Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: Fleurs De Ruine
Dịch giả: Hoàng Lam Vân
Biên tập: Nguyễn Linh Nhi
Upload bìa: Nguyễn Linh Nhi
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2023-07-22 21:46:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
uyết biến thành bùn trên các vỉa hè, hàng rào sắt quanh khu phế tích Cluny[11] trước đó có những quầy bán hàng tạm bợ, những cây cối trần trụi, tất tật các âm điệu xám và đen ấy mà tôi còn giữ được kỷ niệm khiến tôi nghĩ tới Violette Nozière. Cô hay hẹn gặp nhiều người tại một khách sạn trên phố Victor-Cousin, gần trường Sorbonne, và tại Palais du Café, đại lộ Saint-Michel.
Violette là một phụ nữ tóc nâu nước da tái mà báo chí thời đó so sánh với một bông hoa hiểm ác và mệnh danh “cô gái thuốc độc”. Ở quán Palais du Café cô làm quen với những sinh viên giả danh vận áo veston bó quá sát người và đeo kính gọng đồi mồi. Cô nói với họ là mình đang đợi một món thừa kế và hứa với họ đủ mọi thứ huyền diệu trên đời: những chuyến du lịch, những chiếc xe Bugatti... Chắc hẳn cô từng bắt gặp, trên đại lộ, cặp vợ chồng T. vừa đến sống tại căn hộ nhỏ trên phố Fossés-Saint-Jacques.
Lùi xuống một chút so với Palais du Café, trên vỉa hè đối diện, một cô gái hai mươi tuổi, Sylviane, chơi bi da trên tầng hai của quán Cluny. Cô không tóc nâu và da không tái như Violette, mà tóc màu auburn, và có làn da hẳn người ta có thể gọi là: Ái Nhĩ Lan. Chắc cô sẽ không ở lại lâu trong làn xám xịt khu Latin. Sớm thôi, hẳn người ta sẽ thấy cô ở faubourg Montmartre, quán Fantasio, rồi thì quán bi da trên đại lộ Capucines. Sau đó cô hẳn sẽ hay lai vãng Cercle Haussmann[12], phố Michodière, nơi hẳn cô sẽ gặp được những người bảo trợ. Những món quà, đồ trang sức, cuộc sống dễ dàng, các tàu ngựa ở Neuilly... Đầu thời Chiếm đóng, hẳn cô sẽ cưới một người nào mê mệt mình, nghèo túng nhưng sở hữu tước vị hầu tước của Đế chế[13]... Hẳn cô sẽ có các kỳ lưu trú dài ở vùng tự do, Côte d’Azur, và hẳn chủ tịch của Hiệp hội Các Khu Tắm biển Monaco sẽ thuộc vào số những người ngưỡng mộ cô. Cuộc trở về vùng tạm chiếm của cô... Cuộc gặp với một người tên là Eddy Pagnon trong hoàn cảnh kỳ cục ấy... Nhưng, vào mùa xuân năm 1933, cô vẫn còn sống ở nhà mẹ cô, tại Chelles, Seine-et-Marne, và cô hay lên Paris bằng chuyến tàu thuộc tuyến Meaux đưa cô đến Ga Đông. Theo một lời chứng mà những người điều tra thu được, một trong hai phụ nữ đã lôi kéo cặp vợ chồng T. tới Le Perreux có mái tóc auburn và có vẻ không quá hai mươi tuổi. Cô ta sống ở ngoại ô phía Đông. Nhưng cô ta có tên là Sylviane không?
Người ta tìm lại được cô mười một năm sau đó, vào mùa xuân năm 1944, trong một căn phòng của khách sạn nhỏ trên ke Austerlitz. Ở đó cô đợi cái tay Eddy Pagnon kia, kẻ, từ tháng Năm, vận chuyển rượu vang lậu từ Bordeaux lên Paris.
Những buổi tối phải đi lại giữa Paris và Bordeaux, ông ta đỗ chiếc xe cam nhông đối diện với khách sạn, trên vỉa hè của bờ ke, dưới bóng hai hàng tiêu huyền. Ông ta lên phòng với cô. Sắp đến lúc đèn đóm tắt hết. Tiếng gầm gào xa xa của tàu điện ngầm trên cầu Bercy chốc chốc quấy nhiễu sự im lặng. Qua cửa sổ của hành lang dẫn vào căn phòng, người ta còn thấy rõ, trong hoàng hôn, các đường sắt của nhà ga Austerlitz, nhưng chúng hoang vu và người ta tự hỏi hay nhà ga đó đã bị bỏ hoang mất rồi.
Họ ăn tối bên dưới, trong quán cà phê. Cửa và các cửa sổ kéo rèm che kín vì có lệnh giới nghiêm. Chỉ có họ là khách trong quán. Người ta phục vụ họ một bữa ăn có xuất xứ chợ đen và ông chủ khách sạn, lúc trước mải gọi điện thoại đằng sau công toa, tới ngồi cùng bàn với họ. Pagnon thực hiện công việc chuyên chở từ Bordeaux tới Paris để phục vụ cho ông ta, người sở hữu một nhà kho, ngay gần đó, trên ke Saint-Bemard, Halle aux vins[14]. Sau bữa tối, ông chủ khách sạn giao vài chỉ thị cuối cùng cho Pagnon. Cô đi cùng ông ta ra đến xe cam nhông, trên ke Austerlitz. Động cơ phì phò một lúc lâu, rồi chiếc xe mất hút vào bóng tối. Thế là, cô quay trở lại khách sạn, nằm lên cái giường ngổn ngang. Một cái giường gắn các thanh gióng đồng. Những bức tường dán một thứ giấy cũ vẽ hoa hồng. Một quãng lơ lửng. Cô từng biết đến những căn phòng khách sạn cùng loại, khi còn rất trẻ, và không còn quay về Chelles để ngủ trong căn nhà bé tí xíu của mẹ cô.
Cô sẽ đợi ông ta cho đến tối mai. Ông ta sẽ lái chiếc cam nhông đến nhà kho tại Halle aux vins để người ta dỡ đồ trên đó xuống rồi đi bộ từ ke Saint-Bernard tới khách sạn. Trong căn phòng thảm hại đó, cô tìm lại được décor của hồi hai mươi tuổi. Còn tôi, một kỷ niệm tuổi nhỏ quay trở lại với tôi: Lucien P. to béo phục phịch trong một cái phô tơi da phòng làm việc của bố tôi. Từng có ngày tôi nghe thấy họ nhắc đến cái cô Sylviane với mái tóc auburn kia. Có phải Lucien to béo là người đã giới thiệu cô cho bố tôi? Hay ngược lại? Theo một lời mà bố tôi từng nói với tôi, ông cũng từng hay lai vãng khu Latin, vào đầu thập niên ba mươi, cùng giai đoạn và cùng độ tuổi với Violette Nozière và Sylviane; và có lẽ ông đã quen với Sylviane tại chỗ chơi bi da quán Café de Cluny.
Xa hơn ke Austerlitz một chút, về phía cầu Bercy, Magasins généraux của Paris[15] còn tồn tại chăng? Mùa đông năm 1943, bố tôi đã bị nhốt vào đó, vốn dĩ là địa điểm phụ của trại Drancy. Một tối nọ, có người đến giải thoát cho ông: Eddy Pagnon, hồi ấy thuộc vào cái mà về sau này người ta sẽ gọi là băng đảng phố Lauriston? Quá nhiều sự trùng hợp làm cho tôi tin điều ấy: Sylviane, ông béo Lucien... Tôi đã thử tìm xưởng sửa xe nơi Pagnon từng làm việc trước chiến tranh và, giữa những mẩu thông tin mới mà tôi vừa thu thập được xung quanh ông ta, có chi tiết sau đây: bị quân Đức bắt vào tháng Mười một năm 1941 vì đã qua mặt bọn họ trong một áp phe áo gió trên chợ đen. Bị giam ở nhà tù Santé. Được phóng thích bởi Chamberlin tức “Henri”. Bắt đầu làm việc cho hắn, phố Lauriston. Rời băng đảng phố Lauriston ba tháng trước Giải phóng. Rút về Barbizon cùng người tình, nữ hầu tước d’A. Ông ta sở hữu một con ngựa đua cùng một cái xe ô tô. KIẾM ĐƯỢC CHÂN TÀI XẾ TRÊN MỘT CHIẾC XE CAM NHÔNG ĐỂ VẬN CHUYỂN RƯỢU VANG TỪ BORDEAUX ĐẾN PARIS.
Sau khi ra khỏi Magasins généraux, tôi tự hỏi bố tôi đã đi theo con đường nào trong cảnh đèn đóm tắt ngấm. Chắc ông cảm thấy ngây độn vì vẫn còn toàn mạng.
Trong số tất tật các khu phố của Tả ngạn, cái vùng nằm giữa cầu Bercy và các rào sắt của Jardin des Plantes đối với tôi vẫn là nơi tối tăm hơn cả. Người ta tới nhà ga Austerlitz vào ban đêm. Và ban đêm, chỗ này thoảng mùi rượu vang và mùi than. Tôi để nhà ga cùng những khối bóng tối đó, dọc sông Seine, mà người ta gọi là “Khu Cửa hàng bến Austerlitz”, lại sau lưng. Những đèn pha xe ô tô hoặc đèn pin mà người ta cầm trên tay rọi sáng vài mét bờ ke Saint-Bernard, trước mặt. Giờ đây trộn vào với mùi rượu vang và mùi than có thêm mùi cành lá của Jardin des Plantes và tôi nghe thấy tiếng kêu của một con công cùng những tiếng gầm con báo gấm và hổ. Những cây tiêu huyền cùng sự im lìm của Halle aux vins. Một sự mát mẻ như ở trong hầm bao bọc lấy tôi. Người ta lăn một cái thùng tô nô ở đâu đó, và tiếng ồn chết chóc ấy đi xa dần. Dường như người ta đã xây dựng ở chỗ Halle aux vins các tòa nhà lớn bằng bê tông, nhưng có căng hết cả mắt trong bóng tối thì tôi cũng chẳng nhìn thấy chúng.
Hoa Của Phế Tích Hoa Của Phế Tích - Patrick Modiano Hoa Của Phế Tích