ và buồn phiền bước nhanh ra khỏi nhà Hưng. Tôi đi thất thiểu, mình lại giật mình, mình lại thương mình, mình lại xỉ vả mình…
Tiếng đàn
Đàn ơi! Nghĩ cho cùng, chỉ có người là thương ta nhất. Người là người bạn của ta: người bạn không nói, nhưng lại nói nhiều nhất. Tôi ngồi trước đàn dương cầm, vừa đánh, vừa suy nghĩ. Anh Trương Chi xưa hát tiếng đàn thoáng âm, những thoáng buồn, nhưng thoáng âm, những thoáng biến trong giọng hát đò đêm – cái gì tí tách hay mưa dầm dề, hay trái tim ứ máu. Đám cưới âm thanh; tiếng dương cầm giầu có như tiếng của rừng, tiếng sáo trúc lửng lơ cánh diều, tiếng đàn tứ minh tinh tế, tiếng vĩ cầm cô công chúa diễm kiều, tiếng đàn bầu cô Mị Nương u buồn tế nhị, tiếng trống bồng đon đả hội mùa, tiếng thập lục thánh thót ngày mưa.
Mị nương ơi, cánh hoa trắng ngần của ta ơi!
Trong đêm trăng, đò ta bơi trên sông… chơi vơi…
Ta bơi về đâu?
Có phải ta bơi về nơi chiếc đèn lồng trên lầu hoa soi bóng.
Tiếng hát ta:
Những giọt mưa thập lục quấn quít lầu hoa.
Tiếng hát ta:
Những giọt sương đàn bầu la đà
Mị nương ơi!
Ta muốn đem về cho em, cho em, một đêm sương mù trên sông.
Ngàn vạn giọt sương lóng lánh trăng tà.
Bầu trời sao cũng là quà của ta.
Cả đến con sông bạc bao la…
Và nỗi man mác buồn mà ta không hiểu…
Mị nương ơi! Cánh hoa trắng ngần của ta ơi!
Cháu Lê nói:
Tiếng đàn của cậu, cháu không hiểu hết nhưng thấy thích.
Tại sao thích?
Cháu được thấy ở đây cả niềm vui, cả nỗi buồn, cả cái cháu yêu, cả cái cháu ghét. Tiếng đàn có lúc tưởng như tiếng đàn bầu, nhưng có lúc lại đúng là tiếng dương cầm. Nó giống như lúc cậu mắng cháu, những có lúc lại như khi cậu cháu tâm sự. Bố cháu thường nhắc: Ngày nay, con người phải biết tự giấu mình đi. Có lẽ cháu thích tiếng đàn này, vì ở đây cậu không giấu được cậu…
Tôi ngạc nhiên thốt lên:
- Trời ơi! Cháu tôi ma mãnh thế.
Gặp họa sĩ Minh
- Anh vẽ gì đấy?
- Bà mẹ đang chắp tay cầu Chúa.
- Tại sao bên cạnh lại có đứa trẻ.
- Con bà mẹ. Đứa trẻ thơ ngây. Đứa bé lên sáu tuổi kia đang tự đặt câu hỏi: “Tại sao cầu chúa mẹ lại phải chắp tay?”
- Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên với Chúa.
Chờ đợi
Đêm nay tôi chờ đợi gì? Nỗi khắc khoải làm tôi nhức nhối. Chẳng ai hẹn tôi đêm nay, vậy tôi chờ cái gì? Hay là chờ Ngà đến trong giấc mơ? Buồn phiền chưa! Cả trong giấc mơ Ngà cũng không thèm đến. Hay là chờ đợi một lá thư của Ngà? Cô ấy đã quên tôi rồi. Dù còn nhớ, tôi chắc Ngà cũng phải cố quên đi. Nghĩ đến mất Ngà, tôi bừng bừng tức giận. Tôi như thấy mình bị ăn cướp. Kẻ cướp đang lấy đi cái gì đẹp nhất, quý nhất, lại là niềm ai ủi cuối cùng của đời tôi. Vừa nghĩ như thế xong, tôi lại phủ nhận ngay những ý nghĩ của mình. Tôi chới với giữa hai dòng sông hy vọng và thất vọng.
Trên thực tế, có lẽ tôi đang chờ đợi sự thất vọng phũ phàng đến gõ cửa. Họa là điên mới có sự đợi chờ như vậy. Song cũng chẳng phải điên. Đúng là có điều không vui sắp đến. Tôi tiên cảm như vậy. Chẳng nhận được thư Ngà, xong tôi vẫn cố nín lại những ảo tưởng hão huyền bằng cách nhớ lại những kỷ niệm đẹp ngày xưa. Những ảo tưởng ấy sẽ tan vỡ hết khi tôi gặp gỡ Mai. Tôi đoán chắc là thế. Tôi lại còn có thể tiên đoán được rõ ràng cuộc gặp gỡ giữa tôi và Mai sẽ như thế nào. Cuộc gặp gỡ giữa thằng kẻ cướp và người bị cướp. Mai sẽ cướp mất Ngà của tôi. Một đám cướp ngày, một trận cướp ngọt ngào. Ôi! Người đàn bà đẹp nhất trần gian của tôi sẽ bị tàn phá. Sẽ bị lừa dối, sẽ bị biến thành ngốc nghếch và mù quáng. Mai sẽ thắng tôi. Vì anh ta là sức mạnh, còn tôi là nhân hậu; vì anh ta là lý trí cuồng nộ, còn tôi chỉ là yêu thương; vì anh ta là ngôi sao chổi rực rỡ hào quang, còn tôi chỉ là một ánh sao mờ nhạt dịu dàng.
Không! Ngàn lần không! Tôi chẳng thèm chờ đợi cái quả đắng cay ấy.
Vậy, tôi chờ đợi cái gì?